Tin nóng
26.02.2021

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp

Vụ Mùa (2020-2021): kết thúc gieo trồng toàn tỉnh xuống giống được 58.395 ha[1], đạt 92,69% kế hoạch, giảm 6,73% so với vụ Mùa năm trước (giảm 4.215 ha). Đến nay đã thu hoạch được 53.220 ha, năng suất ước tính 4,70 tấn/ha.

Lúa Mùa năm nay, do thời tiết ít mưa và nước mặn xâm thực sớm hơn năm trước nên lịch gieo sạ chậm từ 10 đến 15 ngày so với năm trước. Tỉnh đã có các biện pháp ứng phó kịp thời nhưng xâm nhập mặn vẫn gây ảnh hưởng khoảng 7.158 ha, trong đó huyện An Minh chịu ảnh hưởng nhiều nhất với 6.158 ha, trong đó mất trắng 3.074 ha.

Vụ Đông Xuân (2020-2021): diện tích gieo sạ trên toàn tỉnh ước đạt 284.225 ha, đạt 99,38% kế hoạch, giảm 1,67% (giảm 4.826 ha) so với năm trước. Nguyên nhân diện tích gieo sạ chưa đạt kế hoạch và giảm so với năm trước chủ yếu do năm nay lịch thời vụ chậm hơn và ở vùng U Minh Thượng có một số diện tích đã chuyển sang nuôi tôm.

Nhìn chung, lúa Đông xuân năm nay đang phát triển tương đối tốt. Tính tới thời điểm báo cáo cơ bản các huyện chưa ghi nhận thiệt hại lớn do sâu bệnh gây ra, các loại sâu bệnh gây hại chủ yếu là cháy bìa lá, đạo ôn lá, sâu cuốn lá, rầy nâu, đạo ôn cổ bông…, trong tháng ghi nhận có 3.691 ha bị nhiễm sâu bệnh.

Cây rau màu

Một số cây màu vụ Đông xuân cũng được nhân dân chú trọng sản xuất nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay đã gieo trồng một số loại cây với diện tích như: dưa hấu 538 ha, giảm 0,55% so với cùng kỳ; khoai lang 573 ha, tăng 2,32%; khoai mì 57 ha, giảm 12,31%; bắp 79 ha, tăng 1,28%; rau các loại 3.189 ha, tăng 3,34%.

Chăn nuôi

Trong tháng tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định; tình hình dịch bệnh trên vật nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, kiểm dịch động vật vẫn đang được kiểm soát tốt. Đàn trâu, bò có giảm so với cùng kỳ là do nhu cầu tiêu dùng dịp tết, phần lớn hộ nuôi chỉ vỗ béo trong thời gian ngắn để giết thịt. Tuy nhiên những tháng gần đây tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi trên cả nước đã xuất hiện một số ổ dịch, nguy cơ bùng phát dịch trở lại trên địa bàn tỉnh là rất cao. Để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên phối hợp với các địa phương chủ động, tăng cường công tác phòng chống dịch, như tập trung hướng dẫn doanh nghiệp, hộ chăn nuôi thực hiện tốt khâu vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng trước khi thả nuôi, kiểm soát thật tốt sự vận chuyển động vật ra, vào địa bản tỉnh, nhất là đối với heo.

b. Lâm nghiệp

Hiện nay thời tiết đang trong mùa khô, nên dễ xảy ra cháy rừng, ngành Kiểm lâm đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương tuyên truyền giáo dục và vận động người dân tham gia bảo vệ rừng, tăng cường tuần tra bảo vệ rừng. Nên trong tháng trên địa bàn không xảy ra vụ việc chặt phá, lấn chiếm đất rừng.

c. Thủy sản

Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 2010) trong tháng Hai ước tính đạt 1.912,38 tỷ đồng, giảm 10,98% so với tháng trước, giảm 4,92% so cùng kỳ[2]. Tính chung 2 tháng, ước tính đạt 4.060,64 tỷ đồng, bằng 12,76% kế hoạch năm, tăng 0,25% so cùng kỳ[3] năm trước.

Sản lượng thủy sản tháng Hai ước đạt 56.072 tấn, giảm 7,99% so tháng trước (giảm 4.872 tấn), giảm 9,38% (giảm 5.804 tấn) so cùng kỳ năm trước[4]. Tính chung 2 tháng đạt 117.016 tấn, giảm 2,84% (giảm 3.417 tấn) so cùng kỳ năm trước và bằng 14,65% kế hoạch năm[5]. Hiện nay, tình hình khai thác hải sản vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do ngư trường cạn kiệt, công tác bảo vệ nguồn lợi chưa hiệu quả và do tết năm nay vào tháng 2 dương lịch nên nhiều phương tiện nghỉ sớm dẫn đến số ngày sản xuất ít hơn so tháng trước và so cùng kỳ. Sản lượng nuôi trồng thu hoạch trong tháng giảm so với tháng trước là do vụ thả nuôi trước đã thu hoạch chuẩn bị cho tết cổ truyền dân tộc và đang chuẩn bị thả nuôi vụ tiếp theo.

2. Công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): tháng Hai giảm 18,26% so tháng trước, giảm 6,12% so với tháng 2 năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 28,52%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 19,78% so với tháng trước.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): tháng Hai ước tính đạt 3.872,75 tỷ đồng, giảm 18,26% so tháng trước và giảm 6,20% so với cùng kỳ năm trước[6]. Tính chung 2 tháng ước đạt 8.610,47 tỷ đồng, bằng 15,82% kế hoạch năm, tăng 8,00% so với cùng kỳ năm trước[7].

Trong tháng Hai, hầu hết sản phẩm công nghiệp chủ lực đều giảm so với tháng trước và giảm so với cùng kỳ năm trước như: cá đông giảm 24,38%; tôm đông giảm 16,82%; mực đông giảm 30,35%; nước mắm giảm 11,05%; giày da giảm 24,45%; bia các loại giảm 49,99%; điện thương phẩm tăng 4,01%... Nguyên nhân là do năm nay Tết Âm lịch rơi vào tháng 2 nên các cơ sở sản xuất hàng hóa nghỉ tết dài ngày. Tuy nhiên, tính chung 2 tháng nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu vẫn tăng so với cùng kỳ như tôm đông lạnh tăng 11,06%; cá đông tăng 11,14%; giày da tăng 9,51%; bia các loại tăng 28,27%…

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Hai giảm 22,20% so với tháng 1/2021. Trong đó, ngành sản xuất trang phục tăng 13,60%; còn lại tất cả ngành khác đều giảm so với tháng 1/2021.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Hai tăng 8,53% so với tháng 1/2021. Chỉ số tồn kho chung hầu hết tăng so với tháng trước, chỉ số tồn kho tăng cao so với tháng trước chủ yếu ở ngành sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (Xi măng, Clanhke, Các sẩn phẩm từ đất nung) tăng 116,90%.

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tháng 2/2021 tăng 6,64% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động ngành chế biến, chế tạo tăng 7,19%; ngành khai khoáng tăng 4,22%.

3. Vốn đầu tư thực hiện

Vốn đầu tư trong tháng 2 chủ yếu tập trung thực hiện các công trình chuyển tiếp, và một số công trình dự án trọng điểm của năm 2021 như: Bệnh viện Ung Bướu, đường ven biển Rạch Giá – Hòn Đất, đường 3/2 nối dài, đường ven sông Cái Lớn ... Do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu đến 17/02/2021 mới bắt đầu làm việc bình thường, vì vậy việc giải ngân vốn đầu tư trong tháng 2 đạt thấp. Ước tính vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 2 tháng giải ngân đạt 85,39 tỷ đồng, chỉ bằng 1,64% kế hoạch năm và bằng 77,19% so cùng kỳ.

 4. Thu, chi ngân sách nhà nước

Thu ngân sách nhà nước tháng Hai ước tính đạt 1.009,50 tỷ đồng, giảm 26,25% so với tháng trước; giảm 38,47% so cùng tháng năm trước. luỹ kế 2 tháng ước đạt 2.378,27 tỷ đồng, đạt 20,57% kế hoạch năm; giảm 30,29% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa tháng Hai ước đạt 997 tỷ đồng, giảm 26,92% so với tháng trước, giảm 37,21% so cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 2 tháng ước đạt 2.361,25 tỷ đồng, đạt 20,69% kế hoạch và giảm 28,59% so cùng kỳ.

Chi ngân sách địa phương tháng Hai ước tính 1.224,07 tỷ đồng, tăng 83,42% so với mức chi tháng trước và tăng 216,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 411,18 tỷ đồng; chi thường xuyên là 812,89 tỷ đồng, tăng 24,47% so với tháng trước.

5. Ngân hàng

Hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh trong tháng 02/2021 ổn định, tính đến 28/02/2021 tổng nguồn vốn hoạt động ước đạt 105.300 tỷ đồng, tăng 0,18% so đầu năm và giảm 0,25% so tháng trước. Trong đó: Vốn huy động tại địa phương ước đạt 56.130 tỷ đồng (chiếm 53,30% tổng nguồn vốn hoạt động), tăng 1,84% so đầu năm và tăng 0,97% so tháng trước. 

Doanh số cho vay trong tháng ước đạt 11.500 tỷ đồng; dư nợ cho vay ước đạt 89.000 tỷ đồng, tăng 1,18% so đầu năm và tăng 1,33% so với tháng 1/2021.

Nợ xấu nội bảng ước đạt 800 tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng dư nợ.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng trên địa bàn khá ổn định. Tỷ giá vàng và ngoại tệ diễn biến theo xu hướng chung của cả nước và thế giới.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, các ngân hàng đã thực hiện cho vay với mức lãi suất hợp lý, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ cho doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân.

6. Thương mại - dịch vụ

a. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng

Tháng Hai là tháng có Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, là tháng cao điểm của hoạt động thương mại, du lịch, vận tải... nên các doanh nghiệp, siêu thị đã tăng cường khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, cùng với việc đa dạng hoá các sản phẩm du lịch để thu hút khách đến với tỉnh nhà. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước nên ở tỉnh ta, người dân cũng hạn chế mua sắm và đi lại như các năm trước, nhất là hoạt động của các tour du lịch. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Hai đạt 11.065,72 tỷ đồng, tăng 6,90% so với tháng trước, tăng 16,21% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 2 tháng tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước tính đạt 21.417,25 tỷ đồng, bằng 17,25% kế hoạch năm, tăng 8,89% so cùng kỳ. Chia theo ngành hoạt động như sau:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa: ước tính đạt 8.366,70 tỷ đồng, tăng 8,64% so với tháng trước, tăng 19,00% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 2 tháng ước tính đạt 16.067,75 tỷ đồng, bằng 17,35% kế hoạch năm, tăng 10,21% so cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống: ước tính đạt 1.416,85 tỷ đồng, tăng 2,91% so với tháng trước, tăng 8,26% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 2 tháng ước đạt 2.793,64 tỷ đồng, bằng 16,63% kế hoạch, tăng 2,97% so cùng kỳ.

Doanh thu du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch: ước đạt 33,87 tỷ đồng, giảm 11,45% so với tháng trước, tăng 11,58% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 2 tháng ước đạt 72,12 tỷ đồng, bằng 28,85% kế hoạch, tăng 8,29% so cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động dịch vụ khác: ước đạt 1.248,30 tỷ đồng, tăng 1,04% so với tháng trước, tăng 8,33% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 2 tháng ước đạt 2.483,74 tỷ đồng, bằng 17,19% kế hoạch năm, tăng 7,52% so cùng kỳ.

b. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

- Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Hai ước đạt 52 triệu USD, tăng 0,66% so với tháng trước và tăng 0,14% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng ước đạt 103,66 triệu USD, đạt 13,82% kế hoạch năm, tăng 12,15% so với cùng kỳ năm trước. Là tháng có Tết cổ truyền của dân tộc, dù thời gian nghỉ Tết khá dài nhưng các doanh nghiệp đã có được một số hợp đồng xuất khẩu và giá trị xuất khẩu trong tháng 2 vẫn tăng hơn tháng trước, trong đó xuất khẩu gạo đạt mức tăng khá cao với mức 70,94%, còn lại các nhóm hàng hóa khác đều có giá trị xuất giảm so với tháng trước như: hàng hải sản giảm 5,48%, nguyên liệu giầy da giảm 9,33%, hàng hóa khác giảm 8,64%. Về mặt lượng hàng hóa xuất cũng chỉ có lượng gạo xuất tăng 69,51% so với tháng trước, còn lại các mặt hàng khác số lượng xuất đều giảm như : tôm đông giảm 2,08% (giảm 5 tấn); mực và bạch tuột đông giảm 8,57% (giảm 75 tấn); cá đông giảm 3,93% (giảm 9 tấn); thủy hải sản đông khác giảm 5,19% (giảm 115 tấn)...

- Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Hai ước đạt 11,5 triệu USD, tăng 2,31% so với tháng trước và tăng 1,77% so cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dùng cho sản xuất.

c. Vận tải

Trong điều kiện bình thường thì việc đi lại và vận chuyển hàng hóa tăng khá cao trong những ngày giáp Tết và sau Tết. Tuy nhiên, Tết năm nay cả nước đang phải tích cực phòng chống dịch Covid-19, đa số nhân dân chấp hành tốt chủ trương phòng dịch của Trung ương và đại phương nên cũng hạn đi lại, vì vậy hoạt động vận tải trong tháng 2/2021 không tăng nhiều như những năm trước.

- Vận tải hành khách: tháng Hai ước tính đạt 8,81 triệu lượt khách, tăng 4,74% so với tháng trước, tăng 7,66% so với cùng tháng năm trước; luân chuyển 849,58 triệu HK.km, tăng 4,73% so với tháng trước, tăng 8,04% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 2 tháng vận tải hành khách ước tính đạt 17,21 triệu lượt khách, bằng 17,43% kế hoạch năm, tăng 3,18% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 1.660,78 triệu HK.km, bằng 25,59% kế hoạch năm, tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Vận tải đường bộ tăng 3,22%; đường biển tăng 2,20% so cùng kỳ năm trước.

- Vận tải hàng hóa: tháng Hai ước đạt 1,24 triệu tấn, tăng 6,25% so với tháng trước, tăng 4,90% so với cùng tháng năm trước và luân chuyển đạt 113,11 triệu tấn.km, tăng 6,30% so với tháng trước, tăng 5,66% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 2 tháng, vận tải hàng hóa ước tính đạt 2,41 triệu tấn, bằng 17,20% kế hoạch năm, tăng 2,16% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 219,50 triệu tấn.km, đạt 11,08% kế hoạch năm, tăng 2,86% so cùng kỳ.

d. Du lịch

Ước tính tháng Hai khách du lịch của tỉnh đạt 513,24 ngàn lượt khách, tăng 37,24% so tháng trước, nhưng chỉ bằng 94,06% cùng tháng năm trước. Trong đó khách quốc tế là 7,50 ngàn lượt khách, giảm 41,61% so tháng trước. Tính chung 2 tháng Kiên Giang đón 887,21 ngàn lượt khách, giảm 44,54% so cùng kỳ và đạt 12,67% kế hoạch năm; trong đó khách quốc tế là 20,35 ngàn lượt, giảm 80,62% so cùng kỳ và đạt 5,09% kế hoạch năm.

Khách du lịch tháng 2 tăng hơn so với tháng 1 là do đây là tháng Tết cổ truyền của dân tộc, tháng cao điểm của du lịch. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở các nước trên thế giới nên lượng khách quốc tế đến với du lịch Kiên Giang giảm mạnh. Lượng khách tăng vẫn là khách trong nước, chủ yếu là khách nội tỉnh đến vui chơi tại các điểm du lịch trong tỉnh.

e. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các ngành, địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện bình ổn giá cả thị trường, tuyên truyền vận động Nhân dân sử dụng hàng Việt Nam, tăng cường kiểm tra chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, đảm bảo ổn định thị trường. Hàng hóa phục vụ Tết năm nay rất phong phú, giá cả tương đối ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng, ghim hàng, tăng giá đột biến. Hầu hết các mặt hàng chỉ tăng nhẹ, đáng lưu ý là chỉ số giá vàng và đô la Mỹ lại giảm so với tháng trước đó.

Chỉ số giá tiêu dùng chung tháng 2 tăng 2,30% so với tháng trước, một mặt do giá điện sinh hoạt Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) không còn thực hiện gói hỗ trợ giảm giá, mặt khác do nhu cầu tiêu dùng vào dịp Tết tăng cao nên giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc ... tăng lên.

Trong 10 nhóm hàng tăng giá, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng có mức tăng cao nhất, tăng 7,61% so với tháng trước; Các nhóm hàng còn lại tăng lần lượt như sau: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,93% (lương thực tăng 0,97%, thực phẩm tăng 1,93%, ăn uống ngoài gia đình tăng 2,67%); nhóm giao thông tăng 1,91%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,52%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,73%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,67%; nhóm may mặc, giày dép và mũ nón tăng 0,65%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,14%; nhóm giáo dục tăng 0,02%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giá vẫn ổn định so với tháng trước.

Chỉ số giá vàng: tháng Hai so với tháng trước giảm 0,07%, bình quân giá bán trong tháng là 5.463.000 đồng/chỉ (giảm 4.000 đồng/chỉ). Chỉ số giá vàng tháng 2 so với cùng kỳ năm trước (tháng 2/2020) tăng 22,43%.

Chỉ số giá Đô la Mỹ: tháng 2 so với tháng trước giảm 0,32%, với mức trao đổi bình quân trong tháng tại thị trường liên ngân hàng là 2.312.100 đồng/100 USD (giảm 7.400 đồng/100 USD); chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 2 so với cùng kỳ năm trước giảm 0,82%.

7. Một số tình hình xã hội

7.1. An sinh xã hội, giải quyết việc làm, đào tạo nghề

Tính từ đầu năm đến nay đã giải quyết việc làm cho 6.442[8] lượt người, đạt 18,41% kế hoạch năm, giảm 5,01% so cùng kỳ năm trước.

Trong tháng, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tư vấn việc làm cho 3.282 lượt lao động, có việc làm 726 lao động. Giải quyết trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 664 lao động. Tư vấn cho bộ đội xuất ngũ tại các huyện An Biên, U Minh Thượng, Gò Quao, Hòn Đất và Tân Hiệp, với số lượng 510 người. Phối hợp tổ chức buổi phỏng vấn trực tiếp lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cho 22 lao động.

7.2. Công tác giáo dục

Quyết liệt tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục-Đào tạo; tổ chức thực hiện tốt việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho các lớp 2 và lớp 6; đổi mới phương pháp và hình thức dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, góp phần ổn định và phát triển sự nghiệp giáo dục. Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác khảo thí, kiểm định chất lượng có nhiều tiến bộ, đạt được những kết quả tích cực.

7.3. Công tác y tế

- Công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn đang thực hiện quyết liệt như: tăng cường các chốt trên tuyến biên giới cả trên biển và đất liền để ngặn chặn người nhập cảnh trái phép, quản lý tốt việc cách ly các đối tượng nhập cảnh, nhất là rà soát các trường hợp đến, trở về từ các ổ dịch đang hoạt động (nhất là từ Hải Dương, Quảng Ninh).  Giám sát, theo dõi sức khỏe các trường hợp cách ly theo đúng quy định. Tính từ khi có dịch đến 19/02/2021 toàn tỉnh mới ghi nhận 1 trường hợp mắc Covid-19 và đã điều trị khỏi; hiện cách ly 209 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 757 trường hợp. Tổng số trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm là 9.807 người. Trong đó, có 1 trường hợp dương tính (bệnh nhân số 409), còn lại cho kết quả âm tính.

- Công tác khám chữa bệnh: trong tháng, các cơ sở y tế trong tỉnh đã khám, điều trị bệnh cho 405.211 lượt người, trong đó KCB bằng BHYT là 246.663 lượt người, giảm 3.092 lượt so với tháng trước; điều trị nội trú 22.588 BN, giảm 587 BN so với tháng trước; công suất sử dụng giường bệnh chung là 86,8%; tỷ lệ khỏi bệnh 97,3%, tỷ lệ tử vong 0,08%.

Số lượt khám chữa bệnh bằng YHCT hoặc kết hợp YHHĐ và YHCT là 46.993 lượt, chiếm 13,7% tổng số lượt khám chữa bệnh trong tháng.

- Tình hình dịch bệnh trong tháng: sốt xuất huyết trong tháng ghi nhận 93 cas mắc, giảm 11 cas so với tháng trước (tăng 01 cas so với cùng kỳ), địa phương có số cas mắc cao là huyện An Minh 36 cas, Vĩnh Thuận 20 cas, TP.Phú Quốc 11 cas. Không có trường hợp tử vong. Bệnh tay chân miệng có 187 cas mắc, giảm 73 cas so với tháng trước (tăng 149 cas so với cùng kỳ), cao nhất là TP.Rạch Giá 29 cas, huyện Hòn Đất 25 cas, huyện Vĩnh Thuận 19 cas. Có 01 trường hợp tử vong ở huyện Gò Quao.

- Công tác vệ sinh An toàn thực phẩm: trong tháng đã thực hiện thanh, kiểm tra 1.784 cơ sở, 1.495 cơ sở đảm bảo ATTP theo quy định và 289 cơ sở chưa đảm bảo ATTP, qua đó nhắc nhở 169 cơ sở chưa đảm bảo an toàn thực phẩm, tiêu hủy 59 loại sản phẩm với khối lượng 188 kg thực phẩm quá hạn sử dụng của 10 cơ sở, chứa hóa chất ngoài danh mục của Bộ Y tế. Các cơ sở vi phạm còn lại chờ xử lý. Tính đến ngày 5/2/2021, toàn tỉnh đã ghi nhận 23 cas ngộ độc rượu.

7.4. Hoạt động Văn hóa, Thể dục thể thao

- Hoạt động Văn hóa: tổ chức tuyên truyền kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2021), kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2021). Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh Kiên Giang dừng tổ chức chương trình nghệ thuật bắn pháo hoa Lễ hội đón Giao thừa tại thành phố Rạch Giá và Phú Quốc (ngày 11/02/2021); chỉ thực hiện ghi hình thông điệp đầu năm của Chủ tịch UBND tỉnh để phát trên sóng phát thanh và truyền hình tỉnh.

Trung tâm Văn hóa tỉnh có chương trình văn nghệ chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại Quảng trường Trần Quang Khải (vào ngày 06/02/2021). Thực hiện tốt công tác tuyên truyền Mừng Đảng - Mừng Xuân Tân Sửu 2021.  

- Hoạt động Thể dục thể thao: các đội tuyển thể thao (thể thao thành tích cao) duy trì tập luyện thường xuyên theo kế hoạch. Hiện tại đội tuyển thể thao các tuyến là 128 vận động viên, trong đó đội tuyển có 40 vận động viên, đội tuyển trẻ có 22 vận động viên, đội tuyển năng khiếu có 66 vận động viên, đồng thời quản lý tốt công tác đào tạo văn hóa.

7.5. Tai nạn giao thông

Tính từ ngày 15/1/2021 đến 14/2/2021 trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông (đường bộ 15 vụ, đường thủy 1 vụ), làm 11 người chết, 12 người bị thương, trong đó số vụ tai nạn nghiêm trọng 11 vụ, làm 9 người chết, 7 người bị thương, số vụ rất nghiêm trọng 1 vụ làm 2 người chết. So với tháng 1/2021 số vụ TNGT tăng 1 vụ, số người chết tăng 3 người, số người bị thương tăng 3 người. So với cùng thời gian này năm trước, toàn tỉnh tăng 4 vụ TNGT, tăng 5 người chết, tăng 6 người bị thương. Tình hình tai nạn giao thông những ngày đầu xuân Tân Sửu 2021 tăng cả 3 tiêu chí, một mặt do vào dịp Tết số lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng cao, mặt khác do số người uống rượu, bia tham gia gia thông tăng nên dễ xảy ra tai nạn giao thông.

7.6. Tình hình cháy, nổ và thiên tai

Từ ngày 15/1/2021 đến 14/2/2021 toàn tỉnh xảy ra 03 vụ cháy, 01 vụ nổ, làm 01 người chết và 01 người bị thương, ước tính thiệt hại vật chất trên 1,4 tỷ đồng. Nguyên nhân các vụ cháy, nổ: 01 vụ do sự cố chập điện làm cháy nhà dân vào ngày 08/02/2021 tại khu phố Kiên Tân, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, ước thiệt hại khoảng 450 triệu đồng; 01 vụ do chất hữu cơ trong kho ủ sinh nhiệt làm cháy tại nhà máy xử lý rác ngày 09/02/2021 tại ấp Sơn Tịnh, thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất, ước thiệt hại khoảng 500 triệu đồng; 01 vụ cháy cơ sở gia công đồ gỗ vào ngày 01/02/2021 tại ấp Hoà Thuận, xã Vĩnh Hoà Hiệp, huyện Châu Thành, ước thiệt hại khoảng 167,5 triệu đồng, nguyên nhân đang điều tra; 01 vụ nổ chẹt chở máy gặt đập liên hợp xảy ra ngày 26/01/2021 tại ấp Thới Trung, xã Thới Quản, huyện Gò Quao đã làm 01 người chết và 01 người bị thương, ước thiệt hại khoảng 300 triệu đồng, nguyên nhân đang điều tra.

Tính chung 2 tháng, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 05 vụ cháy, 01 vụ nổ làm chết 01 người, bị thương 01 người, ước thiệt hại vật chất hơn 1,5 tỷ đồng./.

Tải về: - Số liệu Kinh tế - xã hội tháng 02 năm 2021 của tỉnh Kiên Giang;

             - Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 02 năm 2021 của tỉnh Kiên Giang


[1] Lúa vụ Mùa (2020 – 2021) đã gieo trồng ở các huyện An Minh 20.645 ha, An Biên 16.397 ha, Vĩnh Thuận 12.076 ha, U Minh Thượng 7.258 ha, Gò Quao 1.420 ha và TP Hà Tiên 599 ha.

[2] Chia ra: Giá trị khai thác giảm 10,11% so tháng trước, giảm 11,98% so tháng cùng kỳ. Giá trị nuôi trồng giảm 12,18% so tháng trước, tăng 7,20% so tháng cùng kỳ.

[3] Chia ra: Giá trị khai thác đạt 17,76% kế hoạch, giảm 4,14%; nuôi trồng đạt 8,57% kế hoạch, tăng 7,07%.

[4] Trong đó: sản lượng khai thác 42.622 tấn, giảm 7,67% so với tháng trước, giảm 11,49% so cùng kỳ năm trước.

[5] Chia ra: sản lượng khai thác giảm 5,20% (giảm 4.873 tấn) so cùng kỳ năm trước; sản lượng nuôi trồng tăng 5,44% (tăng 1.456 tấn) so cùng kỳ năm trước.

[6] Trong đó, ngành khai khoáng giảm 28,52% (giảm 9,25 tỷ đồng); ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 18,61% (giảm 856,53 tỷ đồng) so với tháng trước.

[7] Trong đó, ngành khai khoáng tăng 15,20% (tăng 7,34 tỷ đồng); ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,02% (tăng 619,65 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước.

 

[8] Trong đó: Trong tỉnh là 3.694, ngoài tỉnh là 1.711, xuất khẩu lao động: 37 (26 Nhật Bản, 11 Đài Loan).

 

Số lần đọc: 1009
Cục Thống kê Kiên Giang
Tin liên quan