Tin nóng
14.02.2014
Kinh tế năm 2013, một năm đầy khó khăn, thách thức. Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các doanh nghiệp cùng các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Chúng ta nhìn lại chặng đường một năm qua Đảng bộ, quân và dân tỉnh ta bao đổi tự hào, chúng ta đã vượt qua biết bao khó khăn thử thách, để phát huy những thành quả đã đạt được, đồng thời tạo ra bước phát triển mới tạo đà cho những năm tiếp theo, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong năm qua. Không lùi bước trước những khó khăn của kinh tế quốc tế và những khó khăn nội tại của nền kinh tế trong nước, kinh tế của tỉnh vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tương đối cao (tăng 9.4%) so với mức tăng chung của cả nước (5,42%) và vùng ĐBSCL (khoảng 7,5%).

Năm 2013 chúng ta không đạt kế hoạch mục tiêu tăng trưởng kinh tế 12,5% mà chỉ đạt 9.4% là hoàn toàn khách quan, kinh tế nước ta đã hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế và đang chịu tác động mạnh mẽ của vòng xoáy suy thoái kinh tế toàn cầu. Mặt khác do yếu tố chủ quan, chúng ta chưa lường hết khó khăn, chưa đánh giá hết được những tác động tiêu cực từ kimh tế thế giới nên đã đề ra kế hoạch mục tiêu phấn đấu quá cao đối với một số ngành, lĩnh vực kinh tế như: Nuôi trồng thủy sản kế hoạch giá trị sản xuất tăng 13%, nhưng thực tế chỉ đạt mức tăng 5,96%; trong điều kiện nền kinh tế nước ta đang rất khó khăn, để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ đang phải thực hiện nhiều quyết sách quan trọng trong đó có thay đổi mô hình tăng trưởng từ tăng trưởng theo chiều rộng (gia tăng đầu tư mở rộng qui mô), sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu (hạn chế đầu tư vào những công trình/dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả, tập trung tái cơ cấu, thay đổi công nghệ để nâng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm hàng hóa dịch vụ), nên đã thắt chặt chính sách tiền tệ, hạn chế đầu tư công, do đó nguồn vốn đầu tư từ ngân sách đã hạn chế đáng kể, kéo theo đó là sự hạn chế đầu tư của khu vực ngoài nhà nước (doanh nghiệp, HTX, hộ kinh tế cá thể, hộ dân cư), trong khi thu hút vốn dầu tư nước ngoài của tỉnh còn rất ít. Từ đó đã hạn chế vốn đầu tư đáng kể của hầu hết các thành phần kinh tế. Trong điều kiện khó khăn như vậy nhưng chúng ta đặt mục tiêu giá trị sản xuất ngành xây dựng tăng 40,3% so với năm 2012 là không phù hợp, thực tế giá trị sản xuất ngành xây dựng chỉ đạt mức tăng 14% so với năm trước; khu vực các ngành dịch vụ (theo phân ngành kinh tế Việt Nam năm 2007 thì toàn bộ nền kinh tế được chia thành 21 ngành kinh tế cấp một, trong đó khu vực các ngành dịch vụ có 16 ngành), trong khu vực dịch vụ thì tỷ trọng của khu vực kinh tế nhà nước (cơ quan, đơn vị hoạt động từ nguồn ngân sách nhà nước) chiếm khá lớn. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, chính sách tài khóa đang phải siết chặt, chi tiêu ngân sách phải tiết kiệm tối đa nên hầu hết các ngành thụ hưởng ngân sách, chi tiêu ngân sách năm 2013 chỉ tăng dưới 10 % so với năm 2012. Mặt khác tỉnh ta là một tỉnh nông nghiệp với hơn 76% dân số sinh sống ở nông thôn, mà phần lớn ở nông thôn kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và thủy sản, do năm nay giá cả nông thủy sản sụt giảm khá nhiều đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập của nông, ngư dân do đó đã làm giảm tổng cầu (thu nhập giảm làm giảm nhu cầu tiêu dùng, giảm sức mua của thị trường dẫn đến giảm tổng cầu của nền kinh tế). Vì vậy kế hoạch năm 2013 giá trị sản xuất của khu vực dịch vụ tăng trên 17% so với năm 2012 cũng rất khó thực hiện, thực tế khu vực này năm nay chỉ đạt mức tăng 12,5%. Trong khu vực dịch vụ, nếu loại trừ chỉ số giá thì chỉ có một số ngành đạt mức tăng trên 10% như bán buôn, bán lẻ; lưu trú và ăn uống; vận tải … còn lại các ngành khác đều có mức tăng dưới 10%, hụt rất nhiều so với kế hoạch đề ra. Ngay cả xuất khẩu (nếu loại trừ giá trị xuất khẩu của 8 doanh nghiệp ở Hà Tiên mới được cập nhật trong năm nay) thì thực tế năm nay giá trị xuất khẩu chỉ đạt trên 90% kế hoạch.

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong những năm gần đây đã bộc lộ sự thiếu bền vững, chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng để có một chiến lược phát triển ở mức hợp lý và bền vững ổn định lâu dài. Một trong những yếu tố để phát triển bền vững là chúng ta phải hạn chế khai thác tài nguyên không tái tạo, đầu tư có trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực then chốt có nhiều tiềm năng, tạo nhiều giá trị gia tăng, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động để tạo bước đột phá trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch ngay trong nội bộ của từng ngành kinh tế, tạo đà cho một chu kỳ phát triển dài hạn.

Kinh tế năm 2013 tăng trưởng chậm lại so với mấy năm trước là điều khách quan do tác động của môi trường kinh tế quốc tế và trong nước. Mặt khác, năm qua chúng ta đã thực sự tập trung cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhiều công trình quan trọng có ý nghĩa to lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đã được chú trọng ưu tiên đầu tư như cầu trung tâm Rạch Giá, cầu Lạc Hồng, cầu An Hòa, cầu Cái Lớn, Cái Bé trong dự án đường hành lang ven biển phía Nam, đường điện ngầm Hà Tiên – Phú Quốc đưa điện lưới quốc gia ra đảo Phú Quốc, hạ tầng khu công nghiệp Thạnh Lộc … đó thực sự là những công trình mang tầm vóc Thế kỷ tạo ra bộ mặt mới, sức sống mới, điều kiện mới cho sự phát triển. Có thể coi kết quả tăng trưởng kinh tế của năm 2013 là một hệ quả của quá trình tái cấu trúc, cơ cấu lại nền kinh tế, tạo đà cho một chu kỳ tăng trưởng mới nhanh hơn, bền vững hơn../.

                                                                                                                     Huy Công 

Số lần đọc: 1500
Cục Thống kê Kiên Giang
Tin liên quan