Tin nóng
21.07.2013

Triển khai nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 của tỉnh ta trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế thế giới chưa có nhiều chuyển biến khả quan, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro và được dự báo tiếp tục có những biến động khó lường. Ở trong nước, hoạt động sản xuất kinh doanh đầu năm vẫn còn nhiều khó khăn trước áp lực lãi suất vay và huy động vốn vẫn còn cao, tổng cầu của nền kinh tế tăng chậm, xuất khẩu hàng nông thủy sản đang cạnh tranh ngày càng quyết liệt và rào cản kỹ thuật cũng  đang là cản trở lớn nên mức tiêu thụ sản phẩm trong quí I đạt thấp, hàng tồn kho khá nhiều. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết mùa vụ cũng có diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch bệnh ở người và cây trồng, vật nuôi rất cao, nhất là dịch cúm gia cầm và heo tai xanh luôn rình rập.

Trước tình hình trên, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013, số 17/NQ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ. Theo đó, mục tiêu của năm 2013 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý. Kết quả tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quí I tuy còn có những mặt hạn chế, nhưng cơ bản là khả quan, kinh tế vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đầu tư vẫn ổn định và có hướng phát triển; giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao luôn được quan tâm, chính sách an sinh xã hội được chăm lo chu đáo, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo…Cụ thể có tình hình như sau:

  1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) quý I năm 2013 theo giá so sánh 2010 ước tính tăng 9,56% so với cùng kỳ năm 2012. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,38%, đóng góp cho tăng trưởng chung 1,13%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,7%, đóng góp cho tăng trưởng chung 2,25%; khu vực dịch vụ tăng 12,12%, đóng góp cho tăng trưởng chung 6,18%.

Tăng trưởng kinh tế quý I năm nay đạt mức thấp hơn cùng kỳ năm trước do hầu hết các ngành, lĩnh vực gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là ngành nông nghiệp quí I năm trước đạt tốc độ tăng 8,38%, đóng góp cho mức tăng chung 2,09%, sản lượng lúa quí I năm trước tăng 72.493 tấn thì quí I năm nay chỉ tăng 7.670 tấn. ngành thủy sản cùng kỳ năm trước đạt tốc độ tăng 7,57% thì quí I năm nay cũng chỉ đạt mức tăng 5,54%; bên cạnh đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện tốc độ tăng cũng chậm hơn cùng kỳ năm trước lần lượt với các mức tăng là 5,18% và 3,83% trong khi cùng kỳ năm trước tăng 8,37% và 3,94%, dẫn đến tốc độ tăng của khu vực công nghiệp và xây dựng quý I năm nay chỉ tăng 9,7% trong khi cùng kỳ năm trước tăng 10,19%; và thương mại dịch vụ cũng có mức tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước, cùng kỳ năm trước có mức tăng 13,74% thì quí I năm nay chỉ tăng 12,12%, do kinh tế khó khăn đã làm giảm cầu, giảm sức mua, từ đó ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.  

 

2. Tài chính, ngân hàng

2.1. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách trên địa bàn: Tháng 3 ước thực hiện thu ngân sách trên địa bàn được 307,6 tỷ đồng, tăng 3,64% so tháng trước và bằng 83,05% so cùng kỳ năm 2012. Nâng tổng thu quý I ước tính đạt 1.225,3 tỷ đồng, đạt 25,93% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 10,09% so cùng kỳ.  Một số khoản thu đạt dự toán cao như: Thu thuế công thương nghiệp ngoài Nhà nước 343,5 tỷ đồng, đạt 28,39%; thu phí, lệ phí 14 tỷ đồng, đạt 32,04%; thuế bảo vệ môi trường 45 tỷ đồng, đạt 28,15%;... Bên cạnh đó  cũng còn một số khoản thu đạt kế hoạch rất thấp như: Thu từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 33,9 tỷ đồng, đạt 17,41%; thu tiền sử dụng đất 52,9 tỷ đồng, đạt 6,75%; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước 3,1 tỷ đồng, đạt 8,69%;...

     Tổng chi ngân sách địa phương: Tháng 3 ước tính chi ngân sách địa phương trên 623,5 tỷ đồng, nâng tổng chi ngân sách quý I lên trên1.769,6 tỷ đồng, bằng 21,30% dự toán năm và tăng 20,42% so với quí I năm 2012. Trong đó, chi thường xuyên trên 1.115,7 tỷ đồng, bằng 23,96% dự toán năm và giảm 2,96% so với cùng kỳ; chi đầu tư phát triển hơn 152,1 tỷ đồng, bằng 7,61% dự toán năm và tăng 41,35% so cùng kỳ năm trước.

2.2. Hoạt động Ngân hàng:

Quí I năm nay, các ngân hàng trên địa bàn đã triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị 01/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tập trung nguốn vốn cho vay sản xuất kinh doanh và kiểm soát nợ xấu. Trong quý I vốn tập trung cho sản xuất chiếm 86,58% trong tổng dư nợ cho vay; 13,42% dư nợ còn lại cho vay các lĩnh vực ngành nghề khác và cho vay tiêu dùng đảm bảo an sinh xã hội. Lãi suất cho vay đang từng bước được điều chỉnh giảm, đến nay dư nợ cho vay mức lãi suất dưới 12% chiếm 39,12%; dư nợ cho vay mức lãi suất từ 12%-15% chiếm 38,68%; và dư nợ cho vay mức lãi suất trên 15% còn 22,21% (cuối năm 2012 là 23,97%). Nguồn vốn tăng trưởng 3,16%, dư nợ cho vay tăng trưởng 4,03%; lãi suất huy động và cho vay đã giảm đáng kể;  nợ xấu có dấu hiệu gia tăng.

Ước tính đến 31/03/2013, tổng nguồn vốn hoạt động ngân hàng trên địa bàn đạt 36.191 tỷ đồng, tăng 3,16% so đầu năm, tăng 14,11% so cùng kỳ năm 2013. Trong đó, huy động tại địa phương 18.576 tỷ đồng, tăng 1,1% so đầu năm và tăng 29,14% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 51,33% trong tổng nguồn vốn; nguồn vốn điều hòa và vốn vay ước đạt 11.265 tỷ đồng, tăng 13,73% so đầu năm và tăng 0,48% so cùng kỳ.

Tổng doanh số cho vay quý I đạt 14.091 tỷ đồng, giảm 3,05% so quý trước, tăng 37,04% so cùng kỳ năm 2012. Trong đó: Vay ngắn hạn là 12.019 tỷ đồng, chiếm 85,3% doanh số vay; Vay trung và dài hạn 2.072 tỷ đồng, chiếm 14,7% doanh số vay.

Tổng dư nợ cho vay tính đến 31/03/2013 ước đạt 27.882 tỷ đồng, tăng 4,03% so đầu năm, tăng 11,06% so cùng kỳ năm 2012. Trong đó cho vay ngắn hạn là 17.423 tỷ đồng, tăng 4,41% so đầu năm, nhưng giảm 0,52% so cùng kỳ; dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng 62,49% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay trung dài hạn là 10.459 tỷ đồng, tăng 3,4% so đầu năm, tăng 37,78% so cùng kỳ; dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm tỷ trọng 37,51% tổng dư nợ. Dư nợ xấu và nợ có khả năng tổn thất ước 886 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu nhóm 3,4,5 là 1,77% trong tổng dư nợ.

3. Đầu tư và xây dựng

Vốn đầu tư cũng như vốn xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách Nhà nước quí I năm nay đang gặp nhiều khó khăn, do chính sách thắt chặt đầu tư công để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, nhiều công trình, dự án  đang rất thiếu vốn, nên tỉnh đang tập trung vốn cho các công trình dự án trọng điểm cấp thiết như một số cầu ở Rạch Giá, Phú Quốc; đường trục Phú Quốc, cảng An Thới, Tắc Cậu; hạ tầng khu công nghiệp Thạnh Lộc, Xẻo Rô; một số đường liên xã, giao thông nông thôn … Ước tính vốn đầu tư từ nguồn ngân sách do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh trong quí I đạt hơn 1.075 tỷ đồng, bằng 28,29% kế hoạch năm, tăng 41,44% so cùng kỳ năm 2012.

4. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trong quí I vẫn còn gặp nhiều khó khăn, lãi suất ngân hàng vẫn đang ở mức cao làm tăng gánh nặng chi phí sản xuất; việc tiêu thụ sản phẩm một số sản phẩm chủ yếu của địa phương như xi măng, gạo và thủy sản xuất khẩu chậm nên hàng tồn kho khá nhiều. Tuy vậy, trong quý I kết quả hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn có chiều hướng phát triển. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đều tăng trên tất cả các ngành, trong đó ngành chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng lớn có chỉ số sản xuất tăng cao hơn chỉ số tăng chung.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 toàn ngành tăng 67,11% so tháng trước và tăng 14,82% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế 3 tháng chỉ số chung sản xuất công nghiệp tăng 19,33%. Trong đó, chỉ số tăng cao nhất so với cùng kỳ là ngành khai khoáng tăng 26,67%; kế đến là ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 19,49%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải với mức tăng 6,89% và ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 6,66%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm gốc 2010) tháng 3 ước thực hiện được trên 2.080,7 tỷ đồng, tăng 22,64% so tháng trước và tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị sản xuất và mức tăng so với cùng kỳ năm trước lần lượt như sau: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 1.947,6 tỷ đồng, tăng 7,21%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 80,1 tỷ đồng, tăng 20,6%; ngành khai khoáng 39,4 tỷ đồng, tăng 6,07% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải đạt 13,5 tỷ đồng, tăng 18,38%.

Lũy kế, giá trị sản xuất công nghiệp quý I ước thực hiện được 6.008,6 tỷ đồng, tăng 8,64% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 5.661,5 tỷ đồng, tăng 8,84%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí 201,6 tỷ đồng, tăng 4,02%; ngành khai khoáng 106,9 tỷ đồng, tăng 5,86% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải đạt 38,4 tỷ đồng, tăng 12,42%.

Một số sản phẩm công nghiệp sản xuất trong quý I đạt được so cùng kỳ năm 2012 như sau: Clinke trên 561 ngàn tấn, tăng 2,45 lần; khai thác đá 720 ngàn m3 , tăng 15,38%; gạch nung 16,4 triệu viên, tăng 7,32%; cá hộp 2.078 tấn, tăng 15,19%; bột cá gần 11 ngàn tấn, tăng 20,8%;  xay xát gạo trên 600 ngàn tấn, tăng 7,69%; đường 5 ngàn tấn, tăng 6,61%; nước đá 569,7 ngàn tấn, tăng 5,7%; xi măng trên 674 ngàn tấn, giảm 12%; thủy sản đông lạnh 7.480 tấn, giảm 13,1% (trong đó: tôm đông giảm 13,52%, mực đông giảm 11,33%, cá đông tăng 23,69%).

5. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản quý I (theo giá so sánh 2010) ước tính đạt 6.462,9 tỷ đồng, tăng 4,74% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, nông nghiệp đạt 2.722,3 tỷ đồng, tăng 3,69%; lâm nghiệp đạt 41,2 tỷ đồng, tăng 2,9%; thủy sản 3.699,3 tỷ đồng, tăng 5,54%.

5.1. Nông nghiệp

Tính đến trung tuần tháng 3, sơ bộ diện tích gieo sạ lúa các vụ (mùa, đông xuân, xuân hè, hè thu) ước tính  đạt 365.189 ha, bằng  49,76% kế hoạch gieo sạ cả năm và tăng 8.582 ha (tăng 2,41%) so với các vụ cùng kỳ năm trước; năng suất thu hoạch lúa mùa và đông xuân ước tính đạt 65,44 tạ/ha (giảm 0,08 tạ/ha) và sản lượng đạt 2.389.913 tấn, bằng 54,28% kế hoạch cả năm và tăng 53.258 tấn so với hai vụ này năm trước. Kết quả cụ thể từng vụ như sau:

- Vụ mùa: Chính thức diện tích gieo trồng vụ mùa được 65.858 ha, đạt 100,01% kế hoạch, tăng 1.428 ha (tăng 2,22%) so với vụ mùa năm 2012; năng suất đạt 42,91 tạ/ha, bằng 95,36 % kế hoạch, tăng 0,24 tạ /ha (tăng 0,56%) và sản lượng đạt 282.613 tấn, bằng 95,3 % kế hoạch và tăng 7.670 tấn so với vụ mùa năm trước.

 Diện tích, năng suất vụ mùa năm nay tăng hơn năm trước là do diện tích tràm thu hoạch xong chuyển qua trồng lúa và một phần diện tích chuyên nuôi tôm sang sản xuất một vụ lúa, một vụ tôm sú (huyện Vĩnh Thuận tăng 833 ha, An Minh tăng 407 ha...); ngoài ra yếu tố khí hậu, thời tiết có thuận lợi, nhân dân còn áp dụng giống lúa ngắn ngày cho năng suất cao như lúa một bụi đỏ, giống OM 2517, giống ST5 ở các huyện An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, An Biên.

So với các vụ lúa sản xuất chính trong năm, năng suất lúa mùa tuy thấp hơn, nhưng do chi phí sản xuất thấp nên lúa mùa vẫn đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Vì vậy, sang năm tới dự kiến diện tích lúa mùa có khả năng sẽ cao hơn năm nay từ 10-15%. 

- Vụ đông xuân: Diện tích gieo trồng được 299.331 ha, vượt 1,13% kế hoạch năm và tăng 7.154 ha (tăng 2,45%) so với vụ đông xuân năm 2012. Diện tích tăng chủ yếu ở các huyện vùng Tứ Giác Long Xuyên như Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất có chuyển đổi từ diện tích đất chưa trồng rừng và chuyển đất nuôi tôm không hiệu quả sang trồng lúa. Năng suất bình quân ước đạt 70,4 tạ /ha, bằng 99,2% kế hoạch và giảm 0,16 tạ /ha so với cùng kỳ. Năng suất vụ đông xuân năm nay giảm do diện tích bị nhiễm sâu bệnh khá lớn (trên 34 ngàn ha, so cùng kỳ tăng 2,2 lần); ngoài ra còn do ảnh hưởng thời tiết nên lúa bị đổ và gãy cổ bông làm giảm năng suất trên hầu hết các huyện trong tỉnh.

Tính đến thời điểm này diện tích thu hoạch vụ đông xuân ước đạt trên 213.000 ha (chiếm trên 70%  diện tích gieo trồng), sớm hơn cùng kỳ trên 25.000 ha. Qua kết quả điều tra sơ bộ, sản lượng lúa Đông xuân năm nay ước đạt trên 2,1 triệu tấn, tăng trên 45.500 tấn (tăng 2,21%) so vụ đông xuân năm trước..

Sản xuất vụ đông xuân năm nay kết quả tăng hơn năm trước, nhưng hiệu quả sản xuất lại thấp hơn nhiều, do chi phí sản xuất ngày càng cao, mà giá lúa năm nay còn thấp, hiện giá lúa tươi từ 4.150-4.200 đ/kg tương đương với giá vụ này năm trước, như vậy chưa đạt được mức lãi 30% cho nông dân như mục tiêu của Chính phủ đề ra và ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của bà con nông dân trong tỉnh. Bên cạnh đó, trên thị trường hiện nay các loại lúa ngắn hạt, chất lượng trung bình như IR50404, OM 5451 lại dễ tiêu thụ, các loại lúa dài hạt chất lượng cao (Jacmine85…) lại khó tiêu thụ hoặc bị ép giá, điều này làm ảnh hưởng đến tâm lý sản xuất của nông dân, gây trở ngại cho chủ trương tỉnh vận động nông dân sản xuất giống lúa chất lượng cao trong thời gian tới.                

- Vụ Xuân hè: Ở những địa phương thu hoạch lúa đông xuân sớm, nông dân tranh thủ làm thêm vụ xuân hè, tính đến thời điểm này diện tích gieo xạ lúa vụ xuân hè được 7.406 ha, tăng hơn cùng kỳ 2.925 ha, chủ yếu ở huyện Giang Thành, Châu Thành...

- Vụ hè thu: Trên diện tích lúa đông xuân thu hoạch sớm, một số địa phương đã tranh thủ lúc thời tiết đang có thuận lợi cày xới để gieo sạ sớm, đến nay đã cày xới được 27.486 ha, và gieo xạ được 24.486 ha, cao hơn cùng kỳ nhiều lần (cùng kỳ mới cày xới được 6.500 ha ).

- Cây rau màu: Vụ đông xuân năm nay cây rau màu được bà con nông dân tích cực trồng tỉa trên diện tích chuyên canh, bờ liếp, đất vườn quanh nhà nhằm tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Diện tích, năng suất cây rau màu trong quý I đều tăng hơn so cùng kỳ năm 2012 với một số cây chủ yếu như sau: Khoai lang 685 ha, tăng 52,56% và năng suất tăng 8,94%; khoai mì 245 ha, tăng 36,11% và năng suất tăng 2,33%; dưa hấu 797 ha, tăng 9,78% và năng suất tăng 1,22%; rau, đậu các loại 4.195 ha, tăng 1,13% và năng suất tăng 2,5 %.

- Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi trong quí I đang tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên gia súc gia cầm là rất lớn. Cúm gia cầm và heo tai xanh đã xảy ra ở nhiều tỉnh trong cả nước, trong đó có Đồng bằng Sông Cửu Long, nhất là tình hình dịch ở Campuchia đang xảy ra trên diện rộng rất dễ lây lan qua tỉnh ta. Trên địa bàn tỉnh ngày 01/3/2013 đã phát hiện một ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại Trại giống nông, lâm, ngư nghiệp Hòn Đất thuộc ấp Sư Nam, thị trấn Hòn Đất, khi phát hiện có 30 con gà bị nhiễm bệnh, trong đàn gà có tổng số 559 con, toàn bộ đàn gà đã nhanh chóng được thiêu hủy hoàn toàn, đồng thời các ngành chuyên môn đã khoanh vùng và khống chế được ổ dịch không để lay lan. Hiện nay ngành Thú y đang tăng cường kiểm tra việc vận chuyển tiêu thụ gia súc, gia cầm, kiểm soát giết mổ, tiêm phòng cho gia súc gia cầm nên đến nay vẫn chưa xuất hiện thêm ổ dịch nào mới.

 Phát triển chăn nuôi, hiện nay vẫn đang là bài toán khó, rất cần sự nghiên cứu chuyên sâu của ngành chức năng để tìm ra hướng và giải pháp hỗ trợ cho nông dân. Chăn nuôi của tỉnh hầu như chưa có qui mô lớn mà phần lớn đang chăn nuôi ở qui mô nhỏ lẻ, chưa phù hợp với nền sản xuất hàng hóa của kinh tế thị trường, cần phải có sự đột phá để tạo sự chuyển biến trong chăn nuôi.

5.2. Lâm nghiệp: Tháng 3, đang trong mùa khô hạn, hiện nay nguy cơ về cháy rừng trên địa bàn tỉnh ở mức cao cấp 5. Ngành Kiểm lâm đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương để thực hiện công tác phòng chống cháy rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát các hành vi vi phạm có nguy cơ gây cháy rừng, bổ sung các phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác chống cháy rừng. Do vậy, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ cháy rừng nào nghiêm trọng.

5.3. Thủy sản

Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh năm 2010) tháng 3 ước tính đạt 1.217 tỷ đồng, tăng 6,28% so tháng trước và tăng 4,03% so cùng kỳ. Lũy kế quí I ước tính  giá trị sản xuất thủy sản đạt  3.699,3 tỷ đồng, tăng 5,54% so cùng kỳ năm 2012. Trong đó,  giá trị khai thác 2.606,3 tỷ đồng, tăng 9,58% và giá trị nuôi trồng 1.093 tỷ đồng, giảm 2,98%.

Tổng sản lượng cả khai thác và nuôi trồng trong quý I ước tính đạt 127.974 tấn, bằng 21,73% kế hoạch năm và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá các loại 77.573 tấn, tăng 14,75%; tôm các loại 14.568 tấn, giảm 3,48%; mực 13.857 tấn, tăng 5,4%.

Về khai thác: Sản lượng khai thác tháng 3 ước đạt 32.366 tấn thủy hải sản các loại, tăng 7,12% so tháng trước (tăng 2.150 tấn) và tăng 4,74% so cùng kỳ (tăng 1.465 tấn). Trong đó: Cá các loại 20.429 tấn, tăng 5,76% so cùng kỳ (tăng 1.112 tấn); tôm đạt 3.616 tấn, tăng 8,39% (tăng 280 tấn); mực đạt 4.967 tấn, tăng 9,91% (tăng 448 tấn). Lũy kế quý I sản lượng khai thác ước tính đạt 98.426 tấn, bằng 22,6% kế hoạch năm và tăng 9,95% so cùng kỳ (tăng 8.909 tấn). Trong đó, cá đạt 64.207 tấn, tăng 14,63% (tăng 8.193 tấn); tôm đạt 10.587 tấn, tăng 4,97% (tăng 501 tấn) so cùng kỳ; mực đạt 13.857 tấn, tăng 5,4% (tăng 710 tấn) và thủy sản khác đạt 9.775 tấn, giảm 4,82% (giảm 495 tấn).

Nhìn chung sản lượng khai thác trong tháng 3 và quý I tăng tương đối cao, do năng lực khai thác tăng gần 100.000Cv, với số lượng tàu đóng mới tăng 50 chiếc và một số phương tiện nhỏ được sửa chữa nâng cấp. Dự kiến, nếu thời tiết năm nay không có gì đột biến lớn thì có khả năng thực hiện hoàn thành kế hoạch khai thác thủy sản. Tuy nhiên, các ngành chức năng cần có kế hoạch phòng chống bão sớm để giúp nhân dân hạn chế tối đa mức thiệt hại tàu thuyền và lồng bè của ngư dân.

Về nuôi trồng: Tháng 3, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước tính đạt 9.532 tấn, tăng 3,47% so cùng kỳ (tăng 320 tấn). Trong đó, cá nuôi các loại đạt 4.395 tấn, tăng 15,78%, (tăng 599 tấn); tôm các loại đạt 1.180 tấn, giảm 33,89% (giảm 605 tấn) và thủy sản khác đạt 3.957 tấn, tăng 8,98% (tăng 326 tấn). Lũy kế quý I sản lượng nuôi trồng ước tính đạt 29.548 tấn, bằng 19,27% kế hoạch năm và giảm 2,82% (giảm 877 tấn) so cùng kỳ năm 2012. Trong đó, cá 13.366 tấn, tăng 15,32% (tăng 1.776 tấn); tôm đạt 3.981 tấn, giảm 20,49%, (giảm 1.026 tấn), và thủy sản khác đạt 12.201 tấn, giảm 11,77% (giảm 1.627 tấn).

 Sản lượng tôm nuôi và thủy sản khác trong tháng 3 và quý I giảm nhiều do các địa phương đang trong giai đoạn thả nuôi, ngoài ra sản lượng sò lông nuôi không tìm được đầu ra nên bà con thu hoạch ít, lượng cá nước ngọt tăng khá do bà con nông dân đang tát vét ao, đìa thả nuôi mùa vụ mới.

Diện tích nuôi thả tôm đến thời điểm này được 72.289 ha, bằng 82,43%  kế hoạch năm, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2012. Diện tích đã thả nuôi tôm sú chủ yếu trên diện tích tôm - lúa ở vùng U Minh Thượng. Các huyện đã có diện tích thả nuôi tôm như: An Minh 40.006 ha; Vĩnh Thuận 14.000 ha; An Biên 9.236 ha; U Minh Thượng 4.720 ha; Gò Quao 1.602 ha; Kiên Lương 660 ha; Giang Thành 1.355 ha; Hà Tiên 300 ha. Trên diện tích thả nuôi, đã phát hiện 2.637 ha tôm bị dịch bệnh ở huyện An Biên và An minh (An Biên 896 ha, An Minh 1.741 ha), trong đó có 952 ha mức độ  thiệt hại 50%, huyện An Biên đã khắc phục được 450 ha.

6. Thương mại, dịch vụ và giá cả

6.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dung:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 ước tính đạt 3.525,8 tỷ đồng, giảm 14,58% so tháng trước (tháng có Tết). Lũy kế quý I ước tính đạt 11.742,3 tỷ đồng, bằng 23,96% kế hoạch năm và tăng 17,33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế Nhà nước đạt 333,44 tỷ đồng, giảm 16,6% so cùng kỳ năm 2012; kinh tế tập thể đạt 10,84 tỷ đồng, tăng 3,09%; kinh tế cá thể đạt 7.904,3 tỷ đồng, tăng 26,38% và kinh tế tư nhân đạt 3.493,7 tỷ đồng, tăng 4,5%. Phân theo ngành kinh tế thì thương nghiệp tăng 19,23%; lưu trú và ăn uống tăng 6,75%; dịch vụ tăng 1,18% và du lịch lữ hành giảm 5,61%.

Tổng mức bán lẻ quí I năm nay tăng không cao bằng mức tăng của mấy năm năm gần đây, phản ánh sức mua đang có xu hướng tăng chậm lại do kinh tế vẫn đang rất khó khăn. Hàng hóa trên thị trường dồi dào, rất đa dạng, phong phú đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, nhưng tổng cầu tăng không nhiều.

Công tác quản lý thị trường vẫn duy trì và thực hiện thường xuyên nhất là trong dịp Lễ, Tết, khi lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường rất lớn. Tháng 2 Chi Cục quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 181 vụ việc, phát hiện 81 vụ vi phạm gồm 22 vụ buôn bán vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, 11 vụ gian lận thương mại, 34 vụ vi phạm kinh doanh, 13 vụ mua bán hàng giả và 1 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, đã xử lý vi phạm và thu phạt nộp ngân sách Nhà nước 427 triệu đồng. Lũy kế 2 tháng đầu năm đã kiểm tra 226 vụ việc, đã phát hiện 126 vụ vi phạm, đã xử lý và thu phạt nộp ngân sách Nhà nước 1,5 tỷ đồng.

6.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Xuất khẩu trong tháng 3 đã khả quan hơn 2 tháng đầu năm, nhưng nhìn chung xuất khẩu quý I của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhất là mặt hàng thủy sản một trong hai mặt hàng chủ lực xuất khẩu của tỉnh đang hết sức khó khăn. Một mặt do kinh tế thế giới chưa ra khỏi suy thoái một cách vững chắc đã làm giảm đáng kể nhu cầu nhập khẩu; mặt khác do hàng rào kỹ thuật của một số nước đang ngày càng gia tăng là rào cản lớn hạn chế thủy sản của ta thâm nhập thị trường của họ; một lý do nữa là nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu không ổn định. Do đó xuất khẩu thủy sản trong quí I giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Về mặt hàng gạo tuy xuất khẩu trong quí I tăng hơn cùng kỳ năm trước khá nhiều nhưng cũng đang gặp không ít khó khăn trước sự cạnh tranh khốc liệt về giá của một số nước tham gia xuất khẩu gạo, giá gạo xuất đang có xu hướng giảm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Trước những khó khăn như hiện nay đang đặt ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu một cách nhìn tổng thể, một kế hoạch cụ thể về phân khúc thị trường mang tính chiến lược thì mới có thể ổn định, thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ước tính kim ngạch xuất khẩu tháng 3 đạt trên 47,4 triệu USD, tăng 67,92% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 5,48% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng nông sản gần 38,4 triệu USD; hàng thủy sản 8,45 triệu USD và hàng hóa khác 592 ngàn USD.

Lũy kế quí I, ước tính giá trị xuất khẩu đạt 115,81 triệu USD, bằng 17,55% kế hoạch năm và tăng 7,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng nông sản đạt 85,1 triệu USD, bằng 19,14% kế hoạch năm và tăng 16,77% so với cùng kỳ; hàng thủy sản đạt 28,2 triệu USD, bằng 15,25% kế hoạch năm và giảm 4,78% so với cùng kỳ; hàng hóa khác đạt 2,4 triệu USD, bằng 8,12% kế hoạch năm và giảm 51,36% so với cùng kỳ. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều đạt kế hoạch rất thấp.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong quý I so với cùng kỳ như: gạo xuất gần 209 ngàn tấn, tăng 27,78%; nước mắm 65 ngàn lít, tăng 58,54%; cá đông 240 tấn, giảm 42,58%; tôm đông 450 tấn, giảm 13,29%; mực và tuộc đông 2.177 tấn, giảm 30,32%; ...

Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu tháng 3 đạt 2,1 triệu USD, toàn bộ hàng nhập khẩu là tư liệu sản xuất như thạch cao, giấy kratp, hạt nhựa, than đá. Lũy kế quý I ước tính giá trị hàng hóa nhập khẩu đạt trên 8 triệu USD, bằng 23,01% kế họach năm và tăng 78,25% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập như: Thạch cao 11.010 tấn; giấy kratp 684 tấn, hạt nhựa 260 tấn và than đá 56 tấn.

6.3 Vận tải

   Tình hình vận tải hàng hóa và hành khách trong tháng 3 đã ổn định, do nhu cầu đi lại và giá cước vận tải sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ đã trở lại bình thường nên cả doanh thu và sản lượng vận tải đều giảm so với tháng trước.

  Vận tải hành khách tháng 3 ước tính đạt trên 4,4 triệu lượt người, giảm 13,09% so tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ; luân chuyển hành khách ước tính trên 228,3 triệu lượt người.km, giảm 13,3% so tháng trước và tăng 7,11% so với cùng kỳ năm 2012. Lũy kế quý I vận chuyển hành khách đạt 14,1 triệu lượt người, đạt 29,13% kế hoạch năm, tăng 10,87% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 720,7 triệu lượt người.km đạt 28,67% kế hoạch năm và tăng 10,64% so cùng kỳ năm 2012.

   Vận tải hàng hóa tháng 3 ước tính đạt 649 ngàn tấn, giảm 15,27% so tháng trước và tăng 6,57% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển hàng hóa trên 87,2 triệu tấn.km, giảm 16,28% so tháng trước và tăng 5,57% so với cùng kỳ. Lũy kế quý I vận tải hàng hóa ước tính trên 2 triệu tấn, đạt 29,08% kế hoạch năm, tăng 11,13% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển trên 275,5 triệu tấn.km, đạt 31,97% kế hoạch năm và tăng 10,81% so với cùng kỳ năm trước.

  6.4. Bưu chính - Viễn thông

Hoạt động Bưu chính, Viễn thông tiếp tục phát triển, mạng thông tin viễn thông luôn thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin liên lạc, các doanh nghiệp kinh doanh viễn thông luôn duy trì các chương trình khuyến mãi giảm giá phục vụ,  số điện thoại di động phát triển mới tăng cao. Trong quý I, ước tính số điện thoại di động phát triển mới đạt 82.523 thuê bao, tăng 5,6 lần so cùng kỳ, nhưng số thuê bao cố định lại giảm mạnh với mức giảm 218.799 thuê bao. Số thuê bao điện thoại hiện có trên mạng là 2.221.543 thuê bao, trong đó di động 2.035.054 thuê bao, hiện nay mật độ đạt 128 thuê bao/100 dân. Số thuê bao internet phát triển mới trong quí I đạt 3.179 thuê bao, nâng tổng thuê bao hiện có trên mạng lên 64.968 thuê bao.

6.5. Du lịch

Trong quý I, việc khánh thành và đưa sân bay quốc tế Phú Quốc đi vào hoạt động tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, với hệ thống hạ tầng cơ sở và dịch vụ cho du lịch còn yếu kém, sản phẩm du lịch đơn điệu, thiếu tính chuyên nghiệp, mặt khác do kinh tế còn nhiều khó khăn cả ở trong nước và quốc tế nên lượng khách du lịch trên địa bàn tỉnh trong quí I đã giảm so với cùng kỳ năm trước, nhất là khách đến các điểm du lịch và khách du lịch theo tour đang giảm đáng kể.

 Ước tính tháng 3 tổng lượt khách du lịch trên địa bàn tỉnh có trên 287 ngàn lượt khách, trong đó có trên 86,4 ngàn lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch, 7.650 lượt khách du lịch theo tour. Lũy kế 3 tháng tổng số khách du lịch trên địa bàn có trên 1.009,5 ngàn lượt khách, bằng 24,49% kế hoạch năm và giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch trên 722,3 ngàn lượt khách, bằng 24,16% kế hoạch, giảm 25,16% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch theo tour 20.980 lượt khách, bằng 15,89% kế hoạch năm, giảm 1,55% so với cùng kỳ năm trước; ngay cả khách quốc tế đến Phú Quốc cũng chỉ đạt 38.431 lượt khách, bằng 21,12% kế hoạch năm, giảm 9,85% so với cùng kỳ năm trước. 

            6.6. Chỉ số giá tiêu dùng

          Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1 và tháng 2 năm 2013 tăng ở mức 1,14% và 1,23%, tạo tâm lý lo ngại về lạm phát quay trở lại. Tuy nhiên nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tăng trong 2 tháng đầu năm chủ yếu từ nhu cầu tiêu dùng trước và trong Tết. 2 tháng đầu năm giá một số mặt hàng tiêu dùng tăng khá cao như: Hàng thực phẩm (giá thịt heo tăng 5.000-10.000đ/kg, gà tăng 5.000-40.000đ/kg, trứng tăng 5.000-7.000đ/chục, giá hải sản tăng 1-3%) làm chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 3,49% trong tháng 1 và tăng 3,63% trong tháng 2, tác động đến nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng tăng 1,94% trong tháng 1 và 2,17% trong tháng 2; kế đến giá bia, rượu, thuốc lá, nước ngọt tăng làm cho nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,41%; giá cước vận tải hành khách, hàng hóa trong dịp Tết có tuyến tăng tới 40% làm nhóm giao thông tăng 1,39%; ngoài ra giá điện sinh hoạt trong tháng 1 tăng 4,09% cũng ảnh hưởng đến nhóm nhà ở, điện nước, vật liệu xây dựng tăng 1,26%; các nhóm hàng còn lại tăng dưới 1%; riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,06% trong tháng 1 và -0,11% vào tháng 2.

Sau 2 tháng liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,37%, đến tháng 3 giá cả hầu hết các mặt hàng đã đứng giá và có xu hướng giảm so với tháng 2, đã làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm 0,35% so tháng trước. Trong đó, giảm nhiều nhất là nhóm thực phẩm giảm 1,26% (giá gà giảm 30.000đ/kg, thịt heo giảm 10.000-12.000đ/kg, thị bò giảm 20.000đ/kg, trứng giảm 8.000-9.000đ/chục); kế đến là nhóm lương thực giảm 1,14% (gạo giảm 500-1000đ/kg); nhóm giao thông giảm 1,05% (giảm giá dịch vụ giao thông 12,42%); nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,49%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,24%. Các nhóm mặt hàng còn lại tăng nhẹ từ 0,05% (thuốc và dịch vụ y tế) đến 0,48% (may mặc, mũ nón, giày dép). Riêng nhóm ăn uống ngoài gia đình vẫn tăng cao với mức 1,6%.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 so với tháng 12 năm trước (sau 3 tháng) tăng 2,03%. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,37% (lương thực giảm 2,76%, thực phẩm tăng 5,9% và ăn uống ngoài gia đình tăng 3,44%); kế đến nhóm đồ uống tăng 2,62%; còn lại các nhóm khác tăng dưới mức tăng chung.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 so với cùng kỳ năm trước (sau một năm) tăng 6,52%. Trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng rất cao với mức 75,4%; kế đến là nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 9,04%.

Chỉ số giá vàng: Giá vàng từ đầu năm đến nay có chiều hướng giảm, tháng 3 so tháng trước giảm 2,76%; so với tháng 12/2012 (sau 3 tháng) giảm 4,77% và sau 12 tháng giảm giảm 3,85%. Bình quân giá bán trong tháng là 4.093.000đ/chỉ.

Chỉ số giá đô la Mỹ: So với tháng trước tăng 0,56%, so tháng 12/2012 (sau 3 tháng) tăng 0,4%; so với cùng kỳ năm trước tăng 0,48%. Thời điểm 15/3/2013 với mức giá bán tại Ngân hàng Ngoại thương là 20.960 đồng/đô la Mỹ.

7. Một số tình hình xã hội

 - Tình hình đời sống dân cư: Trong quý I, đời sống của các tầng lớp dân cư toàn tỉnh tương đối ổn định và có phần cải thiện, chỉ số giá tiêu dùng sau 3 tháng chỉ tăng 2,03% nên không ảnh hưởng lớn đến thu nhập thực tế của các tầng lớp nhân dân. Sản xuất nông nghiệp tăng về diện tích và sản lượng lúa vụ mùa và vụ đông xuân. Tuy nhiên với giá lúa thấp như hiện nay ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và mức sống của nông dân.

Trong quý, giải quyết việc làm cho 6.900 lao động (việc lam trong tỉnh 5.100 người, việc làm ngoài tỉnh 1.800 người); giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 633 người lao động.

Đào tạo nghề cho 1.357 người, đạt 4,5% so với kế hoạch, trong đó trình độ sơ cấp nghề là: 523 người, dạy nghề dưới 03 tháng 834 người.

Nhân dịp Tết Quý Tỵ tỉnh đã hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí 14,7 tỷ đồng; tặng 500 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền gần 80 triệu đồng; thăm hỏi và chúc Tết những gia đình chính sách, người có công, lực lượng vũ trang, với 24.072 xuất quà tổng kinh phí 6,6 tỷ đồng.

- Giáo dục: Tính đến giữa năm học 2012-2013 toàn tỉnh có 91 trường học mầm non, tăng 12 trường so với năm học trước; 301 trường tiểu học, giảm 2 trường; 193 trường trung học cơ sở, tăng 1 trường và 25 trường phổ thông trung học, giảm 3 trường. Tổng số giáo viên 16.741 người, tăng 4,09% so năm học trước, gồm 9.002 giáo viên tiểu học, tăng 5,53% (tăng 472 giáo viên); 5.528 giáo viên trung học cơ sở, tăng 2,6% (tăng 140 GV) và 2.211 giáo viên trung học phổ thông, tăng 2,12% (tăng 46 GV). Tổng số học sinh đến giữa năm học là 282.513 HS tăng 1.504 HS. Trong đó, tiểu học 159.507 HS, giảm 926 HS; trung học cơ sở 88.204 HS, tăng 1.733 HS; trung học phổ thông 34.802 HS , tăng 697 HS.

- Văn hóa, thể thao: Trong quý I đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao vui chơi lành mạnh để chào mừng kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng và mừng xuân Quý Tỵ 2013, Bảo tàng tỉnh mở cửa phòng trưng bày phục vụ 1.640 lượt khách đến tham quan; Đoàn cải lương Nhân dân Kiên Giang và Đoàn nghệ thuật Khmer biểu diễn phục vụ Lễ hội đón Giao thừa; Hội hoa Xuân được tổ chức nhộn nhịp ở đường Lạc Hồng tại thành phố Rạch Giá; xây dựng chương trình Lễ hội Năm văn hóa du lịch thị xã Hà Tiên, kỷ niệm 277 năm Tao đàn Chiêu Anh Các, kỷ niệm 51 năm ngày hy sinh của AHLLVTND Phan Thị Ràng; Tổ chức chương trình văn nghệ kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3); tổ chức thành công chương trình “Hướng về biên giới – Biển đảo Quê hương”… Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT; Phòng Nghiệp vụ TDTT tổ chức Hội thao mừng Đảng, mừng Xuân Quý Tỵ và giải điền kinh, bóng đá; Đội tuyển cờ vua tham dự giải cờ vua Đại hội TDTT Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V năm 2013 mở rộng tại Đồng Tháp, kết quả đạt 12 huy chương (4 HCV, 2 HCB và 6 HCĐ). Đội tuyển điền kinh chuẩn bị lực lượng tham dự giải Việt dã và bán Marathon toàn quốc - báo tiền phong lần thứ 54 năm 2013 vào ngày 24/3 tại thị xã Hà Tiên; đội tuyển Kienlong Bank Kiên Giang tham dự giải V – League năm 2013. Tổ chức giải bóng đá tứ hùng “Mừng Đảng, mừng Xuân Quý Tỵ” có 04 đội tham dự, gồm: Kienlong bank Kiên Giang, Đồng Tâm Long An, Đồng Nai, Xi măng Xuân Thành Sài gòn, kết quả: đội Kienlong bank Kiên Giang đoạt chiếc cúp vô địch.

- Tình hình dịch bệnh: Trong quý I/2013, tình hình diễn biến các bệnh truyền nhiễm tương đối ổn định, không xảy ra dịch. Công tác giám sát và xử lý các dịch bệnh truyền nhiễm ngành Y tế thực hiện đúng theo quy trình, quy định của Bộ Y tế .

 Theo số liệu tính đến ngày 10/03/2013: Hội chứng tay chân miệng toàn tỉnh có 297 ca, giảm 67 ca so với cùng kỳ năm 2012. Số cas mắc TCM tập trung nhiều ở huyện Hòn Đất (105 ca),Tân Hiệp (46 ca), Rạch Giá (25 ca), Giồng Riềng (25 ca), không ghi nhận ca biến chứng và tử vong; ngành y tế đang tập trung nhiều biện pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác phòng chống bệnh TCM. Bệnh sốt xuất huyết xảy ra 109 ca, giảm 261 ca so với cùng kỳ năm trước, các địa phương có số mắc cao là Phú Quốc (49 ca), Hòn Đất (15 ca), TP.Rạch Giá (14 ca), các địa phương khác xảy ra rải rác không gây dịch, không ghi nhận có ca biến chứng và tử vong. Tổng số mẫu xét nghiệm giám sát HIV là 3.942 mẫu, số người mới nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh là 53 người, giảm 24,28% so với cùng kỳ. Số ca chuyển sang AIDS là 07 ca, tử vong do AIDS là 04 người, so với cùng kỳ giảm 04 người. Các bệnh truyền nhiễm khác có số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2012 như: Bệnh cúm thông thường mắc 959 cas, tăng 191 cas; bệnh tiêu chảy thường mắc 1.907 cas, tăng 13,98%, không ghi nhận cas tiêu chảy cấp nguy hiểm, không có cas tử vong. Một số bệnh có xu hướng giảm như: Lỵ trực trùng 76 ca, giảm 23 ca; Quai bị 10 ca, giảm 23 ca. Không phát hiện cúm A(H1N1), A(H5N1). 

- An toàn vệ sinh thực phẩm: Trong quý I năm 2013 đã cấp mới 82 hồ sơ đủ điều kiện VSATTP cho các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, nhà hàng. Tiếp nhận và hoàn thành 42 hồ sơ chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm. Tổ chức 10 lớp tập huấn kiến thức ATVSTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có 445 học viên tham dự. Đã tiến hành thanh, kiểm tra 4.925 cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh, kết quả kiểm tra có 647 cơ sở vi phạm, trong đó nhắc nhở 602 cơ sở và xử phạt 45 cơ sở theo đúng quy định của pháp luật. Và trong quý I không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.

- Tình hình tai nạn giao thông: Trong tháng 2, trên toàn tỉnh xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông đều là đường bộ, làm chết 8 người, bị thương 6 người, so tháng 2 năm 2012 tăng 7 vụ, chết tăng 6 người, bị thương tăng 1 người. Lũy kế 2 tháng đầu năm nay đã xảy ra 25 vụ làm 21 người chết và 21 người bị thương. So cùng kỳ năm 2012 tăng 4 vụ, tăng 2 người chết và tăng 9 người bị thương. Nguyên nhân số vụ tai nạn giao thông trong 2 tháng tăng, do trước và  trong Tết, lượng phương tiện giao thông nhiều, người tham gia giao thông thiếu ý thức, còn vi phạm luật giao thông như điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt qui định, phóng nhanh, vượt ẩu, thiếu quan sát...

- Thiệt hại do cháy nổ: Trong tháng 3 trên toàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ cháy, trong đó có một vụ cháy chợ An Minh gây thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng và một vụ nổ bình gas trên biển Phú Quốc làm chết 2 người quê ở Bình Định. Thiệt hại các vụ cháy nổ trong tháng 3 ước tính trên 6 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay đã xảy ra 11 vụ cháy, tổng thiệt hại lên 6,7 tỷ đồng nguyên nhân chính gây cháy do chập điện, sử dụng lửa...

8. Đề xuất kiến nghị:

Kinh tế-xã hội quý I năm nay đạt được một số kết quả nhất định, chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng chậm lại. Tăng trưởng kinh tế tuy không cao nhưng là mức tăng hợp lý trong điều kiện cả nước tập trung thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Mục tiêu đề ra mức tăng trưởng cả năm là 12,5%, quí I đạt được mức tăng trưởng 9,56% là còn thấp so với mục tiêu nhưng so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long thì đây đã là mức tăng trưởng cao nhất (Long An 9,2%; Tiền Giang 9,2%; Trà Vinh 8,05%; Sóc Trăng 8,81%; Cần Thơ 8,29%; An Giang 4,17%; Cà Mau 4,2%).

Xuất khẩu hàng hóa đạt thấp, kinh tế-xã hội tỉnh ta tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới biến động phức tạp, thị trường giá cả hàng hóa thay đổi khó lường. Việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá một số mặt hàng như: Điện, than, xăng dầu theo cơ chế thị trường sẽ ảnh hưởng đến cả chỉ số giá tiêu dùng và chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Do đó, để bảo đảm hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch của năm 2013, ngoài việc các ngành, các cấp, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các Nghị quyết của Chính phủ, Cục Thống kê còn đề xuất tỉnh cần tập trung giải quyết một số nội dung trọng tâm sau đây:

1. Về sản xuất nông nghiệp:

- Có kế hoạch đối phó với khô hạn và ngăn xâm nhập mặn trên diện tích lúa xuân hè và hè thu sớm đang gieo trồng. Chỉ đạo các ngành chức năng giám sát chặc chẽ, và xử lý có hiệu quả việc phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi và cây trồng. Có biện pháp hỗ trợ giống cây, con, phổ biến thông tin hướng cho nông dân chọn giống lúa tốt kháng sâu bệnh, cho năng suất cao và phù hợp thổ nhưỡng ở từng địa phương. Đồng thời đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn.

- Đề nghị Chính phủ tiếp tục cho mua lúa tạm trữ và cho tỉnh mua với số lượng nhiều hơn để đảm bảo mua hết lúa hàng hóa trong dân, đảm bảo mức giá mua để nông dân có lợi, tạo được lòng tin để nông dân phấn khởi, yên tâm gắn bó với đồng ruộng, mở rộng diện và nâng cao sản lượng các mùa vụ tới.

- Tuyên truyền vận động và có biện pháp hỗ trợ nông dân tích cực chăn nuôi heo, gà, vịt và một số loại vật nuôi khác. Tăng cường truyên truyền các mô hình chăn nuôi có hiệu quả để nhân rộng, khuyến khích chăn nuôi với qui mô trang trại.

- Tăng cường hệ thống thủy lợi cho những vùng chuyên canh tôm công nghiệp, dẫn nước mặn riêng biệt cho vùng nuôi tôm, tránh tái sử dụng nước của vụ trước để thả tiếp vụ sau rất dễ lây lan dịch bệnh. Đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ về giống tôm nuôi, đảm bảo giống có chất lượng và không có mầm bệnh.

2. Về sản xuất công nghiệp:

- Cùng với việc tăng cường xúc tiến thương mại để hỗ trợ tìm kiếm thị trường cho doanh nghiệp, cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, nhất là các doanh nghiệp chế biến nông, thủy sản để doanh nghiệp đổi mới dây chuyền sản xuất, cải tiến mẫu mã sản phẩm, quản trị chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đặc biệt là doanh nghiệp phải có chiến lược sản phẩm, phải lựa chọn sản phẩm phù hợp để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

3. Về thương mại, du lịch:

- Đồng hành với doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu, tăng cường các mối quan hệ ngoại giao kết hợp với thương mại và du lịch để quảng bá sản phẩm, thương hiệu, địa danh thắng cảnh du lịch cho cả trong và ngoài nước.

- Tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống bán lẻ hiện có tại các huyện, thị, thành phố để phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Khuyến khích, ủng hộ các đơn vị sản xuất kinh doanh thực hiện chương trình đưa hàng hóa về nông thôn, cùng với việc tăng cường vận động “Người Việt dùng hàng Việt”.

4. Về đầu tư xây dựng:

Tập trung ưu tiên vốn để đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm như cầu, đường, cảng nhất là hạ tầng phục vụ cho du lịch. Cùng với việc ư tiên vốn là chính sách thu hút vốn từ bên ngoài để đầu tư phát triển du lịch, nhất là ở các khu vực trọng điểm du lịch như Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương.

5. Về các chương trình mục tiêu khác:

     Thực hiện tốt các chính sách, chương trình mục tiêu về nông thôn, nông nghiệp, về y tế, giáo dục, văn hóa xã hội, lao động việc làm, hộ nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu, hải đảo…./.

 

Tải về: - Số liệu Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2013

             - Số liệu CPI

Số lần đọc: 1710
Cục Thống kê Kiên Giang
Tin liên quan