Tin nóng
18.08.2015
Sáng ngày 13/8/2015, Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức Hội thảo về phương pháp đối chiếu và lý giải chênh lệch số liệu trong thống kê xuất nhập khẩu hàng hóa (XNK) – kinh nghiệm quốc tế và trường hợp của Việt Nam. Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK, chủ trì Hội thảo; ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng TCTK; ông Romesh Paul, Chuyên gia EU, Cố vấn trưởng Dự án Hỗ trợ tăng cường năng lực thống kê ASEAN (COMPASS); về phía Bộ ngành, có các đại diện đến từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Hải quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện lãnh đạo và chuyên viên của các đơn vị thuộc cơ quan TCTK.
Toàn cảnh Hội thảo

Trong 10 năm trở lại đây, số liệu thống kê XNK giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn có sự chênh lệch. Tuy nhiên năm 2014, câu chuyện chênh lệch nhập siêu 20 tỉ USD trong thống kê thương mại hai bên đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Lý giải về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, TCTK, bà Lê Thị Minh Thủy cho biết, sự chênh lệch số liệu do hai nhóm nguyên nhân chính bao gồm: phương pháp thống kê và hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Nhóm nguyên nhân về phương pháp thống kê, sự chênh lệch xảy ra do sự khác nhau về quy định thống kê nước đối tác, thời điểm, phạm vi thống kê, xác định trị giá, tỷ giá... của 2 nước. Về nhóm nguyên nhân liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, cũng như hầu hết các nước, hàng nhập khẩu lậu không nằm trong phạm vi thống kê của Việt Nam. Bên cạnh đó, do gian lận thương mại mà nhiều doanh nghiệp Việt khi nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt với các hàng hóa chịu thuế. Đại diện TCTK cũng đưa ra kiến nghị: đề xuất Chính phủ giao Bộ Công Thương đề nghị phía Trung Quốc phối hợp hải quan hai nước thực hiện rà soát số liệu để lượng hóa tác động của từng nguyên nhân. Ngoài ra, cần có các biện pháp hiệu quả kiểm soát hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý các luồng hàng ra vào để hỗ trợ sản xuất trong nước, nhất là khi nước ta tham gia các hiệp định thương mại như Hiệp định thương mại ASEAN - Trung Quốc, hay Hiệp định thương mại tự do… trong  thời gian tới. Ngoài việc thực hiện thống kê hàng hóa XNK như các quy định hiện hành, khuyến nghị Tổng cục Hải quan theo dõi thêm những luồng hàng hóa ngoài phạm vi thống kê như tạm nhập tái xuất, quá cảnh, chuyển tải… và nghiên cứu sớm thực hiện thống kê theo tiêu chí “nước gửi hàng” song song với tiêu chí “nước xuất xứ” để tránh tình trạng chênh lệch lớn hiện nay.

Tại buổi Hội thảo, Chuyên gia EU, ông Romesh Paul đã đối chiếu số liệu XNK giữa các nước thành viên ASEAN, giữa Việt Nam với các nước ASEAN và phân tích theo phương pháp tấm gương về sự chênh lệch số liệu giữa EU và Trung Quốc. Theo ông, nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch số liệu XNK là do sự khác nhau về phạm vi và phương pháp thống kê; xử lý đối với một số loại hàng hóa đặc thù (ví dụ: hàng quân sự, hàng hóa liên quan đến tàu thuyền, bảo mật số liệu…); giá trị hàng hóa tăng lên tại nước trung gian; xuất/nhập khẩu với nước thứ ba; sự khác nhau trong phân loại hàng hóa (hàng hóa không phân tổ được); khác biệt về thời điểm thống kê, xác định trị giá, kể cả sự khác nhau giữa giá CIF/FOB; khác biệt về tỷ giá, về quy định thống kê nước đối tác; XNK lậu và gian lận thương mại; sai sót trong thống kê. Để đối chiếu, rà soát số liệu, Chuyên gia Romesh Paul cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đối tác với nhau, trao đổi dữ liệu mật - ở mức độ doanh nghiệp, càng phân tích chi tiết sẽ càng thấy rõ sự khác biệt, cần nghiên cứu phương pháp, tiến hành điều tra để ước số liệu về hàng qua biên giới, sử dụng các nguồn số liệu khác và thường xuyên sử dụng “phương pháp tấm gương”.

Hội thảo cũng đã dành thời gian tham luận cho các đại biểu đến từ các Bộ, ngành và giải đáp ý kiến của các phóng viên, nhà báo liên quan đến vấn đề chênh lệch số liệu này.

Số lần đọc: 1344
Theo Tổng cục Thống kê
Tin liên quan