Tin nóng
07.09.2013
PV: Có nhiều ý kiến cho rằng quý I vừa qua, trong khi tăng trưởng tín dụng chưa tới 1% mà tăng trưởng GDP vẫn gần 5% là điều khó hiểu, vì lâu nay tăng trưởng GDP của chúng ta vẫn dựa vào tăng trưởng vốn đầu tư. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS. Đỗ Thức: Trước hết, cần hiểu rằng mức tăng trưởng tín dụng chưa đến 1% ở đây là tín dụng cho vay của các ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Dư nợ tín dụng không chỉ phụ thuộc vào doanh số cho vay mà còn phụ thuộc vào doanh số thu nợ của các ngân hàng. Đành rằng ngân hàng thương mại là một kênh rất quan trọng trong việc cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh, nhưng không phải là kênh duy nhất.

Bởi lẽ, vốn phục vụ sản xuất kinh doanh còn được huy động từ các nguồn: Vốn tự có của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất; vốn vay lẫn nhau của những đơn vị sản xuất kinh doanh; vốn của dân cư đầu tư trực tiếp cho sản xuất kinh doanh.

Những nguồn vốn trên được huy động không qua hệ thống ngân hàng (theo kết quả điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ đầu tư từ nguồn vốn tự có so với vốn vay trong giai đoạn hiện nay là 1,15-1,35/1).

Hai là, trong điều kiện kinh tế-xã hội nước ta hiện nay, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào vốn và lao động (tốc độ tăng TFP còn rất khiêm tốn), nghĩa là về cơ bản muốn tốc độ tăng GDP cao thì tăng đầu tư cao. Nói quan hệ đó là nói trong khoảng thời gian dài, nhiều năm, vài năm, hoặc chí ít cũng phải là một năm. Còn trong một quý mà lại là quý I mà rút ra nhận xét như vậy là chưa thỏa đáng. Ta còn nhớ, quý I/2012 tăng trưởng tín dụng giảm 1,2% mà GDP vẫn tăng 4,75%.

Nhiều nước cũng tính GDP như Việt Nam

PV: Ông có thể cho biết việc tính toán tốc độ tăng GDP dựa trên các nguồn hay cơ sở nào? Một số chuyên gia cho rằng cách tính GDP của Việt Nam là cách tính về phía cung, cần kiểm tra chéo bằng cách tính về tổng cầu. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

TS. Đỗ Thức: GDP được tính theo: (1) Phương pháp sản xuất; (2) Phương pháp sử dụng cuối cùng; (3) Phương pháp thu nhập.

Ở Việt Nam hiện nay, căn cứ vào các kênh thông tin thống kê thu thập thì GDP được tính theo phương pháp sản xuất cho quý và năm.

Phương pháp sử dụng cuối cùng đang được áp dụng tính toán GDP cho năm, việc áp dụng tính toán cho quý đang trong thời gian thử nghiệm. Nhiều nước trên thế giới cũng tính GDP như Việt Nam hiện nay.

GDP địa phương còn chịu áp lực của “bệnh thành tích”

PV: Có thực tế là số liệu thống kê GDP của Tổng cục với các cơ quan thống kê địa phương "vênh nhau" khá lớn. Bên cạnh đó số liệu thống kê giữa các bộ, ngành, địa phương cũng còn thiếu nhất quán. Điều này có ảnh hưởng tới tính chính xác của các số liệu như thống kê về GDP? Theo ông đâu là nguyên nhân và Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp gì để chấn chỉnh hiện trạng này?

TS. Đỗ Thức: Thực tế hiện nay có sự chênh lệch giữa số liệu GDP cả nước và GDP của các địa phương (tỷ lệ tăng GDP của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều cao hơn cả nước) hoặc có sự khác nhau về số liệu một số chỉ tiêu thống kê giữa Tổng cục Thống kê với các bộ, ngành như tỷ lệ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo.

Tôi giải thích rõ hơn về sự khác nhau này như sau:

Về chênh lệch số liệu GDP giữa trung ương và địa phương: Tổng cục Thống kê tính GDP cho phạm vi cả nước theo phương pháp sản xuất, không trên cơ sở cộng đơn thuần số liệu GDP của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Các Cục Thống kê tính GDP cho cấp tỉnh chủ yếu để đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê phục vụ sự lãnh đạo, điều hành kinh tế-xã hội của lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp. Vì vậy, sự chênh lệch trên không ảnh hưởng đến tính chính xác của số liệu GDP cả nước.

GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô với phương pháp luận phù hợp cho việc tính toán đối với toàn nền kinh tế. Vì vậy, phần lớn các nước chỉ tính GDP cho phạm vi quốc gia, có một số nước cũng tính GDP cho phạm vi cấp tỉnh giống Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan…

Về khái niệm, nội dung, phương pháp tính và nguồn thông tin đầu vào tính GDP cả trung ương và địa phương đều thống nhất theo quy định của Hệ thống tài khoản quốc gia 1993. Tuy nhiên, thực tế có sự tính trùng giữa các địa phương, do điều kiện hiện nay chưa thu thập được đầy đủ thông tin để bóc tách riêng biệt cho từng địa phương đối với một số lĩnh vực kinh doanh có các chi nhánh trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố hoặc đối với các lĩnh vực hạch toán toàn ngành như điện, hàng không, đường sắt, ngân hàng, bưu chính-viễn thông, bảo hiểm...

Mặt khác, việc tính chỉ tiêu tăng trưởng GDP của nhiều địa phương còn chịu áp lực từ “bệnh thành tích” của lãnh đạo địa phương.

Tổng cục Thống kê đang triển khai Đề án “Khắc phục chênh lệch số liệu GDP giữa trung ương và địa phương” nhằm bảo đảm tính hợp lý giữa số liệu cả nước và số liệu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đây là công việc phức tạp, khó khăn và Tổng cục Thống kê cho rằng quá trình triển khai Đề án rất cần sự quan tâm chỉ đạo và phối hợp tốt của các cấp, các ngành trên tinh thần số liệu thống kê tính toán được phản ánh sát tình hình thực tế.

Về chênh lệch số liệu một số chỉ tiêu giữa Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành, thực tế Tổng cục Thống kê tính toán các chỉ tiêu trên cơ sở phương pháp luận của thống kê quốc tế. Sự khác nhau giữa số liệu của Tổng cục Thống kê và số liệu của bộ, ngành chủ yếu do khái niệm, nội dung chỉ tiêu và phạm vi tính toán khác nhau.

 

Số lần đọc: 1620
Theo Báo điện tử Chính phủ
Tin liên quan