Tin nóng
16.09.2016

Trả lời:  

Những điểm mới của Luật thống kê 2015 đã giải quyết những bất cập cơ bản sau:

1. Đối với thực tiễn đang vận động của đời sống kinh tế - xã hội

a) Về phạm vi điều chỉnh: Luật thống kê 2015 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật thống kê 2003, cụ thể:

- Luật thống kê 2003 điều chỉnh: (i) Hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê, hệ thống tổ chức thống kê nhà nước; (ii) Điều tra thống kê của tổ chức, cá nhân ngoài Hệ thống thống kê nhà nước.

- Luật thống kê 2015 điều chỉnh: (i) Hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước; tổ chức thống kê nhà nước; (ii) Hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê ngoài thống kê nhà nước.

b) Về đối tượng áp dụng:

- Luật thống kê 2003 quy định các đối tượng áp dụng cụ thể.

- Luật thống kê 2015 quy định rõ ba nhóm chủ thể trong hoạt động và sử dụng thông tin thống kê, tức là 3 nhóm đối tượng áp dụng để phù hợp với tình hình thực tế và pháp luật hiện hành, gồm: (i) Cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin; (ii) Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thống kê; (iii) Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin thống kê.

c) Về mục đích của hoạt động thống kê:

- Luật thống kê 2003 quy định trong lời nói đầu.

- Luật thống kê 2015 quy định rõ mục đích của hoạt động thống kê (Điều 4).

d) Về những nội dung quan trọng khác:

Chương I. Những quy định chung của Luật thống kê 2015 có những quy định riêng cho hoạt động thống kê nhà nước và hoạt động thống kê ngoài thống kê nhà nước, gồm:

+ Nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê và sử dụng dữ liệu, thông tin thống kê (Điều 5).

+ Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê (Điều 10).

+ Kinh phí cho hoạt động thống kê (Điều 9).

2. Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với công tác phân tích, hoạch định và điều hành chính sách

 - Luật thống kê 2003 không quy định danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Luật thống kê 2015 (Điều 17) đã quy định cụ thể về hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và có Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia kèm theo Luật, trong đó đã bổ sung các chỉ tiêu thống kê đáp ứng yêu cầu sau đây: (i) Phản ánh được tình hình kinh tế - xã hội của quốc gia; (ii) Phù hợp với thực tiễn Việt Nam; (iii) Phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

- Luật thống kê 2003 không quy định về phân tích và dự báo thống kê; quy định chưa đầy đủ về phổ biến thông tin thống kê.

Luật thống kê 2015 bổ sung Điều 45 về phân tích và dự báo thống kê; Điều 49 về phổ biến thông tin thống kê nhà nước.

- Luật thống kê 2003 quy định còn thiếu và chưa rõ về quan hệ và sự phối hợp giữa các hệ thống thông tin thống kê nhà nước.

Luật thống kê 2015 bổ sung hoàn chỉnh các quy định về hệ thống thông tin thống kê nhà nước (từ Điều 12 - Điều 16, Chương II); nêu rõ trách nhiệm của bộ, ngành trong quản lý hệ thống thông tin thống kê; trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tổ chức, điều phối việc kết nối, cung cấp dữ liệu, thông tin giữa các hệ thống thông tin thống kê nhà nước.

- Luật thống kê 2003 quy định chưa đầy đủ việc sử dụng thông tin từ nguồn dữ liệu hành chính của các bộ, ngành cho hoạt động thống kê nhà nước; chưa quy định rõ về tiếp cận với cơ sở dữ liệu của các cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê.

Luật thống kê 2015 đã bổ sung các quy định tại Mục 2 Chương III. Sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước (từ Điều 36 - Điều 39); bổ sung quy định về sử dụng cơ sở dữ liệu thống kê do cơ quan thống kê trung ương quản lý (Điều 53, Điều 54).

3. Đáp ứng yêu cầu đổi mới, tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác thống kê trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế

- Luật thống kê 2003 chưa quy định rõ về thẩm quyền của cơ quan thống kê trung ương trong việc thẩm định về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê đối với hệ thống chỉ tiêu thống kê, phân loại thống kê do bộ, ngành xây dựng; số liệu của chỉ tiêu thống kê quốc gia do bộ, ngành thực hiện thu thập, tổng hợp.

Luật thống kê 2015 bổ sung các quy định về: Thẩm định hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành (Điều 20); thẩm định phân loại thống kê ngành, lĩnh vực (Điều 26); thẩm định số liệu thống kê của bộ, ngành trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (Điều 47).

- Luật thống kê 2003 chưa quy định hoặc chưa rõ ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến, công nghệ thông tin - truyền thông và hợp tác quốc tế trong hoạt động thống kê nhà nước; sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê.

Luật thống kê 2015 bổ sung Chương V: Nghiên cứu, ứng dụng phương pháp thống kê, công nghệ thông tin - truyền thông và hợp tác quốc tế trong hoạt động thống kê nhà nước (từ Điều 50 - Điều 52); Mục 2 Chương III: Sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước.

- Luật thống kê 2003 chưa quy định trách nhiệm của bộ, ngành đối với các chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; thẩm quyền công bố thông tin thống kê đối với hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Luật thống kê 2015 bổ sung các quy định về trách nhiệm của bộ, ngành đối với các chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (Điều 46); quy định chi tiết về các mức độ số liệu thống kê công bố và thẩm quyền công bố thông tin thống kê nhà nước (Điều 48).

4. Sửa đổi, bổ sung quy định về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng thông tin thống kê

- Sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê và sử dụng dữ liệu, thông tin thống kê (Điều 5).

- Sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê (Điều 10).

- Bổ sung các quy định về điều chỉnh, bổ sung Danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (Điều 18); điều chỉnh, bổ sung hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành (Điều 21).

- Biên soạn theo hướng phân tách những nội dung quan trọng của hoạt động thống kê thành cấp quốc gia và cấp bộ, ngành để phân định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện:

+ Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (Điều 17): Quy định Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia.

+ Bổ sung quy định về phân loại thống kê quốc gia (Điều 24): Nêu rõ các phân loại thống kê quốc gia.

+ Bổ sung quy định về tổng điều tra thống kê quốc gia (Điều 29): Nêu rõ tên các cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia.

+ Bổ sung quy định về sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước (Điều 36): Nêu rõ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu bộ, ngành mà dữ liệu từ đó được cung cấp cho cơ quan thống kê trung ương để sử dụng cho hoạt động thống kê nhà nước.

+ Bổ sung quy định về chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia (Điều 41): Nêu rõ đối tượng thực hiện chế độ báo cáo thống kê.

- Bổ sung một số điều khoản nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người thực hiện thu thập, tổng hợp thông tin thống kê:

+ Bổ sung quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ của điều tra viên thống kê (điểm a khoản 1 Điều 34).

+ Bổ sung quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ của tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê (điểm a khoản 1 Điều 44).

+ Bổ sung Điều 59. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan thống kê trung ương trong việc sử dụng số liệu, thông tin thống kê nhà nước, đặc biệt quy định tại khoản 2 “Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra việc sử dụng số liệu, thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê quốc gia, chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã được cấp có thẩm quyền công bố”.

+ Bổ sung Mục 2 Chương III. Sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước nhằm tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có, tăng tính chính xác, kịp thời của thông tin thống kê, tiết kiệm chi phí và giảm phiền hà, gánh nặng cho người cung cấp thông tin và người thu thập thông tin thống kê.

+ Bổ sung các mức độ của số liệu thống kê được công bố nhằm minh bạch hóa việc công bố thông tin thống kê của cơ quan thuộc hệ thống thống kê nhà nước. Các mức độ của số liệu gồm: số liệu thống kê ước tính (khoản 17 Điều 3), số liệu thống kê sơ bộ (khoản 16 Điều 3), số liệu thống kê chính thức (khoản 15 Điều 3).

+ Bổ sung quy định về lịch phổ biến thông tin thống kê nhà nước (khoản 4 Điều 49) là biểu thời gian ấn định việc phổ biến thông tin thống kê thuộc các hệ thống chỉ tiêu thống kê do người có thẩm quyền công bố thông tin thống kê xây dựng và công khai nhằm minh bạch hóa việc công bố thông tin thống kê.

+ Bổ sung một điều quy định về tham khảo ý kiến người sử dụng thông tin thống kê nhà nước (Điều 60) để nâng cao chất lượng thông tin thống kê và hoàn thiện công tác thống kê của hệ thống thống kê nhà nước.

- Bổ sung các quy định về ưu tiên, khuyến khích của nhà nước trong hoạt động thống kê nhà nước:

+ Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu hành chính phục vụ yêu cầu quản lý và hoạt động thống kê nhà nước (khoản 4 Điều 36).

+ Nhà nước ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến trong hoạt động thống kê theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ của đất nước (khoản 1 Điều 50).

+ Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông tiên tiến trong hoạt động thống kê nhà nước (khoản 1 Điều 51).

+ Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông cung cấp các sản phẩm, dịch vụ về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong hoạt động thống kê (khoản 2 Điều 51).

Số lần đọc: 1626
Cục Thống kê Kiên Giang
Tin liên quan