Tin nóng
30.03.2021

Quý I năm năm nay, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh ta phát triển khá ổn định, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đã tăng cao hơn quý I năm 2020, sản xuất kinh doanh ở nhiều lĩnh vực đã có mức tăng trưởng khá; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, dịch bệnh được kiểm soát; an ninh chính trị, an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, diễn biến tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn ra rất phức tạp, nghiêm trọng và kéo dài như hiện nay cũng ảnh hưởng đến một số các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Ở một số ngành sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn như Khách du lịch đến địa phương giảm mạnh, nhất là khách quốc tế dẫn đến doanh thu của các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tăng trưởng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; hoạt động kinh doanh bất động sản có phần bị chựng lại; một số sản phẩm công nghiệp còn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ; một vài nguồn thu chưa đạt kế hoạch...

Cụ thể từng lĩnh vực như sau:

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)[1] quý I năm nay (giá so sánh 2010) ước tính đạt trên 13.403,3 tỷ đồng, đạt 18,34% kế hoạch năm, tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước đạt mức tăng 3,35%), nhưng vẫn thấp hơn mức tăng của quý I các năm từ 2016 - 2019[2]. Chia ra:

Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (khu vực I): Tổng giá trị tăng thêm (VA) ước tính 2.885,77 tỷ đồng, đạt 12,27% kế hoạch, giảm 3,81% so cùng kỳ, làm cho tăng trưởng chung giảm 0,89 điểm phần trăm, trong đó: Giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp 1.409,53 tỷ đồng, giảm 9,24% so cùng kỳ, làm giảm tăng trưởng chung 1,11 điểm phần trăm; ngành thủy sản ước đạt 1.442,04 tỷ đồng, tăng 2,10%, đóng góp cho tăng trưởng chung là 0,23 điểm phần trăm. Tăng trưởng khu vực I quý I so với cùng kỳ -3,81% (trong khi đó năm ngoái tăng 3,80%), trong đó nông nghiệp giảm 9,24%, chủ yếu do sản lượng lúa vụ mùa giảm 56.358 tấn (giảm 15,14%) so cùng kỳ[3]; ngành thủy sản tuy nuôi trồng có tăng khá (tăng 8,93%) nhưng khai thác vẫn còn giảm 2,32%  nên không thể bù đắp được phần sụt giảm của cây lúa và thủy sản khai thác.

Khu vực công nghiệp và xây dựng (khu vực II): Tổng giá trị tăng thêm ước tính 3.335,07 tỷ đồng, đạt 22,35% kế hoạch, tăng 7,19% so cùng kỳ, đóng góp cho tăng trưởng chung là 1,74 điểm phần trăm, trong đó lĩnh vực công nghiệp ước đạt 2.162,27 tỷ đồng, tăng 6,94% so cùng kỳ, đóng góp cho tăng trưởng chung là 1,09 điểm phần trăm; ngành xây dựng 1.172,80 tỷ đồng, tăng 7,65%, đóng góp chung cho tăng trưởng 0,65%. Ở khu vực II tốc độ tăng trưởng của quý I năm nay đã có nhiều khả quan hơn và đã tăng hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước khá nhiều (quý I năm trước tăng 2,93%).

Khu vực dịch vụ (khu vực III): Tổng giá trị tăng thêm ước thực hiện 6.813,27 tỷ đồng, đạt 21,46% kế hoạch, tăng 7,08% so cùng kỳ, đóng góp cho tăng trưởng chung 3,50 điểm phần trăm. Khu vực III quý I đã có mức tăng trưởng khá tốt và đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung. Hầu hết các ngành dịch vụ vẫn còn ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng đã đạt được mức tăng trưởng khá cao và cao hơn nhiều so với quý I năm 2020 (quý I năm 2020 tăng 3,11%).

Thuế sản phẩm: Thuế sản phẩm quý I chỉ thu được 369,196 tỷ đồng, giảm 6,77% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm tăng trưởng chung 0,21 điểm phần trăm.

2. Tài chính, ngân hàng

2.1. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tháng Ba ước tính đạt 1.242,50 tỷ đồng, tăng 23,75% so tháng trước, tăng 18,89% so cùng tháng năm trước. Tổng thu ngân sách quý I, ước tính 3.615,28 tỷ đồng, đạt 31,27% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 18,88% so cùng kỳ.[4] Một số khoản thu đạt cao so với dự toán như thu từ doanh nghiệp nhà nước TW 152,51 tỷ đồng, đạt 32,80% dự toán, tăng 55,34% so cùng kỳ;  thu phí, lệ phí 56,54 tỷ đồng, đạt 33,51% dự toán, tăng 1,39%; thu từ xổ số kiến thiết 718,72 tỷ đồng, đạt 44,64% dự toán...Tuy nhiên, còn một số khoản thu đạt thấp so với dự toán như thuế bảo vệ môi trường đạt 14,03% dự toán, bằng 63,87% so cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất đạt 23,46% dự toán, bằng 59,61% so cùng kỳ...

Tổng chi ngân sách địa phương tháng Ba ước chi 1.160,37 tỷ đồng, tăng 53,37% so với tháng trước. Tổng chi ngân sách quý I ước tính 2.584,33 tỷ đồng, bằng 16,71% dự toán năm, tăng 0,43% so với quý I năm trước. Trong đó: chi thường xuyên 2.147,61 tỷ đồng, bằng 22,02% dự toán năm, tăng 13,02%; chi đầu tư phát triển 436,72 tỷ đồng, bằng 8,40% dự toán năm và chỉ bằng 64,89% của quý I/2020.

2.2. Hoạt động Ngân hàng

Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh quý I/2021 tăng trưởng ổn định. Tổng nguồn vốn hoạt động cuối quý I đạt 106.600 tỷ đồng, tăng 1,42% so đầu năm (cùng kỳ 2020 giảm 1,16%), tăng 12,33% so cùng kỳ. Trong đó, vốn huy động tại địa phương đạt 56.200 tỷ đồng (chiếm 52,72% tổng nguồn vốn hoạt động), tăng 1,97% so đầu năm (cùng kỳ 2020 giảm 0,44%), tăng 11,79% so cùng kỳ.

Hoạt động tín dụng trong quý I tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Doanh số cho vay trong quý I ước đạt 32.100 tỷ đồng. Dư nợ cho vay ước đạt 89.400 tỷ đồng, tăng 1,63% so đầu năm (cùng kỳ 2020 tăng 0,05%) và tăng 11,34% so cùng kỳ.

Nợ xấu nội bảng ước 1.030 tỷ đồng, chiếm 1,15%/tổng dư nợ.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng trên địa bàn khá ổn định. Tỷ giá vàng và ngoại tệ diễn biến theo xu hướng chung của cả nước và thế giới. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, các ngân hàng đã thực hiện cho vay với mức lãi suất hợp lý, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ cho doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân.

3. Đầu tư và xây dựng

Thực hiện giải ngân vốn đầu tư XDCB ước thực hiện quý I/2021 đạt thấp so kế hoạch đề ra, do các tháng đầu năm chủ yếu giải ngân nguồn vốn của các công trình chuyển tiếp của năm 2020. Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tính từ đầu năm đến nay (Số giải ngân đến 15/3/2021) ước thực hiện 183,02 tỷ đồng, chỉ mới đạt 3,52% kế hoạch năm, bằng 46,06% so cùng kỳ. Trong đó: Vốn cân đối ngân sách địa phương 113,03 tỷ đồng, đạt 2,84% kế hoạch, tăng 18,84%; vốn xổ số kiến thiết được 53,55 tỷ đồng, đạt 3,33% kế hoạch, tăng 101,66% so cùng kỳ.

4. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

4.1. Nông nghiệp

Vụ Mùa (2020-2021): Diện tích gieo trồng lúa mùa được 58.395 ha[5], đạt 92,69% kế hoạch, giảm 6,73% (giảm 4.215 ha) so với vụ Mùa năm trước. Lúa Mùa năm nay, do thời tiết ít mưa, nước mặn xâm thực sớm hơn năm trước và kéo dài. Mặc dù, các ngành chức năng của tỉnh đã có các biện pháp ứng phó kịp thời nhưng xâm nhập mặn vẫn gây ảnh hưởng làm năng suất lúa giảm mạnh, nhất là huyện An Minh giảm trên 1,1 tấn/ha. Đặc biệt, có 3.786 ha bị mất trắng (huyện An Minh mất 3.074 ha, An Biên mất 712 ha).

Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch xong, sản lượng đạt 265.458 tấn, giảm 15,14% so với vụ mùa năm trước (giảm 56.358 tấn).

Vụ Đông Xuân (2020-2021): diện tích gieo sạ trên toàn tỉnh đạt 284.468 ha, đạt 99,46% kế hoạch (giảm 1.533 ha) và giảm 1,85% (giảm 5.369 ha) so với diện tích lúa Đông xuân năm trước. Nguyên nhân diện tích gieo sạ chưa đạt kế hoạch và giảm so với năm trước chủ yếu do năm nay lịch thời vụ chậm hơn và ở vùng U Minh Thượng có một số diện tích đã chuyển sang nuôi tôm.

Nhìn chung, lúa Đông xuân năm nay đang phát triển tương đối tốt, thời tiêt khá thuận lợi, ít sâu bệnh. Diện tích nhiễm sâu bệnh trên lúa Đông xuân trong tháng 3 là 21.661 ha (tăng 3.708 ha so với tháng trước)[6]; hiện nay bà con nông dân đang thu hoạch chính vụ, năng suất trên diện tích đã hoạch đạt khá cao, khả năng năng suất sẽ cao hơn năm ngoái.

Cây rau màu: một số cây màu vụ Đông xuân cũng được nhân dân chú trọng sản xuất nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay đã gieo trồng một số loại cây với diện tích như: dưa hấu 593 ha, giảm 2,31% so với cùng kỳ; khoai lang 698 ha, giảm 2,10%; khoai mì 193 ha; bắp 129 ha, giảm 0,77%; rau, đậu các loại 5.625 ha, tăng 1,83%.

Chăn nuôi: Trong quý I, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định; tình hình dịch bệnh trên vật nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, kiểm dịch động vật vẫn đang được kiểm soát tốt. Đàn heo đang có xu hướng tăng trở lại, tuy nhiên những tháng gần đây tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi trên cả nước đã xuất hiện một số ổ dịch, nguy cơ bùng phát dịch trở lại trên địa bàn tỉnh là rất cao. Để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên phối hợp với các địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch, như tập trung hướng dẫn doanh nghiệp, hộ chăn nuôi thực hiện tốt khâu vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng trước khi thả nuôi, kiểm soát thật tốt sự vận chuyển động vật ra, vào địa bàn tỉnh, nhất là đối với heo.

Theo kết quả điều tra chăn nuôi 01/01/2021, đàn trâu hiện có 4.520 con, tăng 1,69% so với cùng kỳ; Đàn bò 11.542 con, giảm 0,09%; Đàn heo hiện có 193.067 con, tăng 3,36% (tăng 6.270 con). Đàn gia cầm 3.768 nghìn con, giảm 7,90%, chủ yếu giảm đàn vịt.

4.2. Lâm nghiệp

Thời tiết hiện nay đang giai đoạn khô hạn gay gắt, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, ngành chức năng đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về phòng chống cháy rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, đồng thời duy trì thường xuyên công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Trong quý I, đã phối hợp với các chủ rừng tổ chức tuyên truyền, giáo dục được 24 cuộc trong nội bộ và 12 cuộc trong dân, có 441 lượt người tham dự. Tổ chức được 582 cuộc tuần tra, truy quét, có 2.008 lượt người tham gia. Qua công tác tuần tra, truy quét đã phát hiện và lập biên bản 27 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp[7].

Trong quý I chưa có vụ cháy rừng nào xảy ra.

4.3. Thủy sản

Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 2010): tháng Ba ước đạt 2.223,12 tỷ đồng, tăng 13,81% so với tháng trước, tăng 3,69% so với cùng tháng năm trước[8]. Tính chung quý I giá trị sản xuất khai thác và nuôi trồng đạt 6.324,718 tỷ đồng, đạt 19,10% so kế hoạch năm, tăng 2,10% so với cùng kỳ[9].

Tổng sản lượng thủy sản (khai thác và nuôi trồng) tháng Ba ước đạt 66.067 tấn, tăng 15,66% so tháng trước, tăng 3,88% so tháng cùng kỳ. Tính chung quý I là 184.133 tấn, đạt 23,05% kế hoạch năm, tăng 0,06% so với quý I/2020. Chia ra:

Sản lượng khai thác tháng Ba ước đạt 48.582 tấn, tăng 13,22% so tháng trước, giảm 0,41% so cùng kỳ. Tính chung quý I, sản lượng khai thác 137.656 tấn, đạt 26,99% kế hoạch, giảm 3,36% (giảm 4.783 tấn) so cùng kỳ.

Sản lượng nuôi trồng tháng Ba ước đạt 17.485 tấn, tăng 23,03% so tháng trước (tăng 2.668 tấn).[10] Tính chung quý I, sản lượng nuôi trồng được 46.477 tấn, đạt 16,08% kế hoạch năm, tăng 11,75% (tăng 4.886 tấn) so với cùng ký năm trước, tăng chủ yếu là tôm các loại tăng 14,73% (tăng 2.139 tấn), trong đó tôm thẻ chân trắng tăng 31,00% (tăng 1.724 tấn)…

Tính đến nay, diện tích toàn tỉnh thả nuôi thủy sản các loại được 88.286 ha, tăng 1,10% so cùng kỳ. Trong đó diện tích tôm nuôi nước lợ là 69.700 ha, đạt 51,52% kế hoạch[11].

 5. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): tháng Ba chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,09% so tháng trước, tăng 4,49% so cùng tháng năm trước. Ngành tăng cao so cùng tháng năm trước là ngành chế biến, chế tạo tăng 4,99%[12]; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 5,89%. Tính chung quý I/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 6,76% so quý I năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 10,05%; ngành chế biến, chế tạo tăng 7,35%[13]. Riêng ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước đá giảm 0,27%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): tháng Ba ước tính 3.980,42 tỷ đồng, tăng 8,64% so cùng tháng năm trước[14]. Tính chung quý I, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành ước thực hiện 12.382,11 tỷ đồng, đạt 22,76% kế hoạch năm, tăng 6,78% so với quý I/2020.[15]

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu quý I tăng so cùng kỳ như mặt hàng Bia các loại đạt 21,20% kế hoạch năm, tăng 26,16%; giày da đạt 17,21% kế hoạch, tăng 6,14%; Tôm đông đạt 22,50% kế hoạch, tăng 6,75%; Xi măng đạt 25,89% kế hoạch, tăng 4,64%... Nhưng cũng còn nhiều sản phẩm giảm so cùng kỳ như: Gỗ MDF giảm 4,82%; bột cá giảm 12,40%; nước đá giảm 7,82%; bao bì PP giảm 35,29%...Nguyên nhân là do ảnh hưởng chung tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp trên thế giới nói chung, trong nước ta nói riêng đã làm cho một số sản phẩm tiêu thụ chậm.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Ba bằng 91,11% so tháng trước và bằng 78,77% so với cùng tháng năm trước. Tuy nhiên, vẫn có một số ngành chỉ số tiêu thụ tăng so với tháng trước như sản xuất đồ uống tăng 2,84%, sản xuất chế biến tôm đông tăng 7,45%...

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Ba tăng 13,42% so với tháng trước, tăng 9,29% so cùng tháng năm trước.

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tháng Ba tăng 1,41% so với tháng trước; giảm 1,55% so với cùng tháng năm trước, trong đó lao động ngành chế biến, chế tạo giảm 1,79%.

Nhìn chung, từ đầu năm đến nay các doanh nghiệp hoạt động công nghiệp vẫn hoạt động tương đối ổn định,. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 gây ra, đã ảnh hưởng không nhỏ đến quy mô và hiệu quả sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

6. Thương mại, dịch vụ và giá cả

6.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng:

Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng quý I năm nay đã có xu hướng tăng trưởng tốt hơn cùng kỳ năm ngoái, một mặt nước ta đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, tình hình phòng chống dịch đã chuyển sang trạng thái mới đảm bảo phù hợp để phát triển kinh tế, mặt khác các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã dần thích ứng với điều kiện vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh vừa bảo đảm phòng chống dịch. Tuy nhiên, trước tác động của dịch bệnh Covid-19 nên mức tăng trưởng của các hoạt động như bán lẻ, lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành vẫn còn thấp hơn nhiều so với trước lúc dịch xảy ra.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng Ba ước đạt 9.524,04 tỷ đồng, giảm 13,87% so tháng trước (do tháng trước là tháng có Tết Nguyên đán mức tiêu dùng rất cao), nhưng vẫn tăng 9,49% so cùng tháng năm trước. Tính chung quý I ước thực hiện 31.072,53 tỷ đồng, đạt 25,03% kế hoạch năm, tăng 9,19% so với cùng kỳ. Chia theo ngành hoạt động:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa: tháng Ba ước đạt 6.992,39 tỷ đồng, giảm 16,87% so với tháng trước, tăng 10,08% so với cùng kỳ. Tính chung quý I ước tính 23.105,22 tỷ đồng, đạt 24,94% kế hoạch năm, tăng 10,06% so cùng kỳ. Tình hình giá cả trước, trong và sau tết Tân Sửu đến nay tương đối ổn định, không có tình trạng gom hàng, tăng giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh.

Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa thì bán lẻ hàng lương thực, thực phẩm tháng 03/2021 ước tính đạt 3.059,90 tỷ đồng, tăng 9,24% so với tháng cùng kỳ, ước tính quý I đạt 10.164,22 tỷ đồng, tăng 10,43% so với quý I năm 2020, là ngành có doanh số bán lẻ cao nhất trong tổng mức bán lẻ hàng hóa.

Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống: tháng Ba ước đạt 1.337,46 tỷ đồng, giảm 4,51% so tháng trước, tăng 6,86% so cùng kỳ. Tính chung quý I, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 4.114,87 tỷ đồng, đạt 24,49% kế hoạch năm, tăng 8,39% so với cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch tháng Ba ước đạt 30,11 tỷ đồng, giảm 21,29% so với tháng trước, nhưng tăng 8,24% so cùng kỳ. Tính chung quý I ước đạt 106,63 tỷ đồng, đạt 42,65% kế hoạch năm, tăng 10,59% so với cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng Ba ước đạt 1.164,07 tỷ đồng, giảm 3,54% so với tháng trước, tăng 9,12% so cùng kỳ. Tính chung quý I ước đạt 3.745,82 tỷ đồng, đạt 25,92% kế hoạch, tăng 4,84% so cùng kỳ.

6.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu: tháng Ba ước tính 54,20 triệu USD, tăng  78,17% so với tháng trước[16], bằng 78,57% so cùng tháng năm trước. Tính chung quý I, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính 136,29 triệu USD, đạt 18,17% kế hoạch và bằng 84,44% quý I năm trước.[17]

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu: tháng Ba ước tính đạt 10 triệu USD, tăng 13,38% so với tháng trước. Tính chung quý I, trị giá hàng hóa nhập khẩu ước thực hiện 30,06 triệu USD, đạt 30,03% kế hoạch, bằng 61,15% quý I năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dùng cho sản xuất, trong đó chủ yếu là nguyên liệu để sản xuất giày da.

6.3. Công tác quản lý thị trường

Theo báo cáo của Cục quản lý thị trường tỉnh, tình hình mua bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu trên tuyến biên giới vào thị trường nội địa giảm so với năm 2020. Hoạt động chống buôn lậu tuyến biên giới trên địa bàn tỉnh được tăng cường, kiểm soát tốt, các ngành chức năng và địa phương lập nhiều chốt, triển khai nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn chặn và phòng chống dịch Covid-19 quyết liệt nên đã làm hạn chế tình trạng vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Trong nội địa tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn còn diễn ra dưới hình thức nhỏ lẻ, phân tán.

Trong quý I/2021, ngành quản lý thị trường đã kiểm tra 352/300 vụ (trong đó kiểm tra đột xuất là 132 vụ), đạt 117,33% so kế hoạch quý và giảm 55 vụ (13,5%) so với năm 2020; phát hiện 104 vụ vi phạm giảm 02 vụ so cùng kỳ; xử lý 114 vụ vi phạm hành chính (bao gồm số vụ kỳ trước chuyển sang); chuyển xử lý hình sự 01 vụ. Thu nộp ngân sách 2 tỷ 357 triệu đồng, đạt 157,1% kế hoạch quý. Các vụ vi phạm chủ yếu là vi phạm hàng cấm, hàng nhập lậu (thuốc lá điếu ngoại, quần áo may sẵn, linh kiện điện thoại, mỹ phẩm…); hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại.

6.4. Vận tải

Doanh thu vận tải tháng Ba ước đạt 982,13 tỷ đồng, giảm 6,43% so với tháng trước và tăng 14,64% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I đạt 2.921,47 tỷ đồng, tăng 5,64% so với cùng kỳ năm trước.

Vận tải hành khách: tháng Ba ước tính vận chuyển 8,37 triệu lượt khách, giảm 3,84% so tháng trước, tăng 14,27% so với cùng kỳ; luân chuyển 549,92 triệu HK.km, giảm 3,92% so tháng trước, tăng 15,32% so cùng kỳ. Tính chung quý I vận tải hành khách ước đạt 25,01 triệu lượt khách, đạt 25,32% kế hoạch năm, tăng 4,25% so cùng kỳ; luân chuyển 1.642,16 triệu HK.km, đạt 25,31% kế hoạch năm, tăng 5,16% so cùng kỳ. Trong đó, Vận tải hành khách đường bộ tăng 4,25%; vận tải hành khách đường biển tăng 2,97% so cùng kỳ.

Vận tải hàng hóa: tháng Ba hàng hóa vận chuyển ước tính 1.205 ngàn tấn, giảm 7,31% so tháng trước; luân chuyển 172,28 triệu tấn.km, giảm 7,10% so tháng trước. Tính chung quý I vận tải hàng hóa ước tính 3,57 triệu tấn, đạt 25,50% kế hoạch năm, tăng 4,48% so cùng kỳ; luân chuyển 510,45 triệu tấn.km, đạt 25,77% kế hoạch năm, tăng 4,73%. Trong đó, Vận tải hàng hóa đường bộ tăng 4,51%; vận tải hàng hóa đường biển tăng 3,99%.

6.5. Du lịch

Trong quý I, hoạt động du lịch vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid – 19, nên lượng khách du lịch đến tỉnh ta giảm đáng kể nhất là đối với khách quốc tế, riêng khách nội địa đã có chiều hướng tích cực hơn.

Tổng lượt khách du lịch trên địa bàn tỉnh tháng Ba ước đạt 348,02 ngàn lượt khách, bằng 76,26% so tháng trước nhưng tăng 124,02% so với tháng 3/2020. Tính chung quý I, tổng lượt khách du lịch đến Kiên Giang là 1.178,39 ngàn lượt khách, đạt 16,83% kế hoạch năm, giảm 32,86% so quý I năm trước. Trong đó lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch là 638,03 ngàn lượt khách, đạt 18,77% kế hoạch năm, tăng 20,71% so cùng kỳ năm trước. Trong đó số khách quốc tế 29,41 ngàn lượt khách, mới đạt 7,35% kế hoạch và chỉ bằng 20,63% cùng kỳ năm trước.

6.6. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Ba giảm -0,19% so với tháng trước. Trong đó: khu vực thành thị vẫn tăng 0,05%, khu vực nông thôn giảm -0,34%. CPI tháng Ba giảm nhẹ so với tháng trước chủ yếu là do sau tết Nguyên đán các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống và thuốc lá, may mặc, mũ nón và giày dép cùng một số hàng hóa dịch vụ khác thường có xu hướng giảm so với trước và trong Tết. Cụ thể như, hàng ăn và dịch vụ ăn uống 1,17% (trong đó thực phẩm giảm 2,03%); đồ uống và thuốc lá giảm 0,60%; may mặc, mũ nón và dày dép giảm 0,02%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,37%. Tuy nhiên, vẫn có một số nhóm tăng giá và tăng cao nhất là nhóm giao thông tăng 2,16%; còn lại các nhóm khác bình ổn hoặc tăng nhẹ như nhóm nhà ở, điện nước, đất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,22%; thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,03%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,40%.

So với tháng 12 năm trước (sau 03 tháng) chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,42%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, duy nhất chỉ có nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,19% và cũng chỉ có nhóm Bưu chính viễn thông là bình ổn (bằng 100%), còn lại tất cả các nhóm khác đều tăng giá. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,32% (lương thực tăng 1,49%, thực phẩm tăng 0,41%, ăn uống ngoài gia đình tăng 4%); đồ uống và thuốc lá tăng 1,91%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,66%; nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 1,46%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,26%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,23%; giao thông tăng 6,7%; giáo dục tăng 0,02%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,48%.

 Chỉ số giá vàng: tháng Ba so với tháng trước giảm 3,28%  và giảm 1,09% so với tháng 12 năm trước, nhưng so với cùng kỳ năm trước vẫn tăng 13,17%. Giá vàng bình quân tháng 3 là 5.284.000 đồng/chỉ, giảm 179.000 đồng/chỉ so với tháng trước.

Chỉ số giá Đô la Mỹ: tháng Ba tăng 0,03% so với tháng trước, giảm 1,03% so với cùng tháng năm trước và giảm 0,57% và so với tháng 12 năm trước. Giá USD bình quân tháng 3 tại liên ngân hàng là 2.312.700 đồng/100 USD, tăng 600 đồng/100 USD so với tháng trước.

7. MỘT SỐ TÌNH HÌNH XÃ HỘI

7.1. Lao động, việc làm và đào tạo nghề

Tháng Ba, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 2.756 lượt người[18]. Tính chung quý I giải quyết việc làm cho 9.198 lượt người, đạt 26,28% so kế hoạch, tăng 10,37% so cùng kỳ[19], So với cùng kỳ năm 2021 số lao động được giải quyết việc làm tăng so với cùng kỳ là do các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid_19 nên không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, mặt khác do trong quý I sự kiện thành phố Phú Quốc mới được thành lập đã thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến với Phú Quốc kinh doanh, đầu tư phát triển về cơ sở hạ tầng, phát triển về du lịch, dịch vụ nên tạo được công ăn việc làm cho người lao động.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo 1.052 người (trung cấp 81 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 03 tháng 971 người), nâng tổng số lao động được đào tạo trong quý I lên 1.738 người[20].

7.2. Về chính sách an sinh xã hội

UBND tỉnh tổ chức các đoàn Lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà cho đối tượng chính sách, lực lượng vũ trang; người cao tuổi; hộ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh nhân dịp tết Nguyên đán Tân Sửu đảm bảo mọi nhà đều có Tết đầm ấm; quà Tết đảm bảo chất lượng và số lượng, đồng thời vận động đoàn thể các cấp, các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh và các địa phương hỗ trợ quà Tết cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em nên hầu hết các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đều được hỗ trợ đón tết vui tươi và phấn khởi dưới sự hỗ trợ, chia sẻ từ Nhà nước và cộng đồng.

Công tác giảm nghèo: theo kết quả khảo sát điều tra hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều tính đến tháng 12 năm 2020, toàn tỉnh có 8.790 hộ nghèo (trong đó 8.037 hộ nghèo theo thu nhập, 753 hộ nghèo thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản), tổng số khẩu nghèo 28.070 khẩu; tỷ lệ hộ nghèo 1,91% (giảm 0,78% so với năm 2019); tổng số hộ nghèo dân tộc thiểu số 2.393 hộ, chiếm tỷ lệ 3,4%, so với năm 2019 giảm 1,3%. Hộ cận nghèo có 19.378 hộ với tổng số khẩu 71.801 người; tỷ lệ hộ cận nghèo 4,21% (giảm 0,38% so với năm 2019).

7.3. Tình hình Giáo dục

Trong quý I, Tổ chức Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, năm học 2020 - 2021, có 80 đơn vị trường trung học dự thi với 149 dự án. Đã tuyển chọn 02 dự án tham gia Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học, năm học 2020 – 2021 cấp trung ương. Tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi trung học phổ thông (THPT) cấp tỉnh lần thứ VIII, có 280 giáo viên tham gia phần thi trình bày biện pháp và 261 giáo viên tham gia phần thi thực hành tiết dạy. Phối hợp thẩm định, cấp phép hoạt động cho các Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học thuộc huyện An Biên, Tân Hiệp và thành phố Rạch Giá; tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động của các Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học trên địa bàn tỉnh và tổ chức hội nghị tổng kết công tác PCGD-XMC năm 2020; Tổ chức giới thiệu lựa chọn sách giáo khoa lớp 6 và biên soạn tài liệu giáo dục địa phương cấp THCS.

7.4. Hoạt động Văn hóa, Thể dục thể thao

- Hoạt động Văn hóa: Trong quý I, tổ chức thành công các sự kiện lễ hội, hoạt động văn hóa nghệ thuật, phục vụ kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của dân tộc đảm bảo yêu cầu về chất lượng nghệ thuật, nội dung như tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2021); kỷ niệm 59 năm ngày hy sinh của Anh hùng LLVTND Phan Thị Ràng (09/01/1962 - 09/01/2021); tham gia các hoạt động “Tết Quân - Dân” năm 2021... Đặc biệt, tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công Lễ Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

- Hoạt động Thể dục thể thao: Các đội tuyển thể thao duy trì tập luyện thường xuyên theo kế hoạch và tham gia Giải Quần vợt vô địch quốc gia nam - nữ tại Tây Ninh. Đội tuyển thể thao các tuyến hiện tại là 128 vận động viên, trong đó Đội tuyển có 40 vận động viên, Đội tuyển trẻ có 22 vận động viên, Đội tuyển năng khiếu có 66 vận động viên.

Thể dục thể thao quần chúng: Tổ chức Giải Bóng đá Futsal tỉnh Kiên Giang mở rộng mừng Đảng, mừng Xuân Tân Sửu năm 2021 (từ ngày 08/01 - 10/01/2021 tại Nhà Thi đấu đa năng tỉnh). Chuẩn bị tổ chức Lễ Khai mạc và thi đấu các môn thể thao trong chương trình Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Kiên Giang năm học 2020 - 2021. Các huyện, thành phố bên cạnh tổ chức các hoạt động thể dục thể thao quần chúng vẫn thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương.

7.5. Tình hình y tế

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 gây ra. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh thường xuyên tăng cường chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện/thành phố thực hiện kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới đảm bảo việc loại trừ các rủi ro có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đặc biệt tại huyện Giang Thành, TP Hà Tiên và TP Phú Quốc. Tăng cường chỉ đạo các cơ sở y tế toàn tỉnh chủ động các biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát, phát hiện sớm việc phòng, chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh; Thường xuyên giám sát, theo dõi sức khỏe người bệnh sau khi cách ly tại các cơ sở y tế tập trung ngoài tỉnh trở về và nhập cảnh từ vùng dịch trở về.

Tình hình dịch bệnh quý I/2021:

- Tình hình dịch Covid-19: Tính đến ngày 20/3, tòan tỉnh thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 là 12.623 trường hợp. Kết quả âm tính 12.606 trường hợp, dương tính 17 trường hợp (01 trường hợp đã điều trị khỏi) đang điều trị tại Trung tâm y tế thành phố Hà Tiên. Cách ly tập trung 266 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi cư trú 19 trường hợp.

- Tính đến ngày 10/3/2021, Các bệnh có số mắc trong quý I giảm so cùng kỳ như: Sốt xuất huyết (220/244), trong đó Sốt xuất huyết Dengue nặng 06 cas; Tiêu chảy (614/890), Viêm gan virut (10/33), Lỵ amíp (02/05), Sốt phát ban nghi sởi (10/163), Cúm (294/330), Thương hàn (11/13), Thủy đậu (35/49).

- Riêng bệnh Tay chân miệng có số lượng mắc là 529 cas, tăng 376 cas so quy1I/2020. Có 01 trường hợp tử vong tại huyện Gò Quao.

- Phòng chống HIV/AIDS, trong quý I, thực hiện xét nghiệm 24.327 mẫu, giảm 2.570 mẫu so cùng kỳ năm 2020; Số mẫu xét nghiệm HIV cho đối tượng nguy cơ cao được 3.131 mẫu; Số cas HIV (+) giám sát là 100 cas, tăng 55 cas so cùng kỳ; Số bệnh nhân điều trị ARV mới là 108 bệnh nhân, tổng số điều trị ARV tích luỹ là 2.394 người[21], tăng 303 người so cùng kỳ. Tính đến thời điểm báo cáo, số người còn sống ở địa phương nhiễm HIV là 3.146 người, trong giai đoạn AIDS là 1.718 người.

Công tác vệ sinh An toàn thực phẩm: Thực hiện thanh, kiểm tra 4.563 cơ sở (Trong đó: 3.765 cơ sở đảm bảo VSATTP theo quy định và 798 cơ sở chưa đảm bảo VSATTP), giảm 213 cơ sở so cùng kỳ 2020. Đã xử lý nhắc nhở và hướng dẫn 772 cơ sở thực hiện việc đảm bảo an toàn thực phẩm, xử phạt 4 cơ sở với số tiền 10 triệu đồng, tiêu hủy 22 sản phẩm vi phạm gồm 90 loại sản phẩm với khối lượng 354 kg thực phẩm không có nhãn, quá hạn sử dụng, chứa hóa chất ngoài danh mục của Bộ Y tế, các cơ sở còn lại đang chờ xử lý. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 21 cas ngộ độc rượu và ngộ độc cồn (đồ uống có cồn), giảm 28 cas so cùng kỳ năm 2020.

7.6. Tình hình an toàn giao thông

Tính từ ngày 15/2/2021 đến 14/3/2021, toàn tỉnh xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông, làm 5 người chết, 8 người bị thương. So với tháng trước số vụ tai nạn giao thông giảm 8 vụ, giảm 6 người chết và giảm 5 người bị thương. Tính chung quý I (từ 15/12/2020 đến 14/3/2021) trên toàn tỉnh xảy ra 41 vụ tai nạn giao thông, làm 24 người chết, 30 người bị thương. So với năm trước, tăng 10 vụ TNGT (tăng 32,25%), tăng 4 người chết  (tăng 20%) và tăng 11 người bị thương (tăng 57,89%).

Tình hình tai nạn giao thông từ đầu năm đến nay tăng trên cả 3 tiêu chí so với cùng thời điểm năm trước, đề nghị các ngành chức năng cần phải thường xuyên tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền, vận động nhân dân gương mẫu chấp hành Luật giao thông, phải có văn hóa khi tham gia giao thông nhằm giảm thiểu tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn trong thời gian tới.

7.7. Tình hình cháy, nổ

Từ ngày 15/2/2021 đến 14/3/2021 toàn tỉnh xảy ra 04 vụ cháy, không có vụ nổ. Gồm cháy 2 tàu đánh bắt thủy sản của ngư dân (01 tàu tại ấp An Ninh, xã Bình An, huyện Châu Thành và 01 tàu tại khu vực bến tàu Mương đào, phường Đông Hồ, thành phố Hà Tiên) và 2 vụ cháy nhà dân (01 nhà tại ấp Hòa Phầu, xã Thuận Yên, thành phố Hà Tiên và 01 nhà tại ấp Tà Ke, xã Thạnh Hòa, huyện Giồng Riềng). Tổng thiệt hại do cháy gây ra ước tính khoảng 2 tỷ 48 triệu đồng.

Tính chung quý I/2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 09 vụ cháy, 01 vụ nổ làm 1 người chết, 1 người bị thương. Thiệt hại ước tính khoảng 4 tỷ 47 triệu đồng.

8. Đề xuất kiến nghị

Tình hình kinh tế - xã hội quý I/2021, tuy đạt mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm 2020 nhưng vẫn còn đạt thấp so với kế hoạch đã đề ra. Để phấn đấu thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết Tỉnh ủy và HĐND tỉnh đã đề ra, Cục Thống kê kiến nghị một số vấn đề như sau:

1. Trong lĩnh vực nông nghiệp: triển khai hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng lịch gieo sạ lúa vụ Hè Thu, Thu Đông, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu giống, nhất là giống lúa chất lượng cao, kháng sâu bệnh, chống chịu với hạn mặn cụ thể cho từng địa phương phù hợp với tình hình hạn mặn và điều kiện sinh thái của từng vùng theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp; hướng dẫn thực hiện làm tốt khâu vệ sinh đồng ruộng, nhất là đối với các địa bàn đã thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân 2020-2021, để hạn chế ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ và dịch hại không có điều kiện lây lan. Đồng thời phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi.

2. Về lĩnh vực thủy sản: Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” của châu Âu, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành một cách đồng bộ và phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Tiếp tục theo dõi, quản lý chặt chẽ và vận động, khuyến cáo doanh nghiệp và người dân ở các các địa phương về việc thực hiện đúng khung lịch thời vụ thả giống tôm nước lợ năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Nắm chắc tình hình thả nuôi và thu hoạch tôm nuôi, quản lý chất lượng giống tôm nuôi, nhất là con giống tôm nuôi chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc nhập vào tỉnh.

3. Tiếp tục theo dõi sát tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19 và dịch cúm A(H5N1), diễn biến tình hình thị trường thế giới cũng như trong nước để kịp thời đề xuất các giải pháp ổn định thị trường các mặt hàng thiết yếu và phục vụ phòng, chống dịch. Thường xuyên nắm bắt tình hình kinh doanh xuất khẩu của các doanh nghiệp nhằm đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu trong thời gian tới.

4. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn nhà nước quản lý, nhất là các công trình trọng điểm. Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chế biến như: Xi măng, bia, chế biến thủy hải sản tìm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước nhằm ổn định tình hình sản xuất trong điều kiện khó khăn hiện nay.

5. Ngành du lịch cần đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, có chính sách, biện pháp thu hút hiệu quả khách du lịch trong và ngoài nước đến tỉnh ta sau khi tình hình dịch bệnh được đẩy lùi để góp phần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này./.                     

Tải về: - Số liệu Kinh tế - xã hội tháng 03 năm 2021 của tỉnh Kiên Giang;

             - Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 03 năm 2021 của tỉnh Kiên Giang


[1] Thực hiện QĐ 715/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương" và QĐ số 1026/QĐ-TCTK ngày 26/10/2015 của Tổng cục Thống kê về ban hành Quy định biên soạn và công bố số liệu tổng sản phẩm trong nước. Theo đó, TCTK sẽ công bố chỉ tiêu GRDP cho tỉnh, thành phố 2 kỳ trong năm, 6 tháng đầu năm và ước cả năm bắt đầu từ năm 2017. (Theo chỉ đạo của Lãnh đạo UBND tỉnh, Cục Thống kê tạm ước tính chỉ tiêu GRDP quý I/2021 phục vụ sự lãnh đạo và điều hành của Tỉnh ủy và UBND tỉnh).

[2] Tăng trưởng quý I của các năm: Năm 2016 tăng 5,40%; năm 2017 tăng 7,39%; năm 2018 tăng 7,87%; năm 2019 tăng 7,54%; năm 2020 3,35%.

[3] Sản lượng lúa Mùa năm 2020 tăng 2.334 tấn; năm 2021 giảm 56.358 tấn;

[4] Trong đó: thu nội địa 3.595,82 tỷ đồng, đạt 31,51% dự toán, giảm 16,77% so cùng kỳ, chiếm 99,46% trong tổng thu ngân sách của tỉnh.

[5] Lúa vụ Mùa (2020 – 2021) đã gieo trồng ở các huyện An Minh 20.645 ha, An Biên 16.397 ha, Vĩnh Thuận 12.076 ha, U Minh Thượng 7.258 ha, Gò Quao 1.420 ha và TP Hà Tiên 599 ha.

[6] Các đối tượng chủ yếu gồm: Lem lép hạt 7.125 ha, xuất hiện ở huyện Giồng Riềng, Hòn Đất, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Kiên Lương, Giang Thành, Châu Thành và Gò Quao; Đạo ôn cổ bông là 4.788 ha, xuất hiện ở hầu hết các huyện; Rầy nâu 2.955 ha, ở Giồng Riềng, Tân Hiệp, Hòn Đất, Gò Quao, Châu Thành, Rạch Giá và Kiên Lương. Ngoài ra, ở huyện Giồng Riềng xuất hiện cháy rầy cục bộ 612 ha,; Rầy phấn trắng 4.630 ha, xuất hiện chủ yếu ở huyện Hòn Đất và rải rác ở một số huyện như Giồng Riềng, Rạch Giá, Châu Thành và Tân Hiệp; Cháy bìa lá 957 ha, ở huyện Giồng Riềng, Giang Thành, Hòn Đất, Rạch Giá và Châu Thành. Ngoài ra còn có các đối tượng gây hại khác như: chuột, sâu cuốn lá, sâu đục thân, vàng lá chín sớm … gây hại ở mức độ từ rải rác đến nhẹ.

[7] Gồm các hành vi sau: Lấn chiếm rừng 11 vụ; khai thác rừng trái pháp luật 03 vụ; vi phạm các quy định chung của nhà nước về bảo vệ rừng 01 vụ; Phá rừng trái pháp luật 09 vụ; Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng 01 vụ; Vận chuyển lâm sản trái pháp luật 02 vụ. Đã xử lý 27 vụ, trong đó: Hạt kiểm lâm xử lý 21 vụ, UBND tỉnh 02 vụ, UBND huyện 01 vụ, chuyển cơ quan điều tra 03 vụ; diện tích rừng thiệt hại do phá rừng 69.898m2, trong đó rừng đặc dụng 7.338m2, rừng phòng hộ 62.560m2. Diện tích rừng bị lấn chiếm 147.012m2, trong đó: rừng đặc dụng 6.745m2, rừng phòng hộ 140.267m2; tổng tiền phạt vi phạm hành chính gần 325 triệu đồng, trong đó đã nộp ngân sách 94,25 triệu đồng.

[8] chia ra: giá trị khai thác 1.295,66 tỷ đồng, tăng 14,10% so tháng trước và giá trị nuôi trồng 927,46 tỷ đồng, tăng 13,41% so tháng trước.

[9] Giá trị khai thác 3.674,96 tỷ đồng, đạt 27,63% kế hoạch, giảm 2,32% và giá trị nuôi trồng 2.649,76 tỷ đồng, đạt 13,37% kế hoạch, tăng 8,93% so cùng kỳ.

[10] Trong đó: cá nuôi tăng 12,65% (tăng 516 tấn); tôm nuôi tăng 12,79% (tăng 665 tấn), trong đó tôm thẻ chân trắng tăng 37,09% (tăng 691 tấn).

[11] Trong đó: diện tích nuôi tôm công nghiệp 853 ha; nuôi tôm quảng canh - quảng canh cải tiến 20.942 ha và nuôi tôm - lúa 47.905 ha

[12] Trong đó: ngành sản xuất đồ uống tăng 13,96%; ngành chế biến thực phẩm tăng 3,04%...

[13] Trong đó: Ngành sản xuất đồ uống tăng 18,93%, ngành chế biến thực phẩm tăng 3,39%...

[14] Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 97,11%/ trong tổng số, tăng 8,81%.

[15] Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 97,07%/ trong tổng số, tăng 6,91%.

[16] Trong đó: hàng nông sản 23,27 triệu USD, tăng 82,37% so với tháng trước; hàng thủy sản 16,25 triệu USD, tăng 61,05%; nguyên liệu giày da tăng 113,41%.

[17] Trong đó: hàng nông sản 42,30 triệu USD, đạt 17,63% kế hoạch năm, giảm 25,67% so cùng kỳ; nguyên liệu Giày da 27,76 triệu USD, đạt 19,83% kế hoạch năm, giảm 13,52%.

[18] Trong đó: trong tỉnh 1.601 lượt người, ngoài tỉnh 1.153 lượt người, xuất khẩu lao động 02 người.

[19] Trong đó: trong tỉnh 5.295 lượt người; ngoài tỉnh 3.864 lượt người, xuất khẩu lao động 39 người.

[20] Trong đó: trung cấp 81 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 03 tháng 1.657 người.

[21] Trong đó: người lớn là 2.306 người và có 88 trẻ em dưới 15 tuổi.

 

Số lần đọc: 1110
Cục Thống kê Kiên Giang
Tin liên quan