Tin nóng
07.09.2013
Nhân Ngày Thống kê thế giới (20/10), phóng viên Báo Đầu tư trao đổi với ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, về công tác thống kê tại Việt Nam.
 
Nước ta đang trong quá trình hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực, vì vậy việc cung cấp những thông tin thống kê xác thực sẽ giúp Đảng, Nhà nước có được những quyết định đúng đắn trong quá trình điều hành đất nước. Với tư cách là người đứng đầu ngành thống kê, quan điểm của ông thế nào?

Đúng vậy. Thông tin thống kê tin cậy là bằng chứng bằng số rất quan trọng để xây dựng, giám sát và đánh giá thực hiện chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước, khu vực hay vùng miền, địa phương. Thông qua các phân tích và dự báo thống kê cho thấy thực trạng và động thái phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, kể cả những tiềm năng và thách thức trong từng lĩnh vực.

Thời gian qua, thống kê Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Theo ông, thời gian tới, ngành thống kê cần phải thay đổi thế nào?

Thời gian qua, ngành thống kê đã có nhiều cố gắng đổi mới về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu của các đối tượng dùng tin trong và ngoài nước. Đổi mới quan trọng nhất là áp dụng thành công Hệ thống Tài khoản quốc gia (SNA), phương pháp luận thống kê một số các chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất và dịch vụ, phương pháp tính các loại chỉ số giá… Ứng dụng công nghệ nhận dạng ký tự thông minh (ICR) vào xử lý số liệu các cuộc tổng điều tra. Đặc biệt, phương pháp luận và chất lượng một số tổng điều tra, khảo sát, nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội đã đạt trình độ châu lục, được nhiều nước đến học tập kinh nghiệm. Công tác phổ biến thông tin cả vĩ mô và vi mô đã được thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú.

Tuy nhiên, công tác thống kê cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định, như phương pháp luận thống kê của một số lĩnh vực còn chậm được nghiên cứu, sửa đổi; thông tin thống kê còn có hiện tượng vừa thiếu, vừa thừa, vừa trùng chéo, trong một số trường hợp còn chưa có sự thống nhất; hệ thống tổ chức ngành thống kê chưa được củng cố kịp thời, đặc biệt là thống kê bộ, ngành...

Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, trong thời gian tới, ngành thống kê sẽ tập trung đẩy mạnh thực hiện Đề án Đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê, Chiến lược Phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trước mắt, sẽ xây dựng hệ thống chỉ tiêu, chỉ số phục vụ việc lập kế hoạch và theo dõi, đánh giá kế hoạch 5 năm và hàng năm đảm bảo thống nhất về nội dung, phạm vi, phương pháp tính, phù hợp với thông lệ quốc tế. Phối hợp và chỉ đạo công tác thống kê của bộ, ngành để thực hiện tốt và thống nhất Hệ thống Chỉ tiêu thống kê bộ, ngành với Hệ thống Chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Nhân kỷ niệm Ngày Thống kê thế giới (20/10), ông có thể nói rõ hơn vai trò và sự tham gia của thống kê Việt Nam với thống kê thế giới?

Thống kê Việt Nam đã tham gia tích cực vào các hoạt động thống kê khu vực ASEAN, ESCAP, nhằm hoàn thành lộ trình hình thành Hệ thống Cộng đồng thống kê ASEAN vào năm 2015. Trong những năm gần đây, thống kê Việt Nam đã được chọn là chủ nhà cho nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế về thống kê của khu vực do UNSD, FAO hay AseanStats tổ chức. Đặc biệt, năm 2014, Việt Nam sẽ là nước chủ nhà của Hội nghị Hiệp hội Quốc tế về thống kê chính thức (IAOS 2014). Song song với các hoạt động hợp tác đa phương, thống kê Việt Nam còn chủ động tăng cường hợp tác song phương với các nước có nền thống kê tiên tiến nhằm trao đổi kinh nghiệm về nghiệp vụ, công tác quản lý và đào tạo cán bộ với thống kê quốc gia các nước, như Liên bang Nga, Hàn Quốc, Hà Lan, Ba Lan, Cộng hoà Séc, Slovakia, Hungary… Với những hoạt động rất sôi động, đa dạng và hiệu quả trong hội nhập quốc tế, vị thế, vai trò và uy tín của thống kê Việt Nam trong cộng đồng thống kê thế giới và khu vực sẽ ngày càng được nâng cao.

 

Số lần đọc: 1526
Theo Báo đầu tư
Tin liên quan