Tin nóng
26.12.2019

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp

Vụ lúa Thu Đông (vụ 3): Diện tích gieo trồng 78.674 ha đạt 94,79% so với kế hoạch, tăng 4,59% (tăng 3.456 ha) so với cùng kỳ[1]. Ước tính năng suất cả vụ đạt 5,20 tấn/ha, sản lượng đạt 409.105 tấn, tăng 4,15% (tăng 16.300 tấn) so cùng kỳ.

Vụ Mùa (2019 - 2020): Tính đến ngày 15/12 toàn tỉnh đã gieo trồng được 62.520 ha.[2] Diện tích  bị nhiễm sâu bệnh trên lúa Mùa là 2.871 ha. Các đối tượng gây hại chủ yếu gồm bệnh lem lét hạt 607 ha, cháy bìa lá 140 ha, đạo lá 907 ha, sâu cuốn lá 144 ha, nhiễm mặn 437 ha.

Vụ Đông Xuân (2019 - 2020): Tính đến ngày 15/12 toàn tỉnh đã gieo trồng được 284.617 ha[3]. Diện tích  bị nhiễm sâu bệnh là 11.063 ha. Các đối tượng gây hại chủ yếu gồm bệnh Cháy bìa lá 477 ha, đạo ôn lá 6.118 ha, bù lạch 2.638 ha, sâu cuốn lá 1.075 ha, lem lét hạt 425 ha.

Cây rau màu

Diện tích  một số cây rau màu cũng được nhân dân đầu tư sản xuất như:  Dưa hấu 1.320 ha, tăng 6,19% so với cùng kỳ; Khoai lang 1.340 ha, giảm 0,89 %; Khoai mì 443 ha, giảm 19,60%; Bắp 233 ha, giảm 7,54%; Rau đậu các loại 8.622 ha, giảm 5,27% so với cùng kỳ.

Chăn nuôi

Tình hình Dịch tả lợn Châu Phi hiện nay tại các tỉnh khu vực ĐBSCL đã giảm, trong tỉnh ta cũng giảm đáng kể, số xã, thị trấn qua 30 ngày không phát sinh dịch ngày càng tăng. Tuy nhiên, nguy cơ ổ dịch tiếp tục phát sinh vẫn ở mức cao, ngay cả với cơ sở chăn nuôi có điều kiện an toàn sinh học. Vì vậy, công tác chống dịch cần phải quyết liệt, kiên trì, tập trung hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt khâu vệ sinh tiêu độc, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, tăng cường các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ đàn heo. Trong tháng đã xảy ra 58 hộ chăn nuôi có heo mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại 09 huyện, thành phố, với số heo tiêu hủy là 239 con. Lũy kế từ ngày 18/5/2019 đến ngày 15/12/2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3.788 hộ chăn nuôi có heo mắc bệnh Dịch tả heo Châu Phi tại 712 ấp, khu phố, 129 xã, phường, thị trấn, thuộc 15 huyện, thành phố; đã tiêu hủy 48.869 con heo, trọng lượng tiêu hủy là 3.028 tấn.

b. Lâm nghiệp

Tình hình chăm sóc và bảo vệ từng được ngành Kiểm lâm phối hợp tốt với chính quyền địa phương tuyên truyền giáo dục và vận động người dân tham gia bảo vệ rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát. Trong tháng xảy ra 1 vụ cháy rừng thiệt hại 0,42 ha; Xảy ra 4 vụ vi phạm chặt phá lấn chiếm đất rừng (Phú Quốc 4 vụ) với diện tích thiệt hại khoảng 0,77 ha. Tính chung cả năm xảy ra 3 vụ cháy rừng thiệt hại 48,57 ha, chủ yếu là rừng tràm trồng 1,5 tuổi và 3,5 tuổi và đồng cỏ bàng xen lẫn rừng tự nhiên (Phú Quốc 01 vụ, Hòn Đất 02 vụ); xảy ra 36 vụ chặt phá rừng, diện tích thiệt hại khoảng 5,18 ha.

c. Thủy sản

Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 2010) tháng Mười Hai ước tính 2.168,54 tỷ đồng, giảm 3,49% so tháng trước, tăng 4,31% so cùng kỳ[4]. Tính chung 12 tháng ước đạt 30.694,42 tỷ đồng, đạt 96,52% kế hoạch, tăng 4,66% so cùng kỳ[5].

Tổng sản lượng thủy sản (cả khai thác và nuôi trồng): Tháng Mười Hai ước đạt 65.955 tấn, giảm 4,03% so tháng trước (giảm 2.773 tấn), tăng 4,83% (tăng 3.040 tấn) so cùng kỳ. Tính chung cả năm đạt 845.430 tấn, đạt 101,37% kế hoạch, tăng 3,67% (tăng 29.913 tấn) so cùng kỳ. Chia ra

Sản lượng khai thác tháng Mười Hai ước đạt 49.114 tấn, giảm 1,89% so tháng trước, giảm 0,13% so cùng kỳ. Tính chung cả năm ước được 600.145 tấn, đạt 101,55% kế hoạch, tăng 1,80% (tăng 10.623 tấn) so cùng kỳ. Trong đó cá các loại tăng 3,01% (tăng 13.174 tấn); tôm giảm 5,36% (giảm 1.981 tấn); mực tăng 2,04% (tăng 1.495 tấn).

 Sản lượng nuôi trồng tháng Mười Hai ước đạt 16.841 tấn thủy sản các loại, giảm 9,8% so tháng trước (giảm 1.829 tấn), tăng 22,60% so cùng kỳ (tăng 3.105 tấn). Sản lượng nuôi trồng tháng này giảm so với tháng trước là do chưa vào vụ thu hoạch, thường theo tập quán thì phải đến cận tết nguyên đán tức vào khoảng cuối tháng 12 năm 2019 bà con mới tập trung thu hoạch nên sản lượng thu hoạch giảm. Tính chung cả năm ước tính 245.285 tấn, đạt 100,94% kế hoạch, tăng 8,54% (tăng 19.290 tấn) so cùng kỳ, trong đó: Cá nuôi 80.320 tấn, đạt 125,40% kế hoạch, tăng 6,70% (tăng 5.040 tấn); tôm các loại 82.726 tấn, đạt 108,85% kế hoạch, tăng 11,55% (tăng 8.566 tấn), trong đó tôm thẻ chân trắng 29.334 tấn, đạt 134,87% kế hoạch, tăng 16,85% (tăng 4.229 tấn)…

2. Công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): Tháng Mười Hai, tăng 3,88% so tháng trước, tăng 11,10% so cùng tháng năm trước. Trong đó, so với tháng trước, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,09%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 1,91%... Tính chung 12 tháng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,05% so cùng kỳ. Trong đó ngành khai khoáng tăng 14,68%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,87%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 10,95%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải tăng 10,05%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): Tháng Mười Hai ước đạt 4.492,42 tỷ đồng, tăng 7,71% so tháng trước, tăng 11,28% so cùng kỳ. Ước thực hiện cả năm là 47.662,0 tỷ đồng, đạt 100,80% kế hoạch, tăng 10,07% so cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 46.275,04 tỷ đồng, chiếm 97,09%/tổng số, tăng 10,01%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 11,81%; ngành khai khoáng tăng 11,67%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 14,09%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu cả năm có mức tăng cao so cùng kỳ như: Tôm đông tăng 17,77%; Mực đông tăng 8,55%; cá đông tăng 6,76%; sản phẩm giày da tăng 22,73%; Gỗ MDF tăng 13,75%; xi măng tăng 4,90%; điện thương phẩm tăng 18,02%; nước máy tăng 10,11%... Nhưng vẫn còn một số sản phẩm giảm như: Gạch không nung giảm 14,29%; xay xát gạo giảm 0,59%; bao bì PP giảm 7,46%, Bột cá giảm 5,99%. Nhìn chung, giá trị sản xuất công nghiệp năm nay đạt khá so với kế hoạch cũng như so cùng kỳ.

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Mười Hai bằng 93,88% so với tháng trước. Trong đó, ngành sản xuất trang phục tăng 9,59%; ngành sản xuất đồ uống tăng 20,68%. Nhưng ngành chế biến thực phẩm chỉ bằng  94,97%; ngành sản xuất Xi măng bằng 90,17%...

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Mười Hai tăng 10,96% so với tháng trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với tháng trước như ngành sản xuất Xi măng tăng 62,42%, chế biến thực phẩm tăng 19,33% ...

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/12/2019 tăng 55,24% so với cùng thời điểm này năm trước, trong đó lao động ngành chế biến, chế tạo tăng 62,14%; ngành khai khoáng tăng 8,81%.

3. Vốn đầu tư (theo số giải ngân Kho bạc tính đến 15/12/2019)

Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng Mười Hai ước đạt 595,81 tỷ đồng, tăng 58,47% so tháng trước. Tính chung 12 tháng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước ước đạt 3.394,27 tỷ đồng, đạt 60,80% kế hoạch, tăng 16,68% so cùng kỳ. Trong đó vốn cân đối ngân sách địa phương 1.459,76 tỷ đồng, đạt 68,41% kế hoạch, tăng 6,02% so cùng kỳ, vốn TW hỗ trợ có mục tiêu đạt 825,02 tỷ đồng, đạt 73,63% kế hoạch, tăng 6,01% so cùng kỳ.

4. Thu, chi ngân sách

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng Mười Hai ước đạt 827,97 tỷ đồng, giảm 10,65% so tháng trước, tăng 12,03% so cùng kỳ. Tính chung cả năm tổng thu ngân sách dự kiến 11.018 tỷ đồng, đạt 105,54% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 8,02% so cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa 10.800 tỷ đồng, đạt 104,85% dự toán, tăng 11,09%, chiếm 98,02% trên tổng thu ngân sách của tỉnh. Nếu thu nội địa loại trừ thu tiền sử dụng đất và xổ số kiết thiết là 3.737 tỷ đồng thì chỉ đạt 72,97% so dự toán. Đa số các khoản thu đều đạt cao so dự toán[6]. Nguyên nhân một số sắc thuế thu đạt cao là do các doanh nghiệp nộp đột biến ngoài kế hoạch tiền sử dụng đất; thu từ thuế bảo vệ môi trường do tăng mức thu theo NQ Quốc hội; thu nộp chậm tiền sử dụng đất; thu nợ năm trước chuyển sang thuế cấp quyền khai thác khoáng sản… Bên cạnh đó vẫn còn một số khu vực, sắc thuế đạt thấp so dự toán cả năm và so với cùng kỳ như: thu lệ phí trước bạ đạt 75,56% dự toán, bằng 86,19% cùng kỳ; thu phí và lệ phí đạt 91,67% dự toán; thu từ doanh nghiệp nhà nước ĐP đạt 87,40%...

Tổng chi ngân sách địa phương tháng Mười Hai ước chi 3.440,52 tỷ đồng, tăng 2,98 lần so tháng trước, tăng 21,85% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển 1.553,1 tỷ đồng, tăng 5,72 lần so tháng trước, tăng 3,18% so cùng kỳ; chi thường xuyên 1.887,43 tỷ đồng, tăng 213,65% so tháng trước, tăng 43,28% so cùng kỳ. Tính chung cả năm tổng chi ngân sách địa phương là 14.621,59 tỷ đồng, đạt 96,95% dự toán, tăng 12,46% so cùng kỳ, trong đó chi đầu tư phát triển 4.698,7 tỷ đồng, đạt 84,17% dự toán, giảm 1,13% so cùng kỳ; chi thường xuyên 9.395,18 tỷ đồng, đạt 105,73% dự toán, tăng 13,91% so cùng kỳ.

 

5. Ngân hàng

Hoạt động ngân hàng trên địa bàn trong tháng duy trì ổn định. Ước tính đến cuối tháng 12/2019, tổng nguồn vốn hoạt động đạt 94.800 tỷ đồng, tăng 13,51% so đầu năm, tăng 1,77% so tháng trước. Trong đó: Vốn huy động tại địa phương ước đạt 48.800 tỷ đồng (chiếm 51,48% tổng nguồn vốn hoạt động), tăng 6,25% so đầu năm nhưng giảm 0,15% so tháng trước.

Doanh số cho vay trong tháng ước đạt 11.000 tỷ đồng; Dư nợ cho vay ước đạt 78.800 tỷ đồng, tăng 14,84% so đầu năm và tăng 1,24% so tháng trước.

Nợ xấu nội bảng 800 tỷ đồng, chiếm 1,02% tổng dư nợ.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng trên địa bàn khá ổn định. Tỷ giá vàng và ngoại tệ diễn biến theo xu hướng chung của cả nước và thế giới.

6. Thương mại - dịch vụ

a. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng Mười Hai ước đạt 9.524,59 tỷ đồng, tăng 5,01% so tháng trước, tăng 14,26% so cùng tháng năm trước. Tính chung cả năm ước tính 108.221 tỷ đồng, đạt 100,02% kế hoạch, tăng 12,65% so cùng kỳ. Chia theo ngành hoạt động

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng Mười Hai ước đạt 6.960,68 tỷ đồng, tăng 6,55% so tháng trước, tăng 13,51% so cùng kỳ. Tính chung cả năm ước đạt 78.875 tỷ đồng, chiếm 72,88%/ tổng mức, đạt 99,84% kế hoạch, tăng 12,52%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng Mười Hai ước đạt 1.441,84 tỷ đồng, tăng 0,30% so tháng trước, tăng 20,82% so cùng kỳ. Tính chung cả năm dự kiến 15.850 tỷ đồng, đạt 102,26% so kế hoạch, tăng 12,64% so cùng kỳ.

Doanh thu du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch tháng Mười Hai đạt 34,67 tỷ đồng, tăng 3,42% so tháng trước, tăng 2,88% so cùng kỳ. Tính chung cả năm dự kiến đạt 446 tỷ đồng, đạt 89,20% kế hoạch, tăng 44,81% so cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng Mười Hai ước đạt 1.087,39 tỷ đồng, tăng 1,96% so tháng trước, tăng 11,31% so cùng kỳ. Tính chung cả năm ước tính 13.050 tỷ đồng, đạt 98,86% so kế hoạch, tăng 12,65% so cùng kỳ.

b. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Mười Hai ước đạt 65,21 triệu USD, giảm 7,69% so với tháng trước, tăng 45,55% so cùng kỳ. Trong đó hàng nông sản tăng 44,68% so tháng trước; hàng thủy hải sản tăng 13,38% so tháng trước. Tính chung cả năm 2019 ước đạt 680 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 7,96% so cùng kỳ[7].

Các mặt hàng xuất khẩu tăng so cùng kỳ như Cá đông tăng 4,11% (tăng 150 tấn); Tôm đông tăng 1,24% (tăng 54 tấn); mực, bạch tuộc đông tăng 2,24% (tăng 351 tấn). Kim ngạch xuất khẩu tuy đạt kế hoạch đề ra nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo chỉ đạt 178 triệu USD, giảm 11,79%, do nhu cầu thị trường gạo giảm mạnh; giá gạo bình quân giảm khoảng 70 USD/tấn so với cùng kỳ; riêng thị trường Trung Quốc lượng xuất giảm so với cùng kỳ (chỉ có 01 doanh nghiệp đang xuất khẩu đáp ứng tiêu chuẩn về rào cản kỹ thuật trong thương mại, kho tàng, công suất xay xát, lau bóng, chống côn trùng,...).

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Mười Hai ước đạt 13,77 triệu USD, tăng 19,95% so với tháng trước. Tính chung cả năm ước đạt 135 triệu USD, đạt 225% kế hoạch, tăng 4,20% so cùng kỳ. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dùng cho sản xuất.

c. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Mười Hai tăng 1,82% so với tháng trước; tăng 7,62% so với cùng tháng năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính đều tăng so với tháng trước, không có mặt hàng nào giảm. Trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất tăng 4,43% (trong nhóm này giá thịt heo tăng mạnh 35,96%, thịt bò tăng 7,46%); nhóm giao thông tăng 0,79%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,49%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,51%; nhóm thiết bị và đồ dung gia đình tăng 0,13%; nhóm may mặc giày dép và mũ nón tăng 0,13%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,07. Còn lại các nhóm hàng khác tăng không đáng kể.

Chỉ số giá vàng: tháng Mười Hai tăng 0,22% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 15,75% và so với bình quân cùng kỳ tăng 9,76%. Giá vàng bình quân tháng 12 năm 2019 là 4.160.000 đồng/chỉ, tăng 9.000 đồng/chỉ so với tháng trước.

Chỉ số giá Đô la Mỹ: tháng Mười Hai giảm 0,13% so tháng trước, so với cùng tháng năm trước giảm 0,41% và so với bình quân cùng kỳ tăng 0,72%. Giá USD bình quân tháng 12 năm 2019 là 2.323.050 đồng/100 USD, giảm 3.050 đồng/100 USD so với tháng trước.

d. Vận tải

Vận tải hành khách tháng Mười Hai ước đạt 9,04 triệu lượt khách, tăng 5,37% so tháng trước, tăng 56,67% so cùng kỳ; luân chuyển 920,07 triệu HK.km, tăng 256,66% so tháng trước, tăng 267,24% so cùng kỳ. Tính chung cả năm vận tải hành khách ước tính 93,35 triệu lượt khách, đạt 100,18% kế hoạch, tăng 8,53% so cùng kỳ; Luân chuyển 6.089,48 triệu HK.km, đạt 110,92% kế hoạch, tăng 18,70%. Trong đó so cùng kỳ năm trước vận tải hành khách đường biển tăng cao nhất, tăng 18,89%.

Vận tải hàng hóa tháng Mười Hai ước đạt 1,38 ngàn tấn, tăng 13,01% so tháng trước, tăng 24,86% so cùng kỳ; luân chuyển 256,19 triệu tấn.km, tăng 57,95% so tháng trước, tăng 95,29% so cùng kỳ. Tính chung cả năm vận tải hàng hóa ước tính 13,23 triệu tấn, đạt 102,69% kế hoạch, tăng 11,79% so cùng kỳ; Luân chuyển 1.847,22 triệu tấn.km, đạt 101,9% kế hoạch, tăng 13,65%. Trong đó so cùng kỳ năm trước vận tải hàng hóa đường sông tăng cao nhất, tăng 16,27%; vận tải hàng hóa đường biển tăng 9,27%.

e. Du lịch

Tổng lượt khách du lịch tháng Mười Hai ước đạt 586,92 ngàn lượt khách, giảm 8,58% so tháng trước, tăng 15,24% so cùng kỳ. Trong đó lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch đạt 321,76 ngàn lượt khách, bằng 84,45% so tháng trước, tăng 6,65% so cùng kỳ. (Số khách quốc tế 57,17 ngàn lượt khách, tăng 12,26% so tháng trước, tăng 3,34% so cùng kỳ). Tính chung cả năm 2019, tổng lượt khách du lịch ước đạt 8.780,48 ngàn lượt khách, đạt 105,79% kế hoạch, tăng 13,87% so cùng kỳ. Trong đó lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch 4.185,81 lượt khách, đạt 107,33% kế hoạch, tăng 16,69%.

7. Một số tình hình xã hội

a. Giải quyết việc làm, đào tạo nghề

Tháng Mười Hai giải quyết việc làm được 3.008 lượt lao động (trong tỉnh 2.144 lao động, ngoài tỉnh 813 lao động, xuất khẩu lao động 51 lao động). Tính chung cả năm, giải quyết việc làm cho 36.642 lượt người[8], đạt 104,69% kế hoạch, giảm 4,89% so năm trước. Các cơ sở đào tạo nghề tổ chức đào tạo nghề cho 32.605 người[9], đạt 103,74% kế hoạch.

b. Giáo dục

Tổ chức thực hiện  kiểm tra phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Phối hợp kiểm tra công nhận trường chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên năm học 2019-2020 tại các đơn vị theo kế hoạch; kiểm tra công tác giáo dục ATGT, phòng chống bạo lực học đường, xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 trung học phổ thông.

c. Tình hình y tế

Trong tháng, các cơ sở y tế đã khám, điều trị bệnh cho 458.138 lượt người, điều trị nội trú 24.189 bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh chung 94,89%, Tỷ lệ khỏi bệnh 85,57%, tỷ lệ tử vong 0,09%. Số lượt khám chữa bệnh bằng YHCT hoặc kết hợp YHHĐ và YHCT 55.530 lượt, chiếm 12,12% tổng số lượt khám chữa bệnh trong tháng.

Tình hình dịch bệnh trong tháng (từ ngày 09/11/2019 – 09/12/2019):

Trong tháng, bệnh Sốt xuất huyết, Bệnh Tay chân miệng... có xu hướng giảm[10], tuy nhiên bệnh cúm tăng cao do tình hình thời tiết trở lạnh. Ngành Y tế đã thường xuyên tuyên truyền đến người dân về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh nguy hiểm khác. Phòng chống HIV/AIDS trong tháng thực hiện xét nghiệm 4.251 mẫu máu, phát hiện mới 9 cas HIV dương tính[11].

Công tác vệ sinh An toàn thực phẩm: Thực hiện thanh, kiểm tra 1.087 cơ sở, có 836 cơ sở đảm bảo VSATTP theo quy định và có 251 cơ sở chưa đảm bảo VSATTP theo quy định. Đã nhắc nhở và hướng dẫn cho các cơ sở còn có những hạn chế trong đảm bảo VSATTP nhưng chưa đến mức phải xử phạt vi phạm hành chính. Đã tiêu hủy 7 loại sản phẩm của 12 cơ sở với khối lượng 76 kg thực phẩm không có nhãn, không rõ nguồn gốc, chứa hóa chất ngoài danh mục của Bộ Y tế.

Toàn tỉnh ghi nhận 19 cas ngộ độc thực phẩm do tác dụng độc của cồn.

d. Hoạt động Văn hóa, Thể dục thể thao

Hoạt động Văn hóa, tổ chức tuyên truyền Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS (01/12), kỷ niệm 73 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2019), kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019) và 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2019).

Hoạt động Thể dục thể thao, các đội tuyển thể thao duy trì tập luyện thường xuyên theo kế hoạch và tham dự 02 giải thể thao khu vực, toàn quốc.[12] Tham gia cùng Đoàn nghiên cứu, khảo sát và học tập công tác tổ chức, huấn luyện đào tạo vận động viên tại SEA Games 30 tại Philippines (từ ngày 29/11 - 07/12/2019).

e. Tai nạn giao thông

Tính từ ngày 15/11/2019 đến 14/12/2019 trên toàn tỉnh xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông, làm 10 người chết, 15 người bị thương, trong đó số vụ tai nạn nghiêm trọng 22 vụ, làm 10 người chết, 15 người bị thương. So với tháng trước số vụ TNGT tăng 7 vụ, số người chết không tăng, số người bị thương tăng 6 người. Tính chung cả năm (từ 15/12/2018 đến 14/12/2019) trên địa bàn tỉnh xảy ra 151 vụ tai nạn giao thông, làm 89 người chết, 102 người bị thương. So với cùng thời điểm năm trước, giảm 64 vụ TNGT, giảm 42 người chết, giảm 40 người bị thương. Tình hình tai nạn giao thông từ đầu năm đến nay đã giảm trên cả 3 tiêu chí so với cùng thời điểm năm trước, đây chính là sự phấn đấu, nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

f. Tình hình cháy, nổ và thiên tai

Tình hình cháy nổ: Từ ngày 16/11/2019 đến 15/12/2019 toàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy, không có vụ nổ, không thiệt hại về người, ước thiệt hại vật chất khoảng 1 tỷ 200 triệu đồng. Tính chung từ đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 23 vụ cháy, 01 vụ nổ (giảm 8 vụ cháy) làm 03 người chết, 03 người bị thương (giảm 1 người chết, 1 người bị thương). Thiệt hại ước tính 27 tỷ 165 triệu đồng.

Tình hình thiên tai: Từ ngày 16/11 đến 15/12/2019 trên địa bàn tỉnh không xảy ra thiên tai.

Tính từ đầu năm đến nay, thiên tai xảy ra đã làm sập 128 căn nhà, tốc mái 247 căn nhà, ngập 12.298 căn nhà; sạt lở 400m đê chắn sóng, sạt lở 110m đường; chìm 01 động cơ và 101 tàu thuyền nhỏ, xuồng đò đang neo đậu tại bờ, hư hỏng 02 phương tiện, mất tích 02 phương tiện; hư hại 01 cống, gãy hỏng 04 cầu, cuốn trôi 01 cầu; thiệt hại 11,12 ha hoa màu; làm chết, cuốn trôi 3.175 các loại gia súc, gia cầm; 97,6km tuyến đường bị ngập dưới 1m; hư hỏng 01 lồng bè nuôi cá, 01 bè bán tạp hóa trên biển, tràn 02 ao cá; đổ ngã 07 trụ điện; sạt lở 10m giao thông nông thôn và sập hoàn toàn 02 cầu gỗ trên địa bàn huyện Phú Quốc và Kiên Hải. Ước tổng giá trị thiệt hại về vật chất khoảng 185 tỷ 384 triệu đồng./.

Tải về:  - Số liệu kinh tế - xã hội tháng 12 và 12 năm 2019 của tỉnh Kiên Giang;

             - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2019 của tỉnh Kiên Giang.


[1] Lúa Thu Đông (vụ 3) tập trung ở các huyện Giổng Riềng 25.616 ha, Tân Hiệp 29.877 ha, Châu Thành 6.139 ha, Hòn Đất 4.636 ha, Gò Quao 296 ha, Giang Thành 11.200 ha và TP Rạch Giá 910 ha.

[2] Lúa vụ Mùa (2019 – 2020) đã gieo trồng ở các huyện An Biên 17.432 ha, An Minh 25.763 ha,Vĩnh Thuận 9.968 ha, U Minh Thượng 7.247 ha, Gò Quao 1.640 ha và thành phố Hà Tiên 470 ha.

[3] Lúa Đông Xuân (2019 – 2020) đã gieo trồng ở các huyện Hòn Đất 78.595 ha, Tân Hiệp 36.803 ha, Châu Thành 18.475 ha, Giồng Riềng 46.700 ha, Gò Quao 25.200 ha, An Biên 8.323 ha, An Minh 100 ha, Vĩnh Thuận 4.770 ha, U Minh Thượng 7.230 ha, Giang Thành 29.000 ha và TP Rạch Giá 5.151 ha,

[4] Chia ra: Giá trị khai thác giảm 1,77% so tháng trước, giảm 0,72% so cùng kỳ; giá trị nuôi trồng giảm 5,96% so tháng trước, tăng 12,91% so cùng kỳ.

[5] Chia ra: Giá trị khai thác 15.789,92 tỷ đồng, đạt 94,55% kế hoạch, tăng 1,32%; giá trị nuôi trồng 14.904,5 tỷ đồng, đạt 98,71% kế hoạch, tăng 8,45%.

 

[6] Thu tiền sử dụng đất 1.330 tỷ đồng, đạt 133% dự toán; thu xổ số kiến thiết 1.430 tỷ đồng, đạt 105,93% dự toán, tăng 0,38%; thu thuế bảo vệ môi trường 680 tỷ đồng, đạt 113,33% dự toán, tăng hơn 2 lần; thuế thu nhập cá nhân 1.040 tỷ đồng, đạt 104% dự toán, tăng 14,10%. thu thuế DN nhà nước TW 451 tỷ đồng, đạt 107,38% dự toán, tăng 19,20%.

[7] Trong đó: hàng nông sản 178 triệu USD, đạt 77,39% kế hoạch, giảm 11,80% so cùng kỳ; hàng thủy hải sản 225 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 2,72% ; nguyên liệu giày da 184 triệu USD, đạt 100%, tăng 7,35%.

[8] Trong đó trong tỉnh 18.357 lượt người, ngoài tỉnh 18.125 lượt người, xuất khẩu lao động 160 người.

[9] Trong đó Đại học 4.547 người, Cao đẳng 4.288 người, Trung cấp nghề 2.910 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 20.860 người.

[10] Sốt xuất huyết có 210 cas mắc (giảm 39 cas so với tháng trước).Trong đó Sốt xuất huyết Dengue nặng 9 ca, tử vong 0. Lũy kế là 3.031 cas, tăng 1.064 cas so cùng kỳ (năm 2018 là1.967 cas). Tay chân miệng có 277 cas mắc (giảm 285 cas so với tháng trước), tử vong 0. Lũy kế có 2.696 cas mắc, tăng 548 cas so với cùng kỳ (năm 2018 2.148 cas).

[11] Số bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV mới là 26 BN (tích lũy 2.042 BN, trong đó người lớn có 1.943 người; trẻ em dưới 15 tuổi có 99 người)

[12] Giải Vô địch Cử tạ quốc gia tại Đà Nẵng, Giải Vô địch Bắn cung tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

Số lần đọc: 2137
Cục Thống kê Kiên Giang
Tin liên quan