Tin nóng
02.04.2019
Quí I năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh ta phát triển ổn định, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản do thời tiết thuận lợi nên có mức tăng trưởng khá. Du lịch tiếp tục tăng trưởng cao, về sản xuất công nghiệp, các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh phát triển bền vững, các nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp đã phát huy cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; đời sống nhân dân được cải thiện, dịch bệnh được kiểm soát; an ninh chính trị, an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, kết quả sản xuất ở một số lĩnh vực cũng còn gặp khó khăn: tình hình sâu rầy, giá lúa giảm…; thị trường xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn; hoạt động kinh doanh bất động sản có phần bị chựng lại; một vài nguồn thu chưa đạt theo kế hoạch đề ra... Cụ thể từng lĩnh vực như sau:

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)[1] quý I năm 2019 (giá so sánh 2010) ước tính 12.728,56 tỷ đồng, đạt 18,94% kế hoạch năm, tăng 7,54% so với cùng kỳ năm 2018. Chia ra :

- Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản: Tổng giá trị tăng thêm (VA) ước tính 2.724,99 tỷ đồng, đạt 12,04% kế hoạch, tăng 9,22% so cùng kỳ, đóng góp cho tăng trưởng chung khu vực I tăng 1,94 điểm phần trăm, trong đó: Giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp 1.328,58 tỷ đồng, đạt 8,73% kế hoạch, tăng 7,71% so cùng kỳ, đóng góp cho tăng trưởng 0,80 điểm phần trăm; lĩnh vực thủy sản giá trị tăng thêm ước đạt 1.361,16 tỷ đồng đạt 18,78% kế hoạch, tăng 10,99% so cùng kỳ, đóng góp cho tăng trưởng là 1,14 điểm phần trăm.  Tăng trưởng khu vực I quý này cho  thấy  thấp hơn so với cùng kỳ là 1%, trong đó nông nghiệp giảm hơn 2,4% (chỉ đóng góp cho tăng trưởng là 0,8 điểm phần trăm), thủy sản tăng thêm  0,41% (đóng góp cho tăng trưởng là 1,14 điểm phần trăm). Vụ mùa năm nay, do thời tiết thuận lợi nên diện tích, năng suất và sản lượng đều tăng hơn so cùng kỳ, nếu so cùng kỳ thì sản lượng vụ mùa chỉ tăng hơn 52,8 ngàn tấn (Vụ mùa 2017 tăng 130,6 ngàn tấn), làm cho giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp chỉ tăng trên 8,7% so với quý I/2017. Như vậy, ở khu vực I đóng góp cho tăng trưởng quý I/2019 trọng tâm là thủy sản, trong đó nuôi trồng là chính.

- Khu vực công nghiệp và xây dựng: Tổng giá trị tăng thêm ước tính 3.082,74 tỷ đồng, đạt 24,12% kế hoạch, tăng 5,97%, đóng góp cho tăng trưởng chung khu vực II là 1,47 điểm phần trăm, trong đó lĩnh vực công nghiệp giá trị tăng thêm  ước đạt 2.072,78 tỷ đồng, đạt 24,41% kế hoạch, tăng 9,18% so cùng kỳ, đóng góp cho tăng trưởng là 1,472 điểm phần trăm; giá trị gia tăng ngành xây dựng 1.009,96 tỷ đồng, đạt 23,55% kế hoạch, giảm 0,05% so cùng kỳ. Ở khu vực II tốc độ tăng trưởng có chậm lại so cùng kỳ (giảm 1,87%), cho thấy mặc dù quý I năm nay ngành công nghiệp có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, nhưng do giá trị tăng thêm của ngành xây dựng giảm nên đóng góp cho tăng trưởng chung ở khu vực II giảm gần 0,3 điểm phần trăm.

- Khu vực dịch vụ: Tổng giá trị tăng thêm ước thực hiện 6.545,84 tỷ đồng, đạt 22,17% kế hoạch, tăng 7,64% so cùng kỳ, đóng góp cho tăng trưởng chung 3,93 điểm phần trăm (Khu vực III đóng góp cho tăng trưởng tăng cao hơn so cùng kỳ là 0,24 điểm phần trăm), trong đó tăng cao nhất thuộc các ngành : Thương nghiệp bán buôn và bán lẻ tăng 7,58% ; Dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch tăng 11,2%, vận tải tăng 9,95%... còn lại các ngành dịch vụ khác có mức tăng trưởng ổn định.

2. Tài chính, ngân hàng

2.1. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách trên địa bàn: Tháng Ba ước tính thu ngân sách đạt 821,67 tỷ đồng, bằng 84,20% so tháng trước, giảm gần 4,30% so cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách quý I, dự kiến 3.309,92 tỷ đồng, đạt 31,70% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 26,96% so cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa 3.248,75 tỷ đồng, đạt 31,54% dự toán, tăng 25,22% so cùng kỳ, chiếm 98,15% trong tổng thu ngân sách của tỉnh.  Một số khoản thu đạt cao so với dự toán như thu tiền sử dụng đất 784,63 tỷ đồng, đạt 78,46% dự toán, tăng hơn 3,04 lần so với cùng kỳ;  thu phí, lệ phí 56,59 tỷ đồng, đạt 31,44% dự toán, tăng 11,14%; thu từ xổ số kiến thiết 739,84 tỷ đồng, đạt 54,80% kế hoạch, tăng 30,41%... Tuy nhiên, còn các khoản thu đạt thấp so với dự toán như thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt 18,08% dự toán và bằng 74,20% so cùng kỳ; thu từ xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,63% dự toán, bằng 79,73% cùng kỳ, thu thuế công thương nghiệp khu vực ngoài nhà nước đạt 20,43% dự toán, bằng 95,89% so cùng kỳ; thu lệ phí trước bạ đạt 18,47% dự toán, bằng 85,53% cùng kỳ...

Tổng chi ngân sách địa phương: Tháng Ba ước tính chi ngân sách địa phương 1.192,03 tỷ đồng, tăng 31,25% so cùng tháng năm trước. Tổng chi ngân sách quý I dự kiến là 2.443,27 tỷ đồng, đạt 16,20% dự toán, giảm 0,14% so với quý I năm trước. Trong đó: chi thường xuyên 1.734,94 tỷ đồng, đạt 20,01% dự toán, tăng 1,58%; chi đầu tư phát triển 708,34 tỷ đồng, đạt 19,23% dự toán và giảm 0,42% so với quý I năm trước.

2.2. Hoạt động Ngân hàng

Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh quý I/2019 khá ổn định. Các chỉ tiêu huy động vốn và hoạt động tín dụng đã có sự tăng trưởng. Ước đến cuối quý I/2019, một số chỉ tiêu đạt cụ thể như sau:

Tổng nguồn vốn hoạt động đạt 84.650 tỷ đồng, tăng 1,36% so với đầu năm. Cụ thể: Vốn huy động tại địa phương đạt 45.960 tỷ đồng, tăng 0,07% so với đầu năm, chiếm 54,29% tổng nguồn vốn hoạt động. Trong đó, huy động tiền gửi tiết kiệm 34.080 tỷ đồng, giảm 0,71% so đầu năm.

Doanh số cho vay trong quý I/2019 ước đạt 34.700 tỷ đồng, tăng 4,19% so đầu năm. Doanh số cho vay đều tăng trưởng ở các đối tượng là doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân, cũng như đều tăng trưởng ở 2 khu vực (I và III), tuy nhiên ở khu vực II doanh số cho vay giảm 2,62% so với đầu năm, tập trung là ngành xây dựng giảm 15,94% so với đầu năm. Dư nợ cho vay đến 31/3/2019 ước đạt 71.100 tỷ đồng, tăng 3,62% so với đầu năm (cùng kỳ tăng 4,12%).

Nợ xấu nội bảng ước 600 tỷ đồng, chiếm 0,84%/tổng dư nợ.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng trên địa bàn khá ổn định. Tỷ giá vàng và ngoại tệ diễn biến theo xu hướng chung của cả nước và thế giới.

3. Đầu tư và xây dựng

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng Ba ước tính 179,08 tỷ đồng, tăng 24,99% so tháng trước. Trong đó: Vốn cân đối ngân sách địa phương 81,26 tỷ đồng, tăng 10,90%; vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu 68,58 tỷ đồng, tăng 4,61%. Tính chung quý I, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước ước thực hiện 374,27 tỷ đồng, đạt 6,76% kế hoạch năm. Trong đó: Vốn cân đối ngân sách địa phương 173,89 tỷ đồng, đạt 8,15% kế hoạch, tăng 5,05%. Thực hiện giải ngân vốn đầu tư XDCB ước thực hiện quí I/2019 rất thấp, nếu như giá trị giải ngân ở quý I/2018 là 8,35% so KH, thì quý I/2019 chỉ mới đạt 7,55%.

Quí I/2019 tiến độ triển khai đầu tư tại các khu công nghiệp như sau:

Tổng số dự án đầu tư lũy kế đến tháng 3/2019 trong 02 KCN (Thạnh Lộc, Thuận Yên): Có 26 dự án đăng ký đầu tư, với tổng diện tích đăng ký 152,17 ha. Trong đó: có 19 dự án đã cấp GCNĐKĐT, tổng diện tích đăng ký là 82,78 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư là 5.378 tỷ đồng. Chia ra:

KCN Thạnh Lộc: Có 24 dự án đăng ký đầu tư, với diện tích đăng ký 80,57 ha, tỷ lệ lắp đầy (giai đoạn 1) đạt 75%. Trong đó: 18 dự án đã cấp GCNĐKĐT, diện tích đăng ký là 61,04 ha và vốn đăng ký đầu tư là 5.086 tỷ đồng (08 dự án đã đi vào hoạt động; 10 dự án đang thực hiện thủ tục và triển khai xây dựng); 06 dự án đã thoả thuận cho nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư. 

KCN Thuận Yên: Có 02 dự án đăng ký đầu tư, với diện tích đăng ký 71,60 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 81,87%. Trong đó: 01 dự án đã cấp GCNĐKĐT, diện tích đăng ký là 21,74 ha, dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh; 01 dự án đã thỏa thuận cho nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư. 

Ước tính giá trị đầu tư của các dự án trong quý I là 48,70 tỷ đồng. Giá trị sản xuất kinh doanh của các dự án trong 02 KCN (Thạnh Lộc, Thuận Yên) trong quý I đạt 1.174,18 tỷ đồng (số liệu đến ngày 10/3/2019), bằng 90% so với cùng kỳ; nộp ngân sách tỉnh đạt 247,29 tỷ đồng, tăng 150% so với cùng kỳ. Số lượng lao động hiện đang làm việc tại 02 KCN Thạnh Lộc, Thuận Yên là 6.053 lao động.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải tỉnh, năm 2019 vốn đầu tư cho giao thông nông thôn là 328 tỷ đồng tương ứng 328 Km đường, đến nay các địa phương chỉ mới lập danh mục chi tiết thực hiện kế hoạch đầu tư.

4. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản quý I (theo giá so sánh 2010) ước tính 8.727,97 tỷ đồng, đạt 13,85% kế hoạch, tăng 9,88% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, nông nghiệp 2.700,91 tỷ đồng, đạt 8,73% kế hoạch, tăng 7,71% so cùng kỳ năm trước.

4.1. Nông nghiệp

* Vụ Mùa (2018-2019): Toàn tỉnh kết thúc gieo trồng với diện tích 64.075 ha, đạt 106,79% so với kế hoạch, tăng 9,35 % so với cùng kỳ. Diện tích lúa Mùa đến nay đã thu hoạch xong, năng suất đạt 4,98 tấn/ha, sản lượng 319.291 tấn, tăng 19,85% so với vụ mùa năm trước (tăng 52.873 tấn).

Diện tích, năng suất, sản lượng lúa vụ mùa năm nay đều tăng so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân do thời tiết thuận lợi mưa nhiều vào thời điểm cuối năm nên ít bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn. 

* Vụ Đông Xuân (2018-2019): Diện tích gieo trồng 289.094 ha, đạt 101,44% so với kế hoạch, bằng 99,70% so với cùng kỳ, tập trung ở các huyện: Vĩnh Thuận 5.860 ha, U Minh Thượng 7.468 ha, An Biên 8.849 ha, An Minh 100 ha, Giang Thành 29.500 ha, Châu Thành 19.374 ha, Gò Quao 25.230 ha, Kiên Lương 23.500 ha, Hòn Đất 80.278 ha, Rạch Giá 5.423 ha, Tân Hiệp 36.803 ha và Giồng Riềng 46.709 ha. Diện tích đến nay đã thu hoạch được 199.039 ha, năng suất ước đạt 6,85 tấn/ha. Dự kiến bà con sẽ thu hoạch dứt điểm trong tháng Ba.

Diện tích bị nhiễm sâu bệnh trên lúa Đông xuân hiện nay là 7.819 ha, chủ yếu là một số bệnh như lem lét hạt 3.660 ha, vàng lá 1.504 ha, rầy nâu 1.200 ha. Ngoài ra còn các đối tượng gây hại khác như đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá… cũng xuất hiện và gây hại ở mức độ nhẹ.

* Cây rau màu: Tính từ đầu năm đến nay, bà con nông dân gieo trồng các loại cây màu chủ yếu như: Dưa hấu trồng 700 ha, đạt 50,00% kế hoạch năm, tăng 30,84% so cùng kỳ; khoai lang 580 ha, đạt 36,25% so kế hoạch, bằng 95,08% so cùng kỳ; rau đậu các loại 4.170 ha, đạt 37,91% so kế hoạch, tăng 7,47%...

* Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tỉnh từ đầu năm đến nay không có biến động nhiều. Dự báo thời gian tới, tổng đàn gia súc, gia cầm sẽ tăng, là do hiện nay, nhà nước đang có nhiều chương trình dự án hỗ trợ vốn vay chăn nuôi trâu, bò cho nông dân. Đàn heo, đàn gia cầm sẽ được bà con nông dân tái đàn vì giá cả đã ổn định trở lại, tuy nhiên vẫn chỉ với hình thức nuôi nhỏ lẽ, ít áp dụng khoa học kỹ thuật cao trong chăn nuôi. Các ngành chức năng cần tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm nhất là bệnh dịch tả lợn châu phi trên đàn heo.

4.2. Lâm nghiệp

Hiện nay, thời tiết đang bước vào mùa khô hạn, gió mạnh nên dễ xảy ra nguy cơ cháy rừng. Ở một số địa phương đang cảnh báo có nguy cơ cháy cao, lực lượng kiểm lâm đã bố trí lực lượng, quản lý các trang thiết bị sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra, những nơi có nguy cơ cháy được tổ chức các chòi canh và thực hiện chế độ trực 24/24 giờ đến hết mùa khô. Tuy nhiên, vào ngày 6/3/2019 đã xảy ra 1 vụ cháy rừng khu 56 ha, thuộc tiểu khu 126 của lâm trường 422 quản lý, diện tích rừng bị cháy khoảng 3,5 ha (chủ yếu là rừng tràm). Trong quí I xảy ra 7 vụ vi phạm chặt phá rừng ở Kiên hải và Phú Quốc với diện tích khoản 0,196 ha.

4.3. Thủy sản

Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 2010): Tháng Ba ước tính đạt 2.001,08 tỷ đồng, giảm 1,59% so với tháng trước, tăng 17,12% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: giá trị khai thác 1.356,22 tỷ đồng, tăng 12,22% so tháng trước và giá trị nuôi trồng 644,86 tỷ đồng, giảm 21,83% so tháng trước.

Tính chung 3 tháng giá trị sản xuất khai thác và nuôi trồng đạt 5.969,98 tỷ đồng, đạt 18,77% so kế hoạch, tăng 10,99% so với cùng kỳ, trong đó: giá trị khai thác 3.872,86 tỷ đồng, đạt 23,19% kế hoạch, tăng 6,16% và giá trị nuôi trồng 2.097,12 tỷ đồng, đạt 13,89% kế hoạch, tăng 21,18% so cùng kỳ.

Tổng sản lượng thủy sản (khai thác và nuôi trồng) tháng Ba ước đạt 60.451 tấn, tăng 0,68% so tháng trước, tăng 8,64% so tháng cùng kỳ. Tính chung quý I/2019 là 181.190 tấn, đạt 21,73% kế hoạch năm, tăng 7,36% (tăng 12.419 tấn) so với quý I/2018. Chia ra:

Sản lượng khai thác tháng Ba ước tính 50.011 tấn thủy hải sản các loại, tăng 8,98% so tháng trước, tăng 4,71% so cùng kỳ. Tính chung Quý I, sản lượng khai thác 145.547 tấn, đạt 24,63% kế hoạch, tăng 5,55% (tăng 7.657 tấn) so cùng kỳ.

Sản lượng nuôi trồng tháng Ba ước đạt 10.440 tấn, bằng 73,77% so tháng trước (giảm 3.713 tấn). Trong đó: cá nuôi giảm 15,95% (giảm 688 tấn); tôm nuôi giảm 33,47% (giảm 1.722 tấn), trong đó tôm thẻ chân trắng giảm 40,67% (giảm 726 tấn). Tính chung quý I, sản lượng nuôi trồng được 35.643 tấn, đạt 14,67% kế hoạch, tăng 15,42% (tăng 4.762 tấn) so quý I năm trước, tăng chủ yếu là tôm các loại tăng 27,80% (tăng 2.721 tấn), trong đó: tôm sú tăng 20,49% (tăng 721 tấn); tôm thẻ chân trắng tăng 22,91% (tăng 889 tấn)…

Sản lượng 3 tháng đầu năm tăng cả về khai thác và nuôi trồng là do thời tiết thuận lợi, tình hình dịch bệnh ít xảy ra và nhân dân tập trung thu hoạch các diện tích đã thả nuôi cuối năm trước, trong đó sản lượng tôm nuôi các loại ở các địa phương đều tăng.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi được 125.346 ha các loại, đạt 50,2% so kế hoạch, trong đó diện tích nuôi tôm 102.295 ha, đạt 81,19% KH, chia ra: Nuôi tôm công nghiệp 921 ha, nuôi tôm quảng canh cải tiến 23.872 ha và nuôi tôm – lúa 77.511 ha. Tập trung ở các huyện: An Minh 45.904 ha, Vĩnh Thuận 26.938 ha, An Biên 19.594 ha, U Minh Thượng 1.165 ha, Kiên Lương 3.942 ha, Giang Thành 2.183 ha, Hòn Đất 1.125 ha... Hiện bà con đang tiến hành cải tạo và đầu tư thả nuôi những diện tích còn lại cho kịp lịch thời vụ.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thực tế ghi nhận đã có sự hiện diện rãi rác của “sinh vật lạ” ở vùng biển quanh đảo Hòn Tre (Kiên Hải) hiện nay. Nhận định trong thời gian tới có khả năng đối tượng này sẽ xuất hiện gây hại tại một số vùng nuôi cá lồng bè trên biển, đồng thời đã khuyến cáo ngư dân các địa phương ven biển, đảo gồm: Phú Quốc, Kiên Hải, Kiên Lương và TP. Hà Tiên cảnh giác, chủ động giám sát, ứng phó với “sinh vật lạ” hình thù như con giun nổi lên từ đáy biển xuất hiện gây hại cá nuôi lồng bè trên biển.

5. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): Tháng Ba chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 6,66% so tháng trước, tăng 7,96% so cùng kỳ năm trước. Ngành tăng cao so tháng trước là ngành khai khoáng tăng 8,11%; kế đến là ngành chế biến, chế tạo tăng 7,42%, trong đó: ngành chế biến thực phẩm tăng 8,39%, ngành sản xuất đồ uống tăng 5,57%...; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước đá tăng 0,90%. Riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 3,70% so tháng trước .

Tính chung quý I/2019, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 8,55% so quý I năm trước, tăng cao nhất là ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 14,62%; kế đến là ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước đá tăng 9,06%; ngành khai khoáng tăng 7,26%; ngành chế biến, chế tạo tăng 8,39%, trong đó ngành sản xuất đồ uống tăng 13,54%, ngành sản xuất xi măng tăng 8,85% và ngành chế biến thực phẩm tăng 6,83%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): Tháng Ba ước tính 3.631,14 tỷ đồng, tăng 7,10% so tháng trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 96,3% trong tổng số, tăng 7,42%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 0,92%; Riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 3,70%. 

Tính chung quý I, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành ước thực hiện 11.390,42 tỷ đồng, đạt 24,09% kế hoạch năm, tăng 8,75% so với quý I/2018, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 96,2% trong tổng số, tăng 8,64%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 9,06%; ngành khai khoáng tăng 7,26%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 14,62%.

Một số sản phẩm công nghiệp trong quý I có mức tăng khá cao so cùng kỳ như: xi măng có vốn đầu tư nước ngoài 598,68 ngàn tấn, đạt 26,03% kế hoạch, tăng 11,08%; Bia các loại 29.536 ngàn lít, đạt 27,86, tăng 13,56%; Tôm đông 992 tấn, đạt 24,37%, tăng 8,89%...Nhìn chung mức sản xuất sản phẩm các ngành công nghiệp 3 tháng đầu năm đạt khá so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngành xay xát gạo vẫn còn đạt thấp so kế hoạch (18,41%), chỉ tăng 1,5% so cùng kỳ; ngành giầy da chỉ đạt 12,6% so KH và giảm 27,3% so cùng kỳ, Bột cá đạt 21,6% so KH và giảm 7,74% so cùng kỳ… Nguyên nhân là do các doanh nghiệp xuất khẩu chưa có những hợp đồng lớn để đẩy nhanh khâu tiêu thụ sản phẩm cho các nhà máy xay xát gạo, hiện tại số lượng doanh nghiệp xay xát gạo trên địa bàn tỉnh sụt giảm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xay xát chế biến gạo cho xuất khẩu; sản xuất giầy da chưa có đơn đặt hàng mới, khan hiếm nguyên liệu cho chế biến bột cá…

Bên cạnh những nguyên nhân nêu trên còn có thể thấy, ngành công nghiệp chế biến ở tỉnh ta hiện nay đang đối phó với những khó khăn về thị trường tiêu thụ, kích cỡ nguyên liệu cũng như xuất xứ hàng hóa cho chế biến xuất khẩu thủy sản; trong sản xuất vật liệu xây dựng, nhiều nhà máy đã chạm đến công suất thiết kế, các mỏ đá vôi hiện đã khai thác âm trong lòng đất…nếu không có giải pháp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và kết quả tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến trong thời gian tới.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế  tạo tháng Ba bằng 99,17% so tháng trước và bằng 92,31% so với cùng kỳ năm trước. Một số  ngành chỉ số tiêu thụ  tháng Ba tăng so với tháng trước như sản xuất đồ uống tăng 22,02%, sản xuất chế biến thủy sản tăng 8,44%. Một số ngành giảm so với tháng trước là ngành xay xát giảm 12,09%, sản xuất xi măng giảm 3,62%...

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo tháng Ba tăng 8,70% so với tháng trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao như: xay xát tăng 46,67%, sản xuất xi măng tăng 33,15%. Điều này cho thấy, tình hình tiêu thụ các mặt hàng như gạo xuất khẩu, xi măng trong những tháng đầu năm có chậm hơn so với những tháng cuối năm.  

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/03/2019 tăng 1,41% so với thời điểm này năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 6,57%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước lại tăng 3,69%.

6. Thương mại, dịch vụ và giá cả

6.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng Ba ước đạt 8.803,01 tỷ đồng, giảm 2,91% so tháng trước, tăng 11,02% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 3 tháng ước thực hiện 26.838,56 tỷ đồng, đạt 24,40% kế hoạch, tăng 11,85% so với cùng kỳ. Chia theo ngành hoạt động

Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Ước thực hiện 6.400,78 tỷ đồng, giảm 2,78% so tháng trước, tăng 10,02% so cùng kỳ. Tính chung 3 tháng ước tính 19.539,59 tỷ đồng, đạt 24,33% kế hoạch, tăng 11,89% so cùng kỳ. Tình hình giá cả trước, trong và sau tết Kỷ Hợi tương đối ổn định, mặc dù trong những ngày tết có một số mặt hàng tăng giá nhưng không cao vì lượng hàng hóa tương đối dồi dào, không có tình trạng hiếm hàng, ghim hàng nên không ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng.

Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống: Ước thực hiện 1.322,80 tỷ đồng, giảm 3,53% so tháng trước, tăng 16,49% so cùng kỳ. Tính chung 3 tháng, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 3.992,11 tỷ đồng, đạt 25,59% kế hoạch, tăng 13,79% so với cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 30,81 tỷ đồng, giảm 15,05% so tháng trước, tăng 4,58% so cùng kỳ. Tính chung 3 tháng ước thực hiện 111,14 tỷ đồng, đạt 27,78% kế hoạch, tăng 9,56% so với cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động dịch vụ khác ước thực hiện 1.048,62 tỷ đồng, giảm 2,51% so tháng trước, tăng 10,77% so với cùng kỳ. Tính chung 3 tháng ước thực hiện 3.195,71 tỷ đồng, đạt 23,33% kế hoạch, tăng 9,36% so với cùng kỳ.

Nhìn chung, thị trường bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ dự báo quý I năm 2019 tăng trưởng khá, cùng với ngành bán lẻ, thì ngành dịch vụ lưu trú ăn uống cũng có những tăng trưởng đáng kể (tăng gần 13,8% so cùng kỳ) là do trong tháng 2 và tháng 3 là tháng có nhiều sự kiện đặc biệt: Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi cũng như nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, du lịch…diễn ra khắp nơi trên địa bàn tỉnh thu hút rất đông khách du lịch lưu trú.

6.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu: Tháng Ba ước tính 37,8 triệu USD, tăng  54,66% so với tháng trước, giảm 17,78% so cùng tháng năm trước, trong đó: hàng nông sản 11,52 triệu USD, bằng 64,34% so cùng kỳ; hàng thủy sản 17,41 triệu USD, tăng 6,67% so cùng kỳ.

Tính chung quý I, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu dự kiến 107,75 triệu USD, đạt 15,39% kế hoạch, giảm 20,18% so với quý I năm trước. Trong đó: hàng nông sản 19,56 triệu USD, đạt 8,15% kế hoạch, chỉ bằng 34,32% so cùng kỳ; hàng thủy sản 50,77 triệu USD, đạt 22,07% kế hoạch, tăng 23,31%.

Tình hình xuất khẩu trong quý I/2019 giảm nhiều so với năm trước, nguyên nhân là do các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng gạo, nguyên liệu giầy da trong 2 tháng đầu năm chưa ký được hợp đồng mới. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp đã ký kết được những hợp đồng mới nên dự kiến tháng 3 và những tháng tiếp theo sẽ tăng và ổn định trở lại.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu: Tháng Ba ước tính đạt 5,5 triệu USD, tăng 11,02% so với tháng trước. Tính chung quý I, trị giá hàng hóa nhập khẩu ước thực hiện 18,53 triệu USD, đạt 18,53% kế hoạch, tăng 33,32%  so quý I năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dùng cho sản xuất, trong đó chủ yếu là nguyên liệu để sản xuất giầy da.

6.3 Vận tải

Doanh thu vận tải tháng 3 ước tính đạt 989,03 tỷ đồng, tăng 9,62% so cùng kỳ, tính chung 3 tháng ước đạt 3.339,96 tỷ đồng, tăng 10,41% so cùng kỳ.

Vận tải hành khách: Tháng Ba ước tính 6,508 triệu lượt khách, giảm 8,92% so tháng trước, tăng 3,09% so với cùng kỳ; luân chuyển 453,68 triệu HK.km, giảm 9,10% so tháng trước, tăng 3,83% so cùng kỳ.

Tính chung 3 tháng vận tải hành khách ước đạt 20,429 triệu lượt khách, đạt 21,92% kế hoạch, tăng 4,84% so cùng kỳ; luân chuyển 1.431,98 triệu HK.km, đạt 26,08% kế hoạch, tăng 5,55% so cùng kỳ. Trong đó, Vận tải hành khách đường biển tăng 12,44%; Vận tải hành khách đường sông tăng 6,38%, vận tải hành khách đường bộ tăng 4,23% so cùng kỳ.

Vận tải hàng hóa: Tháng Ba ước tính 894 ngàn tấn, bằng 91,22% so tháng trước; luân chuyển 117,56 triệu tấn.km, bằng 93,35% so tháng trước. Tính chung quý I/2019, vận tải hàng hóa ước tính 3,27 triệu tấn, đạt 25,43% kế hoạch, tăng 13,43% so cùng kỳ; luân chuyển 442,51 triệu tấn.km, đạt 24,41% kế hoạch, tăng 15,43% so cùng kỳ. Trong đó, so cùng kỳ năm trước Vận tải hàng hóa đường sông tăng 23,99%; Vận tải hàng hóa đường bộ tăng 4,58%; vận tải hàng hóa đường biển tăng 9,11%.

6.4. Du lịch

Tổng lượt khách du lịch tháng Ba ước tính 754,72 ngàn lượt khách, bằng 85,14% so tháng trước. Trong đó: Lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch đạt 326,33 ngàn lượt khách, giảm 4,95% so với tháng trước, tăng 33,70% so với cùng kỳ. (Số khách quốc tế đạt 84,65 ngàn lượt khách, giảm 3,15% so với tháng trước, tăng 50,59% so với cùng kỳ). Khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch bao gồm: khách cơ sở lưu trú du lịch phục vụ giảm 2,32% so với tháng trước, tăng 24,77% so với cùng tháng năm trước và khách du lịch đi theo tour đạt bằng 76,11% so tháng trước, tăng 3,95 lần so với tháng 3/2018.

 Tính chung quý I, tổng lượt khách du lịch đến Kiên Giang là 2.163,85 ngàn lượt khách, đạt 26,07% kế hoạch, tăng 24,48% so quý I năm trước. Trong đó: Lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch là 954,28 ngàn lượt khách, đạt 24,47% kế hoạch, tăng 38,65%.Trong đó: Số khách quốc tế 250,48 ngàn lượt khách, đạt 39,14% kế hoạch, tăng 47,13% so với cùng kỳ.

Trong quý I năm nay, số khách du lịch đến tỉnh  ta tăng chủ yếu từ một số tuyến du lịch trên các đảo như Nam Du, Lại Sơn thuộc huyện Kiên Hải, Quần đảo Bà Lụa, Quần đảo Hải Tặc thuộc huyện Kiên Lương và thành phố Hà Tiên  … và đặc biệt huyện đảo Phú Quốc năm nay lượng khách trong và sau tết Nguyên đán Kỷ hợi tăng đột biến, Nguyên nhân là do các khu vui chơi như Vinpearl Land, Vinpearl Safari, cáp treo Hòn Thơm và nhiều điểm vui chơi khác đã hoàn thành sẵn sàng đón du khách đến tham quan.

6.5. Chỉ số giá

* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Ba tăng 0,61% so với tháng trước. Trong đó: Khu vực thành thị tăng 0,72%, khu vực nông thôn tăng 0,55%. CPI tháng 03 tăng nhẹ là do có 4 nhóm hàng tăng, trong đó nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng cao nhất, tăng 3,83%; nhóm giao thông tăng 2,40%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,49% và nhóm hàng hóa khác tăng 0,44%. Có 3 nhóm hàng giảm đó là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm -1,12%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,04%; nhóm bưu chính viễn thông giảm -0,01%. Còn lại các nhóm hàng khác không tăng, không giảm hoặc tăng không đáng kể.

Tính đến tháng 12 năm trước (sau 03 tháng) chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,49%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 8 nhóm tăng, trong đó tăng cao nhất là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 5,99%; kế đến là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,83%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,46%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,59%; nhóm Văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,98%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,73%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,58% và nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,20%. Có 1 nhóm hàng giảm là nhóm giao thông giảm -0,32%. Còn lại các nhóm khác không tăng, không giảm.

* Chỉ số giá vàng: giảm -0,70% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng +1,20%. Giá vàng bình quân tháng 03/2019 là 3.688.000 đồng/chỉ.

* Chỉ số giá Đô la Mỹ: giảm -0,28% so tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 1,73%. Giá USD bình quân tháng 03/2019 là 2.320.000 đồng/100 USD.

7. MỘT SỐ TÌNH HÌNH XÃ HỘI

7.1. Lao động, việc làm và đào tạo nghề

Tháng Ba, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 2.653 lượt lao động, trong đó giải quyết việc làm trong tỉnh 1.421 lượt lao động; ngoài tỉnh 1.228 lượt lao động, xuất khẩu lao động 04 lao động. Tính chung quý I giải quyết việc làm cho 9.598 lượt lao động, đạt 27,4% so kế hoạch, trong đó giải quyết việc làm trong tỉnh 4.813 lượt lao động; ngoài tỉnh 4.719 lượt lao động, xuất khẩu lao động 66 lao động. từ đầu năm đến nay đã tư vấn việc làm cho 6.470 lượt lao động, có việc làm ổn định 1.100 lao động. Giải quyết trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp cho 1.418 lao động.

Quý I/2019 các cơ sở đào tạo nghề tổ chức đào tạo nghề cho 5.951 người, đạt 22,18% so kế hoạch, giảm 15,85% so cùng kỳ năm trước,  trong đó: Trung cấp 72 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 5.879 người.     

7.2. Về chính sách an sinh xã hội

Công tác giảm nghèo: Theo kết quả khảo sát điều tra hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều tính đến tháng 12 năm 2018, toàn tỉnh có 18.252 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo 4,14%, hộ cận nghèo có 20.597 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo 4,68%.

Trong quý I/2019, toàn tỉnh có 182,4 ngàn người tham gia BHXH và BHTN và 1,498 triệu người tham gia BHYT với tổng thu là BHXH, BHYT, BHTN là 392,67 tỷ đồng, giảm 94,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ bao phủ BHYT quí I/2019 đạt 82,77%, giảm 1,23% so với cuối năm 2018, là do đối tượng nghèo giảm; xã Tân Khánh Hòa và xã Vĩnh Phú huyện Giang Thành chuyển từ xã khu vực III sang khu vực II; toàn bộ người dân xã Phú Mỹ không được cấp thẻ BHYT theo quy định tại Quyết định số 1010/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

7.3. Tình hình Giáo dục

Trong quý I, Ngành giáo dục cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu theo kế hoạch. Công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên và CBQL giáo dục được tổ chức chặt chẽ, đạt chất lượng. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục và kiểm tra, đánh giá, thẩm định trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng được cải thiện và đạt hiệu quả. Tính đến đầu năm 2019, tổng số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh là 250 trường (Mầm non: 46, Tiểu học:132, THCS: 65, THPT: 7). Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia năm 2019 toàn tỉnh đạt: 7 giải (1 giải Nhì môn Văn; 1 giải Ba môn Hóa; 1 giải Ba môn Sử và 4 giải Khuyến khích gồm: 2 giải môn Tin học, 1 giải môn Sinh học và 01 giải môn Văn).  

7.4. Hoạt động Văn hóa, Thể thao

Trong quý I/2019, Ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức thành công các sự kiện lễ hội, hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao phục vụ kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của dân tộc đảm bảo yêu cầu về chất lượng nghệ thuật, nội dung. Tổ chức các lễ hội đầu năm tại các di tích lịch sử văn hóa, các di tích có cơ sở tôn giáo đảm bảo an toàn, trang trọng, đáp ứng tốt nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân. Nhiều hoạt động hướng về cơ sở, chú trọng đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc, với các loại hình phong phú, đa dạng. Công tác xã hội hóa được chú trọng, nhiều địa phương đã vận động các tổ chức - xã hội tham gia và đóng góp kinh phí tổ chức hiệu quả các hoạt động văn hóa và thể thao.

Hoạt động thể dục thể thao tiếp tục được đẩy mạnh, thể thao quần chúng phát triển ngày càng sâu rộng, thể thao thành tích cao đạt kết quả đáng khích lệ; đặc biệt là tập trung công tác đăng cai tổ chức Giải Bóng chuyền nữ quốc tế VTV9 - Bình Điền lần thứ XIII năm 2019 tại Nhà Thi đấu đa năng tỉnh Kiên Giang (tham dự có 04 đội trong nước và 04 đội nước ngoài). Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa, các cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao được tăng cường, kịp thời ngăn chặn các hoạt động tiêu cực, đảm bảo các hoạt động diễn ra lành mạnh, an ninh và trật tự.

7.5 Tình hình y tế

Trong quý I, các cơ sở y tế trong tỉnh đã khám, điều trị bệnh cho 1.044.252 lượt người, đạt 22,7% kế hoạch năm; điều trị nội trú 63.709 bệnh nhân, đạt 27,70% kế hoạch; công suất sử dụng giường bệnh chung là 80%; Tỷ lệ khỏi bệnh 86,7%, tỷ lệ tử vong 0,12%. Số lượt khám chữa bệnh bằng YHCT hoặc kết hợp YHHĐ và YHCT là 119.006 lượt, chiếm 11,4 % tổng số lượt khám chữa bệnh trong quý.

Tình hình dịch bệnh quý I/2019 (từ ngày 17/12/2018 – 15/03/2019):

Bệnh Sốt xuất huyết: Toàn tỉnh ghi nhận có 401 cas mắc, so với cùng kỳ tăng 264 cas. Không có tử vong.

Bệnh Tay Chân Miệng: có 485 cas mắc, không có tử vong; so với cùng kỳ tăng 416 cas.

Các bệnh truyền nhiễm khác: Số cas mắc lũy kế từ đầu năm như sau: Thương hàn 12 cas, Sởi 2 cas.  

Chương trình phòng chống HIV/AIDS: Trong quý I, thực hiện xét nghiệm 19.089 mẫu máu, phát hiện mới 44 cas HIV dương tính. Số bệnh nhân điều trị ARV là 1.830 người, trong đó có 103 trẻ dưới 15 tuổi. Tính đến thời điểm báo cáo, số người còn sống ở địa phương nhiễm HIV là 2.566 người, trong giai đoạn AIDS là 1.702 người.

Phòng, chống các bệnh xã hội và bệnh nguy hiểm cho cộng đồng

Số bệnh nhân phong phát hiện mới 03 BN, số đang điều trị là 07 BN. Số BN quản lý điều trị 394 BN. Số bệnh nhân Lao quản lý điều trị là 3.219 BN. Điều trị khỏi bệnh 532 BN. Số bệnh nhân tử vong là 25 người. Số phát hiện mới bệnh nhân tâm thần phân liệt là 07 BN, động kinh là 06 BN, tổng bệnh nhân quản lý mới trong quý I là 4.919 BN.

Công tác vệ sinh An toàn thực phẩm: Đã thực hiện thanh, kiểm tra 4.031 cơ sở, trong đó 3.397 cơ sở đảm bảo VSATTP theo quy định và 634 cơ sở chưa đảm bảo VSATTP, đã xử lý vi phạm 41 cơ sở trong đó: phạt tiền 28 cơ sở với số tiền 167.250.000 đồng, tiêu hủy sản phẩm của 40 cơ sở với 29 loại bằng 203,7 kg, nhắc nhở và hướng dẫn 593 cơ sở thực hiện việc đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tháng 01/2019 ghi nhận xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm có 12 cas mắc do nhiễm vi sinh trong thực phẩm tại ấp Kiên Hảo, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất. Trong quý I, ghi nhận có 55 cas ngộ độc mắc lẻ.

Theo báo cáo của Ngành Y tế thì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp có chiều hướng tăng, đặc biệt là bệnh Sốt xuất huyết và Tay chân miệng tăng so với cùng kỳ; Đối tượng tiêm chủng chưa được quản lý chặt chẽ, số trẻ đến lịch tiêm chủng không được mời ra tiêm từ đó tỷ lệ đạt thấp

7.6. Tình hình an toàn giao thông

Tính từ ngày 16/02/2019 đến 15/03/2019. Toàn tỉnh xảy 8 vụ tai nạn giao thông, làm 6 người chết, 6 người bị thương. Trong đó số vụ TNGT nghiêm trọng là 5 vụ, làm 6 người chết, không có người bị thương. So với tháng trước số vụ tai nạn giao thông giảm 5 vụ, giảm 4 người chết, giảm 4 người bị thương. Tính chung quý I trên toàn tỉnh xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông, làm 27 người chết, 22 người bị thương. Trong đó số vụ TNGT nghiêm trọng là 27 vụ, 27 người chết và 10 người bị thương. So với năm trước, giảm 27 vụ TNGT, giảm 19 người chết và giảm 23 người bị thương.

Tình hình tai nạn giao thông từ đầu năm đến nay đã giảm trên cả 3 mặt so với cùng thời điểm năm trước, đây là điều đáng mừng, tuy nhiên để giảm thiểu tai nạn giao thông hơn nữa, đề nghị các ngành chức năng cần phải thường xuyên tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền, vận động nhân dân gương mẫu chấp hành luật giao thông, phải có văn hóa khi tham gia giao thông nhằm giảm thiểu hơn nữa tai nạn giao thông trên địa bàn.

7.7.  Tình hình cháy, nổ

Từ ngày 16/02/2019 đến 15/03/2019 toàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy (đặc biệt vào khoảng 1h, sáng 2-3, tại chợ Cà Nhung thuộc xã Định Hòa, huyện Gò Quao khiến gần 30 ki-ốt của tiểu thương bị cháy rụi hoàn toàn), nguyên nhân cháy đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ và 01 vụ nổ tàu khai thác hải sản tại vùng biển Phú Quốc, vụ nổ đã làm 2 người chết và 3 người bị thương, nguyên nhân là do bình gas trên tàu bị rò rỉ khi gặp lửa phát nổ. Thiệt hại do cháy, nổ gây ra ước tính 12 tỷ 533 triệu đồng.

Tính chung quý I/2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 08 vụ cháy,01 vụ nổ làm 03 người chết, 3 người bị thương. Thiệt hại ước tính 15 tỷ 513 triệu đồng.

Tình hình thiên tai: Tính từ đầu năm 2019 cho đến nay, thiên tai làm sập 04 căn nhà (An Biên: 02 căn; Phú Quốc: 02 căn), tốc mái 07 căn nhà (PQ), chìm 01 động cơ và 98 tàu thuyền nhỏ, xuồng đò đang neo đậu tại bờ, hư hỏng 02 phương tiện, mất tích 02 phương tiện; hư hỏng 01 lồng bè nuôi cá, 01 bè bán tạp hóa trên biển, tràn 02 ao cá; đổ ngã 07 trụ diện; sạt lở 10m giao thông nông thôn và sập hoàn toàn 02 cầu gỗ trên địa bàn huyện Phú Quốc và Kiên Hải. Ước tổng giá trị thiệt hại về vật chất là 4,47 tỷ đồng.

8. Đề xuất kiến nghị

Tình hình kinh tế - xã hội quý I/2019, nhìn tổng thể đạt khá so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần phải tập trung chỉ đạo để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra, Cục Thống kê kiến nghị một số vấn đề như sau:

1. Trong lĩnh vực nông nghiệp: Dự báo năm nay mùa khô có thể kéo dài. Đề nghị tăng cường sự chỉ đạo đối với các ngành chuyên môn trong việc thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến xâm nhập mặn trên địa bàn để hướng dẫn các địa phương và nhân dân chủ động trong sản xuất nông nghiệp, nhất là không để mặn xâm nhập gây hại lúa, thiếu nước, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

 2. Về lĩnh vực thủy sản: Các ngành chức năng tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm hỗ trợ kịp thời và vận động các doanh nghiệp người dân đầu tư mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng nguồn giống thủy sản, nhất là giống tôm nuôi, đảm bảo không để xảy ra dịch bệnh lây lan góp phần làm tăng thêm sản lượng nuôi trồng các loại, nhất là tôm nuôi.

3. Tình hình xuất khẩu, cần phải kết hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường; tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, nhất là các mặt hàng chế biến thuỷ sản, hàng nông sản xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu thị trường thế giới trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt; tạo điều kiện hỗ trợ về vốn cho các doanh nghiệp thu mua hết nguồn lúa gạo xuất khẩu vụ đông xuân trong nhân dân để bà con nông dân yên tâm đầu tư sản xuất các vụ lúa khác trong thời gian tới.

4. Về lĩnh vực công nghiệp – Đầu tư: Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp hiện có, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có đủ tiềm lực để đầu tư phát triển vào các ngành công nghiệp có khả năng cạnh tranh, có công nghệ thích hợp, vừa đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước, vừa đáp ứng xuất khẩu và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

5. Ngành du lịch tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch toàn diện, cả về phạm vi, vi mô, chất lượng dịch vụ và đảm bảo tính bền vững, mang đậm bản sắc dân tộc, thân thiện môi trường. Đồng thời kết hợp với các ngành, các cấp thường xuyên thực hiện tốt việc đẩy mạnh công tác thông tin xúc tiến, quảng bá du lịch, tổ chức nhiều chương trình, sự kiện với nhiều loại hình phong phú, đa dạng nhằm thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến và lưu trú dài ngày hơn.

Tải về: - Số liệu Kinh tế - xã hội tháng 3 và Quý 1 năm 2019 của tỉnh Kiên Giang

            - Chỉ số giá Tiêu dùng tháng 3 năm 2019 của tỉnh Kiên Giang


[1] Thực hiện QĐ 715/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương" và QĐ số 1026/QĐ-TCTK ngày 26/10/2015 của Tổng cục Thống kê về ban hành Quy định biên soạn và công bố số liệu tổng sản phẩm trong nước. Theo đó, TCTK sẽ công bố chỉ tiêu GRDP cho tỉnh, thành phố 2 kỳ trong năm, 6 tháng đầu năm và ước cả năm bắt đầu từ năm 2017. (Theo chỉ đạo của Lãnh đạo UBND tỉnh, Cục Thống kê tạm ước tính chỉ tiêu GRDP quí I/2019 phục vụ sự lãnh đạo và điều hành của Tỉnh ủy và UBND tỉnh).

 

Số lần đọc: 1583
Cục Thống kê Kiên Giang
Tin liên quan