Tin nóng
08.02.2014
Sáng 7-2, tại khu công nghiệp (KCN) Thạnh Lộc (xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, Kiên Giang), Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) và Bộ Công thương đã tổ chức lễ khởi công xây dựng bốn nhà máy gồm: Nhà máy gỗ MDF Kiên Giang, Nhà máy may Vinatex Kiên Giang, Nhà máy bia Sài Gòn Kiên Giang và Nhà máy giày TBS Kiên Giang.

Dự án đầu tiên được khởi công là Nhà máy chế biến gỗ MDF Kiên Giang (thuộc VRG) có tổng vốn đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng. Dự án được triển khai xây dựng trên diện tích 8,55ha, công suất chế biến 75.000 m3 gỗ MDF/năm, sử dụng công nghệ ép liên tục, thời gian xây dựng dự kiến 28 tháng.

Để sản xuất một mét khối gỗ MDF, ước tính cần khoảng 3,5 m3 gỗ nguyên liệu, chính vì vậy tỉnh Kiên Giang đã giao cấp cho VRG 4.746 ha đất để trồng rừng, mức đầu tư cho vùng nguyên liệu này là trên 130 tỉ đồng. Ước đoán sau khi đi vào hoạt động, nhà máy này sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương mỗi năm trên 50 tỉ đồng.

Dự án thứ hai là Nhà máy bia Sài Gòn - Kiên Giang (thuộc Tổng công ty bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn – Sabeco) được xây dựng trên diện tích 3,99ha, tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng với dây chuyền công nghệ sản xuất bia hiện đại, đồng bộ. Công suất sản xuất của nhà máy khi hoàn thành là 50 triệu lít bia/năm. Thời gian từ lúc khởi công cho đến khi nhà máy đi vào hoạt động dự kiến khoảng 12 tháng.

Lãnh đạo Sabeco khẳng định Nhà máy bia Sài Gòn – Kiên Giang sẽ sử dụng phần lớn lao động từ khâu sản xuất, phân phối, vận chuyển, tiếp thị… đều là người địa phương.

Dự án thứ ba là Nhà máy giày TBS Kiên Giang (thuộc Công ty CPĐT Thái Bình) có tổng mức đầu tư 1.200 tỉ đồng, chia thành hai giai đoạn. Tổng công suất của cả hai giai đoạn (hoàn thành vào năm 2016) vào khoảng 15 triệu đôi giày/năm, sản phẩm sẽ được xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ và EU.

“Chúng tôi sẽ sử dụng khoảng 12.000 công nhân tại Nhà máy TBS Kiên Giang, cho nên cái lo lớn nhất của chúng tôi hiện nay là thiếu lao động, chứ không phải lo thiếu đơn hàng. Rất mong tỉnh Kiên Giang sẽ giúp chúng tôi giải quyết tốt vấn đề này” – ông Nguyễn Đức Thuấn – Chủ tịch HĐQT TBS – nói.

Dự án thứ tư là Nhà máy may Vinatex Kiên Giang (Tổng công ty đầu tư phát triển Vinatex thuộc Tập đoàn dệt may VN) được xây dựng trên diện tích 3,65ha. Sản phẩm của dự án là áo veston và quần âu phục vụ xuất khẩu. Dự án có tổng mức đầu tư 150 tỉ và thực hiện làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1: Trong năm thứ nhất đầu tư xây dựng nhà máy may gồm tám chuyền veston và bảy chuyền quần âu, tạo 1.000 chỗ làm. Kết thúc giai đoạn hai (vào cuối năm thứ hai) nâng quy mô lên 18 chuyền veston, 16 chuyền quần với tổng cộng 2.225 chỗ làm cho người lao động, tạo doanh thu 200 tỷ đồng/năm và dự kiến nộp ngân sách nhà nước 2,3 tỷ đồng/năm.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng gần một nửa lao động nước ta làm nông nghiệp, nhưng chỉ tạo ra 1/5 giá trị kinh tế chung, cho nên có thể thấy nông dân ta vẫn nghèo. Để giải quyết vấn đề này, thì các  tỉnh/thành phải đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Với việc khởi công bốn nhà máy lớn, Thủ tướng nhận định Kiên Giang đã có tiền đề rất tốt để chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong những năm sắp tới.

Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh Kiên Giang phải quan tâm làm tốt công tác đào tạo nghề, đảm bảo cung ứng đủ lao động có tay nghề cho các nhà máy.

Tại buổi lễ, các doanh nghiệp đã ủng hộ 600 triệu đồng để giúp Kiên Giang triển khai các hoạt động an sinh xã hội thiết thực tại địa phương như: xây dựng nhà tình nghĩa, xây dựng đường giao thông nông thôn, quỹ vì người nghèo...

Hoài Anh

Số lần đọc: 2163
Theo Kiengiang.gov.vn
Tin liên quan