Tin nóng
22.12.2017
Cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2016 (sau đây viết tắt là TĐT NN2016) được triển khai từ đầu năm 2015 cho đến nay được diễn ra trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn sau:
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo TĐT Trung ương phát biểu chỉ đạo Lễ ra quân TĐT tại Bắc Ninh

Về thuận lợi: TĐT NN2016 diễn ra trong bối cảnh Luật Thống kê năm 2015 được thông qua, vai trò, vị thế của hệ thống thống kê tập trung được nâng cao đáng kể. Ngành thống kê tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng và Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; sự hợp tác chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành và địa phương, sự hỗ trợ của các tổ chức và cơ quan thống kê quốc tế và người dân. Môi trường pháp lý đang được hoàn thiện: xây dựng các Nghị định, Quyết định để triển khai Luật thống kê 2015; thực hiện Đề án đổi mới quy trình biên soạn GRDP; cải tiến phương pháp chế độ thống kê; hệ thống tổ chức, đội ngũ cán bộ và điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường, đổi mới và kiện toàn. Đây là lần thứ năm Tổng cục Thống kê với vai trò là cơ quan thường trực tổ chức triển khai thực hiện TĐT về nông thôn, nông nghiệp và thủy sản trên phạm vi cả nước. Những bài học từ các lần TĐT trước giúp ích rất nhiều trong TĐT NN2016.

Về khó khăn: Công tác chuẩn bị TĐT NN2016 được thực hiện từ năm 2015, đồng thời cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp. Năm 2015 là năm kết thúc Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Trong bối cảnh đó, ngành thống kê thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn, một mặt phải bảo đảm tốt thông tin thống kê phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đánh giá, dự báo tình hình và xây dựng chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các cơ quan Đảng và Nhà nước ở Trung ương và địa phương; mặt khác triển khai các công việc có tính chất quan trọng, lâu dài như: hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động thống kê, cải tiến phương pháp chế độ thống kê....

Công tác tổ chức thực hiện TĐT trong năm 2016 với tình hình chính trị, kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Năm 2016 là năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Cả nước thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong Cộng đồng kinh tế ASEAN; tham gia các hiệp định thương mại. Chính vì vậy, việc cung cấp thông tin thống kê phục vụ quản lý điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ cần đặc biệt chú trọng, kịp thời và thường xuyên hơn. Bên cạnh tập trung nguồn lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin kinh tế - xã hội, tập trung xử lý, tổng hợp và công bố kết quả TĐT NN2016, toàn ngành tiếp tục thực hiện chủ trương của Chính phủ về tinh giản biên chế, tiết kiệm chi tiêu công. Việc cung cấp thông tin thống kê phục vụ quản lý điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặt ra yêu cầu cần phải được đặc biệt chú trọng, kịp thời và thường xuyên. Năm 2017 vừa là năm chính thức thực hiện Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kỳ 6 tháng đầu năm; 6 tháng cuối năm và cả năm. Đồng thời cũng là năm tiến hành Tổng điều tra kinh tế và các cuộc điều tra thường xuyên của Ngành. Thực hiện TĐT NN2016 trong bối cảnh nhiều chủ trương, chính sách lớn đối với nông dân, nông nghiệp và nông thôn được hình thành và phát triển rộng khắp như: tái cơ cấu ngành nông nghiệp mô hình sản xuất lớn, sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn, nhà ở cho công nhân và người lao động được xây dựng ở nông thôn, phong trào xây dựng nông thôn mới;... đòi hỏi cần được xem xét, phản ánh trong kết quả TĐT NN2016. Thời gian thu thập thông tin trong tháng 7 năm 2016  trùng với thời gian thu hoạch lúa vụ đông xuân và gieo cấy vụ mùa ở nhiều địa phương khu vực miền Bắc. Đây cũng là thời gian mưa nhiều ở các tỉnh. Điều này cũng gây khó khăn cho việc tổ chức ra quân, tiếp cận đối tượng điều tra để thu thập thông tin tại địa bàn.

Bằng nỗ lực khắc phục khó khăn và tinh thần và trách nhiệm cao của công chức, viên chức ngành thống kê, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ban, ngành và địa phương tổ chức thực hiện thành công Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2016. Tổng kết, đánh giá kết quả đạt được trong công tác tổ chức thực hiện tổng điều tra  thể hiện qua các mặt sau:

1. Tích cực, chủ động trong công tác chuẩn bị

Tổ công tác, Ban Chỉ đạo và tổ thường trực các cấp được thành lập kịp thời để chủ động triển khai các công tác chuẩn bị

Tổ công tác của TCTK được thành lập theo Quyết định số 155/QĐ-TCTK ngày 20/3/2015 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê do 01 Phó Tổng cục trưởng TCTK làm Tổ trưởng để chuẩn bị nội dung, dự toán kinh phí, dự thảo Quyết định của Thủ tướng trước khi thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo. Danh sách các thành viên Ban Chỉ đạo TĐT Trung ương được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương thông báo tới các tổ chức và cá nhân có liên quan từ ngày 29/9/2015 ngay sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức TĐT NN2016. Ban Chỉ đạo TĐT Trung ương chịu trách nhiệm phê duyệt phương án TĐT, tổ chức điều tra thí điểm và chỉ đạo tiến hành thực hiện TĐT. Tổ thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo TĐT Trung ương được thành lập theo Quyết định số 970/QĐ-BCĐ ngày 08/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng Ban Chỉ đạo TĐT Trung ương. Tổ thường trực đã chủ động, tích cực giúp Ban chỉ đạo TĐT thực hiện các nội dung quan trọng như: Xây dựng phương án, tổ chức điều tra thí điểm, tập huấn, chuẩn bị các điều kiện về tài chính và hậu cần. Ban Chỉ đạo TĐT Trung ương đã xây dựng kế hoạch thực hiện TĐT và phân công công tác đối với các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ thường trực Trung ương. Các thành viên trong Ban Chỉ đạo và Tổ Thường trực chủ động thực hiện các công tác liên quan đến chức năng của đơn vị theo kế hoạch đề ra.

Ban Chỉ đạo TĐT và Tổ thường trực các cấp ở địa phương được thành lập theo hướng dẫn tại Công văn số 1084/BCĐTW-TTT ngày 28/12/2015 của Ban Chỉ đạo TĐT Trung ương. Ban Chỉ đạo TĐT các cấp ở địa phương đã tổ chức, chỉ đạo thực hiện thành công cuộc Tổng điều tra tại địa phương mình theo đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo TĐT Trung ương; đồng thời tham mưu về chủ trương, giải pháp để hỗ trợ các cấp, các ngành trong Tổng điều tra.

Nhờ chủ động khởi động sớm, có kế hoạch tiến độ cụ thể đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện tốt các công việc chuẩn bị, sẵn sàng cho việc thu thập thông tin.

Phương án, hệ thống phiếu điều tra, biểu tổng hợp nhanh và các quy trình nghiệp vụ TĐT có nhiều đổi mới nhằm đáp ứng tốt hơn  yêu cầu thông tin của Đảng, Nhà nước và người dùng tin.

Phương án và các tài liệu điều tra được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát huy các kỳ TĐT trước; đồng thời bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhu cầu của người dùng tin, khai thác kiến thức và kinh nghiệm, trí tuệ của toàn Ngành; kết hợp hặt chẽ giữa lý thuyết và thực tế để nâng cao chất lượng phương án và các tài liệu TĐT. Tổ Thường trực đã nghiên cứu các văn kiện, chính sách của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu ngành nông nghiệp; sản xuất lớn trong nông nghiệp, nông nghiệp chất lượng cao, xây dựng nông thôn mới, ...; nghiên cứu các nguồn thông tin sẵn có, nhất là thông tin qua các cuộc điều tra đã thực hiện, các nguồn dữ liệu từ hồ sơ hành chính. Tổ chức hội nghị, các buổi làm việc để tham vấn người sử dụng, các chuyên gia trong và ngoài ngành. Tiếp cận các khuyến nghị của FAO về TĐT nông nghiệp; khảo sát, học tập kinh nghiệm tiến hành TĐT nông nghiệp của Thái Lan nhằm đảm bảo tính so sánh quốc tế.

TĐT NN2016 đã kế thừa nhiều nội dung đã thực hiện tốt trong TĐT năm 2011; giảm bớt thông tin trong phiếu điều tra khó thu thập hoặc không còn phù hợp với thực tế, trong phiếu điều tra toàn bộ (phiếu số 01/TĐTNN-HO); đồng thời bổ sung mới 05 phiếu điều tra khai thác thông tin thứ cấp từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Quốc phòng; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn,... . Thông tin về doanh nghiệp và hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản được lồng ghép trong cuộc Điều tra doanh nghiệp năm 2016.

Phương án và tài liệu TĐT đã được hoàn thiện qua 2 đợt điều tra thử và có nhiều điểm mới, cụ thể:

a) Phương án Tổng điều tra được xây dựng với nhiều thay đổi về phạm vi, bổ sung về nội dung và đổi mới về cách thức thực hiện. So với kỳ TĐT trước, Phương án TĐT NN2016 có nhiều điểm mới về phạm vi, nội dung và cách thức thực hiện như sau: Mở rộng phạm vi TĐT, điều tra toàn bộ các hộ có tham gia sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản ở khu vực thành thị; Điều tra các đơn vị có hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ở khu vực Quốc phòng.  Bổ sung nhiều nội dung đang được quan tâm như thông tin đánh giá kết quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Những thông tin quan trọng từ các ngành, lĩnh vực như: kết quả thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; cánh đồng mẫu lớn; diện tích gieo trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP và tương đương; thông tin về hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của các đơn vị do Bộ Quốc phòng quản lý và lao động; điều kiện sống của công nhân tại các khu nhà ở tập trung trên địa bàn nông thôn. Đổi mới cách thức thực hiện theo phương pháp tập huấn triển khai theo hướng giảm thiểu thời gian trình bày của báo cáo viên, tăng cường trao đổi, thảo luận thông qua các ví dụ minh họa, bài tập tình huống cụ thể nhằm khuyến khích sự tham gia của các học viên để có thể nắm được nội dung ngay trên lớp tập huấn và thống nhất triển khai thực hiện. Phương thức tiến hành thu thập thông tin đã được nghiên cứu, thay đổi theo hướng giảm gánh nặng cung cấp thông tin cho hộ nông thôn. Trong các kỳ TĐT trước, đối với những hộ nông thôn được chọn mẫu điều tra phiếu thu thập thông tin chuyên sâu về kinh tế hộ gia đình sẽ có 02 điều tra viên đến thu thập thông tin với hai loại phiếu khác nhau, tuy nhiên hai loại phiếu này lại có một số thông tin trùng nhau dẫn đến việc thu thập thông tin gây phiền hà và mất thời gian của chủ hộ. Trong cuộc TĐT lần này, việc thiết kế phiếu điều tra đã được cải tiến, chỉ sử dụng một loại phiếu và phỏng vấn một lần đối với những hộ nông thôn được chọn điều tra mẫu để thu thập thông tin chuyên sâu về kinh tế hộ gia đình. Công tác phúc tra được thực hiện bởi Ban Chỉ đạo TĐT Trung ương thay vì Ban Chỉ đạo TĐT cấp tỉnh như các kỳ Tổng điều tra trước. Việc cải tiến phương pháp phúc tra lần này với mục đích đảm bảo tính khách quan và đánh giá tốt hơn chất lượng của cuộc Tổng điều tra.

b) Phiếu điều tra, biểu tổng hợp nhanh và các quy trình nghiệp vụ xây dựng theo hướng tăng cường khai thác thông tin từ hồ sơ hành chính: Hệ thống phiếu điều tra gồm 9 loại phiếu áp dụng cho các đơn vị điều tra khác nhau và được mở rộng hơn so kỳ Tổng điều tra trước với khối lượng thông tin đầy đủ hơn, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội hiện nay. Việc quy định ghi chép số liệu trong phiếu điều tra rõ ràng, cụ thể và thuận lợi cho việc thu thập, kiểm tra, kiểm soát, giảm sai sót. Các chỉ tiêu trong phiếu có tính logic khá chặt chẽ.         Các loại phiếu điều tra bao gồm: (1) Phiếu thu thập thông tin về hộ toàn bộ; (2) Phiếu thu thập thông tin về trang trại; (3) Phiếu thu thập thông tin về tình hình cơ bản và kết cấu hạ tầng của xã; (4) Phiếu thu thập thông tin về kinh tế hộ nông thôn; (5) Phiếu thu thập thông tin về lao động và điều kiện sống của công nhân tại các khu nhà ở tập trung trên địa bàn nông thôn, (6) Phiếu thu thập thông tin về kết quả thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, (7) Phiếu thu thập thông tin về cánh đồng lớn; (8) Phiếu thu thập thông tin về sản phẩm được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương; (9) Phiếu thu thập thông tin về kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của các đơn vị do Bộ Quốc Phòng quản lý. Trong đó các phiếu điều tra từ số (5) đến số (9) được bổ sung so với kỳ trước nhằm khai thác các thông tin thứ cấp từ hồ sơ hành chính.  Các quy trình nghiệp vụ áp dụng trong cuộc TĐT: Lập bảng kê; chọn mẫu; tập huấn nghiệp vụ; thu thập thông tin của điều tra viên và kiểm tra của tổ trưởng; phúc tra; nghiệm thu và bàn giao tài liệu. Các quy trình này đã hướng dẫn cụ thể quá trình triển khai thực hiện TĐT và có nhiều đổi mới, đặc biệt là quy trình tập huấn, quy trình phúc tra.

c) Điều tra thí điểm được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả: Để có cơ sở thực tiễn hoàn thiện phương án, các loại phiếu điều tra và quy trình nghiệp vụ áp dụng trong TĐT, TCTK đã tiến hành hai lần điều tra thí điểm. Điều tra thí điểm lần thứ nhất được thực hiện tại Hà Tĩnh, từ ngày 06/9 đến ngày 13/9/2015 và lần thứ hai tại các tỉnh An Giang, Phú Yên, Thái Bình và Thái Nguyên, từ ngày 23/11 đến ngày 05/12/2015. Điều tra thử nghiệm không chỉ tập trung vào kiểm tra, kiểm định các câu hỏi và khả năng cung cấp thông tin của đối tượng điều tra mà còn kiểm định khâu tổ chức huy động lực lượng điều tra viên, tổ trưởng, định mức công điều tra phiếu...

Công tác chuẩn bị kinh phí kịp thời và thống nhất với khối lượng công việc xác định theo Phương án Tổng điều tra

Căn cứ vào khối lượng ước tính các đơn vị điều tra của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến thời điểm 01/7/2016, TCTK đã tiến hành xây dựng dự toán kinh phí phù hợp với nội dung của Phương án và các quy trình TĐT. Cụ thể như dự toán kinh phí theo hướng tăng cường phân cấp trách nhiệm của Ban Chỉ đạo TĐT cấp tỉnh, dự toán kinh phí chi tiết cho nhiều nội dung như quy định cụ thể thành phần và số người tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ, chủng loại vật tư, văn phòng phẩm,... dự toán kinh phí có tính đến các yếu tố vùng, miền, điều kiện đi lại, đồng thời cân đối giữa các công việc như tuyên truyền hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp. Sau khi hoàn chỉnh dự toán, để thực hiện Tổng điều tra tiết kiệm, đúng quy định hiện hành,Tổng cục đã kịp thời hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí theo tiến độ thực hiện các công việc được quy định trong Phương án Tổng điều tra. Công văn đã quy định cụ thể về số lượng người tham gia, thời gian thực hiện một số nội dung công việc chủ yếu và vật tư văn phòng phẩm trong TĐT NN2016.

Xác định địa bàn và lập bảng kê các đơn vị điều tra phù hợp với điều kiện thực tế

Để xác định được khối lượng công việc trong công tác thu thập, tổng hợp thông tin TĐT, Ban Chỉ đạo TĐT Trung ương đã sớm hướng dẫn Ban Chỉ đạo TĐT cấp tỉnh thực hiện công tác xác định địa bàn và lập bảng kê các đơn vị điều tra đối với hộ điều tra toàn bộ, hộ điều tra mẫu và trang trại theo Quy trình lập bảng kê. Nhìn chung việc lập danh sách các loại bảng kê tại địa bàn điều tra đã được giám sát, kiểm tra chấn chỉnh những sai sót kịp thời nên chất lượng các loại bảng kê đảm bảo, đúng đối tượng điều tra và thời gian quy định.

Tuyển dụng điều tra viên, tổ trưởng và giám sát viên các cấp theo tiêu chuẩn rõ ràng, cụ thể:

Cuộc TĐT đã huy động khoảng 180 nghìn điều tra viên, tổ trưởng và giám sát viên cấp tỉnh, huyện, xã theo tiêu chuẩn được quy đinh rõ ràng, cụ thể trong Quy trình Thu thập thông tin của điều tra viên và kiểm tra của tổ trưởng. Đây là lực lượng nòng cốt thực hiện công tác thu thập thông tin TĐT các cấp. Lực lượng điều tra viên và tổ trưởng được tuyển dụng có mặt bằng trình độ nghiệp vụ khá tốt, đồng đều hơn so với các kỳ TĐT trước; phần lớn là cán bộ thôn, xã là những người đã tham gia các cuộc điều tra thống kê, viết chữ số rõ ràng, trung thực, cẩn thận, có khả năng tiếp thu và nắm vững nội dung nghiệp vụ điều tra, hiểu biết về nông thôn, nông nghiệp.

Đổi mới trong công tác phát hành và phân phối tài liệu

Các tài liệu trang bị cho Ban Chỉ đạo các cấp, điều tra viên và tổ trưởng bao gồm: phiếu điều tra, sổ tay hướng dẫn, các quy trình, biểu báo cáo và văn phòng phẩm được phân phối theo đúng số lượng, chủng loại quy định phục vụ cho công tác tập huấn và thu thập thông tin tại địa bàn. Cách thức phân phối tài liệu trong TĐT cũng được đổi mới theo hướng phân phối đến cấp huyện thay cho đến cấp tỉnh như trước đây. Đây cũng là kết quả của việc tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ và khai thác nguồn lực sẵn có giữa TCTK và Bộ Thông tin và Truyền thông (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam).

Công tác tuyên truyền được triển khai rộng khắp với nhiều hình thức tuyên truyền, cổ động tạo ra sự ủng hộ, đồng thuận của người dân trước và trong quá trình điều tra

Công tác tuyên truyền được thực hiện tốt ở cả Trung ương và địa phương. Trước và trong thời gian điều tra, khẩu hiệu, băng rôn, áp phích tuyên truyền về Tổng điều tra đã được treo, dán ở những địa điểm đông dân cư. Sáng ngày 01/7/2016, Lễ ra quân thu thập thông tin TĐT được tổ chức ở hầu hết các xã, phường trên toàn quốc với sự tham gia của Ban Chỉ đạo, giám sát viên cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện. Tại nhiều địa phương, Lễ ra quân TĐT có sự tham dự của các đồng chí Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch tỉnh, thành phố - Trưởng ban Ban Chỉ đạo TĐT. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã phối hợp với cơ quan truyền hình, truyền thanh và báo chí để đưa tin kịp thời về ngày Lễ ra quân, tuyên truyền rộng rãi về mục đích, ý nghĩa của cuộc TĐT giúp người dân hiểu và phối hợp với điều tra viên thực hiện tốt công tác thu thập thông tin.

Chủ động xây dựng kế hoạch tổng hợp, xử lý kết quả Tổng điều tra

Ngay từ những ngày đầu chuẩn bị, Ban Chỉ đạo TĐT Trung ương đã chỉ đạo Tổ thường trực phối hợp với các đơn vị chức năng của Tổng cục Thống kê   sớm rà soát, đánh giá hiện trạng máy móc, thiết bị, bản quyền sử dụng công nghệ nhận dạng ký tự thông minh để xây dựng kế hoạch và đề xuất phương án đảm bảo các điều kiện thực hiện truyền đưa, tổng hợp, xử lý thông tin của TĐT. Phối hợp chặt chẽ trong tổ chức tiếp nhận và xử lý các phiếu điều tra. Công tác nhập tin, kiểm tra lôgic và xác định lỗi các loại phiếu điều tra được khẩn trương triển khai thực hiện đảm bảo công bố kết quả sơ bộ và chính thức đúng theo kế hoạch trong phương án TĐT.

Tăng cường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc Phòng và các Bộ, ngành khác 

Lần đầu tiên trong TĐT nông thôn, nông nghiệp và thủy sản, Tổng cục Thống kê đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc Phòng để thu thập thông tin về sản phẩm được công nhận VietGAP và kết quả hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong các đơn vị quân đội nhằm mở rộng phạm vi điều tra và tăng cường chia sẻ dữ liệu từ hồ sơ hành chính. Đây là cơ sở quan trọng để xem xét, đánh giá và xác định đầy đủ hơn quy mô về sản lượng và giá trị của hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên toàn bộ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền Thông, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam,... và các cấp chính quyền địa phương ngay từ bước chuẩn bị đến tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện đã tạo nên sự thống nhất và tham gia tích cực, ủng hộ của nhân dân khi tiến hành cuộc Tổng điều tra. 

2. Công tác thu thập thông tin được thực hiện theo đúng quy trình, đảm bảo tiến độ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đổi mới trong công tác phúc tra

Công tác thu thập thông tin được thực hiện ngay sau lễ ra quân sáng ngày 01/7/2016 ở hầu hết các xã. Các địa phương đã nghiêm túc và khẩn trương thực hiện công tác thu thập thông tin theo đúng quy trình ngay trong ngày đầu tiên. Một số tỉnh photo phiếu điều tra để luyện cách viết số, ghi phiếu cho điều tra viên và tổ chức triển khai thu thập thông tin thử tại địa bàn trước hoặc trong ngày ra quân thu thập thông tin. Từ đó trao đổi, rút kinh nghiệm, không gây lúng túng khi phỏng vấn và hạn chế sai sót khi ghi phiếu cho điều tra viên trong những ngày tiếp theo. Công tác thu thập thông tin được hoàn thành trong tháng 7/2016 theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm, chú trọng. Nhiều đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo, Tổ thường trực các cấp được thành lập với kế hoạch phân công cụ thể về nội dung, địa bàn và thời gian thực hiện. Ở Trung ương đã tổ chức 04 đoàn kiểm tra công tác tập huấn và 04 đoàn kiểm tra công tác thu thập thông tin và đã tiến hành kiểm tra tại hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời TCTK đã trưng tập 34 giám sát viên Trung ương để tập trung giám sát quá trình tập huấn và thu thập thông tin trên phạm vi cả nước. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện trong suốt quá trình chuẩn bị và thu thập thông tin. Nhiều Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát với việc phân công, phân cấp cụ thể. Thành viên Ban chỉ đạo, Tổ thường trực và Giám sát viên cấp tỉnh chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát theo địa bàn cấp huyện; trực tiếp tham dự các lớp tập huấn nghiệm vụ; xuống địa bàn điều tra ngay từ những ngày đầu ra quân thu thập thông tin đến khi nghiệm thu phiếu điều tra. Thành viên Ban chỉ đạo, Tổ thường trực và Giám sát viên cấp huyện, chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện cho Ban Chỉ đạo xã và điều tra viên tại các địa bàn điều tra.

Công tác phúc tra được đổi mới theo hướng tập trung huy động và thực hiện tại Trung ương. Công tác phúc tra  trong TĐT NN 2016 được tiến hành trong tháng 8 năm 2016. Phúc tra TĐT NN2016 tiến hành trên phạm vi 17 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết tắt là tỉnh) ở 6 vùng kinh tế-xã hội; mỗi vùng chọn từ 02 đến 04 tỉnh. Mỗi tỉnh chọn ngẫu nhiên 100 hộ, tổng số hộ phúc tra cả nước 1700 hộ.

Thực hiện phúc tra đối với một số thông tin của phiếu điều tra số 01/TĐTNN-HO với mẫu phiếu phúc tra riêng để đánh giá chất lượng kết quả điều tra. Các phúc tra viên trực tiếp phỏng vấn ghi phiếu phúc tra đối với các hộ được chọn để phúc tra tại một số địa bàn điều tra ở các tỉnh. Lực lượng phúc tra viên được trưng tập là các công chức, viên chức có kinh nghiệm, nắm vững chuyên môn nghiệp vụ từ các đơn vị thuộc Tổng cục Thống kê.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK trả lời phỏng vấn về Tổng điều tra

3. Quy định cụ thể các bước tiến hành nghiệm thu kết quả thu thập thông tin và thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước

Trước khi các đoàn tiến hành nghiệm thu kết quả thu thập thông tin trên cả nước, BCĐ Trung ương đã nghiệm thu thí điểm tại Thái Bình nhằm thống nhất các bước thực hiện, hoàn chỉnh bảng quy định xác định lỗi và đánh giá chất lượng các phiếu điều tra.

Công tác nghiệm thu TĐT NN 2016 đối với các loại phiếu điều tra và tài liệu điều tra được thực hiện từ tháng 8/2016 và đã hoàn thành theo đúng quy định ở tất cả các cấp từ địa phương đến Trung ương theo đúng tiến độ đã đề ra.

4. Đổi mới trong xử lý, tổng hợp, công bố thông tin trong Tổng điều tra

 Công tác tổng hợp nhanh kết quả TĐT lần đầu tiên được thực hiện trên phần mềm trực tuyến, giúp số liệu tổng hợp nhanh đầy đủ, kịp thời cho công tác biên soạn báo cáo sơ bộ kết quả Tổng điều tra. Tất cả  các loại phiếu điều tra được chụp ảnh phục vụ cho việc kiểm tra, làm sạch số liệu và lưu trữ phiếu điều tra thay cho sử dụng phiếu giấy như trước đây. Xây dựng công cụ khai thác dữ liệu vĩ mô kết quả Tổng điều tra trực tuyến nhằm phổ biến thông tin đến các đối tượng sử dụng thông tin.  Xây dựng kho dữ liệu Kết quả Tổng điều tra (Data Warehouse) nhằm phổ biến số liệu chi tiết các đối tượng sử dụng.

5. Công tác tổng kết và thi đua khen thưởng được thực hiện kịp thời ở các cấp

Công tác tổng kết, rút kinh nghiệm trong khâu chuẩn bị và tổ chức thực hiện TĐT được tiến hành nghiêm túc ở các cấp. Những kinh nghiệm về tổ chức thực hiện TĐT ở các cấp là những bài học quý giá cho việc tổ chức tốt hơn các cuộc TĐT trong kỳ tiếp theo. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương đã hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng trong TĐT cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã. Tất cả Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã hoàn công tác này ở địa phương vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017. Nhằm biểu dương và động viên kịp thời các tập thể và cá nhân đạt thành tích tốt trong cuộc TĐT, nhiều danh hiệu và hình thức khen thưởng đã được xét tặng như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ Thi đua và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bằng khen của UBND cấp tỉnh và Giấy khen của Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo sát tiến độ thực hiện các công việc.

Tổng số các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng trong TĐT NN2016 như sau: “Cờ thi đua cấp Bộ” cho 14 đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua trong Tổng điều tra; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 13 tập thể và 17 cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong TĐT; Bằng khen của Bộ trưởng cho 73 tập thể và 254 cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong TĐT; Nhiều tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của UBND cấp tỉnh và Giấy khen của Cục trưởng Cục Thống kê cấp tỉnh.

Tại hội nghị tổng kết Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016, Tổng cục trưởng TCTK, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương cũng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, tinh thần khắc phục khó khăn và trách nhiệm cao của công chức, viên chức ngành thống kê để hoàn thành tốt các nội dung của TĐT.

Số lần đọc: 1039
Tổng cục Thống kê
Tin liên quan