Tin nóng
26.10.2022

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp

Vụ Hè thu: Lúa hè thu năm nay, toàn tỉnh đã gieo trồng chính thức được 279.699 ha[1], đạt 99,54% kế hoạch và giảm 1,27% (giảm 3.585 ha) so với vụ hè thu năm trước. Đến nay đã thu hoạch dứt điểm 279.699 ha, năng suất đạt 5,67 tấn/ha, tăng 1,32% so với với năm trước; sản lượng đạt 1.586.973 tấn, vượt 1,02% kế hoạch và tăng 4,94% so với năm trước.

Vụ Thu đông (Vụ 3): kết thúc gieo sạ lúa thu đông, toàn tỉnh gieo sạ được 68.881 ha[2], đạt 86,10% kế hoạch và giảm 23,58% (giảm 21.251 ha) so với vụ thu đông năm trước. Đến nay đã thu hoạch 49.553 ha, ước tính năng suất trên trà lúa thu hoạch đạt 5,42 tấn/ha.

Tình hình sản xuất lúa thu đông năm nay gặp rất nhiều khó khăn, một mặt do giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao, trong khi giá lúa bấp bênh, không ổn định; mặc khác thời tiết, khí hậu diễn biến bất lợi, mưa bão, sâu bệnh,… dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao, nên nhiều nông dân không xuống giống, giảm nhiều nhất ở  huyện Tân Hiệp và Châu Thành.

Đến nay đã có 487 ha bị nhiễm bệnh, các đối tượng gây bệnh chủ yếu gồm: Bệnh lem lép hạt nhiễm 205 ha (giảm 682 ha với tuần trước); bệnh cháy bìa lá diện tích nhiễm là 152 ha; bệnh đạo ôn lá diện tích nhiễm 120 ha. Ngoài ra còn có các đối tượng gây hại khác như: Ốc bươu vàng, rầy nâu, sâu đục thân, sâu cuốn lá, đạo ôn cổ bông, muỗi hành, bù lạch,… xuất hiện và gây hại ở mức rải rác đến nhẹ, không ảnh hưởng đến sinh trưởng cây lúa.

Cây rau màu: Diện tích một số loại cây màu đã gieo trồng như: Dưa hấu 1.514 ha, tăng 2,02% so với cùng kỳ năm trước; khoai lang 1.252 ha, giảm 0,87% so cùng kỳ; khoai mì 398 ha, tăng 4,46% so cùng kỳ; bắp 272 ha, tăng 2,64% so cùng kỳ; rau, đậu các loại 8.896 ha, tăng 1,16% so cùng kỳ.

Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi luôn được quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng loạt nhiều hoạt động từ vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêm phòng, kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ,… Tuy nhiên, nguy cơ bệnh dịch tả heo châu Phi[3] tiếp tục phát sinh lây lan do chưa có vắc xin phòng bệnh và điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học còn nhiều hạn chế; bệnh dại ở chó có biểu hiện bùng phát, từ ngày 22/9/2022 đến nay đã có 05 ổ dịch xuất hiện trên địa bàn tỉnh[4]. Để phát triển chăn nuôi, ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai nhanh mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trên các đối tượng vật nuôi, đồng thời giám sát và theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để kịp thời phát hiện, xử lý và khống chế dịch bệnh.

Kết quả điều tra chăn nuôi 01/7/2022, so với cùng thời điểm năm trước, đàn trâu có 4.291 con, tăng 2,22%; đàn bò 10.504 con, tăng 0,76%; đàn heo có 224.366 con, tăng 22,22%; đàn gia cầm 4.458 nghìn con, tăng 1,68%, trong đó đàn vịt giảm 17,50%.

b. Lâm nghiệp

Các ngành chức năng thường xuyên phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về phòng chống cháy rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, duy trì thường xuyên công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Tuy nhiên, 10 tháng qua tình trạng phá rừng phòng hộ và rừng đặc dụng vẫn còn diễn ra, do đó thời gian tới ngành chức năng và các địa phương cần triển khai các biện pháp quản lý bảo vệ rừng hiệu quả hơn.

Sản lượng gỗ khai thác 10 tháng ước đạt 25.743 m3, tăng 9,13% so cùng kỳ và sản lượng củi khai thác đạt 27.515 Ste, tăng 5,44% so cùng kỳ. Trong tháng đã xảy ra 04 vụ vi phạm chặt phá rừng, với diện tích thiệt hại khoảng 29,59 ha. Tính chung 10 tháng đã xảy ra 65 vụ vi phạm chặt phá rừng với diện tích thiệt hại khoảng 90,60 ha.

Trong tháng không xảy ra vụ cháy rừng nào. Tính chung 10 tháng đã xảy ra 13 vụ cháy rừng (Phú Quốc 13 vụ) với diện tích thiệt hại khoảng 6 ha.

c. Thủy sản

Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 2010): Tháng Mười ước tính đạt 3.048,59 tỷ đồng, tăng 2,75% so với tháng trước, tăng 15,14% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng, ước tính đạt 29.502,41 tỷ đồng, bằng 93,31% kế hoạch năm, tăng 6,64% so cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thủy sản (cả khai thác và nuôi trồng): Tháng Mười ước tính đạt 85.078 tấn, tăng 21,34% so với tháng trước và tăng 11,80% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng đạt 712.498 tấn; giảm 0,26% (giảm 1.850 tấn) so cùng kỳ năm trước; bằng 88,72% kế hoạch năm. Chia ra:

Sản lượng khai thác: Tháng Mười ước đạt 42.706 tấn, giảm 0,28% so tháng trước, giảm 8,92% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng ước tính được 440.975 tấn, đạt 90,35% kế hoạch năm, giảm 7,47% (giảm 35.584 tấn) so cùng kỳ năm trước. Trong đó cá các loại giảm 8,56% (giảm 30.775 tấn); tôm giảm 4,34% (giảm 1.197 tấn); mực giảm 9,33% (giảm 5.560 tấn).

Sản lượng nuôi trồng: Tháng Mười ước tính đạt 42.372 tấn, tăng 55,29% so với tháng trước, tăng 45,04% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng ước tính sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch được 271.523 tấn, bằng 86,21% kế hoạch năm, tăng 14,19% (tăng 33.734 tấn) so cùng kỳ năm trước, trong đó cá nuôi 74.871 tấn, tăng 12,51% (tăng 8.323 tấn) so với cùng kỳ năm trước và bằng 70,15% kế hoạch năm; tôm các loại 108.424 tấn, tăng 19,03% (tăng 17.333 tấn) so với cùng kỳ và bằng 99,93% kế hoạch năm.

2. Sản xuất Công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): Tháng Mười chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 1,03% so với tháng trước, tăng 21,03% so cùng tháng năm trước. So với tháng trước ngành chế biến, chế tạo tăng 0,57%[5]; ngành khai khoáng tăng 2,04%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 7,52%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,02%. Tính chung 10 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 19,53% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 17,02%; ngành chế biến, chế tạo tăng 19,75%[6].

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): Tháng Mười ước tính đạt 5.060,25 tỷ đồng, tăng 1,04% so với tháng trước, tăng 23% so với cùng tháng năm trước[7]. Tính chung 10 tháng ước đạt 44.818,45 tỷ đồng, bằng 87,72% kế hoạch năm, tăng 20,23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 43.069,93 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 96,10% tổng giá trị công nghiệp, tăng 20,40%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước tăng 19,85%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 8,21% và ngành khai khoáng tăng 24,26%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 10 tháng tăng so cùng kỳ như: Giày da đạt 254,32% kế hoạch năm, tăng 177,80%; tôm đông lạnh đạt 108,88%, tăng 42,69%; gỗ MDF đạt 100,21% kế hoạch năm, tăng 20,12%; cá đông lạnh đạt 82,85%, tăng 14,69%; điện thương phẩm đạt 82,26% kế hoạch năm, tăng 6,88%; nước máy đạt 81,71% kế hoạch năm, tăng 6,24%,… Nhưng cũng có một số sản phẩm giảm so cùng kỳ như: Gạch không nung đạt 44,46% kế hoạch năm, giảm 49,50%; nước mắm đạt 64,57% kế hoạch năm, giảm 20,33%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tính tháng Mười tăng 5,93% so với tháng trước và tăng 7,68% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 10 tháng, tăng 9,57% so cùng kỳ năm trước. Trong đó một số ngành sản xuất tăng so với cùng kỳ như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,68%; sản xuất đồ uống tăng 3,46,... Tuy nhiên, vẫn có một số ngành chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ như: Chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ giảm 59,95%; sản xuất trang phục giảm 10,60%,...

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tính tháng Mười bằng 104,18% so với tháng trước và bằng 112,83% so cùng tháng năm trước. Trong đó, sản xuất chế biến thực phẩm bằng 148,77% so cùng kỳ năm trước; sản xuất đồ uống bằng 82,04% cùng kỳ năm trước,...

Chỉ số sử dụng lao động của ngành công nghiệp tháng Mười năm 2022 tăng 0,43% so với tháng trước và tăng 51,38% so với tháng cùng kỳ năm trước. Ước tính 10 tháng năm 2022 tăng 30,36% so cùng kỳ năm trước.

3. Đầu tư

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng Mười (Số giải ngân đến 15/10/2022) ước tính 281,33 tỷ đồng, tăng 7,29% so với tháng trước và chỉ bằng 54,96% so cùng tháng năm trước. Trong đó: Vốn cân đối ngân sách địa phương 209,88 tỷ đồng, tăng 18,62% so tháng trước, giảm 19,01% so cùng tháng năm trước. Tính chung 10 tháng, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 2.736,22 tỷ đồng, bằng 53,40% kế hoạch năm, tăng 51,98% so với cùng kỳ. Trong đó: Vốn cân đối ngân sách địa phương 2.204,24 tỷ đồng, đạt 56,08% kế hoạch năm, tăng 67,49% so với cùng kỳ trước. 

 4. Thu, chi ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước tháng Mười ước tính thu được 1.054,17 tỷ đồng, tăng 36,83% so với tháng trước, giảm 5,51% so cùng tháng năm trước. Trong đó thu nội địa 1.050 tỷ đồng, tăng 46,36% so với tháng trước, giảm 5,30% so cùng tháng năm trước. Tính chung 10 tháng tổng thu ngân sách ước tính đạt 9.772,28 tỷ đồng, bằng 88,45% dự toán, tăng 15,94% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thu nội địa 9.607,03 tỷ đồng, đạt 87,35% dự toán, tăng 14,74% và chiếm 98,31% tổng thu. So với cùng kỳ năm trước, có một số khoản thu tăng khá cao[8], bên cạnh đó vẫn còn một số khoản thu đạt còn thấp so cùng kỳ như: Thuế bảo vệ môi trường bằng 40,13%; thu cho thuê mặt đất, mặt nước bằng 48,24%; thu từ doanh nghiệp nhà nước TW bằng 83,56%,...

Tổng chi ngân sách địa phương tháng Mười ước tính 1.158,52 tỷ đồng, giảm 20,94% so với tháng trước, giảm 14,54% so cùng tháng năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển 322,17 tỷ đồng, giảm 2,99% so tháng trước, tăng 2,76% so cùng tháng năm trước; chi thường xuyên 836,35 tỷ đồng, giảm 25,45% so tháng trước, tăng 23,38% so cùng tháng năm trước. Tính chung 10 tháng, tổng chi ngân sách địa phương ước tính chi 11.303,17 tỷ đồng, bằng 73,57% dự toán năm, tăng 28,42% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển 2.986,05 tỷ đồng, đạt 75,99% dự toán và tăng 50,10% so với cùng kỳ năm trước; chi thường xuyên 8.308,84 tỷ đồng, đạt 84,19% dự toán và tăng 21,99% so với cùng kỳ.

5. Ngân hàng

Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tiếp tục tập trung các giải pháp như duy trì tăng trưởng huy động vốn; tăng cường thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhờ đó, huy động vốn và tín dụng tiếp tục tăng trưởng, phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ước đến cuối tháng 10/2022, một số chỉ tiêu đạt cụ thể như sau:

Tổng nguồn vốn hoạt động ước đạt 129.400 tỷ đồng, tăng 0,58% so tháng trước, tăng 9,93% so đầu năm; trong đó, vốn huy động tại địa phương ước đạt 68.000 tỷ đồng (chiếm 52,55% tổng nguồn vốn hoạt động), tăng 0,47% so tháng trước, tăng 10,75% so đầu năm. Doanh số cho vay trong tháng ước đạt 15.000 tỷ đồng (trong đó, 83,2% doanh số cho vay là phục vụ sản xuất kinh doanh); dư nợ cho vay ước đạt 106.500 tỷ đồng, tăng 0,48% so tháng trước, tăng 9,33% so đầu năm.

Nợ xấu nội bảng 1.550 tỷ đồng, chiếm 1,46% tổng dư nợ.

Nợ tổn thất (nợ đã xử lý bằng dự phòng rủi ro và đang theo dõi ngoại bảng) 1.300 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng trên địa bàn khá ổn định. Tỷ giá vàng và ngoại tệ diễn biến theo xu hướng chung của cả nước và thế giới.

6. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

Thị trường bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh trong tháng Mười tăng trưởng khá và ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng tăng hơn 23% so cùng kỳ năm trước, cụ thể như sau:

a. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười ước đạt 11.057,81 tỷ đồng, tăng 0,51% so tháng trước, tăng 33,01% so cùng tháng năm trước. Tính chung 10 tháng ước tính đạt 108.342,50 tỷ đồng, bằng 86,67% kế hoạch năm, tăng 23,37% so cùng kỳ. Chia theo ngành hoạt động:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng Mười ước đạt 7.979,22 tỷ đồng, tăng 1,10% so với tháng trước, tăng 23,05% so cùng tháng năm trước. Tính chung 10 tháng ước tính đạt 78.142,63 tỷ đồng, bằng 81,82% kế hoạch năm, tăng 16,49% so cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng Mười ước tính 1.662,73 tỷ đồng, giảm 1,73% so tháng trước, tăng 132,59% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng ước tính đạt 14.974,55 tỷ đồng, bằng 106,20% kế hoạch năm, tăng 63,51% so cùng kỳ năm trước.

Doanh thu du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch tháng Mười ước đạt 81,81 tỷ đồng, giảm 1,63% so tháng trước. Tính chung 10 tháng ước tính đạt 646,28 tỷ đồng, bằng 215,43% kế hoạch năm, tăng hơn 319,54% so cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng Mười ước đạt 1.334,05 tỷ đồng, tăng 0,04% so với tháng trước, tăng 19,74% so cùng tháng năm trước. Tính chung 10 tháng ước tính đạt 14.579,05 tỷ đồng, bằng 96,55% kế hoạch năm, tăng 27,60% so cùng kỳ.

b. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Mười ước đạt 68 triệu USD, tăng 16,44%[9] so với tháng trước và tăng 0,25% so cùng tháng năm trước. Tính chung 10 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính 677,62 triệu USD, đạt 86,87% kế hoạch năm, tăng 15,12% so với cùng kỳ năm trước[10].

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Mười ước đạt 12 triệu USD, tăng 2,56% so với tháng trước và tăng 47,06% so tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng ước tính đạt 129,77 triệu USD, đạt 99,82% kế hoạch năm, tăng 17,93 so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu, chủ yếu vẫn là nguyên liệu dùng cho sản xuất.

c. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Mười giảm 0,20% so với tháng trước. Trong đó: Khu vực thành thị giảm 0,49%, khu vực nông thôn giảm 0,03%. CPI tháng Mười giảm nhẹ so với tháng trước, có 6/11 nhóm tăng, trong đó tăng cao nhất là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1%; kế đến là nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,46%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục có mức tăng bằng 0,01%. Có 4 nhóm hàng giảm, trong đó giảm nhiều nhất là nhóm giao thông giảm 2,15%; kế đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,24% (trong đó thực phẩm giảm 0,61%); nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,22% và nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD giảm 0,01%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông bình ổn giá.

So với tháng 12 năm trước (sau 10 tháng) chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,13%. Tất cả 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính đều tăng giá. Trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất với mức tăng tăng 16,55%; kế đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,03% (trong đó thực phẩm tăng 6,41%); nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,32%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 2,84%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,57%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,92%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,60%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,05%; nhóm giao thông tăng 0,86%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,43% và nhóm bưu chính viễn thông tăng ít nhất với mức tăng 0,09%.

Chỉ số giá vàng: Tháng Mười so với tháng trước tăng 0,10% và tăng 0,85% so với tháng 10 năm trước. Giá vàng nhẫn bình quân tháng Mười là 5.113.000 đồng/chỉ (tăng 5.000 đ/chỉ so với tháng trước).

Chỉ số giá đô la Mỹ: Tháng Mười tăng 2,01% so với tháng trước, tăng 5,47% so với cùng tháng năm trước. Giá USD bình quân tháng Mười tại liên ngân hàng là 2.411.200 đồng/100 USD, tăng 47.400 đồng/100 USD so với tháng trước.

d. Vận tải hành khách và hàng hóa

Trong tháng, giá xăng dầu đã giảm nhiều về mức 22.000đ đến 24.000đ/lít, tuy nhiên giá vé xe khách cũng như cước vận chuyển hàng hóa dịch vụ chưa giảm tương xứng với giá giảm của xăng dầu. Với nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành quyết tâm kéo giá xăng dầu giảm xuống về lâu dài sẽ thúc đẩy kinh tế phục hồi, đời sống người dân được cải thiện. Một số khoản phí, lệ phí trong các lĩnh vực hàng hải, hàng không và đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh sẽ giảm tới 50% so với mức thu trước đây, bắt đầu từ tháng 10 đến hết năm 2022. Mặt khác, công tác kiểm tra, kiểm soát giá cước cũng như đảm bảo an toàn giao thông trong lĩnh vực hoạt động vận tải, không để giá cước vận chuyển hành khách, hàng hóa leo thang, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế trên địa bàn đang được tăng cường. Theo đó, hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa trong 10 tháng năm nay tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước, cụ thể như sau:

Vận tải hành khách: Ước tính vận chuyển hành khách trong tháng Mười đạt hơn 7,88 triệu lượt khách, tăng 0,91% so tháng trước, tăng 137,41% so với cùng tháng năm trước; luân chuyển đạt gần 542,62 triệu HK.km, tăng 0,93% so tháng trước, tăng 146,12% so cùng tháng năm trước. Tính chung 10 tháng vận tải hành khách ước tính đạt gần 69,49 triệu lượt khách, bằng 89,30% kế hoạch năm, tăng 58,06% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, đường biển tăng 106,22%; vận tải đường bộ tăng 60,03%. Luân chuyển hành khách đạt hơn 4.784,91 triệu HK.km, bằng 92,74% kế hoạch năm, tăng 61,42% so với cùng kỳ năm trước.

Vận tải hàng hóa: Tháng Mười hàng hóa vận chuyển ước tính gần 1,35 triệu tấn, tăng 1,05% so tháng trước, tăng 34,03% so cùng tháng năm trước; luân chuyển 193,31 triệu tấn.km, tăng 1,05% so tháng trước, tăng 34,13% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng, vận tải hàng hóa ước tính đạt hơn 12,60 triệu tấn, bằng 82,73% kế hoạch năm, tăng 17,45% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển đạt hơn 1.810,60 triệu tấn.km, đạt 82,99% kế hoạch năm, tăng 17,71% so cùng kỳ.

e. Du lịch

Trong tháng đã thực hiện tốt các hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Tổ chức đón tiếp đoàn Đại sứ và truyền thông Thái Lan đến tham dự lễ khai trương đường bay Phú Quốc – Bangkok và đề xuất một số doanh nghiệp lữ hành tiêu biểu tham gia kết nối các thị trường du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch triển khai các hoạt động có liên quan đến công tác du lịch, bình ổn giá, đảm bảo dịch vụ, chất lượng sản phẩm, các điều kiện phục vụ du khách nhân dịp các sự kiện tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, hoạt động du lịch trong 10 tháng năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ, các nhiệm vụ, chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Ước tính khách du lịch trong tháng Mười đạt 475,81 ngàn lượt khách, giảm 6,95% so với tháng trước, tăng hơn 19 lần so tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch là 258,83 ngàn lượt khách, giảm 7,93% so với tháng trước, tăng hơn 17 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khách quốc tế 29,60 ngàn lượt khách, tăng 13,32% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng tổng lượt khách du lịch ước đạt 6.594,34 ngàn lượt khách, bằng 117,76% kế hoạch năm, tăng 180,70% so cùng kỳ năm trước. Trong đó lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch là 3.518,77 ngàn lượt khách, bằng 106,63% kế hoạch năm, tăng 193,64% so cùng kỳ năm trước. Trong đó khách quốc tế 156,59 ngàn lượt khách, đạt 78,29% kế hoạch năm.

7. Một số tình hình xã hội

a. Lao động, giải quyết việc làm, đào tạo nghề

Tháng Mười, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 1.805 lượt người[11]. Nâng tổng số từ đầu năm đến nay đã giải quyết việc làm cho 32.652 lượt người, đạt 93,29% so kế hoạch năm, tăng 67,76% so cùng kỳ năm trước[12].

Trong tháng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo mới 2.392 người, trong đó trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên 2.193 người; 118 người trình độ trung cấp nghề và 81 người trình độ cao đẳng nghề. Nâng tổng số lao động được đào tạo qua 10 tháng lên 20.716 người[13], đạt 86,32% kế hoạch năm, tăng 22,83% so cùng kỳ năm trước.

b. Giáo dục

Công tác, quản lý chỉ đạo, điều hành tại các cơ sở giáo dục tiếp tục được đổi mới; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng thực hiện khá tốt. Cán bộ, công chức, viên chức luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, hoàn thành và đạt yêu cầu chất lượng, góp phần giữ vững kỷ cương, nền nếp trường, lớp học, góp phần ổn định và phát triển sự nghiệp giáo dục.

Tổ chức tập huấn thực hiện chương trình giáo dục mầm non sau sửa đổi; tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non cốt cán thuộc các huyện, thành phố; triển khai thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học năm học 2022-2023.

Thực hiện đánh giá ngoài và thẩm định trường chuẩn quốc gia và ban hành kế hoạch thi đua chuyên đề “Trường học an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích” trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc kiểm tra công tác giảng dạy đầu năm ở các cơ sở giáo dục, cũng như công tác thống kê tình hình huy động học sinh và báo cáo nhanh số liệu đầu năm học luôn được quan tâm, chú trọng và thực hiện tốt.

Kiểm tra công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và chuẩn quốc gia bậc trung học, kiểm tra công tác bồi dưỡng đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022-2023. Thẩm định hồ sơ, cấp phép hoạt động và kiểm tra hoạt động các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn huyện Châu Thành, Hòn Đất và thành phố Rạch Giá.

Tổ chức hội nghị giáo viên trung học cơ sở cốt cán năm học 2022-2023; tổ chức hội thảo chuyên môn các môn học cấp THPT năm học 2022-2023 theo kế hoạch; hội thảo chuyên môn các môn học cấp THCS lần thứ I, năm học 2022-2023; tổ chức chấm thi vòng sơ khảo cuộc thi xây dựng Thiết bị dạy học số năm 2022.

c. Tình hình y tế

Trong tháng, tổng số lượt khám chữa bệnh và số bệnh nhân điều trị nội trú tại các cơ sở y tế tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Tình hình dịch bệnh được quản lý chặt chẽ, tuy nhiên một số bệnh tăng so với tháng trước như bệnh tay chân miệng, cúm, thương hàn, sởi/sốt phát ban nghi sởi, quai bị,... Các bệnh mắc giảm so với tháng trước như Covid-19, sốt xuất huyết, tiêu chảy, lỵ trực trùng, viêm gan virus,...

Nhìn chung các cơ sở điều trị thực hiện tốt các quy định, quy chế chuyên môn, đảm bảo thực hiện tốt công tác trực khám bệnh, chữa bệnh. Chất lượng chẩn đoán và điều trị được duy trì các kỹ thuật y tế chất lượng cao... Các chương trình mục tiêu Y tế quốc gia được duy trì và thực hiện thường xuyên, đảm bảo thực hiện theo tiến độ kế hoạch được giao.

Tình hình dịch bệnh:

- Tình hình dịch Covid-19: Từ khi xuất hiện dịch trên địa bàn tính đến từ ngày 20/10/2022, toàn tỉnh ghi nhận 41.764 trường hợp mắc COVID-19[14], đã điều trị khỏi 39.732 trường hợp; 1043 trường hợp tử vong; 47 trường hợp đang điều trị tại cơ sở y tế trong tỉnh. Hiện tại đang cách ly điều trị tại nhà 59 trường hợp; cách ly tập trung 02 trường hợp. Tổng số trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 là 386.625 trường hợp.

Tình hình tiêm vắc xin phòng Covid – 19:

Người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ mũi cơ bản là 1.189.156 người, đạt 105,30%. Trẻ từ 12-17 tuổi: mũi 1 (số lượng: 170.039 trẻ, đạt 103,31%); mũi 2 (số lượng: 163.469 trẻ, đạt 99,32%). Trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 1 (số lượng 198.025 trẻ, đạt 90,70%); mũi 2 (số lượng 153.053, đạt 70,87%).

- Bệnh Sốt xuất huyết Dengue trong tháng ghi nhận 884 cas mắc (có 34 cas sốt xuất huyết nặng[15]); giảm 66 cas so với tháng trước, lũy kế 3.942 cas, cao nhất là tại TP.Phú Quốc 266 cas, TP.Rạch Giá 129 cas, huyện Châu thành 96 cas. Ghi nhận 01 trường hợp tử vong tại huyện Giồng Riềng.

- Bệnh Tay- Chân- Miệng ghi nhận 150 cas, tăng 22 cas so với tháng trước, lũy kế 994 cas, cao nhất là huyện Giồng Riềng 45 cas, huyện Gò Quao 22 cas, Tp Rạch Giá 11 cas, TP Phú Quốc 10 cas. Chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Các bệnh so với tháng trước tăng như: Cúm (28 cas), Thương hàn (27 cas), Sởi/sốt ban nghi sởi (03 cas), Quai bị (01 cas). Các bệnh giảm so với tháng trước: Tiêu chảy (138 cas), Lỵ trực trùng (03 cas), Viêm gan virus trong tháng không có ca nhiễm. Không có trường hợp tử vong.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong tháng thực hiện thanh tra, kiểm tra 1.944 cơ sở, trong đó: 1.535 cơ sở đảm bảo ATTP (chiếm 78,96%) và 409 cơ sở chưa đảm bảo ATTP (chiếm 21,04 %), qua đó đã xử phạt vi phạm hành chính tại 06 cơ sở với số tiền 22 triệu đồng, nhắc nhỡ 403 cơ sở sở thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm đúng quy định, tiêu hủy 54 loại SP (338 kg) tại 43 cơ sở.

Trong tháng, không ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm nào.

d. Hoạt động Văn hóa, Thể dục thể thao

Hoạt động Văn hóa: Trong tháng 10, tập trung tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và gia đình phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị; nhất là tuyên truyền kỷ niệm 31 năm Ngày Quốc tế Người cao tuổi (01/10/1991 - 01/10/2022); kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2022) và kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10). Đặc biệt, tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Kiên Giang lần thứ IX năm 2022 và Lễ hội truyền thống kỷ niệm 154 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868 - 2022).

- Công tác gia đình và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”: Tổng hợp số liệu và xây dựng báo cáo kết quả thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Tham gia diễn giả tọa đàm, đối thoại chính sách về các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ năm 2022 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức, với sự tham gia của hơn 80 đại biểu. Công tác gia đình được quan tâm chỉ đạo, nhấn mạnh vai trò của giáo dục gia đình đối với sự hình thành nhân cách con người Việt Nam.

Hoạt động Thể dục thể thao:

- Thể dục thể thao quần chúng: Tổ chức sự kiện Bim Group 5150 Phú  Quốc,  Charity Beach run, sunrise sprint và Ironkids năm 2022; hỗ trợ Liên đoàn Vovinam tỉnh tổ chức khóa thi thăng cấp trung đẳng Vovinam Việt Võ Đạo tỉnh Kiên Giang lần thứ I năm 2022.

 - Thể thao thành tích cao: Các đội tuyển thể thao của tỉnh tiếp tục tập luyện chuẩn bị cho các giải đấu cấp khu vực, toàn quốc và quốc tế trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023.

e. Tình hình an toàn giao thông

Tính từ ngày 15/9/2022 đến 14/10/2022, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông, làm 7 người chết, 4 người bị thương. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 3 vụ, số người chết không tăng không giảm, số người bị thương giảm 01 người. So với tháng cùng kỳ năm trước số vụ tai nạn giao thông giảm 01 vụ (giảm 12,50%), số người chết giảm 3 người (giảm 30%), số người bị thương không tăng không giảm so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng đầu năm (từ 15/12/2021 đến 14/10/2022) toàn tỉnh xảy ra 99 vụ tai nạn giao thông (đường bộ 96 vụ, đường thủy 3 vụ), làm 77 người chết, 46 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, tăng 7 vụ (tăng 7,61%), tăng 11 người chết (tăng 16,67%) và giảm 3 người bị thương (giảm 6,12%).

Tình hình tai nạn giao thông trong 10 tháng năm nay còn diễn biến phức tạp, số vụ và số người chết đều tăng so với cùng kỳ, thể hiện mức độ tai nạn giao thông nghiêm trọng tăng. Vì thế, các ngành chức năng cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền, vận động nhân dân gương mẫu chấp hành Luật giao thông khi tham gia giao thông, để mọi người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn trong thời gian tới.

f. Tình hình cháy, nổ và thiên tai

Tình hình cháy nổ: Từ ngày 15/9/2022 đến 14/10/2022 toàn tỉnh không xảy ra vụ cháy, nổ nào. Tính chung 10 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ cháy, không có vụ nổ, làm 02 người chết và 01 người bị thương. Thiệt hại ước tính khoảng 5,71  tỷ đồng.

Tình hình thiên tai: Tính từ ngày 19/9/2022 đến ngày 18/10/2022, toàn tỉnh xảy ra 09 vụ do mưa lớn, giông, lốc xoáy, sấm sét làm 13 căn nhà sập, 41 nhà bị tốc mái. Uớc giá trị thiệt hại về vật chất khoảng 800 triệu đồng, ước cứu trợ là 160 triệu đồng. Tính từ đầu năm đến nay, thiên tai xảy ra trên toàn tỉnh đã xảy ra 52 vụ, làm 108 nhà sập, 387 nhà bị tốc mái, 5 người chết và 4 người bị thương, chìm 16 tàu đánh cá, ước tính thiệt hại khoảng 10.010 triệu đồng.

Tải về: - Số liệu Kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Kiên Giang;


[1] Tập trung ở các huyện như Hòn Đất 78.690 ha, Giồng Riềng 46.801 ha, Tân Hiệp 36.598 ha, Giang Thành 29.270 ha, Gò Quao 25.332 ha, Kiên Lương 22.400 ha, Châu Thành 19.043 ha, U Minh Thương 6.332, An Biên 6.020 ha, Rạch Giá 5.483 ha, Vĩnh thuận 3.730 ha.

[2] Tập trung ở các huyện như Giồng Riềng 25.846 ha, Tân Hiệp 20.156 ha, Giang Thành 14.166 ha, Hòn Đất 5.200 ha và Châu Thành 3.058 ha, TP Rạch Giá 455 ha.

[3] Từ ngày 30/9-12/10/2022, toàn tỉnh ghi nhận 4 ổ dịch bệnh Dịch tả heo châu Phi tại 3 ấp, 2 xã của 2 huyện Hòn Đất và An Minh, số heo bệnh và tiêu hủy là 34 con, trọng lượng hủy là 2.095 kg.

[4] Trong tháng phát hiện thêm 01 ổ dịch tại huyện An Minh; lũy kế đến nay có 05 ổ dịch tại các huyện: Kiên Lương 02 ổ dịch, Hà Tiên 02 ổ dịch và An Minh 01 ổ dịch.

[5] Trong đó: Ngành chế biến thực phẩm tăng 13,96%; ngành sản xuất đồ uống tăng 46,55%, ...

[6] Trong đó: Ngành chế biến thực phẩm giảm 2,82%; ngành sản xuất đồ uống giảm 30,44%, sản xuất giày dép tăng 383,11%, ...

[7] Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 96,11% trong tổng số, tăng 22,88%.

[8] Thu từ xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 123,66% dự toán, tăng 84,74%; Thu lệ phí trước bạ, đạt 122,81% dự toán, tăng 72,42% so cùng kỳ; thu thuế thu nhập cá nhân đạt 117,04% dự toán, tăng 53,59%; thu thuế khu vực công thương nghiệp ngoài NN đạt 103,80% dự toán, tăng 37,75%, ...

[9] So với tháng trước, giá trị hàng nông sản tăng 27,68%; hàng thủy hải sản tăng 3,25%; nguyên liệu giày da tăng 144,84%.

[10] Trong đó: Hàng nông sản 156,57 triệu USD, đạt 58,20% kế hoạch năm, giảm 25,80% so cùng kỳ; hàng thủy sản 232,95 triệu USD, đạt 87,91% kế hoạch năm, tăng 15,79% so cùng kỳ; nguyên liệu Giày da 154,98 triệu USD, đạt 119,22% kế hoạch, tăng 52,58%.

[11] Trong đó: Trong tỉnh 1.015 lượt người; ngoài tỉnh 735 lượt người, xuất khẩu lao động 55 người

[12] Trong đó: Trong tỉnh 17.103 lượt người; ngoài tỉnh 15.099 lượt người, xuất khẩu lao động 450 người.

[13] Trong đó: Sơ cấp & dạy nghề thường xuyên 16.146 người; trung cấp nghề 3.141 người; cao đẳng nghề 1.429 người.

[14] Trong đó có 106 cas nhập cảnh và 41.764 cas nhiễm trong tỉnh.

[15] cao nhất là TP. Phú Quốc 08 cas, huyện Châu thành 06 cas, TP. Rạch Giá 06 cas, huyện Vĩnh Thuận 03 cas.

 

Số lần đọc: 625
Cục Thống kê Kiên Giang
Tin liên quan