Tin nóng
31.08.2020

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp

Vụ Hè thu (kể cả Xuân hè): kết thúc gieo trồng lúa vụ Hè thu, toàn tỉnh đã gieo trồng được 283.284 ha, vượt 0,10% kế hoạch[1] và giảm 2,37% so với vụ Hè thu năm trước. Đến nay diện tích đã thu hoạch 129.429 ha, năng suất trên diện tích đã thu hoạch ước tính đạt 5,62 tấn/ha.

Diện tích bị nhiễm sâu bệnh trên lúa hè thu trong tháng là 35.267 ha, các đối tượng gây hại như bệnh đạo ôn lá 10.112 ha, sâu cuốn lá 9.244 ha, đạo ôn cổ bông 1.958, lem lép hạt 7.956 ha, cháy bìa lá 3.773 ha, rầy nâu 1.501 ha. Ngoài ra còn một số bệnh khác như OBV, sâu đục thân, ngộ độc phèn… cũng xuất hiện, gây hại ở mức độ nhẹ và rải rác.

Vụ Thu đông (Vụ 3): tính đến ngày 15/8, toàn tỉnh đã gieo trồng được 82.634 ha, vượt 14,77% kế hoạch[2]. Diện tích bị nhiễm sâu bệnh trên lúa thu đông hiện nay là 10.112 ha, các đối tượng gây hại chủ yếu gồm bệnh đạo ôn lá 6.417 ha, sâu cuốn lá 88 ha, cháy bìa lá 2.386 ha, rầy nâu 165 ha…

Cây rau, màu: tính đến 15/8 toàn tỉnh đã gieo trồng một số loại cây rau màu chủ yếu với diện tích như sau: dưa hấu 1.417 ha, tăng 35,60% so cùng kỳ; khoai lang 1.338 ha, tăng 27,43%; khoai mì 351 ha, tăng 0,29%; rau đậu các loại 7.570 ha, giảm 3,39%.

Chăn nuôi

Kết quả điều tra chăn nuôi tại thời điểm 01/7/2020, toàn tỉnh có một số loại vật nuôi so với cùng thời điểm năm trước có biến động như sau: đàn trâu có 4.234 con, giảm 15,49% (giảm 776 con); đàn bò 11.899 con, giảm 4,09% (giảm 507 con); đàn heo 199.487 con, giảm 5,49% (giảm 11.581 con); đàn gia cầm 4,214 triệu con, giảm 1,03% (giảm 44.000 con).

Chăn nuôi heo đang từng bước được hồi phục, sau khi UBND tỉnh công bố hết dịch tả heo châu Phi trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, do nguồn cung giống còn thiếu hụt, giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao làm cho chi phí đầu vào và giá thành chăn nuôi còn rất cao, nên mặc dù giá heo hơi hiện nay tuy có giảm so với tháng trước nhưng vẫn đang ở mức khá cao, nhưng người dân vẫn chưa yên tâm để đầu tư tái đàn, nên việc tái đàn heo của tỉnh vẫn còn chậm và còn rất khó khăn.

b. Lâm nghiệp

Các ngành chức năng thường xuyên phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về phòng chống cháy rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, đồng thời duy trì thường xuyên công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng nhằm hạn chế thiệt hại. Trong tháng đã xảy ra 3 vụ vi phạm chặt phá, lấn chiếm đất rừng ở huyện Phú Quốc với diện tích thiệt hại khoảng 0,198 ha, tính chung 8 tháng đã có 26 vụ vi phạm lấn chiếm, chặt phá rừng với diện tích khoảng 2,76 ha rừng.

c. Thủy sản

Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 2010): Tháng Tám ước tính đạt 2.732,86 tỷ đồng, giảm 18,11% so với tháng trước, giảm 10,75% so cùng kỳ[3] năm trước. Tính chung 8 tháng, ước tính đạt 21.337,56 tỷ đồng, đạt 67,24% kế hoạch năm, tăng 3,00% so cùng kỳ[4] năm trước.

Sản lượng thủy sản (cả khai thác và nuôi trồng): Tháng Tám ước đạt 73.239 tấn, giảm 6,27% so với tháng trước (giảm 4.899 tấn) và giảm 8,14% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đạt 554.318 tấn, đạt 73,42% kế hoạch năm, giảm 1,02% so cùng kỳ. Chia ra:

Sản lượng khai thác tháng Tám ước đạt 46.772 tấn, giảm 3,43% so tháng trước, giảm 6,21% so cùng kỳ (giảm 3.096 tấn). Tính chung 8 tháng ước tính được 385.390 tấn, đạt 77,86% kế hoạch năm, giảm 3,77% (giảm 15.110 tấn) so cùng kỳ[5].

Sản lượng nuôi trồng tháng Tám ước đạt 26.467 tấn, giảm 10,90% (giảm 3.237 tấn) so với tháng trước, giảm 11,36% (giảm 3.392 tấn) so cùng kỳ năm trước. Sản lượng nuôi trồng trong tháng giảm so với tháng trước là do giảm sản lượng ngêu, sò, hến nuôi ngoài biển. Tính chung 8 tháng ước tính sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch đạt 168.928 tấn, đạt 64,97% kế hoạch năm, tăng 5,89% (tăng 9.390 tấn) so cùng kỳ năm trước[6].

2. Công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): tháng Tám, tăng 3,36% so tháng trước và tăng 7,28% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với tháng trước, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,52%; ngành khai khoáng tăng 0,53%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 3,08%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý chất thải, nước thải tăng 0,38%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): tháng Tám ước đạt 4.442,15 tỷ đồng, tăng 4,45% so tháng trước, tăng 7,46% so cùng kỳ năm trước.[7] Tính chung 8 tháng ước đạt 31.823,76 tỷ đồng, đạt 61,56% kế hoạch năm, tăng 4,51% so với cùng kỳ năm trước[8].

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 8 tháng có tăng so cùng kỳ như, gạch các loại tăng 3,35%; gỗ MDF tăng 3,34%; điện thương phẩm tăng 9,91%; nước máy tăng 6,39%. Tuy nhiên, vẫn còn một số sản phẩm giảm khá nhiều so cùng kỳ năm trước như, bia các loại giảm 35,32%; bột cá giảm 17,27%... nguyên nhân giảm là do ảnh hưởng chung tình hình dịch bệnh Covid – 19 đang còn diễn biến phức tạp trên thế giới nói chung và nước ta nói riêng.

 Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Tám bằng 88,13% so với tháng trước. Trong đó, ngành chế biến thực phẩm bằng 89,21%; ngành sản xuất đồ uống tăng 9,85%...

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Tám tăng 7,61% so với tháng trước. Trong đó ngành chế biến thực phẩm tăng 48,85%. Còn lại các ngành khác đều giảm so với tháng trước như, sản xuất đồ uống chỉ bằng 86,76%, sản xuất trang phục bằng 98,06% và sản xuất xi măng bằng 84,48%...

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2020 tăng 4,50% so tháng trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 5,21%.

3. Vốn đầu tư thực hiện (vốn ngân sách nhà nước)

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng Tám (Số giải ngân đến 15/8/2020) ước tính đạt 336,31 tỷ đồng, tăng 1,81% so với tháng trước, tăng 64,12% so cùng kỳ năm trước. Trong đó Vốn cân đối ngân sách địa phương 174,98 tỷ đồng, giảm 15,25% so tháng trước, tăng 19,12% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước ước thực hiện 1.933,26 tỷ đồng, đạt 31,65% kế hoạch năm, tăng 10,57% so cùng kỳ. Trong đó: vốn cân đối ngân sách địa phương 1.042,13 tỷ đồng, đạt 27,26% kế hoạch, giảm 3,04% so cùng kỳ (chia ra: vốn xổ số kiến thiết được 408,88 tỷ đồng, đạt 27,17% kế hoạch, tăng 19,55% so cùng kỳ, vốn đầu tư trong cân đối NSĐP 348,69 tỷ đồng, đạt 29,14% kế hoạch, giảm 14,19% so cùng kỳ).

4. Thu, chi ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách tháng Tám ước đạt 461 tỷ đồng, giảm 28,89% so tháng trước, giảm 48,93% so cùng kỳ. Trong đó thu nội địa 459 tỷ đồng, giảm 28,52% so với tháng trước, giảm 45,93% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng tổng thu ngân sách ước tính đạt 8.217,52 tỷ đồng, đạt 71,21% dự toán, tăng 9,76% so cùng kỳ. Trong đó thu nội địa 8.027,11 tỷ đồng, đạt 70,66% dự toán, tăng 9,48% và chiếm 97,68% tổng thu ngân sách. So với cùng kỳ năm trước, có một số khoản thu tăng khá cao[9], bên cạnh đó vẫn còn một số khoản thu đạt thấp như thu từ doanh nghiệp nhà nước TW mới đạt 41,90% dự toán năm, bằng 61,95% so với cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt 48,48% dự toán, bằng 77,22% so với cùng kỳ; thu lệ phí trước bạ đạt 50,49% dự toán, bằng 84,51%; thu thuế thu nhập cá nhân đạt 50,09% dự toán, bằng 85,53% so cùng kỳ...

Tổng chi ngân sách địa phương tháng Tám ước chi 1.101,55 tỷ đồng, giảm 4,49% so với tháng trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển 303,67 tỷ đồng, giảm 17,02% so tháng trước; chi thường xuyên 797,89 tỷ đồng, tăng 1,33% so tháng trước. Tính chung 8 tháng, tổng chi ngân sách địa phương 7.721,99 tỷ đồng, đạt 46,84% dự toán năm, tăng 6,10% so cùng kỳ năm trước[10].

5. Ngân hàng

Hoạt động tín dụng, huy động vốn trên địa bàn diễn biến phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ước tính đến 31/8/2020, tổng nguồn vốn hoạt động đạt 98.900 tỷ đồng, tăng 4,11% so đầu năm, tăng 0,72% so với tháng trước. Trong đó: Vốn huy động tại địa phương ước đạt 52.800 tỷ đồng (chiếm 53,39% tổng nguồn vốn hoạt động), tăng 4,52% so đầu năm và tăng 0,13% so với tháng trước. 

Doanh số cho vay trong tháng ước đạt 11.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay ước đạt 82.500 tỷ đồng, tăng 2,80% so đầu năm, tăng 0,83% so tháng trước.

Nợ xấu nội bảng ước tính 1.000 tỷ đồng, chiếm 1,21% tổng dư nợ.

Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp của chính sách tiền tệ, tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho tổ chức, cá nhân vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hạn hán, xâm nhập mặn,... như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường nhằm khôi phục, ổn định sản xuất kinh doanh.

6. Thương mại, dịch vụ

a. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng

Tình hình thị trường bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tháng Tám tuy có tăng nhưng không cao so với tháng trước, là do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 quay trở lại tại Đà Nẵng vào cuối tháng 7 và lây lan sang nhiều tỉnh, thành trong cả nước, diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng Tám ước đạt 9.554,66 tỷ đồng, tăng 4,00% so tháng trước, tăng 5,98% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, ước đạt 71.182,14 tỷ đồng, đạt 58,47% kế hoạch năm, tăng 1,15% so với cùng kỳ. Chia theo ngành hoạt động:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng Tám ước đạt 7.203,71 tỷ đồng, tăng 4,93% so tháng trước, tăng 7,44% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng ước tính đạt 53.566,46 tỷ đồng, đạt 60,37% kế hoạch năm, tăng 4,20% so cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng Tám ước tính 1.260,90 tỷ đồng, tăng 0,71% so tháng trước, nhưng vẫn giảm 3,04% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng ước đạt 9.392,28 tỷ đồng, đạt 52,67% kế hoạch năm, giảm 10,35% so cùng kỳ.

Doanh thu du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch tháng Tám do còn ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động dịch vụ này dự kiến chỉ đạt 13,42 tỷ đồng, tăng 3,57% so với tháng trước, chỉ bằng 37,19% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng ước đạt 108,39 tỷ đồng, đạt 21,60% kế hoạch năm, chỉ bằng 35,31% so cùng kỳ năm trước.

Doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng Tám ước đạt 1.076,63 tỷ đồng, tăng 1,83% so với tháng trước, tăng 10,53% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng ước tính 8.115,01 tỷ đồng, đạt 55,27% kế hoạch, giảm 0,80% so cùng kỳ năm trước.

b. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Tám ước tính đạt 64,53 triệu USD, tăng 30,81% so với tháng trước và giảm 4,29% so cùng kỳ năm trước[11]. Tính chung 8 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 461,56 triệu USD, đạt 59,17% kế hoạch năm, tăng 9,65% so với cùng kỳ năm trước.[12]

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Tám ước đạt 8,50 triệu USD, tăng 15,80% so với tháng trước, chỉ bằng 31,17% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng ước đạt 99,18 triệu USD, đã vượt 23,98% kế hoạch năm, tăng 19,42% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu, chủ yếu vẫn là nguyên liệu dùng cho sản xuất.

c. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng này giảm 0,33% so với tháng trước; tăng 4,33% so với cùng tháng năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 5 nhóm hàng giảm so với tháng trước, trong đó nhóm may mặc, giầy dép và mũ nón giảm cao nhất (giảm 0,83%); kế đến là nhóm nhà ở điện nước và vật liệu xây dựng giảm 0,79%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,44%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,43% và nhóm văn hoá giải trí và du lịch giảm 0,02%. Có 4 nhóm hàng tăng so với tháng trước, trong đó nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng cao nhất (tăng 0,27%); kế đến là nhóm giao thông tăng 0,14%; nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 0,02%; nhóm giáo dục tăng 0,01%. Các nhóm còn lại không tăng, giảm.

Chỉ số giá vàng: giá vàng tháng 8 đã tăng 7,86% so với tháng trước, tăng 28,87% so với tháng 8 năm trước và bình quân 8 tháng so với cùng kỳ năm trước chỉ số giá vàng đã tăng 25,85%. Vàng nhẫn mức giá bình quân trong tháng 8 là 5.392.000 đồng/chỉ, tăng 197.000 đồng/chỉ so với tháng trước.

Giá vàng trên địa bàn trong tháng biến động theo xu hướng chung của giá vàng trong nước và thế giới; theo đó, tăng mạnh trong 10 ngày đầu tháng, sau đó quay đầu giảm nhẹ (mức biến động từ 1-4 triệu đồng/lượng, có thời điểm mức giá bán ra cao nhất đạt 62 triệu đồng/lượng); chênh lệch giữa giá mua và giá bán khá cao từ 7-11 triệu đồng/lượng. Đến thời điểm báo cáo, giá mua vào là 50 triệu đồng/lượng và giá bán ra là 57 triệu đồng/lượng.[13].

Chỉ số giá Đô la Mỹ: giá đô la Mỹ đang có xu hướng giảm nhẹ, tháng 8 chỉ số giá đồng đô la Mỹ so với đồng nội tệ đã giảm 0,03% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 0,02% và so với bình quân cùng kỳ tăng 0,20%. Giá đô la Mỹ bình quân tháng 8 được liên ngân hàng niêm yết là 2.327.000 đồng/100USD, giảm 3.199 đồng so với tháng trước.

d. Vận tải

Vận tải hành khách: tháng Tám ước đạt 6,51 triệu lượt khách, giảm 8,73% so tháng trước, giảm 22,10% so cùng kỳ; luân chuyển 340,57 triệu HK.km, giảm 22,84% so tháng trước, giảm 22,00% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng vận tải hành khách ước tính 48,58 triệu lượt khách, đạt 49,19% kế hoạch năm, giảm 17,27% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 3.256,92 triệu HK.km, đạt 50,19% kế hoạch, giảm 18,93% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải đường biển giảm nhiều nhất, giảm 19,29% so cùng kỳ, kế đến là đường bộ giảm 18,91%.

Vận tải hàng hóa: tháng Tám ước đạt 1.116 ngàn tấn, giảm 3,38% so với tháng trước, giảm 0,62% so cùng tháng năm trước; luân chuyển 138,75 triệu tấn.km giảm 5,77% so tháng trước, giảm 1,56% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng, vận tải hàng hóa ước tính 7,98 triệu tấn, đạt 57,00% kế hoạch, giảm 1,78% so cùng kỳ; luân chuyển 1.076,40 triệu tấn.km, đạt 54,35% kế hoạch, giảm 2,35% so cùng kỳ năm trước.

e. Du lịch

Lượng khách du lịch trong tháng Tám đã giảm đáng kể trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại, hơn nữa thời tiết không thuận lợi do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa, lốc làm cho việc đi lại của nhân dân nói chung và đi du lịch nói riêng thêm khó khăn; trên tuyến đường biển một số phương tiện phải ngưng hoạt động một số ngày nên lượng khách du lịch đến tỉnh đã giảm nhiều so với tháng trước. Ước tính tổng lượt khách du lịch tháng Tám đạt 597,79 ngàn lượt khách, giảm 41,08% so với tháng trước, giảm 24,60% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng ước đạt 4.030,22 ngàn lượt khách, đạt 43,20% kế hoạch năm, giảm 35,17% so cùng kỳ năm trước. Trong đó lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch đạt 1.646,32 ngàn lượt khách, đạt 35,84% kế hoạch năm, giảm 40,97% so cùng kỳ năm trước (số khách quốc tế 160,96 ngàn lượt khách, đạt 21,46% kế hoạch năm, giảm 68,76% so cùng kỳ năm trước).

7. Một số tình hình xã hội

a. Lao động, giải quyết việc làm, đào tạo nghề

Tháng Tám toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 2.650 lượt người, trong đó: trong tỉnh 1.814 lượt lao động, ngoài tỉnh 802 lượt lao động. Tính chung 8 tháng giải quyết việc làm cho 21.894 lượt người, đạt 62,55% kế hoạch năm, giảm 11,54% so cùng kỳ năm trước[14]. Trong tháng, đã tư vấn việc làm cho 4.397 lượt lao động, lũy kế 24.099 lượt lao động, trong đó có việc làm ổn định 1.478 lao động; giải quyết trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 1.869 lao động, lũy kế 10.665 lao động.

Trong tháng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh và đào tạo nghề cho 3.016 người (trong đó sơ cấp 933 người và dạy nghề dưới 03 tháng 1.353 người). Tính chung từ đầu năm đến nay đã đào tạo được 13.576 người đạt 54,30% kế hoạch năm[15].

b. Giáo dục

Ngành giáo dục tiến hành tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2020-2021, hướng dẫn các đơn vị, trường học chuẩn bị các điều kiện cho năm học 2020-2021. Tổ chức thực hiện thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2019-2020 trên địa bàn tỉnh. Tổ chức phúc khảo tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2020 - 2021. Báo cáo kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ về Bộ GDĐT theo quy định. Tổng hợp kết quả khảo sát môn Tiếng Anh lớp 5 trên địa bàn tỉnh, có 14/15 huyện, thành phố thực hiện với 13.511 học sinh tham gia, số học sinh đạt điểm 9, 10 là 1.376 HS (chiếm 10,18%), đạt điểm 7, 8 là 3.576 (chiếm 26,47%), đạt điểm 5, 6 là 3.950 (chiếm 29,24%), còn lại là dưới 5 điểm.

c. Y tế

Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19

Tính đến ngày 18/8/2020, toàn tỉnh ghi nhận 01 trường hợp mắc COVID-19 đã điều trị khỏi. Hiện tại cách ly tập trung 107 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi cư trú 57 trường hợp.

Kết quả rà soát các trường hợp trở về từ Đà Nẵng và các địa phương khác có liên quan, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có 1.302 người. Đã cách ly tập trung 31 trường hợp, cách ly tại nhà 693 trường hợp, số còn lại tổ chức theo dõi sức khỏe tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm 397 mẫu, kết quả 397 mẫu đều âm tính.

Tổng số trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 là 2.772, số trường hợp có kết quả dương tính là 01, số trường hợp có kết quả âm tính là 2.771.

Tình hình dịch bệnh trong tháng (từ ngày 10/7/2020 – 10/8/2020):

Trong tháng, do thời tiết chuyển mùa nên các loại bệnh như, sốt xuất huyết, tay chân miệng,... đều có xu hướng tăng[16]. Ngoài ra, còn các bệnh khác mắc tăng so với tháng trước như: lỵ amíp (01/00), sốt phát ban nghi sởi (02/01), tiêu chảy (333/223), uốn ván khác (02/00). Các bệnh khác giảm so với tháng trước như: cúm (84/129), lỵ trực trùng (01/17), viêm gan virut (6/18). Không có tử vong.

Phòng chống HIV/AIDS trong tháng tổng số mẫu giám sát phát hiện là 7.130 mẫu trong đó thực hiện xét nghiệm, sàng lọc 2.768 mẫu và số mẫu xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế là 4.362 mẫu máu, phát hiện mới 13 cas HIV dương tính, tăng 5 cas so với tháng trước[17].

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: thực hiện thanh, kiểm tra 979 cơ sở, có 897 cơ sở đảm bảo VSATTP theo quy định, 82 cơ sở chưa đảm bảo VSATTP[18]. Trong tháng, toàn tỉnh ghi nhận 22 cas ngộ độc cồn, không có trường hợp tử vong.

Theo báo cáo của BHXH tỉnh, ước tính đến 15/8/2020: tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,45%, tương ứng với 1.529.132 người tham gia, tăng 0,2% so với tháng trước; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm xã hội đạt 11,20%, tương ứng với 103.653 người (trong đó: số người tham gia BHXH bắt buộc 92.637 người, tăng 466 người so với tháng trước, số người tham gia BHXH tự nguyện 11.016 người, tăng 239 người so với tháng trước); tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 8,80% so với lực lượng lao động, tương ứng với 81.448 người tham gia, tăng 488 người so với tháng trước.

d. Hoạt động Văn hóa, Thể dục thể thao

Hoạt động Văn hóa, tổ chức tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2020) và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2020), 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2020), 75 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945 -28/8/2020); tập trung tổ chức tuyên truyền, cổ động phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hoạt động Thể dục thể thao, tham gia giải Đua ghe ngo tại Đại hội Thể thao đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VIII - năm 2020 tại Trà Vinh.[19] Tổ chức thành công giải Võ cổ truyền tỉnh Kiên Giang.[20]

 Bên cạnh đó, do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên cả nước nên đã tạm hoãn tổ chức giải Thể dục Thể hình và Fitness; tạm hoãn giải Taekwondo tỉnh Kiên Giang và Hội thao công nhân, viên chức, lao động tỉnh Kiên Giang; việc tham dự các giải tại Đại hội Thể thao đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VIII - Vĩnh Long năm 2020 và các giải đấu khác sẽ hoãn thi đấu cho đến khi có thông báo mới của Ban Tổ chức.

 e. Tai nạn giao thông

Tính từ ngày 15/7/2020 đến 14/8/2020 toàn tỉnh xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông, làm 5 người chết, 6 người bị thương, trong đó hầu hết là số vụ tai nạn nghiêm trọng. Số vụ tai nạn giao thông bằng tháng trước, nhưng số người chết giảm 2 người, số người bị thương tăng 2 người. So với cùng kỳ năm trước, giảm 3 vụ TNGT, số người chết tăng 2 người, số người bị thương giảm 7 người. Tính chung 8 tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 82 vụ tai nạn giao thông, làm 49 người chết, 48 người bị thương, trong đó số vụ TNGT nghiêm trọng là 75 vụ, làm 49 người chết và 41 người bị thương. Tuy tai nạn giao thông vẫn còn khá nghiêm trọng và phức tạp, nhưng so với cùng kỳ năm trước, tai nạn giao thông đã giảm đáng kêt trên cả 3 mặt: giảm 12 vụ, giảm 7 người chết và giảm 15 người bị thương.

f. Tình hình cháy, nổ và thiên tai

Tình hình cháy nổ: từ ngày 15/7/2020 đến 14/8/2020 toàn tỉnh xảy ra 04 vụ cháy, trong đó cháy 03 căn nhà và 01 tàu du lịch chở khách. Thiệt hại ước tính 2 tỷ 435 triệu đồng, không có thương vong về người. Tính chung 8 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 23 vụ cháy, 01 vụ nổ làm 2 người chết, 17 người bị thương, thiệt hại ước tính 12 tỷ 300 triệu đồng.

Tình hình thiên tai: từ ngày 15/7/2020 đến 14/8/2020 do ảnh hưởng hoàn lưu bảo số 2, nên hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra mưa lớn kèm lốc xoáy nhiều nơi đã làm 32 căn nhà bị ngập nước tại huyện Phú Quốc, sập hoàn toàn 172 căn nhà, tốc mái 428 căn nhà, đặc biệt trong những cơn dông đã có hiện tượng sét xảy ra và đánh chết 2 người (huyện Giang Thành 01 người, An Minh 01 người), làm chìm 12 tàu cá của ngư dân (huyện Phú Quốc 8 tàu, An Minh 02 tàu, Hòn Đất 01 tàu, Kiên Hải 01 tàu) và 01 tàu chở hàng ở huyện Kiên Hải; hư hỏng 30 km lộ giao thông nông thôn ở huyện Kiên Hải và sạt lở 100m đường bờ biển tại huyện Phú Quốc. Ước thiệt hại về vật chất trên 11,586 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng tình hình thời tiết, thiên tai đã làm sập hoàn toàn 195 căn nhà, tốc mái 484 căn, làm ngập nước 32 căn, chìm 12 tàu cá của ngư dân và 01 tàu chở hàng; hư hỏng 30 km lộ giao thông nông thôn, sạt lở 100m đường bờ biển và sét đánh làm chết 03 người, 03 người bị thương. Ước thiệt hại gần 12,6 tỷ đồng.

Tóm lại: trong tháng 8 tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục gặp nhiều khó khăn trước sự bùng phát trỏ lại của dịch Covid-19 và tình hình thời tiết trong tháng cũng không mấy thuận lợi do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa, gió lốc.  8 tháng chỉ có lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và thu ngân sách là đạt mức kế hoạch năm tương đối cao và có thể hoàn thành kế hoạch năm. Còn lại hầu hết các lĩnh vực khác đạt kế hoạch năm còn rất thấp như: GTSX công nghiệp (61,56%), thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách (31,65%), bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (58,47%), xuất khẩu hàng hóa (59,17%), khách du lịch (43,20%),… để phấn đấu cả năm hoàn thành mức kế hoạch cao nhất thì các cấp, ngành cần chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, tạo điều kiện để thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, nhất là việc xuất khẩu gạo và thủy sản vào thị trường châu Âu khi Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam với châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực; chủ động phòng chống mưa, bão, giông lốc để bảo vệ lúa hè thu chưa thu hoạch và lúa thu đông; tăng cường phòng dịch và có giải pháp để thúc đẩy tái đàn heo và phát triển đàn gia cầm./.

Tải về: - Số liệu Kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2020 của tỉnh Kiên Giang;

            - Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 năm 2020 của tỉnh Kiên Giang.


[1] Tập trung ở các huyện Giồng Riềng 46.707 ha, Tân hiệp 36.803 ha, Hòn Đất 78.688 ha, Kiên Lương 23.000 ha, Giang Thành 29.150 ha, Châu Thành 19.159, Gò Quao 26.145 ha, An Biên 7.528 ha,U Minh Thượng 6.735 ha, Vĩnh Thuận 3.879 ha và TP Rạch Giá 5.490 ha.

[2] Tập trung ở các huyện Giồng Riềng 32.635 ha, Tân hiệp 26.568 ha, Hòn Đất 3.135 ha, Giang Thành 13.662 ha, Châu Thành 4.808, Gò Quao 1.044 ha và TP Rạch Giá 782 ha.

[3] Chia ra: Giá trị khai thác giảm 3,47% so tháng trước, giảm 5,90% so cùng kỳ; giá trị nuôi trồng giảm 27,25% so tháng trước, giảm 14,40% so cùng kỳ.

[4] Chia ra: Giá trị khai thác đạt 65,49% kế hoạch năm, giảm 2,88%; nuôi trồng đạt 68,94% kế hoạch, tăng 9,06%.

[5] Trong đó cá khai thác các loại giảm 3,57% (giảm 10.766 tấn); tôm giảm 4,56% (giảm 1.075 tấn); mực giảm 1,75% (giảm 863 tấn).

[6] Trong đó: Cá nuôi tăng 4,23% (tăng 1.789 tấn) so với cùng kỳ và đạt 60,12% kế hoạch; tôm các loại tăng 12,39% (tăng 7.341 tấn) so với cùng kỳ và đạt 78,32% kế hoạch năm.

[7] Trong đó, so với tháng trước ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,52%, chiếm tỷ trọng 97,21% tổng giá trị sản xuất toàn ngành; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 3,08%...

[8] Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 97,07%/tổng số, tăng 4,54%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước tăng 1,27%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 7,46%.

[9] Thu tiền sử dụng đất đạt 102,19% dự toán nhưng giảm 9,67% so cùng kỳ; thu xổ số kiến thiết đạt 89,72% dự toán, tăng 8,16%; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước đạt 261,59% dự toán, tăng gấp nhiều lần năm trước.

[10] Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 34,13% dự toán, giảm 3,96% so với cùng kỳ; chi thường xuyên đạt 58,87% dự toán và tăng 10,37% so với cùng kỳ.

[11] So với tháng trước, giá trị hàng nông sản tăng 108,13%; hàng thủy hải sản tăng 8,22%; nguyên liệu giày da tăng 4,02%.

[12] Trong đó: hàng nông sản 173,88 triệu USD, đạt 75,60% kế hoạch, tăng 51,85% so cùng kỳ; hàng thủy hải sản 140,28 triệu USD, đạt 55,01% kế hoạch, tăng 3,25% so cùng kỳ; nguyên liệu Giày da 81,06 triệu USD, đạt 40,53% kế hoạch, giảm 25,42%.

[13] Theo báo cáo tháng 8/2020 của ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Kiên Giang.

[14] Trong đó trong tỉnh 13.343 lượt; ngoài tỉnh 8.466 lượt, xuất khẩu lao động 85 người.

[15] Trong đó: Cao đẳng 22 người, Trung cấp 917 người, Sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 12.637 người.

[16] Sốt xuất huyết có 56 cas mắc, trong đó có 03 cas sốt nặng (tăng 29 cas so với tháng trước, giảm 483 cas so cùng kỳ). Tay chân miệng có 66 cas mắc (tăng 51 cas so với tháng trước, giảm 66 cas so cùng kỳ), tử vong 0.

[17] Số bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV mới là 30 BN (tích lũy 2.188 BN, trong đó người lớn có 2.096 người; trẻ em dưới 15 tuổi có 92 người). Tính đến thời điểm báo cáo, số người còn sống ở địa phương nhiễm HIV là 2.975 người, trong giai đoạn AIDS là 1.720 người. Số người điều trị Methadone mới trong tháng là 124 người

[18] Đã nhắc nhở và hướng dẫn để thực hiện đúng, đảm bảo VSATTP theo quy định là 81 cơ sở; xử phạt vi phạm hành chính 1 cơ sở với số tiền 4 triệu đồng.

[19] Kết quả: đạt 03 huy chương bạc và 02 huy chương đồng.

[20] Từ ngày 07/8 - 09/8/2020 tại Nhà tập đa môn Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh; tham gia thi đấu có 110 vận động viên nam, nữ đến từ 15 CLB thuộc các cơ quan, trường học, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; các vận động viên tranh tài 16 nội dung quyền và 08 hạng cân đối kháng nam, nữ; thu hút 1.000 lượt người đến xem và cổ vũ.

 

Số lần đọc: 1103
Cục Thống kê Kiên Giang
Tin liên quan