Tin nóng
27.08.2018

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp

* Vụ Hè thu (kể cả Xuân hè): Tính đến nay, toàn tỉnh xuống giống được 304.629 ha, đạt 108,80% so với kế hoạch, tăng 0,55% so với cùng kỳ. tập trung ở các huyện: Vĩnh Thuận 5.916 ha, U Minh Thượng 11.318 ha, An Biên 8.849 ha, An Minh 100 ha, Giang Thành 42.225 ha, Tân Hiệp 36.655 ha, Hòn Đất 79.213 ha, Rạch Giá 5.536 ha, ChâuThành 19.403 ha, Giồng Riềng 46.857 ha, Gò Quao 26.557 ha và Kiên Lương 22.000 ha . Đến nay diện tích đã thu hoạch được 121.496 ha, năng suất ước đạt 5,12 tấn/ha.

Diện tích bị nhiễm sâu bệnh trên lúa Hè thu là 59.139 ha, các đối tượng gây hại chủ yếu gồm bệnh Vàng lùn – lùn xoắn lá 2.562 ha, lem lép hạt 11.698 ha, cháy bìa lá 7.329 ha, bệnh sâu cuốn lá 11.553 ha, bệnh Đạo ôn lá 7.743 ha, Rầy nâu 17.501 ha …

Hiện nay đang vào mùa mưa bão, thời tiết diễn biến thất thường ảnh hưởng đến thời kỳ sinh trưởng của cây lúa và sâu bệnh phát sinh. Đồng thời mưa nhiều làm lúa bị ngã đổ, ảnh hưởng đến chất lượng lúa cũng như tiến độ thu hoạch, giá lúa giảm nhiều mà lại còn khó bán, gây không ít khó khăn cho nông dân. Vì vậy, các ngành chức năng cần tăng cường chỉ đạo các huyện, thị và các cơ quan chuyên môn có biện pháp hướng dẫn nông dân thu hoạch, bảo quản lúa cũng như có biện pháp phòng, trị bệnh hữu hiệu nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

* Vụ Thu Đông (vụ 3): Sau khi thu hoạch xong vụ hè thu các địa phương tiến hành gieo trồng lúa Thu đông, đến nay đã xuống giống được 74.452 ha, đạt 93,07% so với kế hoạch, bằng 89,20% so với cùng kỳ năm trước. Tập trung ở các huyện Giồng Riềng 31.182 ha, Tân Hiệp 30.675 ha, Châu Thành 7.510 ha, Hòn Đất 3.120 ha, Gò Quao 1.135 ha và Rạch Giá 830 ha.          

* Cây màu: Tính từ đầu năm đến nay trên toàn tỉnh, bà con nông dân đã trồng được các loại cây màu chủ yếu như: Dưa hấu 1.015 ha, giảm 10,96% so cùng kỳ; khoai lang 1.031 ha, tăng 3,41%; rau đậu các loại 7.621 ha, tăng 2,42% so cùng kỳ năm trước...

* Chăn nuôi: Theo kết quả điều tra chăn nuôi  01/07/2018 vừa qua, đàn trâu có 4.641 con, giảm 5,38% (giảm 264 con) so cùng kỳ, đàn bò có 11.650 con, tăng 0,66% (tăng 76 con) so cùng kỳ. Đàn heo hiện có 308.837 con giảm 3,46% (giảm 11.083 con) so cùng kỳ. Đàn gia cầm cũng đã có sự phát triển ổn định tăng trở lại với số lượng tổng đàn trên 5,393 triệu con, tăng 0,71% so với năm trước.Tình hình chăn nuôi gia súc gia cầm trong tỉnh không có biến động lớn. Đàn heo, giảm nhẹ so với cùng kỳ, hiện nay giá heo hơi đang trên đà tăng cao (46.000- 48.500 đ/kg), dự báo đàn heo trong thời gian tới sẽ tăng trở lại. Công tác phòng trừ dịch bệnh thực hiện tốt, nên từ đầu năm đến nay chưa phát hiện ổ dịch lớn nào xảy ra trên địa bàn.

b. Lâm nghiệp

Tình hình chăm sóc và bảo vệ rừng được thực hiện thường xuyên, ngành Kiểm lâm phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền giáo dục,vận động nhân dân bảo vệ rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, trang bị đầy đủ các trang thiết bị sẳn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra. Do thời tiết tháng 8 vào mùa mưa nhiều nên không  xảy ra  vụ cháy rừng nào, tuy nhiên trong tháng còn xảy ra 3 vụ vi phạm chặt phá lấn chiếm đất rừng ở huyện Phú Quốc, Hà Tiên với diện tích khoảng 0,254 ha. Tính chung từ đầu năm đã xảy ra 24 vụ phá rừng với diện tích khoảng 2,723 ha.

c. Thủy sản

Giá trị sản xuất thủy sản (theo giá so sánh 2010): Tháng Tám ước đạt 3.114,02 tỷ đồng, giảm 2,54% so với tháng trước, tăng 11,74% so với cùng kỳ năm trước. Gồm: Giá trị khai thác 1.331,0 tỷ đồng, tăng 1,03% so tháng trước, tăng 6,35% so cùng kỳ. Giá trị nuôi trồng 1.783,01 tỷ đồng, giảm 5,04% so tháng trước, tăng 16,13% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng giá trị sản xuất thuỷ sản ước tính 19.433,13 tỷ đồng, đạt 66,03% kế hoạch năm, tăng 12,31% so cùng kỳ. Gồm: khai thác 10.192,21 tỷ đồng, đạt 64,79% kế hoạch, tăng 8,40% so cùng kỳ; nuôi trồng 9.240,93 tỷ đồng, đạt 67,45% kế hoạch, tăng 16,95% so cùng kỳ năm trước.

Tổng sản lượng thủy sản (khai thác và nuôi trồng): Tháng Tám ước thực hiện 80.294 tấn, tăng 0,68 % so tháng trước, tăng 6,15% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng  530.586 tấn, đạt 67,68% kế hoạch năm, tăng 7,05% so cùng kỳ. Chia ra

Sản lượng khai thác: Tháng Tám ước đạt 50.186 tấn thủy sản các loại, tăng 0,59% so tháng trước. Trong đó: cá các loại 37.276 tấn, tăng 0,56% (tăng 207 tấn); tôm 3.156 tấn, tăng 1,48% (tăng 46 tấn); mực 6.214 tấn, tăng 1,12% (tăng 69 tấn)...

Tính chung 8 tháng sản lượng khai thác ước tính 387.034 tấn, đạt 69,86% kế hoạch năm, tăng 6,65% so cùng kỳ năm trước (tăng 24.133 tấn), trong đó: cá các loại 288.365 tấn, tăng 8,95% (tăng 23.683 tấn); tôm 23.925 tấn, tăng 0,28% (tăng 66 tấn); mực 47.847 tấn, tăng 3,98% (tăng 1.830 tấn)...

Sản lượng nuôi trồng: Tháng Tám ước đạt 30.108 tấn thủy sản các loại, tăng 0,83%  so tháng trước (tăng 248 tấn), tăng 4,34% so cùng kỳ. Trong đó, cá các loại 8.154 tấn, tăng 33,45% so tháng trước, giảm 10,61% so tháng cùng kỳ; tôm các loại 10.778 tấn, tăng 2,51%, tăng 22,19% so cùng kỳ. Trong đó: tôm thẻ chân trắng 3.154 tấn, tăng 7,28 % (tăng 214 tấn); tôm sú 6.691 tấn, giảm 5,68% (giảm 403 tấn); thủy sản khác như sò các loại 4.304 tấn, tăng 376 tấn; cua 1.992 tấn, giảm 1.355 tấn...

Tính chung 8 tháng sản lượng nuôi trồng ước được 143.552 tấn, đạt 62,41% kế hoạch, tăng 8,13% (tăng 10.797 tấn) so cùng kỳ, trong đó: Cá nuôi các loại 37.150 tấn, giảm 4,09% (giảm 1.585 tấn); tôm các loại 54.432 tấn, đạt 78,89% kế hoạch, tăng 27,35% (tăng 11.691tấn), trong đó tôm sú được 32.513tấn, tăng 16,12% (tăng 4.514 tấn); tôm thẻ chân trắng 16.045 tấn, tăng 66,77% ( tăng 6.424 tấn); Các loại thủy sản khác như sò nuôi 23.317 tấn, tăng 585 tấn; cua 11.769 tấn, tăng 1.640 tấn.

Tính đến nay, diện tích thủy sản thả nuôi lũy kế được 153.492 ha, tăng 2,41% so cùng kỳ năm trước. Trong đó diện tích thả nuôi tôm là 121.683 ha, riêng nuôi tôm công nghiệp 2.218 ha (Hà Tiên 349 ha, Kiên Lương 1.261 ha, Giang Thành 212 ha, Hòn Đất 348 ha…).

2. Công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp: Tháng Tám, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 4,36% so tháng trước, tăng 13,32% so cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, ngành tăng cao nhất là ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 7,21%; kế đến là ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước đá tăng 5,30%; ngành khai khoáng tăng 4,87%; ngành chế biến, chế tạo tăng 4,22%, trong đó: ngành chế biến, bảo quản thủy sản tăng 7,25%, ngành sản xuất xi măng tăng 3,46%...

Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 8,91% so cùng kỳ năm trước, ngành tăng cao nhất là ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 11,31%; Kế đến là ngành chế biến, chế tạo tăng 9,09%, trong đó: ngành sản xuất xi măng tăng 13,74%, ngành chế biến, bảo quản thủy sản tăng 11,96%; Ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước đá tăng 6,57%; Ngành khai khoáng tăng 5,86%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): Tháng Tám, ước tính 3.822,97 tỷ đồng, tăng 4,74% so tháng trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3.698,16 tỷ đồng, tăng 4,73%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí 54,71 tỷ đồng, tăng 5,58%; ngành khai khoáng đạt 54,65 tỷ đồng, tăng 3,65%.

Tính chung 8 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp ước tính đạt 27.462,16 tỷ đồng, đạt 60,17% kế hoạch năm, tăng 10,35% so cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 26.535,38 tỷ đồng, chiếm 96,63%/Tổng giá trị sản xuất toàn ngành, tăng 10,35%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước 445,92 tỷ đồng, tăng 6,60%; ngành khai khoáng 353,37 tỷ đồng, tăng 5,86%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải 127,48 tỷ đồng, tăng 11,35% so cùng kỳ.

Một số sản phẩm công nghiệp 8 tháng đầu năm có mức tăng khá cao so cùng kỳ năm trước như: xi măng địa phương 993,26 ngàn tấn, tăng 15,25%; xi măng Trung ương 1.151,94 ngàn tấn, tăng 20,93%; tôm đông 2.479 tấn, tăng 9,45%; cá đông 2.412 tấn, tăng 11,10%; Gạch không nung 4.158 ngàn viên, tăng 13,30%; Bia các loại 68.010 ngàn lít, tăng 35,56%; sản phẩm giày da 8.289 ngàn đôi, tăng 2,51 lần so cùng kỳ...

Chỉ số tiêu thụ  Toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 8 chỉ bằng 87,98% tháng trước. Trong đó, ngành sản xuất chế biến thực phẩm bằng 87,71%, ngành sản xuất đồ uống tăng 5,38%; ngành sản xuất trang phục bằng 97,63%; ngành sản xuất xi măng bằng 95,23%... Tính chung 8 tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành  tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành sản xuất đồ uống tăng 44,84%; ngành sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng tăng 12,15%...còn lại các ngành khác tăng nhẹ. Riêng ngành chế biến thực phẩm chỉ bằng 95,06% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tồn kho Toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 8 tăng 24,25% so với tháng trước, tăng 29,26% so với cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng nhiều so với năm trước như: Mực đông lạnh tăng  63,78%, chế biến và bảo quản thủy sản tăng 41,85%; ngành sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng tăng 2,74 lần... Từ những chỉ số trên cho thấy, những tháng gần đây các doanh nghiệp sản xuất xi măng, chế biến các mặt hàng thủy sản vẫn còn gặp không ít khó khăn trong khâu tiêu thụ nên lượng tồn kho khá nhiều.

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2018 tăng 47,23% so với cùng thời điểm này năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 1,97%; doanh nghiệp ngoài NN tăng 74,44%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,54%.

3. Vốn đầu tư

Vốn đầu tư ước thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý (theo số giải ngân Kho bạc đến 15/8/2018) tháng Tám ước tính 224,66 tỷ đồng, so tháng trước chỉ bằng 69,11%. Bao gồm: Vốn cân đối ngân sách địa phương 134,28 tỷ đồng, giảm 19,48%; vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương 57,39 tỷ đồng, giảm 42,27%; vốn ngoài nước (ODA) 3,28 tỷ đồng, chỉ bằng 35,51% so tháng trước.

Tính chung 8 tháng (đến 15/8/2018) vốn đầu tư ước thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước 1.986,91 tỷ đồng, đạt 35,03% kế hoạch năm, bằng 84,08% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Vốn cân đối ngân sách địa phương 994,32 tỷ đồng, đạt 47,89% kế hoạch, bằng 84,64% so cùng kỳ; vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương 516,53 tỷ đồng, đạt 52,24% kế hoạch, tăng 76,60%; vốn ngoài nước ODA 32,05 tỷ đồng, đạt 13,18% kế hoạch, bằng 35,77% so cùng kỳ.

4. Thu, chi ngân sách

Tổng thu ngân sách trên địa bàn: Tháng Tám ước tính thu ngân sách 581,33 tỷ đồng, bằng 88,47% tháng trước, tăng 5,10% so cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách 8 tháng  được 6.978,81 tỷ đồng, đạt 75,56% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 19,93% so cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa 6.561,93 tỷ đồng, đạt 72,11% dự toán, tăng 14,60% so cùng kỳ, chiếm 94,03%/ trong tổng thu ngân sách của tỉnh.  Một số khoản thu đạt dự toán khá cao như: Thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước 642,68 tỷ đồng, đạt 214,23% dự toán, tăng 3,66 lần so cùng kỳ; Thu thuế xuất nhập khẩu 416,88 tỷ đồng, đạt 306,53% dự toán, tăng 4,49 lần so cùng kỳ; Thu phí trước bạ 337,28 tỷ đồng,  đạt 88,76% dự toán, tăng 56,93% so cùng kỳ. Tuy nhiên, vẫn còn một số khoản thu còn đạt thấp như: thu từ doanh nghiệp NN địa phương chỉ đạt 56,23% dự toán, giảm 10,15% so cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp NN TW đạt 62,55% dự toán, giảm 1,11% so cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất đạt 65,01% dự toán, giảm 37,44% so cùng kỳ…

Tổng chi ngân sách địa phương: Tháng Tám ước tính chi 1.624,36 tỷ đồng, tăng 63,54% so tháng trước, tăng 56,17% so cùng kỳ. Tính từ đầu năm tổng chi ngân sách  là 7.778,97 tỷ đồng, đạt 54,29% dự toán năm, tăng 10,61% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: chi thường xuyên 4.965,15 tỷ đồng, đạt 60,06% dự toán năm, tăng 5,26% so cùng kỳ; chi đầu tư phát triển 2.813,81 tỷ đồng, đạt 50,07% dự toán năm, tăng 21,50% so với cùng kỳ.

5. Ngân hàng

Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong tháng ổn định, tình hình huy động vốn tăng nhẹ, hoạt động tín dụng tăng khá. Ước đến 31/8/2018, một số chỉ tiêu hoạt động ngân hàng trên địa bàn cụ thể như sau:

Tổng nguồn vốn hoạt động trong tháng tiếp tục tăng, đạt 81.500 tỷ đồng, tăng 1,24% so với tháng trước, tăng 13,81% so với đầu năm. Trong đó: vốn huy động tại địa phương đạt 48.800 tỷ đồng, tăng 0,23% so với tháng trước, tăng 12,36% so đầu năm, chiếm 59,88% tổng nguồn vốn hoạt động.

Hoạt động tín dụng tiếp tục tăng trưởng khá. Ước doanh số cho vay trong tháng 8/2018 đạt 12.500 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đến 31/8/2018 ước đạt 63.600 tỷ đồng, tăng 1,51% so với tháng trước, tăng 12,35% so với đầu năm.

Các TCTD tiếp tục thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng an toàn, phù hợp; kết hợp đẩy mạnh triển khai thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu, thu hồi nợ rủi ro đang theo dõi ngoại bảng. Nợ xấu tiếp tục duy trì tỷ lệ an toàn. Đến 31/8/2018, Tổng nợ xấu 550 tỷ đồng, chiếm 0,86%/tổng dư nợ. Nợ tổn thất (nợ đã xử lý bằng dự phòng rủi ro và đang theo dõi ngoại bảng) 500 tỷ đồng.

Dư nợ cho vay các chương trình tín dụng theo chỉ đạo tiếp tục tăng. Doanh số và dư nợ cho vay đến 31/7/2018 và ước đến 31/8/2018 của một số lĩnh vực cụ thể như sau:

- Cho vay nông nghiệp nông thôn: Doanh số cho vay tháng 7/2018 đạt 4.340 tỷ đồng, doanh số cho vay luỹ kế từ đầu năm 28.662 tỷ đồng; dư nợ đạt 32.503 tỷ đồng, tăng 0,03% so với tháng trước, tăng 11,48% so với đầu năm; chiếm 51,88% tổng dư nợ. Trong đó: Dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đạt 21.536 tỷ đồng; Dư nợ cho vay chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp theo Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ 338 tỷ đồng, giảm 1,46% so với tháng trước, tăng 0,30% so với đầu năm; Cho vay Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt 752 tỷ đồng. Uớc đến 31/8/2018, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 33.000 tỷ đồng, tăng 1,53% so với tháng trước, tăng 13,19% so với đầu năm.

- Cho vay xuất khẩu trên địa bàn trong tháng 7/2018 giảm. Mức giảm này chủ yếu do hoạt động cho vay xuất khẩu ở lĩnh vực thủy sản giảm. Doanh số cho vay xuất khẩu tháng 7/2018 đạt 921 tỷ đồng, luỹ kế từ đầu năm đạt 8.355 tỷ đồng; dư nợ 5.147 tỷ đồng, giảm 0,54% so với tháng trước, nhưng tăng 17,59% so với đầu năm. Cụ thể: Doanh số cho vay xuất khẩu gạo tháng 7/2018 đạt 349 tỷ đồng, luỹ kế từ đầu năm đạt 2.300 tỷ đồng; dư nợ 789 tỷ đồng, tăng 2,87% so với tháng trước, tăng 27,68% so với đầu năm; Doanh số cho vay xuất khẩu thủy sản tháng 7/2018 đạt 572 tỷ đồng, luỹ kế từ đầu năm đạt 6.055 tỷ đồng; dư nợ 4.358 tỷ đồng, giảm 1,15% so với tháng trước, nhưng tăng 15,93% so với đầu năm. Ước đến 31/8/2018, dư nợ cho vay xuất nhập khẩu đạt 5.300 tỷ đồng, tăng 2,97% so với tháng trước và tăng 21,09% so với đầu năm.

- Cho vay phát triển thuỷ sản theo Nghị định 67: Đến thời điểm báo cáo, các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai thực hiện giải ngân các hợp đồng đã ký trước thời điểm 31/12/2017, đồng thời giám sát việc sử dụng vốn vay, thu nợ theo cam kết. Đến 31/7/2018, dư nợ còn 294,55 tỷ đồng (tổng số tiền giải ngân lũy kế từ đầu chương trình đạt 325,50 tỷ đồng) và có 47/48 tàu đã hạ thủy.

Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh tiếp tục thực hiện giải ngân cho vay đối với các chương trình tín dụng chính sách xã hội trọng điểm. Ước đến 31/8/2018, dư nợ cho vay của Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh đạt 2.981 tỷ đồng, tăng 0,34% so với tháng trước, tăng 6,39% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 4,69%/tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn. Nợ xấu 108 tỷ đồng (trong đó nợ khoanh là 38 tỷ đồng), tỷ lệ nợ xấu là 3,62%.

6. Thương mại - dịch vụ

a. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tháng Tám đạt 7.861,93 tỷ đồng, tăng 2,24% so tháng trước, tăng 7,11% so cùng tháng năm trước. Tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính 61.770,54 tỷ đồng, đạt 64,68% kế hoạch, tăng 9,53% so cùng kỳ. Trong đó:

* Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Tháng Tám ước tính 5.582,15 tỷ đồng,  tăng 2,58% so tháng trước, tăng 7,40% so cùng kỳ.  Tính chung 8 tháng 45.186,81 tỷ đồng, đạt 63,38% kế hoạch, tăng 9,24% so cùng kỳ.

* Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống: Tháng Tám ước tính 1.193,82 tỷ đồng, tăng 1,55% so tháng trước. Tính chung 8 tháng đạt 8.582,56 tỷ đồng, đạt 69,16% so kế hoạch, tăng 8,90% so cùng kỳ năm trước. Chia ra:

Doanh thu dịch vụ lưu trú: Tháng Tám ước tính 330,4 tỷ đồng,  tăng 2,18% so tháng trước, tăng 15,15% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng ước đạt 2.421,04 tỷ đồng, tăng 16,02% so cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ ăn uống: Thực hiện tháng Tám ước đạt 863,41 tỷ đồng, tăng 1,32% so tháng trước, tăng 2,74% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đạt 6.161,51 tỷ đồng, tăng 6,34% so cùng kỳ năm trước.

* Doanh thu du lịch lữ hành: Tháng Tám ước tính 38,31 tỷ đồng, bằng 80,34% so tháng trước, tăng 21,51% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng được 242,42 tỷ đồng, đạt 83,59% so kế hoạch, tăng 50,81% so cùng kỳ năm trước.

* Doanh thu dịch vụ khác: Tháng Tám ước đạt 1.047,64 tỷ đồng, tăng 2,27% so với tháng trước. Một số nhóm doanh thu dịch vụ tăng nhẹ như: dịch vụ kinh doanh bất động sản 432,66 đồng, chiếm 41,30%/Tổng doanh thu, tăng 1,72%; dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 2,69%; dịch vụ vui chơi, giải trí tăng 3,97%...

Tính chung 8 tháng doanh thu các hoạt động dịch vụ ước thực hiện 7.758,74 tỷ đồng, đạt 67,47% so kế hoạch, tăng 10,99% so cùng kỳ năm trước. Đa số các hoạt động dịch vụ doanh thu đều tăng khá cao như: nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản ước đạt 3.271,14 tỷ đồng, chiếm 42,16%/Tổng doanh thu, tăng 6,03%;  nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 16,59%;  nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 16,93%...

b. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu: Tháng Tám dự tính đạt 43,34 triệu USD, bằng 79,74% so với tháng trước, giảm 27,49% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Hàng nông sản 10,35 triệu USD, bằng 42,75% so tháng trước; hàng thủy sản 14,45 triệu USD, tăng 16,60%; hàng hóa khác 18,54 triệu USD, tăng 4,48%.

Tính chung 8 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 368,78 triệu USD, đạt 70,92% kế hoạch năm, tăng 22,69% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: Hàng nông sản 149,10 triệu USD, đạt 78,48% kế hoạch, tăng 25,81% so cùng kỳ; hàng thủy sản 107,85 triệu USD, đạt 51,36% kế hoạch, giảm 12,22% so cùng kỳ; hàng hóa khác là 111,82 triệu USD, đạt 93,19% kế hoạch, tăng 88,94 so cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu: Tháng Tám ước tính đạt 5.957 ngàn USD, tăng 16,46% so tháng trước. Tính chung 8 tháng được 45,61 triệu USD, đạt 91,22% kế hoạch năm, giảm 2,90% so cùng kỳ năm 2017.

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dùng cho sản xuất gồm: thạch cao, giấy Kratp, hạt nhựa và sắt làm lưỡi câu mực, trục xoay câu mực...

c. Chỉ số giá tiêu dùng

 Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 08 năm 2018 tăng 0,11% so với tháng trước; tăng 3,68% so cùng tháng năm trước; tăng 3,17% so với tháng 12 năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 4 nhóm hàng tăng so với tháng trước đó là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,24%; nhóm giáo dục tăng 0,24%; nhóm giao thông tăng 0,11%; nhóm hàng Nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,09%. Riêng nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,18%. Còn lại các nhóm hàng khác tăng không đáng kể hoặc không thay đổi so với tháng trước.

Chỉ số giá vàng: Giảm so với tháng trước (-1,71%), so với cùng tháng năm trước giảm (-0,99%) và tăng (+5,40%) so với bình quân cùng kỳ. Giá vàng bình quân tháng 08/2018 là 3.443.000 đồng/chỉ, giảm 60.000 đồng/chỉ so với tháng trước.

Chỉ số giá Đô la Mỹ: Tăng so với tháng trước (+1,28%), so với cùng tháng năm trước tăng (+3,41%). Giá USD bình quân tháng 08/2018 là 23.543 đồng/1 USD, tăng 193 đồng/1 USD so với tháng trước.

d. Vận tải

Vận tải hành khách: Tháng Tám ước đạt 7 triệu lượt khách, giảm 1,95% so tháng trước; luân chuyển 425,14 triệu HK.km, giảm 1,92% so tháng trước. Tính chung 8 tháng vận tải hành khách ước tính 53,66 triệu lượt khách, đạt 64,13% kế hoạch, tăng 7,46% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 3.509,14 triệu HK.km, đạt 71,74% kế hoạch, tăng 8,77% so cùng kỳ. Bao gồm: Vận tải hành khách đường bộ 43,75 triệu lượt khách, tăng 8,49% so cùng kỳ, luân chuyển 2.840,22 triệu lượt khách.km, tăng 9,90% so cùng kỳ; Vận tải hành khách đường sông 8,36 triệu lượt khách, tăng 2,25%, luân chuyển 504,22 triệu lượt khách.km, tăng 3,05%; Vận tải hành khách đường biển 1,54 triệu lượt khách, tăng 8,36%, luân chuyển 164,7 triệu lượt khách.km, tăng 7,86% so cùng kỳ.

Vận tải hàng hóa: Tháng Tám ước đạt 907 ngàn tấn, giảm 0,77% so tháng trước; luân chuyển 124,17 triệu tấn.km, giảm 0,79% so tháng trước. Tính chung 8 tháng vận tải hàng hóa ước tính 7,37 triệu tấn, đạt 62,72% kế hoạch năm, tăng 5,51% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 992,54 triệu tấn.km, đạt 62,20% kế hoạch, tăng 5,41% so cùng kỳ. Bao gồm: Vận tải hàng hóa đường bộ 2,31 triệu tấn, tăng 6,39% so cùng kỳ, luân chuyển 321,60 triệu tấn.km, tăng 6,77%; Vận tải hàng hóa đường sông 2,93 triệu tấn, tăng 3,46%, luân chuyển 367,80 triệu tấn.km, tăng 3,54% so với cùng kỳ; Vận tải hàng hóa đường biển 2,12 triệu tấn, tăng 7,47%, luân chuyển 303,14 triệu tấn.km, tăng 6,30% so cùng kỳ.

e. Du lịch

Tổng lượt khách du lịch tháng Tám ước đạt 776,50 ngàn lượt khách, giảm 4,45% so tháng trước, trong đó: Số lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch, đạt 345,02 ngàn lượt khách, giảm 4,67% so với tháng trước; số khách quốc tế 47,20 ngàn lượt khách, giảm 4,06%. Khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch bao gồm: Số lượt khách từ cơ sở lưu trú du lịch phục vụ 325,19 ngàn lượt khách, giảm 3,89% so tháng trước và số lượt khách du lịch đi theo tour 19,83 ngàn lượt khách, giảm 15,76% so tháng trước.

Tính từ đầu năm, tổng lượt khách du lịch ước tính đạt 5.531,48 ngàn lượt khách, đạt 77,91% kế hoạch năm, tăng 22,78% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch 2.363,01 ngàn lượt khách, tăng 23,67% so cùng kỳ. Số khách quốc tế 412,80 ngàn lượt khách, tăng 62,32% so với cùng kỳ. Khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch bao gồm: khách cơ sở lưu trú du lịch phục vụ 2.232,95 ngàn lượt khách, tăng 23,38% và khách du lịch đi theo tour đạt 130,06 ngàn lượt khách, tăng 28,89% so cùng kỳ.

7. Một số tình hình xã hội

7.1. Lao động, việc làm: Tháng Tám toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 2.546 lượt lao động, trong đó: trong tỉnh 1.053 lượt lao động, ngoài tỉnh 1.489 lượt lao động, xuất khẩu 04 lao động; Tính chung đầu năm đến nay là 25.455 lượt lao động, đạt 72,73% so kế hoạch (trong tỉnh 11.717 lượt lao động; ngoài tỉnh 13.636 lượt lao động; xuất khẩu 102 lao động). Cấp 29 Giấy phép lao động, trong đó: cấp mới 16, cấp lại 04, xác nhận lại 09. Tính chung từ đầu năm cấp mới 91, cấp lại 22, xác nhận lại 41 giấy phép.

Công tác đào tạo nghề: Trong tháng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo được 2.606 người, nâng tổng số lao động được đào tạo lên 15.626 người đạt 62.50% so kế hoạch, trong đó Cao đẳng 279 người, Trung cấp 353, Sơ cấp 10.225 người và dạy nghề thường xuyên 4.769 người.

7.2. Tình hình giáo dục:

Giáo dục Mầm non: Tổ chức hội nghị tổng kết Ngành học mầm non năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019. Đồng thời triển khai bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non  năm học 2018-2019; Tổng hợp các đơn vị đăng ký kế hoạch công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đánh giá ngoài kiểm định chất lượng giáo dục năm học 2018 -2019.

Giáo dục tiểu học: Kiểm tra chuyên đề quản lí giáo dục tiểu học hè 2018 trên địa bàn 3 huyện. Chỉ đạo công tác tuyển sinh cấp tiểu học đầu năm học; Xây dựng “Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ 2018-2019 cấp tiểu học” và tổ chức Hội nghị Hiệu trưởng đầu năm. Tổ chức hội nghị sơ kết và báo cáo đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Thông tư 22/2016/TTBGDĐT về đánh giá HS tiểu học.

Giáo dục trung học: Phối hợp với Dự án THPT 2 tổ chức tập huấn cho 260 CBQL, giáo viên về giáo dục kỹ năng sống, giáo dục môi trường và các vấn đề xã hội trong trường trung học. Tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2018-2019 đối với giáo dục THPT và giáo dục THCS. Tổng hợp và báo cáo công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2018-2019. Tổ chức kiểm tra cơ sở vật chất và cấp giấy phép dạy thêm học thêm trong và ngoài nhà trường.

Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục: Báo cáo kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông chính thức và gửi dữ liệu về Bộ GDĐT, hoàn thành hồ sơ thi THPT năm học 2017-2018 đưa vào lưu trữ. Phối hợp tổ chức tư vấn tuyển sinh cho các đơn vị, học sinh sau khi có kết quả thi THPT quốc gia. Hướng dẫn tổ chức kỳ thi chọn đội tuyển tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT và kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh giải toán trên máy tính cầm tay lớp 9, lớp 12.

7.3. Tình hình văn hóa, nghệ thuật, thể thao: Trong tháng đã tập trung tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phục vụ nhiệm vụ chính trị như kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2018) và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2018), 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2018), 73 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945 - 28/8/2018)...

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa: Trong tháng, Bảo tàng tỉnh đã phục vụ 469 lượt khách đến tham quan, trong đó có 26 lượt khách nước ngoài; phối hợp Bảo tàng thành phố Cần Thơ chuẩn bị trưng bày hình ảnh, hiện vật chuyên đề “Cách mạng Tháng Tám và Nam Bộ kháng chiến”“Báu vật khảo cổ học Tây Nam Bộ” (từ ngày 22/8 đến ngày 15/12/2018); hoàn chỉnh lý lịch của 21 hiện vật tiền cổ từ nguồn tặng cho; đo đạc khảo tả nhóm hiện vật gốm Hòn Dầm.

Ban Quản lý di tích tỉnh tiếp tục thực hiện công tác lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Ok-Om-Bok; bàn giao mặt bằng khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa cho Viện Nghiên cứu Kinh thành chuẩn bị công tác khai quật; sưu tầm tư liệu bổ sung lý lịch di tích đình thần Thành Hoàng, thị xã Hà Tiên, đề nghị Cục Di sản văn hóa xin thỏa thuận xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Thể dục thể thao quần chúng: Tổ chức thi đấu Giải Cầu lông trong khuôn khổ Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Kiên Giang, lần thứ VIII năm 2018 với 120 vận động viên đến từ 15 đơn vị thuộc các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố, thu hút hơn 2.000 lượt người đến xem và cổ vũ. Đã tổ chức thành công 18/18 môn thể thao trong khuôn khổ Đại hội; kết quả: Đối với Khối các huyện, thị xã, thành phố: Rạch Giá hạng nhất (25 HCV, 24 HCB và 22 HCĐ), Gò Quao hạng nhì (24 HCV, 14 HCB và 08 HCĐ), Châu Thành hạng ba (23 HCV, 22 HCB và 24 HCĐ); đối với Khối các cơ quan, doanh nghiệp: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hạng nhất (01 HCV và 01 HCB), Công an tỉnh hạng nhì (09 HCB và 05 HCĐ).

Thể thao thành tích cao: Các đội tuyển duy trì tập luyện thường xuyên theo kế hoạch, bổ sung 18 vận động viên đội tuyển các môn thể thao tập trung tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ. Thành lập đội tuyển Thể hình - Fitness tham dự Đại hội Thể thao toàn quốc tại Hà Nội. Phối hợp tổ chức đón và đưa Đoàn đua Giải đua xe đạp Đồng bằng sông Cửu Long tranh cúp Gạo Hạt Ngọc Trời lần thứ 27 năm 2018 (chặng 8, 9); thu hút 50.000 lượt người xem và cổ vũ. Đồng thời tham dự các giải như giải Điền kinh quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng và Giải Vô địch Điền kinh trẻ quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh; Giải Vô địch Thể hình nam trẻ, nam cổ điển và nữ Fitness tại Cà Mau; Giải Vô địch dưỡng sinh toàn quốc và Gala tại Hà Nội; kết quả đạt 03 huy chương đồng.

7.4. Tình hình y tế

Trong tháng, các cơ sở y tế trong tỉnh đã khám, điều trị bệnh cho 424.338 lượt người; điều trị nội trú 21.481 bệnh nhân; công suất sử dụng giường bệnh chung là 86,16%; Tỷ lệ khỏi bệnh 89,13%, tỷ lệ tử vong 0,11%.

Số lượt khám chữa bệnh bằng Y Học Cổ truyền hoặc kết hợp YH hiện đại và YHCT là 58.194 lượt, chiếm 15,01 %/ tổng số lượt khám chữa bệnh trong tháng.

Tình hình dịch bệnh trong tháng (từ ngày 16/07/2018 – 15/08/2018)

Bệnh Sốt xuất huyết: Toàn tỉnh ghi nhận có 133 cas mắc, giảm 48 cas so với tháng trước. Tích lũy từ đầu năm đến nay có 955 cas mắc, không có tử vong; so với cùng kỳ năm 2017 tăng 68 cas.

Bệnh Tay Chân Miệng: Toàn tỉnh  có 72 cas mắc, tăng 28 cas so với tháng trước. Tích lũy số mắc từ đầu năm đến nay là 329 cas mắc, không có tử vong; so với cùng kỳ giảm 432 cas.

Các bệnh truyền nhiễm khác: Bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm cụ thể số cas mắc trong tháng/lũy kế từ đầu năm như sau: Tả (0/0), Thương hàn (16/55), Viêm não virus (2/12), Viêm màng não do NMC (0/0), Cúm A H5N1 (0/0), Sởi (0/0). Trong tháng ghi nhận có 01 cas viêm nảo Nhật bản B tử vong ở huyện U Minh Thượng. 

Chương trình phòng chống HIV/AIDS: Trong tháng thực hiện xét nghiệm 6.375 mẫu máu, phát hiện mới 19 cas HIV dương tính, tính chung 8 tháng đã phát hiện mới 100 cas HIV dương tính. Điều trị ARV cho 26 bệnh nhân HIV/AIDS, trong đó có 02 trẻ em dưới 15 tuổi. Tích lũy số bệnh nhân điều trị ARV là 1.620 người, trong đó có 100 trẻ dưới 15 tuổi. Tính đến thời điểm báo cáo, số người còn sống ở địa phương nhiễm HIV là 2.603 người, đang trong giai đoạn AIDS là 1.708 người.

Số người điều trị Methadone mới trong tháng là 05 người, lũy kế có 113 người đang điều trị.

Phòng, chống các bệnh xã hội và bệnh nguy hiểm cho cộng đồng

Trong tháng không phát hiện BN phong, phát hiện mới 218 BN lao, 08 BN tâm thần phân liệt và 24 BN động kinh. Lũy kế từ đầu năm phát hiện 03 BN phong, 1.674 BN lao, 37 BN tâm thần phân liệt và 53 BN động kinh. Số quản lý đến nay là 407 BN phong, 4.356 BN lao, 2.177 BN tâm thần phân liệt và 2.728 BN động kinh.

Điều trị khỏi bệnh 207 BN lao, lũy kế số điều trị khỏi bệnh lao là 1.571 người.

Công tác vệ sinh An toàn thực phẩm: Thẩm định, cấp 29 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, ký 34 bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. Thực hiện thanh tra, kiểm tra 1.119 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó có 203 lượt cơ sở chưa đảm bảo VSATTP, qua đó đã nhắc nhở và hướng dẫn thêm cho các cơ sở hoàn thành tốt việc đảm bảo VSATTT tại cơ sở.

Trong tháng không có vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nào xảy ra, có 15 cas ngộ độc thực phẩm mắc lẻ (do thực phẩm biến chất).

7.5. Tình hình an toàn giao thông: Tính từ ngày 16/7/2018 đến 15/8/2018 trên toàn tỉnh xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông, làm 04 người chết, 09 người bị thương. Trong đó: Số vụ TNGT nghiêm trọng 07 vụ, làm 04 người chết, 06 người bị thương. So với tháng trước số vụ TNGT giảm 04 vụ, số người chết giảm 05 người, số người bị thương tăng 01 người.

Tính từ đầu năm, xảy ra 133 vụ tai nạn giao thông, làm 89 người chết, 85 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, giảm 21 vụ; tăng 09 người chết và giảm 16 người bị thương, trong đó số vụ tai nạn nghiêm trọng giảm 11 vụ nhưng tăng 09 người chết. Tình hình tai nạn giao thông từ đầu năm đến nay tuy có giảm số vụ, nhưng số người chết vẫn tăng (tăng 09 người) so với cùng kỳ năm 2017, nguyên nhân  chủ yếu là do ý thức của một số người khi tham gia giao thông không tuân thủ quy định an toàn giao thông như lấn đường, sử dụng rượu bia, không chú ý quan sát…các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền kết hợp với thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường Quốc lộ nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật lệ khi tham gia giao thông của người dân hơn nữa để phòng ngừa và giảm thiểu tai nạn giao thông trong thời gian tới.

7.6. Tình hình cháy, nổ và thiên tai

Tình hình cháy nổ: Từ ngày 16/07/2018 đến 15/08/2018 toàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy, thiệt hại do cháy gây ra ước tính 80 triệu đồng, không có thiệt hại về người, nguyên nhân cháy là do chập điện. Không có vụ nổ nào xảy ra.

Tính chung từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 vụ cháy, 02 vụ nổ, làm 02 người thiệt mạng, 02 người bị thương. Thiệt hại ước tính trên 4,74 tỷ đồng.

Tình hình thiên tai: Từ ngày 16/7/2018 đến 15/08/2018, do ảnh hưởng của những đợt áp thấp và gió mùa tây nam cũng như cơn bão số 4, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra những cơn mưa lớn kèm giông, lốc xoáy trên diện rộng đã làm sập 111 căn nhà, tốc mái 127 căn nhà, trong đó trên địa bàn huyện An Minh, Vĩnh Thuận lốc làm sập 01 điểm trường mẫu giáo, tốc mái 02 phòng học trường trung học cơ sở, làm bị thương 6 người, do nhà sập đè (huyện An Biên 3 người, Vĩnh Thuận 3 người); bị chìm 4 phương tiện đánh bắt thủy sản, ước thiệt hại 3,63 tỷ đồng.

Tính chung 8 tháng, thiên tai đã làm 08 phương tiện bị chìm, 02 người chết, 07 người bị thương, sập 227 căn nhà, tốc mái 346 căn nhà và 01 trường học, ước thiệt hại về vật chất là 8,26 tỷ đồng. Ngoài ra, do giông lốc làm hư hỏng 14 lồng bè nuôi cá, 2 chiếc ghe, 2 chiếc xuồng và 01 giàn lưới đánh bắt hải sản thuộc huyện Kiên Lương và thị xã hà Tiên. Ước thiệt hại 1,2 tỷ đồng. Các cấp chính quyền đã kịp thời đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ tiền và hiện vật cho những gia đình bị nạn để bà con khắc phục khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống./.

Tải về: - Số liệu Kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2018 của tỉnh Kiên Giang.

             - Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 năm 2018 của tỉnh Kiên Giang.

Số lần đọc: 1476
Cục Thống kê Kiên Giang
Tin liên quan