Tin nóng
21.05.2015
Sáng 19/5/2015, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã phối hợp với UNDP tổ chức Hội thảo về “Một số ứng dụng mô hình cân đối liên ngành trong phân tích kinh tế vĩ mô”. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng chủ trì Hội thảo, thành phần tham dự Hội thảo bao gồm đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế quốc hội, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW, Viện Khoa học Thống kê, Trung tâm Thông tin và dự báo quốc gia, Học viện chính sách phát triển và một số tổ chức quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã điểm lại quá trình áp dụng Hệ thống tài khoản quốc gia nói chung và Bảng cân đối liên ngành nói riêng. Theo đó, Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) chính thức được áp dụng từ năm 1993 thay cho Hệ thống bảng cân đối vật chất (MPS) (QĐ số 183/TTg ngày 25/12/1992 của Thủ tướng chính phủ).

Tài khoản quốc gia là hệ thống các tài khoản, các bảng cân đối có mối liên hệ mang tính hệ thống, trong đó, Bảng cân đối liên ngành (IO) có những ứng dụng quan trọng như: Công cụ mô tả toàn diện bức tranh kinh tế của đất nước; Kiểm định tính chính xác của số liệu GDP được tính theo 3 phương pháp; Chuyển các chỉ tiêu tài khoản quốc gia từ giá hiện hành về giá so sánh; ứng dụng trong phân tích vĩ mô. Từ năm 1993 đến nay, Tổng cục Thống kê đã lập được bảng IO cho các năm 1989, 1996, 2000, 2007, 2012. Dữ liệu từ các bảng IO này đã được sử dụng cho nhiều phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô như: Nghiên cứu cấu trúc kinh tế, phân tích và dự báo kinh tế; xác định ngành kinh tế trọng điểm, nghiên cứu mối quan hệ giữa các ngành; phân tích mối quan hệ giữa cung và cầu của nền kinh tế; hội nhập kinh tế quốc tế…

Một số bài tham luận đã được trình bày tại Hội thảo: (i) Một số phân tích ảnh hưởng của nhân tố cầu trong nước đến sản lượng, giá trị gia tăng và nhập khẩu (ông Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, TCTK); (ii) Sử dụng mô hình cân đối liên ngành trong việc lựa chọn ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam (bà Nguyễn Phương Thảo, TTTT&DBQG); (iii) Mở rộng mô hình cân đối liên ngành trong phân tích chính sách (Ts Đăng Thị Thu Hoài, Viện NCQLKTTW).

Hội thảo đã dành nhiều thời gian để thảo luận về khai thác dữ liệu từ bảng IO và các nghiên cứu đã được trình bày nói trên. Các thảo luận đã có 3 điểm chung: (i) Tầm quan trọng của bảng IO; (ii) Những đóng góp của Tổng cục Thống kê trong việc lập các bảng IO; (iii) Những hạn chế trong việc hợp tác nghiên cứu và chia sẻ kết quả nghiên cứu giữa các cơ quan trong thời gian qua. Những điểm còn có sự khác biệt trong thảo luận: (i) Chính phủ có nên xác định các ngành trọng điểm hay thị trường tự điều tiết; (ii) Lan tỏa bên cầu hay bên cung của nền kinh tế.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê kết luận: Hội thảo đã đưa ra hàm ý chính sách: Phải chăng trong thời gian qua kích cầu không mang lại hiệu quả cho nền kinh tế; cần tác động vào bên cung của nền kinh tế hay cấu trúc lại nền kinh tế. Tác động vào ngành nào, lĩnh vực nào để tăng trưởng kinh tế; thực tế cho thấy, nông nghiệp vẫn là cứu cánh của nền kinh tế trong thời gian qua; tác động đến chính sách vĩ mô về tỷ giá… Đề nghị các cơ quan phối hợp tốt hơn nữa với Tổng cục Thống kê, nhất là trong việc sử dụng bảng IO và chia sẻ kết quả nghiên cứu từ dữ liệu của bảng IO.

Đoàn Dũng

Số lần đọc: 2987
Theo Viện Thống kê
Tin liên quan