Tin nóng
25.02.2014
Đầu năm 2014 tỉnh ta đón nhận những sự kiện trọng đại, việc khánh thành đưa vào hoạt động dự án cáp ngầm 110KV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc lớn nhất Đông Nam Á đảm bảo cung cấp điện ổn định cho huyện đảo Phú Quốc từ hệ thống điện Quốc gia; việc khánh thành hai cây cầu Cái Bé, Cái Lớn nối hai huyện Châu Thành - An Biên và kết nối các vùng, các huyện trong tỉnh với vùng bán đảo Cà Mau; việc khởi công xây dựng đồng loạt bốn nhà máy quy mô lớn:

Nhà máy gỗ MDF Kiên Giang, Nhà máy bia Sài Gòn Kiên Giang, Nhà máy Vinatex Kiên Giang và Nhà máy giày TBS Kiên Giang tại khu công nghiệp Thạnh Lộc, các dự án đầu tư mang tầm cở quốc gia trên tạo đà cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Trong tháng 2 năm 2014 tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh đạt được kết quả sau:

I . SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN

1. Nông nghiệp

Vụ mùa:  Kết thúc gieo sạ  vụ mùa,  diện tích đạt 63.044 ha, đến nay đã thu hoạch xong lúa mùa, diện tích thu hoạch được 62.394 ha, giảm 650 ha so với diện tích gieo sạ. Nguyên nhân diện tích  thu hoạch giảm là do một số xã ven biển như: Vân Khánh, Vân khánh Tây, Thuận Hòa… thuộc huyện An Minh, lúa bị nhiễm mặn mất trắng.

Diện tích gieo sạ vụ mùa năm nay giảm 2.456 ha so kế hoạch và giảm 2.814 ha so với vụ mùa năm 2013, trong đó huyện U Minh Thượng giảm 1.496 ha, huyện Vĩnh Thuận giảm 679 ha,Gò Quao giảm trên 400 ha...nguyên nhân diện tích giảm là do giá tôm nuôi trong những tháng cuối năm 2013 tăng cao,  kết hợp giá lúa không ổn định ở mức thấp, nên một số hộ nông dân các huyện vùng bán đảo Cà Mau tiếp tục nuôi tôm mà không trồng lúa, nông dân huyện Gò Quao chuyển diện tích lúa sang trồng cây khóm nhằm mang lại hiệu quả hơn.

Năng suất sơ bộ ước đạt 43,5 tạ/ha, cao hơn vụ mùa năm trước gần 1tạ/ha, do thời tiết thuận lợi không bị mưa lớn khi lúa lúc bắt đầu đỏ đuôi đến lúc thu hoạch.

Vụ Đông Xuân: Diện tích gieo sạ đạt 305.612 ha, so kế hoạch vượt 1,53% (tăng 4.612 ha), so cùng kỳ tăng  6.281ha, trong đó: diện tích huyện Giồng Riềng tăng 2.100 ha, U Minh Thượng tăng 626 ha, Kiên Lương tăng 1.090ha, Giang Thành tăng 696ha... nguyên nhân  diện tích vụ đông xuân tăng do chuyển từ diện tích trồng rừng tràm, cải tạo vườn tạp, diện tích nuôi tôm kém hiệu quả sang trồng lúa.

Tính đến thời điểm này diện tích thu hoạch được 40.456 ha, chỉ bằng 42,69% so cùng kỳ năm trước, chiếm 13,2% diện tích gieo sạ. Năng suất trên diện tích đã thu hoạch ước tính đạt 61 tạ/ha.

Tiến độ gieo sạ vụ Đông xuân năm nay của tỉnh cũng như các tỉnh ĐBSCL chịu ảnh hưởng của lũ nên muộn hơn năm trước. Dự báovụ xuân hè năm nay thời gian gieo cấy tiếp tục trễ, thậm chí nông dân sẽ ngưng sản xuất vụ này.

Diện tích bị nhiễm sâu bệnh từ đầu vụ đến nay là 19.152 ha, bằng 54,85% so với diện tích nhiễm bệnh trên vụ đông xuân năm trước, trong đó: bệnh lem lép hạt xảy ra ở huyện Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành, Kiên Lương, Giang Thành; bệnh Đạo ôn cổ bông ở Giồng Riềng, Châu Thành, Kiên Lương; bệnh cháy lá ở Rạch Giá, Gò Quao…

Trên 50% diện tích lúa đông xuân chưa thu hoạch đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, hiện nay thời tiết ngày nắng nóng, sáng sớm sương mù và chiều tối chuyển lạnh gây bất lợi đến quá trình sinh trưởng cây lúa là điều kiện thích hợp cho bệnh đạo ôn, rầy nâu, bệnh lem lép hạt...phát triển. Vì vậy các ngành chức năng cần quan tâm, khuyến cáo bà con nông dân thường xuyên thăm đồng để sớm phát hiện dịch bệnh, hướng dẫn nông dân cách chăm sóc cây lúa, cách phòng chống dịch bệnh để vụ đông xuân năm nay đạt năng suất, sản lượng cao hơn vụ đông xuân năm trước.

Cây rau màu: Từ Tết Nguyên đán đến nay lượng rau màu trên thị trường rất dồi dào đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh với giá cả ổn định; lượng cung một phần từ mạng lưới các siêu thị lớn cung cấp, một phần từ nguồn tự sản tự tiêu của nông dân gieo trồng lúc nông nhàn. Tính từ đầu năm trên địa bàn tỉnh nông dân  trồng được 563ha khoai lang, bằng 82,31% so cùng kỳ năm trước; dưa hấu 459 ha, bằng 90,89% so cùng kỳ; rau đậu các loại 1.587 ha, bằng 97% so cùng kỳ năm trước...

Chăn nuôi: Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện chưa biến động tăng, ước tính đến nay đàn trâu có 3.275 con, bằng 99,54% so cùng kỳ; đàn bò 5.795 con, bằng 98,72%; đàn lợn 306.035 con, bằng 97,95% và gia cầm trên 3,9 triệu con, bằng 89,13% so cùng kỳ năm 2013. Việc phát triển đàn gia súc, gia cầm hiện nay còn gặp khó khăn, về chi phí giống, thức ăn, sản phẩm chăn nuôi luôn biến động, dịch bệnh phức tạp có nguy cơ đe dọa đến chăn nuôi. Hiện nay tình hình dịch cúm gia cầm đang diễn biến rất phức tạp, dịch bệnh xảy ra chưa qua 21 ngày đã xuất hiện ở 16 tỉnh- thành, với 64 ổ dịch trên cả nước, nguy hiểm hơn xảy ra ở tỉnh Cà Mau và TP.Cần Thơ giáp ranh với tỉnh ta, vì vậy các ngành chức năng trong tỉnh hết sức khẩn trương phối hợp, tăng cường đóng chốt kiểm dịch, kiểm tra việc vận chuyển gia cầm nhất là ở địa phương giáp ranh các tỉnh và biên giới Campuchia, kiểm tra chặt buôn bán, giết mổ gia cầm.. nhằm ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây lan sang địa bàn tỉnh ta. Tháng trước tại Trại giống nông, lâm, ngư nghiệp thị trấn Hòn Đất, xảy ra đàn gà được xác định nhiễm bệnh cúm gia cầm H5N1, huyện đã tiêu hủy 4.910 con đến nay đã qua 21 ngày. Công tác phòng chống dịch được các ngành chức năng cấp tỉnh, huyện phối hợp thực hiện nghiêm túc nên dịch bệnh đã được kiểm soát, chưa phát hiện thêm ổ dịch cúm mới nào. Bên cạnh đó công tác tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm được các địa phương duy trì thường xuyên, trong tình hình hiện nay các ngành chức năng không được chủ quan trong công tác kiểm soát dịch bệnh cũng như tiêm phòng để đảm bảo an toàn cho đàn gia súc gia cầm đang nuôi đồng thời tránh gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi của tỉnh.

2. Lâm nghiệp

Diện tích rừng được chăm sóc trong tháng ước đạt được 3.634 ha, bằng 99,43% so cùng kỳ năm trước;  khai thác gỗ (tính cả tràm) ước đạt 6.392 m3, so cùng kỳ tăng 1,95%. Tính từ đầu năm đến nay diện tích rừng được chăm sóc được 7.459ha, tăng 0,48% so cùng kỳ năm trước;  khai thác gỗ ước đạt 13.120m3, so cùng kỳ tăng 1,67% so cùng kỳ năm trước.

 Công tác chăm sóc và bảo vệ rừng được ngành chức năng thực hiện triệt để, số vụ vi phạm lớn hầu như không xảy ra, chỉ có 02 vụ phá rừng phòng hộ ven biền  xảy ra trên địa bàn huyện An Biên và An Minh.

Hiện nay thời tiết nắng nóng, khô hanh, gió mạnh, nếu khâu kiểm tra, quản lý chủ quan dễ dẫn đến cháy rừng. Vì vậy, các ngành chức năng cần chủ động phương tiện, tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng chống cháy rừng, đồng thời tuyên truyền vận động người dân trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng, ngăn chặn chặt phá rừng nhằm bảo vệ môi trường sống và nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá.

3. Thuỷ sản

Giá trị sản xuất thủy sản (theo giá so sánh 2010): Tháng 2 ước tính đạt 1.262,1 tỷ đồng, giảm 2,6%  so với tháng trước và tăng 10,22% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Giá trị khai thác 908,5 tỷ đồng, tăng 1,46% so tháng trước và tăng 14,61% so cùng kỳ và giá trị nuôi trồng 353,6 tỷ đồng, bằng 88,32 % so tháng trước và tăng 0,36% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế 2 tháng được 2.558 tỷ đồng, so kế hoạch năm đạt 12,49% và so cùng kỳ tăng 3,05%. Trong đó: khai thác được 1.803,9 tỷ đồng, đạt 15,85% so KH năm, tăng 3,99% so cùng kỳ;  nuôi trồng  754 tỷ đồng, đạt 8,29% KH, tăng 0,87% so cùng kỳ năm trước.

Sản lượng khai thác: Tháng 2 ước tính được 36.889 tấn thủy hải sản các loại, bằng 98,04% so tháng trước và tăng 22,08% so cùng kỳ năm trước, trong đó: cá các loại 25.479 tấn, tăng 32,47% so cùng kỳ (tăng 6.245 tấn); tôm 3.077 tấn, giảm 10,45%  so cùng kỳ (giảm 359 tấn). Tính chung hai tháng sản lượng khai thác được 74.515 tấn, bằng 16,74% kế hoạch năm và tăng 12,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó: cá các loại 50.872 tấn, tăng 16,2% so cùng kỳ (tăng 7.094 tấn); tôm 6.071 tấn, giảm 12,91%  so cùng kỳ năm trước (giảm 900 tấn).

Tình hình khai thác tỉnh ta hai tháng đầu năm duy trì tốt với sản lượng khai thác tăng khá cao so cùng kỳ, do thời điểm này năm trước là Tết Nguyên đán ngư dân nghỉ đánh bắt, ngoài ra do những tháng đầu năm nay, giá sản phẩm khai thác được ổn định ở mức cao, ngư dân có lãi tranh thủ bám biển và chuyển dần ngư trường khai thác ra biển đông. Mặc dù sản lượng khai thác có tăng cao, nhưng chủ yếu cá các loại, lượng tôm giá trị cao hơn lại giảm, nên sản lượng khai thác tăng khá mà giá trị khai thác hai tháng đầu năm tăng không đáng kể.

Sản lượng nuôi trồng: Tháng 2 ước đạt 8.835 tấn thủy sản các loại, giảm 18,21%  so tháng trước và giảm 4,35% so cùng kỳ năm trước, trong đó: cá nuôi các loại đạt 4.539 tấn, tăng 7,23% so cùng kỳ; tôm các loại đạt 1.455 tấn, tăng 8,99%  so cùng kỳ (tôm thẻ chân trắng đạt 665 tấn, tăng 18,75%); thủy sản khác giảm 22,57% (giảm lượng sò lông, ba ba). Tính chung hai tháng ước được 19.637 tấn, đạt 11,7% kế hoạch năm và  giảm 1,89% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá nuôi các loại 9.797 tấn, đạt 17,27% kế hoạch năm, tăng 9,21% so cùng kỳ; Tôm các loại 2.934 tấn, đạt 5,64% kế hoạch năm, tăng 4,75% so cùng kỳ (trong đó: tôm thẻ chân trắng 1.309 tấn, đạt 5,74% kế hoạch năm, tăng 5,39% so cùng kỳ năm trước.

Sản lượng nuôi trong tháng hai giảm chủ yếu do sản lượng sò lông nuôi ở huyện Kiên Lương không tìm được đầu ra chỉ tiêu thụ ít trong nội địa; tôm sú đang trong giai đoạn thả vụ mới nên lượng giảm 5,39% so tháng trước, riêng lượng tôm thẻ chân trắng tăng khá từ các doanh nghiệp vùng Tứ giác Long xuyên đang thu hoạch.

Trong tháng này tình hình dịch bệnh xảy ra trên đàn cá nuôi lồng bè của nông dân các xã Nam Du, Hòn Tre, An Sơn, Lại Sơn thuộc huyện Kiên Hải, trên 5 ngàn con cá bớp và 10 ngàn cá mú bị nhiễm bệnh, nguyên nhân xác định ban đầu do xuất hiện nhiều loài động vật lạ bám vào thân, mang cá làm cá bị yếu dần và chết rải rác, ngoài ra gây ra bệnh mù mắt cho đàn cá bớp và đàn cá mú đang được ngành chức năng của huyện đã gửi mẫu chờ xác định nguyên nhân. Ước tính tổng thiệt hại do dịch bệnh trên 1,5 tỷ đồng.

II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP):  Tháng hai chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp so tháng một giảm 18,84% và tăng 9,74% so cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ số sản xuất giảm 19,6 % so tháng trước và  tăng 7,62% so với cùng kỳ năm trước; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 1,12% so tháng trước và tăng 5,89% so với cùng kỳ; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải là có mức giảm 4,39% so với tháng trước và tăng 0,32% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế hai tháng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,67% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,58%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 4,8%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải tăng 7,22%.

Do tháng một là tháng giáp Tết các ngành công nghiệp tăng mức sản xuất chuẩn bị để phục vụ Tết, do tháng hai có thời gian nghỉ Tết dài ngày, nên mức sản xuất so tháng trước giảm nhiều. Sản xuất công nghiệp tuy còn đối mặt với những khó khăn thách thức về thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguyên liệu đầu vào khan hiếm, sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, nhưng một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như xi măng, thủy sản đông lạnh, bột cá.. vẫn phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến hai tháng đầu năm tăng gần 6% so cùng kỳ năm trước.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) trên địa bàn tỉnh tháng hai ước thực hiện được 1.823,3 tỷ đồng, giảm 11,96% so tháng trước và tăng 3,17% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1.720,3 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng  94,3%, giảm  12,37% so tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 64,7 tỷ đồng,  giảm 0,44% so tháng trước và tăng 8,81% so với cùng kỳ; ngành khai khoáng đạt 11,3 tỷ đồng, giảm 0,54% so tháng trước và tăng 0,04% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 2 tháng ước tính 3.894,5 tỷ đồng, đạt 11,94% kế hoạch và tăng 5,87% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 3.683,5 tỷ đồng, tăng 5,93%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 129,8 tỷ đồng, tăng 2,57% so với cùng kỳ; ngảnh khai khoáng đạt 58,4 tỷ đồng, tăng 8,42% so với cùng kỳ năm 2013.

          Một số sản phẩm công nghiệp trong hai tháng đầu năm có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: Xi măng Trung ương  đạt 88,3 ngàn tấn, tăng 36,3%; thủy sản đông lạnh 5.323 tấn, tăng 16,48%; tôm đông 329 tấn, tăng 20,07%; khai thác đá 538 ngàn m3, tăng 11,16%..; Bên cạnh đó còn một số sản phẩm mức sản xuất giảm so cùng kỳ năm trước như: xi măng VĐT nước ngoài  giàm 191 ngàn tấn, giảm 11,16%; cá đông lạnh giảm 195 tấn, giảm 67,87%; đường các loại giảm 1.700 tấn, giảm 47,69%; bao bì PP giảm 6.248 ngàn cái, giảm 12,69% so cùng kỳ năm 2013.

III. ĐẦU TƯ

Tháng hai sau Tết, các chủ đầu tư và đơn vị xây lắp huy động nguồn lực đẩy nhanh tốc độ đầu tư các công trình trọng điểm của tỉnh như: Khu công nghiệp Thạnh Lộc, các trục giao thông chính trên đảo Phú Quốc, các công trình kè đê ngăn mặn và hạ tầng kinh tế ven biển…Dự kiến trong tháng hai  vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 326,7 tỷ đồng, tăng 6,65% so tháng trước, tăng 5,5% so cùng kỳ. Lũy kế hai tháng ước tính 633,1 tỷ đồng, bằng 16,15% kế hoạch, tăng 11,41% so với cùng kỳ năm trước.

IV. THU, CHI NGÂN SÁCH

 Tổng thu ngân sách nhà nước: Trong tháng hai tổng thu ngân sách ước tính được 306 tỷ đồng, bằng 50,13% so tháng trước và tăng 3,12% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế  hai tháng tổng thu ngân sách được  916,7 tỷ đồng, đạt 18,38% dự toán HĐND tỉnh giao và  bằng 99,89% so cùng kỳ năm 2013.  Một số khoản thu đạt khá so dự toán như: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 41,4 tỷ đồng, đạt 18,41%; bảo vệ môi trường 33,5 tỷ đồng, đạt 19,41%; thu thuế xuất nhập khẩu 12,8 tỷ đồng, đạt 18,92%; thu thuế công thương nghiệp ngoài nhà nước 214,4 tỷ đồng, đạt 16,9% dự toán năm.

Tổng chi ngân sách địa phương: Tháng hai tổng chi ước tính 614,4 tỷ đồng, bằng 62,28% so tháng trước, tăng 3,2 lần so cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách địa phương hai tháng đầu năm ước chi 1.601 tỷ đồng, bằng 17,86% dự toán cả năm, tăng 36,6% so cùng kỳ năm trước, trong đó: chi đầu tư phát triển 131,2 tỷ đồng, tăng 47,1% ; chi thường xuyên 1.084,8 tỷ đồng, tăng 49,08% so cùng kỳ năm trước.

V. THƯƠNG MẠI, GIÁ CẢ VÀ DỊCH VỤ

1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng hai ước tính đạt 4.578,4 tỷ đồng, giảm 7,64% so với tháng trước và tăng 10,93% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Khu vực kinh tế Nhà nước đạt 110,8 tỷ đồng, giảm 12,37% so tháng trước; kinh tế tập thể đạt 3,8 tỷ đồng, giảm 9,78% so cùng kỳ, kinh tế cá thể đạt 2.805,3 tỷ đồng, chiếm 61,2%, giảm 3,85% so cùng kỳ, kinh tế tư nhân đạt 1.658,5 tỷ đồng, giảm 13,13% so tháng trước.

Chia theo ngành kinh doanh đạt được như sau: Thương nghiệp 3.555 tỷ đồng, giảm 7,35% so tháng trước; Khách sạn, nhà hàng 799,8  tỷ đồng, giảm 6,83%; Du lịch lữ hành 4,44 tỷ đồng, tăng 2% và dịch vụ 219,1 tỷ đồng, giảm 14,89%.

Tháng hai là tháng sau Tết nên nhu cầu tiêu dùng trong dân trở lại bình thường, giá cả hàng hóa nhất là thực phẩm, gas, dầu... tháng này giảm, nhiều cơ sở kinh doanh nghỉ bán hàng kéo dài đến hết mùng 10 Tết để tổ chức đi du lịch, làm tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ giảm, nhưng du lịch lữ hành tăng hơn tháng trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tính hai tháng đầu năm ước tính được 9.535,9 tỷ đồng, đạt 17,26% kế hoạch năm, tăng 16,06% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: khu vực kinh tế Nhà nước 237,3 tỷ đồng, đạt 15,82% kế hoạch năm, giảm 0,27% so cùng kỳ năm trước; kinh tế cá thể 5.722,8 tỷ đồng, tăng 8,24% so cùng kỳ; kinh tế tư nhân 3.567,7 tỷ đồng, tăng 32,92% so cùng kỳ năm 2013.

     2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng hai ước tính đạt 29,3 triệu USD, tăng 59,5% so với tháng trước và tăng 3,98% so cùng kỳ năm trước, trong đó: hàng nông sản 18,6 triệu USD, tăng 2,8 lần so tháng trước, giảm 4,81% so cùng kỳ; hàng thủy sản 9,9triệu USD, giảm 12,91% so tháng trước; tăng 21,42% so cùng kỳ năm trước.

Tình hình xuất khẩu gạo trong tháng hai có chuyển biến tích cực, lượng xuất tăng gấp đôi so tháng trước, dự kiến đạt 41,3 ngàn tấn, tăng 26,1 ngàn tấn, tương đương 12,4 triệu USD, trong đó 7 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn của tỉnh dự kiến xuất được như sau: Công ty Thương mại-Du lịch Kiên Giang dự kiến xuất 4.200 tấn; Công ty KD Nông sản Kiên Giang 2.500 tấn; Công ty TNHH Thuận Phát 5.000 tấn; Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Kiên Giang 15.250 tấn; Công ty Lâm sản 6.565 tấn; Công ty TNHH Kiên An Phú 3.070 tấn và Cty Dịch vụ Thương mại 550 tấn. Bên cạnh đó mặt hàng thủy sản trong tháng này giảm hơn tháng trước, do thời gian nghỉ Tết ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và khan hiếm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.

Tính chung hai tháng đầu năm kim ngạch xuất ước tính đạt 47,7 triệu USD, bằng 7,13% kế hoạch năm, chỉ bằng 69,9% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Hàng nông sản ước kim ngạch đạt 25,1 triệu USD, đạt 5,72% kế hoạch năm, bằng 53,83% so cùng kỳ; hàng thủy sản đạt 21,4 triệu USD, đạt 12,25% kế hoạch, tăng 8,49% so cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng xuất khẩu hai tháng đầu năm đạt khá so cùng kỳ năm trước như: tôm đông lạnh tăng 27,48%; các cơm sấy tăng 46,81%; thủy sản đông khác tăng 49,77%. Mặt hàng gạo đạt thấp 56,5 ngàn tấn, chỉ bằng 50,92% so cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng hai ước tính nhập 2,3 triệu USD, tăng 9,3% so với tháng trước, tăng 18,27% so cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 2 tháng trị giá nhập ước được 4,5 triệu USD, đạt 11,25% so kế hoạch năm và giảm 24,43% so cùng kỳ. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dùng sản xuất bao bì như: giấy krapt 500 tấn, tăng 15,21% so cùng kỳ; hạt nhựa 480 tấn, tăng 84,62% so cùng kỳ năm trước.

3. Chỉ số giá

Tháng hai năm nay là tháng có Tết, thị trường hàng hóa khá dồi dào, sức mua người dân không cao nên giá cả hàng hóa tiêu dùng tương đối ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tháng hai trong dịp Tết có mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước đây. Chỉ số giá tiêu dùng tháng hai so với tháng trước tăng 0,57%, trong đó: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất là 1,13% (gồm lương thực tăng 0,35%; thực phẩm tăng 1,08%, ăn uống ngoài gia đình người bán hàng tự nâng giá tăng 2,4%). Các nhóm còn lại có tăng nhẹ như: Nhóm giáo dục tăng 0,01%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,07%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,1%; nhóm may mặc, giày dép, mũ nón tăng 0,21%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,3%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,52%; nhóm thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,49%. Chỉ một nhóm giảm là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,36%  do giá gas đốt giảm 13.000đ/bình từ ngày 1/2/2014 và dầu diezen giảm 320đ/lít ngày 27/1 và giảm thêm 110đ/lít ngày 11/2/2014.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng hai so với tháng 12/2013 (sau hai tháng) tăng 1,56%, so với cùng kỳ năm trước (sau một năm) chỉ số giá tiêu  dùng tăng 4,22%.

Chỉ số giá vàng tháng hai (tính đến 15/2/2014) trong tháng này giá vàng tăng đột biến theo giá vàng thế giới, so tháng trước tăng 2,21% (tăng 70.000đ/chỉ), bình quân giá bán trong tháng là 3.243.000đ/chỉ. Chỉ số giá vàng tháng hai so với cùng kỳ (so tháng 2/2013) giảm 22,96%.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng hai giảm 0,11% so với tháng trước. Đến thời điểm điều tra ngày 15/2/2014 tại Ngân hàng Ngoại Thương bán ra là 21.120 đ/USD, thị trường tự do bán 21.190 đ/USD. Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 2/2014 so với tháng 2/2013 (sau 12 tháng) chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,3%.

4. Vận tải hành khách và hàng hóa

Vận tải hành khách:  Tháng hai vận tải hành khách ước tính 4,8 triệu lượt khách, giảm 1,42% so tháng trước và giảm 5,83% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 249,8 triệu HK.km, giảm 1,17% so tháng trước và giảm 5,15% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung hai tháng vận tải hành khách ước tính được 9,7 triệu lượt khách, đạt 16,98% kế hoạch và tăng 1,45% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 502,7 triệu HK.km, đạt 15,95% kế hoạch và tăng 2,09% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Vận tải hành khách đường bộ 7,8 triệu lượt khách, tăng 1,52% so cùng kỳ và luân chuyển 391,5 triệu lượt khách.km, tăng 2,45% so với cùng kỳ; Vận tải hành khách đường sông 1,6 triệu lượt khách, tăng 1,83% và luân chuyển 84,6 triệu lượt khách.km, tăng 2,98%; Vận tải hành khách đường biển 0,27 triệu lượt khách, giảm 2,46% và luân chuyển 26,5 triệu lượt khách.km, giảm 5,35% so cùng kỳ năm trước.

Vận tải hàng hóa: Tháng hai vận tải hàng hóa ước tính 638 ngàn tấn, giảm 10,49% so tháng trước và giảm 16,71% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 87 triệu tấn.km, giảm 10,07% so tháng trước và giảm 16,53% so cùng kỳ năm trước.

Tính chung hai tháng vận tải hàng hóa ước tính 1,3 triệu tấn, đạt 16,01% kế hoạch và giảm  2,46% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 183,7 triệu tấn.km, đạt 15,98% kế hoạch và giảm 2,41% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Vận tải hàng hóa đường bộ 426 ngàn tấn, tăng 3,15% và luân chuyển 59,5 triệu tấn.km, tăng 3,06% so với cùng kỳ; Vận tải hàng hóa đường sông 567 ngàn tấn, tăng 2,72% và luân chuyển 71,4 triệu tấn.km, tăng 3,32% so với cùng kỳ; Vận tải hàng hóa đường biển 357 ngàn tấn, giảm 14,8% và luân chuyển 52,7 triệu tấn.km, giảm 4,03% so cùng kỳ năm trước.

Sản lượng vận tải hàng hóa và hành khách tháng hai giảm đáng kể so với tháng trước, do tháng trước nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa tăng mạnh trong dịp gần Tết, ngoài ra trong tháng này các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh kết hợpTết nghỉ thêm dài ngày làm ảnh hưởng phần nào đến hoạt động kinh doanh vận tải.

            5. Du lịch: Tổng số khách du lịch tháng hai ước tính 464,6 ngàn lượt khách,tăng 2,8 lần so tháng trước, trong đó: khách đến các khu vui chơi, điểm du lịch có 358,2 ngàn lượt người và 106,3 ngàn lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch. Khách đến cơ sở kinh doanh du lịch tăng 7,3% so tháng trước và tăng 0,85% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: khách đến các cơ sở lưu trú du lịch phục vụ 98,2 ngàn lượt khách tăng 7,31% so tháng trước và khách du lịch theo tour 8,1 lượt khách, tăng 7,26%.

            Tính chung hai tháng đầu năm, khách đến các điểm vui chơi và cơ sở kinh doanh du lịch được 628,9 ngàn lượt khách, đạt 15,15% kế hoạch năm và bằng 87,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó: số khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch được 205,5 ngàn lượt khách, đạt 15,81% kế hoạch và tăng 2,36% so cùng kỳ năm trước.

            Do thời gian nghỉ Tết năm nay trong tháng hai, nên số khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch và khu vui chơi đều tăng, năm nay khách đến các khu vui chơi, điểm du lịch tăng đột biến, 5,4 lần so với tháng trước, trong đó cao nhất là khu du lịch Thị xã Hà Tiên số khách tăng 6,8 lần, khu du lịch An Hòa tăng 6,7 lần.

            Điều đáng mừng là công trình điện lưới quốc gia ra  huyện đảo Phú Quốc vừa hoàn thành, kết hợp Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc đã đi vào hoạt động nên hoạt động du lịch ở Phú Quốc đầy hứa hẹn , với số khách du lịch đến tỉnh ngày một tăng. Điển hình vừa qua, trung tuần tháng hai chuyến bay quốc tế đầu tiên thuộc Hãng Hàng không Liên bang Nga chở 290 du khách từ thành phố Khabarovsk Liên bang Nga hạ cánh xuống Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc, tạo thêm niềm phấn khởi cho ngành du lịch nói chung, Phú Quốc nói riêng đầy tiềm năng phát triển và cất cánh trong tương lai.

VI. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

- Về văn hóa, nghệ thuật, thể thao: Trong tháng hai toàn ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch  phục vụ tốt những Lễ hội lớn: Kỷ niệm ngày thành lập Đảng; Lễ hội đón Giao thừa Tết Nguyên đán; Lễ thông xe 02 cây cầu Cái Lớn-Cái Bé và khởi công Xây dựng 4 nhà máy thuộc Khu công nghiệp Thạnh Lộc; phối hợp với UBND thị xã Hà Tiên tổ chức Lễ hội Năm Văn hóa Du lịch thị xã Hà Tiên lần thứ VI và kỷ niệm 278 năm ngày thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các.. Lễ hội Kỷ niệm 278 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các tổ chức quy mô trong 3 ngày, từ ngày 12/02/2014 đến ngày 14/02/2014 tại 2 địa điểm Khu Di tích Lịch sử- Văn hóa Núi Bình San và Công viên Trần Hầu thị xã Hà Tiên, dự kiến trên 2.000 hoa đăng đơn và 50 hoa đăng mô hình được thả xuống dòng sông Đông Hồ và nhiều hoạt động giới thiệu giá trị văn hóa của vùng đất Tây Nam hơn 300 năm hình thành và phát triển;

Các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác như: Bảo tàng tỉnh mở cửa phòng trưng bày phục vụ 689 lượt khách đến tham quan; Ban Quản lý di tích tổ chức các lễ hội đầu năm, công nhận di tích lịch sử văn hóa đình Nam Thái-An Biên;  các Đoàn Nghệ thuật tổ chức biểu diễn 10 suất phục vụ Lễ hội đón Giao thừa, đoàn khách Campuchia chúc Tết tỉnh và phục vụ 6.000 lượt dân các địa phương trong tỉnh; Đội chiếu phim phục vụ 80 xuất, 5.015 lượt người xem; Đội chiếu bóng lưu động 15 buổi chiếu, phục vụ 5.000 lượt người xem; toàn ngành thực hiện trang trí 18 cổng chào, 837 cụm pano, pano hộp đèn, 2.778 băng rol, 6.593 cờ các loại tuyên truyền chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn...

Các huyện, thị, thành phố đã tổ chức được 40 giải thi đấu thể thao gồm: cờ tướng, đua ghe ngo, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, kéo co, đẩy gậy, việt dã… có hơn 2.800 vận động viên tham gia, phục vụ 25.300 lượt người đến xem và cổ vũ. Đội tuyển cờ vua tham dự giải Cờ vua Đồng Tháp mở rộng tại thành phố Cao Lãnh, đạt  09 huy chương (05HCV, 03 HCB và 01 HCĐ)

- Tổ chức thăm hỏi, tặng quà, chúc Tết Giáp Ngọ năm 2014: Đảng, Chính quyền, đoàn thể trong tỉnh đã tổ chức các đoàn đi thăm hỏi và chúc tết những gia đình chính sách, người có công, lực lượng vũ trang với 30.000 xuất quà, tổng kinh phí 8 tỷ đồng. Hỗ trợ Tết cho 100% hộ nghèo, cận nghèo trong toàn tỉnh với tổng kinh phí hỗ trợ 13.338 tỷ đồng, trong đó:  ngân sách tỉnh hỗ trợ 4 tỷ đồng; Quỹ vì người nghèo hỗ trợ 600 triệu đồng, số còn lại do Ủy ban MTTQVN các cấp và các thành viên vận động.

- Về Y tế: Trong tháng nhìn chung tình hình các bệnh truyền nhiễm đều giảm hơn tháng trước và so với cùng kỳ năm 2013.

Bệnh sốt xuất huyết: Trong tháng (tính từ ngày 01/01/2014 đến 31/01/2014) toàn tỉnh có 42 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 16 trường hợp (giảm 27,5 %)  so với tháng trước, giảm 10 trường hợp (giảm 19,2%) so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó Sốt có dấu hiệu cảnh báo 38 trường hợp, sốt xuất huyết nặng 04 trường hợp. Các địa phương có số mắc cao trong tháng là TP. Rạch Giá (22 trường hợp) và huyện Kiên Lương (06 trường hợp), các địa phương khác đều có số ca mắc giảm so tháng trước, toàn tỉnh chưa có trường hợp nào tử vong. Nâng tổng số ca mắc sốt xuất huyết 02 tháng đầu năm 2014 là 100 trường hợp, giảm 85 trường hợp so cùng kỳ năm 2013 (giảm 46%).

Bệnh Tay Chân Miệng: Trong tháng toàn tỉnh có 63 trường hợp mắc, giảm 30 trường hợp (giảm 33%) so với tháng 12/2013, số mắc trong tháng tập trung nhiều ở TP. Rạch Giá (14 trường hợp), Hòn Đất (10 trường hợp), các địa phương khác đều có số ca mắc rải rác. Số mắc giảm 126 trường hợp so với cùng kỳ tháng 01/2013 (189 trường hợp), chưa ghi nhận có trường hợp tử vong.  Nâng tổng số ca mắc bệnh Tay chân miệng 02 tháng đầu năm 2014 là 156 trường hợp, giảm 348 trường hợp so cùng kỳ năm 2013 (giảm 69%)

 Các bệnh truyền nhiễm khác:  Bệnh tiêu chảy mắc trong tháng là 615 trường hợp, giảm 22 trường hợp so với tháng 12/2013; Bệnh Thương hàn và Phó Thương hàn mắc 07 trường hợp, giảm 01 ca so với tháng 12/2013; Bệnh Lỵ trực trùng mắc 11 trường hợp, giảm 16 trường hợp so với tháng 12/2013; Bệnh Lỵ Amip mắc 25 trường hợp, tăng ca so với tháng 12/2013; Bệnh Quai bị mắc 03 trường hợp, giảm 03 ca so với tháng 12/2013; Bệnh Cúm thường mắc 247 trường hợp, giảm 144 trường hợp so với tháng 12/2013; Bệnh Đau mắt đỏ (Bệnh do Adenovirus) mắc 36 trường hợp, giảm 13 trường hợp so với tháng 12/2013. Các bệnh truyền nhiễm khác trong tháng không phát hiện trường hợp nào.

Trong tháng thực hiện được 2.372/15.000 trường hợp xét nghiệm máu, kết quả có 20 trường hợp HIV dương tính, chuyển sang AIDS 0 trường hợp, không có tử vong. Theo số liệu lủy kế đến ngày 31/12/2013 toàn tỉnh có 4.535 người nhiễm HIV (trong đó: trong tỉnh 4.219; ngoài tỉnh 316); chuyển sang AIDS 2.172 trường hợp (trong đó: trong tỉnh 2.157; ngoài tỉnh 15); tử vong 1.012 trường hợp (trong đó: trong tỉnh 1.006; ngoài tỉnh 06). Hiện số bệnh nhân nhiễm HIV còn sống là 1.249 (trong tỉnh 1.249), trong đó bệnh nhân chuyển sang AIDS còn sống là 715 trường hợp trong tỉnh.

- Về vệ sinh an toàn thực phẩm: Trên toàn tỉnh thực hiện thanh, kiểm tra 2.930/14.600 cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Trong đó có 2.353 cơ sở đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) theo quy định chiếm 80,3%, 577 cơ sở chưa đảm bảo VSATTP chiếm 19,7%, xử lý 226 cơ sở, phạt tiền 37 cơ sở với tổng số tiền phạt là 29,25 triệu đồng; cảnh cáo 78 cơ sở; cam kết khắc phục 39 cơ sở; đóng cửa 01 cơ sở do sản xuất chả lụa không có giấy phép ĐĐKVSATTP; đình chỉ lưu hành sản phẩm 01 cơ sở; 23 cơ sở đang chờ xử lý (thuộc huyện Phú Quốc). Ngoài ra đề nghị tiêu hủy sản phẩm của 124 cơ sở, với 1.577 kg thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn. Nâng tổng số cơ sở được thanh, kiểm tra, giám sát 02 tháng đầu năm là 4.451 lượt cơ sở đạt 31,17% kế hoạch năm. Trong tháng toàn tỉnh ghi nhận có 26 trường hợp ngộ độc thực phẩm. Trong đó ngộ độc do tác dụng độc của cồn là 25 trường hợp, ngộ độc do ăn thực phẩm 01 trường hợp.

- Tình hình an toàn giao thông: Theo Ban An toàn Giao thông tỉnh, trong tháng 02 (tính từ ngày 16/01/2014 - 15/02/2014), toàn tỉnh đã xảy ra 17 vụ tai nạn giao thông đường bộ (không tính vụ va chạm) và 01 vụ giao thông đường thủy, làm chết 15 người, bị thương 16 người. So với tháng trước số vụ không tăng giảm, người chết không tăng giảm, tăng 07 người bị thương, do có sự quan tâm chỉ đạo sát của ngành giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông thực hiện tuần tra kiểm tra tốt... mặc dù tháng có Tết nhưng tình hình an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, so tháng trước đã kiềm chế được số vụ TNGT. Tuy nhiên, tháng 02 so với cùng kỳ năm trước tăng 10 vụ, tăng 10 người chết và tăng 9 người bị thương. Lũy kế 2 tháng có 36 vụ tai nạn giao thông, làm 30 người chết, 25 người bị thương (đường bộ: 35 vụ, 29 người chết, 25 người bị thương; đường thủy: 01 vụ, 01 người chết); so cùng kỳ tăng 10 vụ, tăng 13 người chết, giảm 01 người bị thương.  

- Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo an toàn trước trong và sau Tết; lực lượng công an địa phương trong tỉnh tổ chức tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn giảm thiểu tội phạm và tệ nạn. Qua 9 ngày Tết Công An tỉnh phát hiện 1 vụ đốt pháo do 12 thanh niên huyện đảo Phú Quốc đốt; bắt được 7 vụ trộm cắp vặt, xử lý 17 vụ vi phạm trật tự an toàn xã hội.

- Thiệt hại do cháy: Trong tháng tính từ 16/01/2014 đấn 15/2/2014 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ cháy, tăng 4 vụ so tháng trước, tăng 2 vụ so cùng kỳ năm trước, không xảy ra vụ nổ và không gây thương vong về người. Nguyên nhân 04 vụ do chập điện, 03 vụ do bất cẩn khi đun nấu. Ước tính thiệt hại khoảng 977 triệu đồng. Tình hình cháy đang có chiều hướng tăng, nhất là điều kiện thời tiết hiện nay khô hanh, gió mạnh, chính quyền các cấp cần tuyên truyền vận động người dân cẩn thận khi sử dụng đối với các vật dụng dễ gây cháy nổ./.

Tải về:  - Số liệu kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng năm 2014

              - Chỉ số CPI tháng 2 năm 2014

Số lần đọc: 1632
Cục Thống kê Kiên Giang
Tin liên quan