Tin nóng
25.01.2022

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp

Vụ Mùa (2021-2022): kết thúc gieo trồng vụ Mùa, toàn tỉnh gieo trồng được 67.251 ha, vượt 10,85% kế hoạch (vượt 6.581 ha) và tăng 14,68% (tăng 8.880 ha) so với diện tích lúa vụ Mùa năm trước. Đến nay đã thu hoạch 56.901 ha, năng suất trên diện tích đã thu hoạch ước tính đạt 5,01 tấn/ha. Lúa vụ Mùa tập trung ở các huyện: Vĩnh Thuận, An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Giang Thành.

Vụ Đông Xuân (2021-2022): tính đến ngày 15/01/2022 toàn tỉnh đã gieo sạ được 283.746 ha, vượt 0,26% kế hoạch[1], giảm 0,17% so cùng kỳ năm trước (giảm 479 ha). Đến nay đã thu hoạch 7.050 ha, ước tính năng suất trên trà lúa đã thu hoạch đạt 5,61 tấn/ha.

Nhìn chung trà lúa Đông xuân năm nay phát triển tốt, ít sâu bệnh. Diện tích nhiễm bệnh là 5.858 ha với các đối tượng gây hại chủ yếu như đạo ôn lá, bệnh lem lép hạt, bệnh đốm vằn và cháy bìa lá …đến nay, trên diện tích Đông xuân sớm đã thu hoạch được 7.050 ha.

Cây rau màu: một số loại cây màu đã gieo trồng như: dưa hấu 354 ha, tăng 0,40% so với cùng kỳ năm trước; khoai lang 311 ha, tăng 9,20% so cùng kỳ; khoai mì 51 ha, tăng 4,08% so cùng kỳ; bắp 59 ha, giảm 3,28% so cùng kỳ; rau, đậu các loại khác 1.847 ha, tăng 3,42% so cùng kỳ năm trước.

Chăn nuôi

Qua hơn 04 tháng tái phát trên địa bàn tỉnh, dịch tả heo châu Phi đã gây thiệt hại 2.554 con heo; mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn, thách thức cho công tác quản lý, nhưng các ngành chức năng và các địa phương đã tích cực vào cuộc, triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch tả heo, kết quả đã có 6/10 huyện, thành phố (Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Rạch Giá, An Biên và U Minh Thượng) qua 21 ngày không phát sinh trường hợp heo mắc mới.

Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi với đặc điểm dịch tễ phức tạp, đường lây truyền đa dạng, trong khi chăn nuôi của tỉnh quy mô nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số, nguy cơ các ổ dịch có thể phát sinh rất cao, vì vậy công tác phòng chống dịch không thể lơ là. Các ngành chức năng cần tập trung hướng dẫn doanh nghiệp, hộ gia đình chăn nuôi thực hiện tốt khâu vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng trước khi thả nuôi, kiểm soát tốt khâu vận chuyển động vật ra, vào địa bàn tỉnh, nhất là đối với đàn heo. Là tháng giáp Tết Nguyên Đán, nhu cầu sử dụng thực phẩm và sức mua của thị trường sẽ tăng cao nhưng nguồn cung về thực phẩm chăn nuôi vẫn đảm bảo nên giá cả vẫn đang ổn định và đang có xu hướng tăng nhẹ.

b. Lâm nghiệp

Các ngành chức năng thường xuyên phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về phòng chống cháy rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, duy trì thường xuyên công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Thực hiện Kế hoạch khoanh nuôi, chăm sóc rừng trong năm, đến nay đã có 13 ha rừng được chăm sóc, tăng 13,04% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh 7 ha, tăng 16,67% so cùng kỳ và diện tích rừng được khoán bảo vệ là 554 ha, tăng 4,92% so cùng kỳ.

Sản lượng gỗ khai thác tháng Một ước đạt 4.091 m3, tăng 4,63% so cùng kỳ và sản lượng củi khai thác đạt 4.072 Ste, tăng 4,41% so cùng kỳ. Trong tháng không xảy ra vụ cháy rừng và phá rừng nào.

c. Thủy sản

Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 2010): tháng Một ước tính đạt 2.055,56 tỷ đồng, giảm 20,76% so với tháng trước và giảm 4,89% so cùng kỳ[2].

Sản lượng thủy sản (cả khai thác và nuôi trồng): tháng Một ước tính đạt 59.905 tấn, giảm 15,31% so với tháng trước và giảm 1,71% so cùng kỳ. Chia ra:

Sản lượng khai thác: tháng Một ước đạt 44.313 tấn, giảm 1,14% so tháng trước, giảm 4,01% so cùng kỳ.

Sản lượng nuôi trồng: tháng Một ước tính đạt 15.592 tấn, giảm 39,82% so với tháng trước, tăng 5,49% so cùng kỳ. Sản lượng nuôi trồng trong tháng tăng so với cùng kỳ do một số diện tích chưa thu hoạch chuyển sang thu hoạch vào đầu năm 2022.

2. Công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): tháng Một chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 6,44% so tháng trước, tăng 9,40% so cùng tháng năm trước. So với tháng trước ngành chế biến, chế tạo tăng 6,99%[3]; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 3,64%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,49%; riêng có nhóm ngành khai khoáng giảm 10,78%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): tháng Một ước tính đạt 4.338,17 tỷ đồng, tăng 6,89% so với tháng trước, tăng 9,48% so với cùng tháng năm trước[4].

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng Một tăng so cùng kỳ như: giày da đạt 22,09% kế hoạch năm, tăng 72,17%; tôm đông lạnh đạt 11,27%, tăng 30,81%; gạch không nung đạt 10,96% kế hoạch năm, tăng 23,91%; cá đông lạnh đạt 11,30%, tăng 17,38%; gỗ MDF đạt 9,51% kế hoạch năm, tăng 6,35%; điện thương phẩm đạt 7,79% kế hoạch năm, tăng 4,38%; nước máy đạt 8,12% kế hoạch năm, tăng 4,37%; … Nhưng cũng có một số sản phẩm giảm so cùng kỳ như: bao bì PP đạt 2,99% kế hoạch năm, giảm 73,42%; Clinker đạt 5,68% kế hoạch năm, giảm 37,99%; mực đông lạnh đạt 7,09% kế hoạch năm, giảm 28,03%; nước đá đạt 7,10% kế hoạch năm, giảm 19,12%; xi măng đạt 8,27% kế hoạch năm, giảm 9,99%...

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tính 01 tháng năm 2022 đạt 142,95% so cùng kỳ năm trước; trong đó, Sản xuất chế biến thực phẩm đạt 306,30% so cùng kỳ; Sản xuất đồ uống đạt 181,97% so cùng kỳ; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ bằng 42,24%; Sản xuất sản phẩm từ cao su plastic bằng 84,95% so cùng kỳ; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác bằng 91,05% so cùng kỳ.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tính tháng Một giảm 9,62% cùng kỳ năm trước; trong đó, sản xuất đồ uống bằng 3,84%; sản xuất xi măng, vôi, thạch cao bằng 107,66%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 111,26%...

Chỉ số sử dụng lao động ngành công nghiệp tháng 01 năm 2022 tăng 1,78% so với tháng trước, tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước.

3. Vốn đầu tư thực hiện (Vốn ngân sách nhà nước)

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng Một (Số giải ngân đến 15/01/2022) ước tính 41,82 tỷ đồng, bằng 3,33% so với tháng trước, giảm 20,35% so cùng tháng năm trước. Trong đó: vốn cân đối ngân sách địa phương 41,82 tỷ đồng, bằng 4,58% so tháng trước.

 4. Thu, chi ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước tháng Một ước tính thu được 1.354,17 tỷ đồng, giảm 44,47% so với tháng trước, bằng 98,93% so cùng tháng năm trước. Trong đó thu nội địa 1.350 tỷ đồng, giảm 44,47% so với tháng trước, bằng 98,96% so cùng tháng năm trước.

Tổng chi ngân sách địa phương tháng Một ước tính 915,52 tỷ đồng, chỉ bằng 36,97% so với tháng trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển 86,45 tỷ đồng, chỉ bằng 8,72% so tháng trước, tăng 506,10% so cùng tháng năm trước; chi thường xuyên 829,07 tỷ đồng, giảm 44,18% so tháng trước.

5. Ngân hàng

Trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tiếp tục tập trung thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid - 19, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn ngân hàng phục hồi sản xuất kinh doanh; hoạt động huy động vốn và tín dụng diễn biến phù hợp tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Ước tính đến 31/01/2022, một số chỉ tiêu đạt cụ thể như sau:

Tổng nguồn vốn hoạt động ước đạt 118.300 tỷ đồng, tăng 0,5% so đầu năm; trong đó, vốn huy động tại địa phương ước đạt 60.900 tỷ đồng (chiếm 51,48% tổng nguồn vốn hoạt động), giảm 0,81% so đầu năm.

Doanh số cho vay trong tháng ước đạt 15.000 tỷ đồng; đến 31/01/2022, dư nợ cho vay ước đạt 97.800 tỷ đồng, tăng 0,4% so đầu năm.

Nợ xấu nội bảng 1.200 tỷ đồng, chiếm 1,23% tổng dư nợ.

Nợ tổn thất (nợ đã xử lý bằng dự phòng rủi ro và đang theo dõi ngoại bảng) 1.200 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng trên địa bàn khá ổn định. Tỷ giá vàng và ngoại tệ diễn biến theo xu hướng chung của cả nước và thế giới.

Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp của chính sách tiền tệ; tập trung các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho tổ chức, cá nhân vay vốn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, hạn hán, xâm nhập mặn ... như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí không chuyển nhóm nợ, tiếp tục đẩy mạnh cho vay sản xuất, các lĩnh vực ưu tiên; cân đối tài chính, chủ động tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay; triển khai các sản phẩm tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19...

6. Thương mại - dịch vụ và giá cả

Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong tháng vẫn còn diễn biến phức tạp. Tháng Một là tháng giáp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhu cầu tiêu dung của người dân tăng cao, bên cạnh đó các hệ thống bán lẻ tăng cường khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, cùng với việc chuẩn bị đón tết trong nhân dân đã diễn ra tương đối sôi động nên sức mua trên thị trường đã tăng lên.

a. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Một ước đạt 9.910,42 tỷ đồng, tăng 6,38% so tháng trước, tăng 3,65% so cùng tháng năm trước. Chia theo ngành hoạt động:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng Một ước đạt 7.614,17 tỷ đồng, tăng 4,03% so với tháng trước, tăng 5,67% so cùng tháng năm trước.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng Một ước tính 1.160,29 tỷ đồng, tăng 23,40% so tháng trước, giảm 4,54% so cùng kỳ năm trước.

Doanh thu du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch tháng Một ước đạt 29,38 tỷ đồng, tăng 86,88% so tháng trước, giảm 23,18% so cùng tháng năm trước.

Doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng Một ước đạt 1.106,59 tỷ đồng, tăng 6,30% so với tháng trước, tăng 0,39% so cùng tháng năm trước.

b. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Một ước đạt 71 triệu USD, tăng 1,05% so với tháng trước và tăng 37,41% so cùng tháng năm trước[5]. Trong đó, hàng nông sản 16,98 triệu USD, tăng 3,22% so cùng kỳ; hàng thủy sản 26,67 triệu USD, tăng 39,93% so cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất chủ yếu như: gạo 31.104 tấn, đạt 6,41% kế hoạch năm, tăng 180,29% so cùng kỳ; tôm đông 280 tấn, đạt 5,83% kế hoạch, so với cùng kỳ tăng 16,67%; mực, bạch tuộc đông 1.500 tấn, đạt 9,38% kế hoạch, so với cùng kỳ tăng 71,43% ...

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Một ước đạt 10,50 triệu USD, tăng 6,38% so tháng trước và giảm 6,58% so tháng cùng kỳ.

c. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Một tăng 0,15% so với tháng trước. Trong đó: khu vực thành thị tăng 0,15%, khu vực nông thôn tăng 0,15%. CPI tháng Một tăng nhẹ so với tháng trước, có 9/11 nhóm tăng, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất với mức tăng 1,01%; kế đến là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,62%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,56%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,17% (trong đó thực phẩm giảm 0,21%); nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,11%; nhóm nhà ở, điện nước, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,08%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,06%; nhóm thiết bị và đồ dung gia đình tăng 0,05% và nhóm giáo dục tăng 0,01%. Có 01 nhóm giảm đó là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,34%. Còn lại nhóm bưu chính viễn thông bình ổn giá.

So với tháng 01/2021 (sau 01 năm) chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,89%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, duy nhất chỉ có nhóm giáo dục giảm 3,76% và cũng chỉ có nhóm Bưu chính viễn thông là bình ổn (bằng 100%), còn lại tất cả các nhóm khác đều tăng giá. Trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất với mức tăng 14%; kế đến là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 10,77%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 5,24%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,02%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,83% (trong đó thực phẩm giảm 0,50%); nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,32%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,91%; nhóm thiết bị và đồ dung gia đình tăng 0,64% và nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,60%.

Chỉ số giá vàng: tháng Một so với tháng trước tăng 61.000 đồng/chỉ (tăng 1,18%) và giảm 4,41% so với tháng 01 năm trước. Giá vàng nhẫn bình quân tháng Một là 5.226.000 đồng/chỉ.

Chỉ số giá đô la Mỹ: tháng Một giảm 0,28% so với tháng trước, giảm 1,33% so với cùng tháng năm trước. Giá USD bình quân tháng Một tại liên ngân hàng là 2.288.600 đồng/100 USD, giảm 6.400 đồng/100 USD so với tháng trước.

d. Vận tải

Vận tải hành khách: Tháng Một, tháng giáp tết Nguyên Đán nên hoạt động vận tải tăng khá cao cả về vận tải hành khách và hàng hóa so với tháng trước. Tuy nhiên hoạt động vận tải mới đang đà phục hồi, hơn nữa dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến khó lường nên vận tải hành khách so với cùng kỳ năm trước vẫn còn ở mức thấp hơn. Ước tính vận chuyển hành khách trong tháng Một đạt 6,13 triệu lượt khách, tăng 131,62% so tháng trước, nhưng vẫn giảm 17,05% so với cùng tháng năm trước; luân chuyển 406,13 triệu HK.km, tăng 131,95% so tháng trước, giảm 16,44% so cùng tháng năm trước.

Vận tải hàng hóa: tháng Một hàng hóa vận chuyển ước tính 1,27 triệu tấn, tăng 11,08% so tháng trước, tăng 3,83% so cùng tháng năm trước; luân chuyển 181,92 triệu tấn.km, tăng 10,92% so tháng trước, tăng 4,08% so cùng kỳ.

e. Du lịch

Các ngành chức năng đang triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm kích cầu du lịch nội địa trở lại và tiếp tục đón khách du lịch quốc tế đến thành phố Phú Quốc sử dụng “hộ chiếu vắc-xin”; các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh cũng đã sẳn sàng phục vụ du khách nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 gắn với việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả, đảm bảo “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và an toàn cho du khách.

Ước tính khách du lịch trong tháng Một đạt 233,73 ngàn lượt khách, bằng 50,82% so tháng trước, giảm 37,50% so tháng cùng năm trước. Trong đó lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch là 122,46 ngàn lượt khách, đạt 5,32% kế hoạch năm, giảm 47,25% so cùng kỳ năm trước. Trong đó khách quốc tế 1,83 ngàn lượt khách, mới đạt 0,91% kế hoạch năm và chỉ bằng 14,21% cùng kỳ năm trước.

7. Một số tình hình xã hội

a. Lao động, giải quyết việc làm, đào tạo nghề

Trong tháng Một giải quyết việc làm cho 3.452 lượt người, đạt 9,86% kế hoạch năm tăng 10,68% so cùng kỳ năm trước; trong đó lao động làm việc ở nước ngoài có thời hạn là 02 người, bằng 50% cùng kỳ năm trước.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh tuyển sinh, đào tạo được 266 lượt người trình độ sơ cấp.

b. Giáo dục

Do tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, ngành giáo dục đã chủ động và nghiêm túc thực hiện các chủ trương của Tỉnh ủy và UBND trong phòng chống dịch; tiếp tục chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục năm học 2021 – 2022 ứng phó với dịch Covid – 19, thực hiện dạy học trực tuyến và truyền hình bậc học mầm non và tiểu học; tiếp tục dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 3, 4, 5 và dạy trên kênh truyền hình cho học sinh lớp 1, 2. Tổ chức kiểm tra, thẩm định kết quả thực hiện và tổng hợp số liệu công tác phổ cập, xóa mù chữ năm 2021 ở 12/15 huyện, thành phố năm 2021.

Thẩm định tài liệu Giáo dục địa phương các lớp 7, 8, và 9. Phối hợp chỉ đạo tiêm vắc xin cho học sinh khối lớp 6, số lượng 24.863 học sinh; dự kiến cho học sinh các lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12 đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 đến trường học trực tiếp. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tiếp tục được đổi mới, giữ vững kỷ cương, nền nếp trường, lớp học, góp phần ổn định và phát triển sự nghiệp giáo dục trên địa bàn tỉnh.

c. Tình hình y tế

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp; chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện sàng lọc, chủ động tăng cường các biện pháp ứng phó, thực hiện tốt công tác phân luồng, sàng lọc người bệnh, các đối tượng có nguy cơ đến/trở về từ các khu vực có dịch. Chỉ đạo hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp...Tiếp tục điều tra, truy vết, cách ly những trường hợp nhập cảnh trái phép và trở về từ vùng dịch; kiểm tra Bộ tiêu chí phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp tại các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thành phố, phòng khám và trạm y tế.

Tình hình dịch bệnh:

- Tình hình dịch Covid-19: từ khi xuất hiện dịch trên địa bàn đến ngày 21/01/2022, toàn tỉnh ghi nhận 32.845 trường hợp mắc Covid-19 (trong đó có 106 ca nhập cảnh và 32.739 ca nhiễm trong tỉnh), đã điều trị khỏi 30.907 trường hợp, 763 trường hợp tử vong, 1.175 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong tỉnh.

Hiện tại đang cách ly tập trung 1.624 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 10.969 trường hợp; theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 2.500 trường hợp. Tổng số trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 là 378.057 trường hợp, trong đó số trường hợp có kết quả dương tính 32.845 trường hợp.

- Bệnh sốt xuất huyết trong tháng ghi nhận 15 cas, trong đó có 02 cas sốt xuất huyết nặng (huyện An Biên 01 cas, huyện An Minh 01 cas), giảm 07 cas so với tháng trước. Trong tháng số cas mắc cao nhất là huyện Giồng Riềng: 04 cas, huyện An Biên: 02 ca, huyện An Minh: 02 ca, không có trường hợp tử vong.

- Bệnh tay chân miệng 01 ca mắc tại huyện Châu Thành, tăng 01 ca so với tháng trước. Không có trường hợp tử vong.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: thực hiện thanh, kiểm tra 327 cơ sở, trong đó có 312 cơ sở đảm bảo VSATTP theo quy định (95,41%) và 15 cơ sở chưa đảm bảo VSATTP (4,59%), đã xử lý nhắc nhở và hướng dẫn cơ sở thực hiện việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong tháng không ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm nào.

d. Hoạt động Văn hóa, Thể dục thể thao

- Hoạt động Văn hóa:

Trong tháng tập trung tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và gia đình phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị; nhất là tuyên truyền kỷ niệm 76 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (06/01/1946 - 06/01/2022); kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống Học sinh, sinh viên và Hội sinh viên Việt Nam (09/01/1950 - 09/01/2022); tham gia các hoạt động “Tết Quân - Dân” năm 2022.

Xây dựng kế hoạch thực hiện công tác gia đình năm 2022 trên địa bàn tỉnh; ban hành văn bản hướng dẫn xét và công nhận lại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, giai đoạn 5 năm 2017-2021. Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xây dựng Kế hoạch phối hợp thực hiện công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình năm 2022. Biên tập, phát hành Đặc san Văn hóa và Thể thao số 68 Xuân Nhâm Dần 2022.

- Hoạt động Thể dục thể thao:

Thể dục thể thao quần chúng: Tiếp tục hoàn thiện phương án xã hội hóa chuẩn bị cho kế hoạch năm 2022 theo phương thức thu dịch vụ trên tinh thần Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đối với các công trình thể thao đơn vị đang quản lý sử dụng.

Thể thao thành tích cao: Đội tuyển Bắn cung tham dự Giải Bắn cung Vô địch Quốc gia (từ ngày 20/12 – 29/12/2021 tại Vĩnh Phúc), đạt 01 huy chương bạc nội dung đồng đội nữ.

e. Tình hình an toàn giao thông

Tính từ ngày 15/12/2021 đến 14/01/2022, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông, làm 7 người chết, 4 người bị thương. So với tháng trước số vụ tai nạn giao thông không tăng giảm, số người chết tăng 01, số người bị thương giảm 3 người. So với tháng cùng kỳ năm trước: số vụ tai nạn giao thông giảm 5 vụ (giảm 33,33%), số người chết giảm 01 người (giảm 12,50%), số người bị thương giảm 5 người (giảm 55,56%).

Tình hình tai nạn giao thông trong tháng Một giảm 03 trên 03 tiêu chí so với cùng kỳ (cụ thể giảm số vụ và giảm số người chết và giảm số bị thương). Các ngành chức năng cần thường xuyên tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền, vận động nhân dân gương mẫu chấp hành Luật giao thông khi tham gia giao thông, để mọi người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn trong thời gian tới.

f. Tình hình cháy, nổ và thiên tai

Tình hình cháy nổ: từ ngày 15/12/2021 đến 14/01/2022 toàn tỉnh xảy ra 01 cháy, không xảy ra vụ nổ. Cụ thể: vào lúc 17 giờ 50 phút ngày 15/12/2021, xảy ra 01 vụ cháy cơ sở kinh doanh nệm tại số 477A, Nguyễn Trung Trực, phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá. Nguyên nhân cháy là do chập điện. Không có thiệt hại về người, ước thiệt hại về tài sản 370 triệu đồng.

Tình hình thiên tai: Từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/01/2022, toàn tỉnh không xảy ra thiên tai./.

Tải về: - Số liệu Kinh tế - xã hội tháng 01 và 01 tháng năm 2022 của tỉnh Kiên Giang;

             - Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 01 năm 2022 của tỉnh Kiên Giang


[1] Diện tích gieo trồng ở các huyện như Hòn Đất 79.969 ha, Giồng Riềng 46.659 ha, Tân Hiệp 36.803 ha, Giang Thành 29.205 ha, Gò Quao 25.229 ha, Kiên Lương 23.500 ha, Châu Thành 19.151 ha, An Biên 7.439 ha, U Minh Thượng 6.485 ha, Rạch Giá 5.488 ha, Vĩnh Thuận 3.818 ha.

[2] Chia ra: Giá trị khai thác giảm 2,52% so tháng trước, giảm 4,22% so cùng kỳ; giá trị nuôi trồng giảm 37,33% so tháng trước, giảm 5,82% so cùng kỳ.

[3] Trong đó: ngành chế biến thực phẩm tăng 9,12%; ngành sản xuất đồ uống tăng 12,50%...

[4] Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 94,66% trong tổng số, tăng 7,18%.

[5] So với tháng trước, giá trị hàng nông sản tăng 3,22%; hàng thủy hải sản tăng 0,83%; nguyên liệu giày da tăng 17,36%.

 

Số lần đọc: 806
Cục thống kê Kiên Giang
Tin liên quan