Tin nóng
10.11.2017
PV: Thời gian qua, một số Đại biểu Quốc hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng, một số nhà nghiên cứu, nhà kinh tế… có những phát biểu về chất lượng biên soạn chỉ tiêu GDP. Sau các ý kiến này, cộng đồng mạng có nhiều bình luận, đôi khi có chiều hướng cảm tính phủ nhận số liệu của Hệ thống thống kê Nhà nước. Ông bình luận gì về vấn đề này? TS.Nguyễn Bích Lâm: Tổng cục Thống kê nhận thức rất rõ và cũng không ít lần lãnh đạo ngành Thống kê công khai thừa nhận, thực tế số liệu thống kê hiện nay vẫn còn một số bất cập, cần quan tâm mổ xẻ để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới, như việc triển khai thực hiện đề án Khắc phục chênh lệch số liệu GRDP giữa Trung ương và địa phương; chủ động nghiên cứu, thu thập thêm thông tin để có bức tranh đầy đủ hơn, toàn diện hơn về tình hình kinh tế - xã hội; hay việc xây dựng chương trình trung hạn, dài hạn về đào tạo, đào tạo lại...Tuy nhiên có thể nói, trong hoạt động thống kê, chất lượng số liệu thống kê phụ thuộc vào nhận thức, tinh thần trách nhiệm và thái độ ứng xử của ba nhóm chủ thể có liên quan mật thiết với nhau: Nhóm cung cấp thông tin cho ngành Thống kê; Nhóm sản xuất và công bố thông tin thống kê và Nhóm sử dụng thông tin thống kê.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - Nguyễn Bích Lâm

Để có số liệu thống kê cung cấp cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và phổ biến cho các nhà nghiên cứu, người dùng tin, cơ quan thống kê đã và đang xây dựng, triển khai các hình thức thu thập thông tin phù hợp với từng loại đối tượng cung cấp thông tin. Chẳng hạn, thông tin về thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình được thu thập qua hình thức điều tra chọn mẫu thống kê; thông tin về đầu tư và kết quả sản xuất của các doanh nghiệp, dự án đầu tư nước ngoài thu được qua chế độ báo cáo thống kê,…

Tôi khẳng định, hiện Ngành Thống kê đang áp dụng phương pháp thống nhất trong xử lý, tính toán để đảm bảo tính nhất quán của các chỉ tiêu thống kê theo thời gian, so sánh được với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, để số liệu thống kê đạt chất lượng thì việc sử dụng phương pháp thống kê khoa học, tiên tiến...là chưa đủ mà thông tin đầu vào mới chính là một trong những nhân tố quan trọng quyết định chất lượng số liệu thống kê. Nhưng có một thực tế, nhận thức và trách nhiệm cũng như việc chấp hành Luật Thống kê của một bộ phận doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Nhóm cung cấp thông tin cho ngành Thống kê còn chưa tốt.

Do đó, nhiều thông tin cung cấp không sát với thực tế, chưa phản ánh đúng thực trạng sản xuất kinh doanh và không kịp thời vào thời điểm cơ quan thống kê cần có số liệu. Bên cạnh đó, nguồn thông tin của một số bộ, ngành còn khép kín, việc chia sẻ thông tin cho cơ quan thống kê còn có những bất cập, gây khó khăn cho việc đánh giá, phân tích và dự báo tình hình.

Ngoài ra, tôi cũng muốn đề cập tới trách nhiệm của người sử dụng thông tin thống kê. Năm 2007, tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), các nhà quản lý, xây dựng chính sách phát triển, các nhà nghiên cứu và những người làm thống kê của trên 100 quốc gia trên thế giới đã họp Hội nghị với chủ đề: “Thống kê - Tri thức - Chính sách” để thảo luận các giải pháp nhằm biến thông tin thống kê thành tri thức của người dùng tin và được họ sử dụng trong quá trình xây dựng chính sách phát triển đất nước. Cộng đồng quốc tế tổ chức Hội nghị này để một mặt đề cao tầm quan trọng của thông tin thống kê; mặt khác muốn gửi thông điệp chủ yếu, đó là trách nhiệm của người sử dụng số liệu thống kê phải hiểu các con số thống kê phản ánh gì, từ đó đề ra những chính sách cho phù hợp.   

Tôi nêu một ví dụ: Tháng 9/2012, khi Tổng cục Thống kê công bố CPI tăng 2,2% so với tháng 8/2012, cao hơn rất nhiều CPI của các tháng trước đó (tháng 5/2012 tăng 0,18%, tháng 6/2012 giảm 0,26%, tháng 7/2012 giảm 0,29%, tháng 8/2012 tăng 0,63%), một số người dùng tin chưa kịp tìm hiểu nguyên nhân đã vội phê phán phương pháp tính CPI của Tổng cục Thống kê. Thực tế lúc đó, nhiều tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh giá dịch vụ y tế làm cho CPI cả nước tăng đột biến.

Chính vì vậy, thái độ công bằng, bình tĩnh xem xét và thể hiện chính kiến của mình về số liệu thống kê của người sử dụng có tri thức mang ý nghĩa định hướng rất lớn đối với dư luận xã hội.

PV: Ông đã khẳng định rõ ngành Thống kê đang áp dụng phương pháp thống nhất trong xử lý, tính toán để đảm bảo tính nhất quán của các chỉ tiêu thống kê theo thời gian, so sánh được với các nước trong khu vực và trên thế giới, vậy Ông có thể làm rõ hơn ý kiến của Đại biểu QH về việc “Tăng trưởng các quý cuối năm rất cao nhưng sang quý I đầu năm sau liền kề giảm xuống rất nhanh và đột ngột…”?

TS.Nguyễn Bích Lâm: Tăng trưởng GDP của nước ta trong quý I thường thấp, sau đó tăng lên trong những quý tiếp theo có nguyên nhân chủ yếu do hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ yếu tố mùa vụ (nghỉ tết, đầu tư, xây dựng nhà ở, sản xuất nông nghiệp theo mùa, các lễ hội, mùa du lịch và cả về thủ tục hành chính…), thể hiện trên một số yếu tố sau:

Thứ nhất, thực hiện vốn đầu tư đạt thấp trong những tháng đầu năm. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn trước đây và hiện nay phần lớn phụ thuộc vào vốn đầu tư (yếu tố vốn đầu tư luôn đóng góp gần 50% vào tăng trưởng GDP), phần còn lại là đóng góp của yếu tố lao động và các nhân tố tổng hợp (TFP).

Những năm qua, vốn đầu tư thực hiện (trong đó có đầu tư công chiếm khoảng 23-25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội) có xu hướng tăng dần qua các quý, trong đó quý I thường đạt thấp do những tháng đầu năm có kỳ nghỉ Tết cổ truyền kéo dài, tâm lý người Việt Nam trong những ngày gần tết và sau tết không tập trung nhiều cho đầu tư sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, theo thói quen người dân, việc đầu tư xây dựng nhà ở của dân cư cũng thường thực hiện vào những tháng cuối năm.

Đối với nguồn vốn đầu tư công (bao gồm ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, tín dụng đầu tư phát triển), trong những tháng đầu năm bên cạnh thủ tục, quy trình phân bổ nguồn vốn này thường chậm, các chủ dự án, công trình cũng tập trung hoàn tất các thủ tục để thực hiện và giải ngân vốn đầu tư trong năm, do đó vốn đầu tư thực hiện thường đạt thấp trong những tháng đầu năm, các tháng cuối năm có xu hướng tăng để giải ngân nhanh nguồn vốn này. Cụ thể: So với kế hoạch năm, tỷ lệ thực hiện vốn đầu tư công quý I/2015 chỉ đạt 17,3%; 6 tháng đạt 42,9% và 9 tháng đạt 71,3%; các tỷ lệ tương ứng của năm 2016 là 14,4%; 35,5% và 59,8%. Năm 2017, tỷ lệ thực hiện vốn đầu tư công so kế hoạch còn đạt thấp hơn (Quý I đạt 13,8%; 6 tháng đạt 34,8%; 9 tháng đạt 59,2%) do nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được phê duyệt và giải ngân rất chậm. Do đó, việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư trong quý I và những tháng đầu năm đạt thấp và có xu hướng tăng lên trong các quý tiếp theo là một trong những nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng trưởng GDP thường tăng trưởng chậm trong các tháng đầu năm và tăng cao hơn trong những tháng cuối năm.

Thứ hai, chi ngân sách Nhà nước quý I đạt thấp so với dự toán. Trong những năm gần đây, tỷ lệ chi ngân sách của quý I so với dự toán năm có xu hướng ngày một giảm dần. Chi đầu tư phát triển chậm sẽ tác động đến nhiều ngành kinh tế (vốn ngân sách Nhà nước được coi là vốn “mồi” để thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia); trong khi chi thường xuyên tác động trực tiếp đến các ngành và hoạt động như: Quản lý Nhà nước, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa, nghệ thuật. Điều này cũng làm cho tăng trưởng GDP của quý I thường thấp hơn các quý cuối năm.

Thứ ba, dư nợ tín dụng có xu hướng tăng dần qua các quý. Những năm vừa qua, dư nợ tín dụng (so với tháng 12 năm trước) có xu hướng tăng dần qua các quý đã phản ánh thực trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng có xu hướng tăng qua các quý. Ví dụ: Năm 2015, tốc độ tăng dư nợ tín dụng quý I tăng 2,65%, quý II tăng 7,86%, quý III tăng 12,12% và quý IV tăng 17,26%; Tương tự, năm 2016 lần lượt là: 3,04%, 8,21%, 11,64% và 18,25%; Năm 2017: 4,37%, 9,01%, 11,02% và quý IV dự kiến là 21%.

PV: Tuy nhiên cũng có ý kiến  “GDP quý I thấp do nghỉ Tết, nhưng bù lại tăng tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư”, Ông có ý kiến về vấn đề này ra sao?

TS.Nguyễn Bích Lâm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh giá trị mới tăng của sản phẩm vật chất và dịch vụ được tạo ra của toàn bộ nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định (quý, 6 tháng, 9 tháng, năm). Tổng sản phẩm trong nước được tính theo giá hiện hành và giá so sánh cho từng quý và cả năm thông qua Phương pháp sản xuất và Phương pháp sử dụng (2 phương pháp). 

Theo phương pháp sản xuất, GDP được tính bằng Tổng giá tăng thêm theo giá cơ bản của tất cả các ngành kinh tế cộng với thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm. Việc tiêu dùng tăng lên trong dịp Tết sẽ tác động chính tới một số ngành dịch vụ (bán lẻ, vận tải, bưu chính viễn thông, văn hóa, vui chơi, giải trí…), nhưng các ngành sản xuất vẫn bị ảnh hưởng do phần lớn các sản phẩm phục vụ Tết chủ yếu được sản xuất cuối năm trước, khu vực hành chính, giáo dục thường được nghỉ dài ngày trong dịp Tết cổ truyền.

Bên cạnh đó, theo phương pháp sử dụng, GDP bằng tổng của 3 yếu tố: Tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư và Nhà nước; tích lũy tài sản (cố định, lưu động và quý hiếm) và chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, trong quý I ngoại trừ tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình tăng (tiêu dùng cuối cùng tăng làm GDP tăng), hoạt động đầu tư và xuất khẩu những tháng đầu năm đạt thấp đã ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP (làm GDP tăng thấp).

PV: Xin Ông cũng làm rõ thêm một số ý kiến về tăng trưởng của ngành thủy sản 9 tháng năm 2017, cụ thể: Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giá trị tăng thêm ngành thủy sản đạt mức tăng cao nhất với 5,42% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng sản lượng thủy sản 9 tháng chỉ tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước…?

TS.Nguyễn Bích Lâm: Sản lượng thủy sản nuôi trồng 9 tháng đầu năm 2017 tăng 4,2% so cùng kỳ trong khi đó giá trị sản xuất (bằng sản lượng mỗi loại thủy sản nhân với đơn giá cố định bình quân của từng loại thủy sản) tăng 5,52% do có sự thay đổi về cơ cấu sản lượng thủy sản nuôi trồng, trong đó sản lượng tôm tăng cao ở mức tăng 8% so với cùng kỳ năm trước (đơn giá bình quân 1 kg tôm sú là 120,5 nghìn đồng; tôm thẻ là 75,8 nghìn đồng, trong khi cá các loại chỉ khoảng 9 nghìn đồng/kg).

Trong 9 tháng năm nay, tôm sú và tôm thẻ chân trắng là sản phẩm có giá cố định cao hơn nhiều so với các sản phẩm thủy sản khác tăng trưởng khá: Sản lượng tôm sú chiếm 7% và tôm thẻ chiếm 9,9% trong tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng nhưng về giá trị thì tôm sú chiếm tới 26% và tôm thẻ chân trắng chiếm 23,2% tổng giá trị thủy sản nuôi trồng trong 9 tháng (theo giá so sánh). Điều này cho thấy, tôm sú và tôm thẻ chân trắng có mức đóng góp về giá trị cao hơn hẳn mức đóng góp về sản lượng, đồng thời lý giải vì sao sản lượng thủy sản 9 tháng năm 2017 chỉ tăng 4,5% nhưng giá trị tăng thêm của ngành thủy sản tăng 5,42%.

Số liệu thống kê hiện nay được sử dụng với mật độ cao, Chính phủ luôn yêu cầu ngành Thống kê cung cấp thông tin sớm để đánh giá, dự báo tình hình và đề ra các giải pháp kịp thời. Điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với hoạt động của Hệ thống thống kê. Đồng thời cũng đòi hỏi Tổng cục Thống kê, thống kê bộ, ngành và địa phương phải có giải pháp phối hợp, chia sẻ thông tin nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng thông tin thống kê. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ do Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ KHĐT giao cho, ngành Thống kê luôn đề cao tính trung thực, trách nhiệm của người làm thống kê, đồng thời cần sự ủng hộ, chia sẻ của toàn xã hội trong việc cung cấp thông tin kịp thời, sát thực và rất cần sự phản biện, góp ý với tinh thần trách nhiệm của người sử dụng. 

PV: Trân trọng cảm ơn Ông!

 
Số lần đọc: 1334
Tổng cục Thống kê
Tin liên quan