Tin nóng
28.01.2021

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp

Vụ Mùa (2020-2021): kết thúc gieo trồng lúa vụ Mùa, với diện tích 58.642 ha[1], đạt 93,08% kế hoạch, giảm 6,34% so với vụ Mùa năm trước (giảm 3.969 ha). Đến nay đã thu hoạch được 9.957 ha, năng suất trên diên tích đã thu hoạch ước tính đạt 4,98 tấn/ha.

Lúa Mùa năm nay, tuy nhiễm mặn không gay gắt như mấy năm trước và tỉnh cũng đã có các biện pháp để ứng phó kịp thời nhưng xâm nhập mặn vẫn gây ảnh hưởng khoảng 7.158 ha, trong đó huyện An Minh chịu ảnh hưởng nhiều nhất với 6.158 ha và An Biên 1.000 ha.

Vụ Đông Xuân (2020-2021): tính đến ngày 15/1/2021 toàn tỉnh đã gieo sạ được 284.171 ha, đạt 99,36% kế hoạch, giảm 1,68% (giảm 4.855 ha) so với năm trước. Nguyên nhân diện tích gieo sạ chưa đạt kế hoạch và giảm so với năm trước chủ yếu do năm nay lịch thời vụ chậm hơn và ở vùng U Minh Thượng có một số diện tích đã chuyển nuôi tôm.

Nhìn chung trà lúa Đông xuân năm nay đang phát triển tốt, ít sâu bệnh, trong tháng chỉ có  3.691 ha bị nhiễm sâu bệnh với các đối tượng gây hại chủ yếu như bệnh cháy bìa lá, đạo ôn lá, sâu cuốn lá… đến nay, trên diện tích Đông xuân sớm đã thu hoạch được 525 ha.

Cây rau màu

Một số cây màu vụ Đông xuân cũng được nhân dân chú trọng sản xuất nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay đã gieo trồng một số loại cây với diện tích như sau: dưa hấu 353 ha, giảm 5,97% so với cùng kỳ; khoai lang 285 ha, tăng 3,19%; khoai mì 49 ha, tăng 7,78%; bắp 61 ha, tăng 1,67%; rau đậu các loại 1.786 ha, giảm 4,50% so với cùng kỳ.

Chăn nuôi

Trong tháng tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định; tình hình dịch bệnh trên vật nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, kiểm dịch động vật vẫn đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên những tháng cuối năm 2020 tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi trên cả nước đã xuất hiện một số ổ dịch, nguy cơ bùng phát dịch trở lại trên địa bàn tỉnh là rất cao. Để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên phối hợp với các địa phương chủ động, tăng cường công tác phòng chống dịch, như tập trung hướng dẫn doanh nghiệp, hộ chăn nuôi thực hiện tốt khâu vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng trước khi thả nuôi, kiểm soát thật tốt sự vận chuyển động vật ra, vào địa bản tỉnh, nhất là đối với heo.

b. Lâm nghiệp

Hiện nay thời tiết đang trong mùa khô, nên dễ xảy ra cháy rừng, ngành Kiểm lâm cần phối hợp tốt với chính quyền địa phương tuyên truyền giáo dục và vận động người dân tham gia bảo vệ rừng, đồng thời cần tăng cường tuần tra bảo vệ rừng. Tuy nhiên, trong tháng trên địa bàn thành phố Phú quốc vẫn xảy ra 3 vụ vi phạm chặt phá, lấn chiếm đất rừng với diện tích rừng bị thiệt hại 0,676 ha.

c. Thủy sản

Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 2010) trong tháng ước tính đạt 2.153,92 tỷ đồng, giảm 3,62% so tháng trước, tăng 5,62% so cùng kỳ[2].

Sản lượng thủy sản trong tháng ước tính đạt 61.135 tấn, giảm 3,78% so tháng trước (giảm 2.399 tấn), tăng 4,40% (tăng 2.578 tấn) so cùng kỳ năm trước. Trong đó:: sản lượng khai thác 46.187 tấn, tăng 2,03% so với tháng trước và tăng 1,50% so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh hình khai thác hải sản vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do ngư trường cạn kệt, công tác bảo vệ nguồn lợi chưa hiệu quả, việc vi phạm trong khai thác vẫn còn diễn biến phức tạp chưa ngăn chặn hết; sản lượng nuôi trồng ước đạt 14.948 tấn, giảm 18,16% so với tháng trước (giảm 3.316 tấn) nhưng vẫn tăng 14,54% so với cùng kỳ năm trước (tăng 1.897 tấn). Nguyên nhân sản lượng nuôi trồng thu hoạch trong tháng giảm so với tháng trước là do vụ thả nuôi trước đã thu hoạch gần hết và đang chuẩn bị thả nuôi vụ tiếp theo.

2. Công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): ước tính chỉ số sản xuất công nhiệp tháng 1 tăng 0,96% so tháng trước và tăng 26,42% so với tháng 1 năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,99% và ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng hơi nước và điều hòa không khí tăng 1,09% so với tháng trước.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): tháng Một ước tính đạt 4.914,43 tỷ đồng, tăng 0,98% so tháng trước và tăng 27,84% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4.770,66 tỷ đồng, chiếm 97,07%/tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tăng 0,99%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 1,09%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 5,16%; ngành khai khoáng giảm 4,13% so với tháng trước.

Hầu hết sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong tháng Một đều tăng nhẹ so với tháng trước nhưng tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm trước như: cá đông tăng 37,14%; tôm đông tăng 33,13%; mực đông tăng 22,53%; nước mắm tăng 36,96%; giày da tăng 49,46%; bia các loại tăng 46,81%; điện thương phẩm tăng 7,10%... Nguyên nhân sản xuất công nghiệp tháng 1 tăng khá cao so với tháng 1 năm trước chủ yếu là do tháng 01 năm trước rơi vào dịp nghỉ tết Nguyên đán Canh Tý, còn năm nay Tết vào tháng 2 nên tháng 1 các cơ sở sản xuất đang tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ Tết, nên hầu hết các sản phẩm công nghiệp đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Một tăng 1,15% so với tháng 12/2020. Trong đó, ngành sản xuất trang phục tăng 45,24%; ngành sản xuất đồ uống tăng 7,44%; ngành chế biến thực phẩm tăng 0,11%; ngành sản xuất xi măng tăng 1,52%...

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Một bằng 92,27% so với tháng 12/2020. Tuy chỉ số tồn kho chung giảm so với tháng trước 7,23% nhưng một số ngành vẫn có chỉ số tồn kho tăng cao so với tháng trước như ngành chế biến thực phẩm tăng 22,08%; ngành sản xuất xi măng tăng 0,16%...

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tháng 1/2021 tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động ngành chế biến, chế tạo tăng 8,38%; ngành khai khoáng tăng 6,13%.

3. Vốn đầu tư thực hiện

Vốn đầu tư tháng 1 chủ yếu tập trung thực hiện các công trình chuyển tiếp, còn hầu hết các dự án mới được giao vốn năm 2021 chưa triển khai thực hiện, đang trong quá trình chuẩn bị. Vì vậy việc giải ngân vốn kế hoạch năm 2021 trong tháng 1 đạt còn thấp. Ước tính vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 1 giải ngân đạt 65 tỷ đồng, chỉ bằng 1,25% kế hoạch năm.

4. Thu, chi ngân sách nhà nước

Thu ngân sách nhà nước tháng Một ước tính đạt 1.491,5 tỷ đồng, bằng 12,90% dự toán năm do HĐND giao, tăng 32,35% so với tháng trước và bằng 84,22% cùng kỳ năm trước. Trong đó thu nội địa 1.479 tỷ đồng, tăng 31,63% so với tháng trước và bằng 86,04% cùng kỳ năm trước.

Chi ngân sách địa phương tháng Một ước tính 1.188,92 tỷ đồng, chỉ bằng 53,03% mức chi tháng trước và tăng 19,03% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển 376,02 tỷ đồng, chỉ bằng 18,28% tháng trước.

5. Ngân hàng

Hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước tính đến 31/01/2021, một số chỉ tiêu đạt như sau:

Tổng nguồn vốn hoạt động ước đạt 105.700 tỷ đồng, tăng 0,57% so với tháng trước. Trong đó, vốn huy động tại địa phương ước đạt 55.105 tỷ đồng (chiếm 52,13% tổng nguồn vốn hoạt động), giảm 0,02% so với tháng trước. 

Doanh số cho vay trong tháng ước đạt 13.600 tỷ đồng (trong đó, 79,26% doanh số cho vay là phục vụ sản xuất kinh doanh); đến 31/01/2021, dư nợ cho vay ước đạt 88.400 tỷ đồng, giảm 0,49% so với tháng 12/2020.

Nợ xấu nội bảng 900 tỷ đồng, chiếm 1,02% tổng dư nợ.

Nợ tổn thất (nợ đã xử lý bằng dự phòng rủi ro và đang theo dõi ngoại bảng) 1.040 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng trên địa bàn khá ổn định. Tỷ giá vàng và ngoại tệ diễn biến theo xu hướng chung của cả nước và thế giới.

6. Thương mại - dịch vụ

a. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng

Tháng Một mặc dù vẫn phải tăng cường phòng chống dịch Covid-19, lượng khách vãng lai đến địa phương còn hạn chế, nhưng là tháng giáp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 hệ thống bán lẻ đang tăng cường khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, cùng với  việc chuẩn bị đón Tết trong nhân dân đã diễn ra tương đối sôi động nên sức mua trên thị trường đã tăng lên. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Một đạt 10.305,06 tỷ đồng, tăng 1,08% so với tháng trước, tăng 7,49% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành hoạt động như sau:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa: ước tính đạt 7.717,59 tỷ đồng, tăng 3,22% so với tháng trước và tăng 8,81% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống: ước tính đạt 1.329,03 tỷ đồng,  tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch: đạt 39,55 tỷ đồng, tăng 9,11% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu hoạt động dịch vụ khác: ước đạt 1.218,89 tỷ đồng, tăng 7,50% so với cùng kỳ năm trước.

b. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

- Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Một ước đạt 55,45 triệu USD, tăng 18,51% so với tháng trước và tăng 36,92% so với cùng kỳ năm trước. Là tháng đầu năm nhưng các doanh nghiệp đã có được một số hợp đồng xuất khẩu và xuất khẩu trong tháng đạt kết quả tương đối khả quan. So với tháng trước phần lớn các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều tăng khá cao như, hàng nông sản tăng 36,41%; hàng thủy hải sản tăng 69,60%; hàng hóa khác tăng 60,00%; riêng chỉ có nhóm nguyên liệu giày da giảm 1,02%.

Một số mặt hàng có số lượng xuất khẩu tăng khá cao so cùng kỳ như, gạo tăng 16,29% (tăng 2.906 tấn); cá đông tăng 25,00% (tăng 40 tấn); tôm đông tăng 44,86% (tăng 96 tấn); thủy hải sản đông khác tăng 68,66% (tăng 920 tấn).

- Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Một ước đạt 11,05 triệu USD, tăng 8,23% so với tháng trước và chỉ bằng 52,95% cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dùng cho sản xuất.

c. Vận tải

Là tháng giáp Tết việc đi lại và lưu chuyển hàng hóa diễn ra nhiều hơn, hơn nữa tình hình dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt nên việc đi lại và lưu chuyển hàng hóa thuận lợi hơn những tháng trước nên hoạt động vận tải trong tháng 1 có chiều hướng tăng lên :

- Vận tải hành khách: tháng Một ước tính vận tải hành khách đạt 8,32 triệu lượt khách, tăng 12,93% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 380,13 triệu HK.km, tăng tăng 7,84% so với cùng kỳ năm trước.

- Vận tải hàng hóa: tháng Một ước đạt 1,39 triệu tấn, tăng 10,13% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 194,03 triệu tấn.km, tăng 6,75% so với cùng kỳ năm trước.

d. Du lịch

Gần tết Dương lịch, các doanh nghiệp lữ hành cùng với các cơ sở lưu trú đang có nhiều chương trình kích cầu du lịch như giảm giá tour, giảm giá phòng, dịch vụ đi kèm…, đồng thời không có sự hạn chế đi lại trong nước nên lượng khách trong nước đến tỉnh đã tăng đáng kể trong tháng 1. Tuy nhiên do hạn chế nối các tuyến bay quốc tế và ngay các tuyến đường bộ cũng phải kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh nên lượng khách quốc tế không đáng kể.

 Ước tính tháng 1 khách du lịch của tỉnh đạt 595,39 ngàn lượt khách, tăng 44,80% so tháng trước, nhưng vẫn chỉ bằng 56,48% cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch đạt 271,19 ngàn lượt khách, tăng 10,26% so với tháng trước và bằng 82,83% cùng kỳ năm trước.

e. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Là tháng giáp Tết nhưng nhìn chung giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đang tương đối ổn định, hàng hóa phục vụ Tết đang rất dồi dào về số lượng, phong phú về chủng loại. Tuy có một số mặt hàng đang có xu hướng tăng nhẹ nhưng không có mặt hàng nào có sự biến động lớn về giá.

Chỉ số giá tiêu dùng chung tháng 1 giảm 0,7% so với tháng trước chủ yếu do giá điện được Điện lực hỗ trợ khách hàng do chịu ảnh hưởng Covid-19 và giá các tour du lịch đang giảm để kích cầu du lịch. Trong đó: khu vực thành thị giảm 0,490%, khu vực nông thôn giảm 0,820%.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 so với tháng trước có 2 nhóm hàng giảm là nhóm Nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng giảm 6% và nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 2,24%. Còn lại các nhóm khác hoặc tăng nhẹ, hoặc ổn định so với tháng trước như: nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,58% (lương thực tăng 0,44%, thực phẩm tăng 0,55%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,78%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,99%; nhóm may mặc, giày dép và mũ nón tăng 0,03%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,03%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,09%; nhóm giao thông tăng 2,19%; nhóm hàng hóa khác tăng 0,13%.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 so với tháng 1/2020 (sau 1 năm) giảm 0,83%. Trong đó, nhóm giao thông giảm nhiều nhất 11,42%; tiếp đến là nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 7,57%, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch cũng giảm 3,81%. Còn lại các nhóm khác có mức tăng, giảm nhẹ.

Chỉ số giá vàng: chỉ số giá vàng so với tháng trước tăng 2,34%, bình quân giá bán trong tháng là 5.467.000đ/chỉ. Chỉ số giá vàng tháng 1 so với cùng kỳ năm trước (tháng 1/2020) tăng 25,65%.

Chỉ số giá Đô la Mỹ: tháng 1 so với tháng trước giảm 0,28%, với mức trao đổi bình quân trong tháng tại thị trường liên ngân hàng là 23.195 đ/1USD; chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 1 so với cùng kỳ năm trước giảm 0,19%.

7. Một số tình hình xã hội

7.1. An sinh xã hội, giải quyết việc làm, đào tạo nghề

Tháng Một giải quyết việc làm cho 3.129 lượt người[3], đạt 8,94% kế hoạch năm, giảm 3,57% so cùng kỳ năm trước.

Trong tháng, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tư vấn việc làm cho 2.718 lượt lao động, trong đó có 871 lao động đã tìm được việc làm; giải quyết trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp cho 953 lao động; tư vấn định hướng nghề nghiệp tại 02 trường THPT của huyện Tân Hiệp và tư vấn giới thiệu việc làm cho Bộ đội xuất ngũ.

7.2. Công tác giáo dục

Việc dạy và học đang được triển khai đúng theo chương trình năm học. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng đang tổ chức thực hiện tốt việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho lớp 2 và lớp 6; đổi mới phương pháp và hình thức dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Hướng dẫn báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên, giáo dục thể chất và y tế trường học, giáo dục quốc phòng, an ninh, giáo dục dân tộc, công tác học sinh sinh viên học kỳ I, năm học 2020 – 2021.

7.3. Công tác y tế

- Công tác phòng, chống Covid-19: việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn đang thực hiện rất tốt, thực hiện tốt khẩu hiệu “5 k” của Bộ Y tế đề ra, tăng cường các chốt trên tuyến biên giới cả trên biển và đất liền để ngặn chặn người nhập cảnh trái phép, quản lý tốt việc cách ly các đối tượng nhập cảnh nên đến nay trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào mắc Covid do lây nhiễm cộng đồng. Hiện tại các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân 1.440 (F1: 5 người; F2: 7 người) và bệnh nhân 1.452 (F1: 7 người; F2: 96 người) đều có sức khỏe bình thường, quản lý, theo dõi sức khỏe và cách ly đúng quy định.

- Công tác khám chữa bệnh: trong tháng, các cơ sở y tế trong tỉnh đã khám, điều trị bệnh cho 408.303 lượt người (Trong đó KCB bằng BHYT là 247.406 lượt người; Khám BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi là 16.377 lượt); điều trị nội trú 23.175 BN, giảm 1.014 BN so với tháng trước; công suất sử dụng giường bệnh chung là 76%; tỷ lệ khỏi bệnh 96,67%, tỷ lệ tử vong 0,09%.

Số lượt khám chữa bệnh bằng YHCT hoặc kết hợp YHHĐ và YHCT là 47.841 lượt, chiếm 12% tổng số lượt người khám chữa bệnh trong tháng.

- Tình hình dịch bệnh trong tháng: sốt xuất huyết trong tháng ghi nhận 104 cas mắc (trong đó có 05 cas sốt xuất huyết nặng tại huyện Vĩnh Thuận), tăng 06 cas so với tháng trước (giảm 03 cas so cùng kỳ năm trước), các địa phương có số cas mắc cao trong tháng là TP.Rạch Giá 14 cas, huyện Phú Quốc 19 cas, huyện Vĩnh Thuận 38 cas. Không có trường hợp tử vong.

Bệnh tay chân miệng có 260 cas mắc, tăng 45 cas so với tháng trước (tăng 164 cas so với cùng kỳ năm trước), địa phương có số ca mắc cao trong tháng là TP.Rạch Giá: 57 cas, huyện Hòn Đất 35 cas, huyện Châu thành 39 cas. Không có trường hợp tử vong.

- Công tác vệ sinh An toàn thực phẩm: trong tháng đã thực hiện thanh, kiểm tra 867 cơ sở, kết quả có 724 cơ sở đảm bảo ATTP theo quy định và 143 cơ sở vi phạm chưa đảm bảo ATTP, qua đó đã nhắc nhở 21 cơ sở thực hiện việc đảm bảo ATTP, các cơ sở còn lại đang chờ xử lý. Trong tháng không ghi nhận trường hợp nào ngộ độc thực phẩm.

7.4. Hoạt động Văn hóa, Thể dục thể thao

- Hoạt động Văn hóa: tổ chức tuyên truyền kỷ niệm 75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (06/01/1946 - 06/01/2021); kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Học sinh, sinh viên và Hội sinh viên Việt Nam (09/01/1950 - 09/01/2021); tham gia các hoạt động “Tết Quân - Dân” năm 2021. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

- Hoạt động Thể dục thể thao: tổ chức Giải Bóng đá Futsal tỉnh Kiên Giang mở rộng mừng Đảng, mừng Xuân Tân Sửu năm 2021 (từ ngày 08/01 - 10/01/2021 tại Nhà Thi đấu đa năng tỉnh).

Các đội tuyển thể thao duy trì tập luyện thường xuyên theo kế hoạch. Hiện tại Đội tuyển thể thao các tuyến là 127 vận động viên; trong đó Đội tuyển có 40 vận động viên, Đội tuyển trẻ có 22 vận động viên, Đội tuyển năng khiếu có 65 vận động viên.

7.5. Tai nạn giao thông

Tính từ ngày 15/12/2020 đến 14/1/2021 trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông (đường bộ 13 vụ, đường thủy 2 vụ), làm 8 người chết, 9 người bị thương, trong đó số vụ tai nạn nghiêm trọng 9 vụ, làm 8 người chết, 3 người bị thương. So với tháng 12/2020 số vụ TNGT tăng 4 vụ, số người chết tăng 5 người, số người bị thương tăng 1 người. So với cùng thời gian này năm trước, toàn tỉnh tăng 8 vụ TNGT, tăng 5 người chết, tăng 2 người bị thương. Tình hình tai nạn giao thông những ngày đầu năm 2021 đã tăng cả 3 tiêu chí, vì đây là tháng giáp tết Nguyên đán Tân Sửu nên lượng hàng hoá, phương tiện cộng thêm  nhu cầu đi lại của người dân tăng cao nên dễ xảy ra tai nạn giao thông. Các ngành chức năng đang tăng cường tuần tra kiểm soát nhằm đảm bảo an toàn giao thông trong những ngày giáp tết Nguyên đán sắp tới.

7.6. Tình hình cháy, nổ và thiên tai

Từ ngày 15/12/2020 đến 14/1/2021 toàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy, không có vụ nổ, không có người chết và không có người bị thương, ước tính thiệt hại vật chất khoảng 150 triệu đồng. Nguyên nhân cả 02 vụ cháy trên là do sự cố chập điện: một vụ xảy ra tại xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng; một vụ xảy ra tại xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc huyện Gò Quao./.

Tải về: - Số liệu Kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2021 của tỉnh Kiên Giang;

             - Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 01 năm 2021 của tỉnh Kiên Giang


[1] Lúa vụ Mùa (2020 – 2021) đã gieo trồng ở các huyện An Biên 16.645 ha, An Minh 20.645 ha,Vĩnh Thuận 12.075 ha, U Minh Thượng 7.258 ha, Gò Quao 1.420 ha và thành phố Hà Tiên 599 ha.

[2] Chia ra: Giá trị khai thác tăng 0,24% so tháng trước, tăng 3,67% so cùng kỳ; giá trị nuôi trồng giảm 8,37% so tháng trước, tăng 8,36% so cùng kỳ.

[3] Trong đó trong tỉnh 1.811 lượt người, ngoài tỉnh 1.304 lượt người, lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn 14 lượt người.

 

Số lần đọc: 829
Cục Thống kê Kiên Giang
Tin liên quan