Tin nóng
25.02.2022

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp

Vụ Mùa (2021-2022): kết thúc gieo trồng vụ Mùa, toàn tỉnh gieo trồng được 67.251 ha, vượt 10,85% kế hoạch (vượt 6.581 ha) và tăng 7,41% (tăng 4.641 ha) so với diện tích lúa vụ Mùa năm trước. Tính đến ngày 15/12 đã thu hoạch 66.367 ha, năng suất trên diện tích đã thu hoạch ước tính đạt 5,15 tấn/ha. Lúa vụ Mùa tập trung ở các huyện: Gò Quao, Vĩnh Thuận, An Biên, An Minh, U Minh Thượng và thành phố Hà Tiên.

Vụ Đông Xuân (2021-2022): tính đến ngày 15/02/2022 toàn tỉnh đã gieo sạ được 283.837 ha, vượt 0,30% kế hoạch[1], giảm 1,80% so cùng kỳ năm trước (giảm 5.214 ha). Đến nay đã thu hoạch 32.641 ha, ước tính năng suất trên trà lúa đã thu hoạch đạt 6,51 tấn/ha.

Nhìn chung trà lúa Đông xuân năm nay phát triển tốt, ít sâu bệnh. Diện tích nhiễm bệnh là 14.838 ha với các đối tượng gây hại chủ yếu như bệnh lem lép hạt, muỗi hành, đạo ôn lá, bệnh lem lép hạt, bệnh đốm vằn và cháy bìa lá…

Cây rau màu: một số loại cây màu đã gieo trồng như: dưa hấu 385 ha, giảm 28,84% so với cùng kỳ năm trước; khoai lang 587 ha, tăng 4,82% so cùng kỳ; khoai mì 68 ha, tăng 4,62% so cùng kỳ; bắp 75 ha, giảm 3,85% so cùng kỳ; rau, đậu các loại khác 3.212 ha, tăng 4,08% so cùng kỳ.

Chăn nuôi

Nhu cầu tiêu dùng thịt gia súc, gia cầm trong tết Nguyên đán rất lớn nên số lượng vật nuôi xuất chuồng trước Tết tăng rất cao, làm giảm tổng đàn vật nuôi. Sau Tết các hộ chăn nuôi đã đang nhanh chóng tái đàn nên so với cùng kỳ năm trước hầu hết các loại vật nuôi vẫn có số lượng cao hơn như, đàn trâu tăng 1,68%; đàn bò tăng 3,99%; đàn heo tăng 4,99%; đàn vịt tăng 3,38%, riêng đàn gà giảm 3,64%.

Về tình hình kiểm soát dịch bệnh:

Qua hơn 05 tháng tái phát trên địa bàn tỉnh, dịch tả heo châu Phi đã gây thiệt hại làm chết gần 3 ngàn con heo; các ngành chức năng và các địa phương đã tích cực vào cuộc, triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch tả heo, kết quả đã có 6/10 huyện, thành phố (Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Rạch Giá, An Biên và U Minh Thượng) qua 21 ngày không phát sinh trường hợp heo mắc mới. Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi với đặc điểm dịch tễ phức tạp, đường lây truyền đa dạng, trong khi chăn nuôi của tỉnh quy mô nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số, nguy cơ các ổ dịch có thể phát sinh rất cao, vì vậy công tác phòng chống dịch không thể lơ là. Các ngành chức năng cần tập trung hướng dẫn doanh nghiệp, hộ gia đình chăn nuôi thực hiện tốt khâu vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng trước khi thả nuôi, kiểm soát tốt khâu vận chuyển động vật ra, vào địa bàn tỉnh, nhất là đối với đàn heo.

b. Lâm nghiệp

Hiện nay, thời tiết đang ở giai đoạn cao điểm của mùa khô, các ngành chức năng thường xuyên phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về phòng chống cháy rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, duy trì thường xuyên công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Hai tháng đầu năm đã có 18 ha rừng được chăm sóc, tăng 9,09% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh 11 ha, bằng 100% so cùng kỳ và diện tích rừng được khoán bảo vệ là 1.112 ha, giảm 0,09% so cùng kỳ.

Sản lượng gỗ khai thác 2 tháng ước đạt 7.701 m3, tăng 3,73% so cùng kỳ và sản lượng củi khai thác đạt 6.845 Ste, giảm 2,21% so cùng kỳ. Trong tháng đã xảy ra 4 vụ vi phạm chặt phá, lấn chiếm đất rừng (Phú Quốc 4 vụ) với diện tích thiệt hại khoảng 2,00 ha. Tính chung 2 tháng đã xảy ra 8 vụ vi phạm chặt phá, lấn chiếm đất rừng (Phú Quốc 8 vụ) với diện tích thiệt hại khoảng 4,00 ha.

Trong tháng đã xảy ra 06 vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại khoảng 3 ha. Tính chung 2 tháng đã xảy ra 13 vụ cháy rừng (Phú Quốc 13 vụ) với diện tích thiệt hại khoảng 6,00 ha.

c. Thủy sản

Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 2010): tháng Hai ước tính đạt 1.775,47 tỷ đồng, giảm 15,50% so với tháng trước,giảm 9,71% so cùng kỳ[2]. Tính chung 2 tháng, ước tính đạt 3.876,60 tỷ đồng, bằng 12,26% kế hoạch năm, giảm 6,08% so cùng kỳ[3] năm trước.

Sản lượng thủy sản (cả khai thác và nuôi trồng): tháng Hai ước tính đạt 53.697 tấn, giảm 11,43% so với tháng trước và giảm 6,00% so cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đạt 114.321 tấn, giảm 3,17% (giảm 3.747 tấn) so cùng kỳ năm trước, bằng 14,24% kế hoạch năm. Chia ra:

Sản lượng khai thác: tháng Hai ước đạt 41.160 tấn, giảm 7,43% so tháng trước, giảm 4,08% so cùng kỳ. Tính chung 2 tháng ước tính được 85.624 tấn, đạt 17,54% kế hoạch, giảm 3,88% (giảm 3.452 tấn) so cùng kỳ năm trước. Trong đó cá các loại giảm 3,94% (giảm 2.648 tấn); tôm giảm 5,09% (giảm 265 tấn); mực giảm 4,43% (giảm 499 tấn).

Sản lượng nuôi trồng: tháng Hai ước tính đạt 12.537 tấn, giảm 22,42% so với tháng trước, giảm 11,79% so cùng kỳ. Tính chung 2 tháng ước tính sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch đạt 28.697 tấn, bằng 9,11% kế hoạch năm, giảm 1,02% (giảm 295 tấn) so cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá nuôi 10.341 tấn, tăng 3,07% (tăng 308 tấn) so với cùng kỳ năm trước và bằng 9,69% kế hoạch năm; tôm các loại 8.872 tấn, giảm 17,81% (giảm 1.922 tấn) so với cùng kỳ và bằng 8,18% kế hoạch năm.

2. Sản xuất Công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): tháng Hai chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính chỉ bằng 87,15% so tháng trước, tăng 14,52% so cùng tháng năm trước. So với tháng trước ngành chế biến, chế tạo bằng 85,26%[4]; nhóm ngành khai khoáng bằng 96,02%. Có nhóm ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 0,67%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,25%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): tháng Hai ước tính đạt 3.319,14 tỷ đồng, bằng 79,29% so với tháng trước, tăng 15,73% so với cùng tháng năm trước[5]. Tính chung 2 tháng ước đạt 7.505,19 tỷ đồng, bằng 14,69% kế hoạch năm, tăng 9,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 7.074,81 tỷ đồng, chiếm 94,26%/tổng số, tăng 9,99%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước tăng 12,59%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 4,42% và ngành khai khoáng tăng 14,52%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 2 tháng tăng so cùng kỳ như: giày da đạt 44,44% kế hoạch năm, tăng 111,35%; tôm đông lạnh đạt 21,69%, tăng 36,63%; gỗ MDF đạt 20,73% kế hoạch năm, tăng 27,98%; cá đông lạnh đạt 18,48%, tăng 18,38%; điện thương phẩm đạt 15,82% kế hoạch năm, tăng 13,92%; gạch không nung đạt 16,35% kế hoạch năm, tăng 4,17%; nước máy đạt 16,14% kế hoạch năm, tăng 1,92%… Nhưng cũng có một số sản phẩm giảm so cùng kỳ như: Clinker đạt 13,55% kế hoạch năm, giảm 21,91%; mực đông lạnh đạt 15,71% kế hoạch năm, giảm 4,02%; nước đá đạt 13,32% kế hoạch năm, giảm 18,66%; Bia các loại đạt 19,58% kế hoạch năm, giảm 3,75%...

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tính 2 tháng đạt 102,26% so cùng kỳ năm trước; trong đó, Sản xuất chế biến thực phẩm đạt 112,41% so cùng kỳ; Sản xuất đồ uống đạt 118,76% so cùng kỳ; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác bằng 89,93% so cùng kỳ.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tính tháng Hai giảm 0,33% so với tháng trước; trong đó, sản xuất xi măng, vôi, thạch cao tăng 3,09%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 1,49%...

Chỉ số sử dụng lao động ngành công nghiệp tháng Hai tăng 1,91% so với tháng trước, tăng 6,04% so với cùng kỳ năm trước.

3. Đầu tư

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng Hai (Số giải ngân đến 15/02/2022) ước tính 139,01 tỷ đồng, tăng 203,40% so với tháng trước, tăng 322,69% so cùng tháng năm trước. Trong đó: vốn cân đối ngân sách địa phương 72,97 tỷ đồng, tăng 59,22% so tháng trước, tăng 121,83% so cùng tháng năm trước. Tính chung 2 tháng Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước tính 184,83 tỷ đồng, đạt 3,61% kế hoạch năm, tăng 116,46% so với cùng kỳ. Trong đó: vốn cân đối ngân sách địa phương 118,77 tỷ đồng, đạt 3,02% kế hoạch năm, tăng 39,09% so cùng kỳ năm trước. 

 4. Thu, chi ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước tháng Hai ước tính thu được 804,17 tỷ đồng, giảm 37,78% so với tháng trước, bằng 80,09% so cùng tháng năm trước. Trong đó thu nội địa 800 tỷ đồng, giảm 37,15% so với tháng trước, bằng 79,87% so cùng tháng năm trước. Tính chung 2 tháng tổng thu ngân sách ước tính đạt 2.096,57 tỷ đồng, bằng 18,98% dự toán, giảm 11,64% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: thu nội địa 2.072,80 tỷ đồng, đạt 18,85% dự toán, giảm 12,39% và chiếm 98,87% tổng thu. So với cùng kỳ năm trước, có một số khoản thu tăng khá cao[6], bên cạnh đó vẫn còn một số khoản thu đạt còn thấp như, thu tiền sử dụng đất bằng 64,45% so với cùng kỳ; thu cho thuê mặt đất, mặt nước bằng 64,82%; thu từ doanh nghiệp nhà nước TW bằng 78,07%...

Tổng chi ngân sách địa phương tháng Hai ước tính 1.262,39 tỷ đồng, tăng 5,58% so với tháng trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển 433,32 tỷ đồng, tăng 145,04% so tháng trước, tăng 4.77,94% so cùng tháng năm trước; chi thường xuyên 829,07 tỷ đồng, giảm 18,62% so tháng trước, tăng 21,63% so cùng tháng năm trước. Tính chung 2 tháng, tổng chi ngân sách địa phương ước tính 2.458,02 tỷ đồng, bằng 16% dự toán năm, tăng 72,62% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển 610,15 tỷ đồng, đạt 15,52% dự toán và tăng 583,73% so với cùng kỳ năm trước; chi thường xuyên 1.847,87 tỷ đồng, đạt 18,72% dự toán và tăng 38,45% so với cùng kỳ năm trước.

5. Ngân hàng

Trong điều kiện mới, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, UBND tỉnh, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, hạn hán, xâm nhập mặn… như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí không chuyển nhóm nợ, tiếp tục đẩy mạnh cho vay sản xuất, các lĩnh vực ưu tiên; cân đối tài chính, chủ động tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay; triển khai các sản phẩm tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân phục hồi sản xuất kinh doanh.. Ước đến cuối tháng 02/2022, một số chỉ tiêu đạt như sau:

Tổng nguồn vốn hoạt động ước đạt 121.250 tỷ đồng, tăng 1,19% so tháng trước, tăng 3% so đầu năm; trong đó, vốn huy động tại địa phương ước đạt 62.200 tỷ đồng (chiếm 51,3% tổng nguồn vốn hoạt động), tăng 0,54% so tháng trước, tăng 1,31% so đầu năm.

Doanh số cho vay trong tháng ước đạt 16.500 tỷ đồng; đến cuối tháng 02/2022, dư nợ cho vay ước đạt 99.800 tỷ đồng, tăng 1,09% so tháng trước, tăng 2,46% so đầu năm.

Nợ xấu nội bảng 1.300 tỷ đồng, chiếm 1,3% tổng dư nợ.

Nợ tổn thất (nợ đã xử lý bằng dự phòng rủi ro và đang theo dõi ngoại bảng) 1.250 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng trên địa bàn khá ổn định. Tỷ giá vàng và ngoại tệ diễn biến theo xu hướng chung của cả nước và thế giới.

6. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong 2 tháng đầu năm vẫn còn diễn biến phức tạp. Tháng Hai là tháng trùng với tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, việc mua sắm chuẩn bị cho Tết thường vào trước Tết, sau Tết nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm hẳn so với những ngày Tết nên sức mua trong tháng 02 đã giảm so với tháng 01.

a. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Hai ước đạt 9.872,29 tỷ đồng, giảm 0,87% so tháng trước, giảm 1,36% so cùng tháng năm trước. Tính chung 2 tháng ước tính đạt 19.831,27 tỷ đồng, bằng 15,87% kế hoạch năm, tăng 1,36% so cùng kỳ. Chia theo ngành hoạt động:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng Hai ước đạt 7.592,19 tỷ đồng, giảm 0,92% so với tháng trước, tăng 0,11% so cùng tháng năm trước. Tính chung 2 tháng ước tính đạt 15.254,64 tỷ đồng, bằng 15,97% kế hoạch năm, tăng 3,05% so cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng Hai ước tính 1.126,45 tỷ đồng, giảm 2,99% so tháng trước, giảm 8,86% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng ước tính đạt 2.287,68 tỷ đồng, bằng 16,22% kế hoạch năm, giảm 6,68% so cùng kỳ.

Doanh thu du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch tháng Hai ước đạt 27,52 tỷ đồng, giảm 4,19% so tháng trước, giảm 28,08% so cùng tháng năm trước. Tính chung 2 tháng ước tính đạt 56,24 tỷ đồng, bằng 18,75% kế hoạch năm, giảm 26,50% so cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng Hai ước đạt 1.126,14 tỷ đồng, tăng 1,77% so với tháng trước, nhưng chỉ bằng 97,91% so cùng tháng năm trước. Tính chung 2 tháng ước tính đạt 2.232,71 tỷ đồng, bằng 14,79% kế hoạch năm, giảm 0,88% so cùng kỳ.

b. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Hai ước đạt 64 triệu USD, tăng 0,99% so với tháng trước và tăng 110,39% so cùng tháng năm trước[7]. Tính chung 02 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính 127,37 triệu USD, đạt 16,33% kế hoạch năm, tăng 55,16% so với cùng kỳ năm trước.[8]

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Hai ước đạt 12,50 triệu USD, tăng 6,56% so với tháng trước và tăng 41,72% so tháng cùng năm trước. Tính chung 02 tháng ước tính đạt 24,23 triệu USD, đạt 18,64% kế hoạch năm, tăng 20,79 so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu, chủ yếu vẫn là nguyên liệu dùng cho sản xuất.

c. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Hai tăng 1,18% so với tháng trước. Trong đó: khu vực thành thị tăng 1,53%, khu vực nông thôn tăng 0,97%. CPI tháng Hai tăng nhẹ so với tháng trước, có 9/11 nhóm tăng, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất với mức tăng 2,54%; kế đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,75% (trong đó thực phẩm tăng 2,18%); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 1,64%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,82%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,34%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,27%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,24%; nhóm thiết bị và đồ dung gia đình tăng 0,04% và nhóm thuốc và dụng cụ y tế tăng 0,02%. Trong tháng không có nhóm hàng nào giảm. Còn lại 2 nhóm bình ổn giá là nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục.

So với tháng 12 năm trước (sau 02 tháng) chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,34%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, duy nhất chỉ có nhóm Bưu chính viễn thông là bình ổn (bằng 100%), còn lại tất cả các nhóm khác đều tăng giá. Trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất với mức tăng 3,58%; kế đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,92% (trong đó thực phẩm tăng 2,40%); nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,45%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 1,30%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,91%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch đều tăng 0,35%; nhóm thiết bị và đồ dung gia đình tăng 0,09%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,08% và nhóm giáo dục tăng 0,01%.

Chỉ số giá vàng: tháng Hai so với tháng trước tăng 103.000 đồng/chỉ (tăng 1,97%) và giảm 3,44% so với tháng 02 năm trước. Giá vàng nhẫn bình quân tháng Hai là 5.329.000 đồng/chỉ.

Chỉ số giá đô la Mỹ: tháng Hai giảm 0,32% so với tháng trước, giảm 1,33% so với cùng tháng năm trước. Giá USD bình quân tháng Hai tại liên ngân hàng là 2.281.300 đồng/100 USD, giảm 7.300 đồng/100 USD so với tháng trước.

d. Vận tải hành khách và hàng hóa

 Vận tải hành khách: trong những ngày giáp tết và sau tết tăng cao, do lượng khách về quê ăn tết tăng cao, ngành vận tải xây dựng kế hoạch phục vụ khi nhu cầu phát sinh tăng cao, đặc biệt tại các bến xe là nơi đầu mối giao thông không để ùn tắc. Đồng thời tăng cường các biện pháp giao thông trong đô thị bằng các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe taxi…đảm bảo an toàn, thuận lợi cho người dân đi lại. Ưu tiên, ưu đãi tốt nhất cho những người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, người khuyết tật như giá vé, chỗ ngồi và các dịch vụ khác kèm theo.

 Ước tính vận chuyển hành khách trong tháng Hai đạt 5,92 triệu lượt khách, tăng 11,39% so tháng trước, nhưng vẫn giảm 21,11% so với cùng tháng năm trước; luân chuyển 395,55 triệu HK.km, tăng 11,17% so tháng trước, giảm 20,41% so cùng tháng năm trước. Tính chung 2 tháng vận tải hành khách ước tính đạt 11,23 triệu lượt khách, bằng 14,44% kế hoạch năm, giảm 22,86% so cùng kỳ năm trước, trong đó, Vận tải đường bộ giảm 21,06%; đường biển giảm 5,02% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 751,35 triệu HK.km, bằng 14,56% kế hoạch năm, giảm 22,08% so với cùng kỳ năm trước.

Vận tải hàng hóa: tháng Hai hàng hóa vận chuyển ước tính 1,25 triệu tấn, giảm 2,33% so tháng trước, tăng 0,40% so cùng tháng năm trước; luân chuyển 179,40 triệu tấn.km, giảm 2,08% so tháng trước, tăng 0,48% so cùng kỳ. Tính chung 2 tháng, vận tải hàng hóa ước tính đạt 2,54 triệu tấn, bằng 16,70% kế hoạch năm, tăng 4,78% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 362,62 triệu tấn.km, đạt 16,62% kế hoạch năm, tăng 4,60% so cùng kỳ năm trước.

e. Du lịch

Trong tháng các ngành chức năng đang triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm kích cầu du lịch nội địa trở lại và tiếp tục đón khách du lịch quốc tế đến thành phố Phú Quốc sử dụng “hộ chiếu vắc-xin”; các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh chuẩn bị các điều kiện tốt nhất phục vụ khách du lịch trong dịp tết Nguyên đán Nhâm dần 2022, gắn với việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả, đảm bảo “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và an toàn cho du khách. Công tác phòng chống dịch bệnh luôn tuân thủ theo quy định, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, niêm yết và bán đúng giá, xây dựng các chương trình du lịch phong phú để thu hút du khách. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh với biến thể mới Omicron làm cho một số doanh nghiệp du lịch chưa thể hoạt động hết công suất do thiếu nhân lực phục vụ và tâm lý e ngại của du khách dẫn đến lượng khách đến Kiên Giang tham quan du lịch không bằng cùng kỳ Tết năm trước, nhưng tổng lượt khách trong tháng Hai vẫn tăng so với cùng kỳ.

Ước tính khách du lịch trong tháng Hai đạt 728,72 ngàn lượt khách, tăng hơn 2,23 lần so tháng trước, tăng 59,67% so tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch là 303,31 ngàn lượt khách, tăng hơn 2,27 lần so với tháng trước, và tăng 35,57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khách quốc tế 10,22 ngàn lượt khách, tăng 20,81% so với tháng trước và cùng kỳ năm trước chưa đón khách quốc tế. Tính chung 2 tháng ước đạt 1.055,12 ngàn lượt khách, bằng 18,84% kế hoạch năm, tăng 27,06% so cùng kỳ năm trước. Trong đó lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch là 436,61 ngàn lượt khách, bằng 18,98% kế hoạch năm, giảm 4,22% so cùng kỳ năm trước. Trong đó khách quốc tế 18,69 ngàn lượt khách, đạt 9,34% kế hoạch năm.

Trong 09 ngày nghỉ tết Nguyên đán Nhâm dần 2022, từ ngày 29/01 (27 tết) đến ngày 06/02/2022 (mùng 6 tết) tổng lượt khách tham quan du lịch tại Kiên Giang ước đạt 98.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 5.582 lượt người.

7. Một số tình hình xã hội

a. Lao động, giải quyết việc làm, đào tạo nghề

Tháng Hai, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 3.315 lượt người[9]. Tính chung 02 tháng giải quyết việc làm cho 6.767 lượt người, đạt 19,33% so kế hoạch năm, tăng 5,05% so cùng kỳ[10] năm trước.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo mới 392 người trình độ sơ cấp, nâng tổng số lao động được đào tạo qua 02 tháng lên 658 người, đạt 2,74% kế hoạch năm.

b. Giáo dục

Chuẩn bị tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 THPT, kỳ thi chọn học sinh giỏi vòng tỉnh THCS, THPT. Tổ chức đánh giá ngoài cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Kiểm tra công tác xét tốt nghiệp THCS và quản lý hồ sơ, cấp Bằng tốt nghiệp THCS.

Tăng cường công tác tiêm chủng, phòng chống dịch Covid-19; chỉ đạo cho học sinh lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12 đến trường học trực tiếp từ ngày 07/02/2022; triển khai một số biện pháp cấp bách cho trẻ, học sinh trở lại trường học trực tiếp. Chỉ đạo về việc tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục; báo cáo kết quả lấy ý kiến cha mẹ học sinh về việc cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học, học sinh lớp 6 đi học trực tiếp tại trường dự kiến từ ngày 14/02/2022.

Kết quả học sinh đi học trực tiếp:

Từ ngày 07/02/2022 đến ngày 12/02/2022: Tỷ lệ học sinh đến trường học trực tiếp đạt 93,36%, trong đó học sinh THCS đạt 91,44%; học sinh THPT đạt tỷ lệ 97,26%. Từ ngày 14/02/2022: Số trường tổ chức cho học sinh đến trường học trực tiếp: 639/640 trường đạt 99,84%. Số học sinh đến trường học trực tiếp ở các cấp học đã được thống kê đầy đủ theo từng cấp học, trong đó tỷ lệ học sinh đến trường của cấp THPT là cao nhất, đạt trên 97%.

Trong tháng công tác quản lý, chỉ đạo điều hành tiếp tục được đổi mới, tăng cường phân cấp quản lý đi đôi với kiểm tra, giám sát và đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng thực hiện tốt, góp phần giữ vững kỷ cương, nền nếp trường, lớp học, góp phần ổn định và phát triển sự nghiệp giáo dục.

c. Tình hình y tế

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp; chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện sàng lọc, chủ động tăng cường các biện pháp ứng phó, thực hiện tốt công tác phân luồng, sàng lọc người bệnh. Chỉ đạo hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp...Tiếp tục điều tra, truy vết, cách ly những trường hợp nhập cảnh trái phép và trở về từ vùng dịch; kiểm tra Bộ tiêu chí phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp tại các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thành phố, phòng khám và trạm y tế.

Tình hình dịch bệnh:

- Tình hình dịch Covid-19: từ khi xuất hiện dịch trên địa bàn đến ngày 20/02/2022, toàn tỉnh ghi nhận 34.267 trường hợp mắc Covid-19 (trong đó có 106 ca nhập cảnh và 34.161 ca nhiễm trong tỉnh), đã điều trị khỏi 32.847 trường hợp, 897 trường hợp tử vong, 523 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong tỉnh.

Hiện tại đang cách ly tập trung 1.396 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 10.057 trường hợp; theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 3.055 trường hợp. Tổng số trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 là 380.321 trường hợp, trong đó số trường hợp có kết quả dương tính 34.267 trường hợp.

Tình hình tiêm vắc xin phòng Covid – 19:

Người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ mũi cơ bản là 1.158.198 người, đạt tỷ lệ 97,30%.

Trẻ từ 12-17 tuổi, tiêm mũi 1 với số lượng 166.893 trẻ, đạt tỷ lệ 96,49%; mũi 2 với số lượng 158.222 trẻ, tỷ lệ 91,48%.

- Bệnh sốt xuất huyết trong tháng ghi nhận 24 cas, trong đó có 03 cas sốt xuất huyết nặng tại huyện An Biên), tăng 09 cas so với tháng trước. Trong tháng số cas mắc cao nhất là huyện Vĩnh Thuận: 05 cas, huyện An Biên: 03 ca, huyện Giồng Riềng: 03 ca, không có trường hợp tử vong.

- Bệnh tay chân miệng trong tháng không ghi nhận cas mắc mới, giảm 01 ca so với tháng trước. Không có trường hợp tử vong.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: thực hiện thanh, kiểm tra 1.931 cơ sở, trong đó có 1.635 cơ sở đảm bảo VSATTP theo quy định (82,48%) và 296 cơ sở chưa đảm bảo VSATTP (17,52%), qua đó đã xử phạt vi phạm hành chính 02 cơ sở với số tiền 6,6 trệu đồng, tiêu hủy sản phẩm vi phạm của 10 cơ sở gồm 10 loại sản phẩm với số lượng 98 kg thực phẩm không có nhãn, quá hạn sử dụng, chứa hóa chất ngoài danh mục của Bộ Y tế quy định; đồng thời nhắc nhở và hướng dẫn cơ sở thực hiện việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong tháng không ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm nào.

d. Hoạt động Văn hóa, Thể dục thể thao

- Hoạt động Văn hóa:

Trong tháng tập trung tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị; nhất là tuyên truyền kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2022), kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2022).

 Công tác gia đình được quan tâm chỉ đạo, nhấn mạnh vai trò của giáo dục gia đình đối với sự hình thành nhân cách con người Việt Nam. Công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động chuyên ngành như: pháp chế, tổ chức cán bộ, kế hoạch tài chính, cấp phép, thẩm định, thanh tra, kiểm tra được chú trọng, tổ chức thường xuyên, kịp thời, đảm bảo các hoạt động văn hóa và thể thao diễn ra lành mạnh, an ninh, trật tự.

Trung tâm Văn hóa tỉnh: phối hợp đoàn Cải lương nhân dân Kiên Giang và đoàn nghệ thuật Khmer phục vụ văn nghệ thực hiện ghi hình Chương trình nghệ thuật Mừng xuân Nhâm Dần 2022 phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang; tổ chức Hội thi gói bánh tét Đón xuân Nhâm Dần 2022.

Công tác gia đình và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”: tổng hợp, thẩm định khoảng 800 hồ sơ công nhận lại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa cho 11 huyện, thành phố.

- Hoạt động Thể dục thể thao:

Thể dục thể thao quần chúng: theo dõi tình hình diễn biến của dịch Covid - 19, để tổ chức các sự kiện thể dục, thể thao trong tình hình mới và tổ chức Đại hội TDTT cơ sở trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Phòng văn hóa và thông tin, trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thanh các huyện, thành phố bên cạnh tổ chức các hoạt động thể dục thể thao quần chúng vẫn tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid – 19 tại địa phương.

Thể thao thành tích cao: cử đội tuyển Cờ vua tham dự giải vô địch Cờ vua quốc gia từ ngày 22/02/2022 – 06/3/2022 tại Bắc Giang; cử đội tuyển Bắn cung tham dự Giải vô địch Cung thủ xuất sắc quốc gia từ ngày 26/02 – 07/3/2022 tại Thừa Thiên Huế.

e. Tình hình an toàn giao thông

Tính từ ngày 15/01/2022 đến 14/02/2022, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông, làm 7 người chết, 4 người bị thương. So với tháng trước số vụ tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương không tăng, giảm. So với tháng cùng kỳ năm trước: số vụ tai nạn giao thông giảm 7 vụ (giảm 37,50%), số người chết giảm 04 người (giảm 26,32%), số người bị thương giảm 9 người (giảm 63,64%).

Tình hình tai nạn giao thông trong 2 tháng đầu năm giảm cả 03 tiêu chí so với cùng kỳ (cụ thể giảm số vụ, giảm số người chết và giảm số bị thương). Các ngành chức năng cần thường xuyên tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền, vận động nhân dân gương mẫu chấp hành Luật giao thông khi tham gia giao thông, để mọi người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn trong thời gian tới.

f. Tình hình cháy, nổ và thiên tai

Tình hình cháy nổ: từ ngày 15/01/2022 đến 14/02/2022 toàn tỉnh xảy ra 01 cháy, không xảy ra vụ nổ. Cụ thể: vào lúc 4 giờ 30 phút sáng ngày 23/01/2022, xảy ra 01 vụ cháy các ki-ôt số 01, 02, 03, 09, 10, 11 tại khu chợ Bách Hóa – Trung tâm thương mại Hà Tiên, thuộc khu phố 4, phường Đông Hồ, thành phố Hà Tiên. Nguyên nhân cháy đang được điều tra. Không có thiệt hại về người, ước thiệt hại về tài sản 800 triệu đồng. Tính chung 02 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy, không có vụ nổ, không có người chết và bị thương. Thiệt hại ước tính khoảng 1.170 triệu đồng.

Tình hình thiên tai: Tính từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/02/2022, toàn tỉnh không xảy ra thiên tai.

Tải về: - Số liệu Kinh tế - xã hội tháng 02 và 02 tháng năm 2022 của tỉnh Kiên Giang;

             - Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 02 năm 2022 của tỉnh Kiên Giang


[1] Diện tích gieo trồng ở các huyện như Hòn Đất 79.969 ha, Giồng Riềng 46.659 ha, Tân Hiệp 36.803 ha, Giang Thành 29.280 ha, Gò Quao 25.245 ha, Kiên Lương 23.500 ha, Châu Thành 19.151 ha, An Biên 7.439 ha, U Minh Thượng 6.485 ha, Rạch Giá 5.488 ha, Vĩnh Thuận 3.818 ha.

[2] Chia ra: Giá trị khai thác giảm 7,68% so tháng trước, giảm 2,41% so cùng kỳ; giá trị nuôi trồng giảm 26,20% so tháng trước, giảm 10,49% so cùng kỳ.

[3] Chia ra: Giá trị khai thác giảm 2,93%; nuôi trồng giảm 10,49% so với cùng kỳ.

[4] Trong đó: ngành chế biến thực phẩm bằng 79,46%; ngành sản xuất đồ uống bằng 60,39%...

[5] Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 93,62% trong tổng số, bằng 78,32%...

[6] Thu lệ phí trước bạ, đạt 24,89% dự toán, tăng 49,27% so cùng kỳ; thu thuế khu vực công thương nghiệp ngoài NN đạt 29,37% dự toán, tăng 22,93%; Thu phí và lệ phí đạt 28,31% dự toán, tăng 9,17%; Thu thuế thu nhập cá nhân đạt 20,13% dự toán, tăng 8,92%.

[7] So với tháng trước, giá trị hàng nông sản giảm 9,62%; hàng thủy hải sản tăng 136,27%; nguyên liệu giày da tăng 101,97%.

[8] Trong đó: hàng nông sản 20,10 triệu USD, đạt 7,47% kế hoạch năm, giảm 15,69% so cùng kỳ; nguyên liệu Giày da 19,93 triệu USD, đạt 15,33% kế hoạch, tăng 17,65%.

[9] Trong đó: trong tỉnh 1.841 lượt người; ngoài tỉnh 1.474 lượt người.

[10] Trong đó: trong tỉnh 3.636 lượt người; ngoài tỉnh 3.129 lượt người, xuất khẩu lao động 02 người.

 


 



 

 

Số lần đọc: 911
Cục thống kê Kiên Giang
Tin liên quan