Tin nóng
30.09.2022

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh quý III, 9 tháng năm 2022 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm lại, xung đột giữa Nga – Ucraina làm các mặt hàng chiến lược, thiết yếu và giá một số nguyên vật liệu sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước; chi phí dịch vụ logistic, giá cước vận tải còn ở mức cao, tạo áp lực lên giá thành sản xuất đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã đem lại kết quả khá khả quan nhờ triển khai tốt các chính sách thuế, chính sách phục hồi sản xuất, chính sách tín dụng, các chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Kinh tế - xã hội 9 tháng năm nay vẫn ổn định và đạt mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước; sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá cao; tăng trưởng tín dụng ở mức khá. An ninh chính trị, an toàn xã hội được giữ vững, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân ổn định và được nâng lên…Điểm sáng của kinh tế trong 9 tháng năm 2022 là sản xuất công nghiệp đạt mức tăng 20,13%, dịch vụ lữ hành và dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng đã có sự khởi sắc với mức tăng trưởng ấn tượng lần lượt là 266,29% và 57,70%; bên cạnh đó các khoản thu ngân sách Nhà nước cũng tăng trưởng hơn 19%...Cụ thể từng lĩnh vực như sau:

1. Tăng trưởng kinh tế

Ước tính tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm 2022 (theo giá so sánh 2010) đạt trên 52.473 tỷ đồng, bằng 78,37% kế hoạch năm, tăng 8,61% so với cùng kỳ năm trước [1]. Trong đó:

 Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản: Tổng giá trị tăng thêm (VA) ước tính 21.482,96 tỷ đồng, đạt 82,74% kế hoạch năm, tăng 1,17% so với năm trước. Khu vực I, năm nay tăng trưởng thấp so với cùng kỳ là do sản lượng khai thác giảm nhiều do giá xăng, dầu và các nguyên liệu đầu vào đều tăng cao nên làm tăng chi phí giá thành, giảm hiệu quả kinh tế.

Khu vực công nghiệp và xây dựng: Tổng giá trị tăng thêm ước tính 10.583,83 tỷ đồng, đạt 67,73% kế hoạch năm, tăng 13,64% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp cho tăng trưởng chung 2,63 điểm phần trăm, trong đó lĩnh vực công nghiệp đạt 6.151,74 tỷ đồng, tăng 20,74% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp cho tăng trưởng chung 2,19 điểm phần trăm. Khu vực II tăng cao hơn năm trước là do một số ngành đạt mức tăng khá như : công nghiệp khai khoáng, sản xuất giày da, gỗ MDF, chế biến thuỷ sản… Tuy nhiên, ngành xây dựng tăng trưởng còn thấp do giá vật liệu xây dựng như sắt, thép, cát… đều tăng cao ảnh hưởng đến thực hiện vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công còn rất chậm.

Khu vực dịch vụ: Tổng giá trị tăng thêm ước tính đạt trên 17.750,50 tỷ đồng, tăng 16,63% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp cho tăng trưởng chung 5,24 điểm phần trăm. Khu vực III tăng trưởng cao hơn cùng kỳ và đã đóng góp tích cực cho mức tăng trưởng chung, trong đó một số dịch vụ hồi phục nhanh chóng như dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải và du lịch…

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 2.655,76 tỷ đồng, tăng 4,26% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp cho tăng trưởng chung 0,22 điểm phần trăm.

Về cơ cấu kinh tế (cơ cấu GRDP): khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 41,09%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 19,72%; khu vực dịch vụ chiếm 34,15%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,05%.

2. Tài chính, ngân hàng

2.1. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tháng Chín ước tính đạt 804,17 tỷ đồng, tăng 2,19% so với tháng trước và tăng 232,91% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách 9 tháng ước tính trên 8.751 tỷ đồng, đạt 79,22% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 19,67% so cùng kỳ. Trong đó thu nội địa 8.639,60 tỷ đồng, đạt 78,56% dự toán, tăng 18,94% so cùng kỳ, chiếm 98,72% trong tổng thu ngân sách của tỉnh. Nếu loại trừ tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết và ghi thu ghi chi tiền thuê đất thì ước thu nội địa 9 tháng chỉ được 6.607 tỷ đồng, đạt 81,59% dự toán, tăng 23,11% so với cùng kỳ. Một số khoản thu đạt cao so với dự toán và tăng so với cùng kỳ năm trước như: Thu từ công ty có vốn đầu tư nước ngoài đạt 115,71% dự toán năm, tăng 92,78% so cùng kỳ; thu lệ phí trước bạ đạt 109,87% dự toán, tăng 74,63%; thu thuế thu nhập cá nhân đạt 108,45% dự toán, tăng 50,38%; thu từ khu vực công thương nghiệp NQD đạt 93,96% dự toán, tăng 43,17%,...Tuy nhiên, cũng còn một số khoản thu đạt thấp so với dự toán và so với cùng kỳ năm trước như: Thu thuế bảo vệ môi trường đạt 48,43% dự toán, bằng 40,50%; thu cho thuê mặt đất, mặt nước đạt 24,47% dự toán, bằng 47,95%; thu từ doanh nghiệp nhà nước TW đạt 56,30% dự toán, bằng 86,81%; thu từ sổ xố kiến thiết đạt 77,02% dự toán, bằng 90,01%;...

Tổng chi ngân sách địa phương tháng Chín ước chi hơn 1.465 tỷ đồng, tăng 29,76% so tháng trước và tăng 24,16% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách 9 tháng ước tính 10.155,94 tỷ đồng, đạt 66,10% dự toán năm, tăng 30,04% so cùng kỳ. Trong đó: Chi thường xuyên 7.179,67 tỷ đồng, đạt 72,75% dự toán, tăng 17,06%; chi đầu tư phát triển 2.969 tỷ đồng, đạt 75,53% dự toán, tăng 77,09% so năm trước.

2.2. Hoạt động Ngân hàng

Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tiếp tục tập trung các giải pháp như duy trì tăng trưởng huy động vốn; tăng cường thực hiện các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, huy động vốn và tín dụng tiếp tục tăng trưởng (so với quý trước, đầu năm và cùng kỳ), phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ước đến cuối quý III/2022, một số chỉ tiêu đạt cụ thể như sau:

Tổng nguồn vốn hoạt động ước đạt 128.550 tỷ đồng, tăng 1,69% so quý trước, tăng 9,20% so đầu năm (cùng kỳ tăng 7,44%), tăng 13,84% so cùng kỳ; trong đó, vốn huy động tại địa phương ước đạt 68.000 tỷ đồng (chiếm 52,90% tổng nguồn vốn hoạt động, đạt 109,11% so kế hoạch), giảm 1,42% so quý trước, tăng 10,75% so đầu năm (cùng kỳ tăng 5,31%), tăng 17,16% so cùng kỳ.

Doanh số cho vay trong quý đạt 44.900 tỷ đồng (trong đó, 81,11% doanh số cho vay là phục vụ sản xuất kinh doanh); lũy kế 9 tháng đạt 136.140 tỷ đồng, tăng 29,94% so cùng kỳ. Dư nợ đạt 105.500 tỷ đồng (đạt 97,91% so kế hoạch), tăng 1,84% so quý trước, tăng 8,31% so đầu năm (cùng kỳ tăng 5,84%), tăng 13,32% so cùng kỳ.

Nợ xấu nội bảng 1.550 tỷ đồng, chiếm 1,47% tổng dư nợ.

Nợ tổn thất (nợ đã xử lý bằng dự phòng rủi ro và đang theo dõi ngoại bảng) 1.250 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng trên địa bàn khá ổn định. Tỷ giá vàng và ngoại tệ diễn biến theo xu hướng chung của cả nước và thế giới.

3. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Chín tăng 0,52% so với tháng trước. Trong đó: Khu vực thành thị tăng 0,52%, khu vực nông thôn tăng 0,51%. CPI tháng Chín tăng khá cao là do có 06 nhóm hàng tăng, trong đó nhóm giáo dục tăng nhiều nhất với mức tăng 10,93%; kế đến là nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,50%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,45%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,18%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,13% (trong đó: Ăn uống ngoài gia đình tăng 0,61%); nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,07%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,04%. Có 03 nhóm hàng giảm giá đó là nhóm giao thông giảm 1,67%; nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,46%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD giảm 0,05%. Còn lại các nhóm hàng bưu chính viễn thông bình ổn giá.

So với tháng 12 năm trước (sau 9 tháng) chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,38%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính đều tăng, trong đó tăng cao nhất là nhóm nhóm giáo dục tăng 16,54%; kế đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,29% (trong đó ăn uống ngoài gia đình tăng 6,96%); nhóm hàng hóa và du lịch khác tăng 4,27%; nhóm giao thông tăng 3,48%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 2,85%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,41%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,82%; nhóm may mặc, giày dép và mũ nón tăng 1,45%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,92%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,42% và nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,09%.

Chỉ số giá vàng: Tháng Chín giảm 2,18% so với tháng trước và giảm 0,55% so với cùng kỳ năm trước. Giá vàng bình quân tháng Chín là 5.108.000 đồng/chỉ, giảm 114.000 đồng/chỉ so với tháng trước.

Chỉ số giá Đô la Mỹ: Tháng Chín tăng 0,47% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 3,30% và tăng 3% so với tháng 12 năm trước. Giá USD bình quân tháng Chín là 2.263.800 đồng/100 USD, giảm 11.100 đồng/100 USD so với tháng trước.

4. Đầu tư và xây dựng

Tình hình thực hiện đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm nay tăng trưởng khá tốt, đáp ứng được yêu cầu vốn cho phục hồi và phát triển sản xuất, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Ước tính tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng năm nay đạt trên 29.380 tỷ đồng, bằng 71,47% kế hoạch cả năm và tăng 52,45% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước ước thực hiện 2.454,89 tỷ đồng, mới đạt 47,91% kế hoạch năm, tăng 90,53% so cùng kỳ năm trước: Vốn cân đối ngân sách địa phương 1.994,36 tỷ đồng, đạt 50,74% kế hoạch năm, tăng 88,70% so cùng kỳ; vốn xổ số kiến thiết được 967,02 tỷ đồng, đạt 60,44% kế hoạch, tăng 81,98% so cùng kỳ.

Hoạt động xây dựng 9 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn trước sự leo thang của giá cả vật liệu xây dựng (cát, đá, gạch, xi măng, thép … đều tăng giá), làm cho việc triển khai một số công trình trọng điểm của tỉnh chậm lại, nhất là các công trình hạ tầng giao thông. Ước tính giá trị sản xuất ngành xây dựng (theo giá so sánh 2010) 9 tháng đạt hơn 16.171 tỷ đồng, tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước.

5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Tình hình hoạt động của doanh nghiệp 9 tháng năm 2022 đã từng bước khôi phục để trở lại sản xuất kinh doanh trong điều kiện mới. Tính đến ngày 15 tháng 9 năm 2022, số doanh nghiệp được thành lập mới là 1.400 doanh nghiệp, tăng 435 doanh nghiệp (tăng 45,08%) so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp giải thể là 220 doanh nghiệp, tăng 49 doanh nghiệp (tăng 28,65%) so cùng kỳ năm trước, phần lớn các doanh nghiệp giải thể là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hoạt động không hiệu quả. Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động 583 doanh nghiệp, tăng 120 doanh nghiệp (tăng 25,92%) so cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại 340 doanh nghiệp, giảm 18 doanh nghiệp (giảm 5,03%) so cùng kỳ năm trước.

6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

6.1. Nông nghiệp

Các địa phương cùng với ngành chức năng đã chủ động ứng phó, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; đồng thời tăng cường và giữ mối liên hệ thường xuyên trong công tác quản lý chỉ đạo sản xuất nên công tác phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi đã phát huy hiệu quả, không để phát sinh dịch bệnh nghiêm trọng trên cây trồng và vật nuôi. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 693[2] cánh đồng lớn với 109.332 ha, trong đó 502 cánh đồng với 74.439 ha, sản lượng ước khoảng 497.2500 tấn gắn liên kết tiêu thụ, các cánh đồng còn lại đều có thương lái thu mua.

Về trồng trọt:

Sản xuất lúa: Tổng diện tích gieo trồng lúa vụ Mùa; vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu là 630.818 ha, đạt 100,98% kế hoạch và tăng 0,99% so cùng kỳ; tổng sản lượng thu hoạch 3.918.693 tấn, đạt 98,57% kế hoạch và giảm 2,34% so cùng kỳ. Chia ra:  

Vụ mùa (2021-2022): Kết thúc gieo trồng lúa vụ Mùa diện tích đạt 67.251 ha, vượt 10,85% so kế hoạch và tăng 15,17% so cùng kỳ năm trước (tăng 8.856 ha). Năng suất thu hoạch đạt 5,38 tấn/ha; sản lượng đạt 361.796 tấn, tăng 36,29% so với vụ mùa năm trước, so với cùng kỳ năm trước thì diện tích gieo trồng, thu hoạch và năng suất đều tăng. Lúa mùa tập trung ở các huyện như: Gò Quao, Vĩnh Thuận, An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Giang Thành và thành phố Hà Tiên.

Vụ Đông Xuân (2021-2022): Toàn tỉnh đã kết thúc gieo trồng được 283.868 ha, vượt 0,31% kế hoạch, giảm 0,19% so với vụ Đông xuân năm trước (giảm 540 ha). Năng suất đạt 7,36 tấn/ha, sản lượng đạt 2.089.526 tấn (giảm 69.435 tấn so với vụ Đông xuân năm trước). Năm nay giá lúa luôn ở mức cao và tương đối ổn định (từ 5.600 đồng/kg đến 6.100 đồng/kg), tuy nhiên do giá phân bón tăng cao làm tăng chi phí sản xuất nên lợi nhuận thấp hơn năm trước.

Vụ Hè thu (kể cả Xuân hè): Diện tích gieo sạ chính thức được 279.699 ha, đạt 94,54% kế hoạch, giảm 0,75% so với cùng kỳ năm trước (giảm 2.103 ha). Đến nay đã thu hoạch 263.300 ha, tăng 21,90% so cùng kỳ (tăng 47.300 ha), năng suất bình quân ước đạt 5,57 tấn/ha, với sản lượng 1.467.371 tấn, giảm 7,18% so cùng kỳ (giảm 113.538 tấn).

Vụ Thu Đông (vụ 3): Tính đến ngày 15/9/2022, toàn tỉnh gieo trồng được 69.181 ha[3], đạt 86,48% kế hoạch, giảm 23,65% so với cùng kỳ năm trước (giảm 21.429 ha). Đến nay đã thu hoạch 1.000 ha ở huyện Giang Thành, năng suất đạt 5,42 tấn/ha, sản lượng đạt 5.420 tấn. Diện tích xuống giống vụ Thu Đông năm nay giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước là do giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao, trong khi giá lúa bấp bênh, không ổn định; mặc khác thời tiết, khí hậu vụ Thu Đông năm 2022 diễn biến bất lợi, mưa bão, sâu bệnh,…hiệu quả kinh tế không cao nên nhiều nông dân không xuống giống vụ Thu Đông 2022, giảm nhiều nhất ở 02 huyện Tân Hiệp và Châu Thành.

Lúa Thu Đông năm nay đã có 2.294 ha bị nhiễm bệnh, các đối tượng gây bệnh chủ yếu gồm: Bệnh lem lép hạt nhiễm 932 ha; bệnh cháy bìa lá diện tích nhiễm là 828 ha; bệnh đạo ôn cổ bông diện tích nhiễm 306 ha (giảm 151 ha với tuần trước). Ngoài ra còn có các đối tượng gây hại khác như: Đạo ôn lá, rầy nâu, sâu đục thân, sâu cuốn lá, chuột, OBV, muỗi hành, … xuất hiện và gây hại ở mức rải rác đến nhẹ, không ảnh hưởng đến sinh trưởng cây lúa.

Cây trồng khác:

Cùng với cây lúa, một số cây rau màu chủ yếu cũng được nông dân chú trọng gieo trồng nhằm tăng thêm thu nhập như: Dưa hấu 1.509 ha, tăng 7,40% so với năm trước; khoai lang 1.251 ha, giảm 3,55%; khoai mì 395 ha, tăng 4,50%; bắp 271 ha, giảm 3,90%; rau, đậu các loại 8.617 ha, giảm 1,90%.

Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định; dịch bệnh được kiểm soát, không xảy ra bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm. Đàn heo và gia cầm tăng, nguyên nhân do ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh và được giá, đồng thời để chuẩn bị lượng thịt phục vụ dịp cuối năm. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết diễn biến bất lợi và số lượng đàn gia súc, gia cầm đa phần chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong các nông hộ, điều kiện an toàn sinh học còn nhiều hạn chế, tình trạng vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm không đúng quy định còn diễn ra,...để phát triển chăn nuôi, ngành nông nghiệp cần tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh triển khai mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trên các đối tượng vật nuôi, đồng thời cập nhật kịp thời tình hình dịch tễ trên đàn gia súc, gia cầm.

Kết quả điều tra chăn nuôi 01/7/2022, so với cùng thời điểm năm trước, đàn trâu có 4.291 con, tăng 2,22%; đàn bò 10.504 con, tăng 0,76%; đàn heo có 224.366 con, tăng 22,22%; đàn gia cầm 4.458 nghìn con, tăng 1,68%, trong đó đàn vịt giảm 17,50%.

6.2. Lâm nghiệp

Công tác chăm sóc và bảo vệ rừng thường xuyên được quan tâm. Các ngành chức năng thường xuyên phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về phòng chống cháy rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, duy trì thường xuyên công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Thực hiện Kế hoạch khoanh nuôi, chăm sóc rừng trong 9 tháng năm nay đã có 3.403 ha rừng được chăm sóc; diện tích rừng được khoán bảo vệ 12.036 ha, tăng 23,08% so với năm trước.

Sản lượng gỗ khai thác thác 9 tháng ước đạt 23.957 m3, tăng 15,93% so cùng kỳ và sản lượng củi khai thác đạt 24.612 Ste, tăng 25,82% so cùng kỳ. Trong tháng đã xảy ra 08 vụ vi phạm chặt phá rừng, với diện tích thiệt hại khoảng 61,01 ha. Tính chung 9 tháng đã xảy ra 61 vụ vi phạm chặt phá rừng với diện tích thiệt hại khoảng 96,52 ha.

Trong tháng không xảy ra vụ cháy rừng nào. Tính chung 9 tháng đã xảy ra 13 vụ cháy rừng (Phú Quốc 13 vụ) với diện tích thiệt hại khoảng 6 ha.

6.3. Thủy sản

Thực hiện nghiêm các quy định về chống khai thác IUU và xử lý vi phạm, trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua không xảy ra tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong tháng tình hình nuôi trồng và khai thác của tỉnh đã bình thường trở lại, trong điều kiện thuận lợi, giá cả các nguyên, nhiên liệu đầu vào chủ yếu phục vụ sản xuất thủy sản như giá xăng dầu, thức ăn chăn nuôi... đã giảm hơn so với các tháng trước, ngư dân đã quay trở lại với nghề, bám biển. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng 9 tháng giảm nhẹ so cùng kỳ nhưng giá trị một số thủy sản trọng điểm như cua, tôm, ... có giá trị cao tăng hơn so với cùng kỳ; từ đó, giá trị sản xuất ngành thủy sản (theo giá so sánh 2010) qua 9 tháng năm 2022 so cùng kỳ, tăng trưởng khả quan (tăng 5,95%), cụ thể như sau:

Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 2010): Ước tính tháng Chín đạt hơn 3.017 tỷ đồng, giảm 11,86% so tháng trước và tăng 6,75% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022 ước đạt 26.504,53 tỷ đồng, đạt 83,83% kế hoạch năm, tăng 5,95% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thủy sản (cả khai thác và nuôi trồng): Tháng Chín ước tính đạt 71.890 tấn, giảm 1,42% so với tháng trước, giảm 0,59% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng ước đạt 629.197 tấn, đạt 78,35% kế hoạch năm; giảm 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá các loại đạt 351.285 tấn, giảm 7,01%; tôm các loại 126.102 tấn, tăng 16,05%; mực 50.456 tấn, giảm 6,39% và thủy sản khác 101.354 tấn, tăng 3,50%.

Sản lượng thủy sản khai thác: Ước 9 tháng đạt 400.046 tấn, đạt 81,96% kế hoạch năm và giảm 6,90% so với cùng kỳ năm trước[1] (giảm 29.626 tấn).

Sản lượng thủy sản nuôi trồng: Ước tính 9 tháng đạt 229.151 tấn, đạt 72,75% kế hoạch năm và tăng 9,87% so với cùng kỳ năm trước[1]. Trong đó, tôm nuôi sản lượng đạt 101.814 tấn, đạt 93,84% kế hoạch năm và tăng 21,75% so với cùng kỳ năm trước.

 7. Sản xuất công nghiệp

Trong quý III và 9 tháng năm 2022, thực hiện các chính sách hỗ trợ từ chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đã từng bước đi vào cuộc sống giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, duy trì và ổn định sản xuất. Doanh nghiệp đã tự tin khôi phục toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, sau khi đã được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động. Bên cạnh đó, sức mua từ thị trường thế giới và trong nước tăng mạnh, lượng đơn đặt hàng lớn, nhất là trong trong lĩnh vực chế biến thủy sản, sản xuất giày da - may mặc. Một số doanh nghiệp đã chủ động và có những giải pháp kinh doanh phù hợp, triển khai thực hiện kịp thời các hợp đồng cung ứng, ... Nhờ đó mà hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của các doanh nghiệp có nhiều khởi sắc (chỉ số sản xuất Công nghiệp IPP và giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 2010, đều tăng hơn 25% so với cùng kỳ), góp phần vào tăng trưởng chung của ngành công nghiệp nói riêng và của tỉnh nói chung, cụ thể:

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): Tháng Chín chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 2,37% so với tháng trước và tăng 51,85% so cùng tháng năm trước. Trong đó, so với tháng trước ngành chế biến, chế tạo tăng 2,32%[4]; ngành khai khoáng tăng 2,49%. Tính chung 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 20,12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 19,29%; ngành chế biến, chế tạo tăng 20,51%[5].

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): Tháng Chín ước tính đạt hơn 5.090,02 tỷ đồng, tăng 0,65% so với tháng trước và tăng 51,90% so với cùng kỳ năm trước[6]. Tính chung 9 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp ước tính hơn 39.840,17 tỷ đồng, đạt 77,97% kế hoạch năm, tăng 20,13% so với cùng kỳ năm trước.[7]

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 9 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước như: Giày da vượt 124,89% kế hoạch năm, tăng 168,05%; bao bì PP vượt 52% kế hoạch năm, tăng 93,68%; tôm đông các loại đạt 98,43%, tăng 45,67%; gỗ MDF đạt 90,76% kế hoạch năm, tăng 22,83%; bột cá đạt 87,50% kế hoạch năm, tăng 18,33%; sản xuất xi măng đạt 78,25% kế hoạch năm, tăng 11,42%; điện thương phẩm đạt 74,45% kế hoạch năm, tăng 7,55%... Bên cạnh đó cũng còn một số sản phẩm đạt kế hoạch thấp và giảm so với cùng kỳ năm trước như: Gạch không nung đạt 45%, giảm 46,67%; sản xuất nước mắm đạt 60,94%, giảm 14,42%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tháng Chín, tăng 3,28% so tháng trước và tăng 34,32% so cùng tháng năm trước. Ước tính 9 tháng, tăng 10,44% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành tăng so với cùng kỳ như sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 113,04%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 9,20%; sản xuất đồ uống tăng 5,53%.... Riêng ngành chế biến gỗ và  sản xuất các sản phẩm từ gỗ giảm, chỉ bằng 37,41% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo tháng Chín bằng 105,39% so với tháng trước và chỉ bằng 89,08% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Sản xuất chế biến thực phẩm bằng 162,67% cùng kỳ năm trước; sản xuất đồ uống bằng 54,94% cùng kỳ năm trước...

Chỉ số sử dụng lao động của ngành công nghiệp tháng Chín năm 2022 tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 73,81% so với tháng cùng kỳ năm trước. Ước tính 9 tháng đầu năm 2022 tăng 28,61% so với năm trước.

8. Thương mại, dịch vụ

8.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm nay đã có xu hướng tăng trưởng tốt hơn cùng kỳ năm trước và đang trên đà phục hồi phát triển, tiếp tục khởi sắc và đạt kết quả tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là dịch vụ lưu trú ăn uống và du lịch lữ hành.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng Chín ước đạt 11.235,28 tỷ đồng, tăng 0,42% so tháng trước, tăng 60,49% so cùng tháng năm trước. Tính chung 9 tháng ước đạt 98.176,61 tỷ đồng, đạt 78,54% kế hoạch năm, tăng 21,55% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành hoạt động:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng Chín ước đạt 8.041,13 tỷ đồng, tăng 1,92% so tháng trước, tăng 38,71% so cùng tháng năm trước. Tính chung 9 tháng ước đạt 70.312,05 tỷ đồng, đạt 73,63% kế hoạch, tăng 16,03% so với cùng kỳ năm trước. 

Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng Chín ước đạt 1.695,36 tỷ đồng, giảm 2,77% so tháng trước, tăng 208,01% so cùng tháng năm trước. Tính chung 9 tháng ước đạt 13.315,10 tỷ đồng, đạt 94,43% kế hoạch năm, tăng 57,70% so cùng kỳ.

Doanh thu du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch tháng Chín ước đạt 82,95 tỷ đồng, giảm 32,98% so tháng trước. Tính chung 9 tháng ước đạt 564,25 tỷ đồng, đạt 188,08% kế hoạch, tăng 266,29% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng Chín ước đạt 1.415,84 tỷ đồng, giảm 1,06% so tháng trước, tăng 116,81% so cùng tháng năm trước. Tính chung 9 tháng ước đạt 13.985,21 tỷ đồng, đạt 92,62% kế hoạch, tăng 20,82% so với cùng kỳ năm trước.

8.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại trong đó có Hiệp định Thương mại tự do EVFTA đã mở rộng thị trường, đem lại nhiều cơ hội cho hoạt động xuất, nhập khẩu trong thời gian qua. Tình hình dịch Covid – 19 được kiểm soát, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất và xuất khẩu tăng so với cùng năm 2021, cụ thể:

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2022, ước đạt 741,79 triệu USD, tăng 19,13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19,28%; nhập khẩu tăng 18,35%.

Xuất khẩu: Tháng Chín ước đạt 70 triệu USD, tăng 1,05% so với tháng trước, tăng 67,83% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 9 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính 621,22 triệu USD, đạt 79,64% kế hoạch năm, tăng 19,28% so với cùng kỳ năm trước[8]. Các mặt hàng xuất chủ yếu là thủy sản, gạo, nguyên liệu giày da và hàng hóa khác.

Nhập khẩu: Tháng Chín ước đạt 14,50 triệu USD, tăng 1,61% so với tháng trước, tăng 92,31% so cùng tháng năm trước. Tính chung 9 tháng, trị giá hàng hóa nhập khẩu ước tính 120,57 triệu USD, đạt 92,75% kế hoạch năm, tăng 18,35% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu vẫn là các nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất và xăng dầu các loại.

8.3. Công tác quản lý thị trường

Trong quý III, các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; giá nhiên liệu xăng dầu điều chỉnh 09 lần (xăng 08 lần giảm, dầu 07 lần giảm, 02 lần tăng). Tuy nhiên, giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và dịch vụ vẫn chưa có xu hướng giảm. Tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn vẫn còn xảy ra, các hành vi vi phạm như: Kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hàng hóa, vi phạm quy định trong kinh doanh, an toàn thực phẩm,... các vụ việc vi phạm được phát hiện xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật; không phát sinh điểm nóng.

Trong 9 tháng, ngành Quản lý thị trường đã kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm 802 vụ, đạt 100,25% kế hoạch năm (trong đó: kế hoạch định kỳ 585 vụ, đột xuất 217 vụ); phát hiện 240 vụ vi phạm; xử lý 226 vụ vi phạm hành chính, chuyển xử lý hình sự 05 vụ. Tổng số tiền thu phạt hơn 6,09 tỷ đồng (trong đó: Phạt hành chính hơn 5,46 tỷ đồng, bán hàng hóa tịch thu hơn 629 triệu đồng. Các vụ vi phạm chủ yếu là vi phạm về bán, vận chuyển, lưu trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; gian lận thương mại và vi phạm khác. Các vụ việc vi phạm phát hiện đều được xử lý kịp thời, đúng quy định.

8.4. Vận tải hành khách và hàng hóa

Quý III năm 2022, hoạt động vận tải hành khách tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt ở lĩnh vực đường bộ, đường hàng không và đường biển. Giá nhiên liệu được điều chỉnh giảm dần, hơn nữa thời gian cao điểm nghỉ hè, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao nên hoạt động vận tải hành khách tăng trưởng rất cao.

Vận tải hành khách: Tháng Chín ước tính vận chuyển đạt hơn 7,96 triệu lượt khách, giảm 2,33% so tháng trước, tăng 40 lần so với tháng cùng kỳ. Luân chuyển đạt gần 547,66 triệu HK.km, giảm 2,61% so với tháng trước, tăng 41 lần so tháng cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, vận tải hành khách ước đạt 61,74 triệu lượt khách, đạt 79,35% kế hoạch năm, tăng 54,98% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển đạt hơn 4.252,31 triệu HK.km, đạt 82,42% kế hoạch năm, tăng 57,57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vận chuyển hành khách đường bộ tăng 54,04%, vận chuyển hành khách đường thuỷ (đường sông và đường biển) tăng 61,40%.

Vận tải hàng hóa: Tháng Chín ước tính vận chuyển hơn 1,34 triệu tấn, tăng 1,82% so tháng trước, tăng 52,61% so tháng cùng kỳ; luân chuyển hơn 192,77 triệu tấn, tăng 1,82% so với tháng trước, tăng 52,13% so tháng cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, hàng hóa vận chuyển ước tính hơn 11,26 triệu tấn, đạt 73,95% kế hoạch năm, tăng 15,84% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vận chuyển hàng hóa đường bộ tăng 14,28%, vận tải hàng hóa đường biển tăng 12,48%; luân chuyển hơn 1.618 triệu tấn.km, đạt 74,20% kế hoạch năm, tăng 16,11% so với cùng năm 2021.

8.5. Du lịch

Ngành Du lịch trong Chín tháng đầu năm 2022, đã tập trung nguồn lực, đề ra các giải pháp, nhiệm vụ phục hồi, thu hút du khách đến Kiên Giang, đặc biệt là lượng khách quốc tế đến Phú Quốc trong quý III khá cao so với quý II và cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, kích cầu và phục hồi du lịch trở lại, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với nghiên cứu các sản phẩm, dịch vụ du lịch thực hiện ngày càng hiệu quả hơn, góp phần thu hút, hấp dẫn lượng khách du lịch đến với Kiên Giang. Công tác kêu gọi đầu tư của tỉnh được quan tâm, đã thu hút khá nhiều dự án phát triển du lịch, trong đó một số dự án đã đi vào hoạt động. Mặc khác, các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn, triển khai thực hiện các hoạt động khuyến mãi, đảm bảo dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nên 9 tháng đầu năm lượng khách du lịch trên địa bàn tăng trưởng rất cao.

Tổng lượt khách du lịch trên địa bàn tỉnh tháng Chín ước đạt 505,32 ngàn lượt khách, bằng 55,05% so với tháng trước và tăng hơn gấp 152 lần so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng ước đạt 6.112,48 ngàn lượt khách, đạt 109,15% kế hoạch năm và tăng 162,99% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch là 2.867,66 ngàn lượt khách, đạt 124,67% kế hoạch, tăng 151,34% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế ước đón 126,15 ngàn lượt khách, đạt 63,08% kế hoạch năm; khách trong nước tăng 140,29% so cùng kỳ.

9. Một số tình hình xã hội

9.1. Lao động, việc làm và đào tạo nghề

Tính chung 9 tháng đã giải quyết việc làm cho 30.847 lượt lao động, đạt 88,13% kế hoạch năm, tăng 58,48% so cùng kỳ [9].

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo mới 18.324 người[10], đạt 76,35% so kế hoạch và tăng 18,90% so với cùng kỳ năm trước.

9.2. Về chính sách an sinh xã hội

Trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc, quản lý tốt 231 đối tượng bảo trợ xã hội[11]. Lũy kế từ đầu năm đến nay, số lượt khách thăm và tặng quà với tổng số tiền trên 337 triệu đồng và hàng hóa thực phẩm giá trị trên 990 triệu đồng.

Thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách, chi trả thường xuyên đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các các đối tượng trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, người già neo đơn không nơi nương tựa, người bệnh tâm thần tại các trung tâm bảo trợ xã hội và quản lý, giáo dục, chữa bệnh cho các đối tượng cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh được đảm bảo an toàn.

9.3. Tình hình Giáo dục

Hầu hết các đơn vị, trường học trong tỉnh đã chuẩn bị khá chu đáo, tổ chức lễ khai giảng năm học 2022-2023 đồng loạt vào ngày 05/9/2022 nghiêm túc, trang trọng, tiết kiệm, đúng tinh thần chỉ đạo và đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các trường đã đón nhận được sự quan tâm, ủng hộ tích cực của phụ huynh học sinh, nhân dân địa phương về cả tinh thần và vật chất. Tất cả đã góp phần động viên, khích lệ tinh thần cán bộ, giáo viên và học sinh phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học mới.

Tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2022-2023, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 98,72%, tăng 0,08% so năm 2021. Tổ chức kỳ thi chọn đội tuyển dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022-2023, chọn bổ sung 28 học sinh vào đội tuyển.

Năm học 2022 – 2023, toàn tỉnh có 638 trường học (trong đó mầm non 160 trường; giáo dục phổ thông 477 trường và 01 trung tâm giáo dục thường xuyên). Toàn tỉnh hiện có 21.155 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên[12]. Tổng số trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục hiện tại là 326/611 trường, đạt 53,36%; số trường đạt chuẩn quốc gia hiện có tại thời điểm 299/611 trường, đạt 48,94%.

Công tác, quản lý chỉ đạo, điều hành tại các cơ sở giáo dục tiếp tục được đổi mới; tăng cường phân cấp quản lý đi đôi với kiểm tra, giám sát và đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao; hoàn thành khá tốt và đạt yêu cầu chất lượng giáo dục đã đề ra.

9.4. Hoạt động Văn hóa, Thể thao

Hoạt động Văn hóa:

Trong 9 tháng năm nay đã tập trung tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, gia đình, tuyên truyền cổ động phục vụ kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị, đảm bảo trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. nổi bật là tổ chức thành công Lễ Động thổ xây dựng Tượng đài Bác Hồ và Quảng trường trung tâm tại phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc; hội thi văn nghệ tỉnh Kiên Giang năm 2022 tại thành phố Phú Quốc; tổ chức Lễ đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian “nghề làm nước mắm Phú Quốc”, tỉnh Kiên Giang và đề nghị đưa “Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực – Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang)” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc: Tổng số di tích được xếp hạng đến nay là 56 di tích (trong đó có 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 22 di tích cấp quốc gia và 33 di tích cấp tỉnh). Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”: triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2022. Hướng dẫn và tổng hợp, thẩm định 822 hồ sơ đề nghị công nhận lại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa trên địa bàn 11 huyện, thành phố; đồng thời ra quyết định công nhận và cấp giấy công nhận cho 798 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa 5 năm (2017 - 2021). Biên tập, phát hành 02 số Đặc san Văn hóa và Thể thao.

Hoạt động thể dục thể thao:

Thể dục thể thao quần chúng: Trong 9 tháng đầu năm 2022, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức tổng cộng 18 giải trong chương trình Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Kiên Giang lần thứ IX năm 2022 và 914 giải thể thao cấp huyện, thành phố với hơn 45.733 lượt vận động viên tham dự.

Thể thao thành tích cao: Phối hợp đăng cai tổ chức thành công Giải Vô địch cờ vua đồng đội quốc gia năm 2022 tranh Cúp Ngân hàng TMCP Tiên Phong; Giải Bóng đá thanh thiếu niên toàn quốc; Giải vô địch trẻ và vô địch quốc gia môn bóng chuyền bãi biển đồng đội năm 2022 tại thành phố Phú Quốc. Các đội tuyển thể thao duy trì tập luyện thường xuyên theo kế hoạch và cử 217 lượt vận động viên tham dự 28 giải thể thao khu vực, toàn quốc và quốc tế. kết quả: Đạt 155 huy chương (37 HCV, 30 HCB và 59 HCĐ).

9.5. Tình hình y tế, bảo hiểm

- Y tế: Thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe nhân dân. Chỉ đạo các cơ sở y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Quản lý tốt các bệnh mãn tính, bệnh không lây và các bệnh có tính chất nguy hiểm cho cộng đồng gồm lao, phong, tâm thần. Tổng số lượt khám chữa bệnh là 2.741.577 lượt, số bệnh nhân điều trị nội trú 179.062 bệnh nhân. Nhìn chung các cơ sở điều trị thực hiện tốt các quy định, quy chế chuyên môn, đảm bảo thực hiện tốt công tác trực khám bệnh, chữa bệnh. Chất lượng chẩn đoán và điều trị được duy trì các kỹ thuật y tế chất lượng cao...

Tình hình dịch bệnh:

+ Tình hình dịch Covid-19: Từ khi xuất hiện dịch trên địa bàn đến ngày 20/9/2022, toàn tỉnh ghi nhận 41.230 trường hợp mắc Covid-19, đã điều trị khỏi 39.395 trường hợp, 1.043 trường hợp tử vong, 68 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong tỉnh. Hiện tại đang cách ly tập trung 03 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 183 trường hợp; theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 0 trường hợp. Tổng số trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 là 386.625 trường hợp.

Tình hình tiêm vắc xin phòng Covid – 19:

Người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ mũi cơ bản là 1.188.209 người, đạt 105,21%. Trẻ từ 12-17 tuổi: Mũi 1 (số lượng: 170.020 trẻ, đạt 103,30%); mũi 2 (số lượng: 163.409 trẻ, đạt 99,28%). Trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 1 (số lượng 194.729 trẻ, đạt 90,17%); mũi 2 (số lượng 149.301, đạt 69,13%).

+ Bệnh sốt xuất huyết, thương hàn,... có xu hướng tăng so cùng kỳ[13]. Bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, cúm, Lỵ trực trùng, thủy đậu, sởi /sốt ban nghi sởi... giảm so cùng kỳ[14]. Ghi nhận 05 trường hợp tử vong do bệnh dại[15].

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Thực hiện thanh, kiểm tra 9.593 cơ sở, trong đó 7.675 cơ sở đảm bảo VSATTP theo quy định (chiếm 80,01%) và 1.918 cơ sở chưa đảm bảo VSATTP (chiếm 19,99%). Qua đó đã xử phạt vi phạm hành chính  đối với 31 cơ sở với số tiền hơn 106 triệu đồng, tiêu hủy sản phẩm vi phạm của 62 cơ sở. Trong 9 tháng năm  nay, toàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm nào, có 58 người ngộ độc thực phẩm mắc lẻ.

- Bảo hiểm: Công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT từng lúc, từng nơi chưa sâu rộng, dẫn đến nhận thức của bộ phận người dân về chính sách BHXH, BHYT chưa đầy đủ, chưa hiểu hết tầm quan trọng và ý nghĩa nhân văn của chính sách, chỉ tham gia BHYT khi bản thân có ốm đau. Qua 9 tháng năm 2022 tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp tuyên truyền rộng rải qua các phương tiện truyền thống và từ cán bộ, công chức đến với người dân. Kết quả số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh, ước đạt 81,75%, tăng 1,93% so cùng kỳ năm trước; số người tham gia BHXH bắt buộc ước đạt 13,60%, tăng 31,27% so cùng kỳ năm trước; tỷ lệ số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 2,44%, giảm 16,15% so cùng kỳ; tỷ lệ tham gia BH thất nghiệp đạt 12,18%, tăng 33,85% so cùng kỳ.

9.6. Tình hình an toàn giao thông

Tính từ ngày 15/8/2022 đến 14/9/2022, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông, làm 7 người chết, 5 người bị thương. So với tháng trước số vụ tai nạn giao thông giảm 01 vụ, giảm 01 người chết, giảm 2 người bị thương. Tính chung 9 tháng (từ 15/12/2021 đến 14/9/2022) toàn tỉnh xảy ra 92 vụ tai nạn giao thông (đường bộ 89 vụ, đường thủy 03 vụ), làm 70 người chết, 42 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, tăng 08 vụ (tăng 9,52%), tăng 14 người chết (tăng 25%) và giảm 03 người bị thương (giảm 6,67%).

Tình hình tai nạn giao thông trong 9 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng 02 trên 03 tiêu chí (tăng số vụ, tăng số người chết), đây là 02 tiêu chí quan trọng, thể hiện mức độ tai nạn giao thông nghiêm trọng tăng trong 9 tháng vừa qua. Vì vậy, đề nghị các ngành chức năng cần thường xuyên tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành Luật giao thông khi tham gia giao thông, để mọi người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn trong thời gian tới.

9.7. Tình hình cháy, nổ và thiên tai

Tình hình cháy, nổ: Từ ngày 15/8/2022 đến 14/9/2022 toàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy, không xảy ra vụ nổ. Tính chung từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 06 vụ cháy, không có vụ nổ, làm 02 người chết và 01 người bị thương. Thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 5,71 tỷ đồng.

Tình hình thiên tai: Từ ngày 19/8/2022 đến 18/9/2022 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều cơn mưa kèm lốc xoáy, xảy ra 05 vụ thiên tai làm sập 06 nhà, 51 nhà tốc mái, chìm 01 tàu đánh cá làm mất tích 01 người tại huyện Kiên Lương. Ước thiệt hại vật chất khoảng 561 triệu đồng. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thiên tai đã xảy ra 45 vụ, làm 95 nhà sập, 346 nhà tốc mái, 04 người chết và 04 người bị thương, mất tích 01 người, chìm 15 tàu đánh cá, ước thiệt hại về vật chất trên 8,97 tỷ đồng.

10. Đề xuất kiến nghị

Kinh tế 9 tháng đầu năm đã có sự khởi sắc và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Dự báo tình hình sản xuất kinh doanh 3 tháng cuối năm vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn trước tình hình giá cả hàng hoá và dịch vụ tăng cao, làm tăng giá thành sản xuất và giảm lợi nhuận, gia tăng lạm phát, sẽ ảnh hưởng đến đầu tư. Để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt trên 6%, Cục Thống kê kiến nghị một số vấn đề như sau:

- Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm và nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh và đảm bảo đạt tiến độ các mũi tiêm vắc xin Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Quản lý chặt chẽ các bệnh mãn tính, bệnh không lây và các bệnh có tính chất nguy hiểm cho cộng đồng.

- Thứ hai, Thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; chăm sóc tốt cho vụ lúa thu đông, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi biển; quản lý vận hành hệ thống cống kiểm soát lũ đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nhà màng, nhà lưới, chăn nuôi sinh học, đồng thời có biện pháp hỗ trợ để nhân rộng các mô hình cây trồng và vật nuôi có hiệu quả; có biện pháp hữu hiệu để phòng chống khai thác IUU trong thời gian tới.

- Thứ ba, Tăng cường nắm bắt thông tin thị trường, dự báo thị trường, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch để hỗ trợ cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư; có giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp có đủ lao động.

- Thứ tư, Quyết liệt giải ngân 100% vốn đầu tư công, nhất là những công trình trọng điểm về giao thông. Thực hiện đầy đủ và đảm bảo tiến độ các chương trình mục tiêu quốc gia.

 - Thứ năm, tăng cường tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo nghề, nhất là đào tạo lao động cho các doanh nghiệp.

Tải về: - Số liệu Kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Kiên Giang;


[1]Số liệu tăng trưởng 9 tháng năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố.

[2] Trong đó, vụ Mùa và Đông Xuân có 310 cánh đồng với diện tích 61.074 ha, vụ Hè Thu có 383 cánh đồng lớn với diện tích 48.258 ha.

[3] Tập trung ở các huyện như: Giồng Riềng 25.846 ha, Tân Hiệp 20.156 ha, Giang Thành 14.166 ha, Hòn Đất 5.500 ha, Châu Thành 3.058 ha, TP Rạch Giá 455 ha.

[4] Trong đó: Ngành chế biến thực phẩm tăng 9,66%; ngành sản xuất đồ uống giảm 1,08%...

[5] Trong đó: Ngành sản xuất đồ uống giảm 29,69%, ngành chế biến thực phẩm giảm 1,79%...

[6] Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 93,74%/ trong tổng số, tăng 53,77%.

[7] Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 94,67%/ trong tổng số, tăng 20,55%.

[8] Trong đó: Hàng nông sản 146,31 triệu USD, đạt 54,39% kế hoạch, giảm 21,45% so cùng kỳ; hàng thủy sản 214,77 triệu USD, đạt 81,05% kế hoạch, tăng 21,29% so cùng kỳ; nguyên liệu Giày da 144,14 triệu USD, đạt 110,88% kế hoạch, tăng 76,92% so cùng kỳ.

[9] Trong đó: Trong tỉnh 16.088 lượt người, ngoài tỉnh 14.364 lượt người, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 395 người.

[10] Trong đó: Trung cấp nghề 3.023 người, cao đẳng nghề 1.348 người, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên 13.953 người.

[11] Trong đó: Trẻ em mồ côi là 31 trẻ, người tâm thần 137 người, người già neo đơn 23 người, người khuyết tật 35 người và 05 đối tượng bảo vệ khẩn cấp.

[12] Trong đó: Cán bộ quản lý 1.502 người, giáo viên 17.608 người, công nhân viên 2.045 người.

[13] Sốt xuất huyết lũy kế có 3.058 cas mắc (tăng 2.412 cas so cùng kỳ); Thương hàn 95 cas mắc (tăng 72 cas so cùng kỳ); viêm gan virus 47 cas mắc (tăng 07 cas so cùng kỳ), bệnh dại 05 cas mắc (tăng 04 cas so cùng kỳ).

[14] Tay chân miệng có 844 cas mắc (giảm 141 cas so cùng kỳ); tiêu chảy 985 cas mắc (giảm 560 cas so cùng kỳ); cúm mùa 376 cas mắc (giảm 294 cas so cùng kỳ), ...

[15] 05 trường hợp tử vong do bệnh dại ghi nhận tại các huyện: An Minh 03 cas, Tân Hiệp 01 cas và huyện U Minh Thượng 01 cas.

 

Số lần đọc: 1401
Cục thống kê Kiên Giang
Tin liên quan