Tin nóng
02.07.2020

Sáu tháng đầu năm 2020, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của hạn hán, xâm nhập mặn và Đại dịch Covid-19. Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời đối với các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nhờ đó tình hình kinh tế - xã hội tỉnh ta có phát triển, nhưng tốc độ tăng trưởng chậm hơn so cùng kỳ. Với việc gỡ bỏ phong tỏa xã hội do tác động của dịch Covid-19 sớm hơn dự kiến (cuối tháng 4/2020 so với dự kiến cuối tháng 5/2020), dự báo tăng trưởng kinh tế (GRDP) tỉnh ta 6 tháng đầu năm lên con số 3,03%, cao hơn so với dự báo kịch bản tăng trưởng trước đó là 1,96%.

Tình hình sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản do thời tiết thuận lợi nên có mức tăng trưởng khá; đời sống nhân dân được cải thiện, dịch bệnh được kiểm soát; an ninh chính trị, an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, tình hình Đại dịch Covid-19 diễn ra rất nghiêm trọng, phức tạp, đã ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội cũng như tâm lý người dân trong xã hội, đặc biệt là lĩnh vực thương mại, dịch vụ gặp rất nhiều khó khăn như khách du lịch đến địa phương giảm mạnh, nhất là khách quốc tế dẫn đến doanh thu của các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm theo; hoạt động kinh doanh bất động sản có phần bị chựng lại; một số sản phẩm công nghiệp như: mặt hàng Bia, Xi măng, chế biến thủy, hải sản… giảm so cùng kỳ; một vài nguồn thu còn đạt thấp... cụ thể như sau

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP)

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 (giá so sánh 2010) ước tính 32.458,91 tỷ đồng, đạt 45,24% kế hoạch năm, tăng 3,03% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn tăng trưởng 6 tháng đầu năm của các năm 2016 - 2019[1]. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,76%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,12% và khu vực dịch vụ tăng 0,73%.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng tăng 4,76% so cùng kỳ, đóng góp cho tăng trưởng chung khu vực I

tăng 1,70 điểm phần trăm, trong đó: Giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp 8.195,09 tỷ đồng, tăng 4,14% so cùng kỳ (tăng 1,07%), đóng góp tăng trưởng 1,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản ước đạt 3.502,27 tỷ đồng, tăng 6,46% (giảm 3,50%), đóng góp tăng trưởng là 0,67 điểm phần trăm. Tăng trưởng khu vực I giảm so với cùng kỳ 0,43%, chủ yếu là do ngành thủy sản giảm 3,50% nguyên nhân là giá trị khai thác hải sản giảm 2,24%, giá trị nuôi trồng tăng 16,56% (tăng 1,07% so cùng kỳ) vẫn không thể bù đắp được.

Khu vực công nghiệp và xây dựng: Tổng giá trị tăng thêm ước tính 6.350,89 tỷ đồng, đạt 44,86% kế hoạch, tăng 4,12% so cùng kỳ (năm 2019 tăng 7,38%), đóng góp tăng trưởng chung khu vực II là 0,80 điểm phần trăm, trong đó lĩnh vực công nghiệp ước đạt 4.126,87 tỷ đồng, tăng 3,25% so cùng kỳ, đóng góp tăng trưởng là 0,41 điểm phần trăm. Ở khu vực II tốc độ tăng trưởng giảm so cùng kỳ (giảm 3,27%), chủ yếu là ngành công nghiệp chế biến giảm 6,13% so cùng kỳ dẫn đến khu vực này đạt thấp.

Khu vực dịch vụ: Tổng giá trị tăng thêm ước tính 13.131,90 tỷ đồng, đạt 41,12% kế hoạch, tăng 0,73% so cùng kỳ, đóng góp cho tăng trưởng chung 0,30 điểm phần trăm. Khu vực III tốc độ tăng trưởng giảm so cùng kỳ là 7,47% (Mức tăng thấp nhất từ trước đến nay), Hầu hết các ngành dịch vụ do ảnh hưởng kép của dịch bệnh Covid-19 và Nghị định 100/NĐ-CP nên đều có mức tăng thấp hơn so với năm 2019; đặc biệt các ngành như: Dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 12,81%; dịch vụ du lịch giảm trên 50%; vận tải tăng 0,61%...đã làm giá trị tăng thêm khu vực này chỉ tăng 0,73% so cùng kỳ.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm nay, tiếp tục chuyển dịch bền vững theo định hướng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 35,50% GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 19,59%; khu vực dịch vụ chiếm 41,27%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,63% (Cơ cấu tương ứng cùng kỳ năm 2019 là: 34,73%; 19,87%; 40,04%; 5,35%).

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2020, trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn, mùa khô năm nay xâm nhập mặn xuất hiện sớm và sâu hơn mùa khô năm trước và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Tình hình chăn nuôi do ảnh hưởng Dịch tả lợn Châu phi nên sản lượng thịt heo giảm mạnh. Điều kiện thời tiết nắng nóng bất thường nên xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi; Tình trạng tàu cá của tỉnh Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài trái phép tiếp tục còn xảy ra; nắng nóng diễn ra, gây khô hạn cục bộ tại số địa phương, nhất là trên địa bàn huyện Phú Quốc nên đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng; Tình trạng lấn, chiếm đất rừng vẫn tiếp tục tái diễn…

Tuy nhiên, trước sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với các ngành chức năng trong việc theo dõi, chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch lúa vụ Đông Xuân, phòng chống dịch bệnh. Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; quản lý, vận hành các công trình thủy lợi điều tiết nguồn nước hợp lý phục vụ cho sản xuất và nước sinh hoạt cho nhân dân phát huy hiệu quả nên sản lượng thu hoạch vụ lúa Mùa và Đông Xuân đạt khá cao so kế hoạch và tăng so cùng kỳ; Lĩnh vực thủy sản mặc dù còn gặp nhiều khó khăn vẫn duy trì phát triển ổn định…Cụ thể từng lĩnh vực như sau:

a) Nông nghiệp

Diện tích gieo trồng của 2 vụ lúa (vụ Mùa và vụ Đông xuân) là 352.447 ha, đạt 49,57% kế hoạch cả năm, giảm 0,20% so cùng kỳ; năng suất thu hoạch đạt 6,93 tấn/ha, sản lượng 2.444.116 tấn, đạt 56,91% so kế hoạch cả năm, tăng 5,88% so với năm trước (tăng 135.795 tấn so với 2 vụ năm trước). Kết quả từng vụ:

Diện tích gieo trồng lúa mùa được 62.610 ha, đạt 94,86 % kế hoạch, giảm 2,29% (giảm 1.465 ha) so với năm trước. Kết thúc thu hoạch, năng suất đạt 5,14 tấn/ha, sản lượng 321.816 tấn, tăng 0,79% so vụ mùa năm trước (tăng 2.525 tấn).

Vụ Đông Xuân toàn tỉnh gieo trồng được 289.837 ha, vượt 0,29% kế hoạch, tăng 0,26% (tăng 743 ha). Kết thúc thu hoạch, năng suất đạt 7,32 tấn/ha, tăng 6,43% so cùng kỳ (tăng 0,44 tấn/ha); Sản lượng đạt 2.122.300 tấn, tăng 6,70% (tăng 133.270 tấn). Diện tích, năng suất, sản lượng lúa vụ đông xuân năm nay đều tăng so với cùng kỳ, đồng thời lại được mùa, được giá giúp nông dân có lãi sau thu hoạch nên bà con rất phấn khởi và an tâm đầu tư để gieo trồng hết diện tích lúa vụ hè thu sắp tới.

Tính đến 16/6/2020, các địa phương trong tỉnh đã gieo trồng lúa Hè Thu được 248.131 ha, đạt 87,37% so với kế hoạch. Diện tích bị nhiễm sâu bệnh là 16.970 ha.

Tính từ đầu năm đến nay, bà con nông dân gieo trồng các loại cây màu như: Dưa hấu trồng 1.125 ha, đạt 80,36% kế hoạch năm, tăng 2,27% so cùng kỳ; khoai lang 785 ha, đạt 52,33% so kế hoạch, tăng 1,29%; rau đậu các loại 6.224 ha, đạt 65,52% so kế hoạch, giảm 9,47%...

Tình hình chăn nuôi đang hết sức khó khăn trước diễn biến của dịch bệnh, trong khi dịch tả heo Châu Phi chưa dứt thì nguy cơ tái phát cúm gia cầm đã xuất hiện. Theo kết quả điều tra thống kê chăn nuôi thời điểm 01/4/2020, tổng số đàn trâu hiện có 4.234 con, giảm 15,49% so cùng thời điểm năm trước (giảm 776 con); Đàn bò 11.507 con giảm 7,25% (giảm 899 con); Đàn heo hiện có 178.867 con, giảm 45,94% (giảm 151.987 con). Đàn trâu, bò, heo, gia cầm đều giảm so với cùng kỳ nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, mặc khác do nhu cầu tiêu dùng nên hộ chăn nuôi đã bán, giết thịt với số lượng tương đối lớn, ngày 22/4/2020 Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ký quyết định số 993/QĐ-UBND công bố hết dịch bệnh Dịch tả heo (lợn) Châu Phi trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, hoạt động chăn nuôi heo từng bước được phục hồi, tuy nhiên giá heo hơi khá cao, không ổn định, tình trạng thiếu hụt con giống, giá thành cao (từ 2- 3 triệu đồng/con) nên người chăn nuôi còn thận trọng trong việc đầu tư tái đàn, do đó việc phục hồi sản xuất chăn nuôi đàn heo còn chậm.

* Tình hình phát triển nuôi chim Yến:

Đến nay, toàn tỉnh hiện có 2.856 hộ nuôi chim yến, tăng 654 hộ so cùng kỳ. Các địa phương có số nhà nuôi chim yến phát triển mạnh như: thành phố Rạch Giá 854 hộ; thành phố Hà Tiên 370 hộ, huyện Kiên Lương 266 hộ; Hòn Đất 646 hộ; Châu Thành 272 hộ…Sản lượng yến sào thu hoạch 6 tháng đầu năm ước đạt 8.568 kg, tăng 29,15% so cùng kỳ 2019.

b) Lâm nghiệp

Thời tiết năm nay, nắng nóng kéo dài, khô hạn gay gắt, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, các ngành chức năng đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về phòng chống cháy rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát chống chặt phá rừng nhằm hạn chế thiệt hại. Trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh đã xảy ra 41 vụ cháy lớn, nhỏ có liên quan đến đất rừng, đất nông nghiệp giáp rừng gồm (huyện Giang Thành 2 vụ/20,22 ha; Kiên Hải 2 vụ/0,25 ha; Phú Quốc 33 vụ/32,83 ha; Hòn Đất 4 vụ/561,53 ha), với tổng diện tích cháy 614,82 ha, trong đó rừng phòng hộ 284,8 ha; rừng đặc dụng 20,33 ha; rừng sản xuất 309,69 ha.

c) Thủy sản

Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 2010):  Giá trị sản xuất khai thác và nuôi trồng 6 tháng ước đạt 15.360,84 tỷ đồng, đạt 48,41% so kế hoạch, tăng 6,46% so với cùng kỳ.

Tổng sản lượng thủy sản (khai thác và nuôi trồng) 6 tháng đầu năm ước đạt là 403.058 tấn, đạt 53,39% kế hoạch năm, tăng 1,25% (tăng 4.957 tấn) so với cùng kỳ năm 2019. Chia ra:

Sản lượng khai thác 6 tháng ước được 290.127 tấn, đạt 58,61% kế hoạch, giảm 3,19% (giảm 9.556 tấn) so cùng kỳ. Sản lượng khai thác các loại hầu hết đều giảm so cùng kỳ, do việc khai thác hiện nay gặp rất nhiều khó khăn như ngư trường bị thu hẹp, nguồn lợi thủy sản giảm nên đánh bắt không hiệu quả dẫn đến thiếu nguồn lao động, nhiều phương khai thác bị thua lỗ kéo dài nên không đi đánh bắt. Toàn tỉnh hiện có 9.861 tàu cá được quản lý, đăng ký, đăng kiểm, trong đó tàu có chiều dài từ 15 mét nước trở lên là 3.987 tàu cá. Tính đến ngày 30/5/2020 có 3.361/3.987 tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Sản lượng nuôi trồng 6 tháng ước được 112.931 tấn, đạt 43,44% kế hoạch, tăng 14,75% (tăng 14.513 tấn) so cùng kỳ năm trước, tăng chủ yếu là tôm các loại tăng 19,52% (tăng 7.568 tấn), trong đó: tôm sú tăng 11,10% (tăng 2.456 tấn); tôm thẻ chân trắng tăng 31,18% (tăng 3.676 tấn)…Tình hình nuôi trồng 6 tháng đầu năm sản lượng tăng cao và tăng đều ở các loại thủy sản nuôi là do tăng diện tích thả nuôi và đang vào mùa thu hoạch (tháng 5, tháng 6). Đồng thời sản lượng tôm tăng là do nhân dân nuôi xen canh, gối vụ nên năng suất cao hơn, các diện tích tôm thẻ nuôi công nghiệp đang vào kỳ thu hoạch. Diện tích thả nuôi tôm nước lợ 6 tháng đầu năm được 126.751 ha các loại, đạt 96,98% kế hoạch, tăng 2,99% so cùng kỳ.

3. Sản xuất công nghiệp

Nhìn chung, từ đầu năm đến nay các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vẫn hoạt động ổn định, chưa có doanh nghiệp nào tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19 và Nghị Định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như đầu ra sản phẩm của hàng hóa như: Giầy dép xuất khẩu[2], Bia [3], Gỗ[4],Vật liệu xây dựng[5]Về công nghiệp Chế biến thủy sản: tại thị trường Châu Âu và Nhật Bản do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhiều đơn hàng thủy sản đã bị tạm giãn giao dịch và các đối tác nhập khẩu chưa tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng mới. Với những khó khăn trên, các doanh nghiệp phải điều chỉnh lại phương án sản xuất để giảm tồn kho, dẫn đến giá trị sản xuất ngành chế biến có tăng nhưng không như kỳ vọng. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp đang có kế hoạch chuyển sang tiêu thụ nội địa nên lượng hàng tồn kho tháng 6 có giảm so với các tháng trước đó.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): Tính chung 6 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 2,07% so cùng kỳ năm trước, trong đó ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 5,69%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước đá tăng 1,43%; ngành chế biến, chế tạo tăng 1,96%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) 6 tháng, ước tính đạt 23.075,05 tỷ đồng, đạt 44,63% kế hoạch năm, tăng 3,11% so với sùng kỳ.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 6 tháng có tăng so cùng kỳ như mặt hàng giày da tăng 7,70%; Gỗ MDF tăng 3,81%; Điện thương phẩm tăng 14,72%; nước máy tăng 7,46%, mực đông tăng 1,12%. Nhưng cũng còn nhiều sản phẩm giảm so cùng kỳ như: Bia các loại đạt 27,02% kế hoạch, giảm 43,15% so cùng kỳ; Bột cá đạt 39,76% kế hoạch, giảm 18,90% so cùng kỳ; Bao bì PP đạt 36,04% kế hoạch, giảm 35,12% so cùng kỳ...

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Sáu tăng 3,03% so tháng trước và tăng 9,92% so với cùng tháng năm trước. Một số ngành chỉ số tiêu thụ tăng so với tháng trước như sản xuất đồ uống tăng 10,96%, sản xuất chế biến tôm đông tăng 27,78%, sản xuất xi măng tăng 4,31%...

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Sáu giảm 3,58% so với tháng trước, tăng 6,42% so cùng tháng năm trước. Một số ngành chỉ số tồn kho giảm so với tháng trước như sản xuất đồ uống giảm 4,96%, sản xuất chế biến Mực đông giảm 3,16%, sản xuất xi măng giảm 0,60%...

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tháng Sáu tăng 2,11% so với tháng trước; tăng 10,21% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động ngành chế biến, chế tạo tăng 11,65%.

4. Hoạt động của doanh nghiệp

Qua 6 tháng đầu năm, tình hình đăng ký hoạt động các loại hình doanh nghiệp cũng có xu hướng phát triển chậm lại như số doanh nghiệp thành lập mới giảm so cùng kỳ, số doanh nghiệp tạm ngưng lại tăng hơn cụ thể như: Số doanh nghiệp được thành lập mới là 601 doanh nghiệp, giảm 71 DN so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký 6.447,03 tỷ đồng, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới chủ yếu là loại hình công ty TNHH 100 vốn DN và hầu hết ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ; Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động là 319 doanh nghiệp, tăng 107 DN so cùng kỳ; Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 157 DN, giảm 31 DN so cùng kỳ; Số Doanh nghiệp giải thể 101 doanh nghiệp, giảm 18 DN so cùng kỳ (các doanh nghiệp giải thể chủ yếu DN kinh doanh nhỏ, kinh doanh không hiệu quả).

5. Hoạt động dịch vụ

5.1 Thương mại – dịch vụ

Nhìn chung, thị trường bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ dự báo 6 tháng tăng trưởng thấp so với cùng kỳ, là do ảnh hưởng kép của Đại dịch Covid-19 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ làm cho doanh thu của hầu hết các loại hình dịch vụ đều giảm và đạt thấp so với cùng kỳ. Trong đó dịch vụ lưu trú, ăn

uống và du lịch lữ hành giảm mạnh, nhất là trong tháng 3, 4. Thậm chí trong tháng 4 doanh thu du lịch lữ hành không phát sinh doanh thu.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng ước tính 50.520,05 tỷ đồng, đạt 41,50% kế hoạch, tăng 0,28% so với cùng kỳ. Chia theo ngành như

Tổng mức bán lẻ hàng hóa 6 tháng ước tính 37.591,70 tỷ đồng, đạt 42,36% kế hoạch, tăng 4,16% so cùng kỳ; Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống 6 tháng ước đạt 6.876,19 tỷ đồng, đạt 38,56% kế hoạch, giảm 12,61% so với cùng kỳ; Doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng ước đạt 81,01 tỷ đồng, đạt 16,15% kế hoạch, giảm 65,27% so cùng kỳ; Doanh thu dịch vụ khác 6 tháng ước đạt 5.971,14 tỷ đồng, đạt 40,67% kế hoạch, giảm 3,50% so cùng kỳ.

5.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu: Tính chung 6 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu dự kiến 350,05 triệu USD, đạt 44,88% kế hoạch, tăng 18,03% so với cùng kỳ năm trước.[6]

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu: Tính chung 6 tháng, trị giá hàng hóa nhập khẩu ước thực hiện 80 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 78% so cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dùng cho sản xuất, trong đó chủ yếu là nguyên liệu để sản xuất giày da.

5.3  Công tác quản lý thị trường

Trong 6 tháng, ngành quản lý thị trường đã kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm 991 vụ đạt 124% kế hoạch 6 tháng (trong đó: kế hoạch định kỳ 650 vụ, kế hoạch chuyên đề 24 vụ, đột xuất 317 vụ) giảm 17% so với cùng kỳ năm trước; phát hiện 281 vụ vi phạm, giảm 34 vụ bằng 11% so cùng kỳ, xử lý 298 vụ vi phạm hành chính (bao gồm số vụ kỳ trước chuyển sang); chuyển xử lý hình sự 02 vụ. Thu nộp ngân sách 5,1 tỷ đồng, đạt 129% kế hoạch 6 tháng (trong đó: phạt hành chính 4,3 tỷ, bán tang vật tịch thu 800 triệu đồng). Các vụ vi phạm chủ yếu là hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại.

5.4 Vận tải

Trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng tình hình chung của Đại dịch Covid-19 nên khối lượng vận tải hành khách giảm mạnh so với cùng kỳ; vận chuyển hàng hóa tuy vẫn hoạt động bình thường trong thời gian giãn cách xã hội nhưng cũng bị ảnh hưởng là do việc vận chuyển các loại hàng hóa dùng cho sản xuất như hàng xuất khẩu, xi măng, Clinker đi các tỉnh và qua Campuchia giảm cũng làm giảm khối lượng vận chuyển. cụ thể như sau:

Doanh thu vận tải 6 tháng đạt 6.241,1 tỷ đồng, giảm 0,90% so cùng kỳ.

Vận tải hành khách: 6 tháng ước đạt 31,97 triệu lượt khách, đạt 32,37% kế hoạch, giảm 26,19% so cùng kỳ; luân chuyển 2.250,15 triệu HK.km, đạt 34,67% kế hoạch, giảm 28,45%[7].

Vận tải hàng hóa: Tính chung 6 tháng ước tính 5,54 triệu tấn, đạt 39,57% kế hoạch, giảm 8,38% so cùng kỳ; luân chuyển 768,35 triệu tấn.km, đạt 38,79% kế hoạch, giảm 7,47% so cùng kỳ[8].

Giao thông nông thôn: Ước tính đến 30/6/2020 đã đầu tư xây dựng 203,36 km/382 km đường giao thông nông thôn, đạt 53,24% so kế hoạch năm; nâng tổng số km đường GTNT trên địa bàn tỉnh được cứng hóa là 6.180 km/7.084 km đạt 87,25%.

5.5. Du lịch

Trong bối cảnh chung của đại dịch Covid-19, tình hình hoạt động du lịch Kiên Giang cũng chịu ảnh hưởng nặng nề chưa từng có, nhất là trong tháng 2 và tháng 3 hiện tượng hủy tour, hủy phòng xảy ra liên tục, đặc biệt vào tháng 4 do giãn cách xã hội, hoạt động du lịch hoàn toàn bị đóng cửa, doanh thu không phát sinh từ đó, dẫn đến lượng khách du lịch 6 tháng đầu năm giảm đáng kể đối với cả khách quốc tế và khách nội địa. Hiện nay, tuy tình hình dịch bệnh ở trong nước đã được kiểm soát nhưng khách du lịch nội địa còn tâm lý e ngại, còn khách quốc tế vẫn đang bị kiểm soát chặt chẻ nên lượng khách đến tỉnh ta chưa nhiều.

Tính chung 6 tháng, tổng lượt khách du lịch đến Kiên Giang là 1.949,97 ngàn lượt khách, đạt 20,90% kế hoạch, chỉ bằng 43,62% so cùng kỳ năm trước. Trong đó lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch là 653,48 ngàn lượt khách, đạt 14,22% kế hoạch, chỉ bằng 33,11% so cùng kỳ. Trong đó số khách quốc tế 153,33 ngàn lượt khách, đạt 20,44% kế hoạch, chỉ bằng 36,92% so với cùng kỳ.

6. Hoạt động ngân hàng

Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm tăng trưởng thấp. Huy động vốn có sự tăng trưởng nhưng tỷ trọng tăng thấp hơn cùng kỳ. Ước tính tổng nguồn vốn hoạt động đạt 96.100 tỷ đồng, tăng 1,16% so đầu năm (cùng kỳ năm 2019 tăng 6,03%) và tăng 8,52% so cùng kỳ. Trong đó: Vốn huy động tại địa phương ước đạt 50.800 tỷ đồng, tăng 0,56% so đầu năm (cùng kỳ năm 2019 tăng 2,9%) và tăng 7,49% so cùng kỳ, chiếm 52,86% tổng nguồn vốn.

Các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn mặn; đẩy mạnh cho vay đối với các lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 như cho vay nông nghiệp, nông thôn, sản xuất kinh doanh các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu; tăng cường cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống góp phần hạn chế “tín dụng đen”; chủ động tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Ước đến 30/6/2020, doanh số cho vay đạt 65.000 tỷ đồng (trong đó, khoảng 87% doanh số cho vay là phục vụ SXKD); dư nợ cho vay 80.500 tỷ đồng, tăng 0,31% so đầu năm (cùng kỳ năm 2019 tăng 7,9%) và tăng 8,73% so cùng kỳ. Tăng cường các biện pháp xử lý nợ xấu hiện hữu, kiểm soát chất lượng tín dụng. Do đó, nợ xấu nội bảng được kiểm soát với tỷ lệ dưới 2% (đến cuối tháng 6/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước đạt 1,18%); nợ rủi ro theo dõi ngoại bảng ước đạt 900 tỷ đồng.

7. Đầu tư phát triển

Dự kiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm là 23.347,70 tỷ đồng, đạt 48,64% kế hoạch, tăng 1,24% so cùng kỳ. Chia ra: Vốn đầu tư phát triển do địa phương quản lý 21.926,88 tỷ đồng, đạt 49,41% kế hoạch, tăng 3,16%; vốn đầu tư của Bộ ngành quản lý 1.420,81 tỷ đồng, đạt 39,19% kế hoạch, giảm 21,40% so với cùng kỳ.

Trong tổng số vốn đầu tư phát triển do địa phương quản lý, vốn ngân sách nhà nước ước 1.846,90 tỷ đồng đạt 30,24% kế hoạch, tăng 10,17% so cùng kỳ. Tổng vốn NSNN do địa phương quản lý đạt thấp là do nguồn vốn của các Ban quản lý dự án đầu tư của tỉnh giải ngân rất chậm như: Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh được bố trí kế hoạch 1.589,18 tỷ đồng, ước thực hiện giải ngân được là 518,27 tỷ đồng, đạt 32,60% kế hoạch năm[9]; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh: Kế hoạch giao 850,48 tỷ đồng, giải ngân khối lượng thực hiện là 211,64 tỷ đồng, đạt 24,89% kế hoạch; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh: Kế hoạch giao 765,58 tỷ đồng, giải ngân 145,92 tỷ, đạt 19,06% kế hoạch.

 Theo Ban quản lý khu kinh tế của tỉnh: Sáu tháng đầu năm 2020, tổng giá trị đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) đạt 395,54 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so cùng kỳ. Trong đó chủ yếu là KCN Thạnh Lộc giá trị đầu tư 393,20 tỷ đồng, tăng 2,45 lần (chủ yếu từ nguồn vốn của các doanh nghiệp), tăng từ triển khai các dự án mới như dự án nhà máy sản xuất các sản phẩm may Toàn Lộc 178,33 tỷ đồng; dự án sản xuất lắp rắp thiết bị điện, nước và ống nhựa của Cty TNHH PT Mekong 47 tỷ đồng...

Giá trị sản xuất kinh doanh của các dự án trong KCN Thạnh Lộc 6 tháng đạt 2.271 tỷ đồng, giảm 23,66% so cùng kỳ; giá trị nộp thuế ước đạt 211 tỷ đồng, giảm 47,92% so cùng kỳ, chủ yếu là các dự án Bia, vật liệu xây dựng, giày da.

8. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng đầu năm dự kiến đạt 6.750 tỷ đồng, đạt 58,49% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 16,53% so cùng kỳ.[10] Một số khoản thu đạt cao so với dự toán như thu lệ phí trước bạ đạt 56,32% dự toán, tăng 24,42% so cùng kỳ;  thu từ xổ số kiến thiết đạt 77,01% dự toán, tăng 10,16%; thu tiền sử dụng đất đạt 85,70% dự toán... Tuy nhiên, còn nhiều khoản thu đạt thấp so với dự toán như: thu từ doanh nghiệp nhà nước TW đạt 31,47% dự toán, bằng 67,34% so cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt 36,26% dự toán, bằng 76,96% so cùng kỳ; thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 40,59% so dự toán, bằng 91,28% so cùng kỳ; thuế thu nhập cá nhân đạt 35,28% dự toán, bằng 79,51% cùng kỳ...

Dự kiến tổng chi ngân sách 6 tháng là 5.982,64 tỷ đồng, đạt 36,29% dự toán, tăng 8,66% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: chi thường xuyên 4.039,85 tỷ đồng, đạt 42,19% dự toán, tăng 5,49%; chi đầu tư phát triển 1.846,57 tỷ đồng, đạt 30,23% dự toán và tăng 10,15% so với cùng kỳ năm trước.

Sáu tháng đầu năm, ngân sách tỉnh đã sử dụng nguồn dự phòng gần 236,2 tỷ đồng (ngân sách tỉnh chi 161,76 tỷ; ngân sách huyện và xã chi 74,43 tỷ) chi thực hiện mua sắm thiết bị, vật tư, hóa chất y tế phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do virus Covid-19; chi an ninh quốc phòng và một số nhiệm vụ cấp thiết phát sinh ngoài dự toán; đồng thời tạm ứng thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ.

9. Chỉ số giá

a) Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Sáu tăng 0,52% so với tháng trước. Trong đó: Khu vực thành thị tăng 0,60%, khu vực nông thôn tăng 0,46%. CPI tháng Sáu tăng nhẹ là do có 3 nhóm hàng tăng, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất, tăng 6,90%; kế đến là nhóm hàng hóa khác tăng 0,36%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,33% (trong đó: dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 0,77%). Có 3 nhóm hàng giảm đó là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm -1,60%; nhóm đồ uống và thuốc lá giảm -0,25%; nhóm bưu chính viễn thông giảm -0,01%. Còn lại các nhóm hàng khác không tăng, giảm hoặc tăng không đáng kể.

Tính đến tháng 12 năm trước (sau 06 tháng) chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,08%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 8 nhóm tăng, trong đó tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,14% (trong đó dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 5,40%, Thực phẩm tăng 3,91%, lương thực tăng 3,64%); kế đến là nhóm Văn hóa giải trí và du lịch tăng 3,53%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,64%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,59%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,38%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,29%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,18% và nhóm giáo dục tăng 0,03%. Có 3 nhóm hàng giảm đó là nhóm giao thông giảm -17,65%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm -2,56%; nhóm bưu chính viễn thông giảm -0,36%.

b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Tháng Sáu tăng 1,28% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 27,47% và so với bình quân cùng kỳ tăng 25,19%. Giá vàng bình quân tháng 6 là 4.816.000 đồng/chỉ, tăng 61.000 đồng/chỉ so với tháng trước.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng Sáu giảm -0,48% so tháng trước, so với cùng tháng năm trước giảm 0,32% và so với bình quân cùng kỳ tăng 0,27%. Giá USD bình quân tháng 6 năm 2020 là 2.330.800 đồng/100 USD, giảm 11.200 đồng/100 USD so với tháng trước.

10. Lao động, việc làm

Số lao động bị ảnh hưởng bởi Đại dịch Covid – 19 tính đến ngày 20/4/2020 trên toàn tỉnh là khoảng 116.700 người, trong đó ở khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã 58.965 người. Trong số này lao động bị mất việc là 7.070 người, lao động tạm nghỉ việc 28.169 người, lao động bị giãn việc, nghỉ luân phiên 23.726 người. Nguyên nhân chính do Dịch bệnh COVID-19 làm ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh và sản xuất của các doanh nghiệp, tuy không ngừng hoạt động nhưng khả năng tiêu thụ sản phẩm hạn chế, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.

Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, về việc hỗ trợ các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương; Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm; Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh do ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Hiện nay, các cơ quan chức năng và UBND các huyện, thành phố rà soát sơ bộ dự kiến hỗ trợ cho khoản 112.000 đối tượng người lao động và doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.

Tính chung 6 tháng đầu năm đã giải quyết việc làm cho 15.963 lượt lao động, trong đó: trong tỉnh 9.560 lượt lao động, ngoài tỉnh 6.352 lượt lao động, hợp đồng lao động đi làm việc nước ngoài 51 lao động, đạt 45,67% kế hoạch.

11. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Trong 6 tháng đầu năm ước thực hiện chi trả trợ cấp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội 52.415 người (trong đó: tại cộng đồng là 52.150 người, tại cơ sở bảo trợ xã hội là 256 người), với tổng kinh phí 141 tỷ 907 triệu đồng.

Thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ. Tính đến ngày 29/5/2020 các địa phương trong tỉnh đã chi hỗ trợ cho đối tượng người có công 8.275 người, với kinh phí là 12,4 tỷ đồng đạt 98,21%. đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo là 152.013 người, với kinh phí là 145,76 tỷ đồng đạt 97,66%.

Công tác giảm nghèo: Theo kết quả khảo sát điều tra hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều tính đến tháng 12 năm 2019, toàn tỉnh có 12.313 hộ nghèo (trong đó 11.111 hộ nghèo theo thu nhập, 1.202 hộ nghèo thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản), tỷ lệ hộ nghèo 2,69% (giảm 1,45% so với năm 2018); hộ cận nghèo có 20.961 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo 4,59% (giảm 0,09%).

12. Giáo dục, đào tạo     

Theo báo cáo sơ bộ năm học 2019-2020, toàn tỉnh huy động ra lớp 350.609 học sinh (MN 47.961, TH 165.744, THCS 98.634, THPT 37.988, GDTX 282); So với cùng kỳ năm học 2018-2019, tăng 3.294 học sinh. Số học sinh 6-14 tuổi đi học so với độ tuổi đạt 96,06%. Toàn tỉnh hiện có 286 trường đạt chuẩn quốc gia (MN 59, TH 138, TH&THCS 2, THCS 74, THCS&THPT 04, THPT 9), đạt tỷ lệ 43,26%, tăng so với cùng kỳ 29 trường, tỷ lệ tăng 4,38%; Tổng số phòng học hiện có 10.278 phòng.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo 8.500 người đạt 34% so kế hoạch, Trong đó: cao đẳng 22 người, trung cấp 29 người, sơ cấp và dạy nghề thường xuyên 8.449 người. Học sinh tốt nghiêp 6.852 người, trong đó cao đẳng 783 người, trung cấp 36 người, sơ cấp và dạy nghề thường xuyên 6.033 người.

13. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Tình hình dịch bệnh 6 tháng đầu năm 2020:

- Tính đến ngày 21/6, toàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19; toàn tỉnh hiện cách ly tập trung 27 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi cư trú 02 trường hợp. Tổng số trường hợp lấy mẫu xét nghiệm Covid-19: 1.435 trường hợp; số trường hợp có kết quả dương tính là 0; số trường hợp có kết quả âm tính là 1.420; số trường hợp đang chờ kết quả là 15.

- Bệnh Sốt xuất huyết, Bệnh Tay chân miệng... có xu hướng giảm[11]. Không có trường hợp nào tử vong.

Công tác vệ sinh An toàn thực phẩm: Thực hiện thanh, kiểm tra 6.649 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, phát hiện 1.179 cơ sở chưa đảm bảo VSATTP. Xử lý bằng hình thức nhắc nhỡ và hướng dẫn 1.021 cơ sở, phạt tiền 10 cơ sở với số tiền 44,75 triệu đồng; đình chỉ lưu hành 2 cơ sở; tiêu hủy sản phẩm vi phạm 146 cơ sở với 250 loại vài khối lượng 1.051 kg thực phẩm không có nhãn, quá hạn sử dụng... Toàn tỉnh ghi nhận 01 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể gồm 7 cas, tại thành phố Rạch Giá, do vi sinh vật và 83 cas ngộ độc thực phẩm riêng lẻ, giảm 41 cas so cùng kỳ.

Ước tính đến 30/6/2020: Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,25%, với 1.525.741 người tham gia; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm xã hội đạt 10,74%, tương ứng với 99.331 người (trong đó: số người tham gia BHXH bắt buộc là 90.527 người, số người tham gia BHXH tự nguyện là 8.804 người); Tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 8,38%, tương ứng với 77.561 người tham gia.

14. Hoạt động văn hóa, thể thao

Trọng tâm hoạt động văn hóa 6 tháng đầu năm là tập trung tuyên truyền, chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Các giá trị văn hóa dân tộc, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa tiếp tục được chú trọng. Công tác gia đình được quan tâm chỉ đạo, nhấn mạnh vai trò của giáo dục gia đình đối với sự hình thành nhân cách con người Việt Nam.

Nhiều sự kiện thể thao được tổ chức quy mô và được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân. Công tác quản lý lễ hội cũng được kiểm soát chặt chẻ trong mùa dịch, lễ hội được triển khai phù hợp với tình hình dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ.

15. Tai nạn giao thông

Trong 6 tháng đầu năm (từ 15/12/2019 đến 14/6/2020) trên toàn tỉnh xảy ra 62 vụ tai nạn giao thông, làm 37 người chết, 38 người bị thương. So với năm trước, giảm 5 vụ TNGT (giảm 7,46%), giảm 8 người chết  (giảm 17,78%) và giảm 2 người bị thương (giảm 5%). Từ khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020. Tình hình tai nạn giao thông từ đầu năm đến nay đã giảm trên cả 3 mặt so với cùng thời điểm năm trước, đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, các ngành chức năng cần phải tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền, vận động nhân dân gương mẫu chấp hành Luật giao thông, để mọi người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn.

16. Phòng chống cháy nổ và thiệt hại do thiên tai

6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 vụ cháy, 01 vụ nổ làm 2 người chết, 17 người bị thương. Thiệt hại ước tính 9 tỷ 865 triệu đồng và thiên tai do ảnh hưởng tình hình thời tiết gây mưa, giông lốc đã làm sập hoàn toàn 33 căn nhà, tốc mái 43 căn nhà và sét đánh chết 01 người. Ước thiệt hại trên 1.134 triệu đồng.

 


[1] Tăng trưởng 6 tháng đầu của các năm: Năm 2016 tăng 4,99%; năm 2017 tăng 7,52%; năm 2018 tăng 8,52%; năm 2019 tăng 7,08%.

[2] Giày dép xuất khẩu TBS: khó khăn về nguyên liệu đầu tư sản xuất, do chủ yếu nhập từ Trung Quốc, hiện Trung Quốc là vùng dịch nhiễm Covid-19 nên Việt Nam tạm dừng hoạt động giao thương.

[3] Bia: Lượng bia tiêu thụ giảm so với cùng kỳ, do ảnh hưởng Covid-19 và Nghị Định 100/2019/NĐ-CP người dân hạn chế ra đường.

[4] Gỗ MDF: Đang gặp khó khăn trong cung cấp nguồn nguyên liệu sản xuất, do người lao động nơi khu vực trồng rừng làm việc không ổn định, ảnh hưởng đến nguồn cung đầu vào sản xuất và sức mua thị trường giảm…

[5] Vật liệu xây dựng (Công ty CP đầu tư xây dựng HUD Kiên Giang): Đang gặp khó khăn đầu ra sản phẩm…

[6] Trong đó: hàng nông sản 144,18 triệu USD, đạt 62,68% kế hoạch, tăng 77,67% so cùng kỳ; nguyên liệu Giày da 44,37 triệu USD, đạt 22,19% kế hoạch, chỉ bằng 65,63% so cùng kỳ.

 

[7] Trong đó, vận tải hành khách đường biển giảm 30,39%; VT hành khách đường bộ giảm 26,45% so cùng kỳ.

[8] Trong đó, Vận tải hàng hóa đường bộ giảm 11,47%; vận tải hàng hóa đường biển giảm 8,91%.

 

[9]  Trong đó ngành Du lịch chỉ giải ngân 1,745 tỷ đồng, đạt 2,91%, ngành văn hóa – thể thao giải ngân được 11,36 tỷ đồng, đạt 9,54%, ngành lao động và TBXH giải ngân được 16,64 tỷ đồng đạt 14,84%...

[10] Trong đó: thu nội địa 6.565 tỷ đồng, đạt 57,79% dự toán, tăng 15,28% so cùng kỳ, chiếm 97,26% trong tổng thu ngân sách của tỉnh. 

[11] Sốt xuất huyết có 321 cas mắc (giảm 657 cas so cùng kỳ). Tay chân miệng có 168 cas mắc (giảm 741 cas  so cùng kỳ), Sốt/sốt phát ban nghi sởi 176 cas (giảm 904 cas so cùng kỳ), Không có trường hợp nào tử vong.

 

Số lần đọc: 1575
Cục Thống kê Kiên Giang
Tin liên quan