Tin nóng
30.12.2021

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, từ tháng 6/2021 dịch đã bùng phát trên địa bàn tỉnh, lây lan nhanh trên diện rộng, gây ảnh hưởng nặng nề, sâu rộng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của tỉnh. Trước những khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy làm cho giá cả vật liệu xây dựng; vật tư, nguyên liệu cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; xăng dầu, cước vận tải, logistics đều tăng cao; …đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Bám sát thực tiễn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để kịp thời ứng phó với diễn biến của dịch bệnh, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh. Bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021 vẫn đạt mức tăng trưởng dương và đạt được một số kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Kinh tế vẫn ổn định và có mức tăng trưởng dương 0,58%, là một trong 6 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long có mức tăng trưởng dương. Tuy không phải là mức tăng trưởng cao nhưng đã thể hiện được sự đồng lòng và quyết tâm vượt khó của cả hệ thống chính trị, đã đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này; an sinh xã hội được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng cả năm chỉ tăng 2,76%, đây là mức tăng thấp so với những năm gần đây; thị trường tiền tệ, tín dụng vẫn ổn định và đạt mức tăng trưởng tốt, đủ sức đáp ứng nguồn vốn cho sản xuất và tiêu dùng; hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn được duy trì trong bối cảnh chịu tác động mạnh từ dịch bệnh, nhưng số doanh nghiệp thành lập mới giảm 20% (giảm 300 doanh nghiệp) so với năm trước và là năm có số doanh nghiệp gia nhập thị trường thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay, đồng thời có 1.072 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng hơn năm trước 723 doanh nghiệp (tăng hơn 3 lần)… cụ thể từng lĩnh vực như sau:

1. Tăng trưởng kinh tế

Trong năm 2021, Kiên Giang luôn ở trạng thái phải tập trung phòng, chống dịch ở mức độ cao, nhất là trong quý III tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội, hầu hết các hoạt động kinh tế đều phải tạm dừng để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

 Theo số liệu rà soát lại, công bố của Tổng cục Thống kê thì 6 tháng đầu năm kinh tế tỉnh ta đạt mức tăng trưởng 3,50% (ước tính lần thứ nhất vào tháng 5/2021 thì tăng 4,52%), quý III tăng trưởng -6,58%; 9 tháng tăng trưởng -0,15% (ước tính lần 1 tăng 0,45%); dự báo quý IV đạt mức tăng 2,24%. Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê vào ngày 01/12/2021 thì ước tính tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 (giá so sánh 2010) đạt gần 63.154 tỷ đồng, đạt 86,40% kế hoạch năm, tăng 0,58% so với năm trước [1] (năm trước TCTK công bố chính thức đạt mức tăng 3,43%). Trong đó:

Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản: Tổng giá trị tăng thêm (VA) ước tính 25.986,46 tỷ đồng, đạt 110,47% kế hoạch năm, tăng 0,93% so với năm trước, đóng góp cho tăng trưởng chung 0,38 điểm phần trăm, trong đó: Giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp 14.736,60 tỷ đồng, giảm 0,12% so với năm trước, làm giảm tăng trưởng chung 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản ước đạt 11.044,05 tỷ đồng, tăng 2,50% so với năm trước, đóng góp tăng trưởng chung 0,43 điểm phần trăm. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực chiếm tỷ trọng lớn nhất (chiếm 41,15%) trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong khu vực này, nuôi trồng thủy sản đang đóng góp tích cực cho tăng trưởng, cần có giải pháp để thúc đẩy ngành này phát triển mạnh mẽ hơn nữa vì dư địa vẫn còn rất lớn.

Khu vực công nghiệp và xây dựng: Tổng giá trị tăng thêm ước tính 14.106,08 tỷ đồng, đạt 94,51% kế hoạch, tăng 2,25% so với năm trước, đóng góp cho tăng trưởng chung 0,49 điểm phần trăm, trong đó lĩnh vực công nghiệp ước đạt 8.610,32 tỷ đồng, tăng 2,30% so với năm trước, đóng góp cho tăng trưởng chung 0,31 điểm phần trăm; xây dựng ước đạt 5.495,75 tỷ đồng, đạt 104,58% kế hoạch, tăng 2,17% so với năm trước và đóng góp cho tăng trưởng chung 0,19 điểm phần trăm. Ở khu vực II, ngành công nghiệp và ngành xây dựng có sự tăng trưởng nhẹ so với năm trước, do 6 tháng đầu năm ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá nên trong quý III tuy sụt giảm mạnh nhưng cả năm vẫn còn tăng trưởng dương. Ngành xây dựng tuy gặp rất nhiều khó khăn trước sự đứt gãy của chuỗi cung ứng vật tư, vật liệu xây dựng làm cho giá một số vật liệu tăng cao; thiếu hụt lao động … nhưng ước tính cả năm vẫn đạt mức tăng 2,17% và đóng góp cho tăng trưởng chung 0,19 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ: Tổng giá trị tăng thêm ước tính đạt trên 19.737 tỷ đồng, đạt 62,17% kế hoạch, tăng 0,14% so với năm trước, đóng góp cho tăng trưởng chung 0,04 điểm phần trăm. Khu vực III, là khu vực chịu tổn thất kinh tế nặng nề nhất trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là hoạt động du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống đều có mức tăng trưởng âm.

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm gần 3.323 tỷ đồng, giảm 5,92% so với năm trước và làm giảm tăng trưởng chung 0,33 điểm phần trăm.

Về cơ cấu kinh tế (cơ cấu GRDP): khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 41,92%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,50%; khu vực dịch vụ chiếm 32,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,25% (Cơ cấu tương ứng năm 2020 là: 41,71%; 20,11%; 32,57%; 5,61%).

2. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Mười Hai giảm 0,27% so với tháng trước. Trong đó: khu vực thành thị giảm -0,35%, khu vực nông thôn giảm -0,22%. CPI tháng Mười Hai giảm nhẹ là do có 3 nhóm hàng giảm, trong đó nhóm giáo dục giảm nhiều nhất, giảm -4,51%; kế đến là nhóm giao thông giảm -1,73%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD giảm -0,10%. Có 4 nhóm hàng tăng đó là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,41% (trong đó: thực phẩm tăng 0,59%); nhóm hàng hóa khác tăng 0,26%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05% và nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%. Còn lại các nhóm hàng khác ổn định hoặc tăng không đáng kể.

So với tháng 12 năm trước (sau 12 tháng) chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,01%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 8 nhóm hàng tăng, trong đó tăng cao nhất là nhóm giao thông tăng 15,31%; kế đến là nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 5,68%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 4,56%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,24% (trong đó ăn uống ngoài gia đình tăng 6,12%); nhóm hàng hóa khác tăng 1,52%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,23%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,62%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,62%. Có 2 nhóm giảm là nhóm giáo dục giảm -3,77% và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm -1,42%, riêng nhóm bưu chính viễn thông giá vẫn bình ổn.

Chỉ số giá vàng: tháng Mười Hai giảm -0,14% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước giảm -3,31%; bình quân 12 tháng tăng 5,50% so với cùng kỳ năm trước. Giá vàng bình quân tháng 12 là 5.165.000 đồng/chỉ, giảm 7.000 đồng/chỉ so với tháng trước.

Chỉ số giá Đô la Mỹ: tháng Mười Hai tăng 0,63% so tháng trước, so cùng tháng năm trước giảm -1,33% và bình quân 12 tháng so với cùng kỳ giảm -1,17%. Giá USD bình quân tháng 12 là 2.295.000 đồng/100 USD, tăng 14.400 đồng/100 USD so với tháng trước.

3. Tài chính, ngân hàng

3.1. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế, thu ngân sách cũng rất khó khăn, nhiều khoản thu sụt giảm đáng kể so với năm trước. Ước tính thu ngân sách trên địa bàn năm 2021 đạt 10.105 tỷ đồng, đạt 87,41% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 16,63% so với năm trước.[2] Một số khoản thu đạt và vượt so với dự toán và tăng so với năm trước như: thu khác đạt 215,18% dự toán, tăng 48,41%; thu phí và lệ phí đạt 100,77% dự toán, tăng 15,33%; thu từ doanh nghiệp nhà nước TW đạt 103,23% dự toán, tăng 11,58%; thu thuế thu nhập cá nhân đạt 112,44% dự toán, tăng 2,66%.... Tuy nhiên, cũng còn một số khoản thu đạt thấp so với dự toán và năm trước như: thu tiền sử dụng đất đạt 47,31% dự toán, bằng 38,22%; thu cho thuê mặt đất, mặt nước đạt 65,49% dự toán, bằng 58,74%; thu thuế bảo vệ môi trường đạt 56,41% dự toán, bằng 66,74%...

Tổng chi ngân sách địa phương năm 2021 được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục thiên tai, dịch bệnh và thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác như bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp… ước tính chi ngân sách năm nay đạt 14.090,26 tỷ đồng, bằng 91,13% dự toán năm, giảm 14,04% so với năm trước. Trong đó: chi thường xuyên 9.491,64 tỷ đồng, đạt 97,30% dự toán, tăng 1,13%; chi đầu tư phát triển 4.321,41 tỷ đồng, đạt 83,12% dự toán, chỉ bằng 61,71% năm trước.

3.2. Hoạt động Ngân hàng

Trước tác động trực tiếp và ảnh hưởng sâu rộng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tập trung các giải pháp duy trì tăng trưởng huy động vốn; thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, dành mọi nguồn lực giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và nâng cao khả năng tiếp cận vốn phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Năm 2021, hoạt động huy động vốn và tín dụng tăng trưởng phù hợp diễn biến, nhu cầu khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội địa phương (tăng trong 6 tháng đầu năm, giảm nhẹ trong quý III và bắt đầu tăng trưởng trở lại từ đầu quý IV). Ước tính đến 31/12/2021, một số chỉ tiêu đạt cụ thể như sau:

Hoạt động huy động vốn: Tổng nguồn vốn hoạt động ước đạt 117.300 tỷ đồng, tăng 1,09% so tháng trước, tăng 11,60% so đầu năm; trong đó, vốn huy động tại địa phương ước đạt 59.400 tỷ đồng (chiếm 50,54% tổng nguồn vốn hoạt động), đạt 104,39% kế hoạch, tăng 7,78% so cùng kỳ. Cơ cấu nguồn vốn huy động tại địa phương tăng chủ yếu số dư huy động Việt Nam đồng và loại tiền gửi ngắn hạn.

Tín dụng trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng, vừa đáp ứng yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vừa cung ứng vốn hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tình hình mới. Doanh số cho vay cả năm ước đạt 146.800 tỷ đồng (trong đó, hơn 82% doanh số cho vay là phục vụ sản xuất kinh doanh); ước đến 31/12/2021, dư nợ cho vay đạt 97.300 tỷ đồng, đạt 101,83% kế hoạch, tăng 10,61% so cùng kỳ (năm 2020 tăng 9,61%). Dư nợ cho vay tăng chủ yếu ở loại tiền Việt Nam đồng, thời hạn ngắn hạn chủ yếu là khu vực nông, lâm, thủy sản và khu vực công nghiệp.

Nợ xấu nội bảng 1.200 tỷ đồng, chiếm 1,23% tổng dư nợ.

Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp của chính sách tiền tệ; tập trung các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho tổ chức, cá nhân vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hạn hán, xâm nhập mặn ... như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, tiếp tục đẩy mạnh cho vay sản xuất, các lĩnh vực ưu tiên, cân đối tài chính, chủ động tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục lãi suất cho vay; triển khai các sản phẩm tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh.

4. Đầu tư và xây dựng

Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh ước đạt 36.208,84 tỷ đồng, đạt 80,17% kế hoạch năm và giảm 17,74% so với năm trước.

Trong vốn đầu tư, đầu tư từ nguồn ngân sách có vai trò đòn bẩy cho tăng trưởng thì đầu tư từ ngoài nhà nước cũng có vai trò rất quan trọng, là động lực cho tăng trưởng. Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách do địa phương quản lý ước tính trên 2.620 tỷ đồng, bằng 56,19% kế hoạch năm, giảm 37,09% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 7,24% tổng vốn đầu tư; đầu tư từ ngân sách do Trung ương quản lý trên 771 tỷ đồng, bằng 12,86% kế hoạch năm, chỉ bằng 21,39% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 2,13% tổng vốn đầu tư; đầu tư từ ngoài ngân sách (doanh nghiệp ngoài nhà nước và dân cư) trên 32.356 tỷ đồng, bằng 95,17% kế hoạch năm và giảm 3,88% so cùng kỳ. Như vậy, đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước năm nay đạt thấp, đây là nguồn vốn rất quan trọng, động lực của tăng trưởng và chiếm tỷ trọng tới 89,36% tổng vốn đầu tư, thời gian tới cần có giải pháp hữu hiệu hơn để thu hút đầu tư.

Hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh ta gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến tình hình thực hiện các công trình trọng điểm diễn ra chậm, việc tổ chức thi công trong điều kiện phòng, chống dịch thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, việc bố trí ăn, ở theo phương châm 03 tại chỗ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, phát sinh gánh nặng chi phí. Giá vật tư hiện nay tăng đột biến (sắt, thép tăng từ 40-45%, cát và đá xây dựng tăng từ 15-20%) và riêng vật liệu cát xây dựng nguồn cung cấp bị hạn chế. Chính vì thế tình hình thực hiện các công trình trọng điểm diễn ra chậm.

Tổng giá trị sản xuất ngành xây dựng (theo giá so sánh 2010) đạt gần 20.077 tỷ đồng, tăng 2,11% so với năm trước. Trong đó, công trình nhà ở đạt 11.153,06 tỷ đồng, tăng 6,17%; công trình nhà không để ở đạt 4.772,35 tỷ đồng, tăng 8,09%. Riêng công trình kỹ thuật dân dụng đạt 2.572,67 tỷ đồng, giảm 12,69% so cùng kỳ và hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 1.578,88 tỷ đồng, giảm 12% so cùng kỳ năm trước.

5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Tình hình hoạt động của doanh nghiệp năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tính đến ngày 15 tháng 12 năm 2021, số doanh nghiệp còn tồn tại theo đăng ký kinh doanh là 10.592 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường có xu hướng giảm và rời khỏi thị trường có xu hướng tăng hơn năm trước. Cụ thể số doanh nghiệp được thành lập mới trong năm là 1.200 doanh nghiệp, giảm 300 doanh nghiệp so với năm trước; số doanh nghiệp giải thể, thu hồi giấy phép là 1.072 doanh nghiệp, tăng 723 doanh nghiệp so với năm trước, phần lớn các doanh nghiệp giải thể là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hoạt động không hiệu quả, không thích ứng được trước những cú sốc do dịch bệnh gây ra.

6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

6.1. Nông nghiệp

Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong năm tuy mùa vụ có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn như: biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, dịch tả lợn châu Phi, giá vật tư nông nghiệp, giống và thức ăn chăn nuôi tăng cao …khai thác hải sản vẫn đang rất khó khăn, ngư trường cạn kiệt, mật độ phương tiện dày, giá vật tư, xăng dầu, ngư lưới cụ tăng cao, trong khi giá sản phẩm khai thác không ổn định theo hướng bất lợi cho ngư dân, dẫn đến khai thác kém hiệu quả nên thời gian ngưng hoạt động khá nhiều; hiện tượng khai thác trái phép trên vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra; ngành chăn nuôi đang đứng trước rất nhiều khó khăn bởi dịch bệnh và giá cả đầu vào, đầu ra luôn bất ổn; tình trạng lấn, chiếm đất rừng chặt phá rừng ở một số nơi vẫn còn xảy ra.

Các địa phương cùng với ngành chức năng đã chủ động ứng phó, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân; bố trí lịch thời vụ sản xuất từng vụ lúa ở từng địa phương trên địa bàn tỉnh một cách hợp lý nhằm né sâu bệnh, chống hạn hán, xâm nhập mặn; quản lý, vận hành điều tiết nguồn nước hợp lý phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, nên đã giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất.

Về trồng trọt:

Nông nghiệp trong xu thế hội nhập, sản xuất hàng hóa, cần có sự liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ là tất yếu, bên cạnh đó cần phải đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, cải tiến phương pháp canh tác, chuyển đổi giống, cơ cấu giống một cách hợp lý. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trong trồng trọt đang được đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ; việc liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm ngày càng được mở rộng, sản xuất quy mô cánh đồng lớn đang được chú trọng triển khai. Năm 2021, trong tổng diện tích lúa 715.701 ha, đã có 53.811 ha được liên kết tiêu thụ sản phẩm, tăng 75,44% so với năm trước; đã có 783 cánh đồng lớn, tăng 683 cánh đồng lớn so với năm trước và tỷ lệ lúa chất lượng cao đã đạt 93,85%, tăng 17,31% so với năm trước. Tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm (vụ Mùa, vụ Đông xuân, vụ Hè thu và vụ Thu đông) đạt 715.701 ha, giảm 1,40% (giảm 10.162 ha) so với năm trước. Năng suất gieo trồng ước đạt 6,33 tấn/ha, sản lượng thu hoạch là 4.508.906 tấn (giảm 19.603 tấn), giảm 0,43% so với năm trước.

Cây trồng khác:

Việc chuyển đổi các loại cây trồng nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn đang được nông dân quan tâm, nên ngoài diện tích các loại cây ăn trái tăng lên thì diện tích một số cây rau, màu cũng đang tăng lên đáng kể. So với năm trước, một số cây có diện tăng như: dưa hấu 1.746 ha, tăng 69,51% so với năm trước; khoai lang 1.613 ha, tăng 13,43%; khoai mì 374 ha, tăng 3,60%; bắp 325 ha, tăng 15,66%; rau, đậu các loại 12.516 ha, tăng 26,09%; riêng cây gừng diện tích đã trên 1.000 ha, tăng hơn gấp đôi năm trước, đây là loại cây trồng mới, cho năng suất và hiệu quả kinh tế khá cao nên diện tích tăng lên khá nhanh.

Chăn nuôi: tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định; dịch bệnh được kiểm soát nhưng đang diễn biến phức tạp, bệnh tả heo châu Phi đã xuất hiện trở lại ở 10 huyện, thành phố như huyện Châu Thành, Tân Hiệp, Hòn Đất… đã tiêu huỷ 2.164 con heo, trong đó huyện Tân Hiệp số heo tiêu huỷ đã chiếm khoảng 2% tổng đàn heo của huyện; bệnh nổi cục ở da trâu, bò cũng đã xuất hiện ở một số nơi trên địa bàn tỉnh. Ngành chăn nuôi đang đứng trước rất nhiều khó khăn: tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc vận chuyển, tiêu thụ khó khăn, giá con giống ở mức cao, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, dẫn đến hiệu quả chăn nuôi rất thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tái đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi. Để khôi phục và phát triển chăn nuôi, ngành nông nghiệp đang tập trung chỉ đạo, triển khai nhanh mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trên các đối tượng vật nuôi, nhất là đối với chăn nuôi heo.

Kết quả điều tra chăn nuôi tại thời điểm 01/10/2021 từng loại vật nuôi so với cùng kỳ năm trước như sau: đàn trâu có 4.520 con, tăng 1,69% (tăng 75 con); đàn bò 10.025 con, giảm 13,22% (giảm 1.527 con); đàn heo 195.255 con, giảm 2,49%; đàn gia cầm 3.536 ngàn con, giảm 7,60%, trong đó đàn vịt 1.219 ngàn con, giảm 21,61%.

6.2. Lâm nghiệp

Công tác chăm sóc và bảo vệ rừng thường xuyên được quan tâm. Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên việc trồng rừng tập trung trong năm theo kế hoạch chưa triển khai được. Các ngành chức năng thường xuyên phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về phòng chống cháy rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, duy trì thường xuyên công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Thực hiện Kế hoạch khoanh nuôi, chăm sóc rừng trong năm đã có 6.520 ha rừng được chăm sóc, giảm 16,62% so với năm trước; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh 400 ha, giảm 20% so với năm trước và diện tích rừng được khoán bảo vệ là 9.783 ha, tăng 4,30% so với năm trước.

6.3. Thủy sản

Thủy sản đang là ngành kinh tế trọng yếu của tỉnh, chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong cơ cấu GRDP (năm 2021 chiếm khoảng 18,31%). Tuy khai thác hải sản đã vượt quá ngưỡng của sự phát triển bền vững, nhưng nuôi trồng thì vẫn còn dư địa rất lớn, nhất là nuôi biển và nuôi nước lợ.

Khai thác hải sản năm nay rất khó khăn, không chỉ do cạn kiệt ngư trường, mà giá xăng, dầu tăng cao, vật tư, ngư lưới cụ đánh bắt cũng tăng làm cho chi phí sản xuất tăng lên, trong khi giá sản phẩm khai thác thiếu ổn định theo hướng giảm nhiều hơn tăng, dẫn đến hiệu quả khai thác thấp, thậm chí lỗ nên số phương tiện nằm bờ khá nhiều, một số ngư dân không thiết tha bám biển.

Nuôi trồng thủy sản năm nay đạt sản lượng khá cao, giá sản phẩm đầu ra tuy có biến động nhiều nhưng nhìn chung nuôi thủy sản vẫn có lãi. Nuôi trồng đang đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh nên rất cần được Nhà nước quan tâm đầu tư hơn nữa về hạ tầng thủy lợi.

Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 2010): tháng Mười Hai ước tính đạt 2.657,47 tỷ đồng, giảm 0,34% so với tháng trước, nhưng tăng 18,92% so cùng kỳ[3] năm trước. Tính chung 12 tháng ước tính đạt 32.687,64 tỷ đồng, đạt 98,71% kế hoạch năm, tăng 3,99% so với năm trước[4].

Sản lượng thủy sản (cả khai thác và nuôi trồng): tháng Mười Hai ước tính đạt 72.339 tấn, giảm 2,70% so với tháng trước, tăng 13,86% so cùng kỳ. Tính chung 12 tháng ước đạt 854.330 tấn, tăng 6,92% so với kế hoạch; tăng 2,16% so với năm trước. Trong đó, cá các loại đạt 521.223 tấn, tăng 0,62%; tôm các loại đạt 137.346 tấn, tăng 8,91%; mực đạt 70.964 tấn, giảm 0,94% và thủy sản khác đạt 124.797 tấn, tăng 3,56%. So với năm trước Sản lượng khai thác: ước đạt 568.860, tăng 11,54% so kế hoạch và giảm 0,49% so với năm trước[5] (giảm 2.810 tấn). Sản lượng nuôi trồng: ước tính đạt 285.470 tấn, đạt 98,78% kế hoạch và tăng 7,88% so với năm trước[6]. Sản lượng nuôi trồng tăng so với năm trước trên cả 3 nhóm thủy sản là cá, tôm và thủy sản khác, riêng tôm nuôi nước lợ sản lượng tăng 12,59% so với năm trước.

7. Sản xuất công nghiệp

Trước những biến động của thị trường thế giới và trong nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19, làm cho chuỗi cưng ứng bị gián đoạn. Các doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề bị đứt gãy chuỗi sản xuất, mặt khác nguồn lao động, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất kinh doanh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Dịch bệnh làm ảnh hưởng xấu đến quá trình thu mua nguyên liệu, chi phí vận chuyển tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, đồng thời ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của doanh nghiệp. Nhằm đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng trong cả thời gian dài, thậm chí một số doanh nghiệp còn phải đóng cửa trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Riêng trong quý III mức sản xuất giảm nghiêm trọng, bước vào quý IV, sản xuất đi vào trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp đang nỗ lực để khôi phục lại sản xuất nhưng tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường đang là cản trở lớn, khiến cho doanh nghiệp chưa thể khôi phục hoàn toàn mức sản xuất mà còn phải có thời gian dài mới có thể khôi phục và mở rộng sản xuất. Đến nay hầu hết doanh nghiệp vẫn chỉ sản xuất ở mức thấp hơn trước khi dịch diễn ra.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): tháng Mười Hai chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,33% so tháng trước, tăng 22,49% so cùng tháng năm trước. So với tháng trước ngành chế biến, chế tạo tăng 8,91%[7]; ngành khai khoáng tăng 4,25%. Tính chung 12 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 0,16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 1,11%; ngành chế biến, chế tạo giảm 0,22%[8].

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): tháng Mười Hai ước tính đạt 5.222,05 tỷ đồng, tăng 8,78% so với tháng trước, tăng 11,85% so với cùng kỳ năm trước[9]. Tính chung 12 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính 47.308,91 tỷ đồng, đạt 86,94% kế hoạch năm, tăng 1,71% so với cùng kỳ.[10]

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu năm 2021 tăng so với năm trước như: giày da đạt 83,64% kế hoạch năm, tăng 34,17%; điện thương phẩm đạt 90,96% kế hoạch năm, tăng 8,99%; gỗ MDF đạt 107,45% kế hoạch năm, tăng 3,63%; nước máy đạt 91,67% kế hoạch năm, tăng 3,18%; sản xuất nước mắm đạt 98,90% kế hoạch năm, tăng 0,66%;... Bên cạnh đó cũng còn một số sản phẩm đạt kế hoạch thấp và giảm so với năm trước như: bao bì PP đạt 42,96%, giảm 29,48%; bột cá đạt 63,34%, giảm 20,26%; mực đông lạnh đạt 78,57%, giảm 18,18%; bia các loại đạt 76,88%, giảm 15,20%; xi măng đạt 90,36%, giảm 10,99%; cá đông đạt 86,73%, giảm 11,25%; nước đá đạt 81,25%, giảm 8,91%;...

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tính tháng 12 năm 2021 bằng 93,58% so cùng kỳ năm trước; trong đó, sản xuất chế biến thực phẩm bằng 96,89% so cùng kỳ; Sản xuất đồ uống bằng 92,91% so cùng kỳ; Sản xuất trang phục đạt 103,76% so cùng kỳ; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ bằng 72,15%; Sản xuất xi măng, vôi bằng 89,75% so cùng kỳ.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tính tháng 12 năm 2021 bằng 29,51% so cùng kỳ; Sản xuất chế biến thực phẩm bằng 59,53% so cùng kỳ; Sản xuất đồ uống bằng 5,41% so cùng kỳ; Sản xuất trang phục tăng 76,37% so cùng kỳ; Sản xuất xi măng, vôi tăng 65,09% so cùng kỳ.

Chỉ số sử dụng lao động của ngành công nghiệp tháng 12 năm 2021 tăng 3,11% so với tháng trước, giảm 11,76% so với tháng cùng kỳ năm trước. Ước tính cả năm 2021 giảm 6,48% so cùng kỳ năm trước.

8. Thương mại, dịch vụ

8.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng

Khu vực dịch vụ đang chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, phần lớn các cơ sở kinh doanh phải ngừng hoạt động như: dịch vụ lưu trú, ăn uống, bar, dịch vụ vui chơi giải trí, massage, karaoke, kinh doanh tour du lịch… Đối với bán lẻ hàng hóa cũng chỉ những cơ sở bán hàng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu khác mới được hoạt động nên cũng ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu bán lẻ hàng hóa. Sau giãn cách xã hội, trong trạng thái bình thường mới thì các hoạt động thương mại dịch vụ vẫn gặp rất nhiều khó khăn do dịch vẫn còn tiếp diễn và mãi lực nền kinh tế suy giảm…

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng Mười Hai ước đạt 10.437,88 tỷ đồng, tăng 13,96% so tháng trước, tăng 1,06% so cùng tháng năm trước. Tính chung 12 tháng ước đạt 111.928,20 tỷ đồng, đạt 90,17% kế hoạch, tăng 1,02% so với năm trước. Chia theo ngành hoạt động:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng Mười Hai ước đạt 7.661,04 tỷ đồng, tăng 15,26% so tháng trước, tăng 0,58% so cùng tháng năm trước. Tính chung 12 tháng ước đạt 86.735,60 tỷ đồng, đạt 93,64% kế hoạch, tăng 4,87% so với năm trước. 

Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng Mười Hai ước đạt 1.409,39 tỷ đồng, tăng 9,65% so tháng trước, giảm 5,85% so cùng tháng năm trước. Tính chung 12 tháng ước đạt 12.668 tỷ đồng, đạt 75,40% kế hoạch năm, giảm 12,95% so với năm trước.

Doanh thu du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch tháng Mười Hai ước đạt 15,72 tỷ đồng, tăng 24,28% so tháng trước, giảm 18,57% so cùng tháng năm trước. Tính chung 12 tháng ước đạt 196 tỷ đồng, đạt 78,40% kế hoạch, giảm 11,31% so với năm trước.

Doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng Mười Hai ước đạt 1.351,74 tỷ đồng, tăng 11,30% so tháng trước, tăng 13,10% so cùng tháng năm trước. Tính chung 12 tháng ước đạt 12.328,60 tỷ đồng, đạt 85,32% kế hoạch, giảm 7,45% so với năm trước.

8.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Xuất, nhập khẩu hàng hóa năm nay mặc dù bị ảnh hưởng khá lớn bởi dịch Covid-19, nhưng ước tính cả năm vẫn đạt cao hơn năm ngoái, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 856 triệu USD, tăng 5,54% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 7,17%; nhập khẩu giảm 3,40%.

Tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại trong đó có Hiệp định Thương mại tự do EVFTA có hiệu lực thực thi trong thời gian qua đã phần nào được xem là điểm sáng trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Hiệp định đã mang lại nhiều cơ hội lớn và tạo cú hích mạnh mẽ cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Kiên Giang nói riêng có thêm động lực để phát triển và hòa nhập sâu rộng vào thị trường châu Âu, phát triển thêm các chuỗi giá trị cung ứng bền vững, tìm kiếm sự hợp tác đầu tư thương mại để mở rộng thêm thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay và chưa có điểm dừng, đang gây trở ngại rất lớn cho hoạt động xuất, nhập khẩu.

Xuất khẩu: tháng Mười Hai ước đạt 63,32 triệu USD, giảm 19,87% so với tháng trước, tăng 14,11% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 12 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính 731 triệu USD, đạt 97,47% kế hoạch năm, tăng 7,17% so với năm trước[11]. Về thị trường, trong năm 2021, các doanh nghiệp của tỉnh đã xuất hàng hóa đi được đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Cơ cấu các thị trường xuất khẩu không có sự thay đổi nhiều, các thị trường xuất khẩu lớn vẫn là các nước khối liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Các mặt hàng xuất chủ yếu là thủy sản, gạo, nguyên liệu giày da và hàng hóa khác.

Về cơ cấu nhóm hàng, trong năm 2021, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực vẫn là ba nhóm hàng: hàng thủy hải sản chiếm tỷ trọng 34,41% tổng giá trị xuất khẩu chung; hàng nông sản (chủ yếu là gạo) chiếm 33,26%; nguyên liệu giày da chiếm 15,98%, các nhóm hàng khác còn lại chỉ chiếm 16,35%.

Nhập khẩu: tháng Mười Hai ước đạt 9,33 triệu USD, tăng 65,72% so với tháng trước, giảm 8,62% so cùng tháng năm trước. Tính chung 12 tháng, trị giá hàng hóa nhập khẩu ước tính 125 triệu USD, vượt 25% kế hoạch nhưng vẫn giảm 3,40% so với năm trước. Cơ cấu các nhóm hàng cũng không có sự thay đổi nhiều so với năm 2020. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu vẫn là các nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất và xăng dầu các loại.

8.3. Công tác quản lý thị trường

Trong năm, ngành Quản lý thị trường đã kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm 1.149 vụ, đạt 107,89% kế hoạch năm (trong đó: kế hoạch định kỳ 573 vụ, kế hoạch chuyên đề 164 vụ, đột xuất 412 vụ); phát hiện 419 vụ vi phạm; xử lý 433 vụ vi phạm hành chính (bao gồm cả số vụ kỳ trước chuyển sang). Thu nộp ngân sách hơn 8,07 tỷ đồng (trong đó: phạt hành chính hơn 6,01 tỷ, bán hàng hóa tịch thu hơn 2,05 tỷ đồng, đạt 134,61% kế hoạch năm). Các vụ vi phạm chủ yếu là vi phạm về bán, vận chuyển, lưu trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại và vi phạm khác.

8.4. Vận tải

Hệ thống giao thông cả về đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không đang ngày càng được chú trọng đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải phát triển. Bên cạnh đó dịch vụ logistics trong những năm gần đây cũng đang có xu hướng tăng trưởng khá nhanh và ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu ngành. Tuy nhiên, Dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động ngành vận tải. Suốt trong quý III, thực hiện giãn cách xã hội hầu hết các hoạt động vận chuyển hành khách đều phải ngưng hoạt động và hoạt động vận chuyển hàng hoá cũng ảnh hưởng không nhỏ.

Vận tải hành khách: tháng Mười Hai ước tính vận chuyển 1,33 triệu lượt khách, tăng 15,22% so tháng trước nhưng chỉ bằng 17,42% so tháng cùng kỳ. Luân chuyển 90,80 triệu HK.km, tăng 16,07% so với tháng trước, chỉ bằng 18,80% so tháng cùng kỳ. Tính chung 12 tháng, vận tải hành khách ước đạt 73,23 triệu lượt khách, đạt 74,14% kế hoạch năm, giảm 8,34% so năm trước; luân chuyển 4.853,17 triệu HK.km, đạt 74,79% kế hoạch năm, giảm 7,38% so với năm trước. Trong đó, vận chuyển hành khách đường bộ giảm 7,50%, vận chuyển hành khách đường thuỷ (đường sông và đường biển) giảm 12,40%.

Vận tải hàng hóa: tháng Mười Hai ước tính vận chuyển 1,20 triệu tấn, tăng 7,04% so tháng trước, giảm 5,21% so tháng cùng kỳ; luân chuyển 172,14 triệu tấn, tăng 6,96% so với tháng trước, tăng 1,50% so tháng cùng kỳ. Tính chung 12 tháng, hàng hóa vận chuyển ước tính 13,96 triệu tấn, đạt 99,65% kế hoạch năm, tăng 0,86% so năm trước. Trong đó, vận chuyển hàng hóa đường bộ tăng 0,50%, vận tải hàng hóa đường biển tăng 1,17%; luân chuyển 1.999,54 triệu tấn.km, đạt 100,96% kế hoạch năm, tăng 1,12% so với năm trước.

 

8.5. Du lịch

Năm 2021, trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, hoạt động du lịch chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, suốt trong thời gian toàn tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội hoạt động du lịch bị tê liệt, một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành giải thể hoặc ngừng hoạt động; một số cơ sở lưu trú phải đóng cửa, hoặc hoạt động cầm chừng hoặc phải cắt giảm nhân sự... sau khi hết thực hiện giãn cách, hoạt động du lịch đang từng bước được khôi phục. Tuy nhiên, do phải thực hiện giãn cách thời gian dài ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của đa số các tầng lớp nhân dân, hơn nữa tình hình dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của du khách nên mặc dù đã mở cửa đón khách nhưng lượng khách vẫn rất hạn chế, cần phải có thời gian mới có thể hồi phục hoàn toàn.

Tổng lượt khách du lịch trên địa bàn tỉnh tháng Mười Hai ước đạt 459,86 ngàn lượt khách, tăng 44,85% so với tháng trước, giảm 41,80% so với cùng kỳ. Năm 2021 ước đạt 3.126,58 ngàn lượt khách, đạt 44,67% kế hoạch năm và chỉ bằng 58,15% so với năm trước. Trong đó lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch là 1.429,47 ngàn lượt khách, đạt 43,98% kế hoạch, giảm 40,20% so với năm trước.

9. Một số tình hình xã hội

9.1. Lao động, việc làm và đào tạo nghề

Công tác giải quyết việc làm bị ảnh hưởng và gián đoạn do trong quý III, toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch tư vấn, giới thiệu, giải quyết việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng đại dịch Covid – 19 từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trở về Kiên Giang và Kế hoạch khảo sát nhu cầu sử dụng lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, giới thiệu việc làm cho người lao động bị mất việc làm do đại dịch Covid – 19. Ước đến cuối năm 2021 đã giải quyết việc làm cho 33.860 lượt lao động, trong đó: trong tỉnh là 20.639 lượt lao động, ngoài tỉnh 13.114 lượt lao động, hợp đồng lao động đi làm việc nước ngoài 107 lao động.

Trong năm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo mới 21.250 người, đạt 85% so kế hoạch và giảm 16,83% so với năm trước.

9.2. Về chính sách an sinh xã hội

Thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid – 19 trên địa bàn tỉnh. Tính đến tháng 11/2021, giải quyết trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 8.904 lao động. Thực hiện Nghị quyết số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ước thực hiện năm 2021 cho các nhóm chính sách với tổng số 330.572 đối tượng với số tiền trên 584 tỷ đồng. Tại các huyện, thành phố chi hỗ trợ cho người dân trở về từ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dịch bệnh Covid – 19, ước chi hỗ trợ cho 50 ngàn người dân với số tiền khoảng 75 tỷ đồng.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh – liệt sĩ, kết quả toàn tỉnh đã gởi tặng 21.685 suất quà cho gia đình chính sách, người có công với tổng kinh phí trên 6,58 tỷ đồng. Tiếp tục thực hiện tốt việc hỗ trợ cho hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.

9.3. Tình hình Giáo dục

Các cơ sở giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua như: mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập; duy trì và nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh phổ thông qua các hoạt động giáo dục và trải nghiệm. Trong những năm qua chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, có sự chuyển biến rõ rệt.

Năm học 2020 – 2021, toàn tỉnh có 639 trường học, giảm 06 trường (trong đó mầm non tăng 01 trường; giáo dục phổ thông giảm 07 trường) và 01 trung tâm giáo dục thường xuyên. Nguyên nhân giảm trường là do thực hiện sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập theo hướng tăng quy mô, giảm điểm lẻ. Toàn tỉnh hiện có 293/615 cơ sở giáo dục công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 47,64%, vượt 0,64% so với chỉ tiêu đề ra.

9.4. Hoạt động Văn hóa, Thể thao

Hoạt động văn hóa: Tổ chức thành công các sự kiện lễ hội, hoạt động văn hóa nghệ thuật, công tác tuyên truyền, cổ động trực quan phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước; nhất là tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2021); kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021); kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2021) và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (02/9/1945 – 02/9/2021)... Các giá trị văn hóa dân tộc, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa tiếp tục được chú trọng; quản lý và tổ chức lễ hội được quan tâm.

Tổng số di tích được xếp hạng đến nay là 57 di tích (trong đó có 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 23 di tích cấp quốc gia và 33 di tích cấp tỉnh).

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được quan tâm, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của xã hội và từng gia đình trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Hoạt động thể dục, thể thao

Thể dục thể thao quần chúng: theo kế hoạch năm 2021, sẽ đăng cai tổ chức 12 giải thể thao cấp tỉnh, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tạm hoãn và không tổ chức các giải theo kế hoạch[12]; chỉ phối hợp tổ chức Giải Bóng đá Futsal tỉnh Kiên Giang mở rộng mừng Đảng, mừng Xuân Tân Sửu năm 2021[13] và Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Kiên Giang năm học 2020 - 2021[14].

Thể thao thành tích cao: các đội tuyển tham gia thi đấu 10 giải thể thao khu vực, toàn quốc và quốc tế; kết quả đạt 38 huy chương các loại (15 huy chương vàng, 09 huy chương bạc và 14 huy chương đồng); có 06 vận động viên đạt kiện tướng đẳng cấp thế giới, 09 vận động viên đạt kiện tướng cấp quốc gia.

9.5. Tình hình y tế

Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và đang tiếp tục lây lan trong cộng đồng trên các địa phương trong tỉnh. Các cơ sở y tế tập trung quyết liệt thực hiện công tác tổ chức, phân luồng, sàng lọc người bệnh, đối tượng nguy cơ, khai báo y tế. Chỉ đạo hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp...Tiếp tục điều tra, truy vết, cách ly những trường hợp nhập cảnh trái phép và trở về từ vùng dịch; kiểm tra Bộ tiêu chí phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp tại các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thành phố, phòng khám và trạm y tế.

- Tình hình dịch Covid-19: từ khi xuất hiện dịch trên địa bàn đến ngày 20/12/2021, toàn tỉnh ghi nhận 27.845 trường hợp mắc Covid-19 (trong đó có 106 ca nhập cảnh và 27.739 ca nhiễm trong tỉnh), đã điều trị khỏi 23.978 trường hợp, 443 trường hợp tử vong, 3.424 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong tỉnh.

Hiện tại đang cách ly tập trung 5.196 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 9.193 trường hợp. Tổng số trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 là 353.295 trường hợp, trong đó trường hợp có kết quả dương tính 27.845 trường hợp.

Các các cơ sở y tế trong tỉnh đã khám, điều trị 4.650.000 lượt người, đạt 96,88% kế hoạch năm và tăng 4,50% so cùng kỳ (tăng 200.103 lượt người); điều trị nội trú khoảng 273.000 lượt người, đạt 97,50% kế hoạch và tăng 14,81% so cùng kỳ (tăng 35.218 lượt người). Tỷ lệ khám chữa bệnh y học cổ truyền hoặc kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại tổng số lượt khám và điều trị chung đạt 13%. Công suất sử dụng giường bệnh là 83%; tỷ lệ khỏi bệnh 93,20%, tỷ lệ tử vong là 0,13%.

Bệnh Sốt xuất huyết, bệnh Tay chân miệng có xu hướng tăng[15]. Bệnh tiêu chảy, cúm mùa và bệnh sởi sốt phát ban nghi sởi có xu hướng giảm. Không có trường hợp nào tử vong.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: thực hiện thanh, kiểm tra 11.752 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, phát hiện 1.941 cơ sở chưa đảm bảo VSATTP. Đã xử phạt VPHC 32 cơ sở với số tiền 101 triệu đồng, tiêu hủy sản phẩm vi phạm 39 cơ sở gồm 124 loại sản phẩm với 156 kg thực phẩm không có nhãn, quá hạn sử dụng, chứa hóa chất ngoài danh mục của Bộ Y tế. Toàn tỉnh có 34 cas ngộ độc thực phẩm mắc lẻ (giảm 89 trường hợp so cùng kỳ), không có trường hợp tử vong.

Ước tính đến 31/12/2021 dân số tham gia bảo hiểm y tế với tỷ lệ bao phủ đạt 79,46%, tỷ lệ số người tham gia BHXH bắt buộc đạt 10,06%, tỷ lệ số người tham gia BHXH tự nguyện là 2,63%; tỷ lệ tham gia BH thất nghiệp đạt 8,80%.

9.6. Tình hình an toàn giao thông

Tính từ ngày 15/11/2021 đến 14/12/2021, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông, làm 6 người chết, 7 người bị thương. So với tháng trước số vụ tai nạn giao thông tăng 03 vụ, tăng 01 người chết, tăng 3 người bị thương. Tính chung 12 tháng (từ 15/12/2020 đến 14/12/2021) toàn tỉnh xảy ra 109 vụ tai nạn giao thông (đường bộ 95 vụ, đường thủy 14 vụ), làm 77 người chết, 60 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, giảm 11 vụ (giảm 9,17%), tăng 9 người chết (tăng 13,24%) và giảm 17 người bị thương (giảm 22,08%).

Tình hình tai nạn giao thông trong tháng 12 tăng hơn so với tháng trước (tăng trên cả 3 tiêu chí). Tuy nhiên, tính chung từ đầu năm đến nay so với năm trước đã giảm 02 trên 03 tiêu chí (giảm số vụ và giảm số người bị thương) chỉ tăng 01 tiêu chí (tăng số người chết), đây là tiêu chí quan trọng. Vì vậy, các ngành chức năng cần thường xuyên tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành Luật giao thông khi tham gia giao thông, để mọi người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn trong thời gian tới.

9.7. Tình hình cháy, nổ và thiên tai

Tình hình cháy, nổ: từ ngày 15/11/2021 đến 14/12/2021 toàn tỉnh xảy ra 03 vụ cháy, không xảy ra vụ nổ. Cụ thể như sau: 01 vụ cháy nhà dân tại đường Nguyễn Thị Định, tổ 5, khu phố Kiên Tân, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương làm chết 04 người, ước tính thiệt hại về tài sản khoảng 5 tỷ đồng, nguyên nhân cháy đang được điều tra; 01 vụ cháy vựa thu mua hải sản số 102 U Minh Mười, khu phố 1, phường Rạch Sỏi, thành phố Rạch Giá, không thiệt hại về người, ước thiệt hại về tài sản khoảng 852 triệu đồng, nguyên nhân cháy đang tiếp tục được điều tra. 01 vụ cháy hoàn toàn căn nhà bằng gỗ tại khu phố 3, phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc, không thiệt hại về người, ước thiệt hại về tài sản khoảng 145 triệu, nguyên nhân cháy là do sự cố điện. So với tháng 11/2021, tăng 03 vụ. So với tháng 12/2020, tăng 01 vụ. Tính chung từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 vụ cháy, 01 vụ nổ, làm chết 05 người và bị thương 01 người. Thiệt hại về vật chất ước tính trên 11,34 tỷ đồng.

Tình hình thiên tai: từ ngày 15/11/2021 đến 14/12/2021 trên địa bàn tỉnh không xảy ra thiên tai. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang do ảnh hưởng tình hình thời tiết, thiên tai đã làm sập hoàn toàn 136 căn nhà, tốc mái 225 căn nhà, làm bị thương 18 người, chết 02 người, chìm 6 tàu đánh bắt thủy sản, hư hỏng 03 bè nuôi thủy sản. Thiệt hại về vật chất ước tính hơn 11,96 tỷ đồng.

10. Đề xuất kiến nghị

Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 ở nước ta đã lây lan rất nhanh trên diện rộng, Kiên Giang là một trong số các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề, tác động toàn diện đến kinh tế – xã hội của tỉnh, làm cho kinh tế của tỉnh năm 2021 chỉ tăng 0,58% so với năm trước, là năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Hiện nay, tuy tình hình dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn nhưng cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới, hầu hết các hoạt động kinh tế đã không còn phải hạn chế, kinh tế đang trên đà hồi phục. Để kinh tế nhanh chóng hồi phục và phát triển mạnh mẽ trong năm tới, Cục Thống kê kiến nghị một số vấn đề như sau:

- Thứ nhất, tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid – 19, một cách chủ động và hiệu quả nhất, không để dịch bệnh bùng phát trở lại, đồng thời thực hiện tốt kế hoạch thích ứng an toàn để phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới mà Uỷ ban nhân dân tỉnh đã đề ra.

- Thứ hai, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là việc thực hiện các gói hỗ trợ theo các nghị quyết của Chính phủ đối với doanh nghiệp và có giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong tỉnh.

- Thứ ba, đẩy mạnh lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa và liên kết vùng; có biện pháp kích cầu du lịch nội địa phù hợp để thu hút mạnh mẽ khách nội địa, lấy khách nội địa là trong tâm để có sản phẩm du lịch phù hợp.

- Thứ tư, Đẩy mạnh chỉ đạo sản xuất lúa an toàn theo hướng hữu cơ, Khuyến khích nông dân chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, hướng trọng tâm vào giá trị để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh đó, có chính sách phù hợp để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản, nhất là nông nghiệp công nghệ cao và nuôi biển và chăn nuôi theo mô hình trang trại.

- Thứ năm, Tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tăng cường đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động, quan tâm đến công tác đào tạo lao động có tay nghề làm việc trong các doanh nghiệp; đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động.

Trên đây là báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang ước tính năm 2021./.                           

Tải về: - Số liệu Kinh tế - xã hội tháng 12 và 12 tháng năm 2021 của tỉnh Kiên Giang;

             - Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2021 của tỉnh Kiên Giang


[1]Tăng trưởng của các năm: năm 2017 tăng 7,39%; năm 2018 tăng 7,55%; năm 2019 tăng 7,30%; năm 2020 tăng 3,35%. 

[2] Trong đó: thu nội địa 10.045 tỷ đồng, đạt 88,04% dự toán, giảm 15,64% so cùng kỳ, chiếm 99,41% trong tổng thu ngân sách của tỉn

[3] Chia ra: Giá trị khai thác giảm 2,45% so tháng trước, giảm 0,43% so cùng kỳ; giá trị nuôi trồng tăng 1,55% so tháng trước, tăng 42,80% so cùng kỳ.

[4] Chia ra: Giá trị khai thác giảm 0,09% so cùng kỳ và tăng 14,51% so kế hoạch năm; giá trị nuôi trồng đạt 88,11% so kế hoạch năm và tăng 7,83% so cùng kỳ.

[5] Trong đó cá các loại giảm 0,49% (giảm 2.102 tấn); mực giảm 0,94% (giảm 676 tấn).

[6] Trong đó Cá nuôi tăng 6,15% (tăng 5.310 tấn) so với cùng kỳ và đạt 100,56% kế hoạch năm; tôm các loại tăng 12,59% (tăng 11.704 tấn) so với cùng kỳ và đạt 106,83% kế hoạch năm.

[7] Trong đó: ngành chế biến thực phẩm tăng 8,73%; ngành sản xuất đồ uống tăng 25,74%...

[8] Trong đó: ngành sản xuất đồ uống giảm 3,59%, ngành chế biến thực phẩm tăng 1,76%...

[9] Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 95,24%/ trong tổng số, tăng 9,06%.

[10] Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 94,56%/ trong tổng số, tăng 1,44%.

[11] Trong đó: hàng nông sản 243,14 triệu USD, đạt 101,31% kế hoạch, tăng 10,94% so cùng kỳ; hàng thủy sản 251,55 triệu USD, đạt 102,67% kế hoạch, tăng 7,16% so cùng kỳ; nguyên liệu Giày da 116,84 triệu USD, đạt 83,46% kế hoạch, tăng 9,40% so cùng kỳ.

[12] Ban hành Công văn số 697/SVHTT-TTHLTĐTT ngày 8/6/2021 về việc tạm hoãn tổ chức các giải thi đấu thể thao tỉnh năm 2021. Công văn số 1280/SVHTT-TTHLTĐTT ngày 15/10/2021 về việc không tổ chức các giải thi đấu tỉnh Kiên Giang năm 2021.

[13] Từ ngày 08/01 - 10/01/2021 tại Nhà Thi đấu đa năng tỉnh, có 08 đội bóng đến từ 08 câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh.

[14] Từ ngày 05 - 09/4/2021 tại Nhà Thi đấu đa năng tỉnh; với sự tham gia của 23 đoàn, gần 3.000 huấn luyện viên, chỉ đạo viên, vận động viên và lực lượng trọng tài, đại diện cho gần 300.000 học sinh của hơn 550 đơn vị trường học trong tỉnh. Thi đấu, tranh tài ở 9 môn thể thao, gồm: Điền kinh, Đá cầu, Cờ vua, Bóng chuyền, Cầu lông, Bóng đá, Bơi lội, Đẩy gậy và Kéo co; thu hút gần 10.000 lượt khán giả đến xem và cổ vũ.

[15] Sốt xuất huyết có 880 cas mắc (tăng 57 cas so cùng kỳ). Tay chân miệng có 991 cas mắc (tăng 236 cas so cùng kỳ), Sởi sốt phát ban nghi sởi 14 cas . Không có trường hợp nào tử vong.

 

Số lần đọc: 2102
Cục thống kê Kiên Giang
Tin liên quan