Tin nóng
28.10.2013

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp

Vụ lúa hè thu năm 2013 đã kết thúc, diện tích gieo sạ đạt 294.440 ha, so kế hoạch tăng 0,84% (tăng 2.440 ha), diện tích thu hoạch được 294.220 ha, giảm 220 ha so diện tích gieo sạ (trong đó huyện An Biên có 194 ha bị thiệt hại không thể gieo sạ lại); đạt 100,76%  kế hoạch và tăng 4.435 ha so vụ hè thu năm trước. Diện tích tăng chủ yếu ở hai huyện Hòn Đất 2.175 ha và Kiên Lương 1.932 ha..., do nông dân tận dụng diện tích rừng chưa sử dụng, diện tích trồng tràm kém hiệu quả và cải tạo đất vườn tạp sang trồng lúa. Năng suất chính thức đạt 53,45 tạ/ha, giảm 0,26 tạ/ha so với vụ hè thu năm trước. Vụ hè thu năm nay giảm năng suất do thời tiết nắng hạn, mưa bão làm lúa bị gãy đổ khi chuẩn bị thu hoạch, dịch chuột phá hại...  Sản lượng đạt được 1.572.611 tấn, tăng 16.320 tấn so vụ hè thu trước.

 Vụ thu đông:  Diện tích gieo sạ được 95.304ha, vượt 19,13% kế hoạch (tăng 15.304 ha) và tăng 25.300 ha so với cùng kỳ năm trước, trong đó 3 huyện có diện tích gieo sạ nhiều nhất là Giồng Riềng 35.107ha, Tân Hiệp 29.951ha và Châu Thành 11.174ha. Tính đến nay diện tích thu hoạch được 87,9% trên diện tích gieo sạ, trong số diện tích chưa thu hoạch có 361 ha của huyện Hòn Đất (thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên) theo mô hình cánh đồng mẫu lớn mới gieo xạ được hơn một tháng có nguy cơ bị lũ đe dọa, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các xã tiến hành gia cố bờ bao để bảo vệ; diện tích chưa thu hoạch còn lại không bị ảnh hưởng bởi lũ. Năng suất ước tính đạt 48,5 - 49,5 tạ/ha.

Trên diện tích lúa thu đông có gần 3.000 ha bị nhiễm bệnh, huyện Giồng Riềng nhiễm cháy lá 980 ha, nhiễm rầy nâu trên 500 ha; các huyện còn lại bị nhiễm Ốc bươu vàng 720 ha; sâu đục bẹ...

 Vụ mùa năm 2014: Tính đến nay diện tích gieo cấy được 52.174 ha, bằng 95,61% so với cùng kỳ, diện tích tập trung ở vùng U Minh Thượng, sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên nên phải gieo sạ sớm khi còn nước mưa, huyện có diện tich gieo sạ nhiều nhất là An Minh 30.614 ha, Vĩnh Thuận 14.528 ha...Trong tháng 9, tháng 10 do mưa kéo dài làm cho một số diện tích lúa mùa bị ngập phải gieo cấy lại, có khoảng 250 ha phải gieo cấy lại, chủ yếu ở huyện Vĩnh Thuận và U Minh Thượng.

Vụ đông xuân năm 2014: Diện tích gieo sạ được 13.369 ha, bằng 92,24% so cùng kỳ năm trước,  trong đó huyện Vĩnh Thuận gieo sạ được nhiều nhất  với 9.019 ha, đã có 40 ha bị nhiễm bệnh sâu cuốn lá.

 Cây rau màu: Nông dân các địa trong tỉnh tranh thủ canh tác cây màu để tăng thêm thu nhập cải thiện đời sống, trong tháng đã gieo trồng được 1.128 ha rau màu các loại tăng trên 5% so cùng kỳ năm trước; 217 ha mía; trên 4 ha khoai lang và trên 2 ha khoai mì .. địa phương có diện tích trồng rau màu khá nhiều là huyện Hòn Đất, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Châu Thành.

 Chăn nuôi: Ngành chức vẫn tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm, vệ sinh tiêu độc chuồng trại và tiêm phòng cho gia súc gia cầm, nên trong tháng qua không phát sinh ổ dịch nào trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh. Giá cả sản phẩm chăn nuôi đã tương đối ổn định và có lợi cho người chăn nuôi, chăn nuôi đã bớt khó khăn rất nhiều nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên vẫn đang phát triển cầm chừng, chưa có mô hình mới và thực tế người chăn nuôi vẫn chưa yên tâm để đầu tư mở rộng qui mô chăn nuôi, chăn nuôi vẫn chưa có hướng đi thích hợp để phát triển nhanh và toàn diện.

b. Lâm nghiệp

Hiện nay đang trong mùa mưa nên công tác trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng  được nhiều thuận lợi hơn. Ngành Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát đánh giá diện tích rừng đồng thời nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm túc trong khâu quản lý, khai thác rừng được giao khoán bảo vệ.

c. Thủy sản

Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 2010) tháng 10 ước tính đạt 1.880,5 tỷ đồng, tăng 13,11% so tháng trước và tăng 15,71% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 10 tháng giá trị đạt 15.708,8 tỷ đồng, tăng 6,88% so cùng kỳ, trong đó: giá trị khai thác 9.267,7 tỷ đồng, tăng 5,21% và giá trị nuôi trồng 6.441 tỷ đồng, tăng 9,37%. Với tổng sản lượng thủy sản 481.926 tấn, đạt 81,85% kế hoạch năm và tăng 6,46% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: cá đạt 288.045 tấn, tăng 6,23%; tôm đạt 65.730 tấn, tăng 2,02% so cùng kỳ.

Về khai thác: Sản lượng tháng 10 ước tính được gần 37,2 ngàn tấn, giảm 0,25% (giảm 92 tấn) so tháng trước và tăng 2,41% (tăng 874 tấn) so cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng được 362,9 ngàn tấn, đạt 83,33% kế hoạch năm và tăng 3,82% (tăng 13.350 tấn) so cùng kỳ năm trước, trong đó: cá đạt 242,2 ngàn tấn, tăng 4,78% (tăng 11.058 tấn); tôm 33,1 ngàn tấn, tăng 4,6% (tăng 1.459 tấn), mực 47,2 ngàn tấn, tăng 6,67% (tăng 2.956 tấn)...

Về nuôi trồng: Sản lượng tháng 10 ước tính được 14,3 ngàn tấn, tăng 9,5% so tháng trước và tăng 15,51% (tăng 1.932 tấn) so cùng kỳ năm trước. Trong đó: cá nuôi các loại đạt 5,1 ngàn tấn, tăng 17,13%, (tăng 759 tấn) so cùng kỳ; tôm các loại đạt gần 3,7 ngàn tấn, bằng 98,61% (giảm 52 tấn) và thủy sản khác đạt 5,5 ngàn tấn, tăng 28,64%, (tăng 1.225 tấn). Tính chung sản lượng nuôi trồng 10 tháng ước đạt 119 ngàn tấn, đạt 77,63% kế hoạch, tăng 15,41% (tăng 15.894 tấn) so cùng kỳ. Trong đó cá đạt 45,8 ngàn tấn, tăng 14,58%, (tăng 5.835 tấn), tôm các loại đạt 32,5 ngàn tấn bằng 99,52%, (giảm 157 tấn), riêng tôm sú đạt 23,9 ngàn tấn, tăng 8,46%  (tăng 1.871 tấn) ;  thủy sản khác đạt 40.608 tấn, tăng 33,61%, (tăng 10.216 tấn) so cùng kỳ năm trước.

Sản lượng khai thác tháng này giảm so tháng trước do ảnh hưởng liên tiếp hai cơn bão vừa qua, tình hình khai thác trong những tháng qua cũng gặp không ít khó khăn, ngoài nguyên nhân thời tiết ra chi phí mỗi chuyến biển tại tăng, giá cả không ổn định, nguồn hải sản bị cạn dần, một số phương tiện hoạt động cầm chừng vì thua lỗ, làm ảnh hưởng đến sản lượng khai thác của năm nay. Trong nuôi trồng tháng này sản lượng tăng khá, nhưng lượng tôm nuôi các lại giảm, tôm thẻ giảm vì chủ yếu là nuôi công nghiệp, nhưng đầu năm do thời tiết không thuận lợi, thủy lợi, nguồn nước không đủ mặn, phát sinh dịch bệnh, năng suất nuôi thấp, từ đó các doanh nghiệp không dám mở rộng diện tích, riêng tôm sú sản lượng tăng lên từ diện tích thả nuôi vừa nuôi công nghiệp và vừa tôm - lúa; ngoài ra còn lượng thuỷ sản khác tăng cao do người dân tăng cường nuôi thêm sò, hến, cua xen tôm ở vùng U Minh Thượng.

2. Công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trong tháng tương đối ổn định, nhưng doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn: về nguồn vốn mặc dù lãi suất tiền vay đã giảm nhưng doanh nghiệp vẫn chưa dễ dàng tiếp cận vốn vay; nguyên liệu đầu vào cho sản xuất giá cả không ổn định, thị trường tiêu thụ sản phẩm còn chậm do sức mua tăng chậm…

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 toàn ngành tăng 8,06% so tháng trước và tăng 18,77% so cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng chỉ số chung sản xuất công nghiệp tăng 7,37%. Trong đó, ngành khai thác đá tăng 29,54%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%; ngành sản xuất phân phối điện.. tăng 6,88% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải với mức tăng 7,08%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) tháng 10 ước tính 2.573,9 tỷ đồng, tăng 5,65% so tháng trước và tăng 9,47% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng đạt 22.599,4 tỷ đồng, tăng 9,97% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 21.443,5 tỷ đồng, tăng 10,21%; ngành sản xuất và phân phối điện đạt 749,8 tỷ đồng, tăng 3,17%; ngành khai khoáng 308,9 tỷ đồng, tăng 8,27% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải đạt 97 tỷ đồng, tăng 18,07%.

Một số sản phẩm công nghiệp sản xuất trong 10 tháng đạt mức khá so kế hoạch và tăng so cùng kỳ năm 2012 như: Xi măng địa phương 594,5 ngàn tấn, đạt 90,08% kế hoạch, tăng 16,16%; cá đông 3.133 tấn, vượt 4,43% KH, tăng 50,05%; clinker trên 1,7 triệu tấn, đạt 94,45% KH, tăng 52,47%; điện máy phát 51,2 ngàn Kwh, đạt 88,33%, tăng 9,51%. Tuy nhiên còn một số sản phẩm có mức sản xuất đạt thấp so kế hoạch và so cùng kỳ năm trước như : Xi măng Trung ương 466,2 ngàn tấn, bằng 66,6% KH và giảm 3,11% so cùng kỳ; xi măng VĐT nước ngoài 1,5 triệu tấn, bằng 74,56% KH, giảm 7,98%; mực đông 8,8 ngàn tấn, bằng 60,85% KH, giảm 9,89%; bột cá 35,9 ngàn tấn, bằng 57,98% KH; đường các loại 4,95 ngàn tấn, bằng 52,11% KH, giảm 25,8%; bao bì PP 35,2 triệu cái, bằng 75,01% KH, giảm 3,72% so cùng kỳ.

3. Vốn đầu tư

Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trong tháng 10 ước thực hiện được 352 tỷ đồng, so tháng trước tăng 3,66% và so cùng kỳ năm trước tăng 8,18%. Tính chung 10 tháng 3.347,8 tỷ đồng, đạt 78,3% kế hoạch năm và tăng 30,64% so cùng kỳ năm 2012. Trong đó: Vốn cân đối ngân sách địa phương 1.029 tỷ đồng, đạt 80,48% kế hoạch năm và tăng 20,9% so cùng kỳ; vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương 648,5 tỷ đồng, đạt 88,62% kế hoạch và tăng 21,39% so cùng kỳ; vốn trái phiếu Chính phủ 984,8,8 tỷ đồng, đạt 91,25% kế hoạch, tăng 71,14%; vốn ODA 57,6 tỷ đồng, đạt 88,68% kế hoạch năm và giảm 22,42% so cùng kỳ.

4. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tháng 10 ước tính thu được 351,3 tỷ đồng, lũy kế 10 tháng thu 3.986,9 tỷ đồng, đạt 84,36% dự toán thu cả năm và tăng 19,91% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, một số khoản thu đạt dự toán khá như: Thu phí, lệ phí 45,1 tỷ đồng, đạt 102,58%; thuế bảo vệ môi trường 145,8 tỷ đồng, đạt 91,17%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 170,7 tỷ đồng, đạt 87,55%; thuế XN khẩu, TTĐB, VAT hàng nhập khẩu gần 49,46 tỷ đồng, đạt 81,09%. Một số khoản thu đạt dự toán thấp hơn mức đạt chung như: thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước 20,8 tỷ đồng, bằng 57,82% dự toán; thuế thu nhập cá nhân 262,9 tỷ đồng, bằng 63,36%; thu từ doanh nghiệp Nhà nước địa phương gần 146,1 tỷ đồng, bằng 76,91%; thu tiền sử dụng đất 607,3 tỷ đồng, bằng 77,37%; thu thuế CTN ngoài nhà nước 975,1 tỷ đồng, đạt 80,59% dự toán năm.      

Tổng chi ngân sách địa phương trong tháng 10 ước tính thực hiện chi 805,8 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 27,33% so cùng kỳ, Tính chung 10 tháng tổng chi 6.647,33 tỷ đồng, bằng 80% dự toán năm và tăng 9,19% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi thường xuyên 4.241,44 tỷ đồng, bằng 91,08% dự toán và tăng 4,40%; chi đầu tư phát triển 1.130,1 tỷ đồng, bằng 56,5% dự toán và giảm 9,53% so cùng kỳ năm 2012.

     5. Thương mại - dịch vụ

a. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ phục vụ tiêu dùng:

Thị trường bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 10 trên địa bàn tỉnh hoạt động khá nhộn nhịp, các nhóm hàng đều tăng nhẹ, nhất là trong thời gian tổ chức Hội chợ và Lễ hội  kỷ niệm 145 năm ngày Hy sinh của Anh Hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, sức mua tăng khá trên địa bàn TP. Rạch Giá, giá các mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ tương đối ổn định.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 10 ước tính đạt 3.885,9 tỷ đồng, tăng 2,43% so tháng trước và tăng 13,8% so cùng kỳ năm 2012. Tính chung 10 tháng đạt 38.594 tỷ đồng, bằng 78,75% kế hoạch năm và tăng 16,39% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế ngoài Nhà nước đạt cao nhất  37.509,3 tỷ đồng, chiếm 97,18% trong tổng mức và tăng 17,35%; kinh tế Nhà nước đạt 1.084,7 tỷ đồng, chiếm 2,82% tổng mức và giảm 9,1%. Phân theo ngành kinh tế, kinh doanh thương nghiệp đạt 32.001,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao 82,9% trong tổng mức và tăng 12,7%; khách sạn, nhà hàng đạt 5.090 tỷ đồng, chiếm 13,2% và tăng 32,49%; dịch vụ, du lịch lữ hành đạt 1.502,6 tỷ đồng, chiếm 3,9% và tăng 63,32% so cùng kỳ.

 Trong tháng 9 Chi Cục Quản lý Thị trường đã kiểm tra và phát hiện 17 vụ vi phạm, tiếp tục xử lý các vụ việc vi phạm từ tháng trước, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 1,16 tỷ đồng. Qua 9 tháng đã kiểm tra 1.094 vụ việc, đã phát hiện 349 vụ vi phạm, gồm 110 vụ vi phạm hàng cấm, hàng nhập lậu; 38 vụ gian lận thương mại; 31 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng; 11 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và 159 vụ vi phạm khác trong kinh doanh. Đã xử lý và thu nộp ngân sách Nhà nước 5,36 tỷ đồng.

b. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Xuất khẩu: Ước tính kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh trong tháng 10 đạt 58,9 triệu USD, tăng 3,07% so tháng trước và tăng 24,7% so cùng kỳ năm 2012.Trong đó: hàng nông sản 31,7 triệu USD, giảm 12,62% so tháng trước; hàng thủy sản 20,3 triệu USD, tăng 43,56% so tháng trước. Tính chung xuất khẩu 10 tháng được 552,5 triệu USD, bằng 83,72% kế hoạch và tăng 10,52% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: hàng nông sản đạt 345,4 triệu USD, bằng 77,62% kế hoạch, giảm 5,93%; hàng thủy sản đạt 127,1 triệu USD, bằng 68,71% kế hoạch, tăng 9,96% so cùng kỳ và hàng hóa khác gần 80 triệu USD, tăng 4,6 lần so cùng kỳ năm 2012 (có 8 doanh nghiệp ở Hà Tiên mới hoạt động, chưa thực hiện chế độ báo cáo thống kê xuất nhập khẩu, qua rà soát của Sở Công thương và Cục Thống kê đã phát sinh và bổ sung số liệu của 8 doanh nghiệp này, chủ yếu xuất các mặt hàng như mì gói, nước rửa chén, bột giặt, bánh kẹo… bằng đường bộ qua cửa khẩu Hà Tiên).

Mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo trong năm nay gặp nhiều khó khăn về giá cả và thị trường tiêu thụ, lượng xuất không ổn định và đạt mức thấp hơn năm 2012. Dự kiến trong tháng 10 lượng gạo xuất đạt 79 ngàn tấn, giảm 12,08% so tháng trước. Đối với 7 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh dự kiến lượng xuất như sau: Cty thương mại du lịch xuất 15.050 tấn, Cty kinh doanh nông sản xuất 12.113 tấn, Cty Thuận Phát xuất 4.875 tấn, Cty xuất nhập khẩu Kiên Giang xuất 17.050 tấn, Cty Kiên An Phú xuất 8.286 tấn, Cty lâm sản xuất 10.025 tấn, và Cty dịch vụ thương mại xuất 8.700 tấn.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu 10 tháng qua đạt khá so với kế hoạch và so với cùng kỳ năm 2012 gồm: Tôm đông xuất 3,8 ngàn tấn, vượt kế hoạch 27,5% và tăng 78,07%; cá đông 2 ngàn tấn, đạt 81,72% kế hoạch và tăng 89,34%; gạo xuất gần 853,5 ngàn tấn, đạt 85,35% kế hoạch và bằng 99,05% cùng kỳ năm trước. Riêng mặt hàng mực đông và tuộc đông xuất đạt mức thấp chỉ đạt 7,9 ngàn tấn, bằng 56,76% kế hoạch và giảm 17,88% so cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu tháng 10 ước tính đạt 3,7 triệu USD, tăng 6,9% so tháng trước và tăng 2,3 lần so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng ước tính giá trị hàng hóa nhập khẩu đạt 29,3 triệu USD, bằng 83,92% kế họach và tăng 20,55% so với cùng kỳ năm 2012. Mặt hàng nhập là những nguyên liệu dùng cho sản xuất như: giấy kratp gần 2 ngàn tấn, tăng 2 lần so cùng kỳ ; hạt nhựa gần1,5 ngàn tấn, tăng 30,68%. Riêng mặt hàng thạch cao nhập giảm 68,2 ngàn tấn, giảm 20,91% so cùng kỳ năm trước.

c. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 (tính từ 15/9 đến 15/10) tăng 0,53% so tháng trước. Tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,24%, trong đó hàng thực phẩm tăng 2,16% và hàng lương thực giảm 0,5% (thực phẩm tăng cao do tháng10  bão, lũ làm nguồn cung rau giảm, giá rau các loại tăng cao như rau muống tăng 33,7%, rau cải tăng 18,4%, ngoài ra giá heo thịt và gà xô cũng tăng lên 5.000đ/kg); kế đến là nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,48% (hàng may mặc tăng 3%); nhóm văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,27%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác 0,21%; nhóm đồ uống thuốc lá tăng 0,16%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,12%; nhóm giáo dục với 0,07%. Bốn nhóm có chỉ số giá giảm là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,67% (do giá gas điều chỉnh giảm 8.000đ-10.000đ/bình 12kg); nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,11%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,1% và nhóm giao thông giảm 0,07% (do giá xăng giảm 400đ/lít từ ngày 7/10).

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 so với tháng 12 năm 2012 (sau 10 tháng) tăng 3,97%, trong đó hàng thực phẩm tăng cao nhất 8,78%. So với tháng 10 năm 2012 (sau 1 năm) tăng 4,48%, trong đó tăng cao nhất là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác 7,29%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 7,23%; hàng thực phẩm tăng 6,75%...

          Giá vàng trong tháng biến động theo giá vàng thế giới, chỉ số giá vàng tháng 10 giảm 4,23% so với tháng trước, giảm 21,59% so với tháng 12/2012 và giảm 22,95% so với cùng kỳ năm trước. Giá bán ra bình quân 3.370.000đ/chỉ.

       Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10 giảm 0,03% so với tháng trước; tăng 1,3% so với tháng 12/2012; tăng 1,35% so với cùng kỳ năm 2012. Thời điểm 16/10/2013 giá bán tại Ngân hàng Ngoại thương là 21.170 đồng/USD, thị trường tự do bán 21.240 đồng/USD.

d. Du lịch

Trong tháng 10, tỉnh tổ chức Lễ hội tưởng niệm ngày hy sinh của AHDT Nguyễn Trung Trực, lượng khách đến tỉnh cả khách Quốc tế đến Phú Quốc tăng mạnh hơn tháng trước. Ước tính tháng 10 khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch trên 101,5 ngàn lượt khách, tăng 22,74% so tháng trước và tăng 21,61% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch theo tour 6,7 ngàn lượt khách, giảm 1,9% so tháng trước và tăng 20,47% so cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng số khách du lịch ước tính đạt trên 3,04 triệu lượt khách, đạt 73,9% kế hoạch năm và giảm 6,53% so với cùng kỳ năm trước. Khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch 1,01 triệu lượt khách, đạt 89,63% kế hoạch năm và tăng 13,56% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khách du lịch theo tour 86,2 ngàn lượt khách, đạt 65,34% kế hoạch năm và tăng 0,68% so cùng kỳ. Khách quốc tế đi  Phú Quốc 10 tháng qua đạt 72 ngàn lượt khách, giảm 10,32% so cùng kỳ năm2012.

đ. Vận tải: Trong tháng 10 thời tiết không được thuận lợi do ảnh hưởng của 2 cơn bão,  mưa nhiều nên lượng hành khách và hàng hóa vận chuyển có tăng không đáng kể so tháng trước.

          Vận tải hàng khách: Tháng 10 ước tính đạt 4,5 triệu lượt người, tăng 3,09% so tháng trước, tăng 0,85% so với cùng kỳ năm 2012; luân chuyển 232 triệu lượt người.km, tăng 3,51% so tháng trước và tăng 0,78% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng số lượt khách vận chuyển được gần 44,7 triệu lượt người, đạt 92,33% kế hoạch và tăng 4,03% so cùng kỳ năm trước, trong đó vận tải hành khách đường bộ đạt 35,8 triệu lượt khách, tăng 3,73%; đường sông đạt gần 7,5 triệu lượt khách, tăng 4,01%; đường biển 1,3 triệu lượt khách, tăng 12,75% so cùng kỳ năm 2012.

          Vận tải hàng hóa: Tháng 10 ước tính đạt 643 ngàn tấn, tăng 3,38% so tháng trước và tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2012; luân chuyển 87,3 ngàn tấn.km, tăng 3,65% so tháng trước và tăng 29,56% so với cùng kỳ.Tính chung 10 tháng vận tải hàng hóa được 6,7 triệu tấn, đạt 96,47% kế hoạch và tăng 9,98% so cùng kỳ, trong đó vận tải đường bộ đạt 2 triệu tấn, tăng 10,47%; đường sông đạt trên 2,7 triệu tấn, tăng 9,08%; đường biển trên 1,9 triệu tấn, tăng 10,79% so cùng kỳ năm 2012.

6. Một số tình hình xã hội:

Hoạt động văn hóa: Trong tháng 10, Ngành VH-TT-DL phối hợp với UBND TP.Rạch Giá và các sở, ban ngành có liên quan tổ chức thành công Lễ hội kỷ niệm 145 năm ngày hy sinh của Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực(1868 – 2013) diễn ra từ ngày 30/9 đến ngày 02/10/2013; phần lễ hội được tổ chức trang trọng, đảm bảo các nghi thức, các hoạt động phong phú, chất lượng và quy mô hơn các năm trước, đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí của người dân địa phương và du khách; số lượng khách về dự lễ hội năm nay ước có trên 01 triệu lượt người (tăng 200 ngàn lượt người so với năm trước); Phối hợp với UBND huyện Giồng Riềng tổ chức kỷ niệm 53 năm ngày hy sinh của Anh hùng lực lượng vũ trang Mai Thị Nương lần thứ I năm 2013 diễn ra từ ngày 11/10 đến 12/10/2013 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao..

Về việc thanh kiểm tra hoạt động văn hóa, Thanh tra chuyên ngành đã triển khai 01 cuộc thanh tra các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa phục vụ Lễ hội kỷ niệm ngày hy sinh của Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực trên địa bàn thành phố Rạch Giá và huyện Hòn Đất, Tân Hiệp. Kết quả kiểm tra 23 cơ sở, trong đó lập biên bản nhắc nhở 13 cơ sở, lập biên bản vi phạm hành chính 06 cơ sở và ra quyết định xử phạt 04 cơ sở với tổng số tiền 16 triệu đồng, tịch thu 1.923 đĩa không tem nhãn, 25 quyển sách bói toán in lậu, 01 bộ karaoke, đề nghị tháo dỡ 420 băng ron treo không đúng quy định và đề nghị tháo dỡ biển quảng cáo Mobifone; triển khai 01 cuộc thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật của các cơ sở kinh doanh du lịch tại địa bàn huyện Phú Quốc. Kết quả kiểm tra 21 cơ sở kinh doanh và 04 phương tiện thủy vận chuyển khách du lịch, trong đó lập biên bản kiểm tra, nhắc nhở 16 cơ sở lưu trú (02 DN lữ hành và 14 nhà nghỉ, khách sạn), lập biên bản vi phạm hành chính 05 cơ sở (03 doanh nghiệp du lịch lữ hành và 02 nhà nghỉ, khách sạn) và ra quyết định xử phạt 04 cơ sở với tổng số tiền 43 triệu đồng.

Về y tế : Trong tháng Ngành Y tế chỉ đạo công tác trọng tâm là kiểm soát chặt chẽ diễn biến các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời, hiệu quả không để dịch lớn xảy ra. Một số bệnh truyền nhiễm có số trường hợp mắc tăng như: Thương hàn tăng 08 cas, bệnh Thủy đậu tăng 09 cas, bệnh Liệt mềm cấp nghi bại liệt tăng 01 ca, bệnh cúm thường tăng 36 cas, đặc biệt trong tháng bệnh do vi rút Adeno (bệnh đau mắt đỏ) tăng đột ngột với số ca mắc là 2.943 cas, trong đó TP. Rạch Giá 668 cas, Giồng Riềng 689 cas, Hà Tiên 547 cas, Vĩnh Thuận 490 cas, Tân Hiệp 288 cas, Kiên Lương 156 cas... đến nay tình hình bệnh đau mắt đỏ tại các địa phương đã được kiểm soát, số ca mắc đã giảm dần, không bùng phát thành dịch lớn. Không ghi nhận trường hợp tiêu chảy cấp nguy hiểm cũng như cúm A(H1N1), A(H5N1), A(H7N7). Bệnh sốt xuất huyết tính từ ngày 01/9 đến 30/9/2013 toàn tỉnh có 67 cas mắc, tăng 03 cas (tăng 4,7 %)  so với tháng trước. Từ đầu năm đến nay là 733 cas, giảm 2.163 cas (giảm 75%) so với cùng kỳ năm 2012. Các địa phương có số mắc cao trong tháng 9 là huyện Phú Quốc (21 cas), Vĩnh Thuận (10 cas), các địa phương khác đều có số ca mắc giảm so tháng trước. Từ đầu năm đến nay chưa có trường hợp tử vong. Bệnh Tay Chân Miệng trong tháng có 149 cas mắc TCM, tăng 73 cas so với tháng trước (tăng 96%), số mắc tập trung nhiều ở huyện Phú Quốc 40 cas, thị xã Hà Tiên 30 cas, Tp. Rạch Giá 22 cas và  Hòn Đất 27cas, các địa phương khác đều có số ca mắc giảm so tháng trước. Tính chung từ đầu năm số mắc là 965 cas, giảm 587 cas (giảm 38%) so với cùng kỳ năm 2012, chưa ghi nhận có cas tử vong. Trong tháng phát hiện mới 25 người nhiễm HIV, chuyển sang AIDS 03 cas, không ca tử vong. Từ đầu năm đến nay trong tỉnh phát hiện mới 253 người nhiễm HIV; số liệu tích lũy tính đến ngày 30/9/2013 toàn tỉnh có 4.430 người nhiễm HIV (trong đó: trong tỉnh 3.973); chuyển sang AIDS 1.496 cas (trong đó: trong tỉnh 1.402); tử vong 604 cas. Hiện số bệnh nhân nhiễm HIVcòn sống 3.826, trong đó 892 bệnh nhân chuyển sang AIDS .

Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm được Ngành Y tế quan tâm và thực hiện thường xuyên. Trong tháng 10 đã thanh, kiểm tra 1.891 cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh, nâng tổng số cơ sở được thanh kiểm tra là 18.178, trong đó có 1.671 cơ sở đạt, 220 vi phạm, xử lý 34 cơ sở, cảnh cáo 09 cơ sở, nhắc nhở 186 cơ sở, tiêu hủy 137 kg thực phẩm các loại. Tổ chức 21 lớp tập huấn kiến thức VSATTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm với 1.637 học viên. Phối hợp với đài Phát thanh - Truyền hình thực hiện phát thanh 01 cuộc, truyền hình 03 cuộc. Riêng tuyến huyện phối hợp với tuyến xã truyền thanh 231 lượt. Theo số liệu thống kê tại Bệnh viện đa khoa Kiên Giang, trong tháng xảy ra 14 trường hợp ngộ độc thực phẩm đều do độc tính của cồn, giảm 19 trường hợp so với tháng trước

Tai nạn giao thông: Theo Ban an toàn giao thông tỉnh Kiên giang, từ ngày 01/9/2013 đến 30/9/2013, trên toàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ TNGT, làm chết 9 người và bị thương 7 người (trong đó có 1 vụ đường thủy làm chết 1 người). So với tháng trước tăng 1 vụ, số người chết tăng 3 người và bị thương tăng 1 người. So tháng 9 năm 2012 tai nạn giao thông giảm 3 vụ, số người chết không tăng, bị thương giảm 2 người. Tính chung 9 tháng xảy ra 88 vụ TNGT, làm chết 69 người và bị thương 57 người, so 9 tháng năm 2012, giảm 3 vụ, số người chết giảm 3 người, bị thương tăng 7 người.

Tình hình tai nạn giao thông mặc dù có giảm so với năm 2012, nhưng trong năm nay so với tháng trước vẫn còn tăng cả về vụ, số người chết và số bị thương. Do đó công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát đối với các ngành chức năng cần phải thực hiện thường xuyên, đồng thời xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm Luật khi tham gia giao thông.

Thiên tai, hỏa hoạn: Trong tháng 10 trên địa bàn tỉnh không xảy ra thiệt hại từ mưa to, giông , lốc xoáy, nhưng mực nước lũ năm nay sẽ cao hơn năm trước, chính quyền địa phương vùng Tứ giác Long Xuyên đang gia cố lại bờ bao để bảo vệ số diện tích lúa thu đông gieo sạ muộn.

 Tính từ ngày 16/9 đến 15/10/2013 trong tỉnh xảy ra 01 vụ cháy nhà dân do chập điện, ước tính thiệt hại 100 triệu đồng, không gây thiệt hại về người./.

Tải về: Số   - Số liệu kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2013

                     - Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 9 năm 2013

Số lần đọc: 1785
Cục Thống kê Kiên Giang
Tin liên quan