Tin nóng
03.11.2015
(Chinhphu.vn) - Số liệu thống kê là kết quả của cả một quá trình, là một xâu chuỗi các chủ thể sản xuất, cung cấp và phổ biến thông tin; chủ thể nào dù ít hay nhiều đều có vị trí, vai trò quan trọng, không thể thay thế trong việc nâng cao chất lượng thông tin thống kê.

Để có được số liệu thống kê đó là kết quả của cả một quá trình và là một xâu chuỗi các chủ thể sản xuất, cung cấp và phổ biến thông tin và chủ thể nào dù ít hay nhiều đều có vị trí quan trọng, không thể thay thế

Kết cấu lại hoạt động thống kê

Để giải quyết câu chuyện chất lượng số liệu có nhiều vấn đề, nhiều mắt xích được Ban soạn thảo Luật Thống kê (sửa đổi) đưa ra bàn thảo và có hướng sửa đổi, bổ sung.

Thứ nhất, đã có nhiều nội dung của hoạt động thống kê được kết cấu lại theo hướng phân tách những nội dung quan trọng của hoạt động thống kê thành cấp quốc gia và cấp bộ, ngành để từ đó phân định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện.

Đơn cử, dự thảo Luật đã đưa danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia vào Luật và hệ thống này được Quốc hội điều chỉnh, bổ sung. Điều này bảo đảm sự ổn định của Luật và phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ. Bên cạnh đó, bổ sung các các quy định về phân loại thống kê quốc gia; quy định các cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia (Điều 29), nêu rõ danh sách các cuộc tổng điều tra, cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức; quy định về dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước (Điều 37), nêu rõ danh sách cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu bộ, ngành mà dữ liệu từ đó được cung cấp cho Cơ quan Thống kê Trung ương để sử dụng trong hoạt động thống kê nhà nước; quy định về chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia (Điều 45) nêu rõ tên chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia và đối tượng thực hiện. Việc đưa cụ thể các danh sách, khoản mục đó sẽ giúp phân định rõ trách nhiệm của các đơn vị thực hiện.

Thứ hai, bổ sung, sửa đổi một số điều khoản nhằm tăng cường vai trò của người thực hiện thu thập, tổng hợp và biên soạn thông tin thống kê. Cụ thể: Bổ sung hành vi nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê (Điều 10): Khai man hoặc ép buộc người khác khai man dữ liệu, thông tin thống kê (điểm b khoản 1); Mọi hành vi can thiệp làm sai lệch dữ liệu, thông tin thống kê và sử dụng thông tin thống kê (điểm c khoản 1).

Hay bổ sung tăng quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ của tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê; bổ sung quyền “Được cung cấp, sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu hành chính thuộc quyền quản lý của cơ quan nhà nước có liên quan để tổng hợp số liệu thống kê phục vụ việc lập báo cáo được phân công thực hiện trong chế độ báo cáo thống kê (điểm c khoản 1 Điều 47). Đặc biệt, bổ sung một số điều, khoản nhằm tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của Cơ quan Thống kê Trung ương trong lĩnh vực thống kê nhà nước, như tham gia chỉ đạo tổ chức, giám sát và kiểm tra các cuộc điều tra thống kê trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia do bộ, ngành thực hiện.

Thứ ba, kết cấu lại một số điều khoản để làm rõ chức năng của Cơ quan Thống kê Trung ương trong thẩm định các nội dung quan trọng trong hoạt động thống kê của bộ, ngành, như: Thẩm định hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành; phân loại thống kê ngành, lĩnh vực; phương án điều tra thống kê (cả trong và ngoài Chương trình điều tra thống kê quốc gia) do bộ, ngành quyết định; chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành và thẩm định số liệu thống kê của bộ, ngành trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Thứ tư, bổ sung Mục 2 Chương III “Sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước” nhằm tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có, tăng tính chính xác, kịp thời của thông tin thống kê, tiết kiệm chi phí và giảm phiền hà, gánh nặng cho người cung cấp thông tin và người thu thập thông tin thống kê.

Dự thảo cũng bỏ quy định cụ thể về chế độ báo cáo thống kê cơ sở và chế độ báo cáo thống kê tổng hợp, chỉ quy định chung là chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia; cấp bộ, ngành. Điều này là phù hợp với xu thế ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng nguồn dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhằm giảm bớt phiền hà và gánh nặng cho tổ chức thực hiện chế độ báo cáo. Đồng thời, bổ sung các mức độ của số liệu thống kê được công bố (số liệu thống kê ước tính, số liệu thống kê sơ bộ, số liệu thống kê chính thức), nhằm minh bạch hóa việc công bố thông tin thống kê của cơ quan thuộc hệ thống tổ chức thống kê nhà nước.

Trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực

Theo đại diện Tổng cục Thống kê, việc cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có ý nghĩa rất quan trọng.

Đó chính là quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê, điều này được nêu tại Điều 33 của Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) năm 2015. Trong đó nhấn mạnh, tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê có quyền và nghĩa vụ được thông báo về quyết định điều tra thống kê; được bảo đảm bí mật thông tin đã cung cấp.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê cũng phải thực hiện nghĩa vụ như cung cấp thông tin trung thực, chính xác, đầy đủ và đúng hạn theo yêu cầu của người thực hiện điều tra thống kê; không được từ chối hoặc cản trở việc cung cấp thông tin điều tra thống kê.

Tuy nhiên, trong trường hợp “cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật” (Điều 11, dự thảo Luật Thống kê sửa đổi năm 2015).

Hiện nay, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác thống kê đang được Tổng cục Thống kê tập trung thực hiện. Tuy nhiên, để có được thông tin thống kê khách quan, đầy đủ thì ý thức cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan của các tổ chức, cá nhân phải được đặt lên hàng đầu.

Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng thông tin thống kê được đặt ra là việc nâng cao trách nhiệm của người sử dụng thông tin thống kê. Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) năm 2015, tại Chương VI (Sử dụng thông tin thống kê Nhà nước) quy định khá rõ về các quy định đối với việc sử dụng, các vấn đề về bảo mật, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng thông tin thống kê Nhà nước.

Theo đó người sử dụng thông tin được bình đẳng trong tiếp cận, sử dụng thông tin thống kê đã công bố. Tuy nhiên Luật cũng nêu rõ người sử dụng thông tin đã công bố phải trung thực và ghi rõ nguồn thông tin; khi sử dụng cũng phải bảo mật và chịu trách nhiệm về tính chính xác, phù hợp của số liệu thống kê sử dụng so với số liệu thống kê được công bố.

Tăng cường hợp tác để “có thể so sánh được”

So với nhiều lĩnh vực khác, hợp tác quốc tế là một trong những nét đặc trưng của lĩnh vực thống kê trên phạm vi toàn cầu, nhằm bảo đảm tính “có thể so sánh được” của số liệu thống kê giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ.

Với chủ trương tăng cường hội nhập để phát triển, Tổng cục Thống kê đã tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động hợp tác đa phương trong khuôn khổ thống kê Liên Hợp Quốc (UNSD). Ngoài ra, ngành thống kê Việt Nam đã từng bước đáp ứng các nhu cầu thông tin thống kê của quốc tế, góp phần để Chính phủ Việt Nam hoàn thành tốt nghĩa vụ là thành viên Liên Hợp Quốc.

Các số liệu thống kê của Việt Nam phục vụ giám sát thực hiện các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) của Liên Hợp Quốc được các tổ chức quốc tế sử dụng, đánh giá cao. Tổng cục Thống kê đã hoàn thành tốt vai trò là điều phối quốc gia trong Hệ thống phổ biến số liệu chung (GDDS) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Đặc biệt, ngành thống kê Việt Nam đã chủ động hội nhập và tham gia tích cực vào các hoạt động thống kê khu vực ASEAN và châu Á-Thái Bình Dương; tham gia tích cực vào chương trình hài hòa hóa số liệu các quốc gia ASEAN trong các lĩnh vực thống kê như thống kê thương mại hàng hóa quốc tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài, thương mại quốc tế về dịch vụ, các chỉ tiêu phục vụ mục tiêu thiên niên kỷ.

Tuy vậy, theo đánh giá của đại diện Tổng cục Thống kê, nhìn chung hoạt động thống kê nước ngoài vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các đối tượng sử dụng thông tin trong nước và quốc tế. Công tác phổ biến số liệu thống kê Việt Nam đến quốc tế chưa kịp thời. Một số chỉ tiêu phương pháp thu thập, tính toán chưa hoàn toàn phù hợp với chuẩn mực thống kê quốc tế.

Ngoài ra, cùng với mở rộng hợp tác song phương theo chiều rộng, cần đặc biệt tìm cơ chế và giải pháp phù hợp, đồng bộ để phát triển hợp tác song phương giữa thống kê Việt Nam với thống kê các quốc gia theo chiều sâu.

Công Minh

Số lần đọc: 1749
Theo baochinhphu.vn
Tin liên quan