Tin nóng
15.06.2022

     Cũng như nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước khác, trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt kể từ khi triển khai Luật Thống kê năm 2015 (từ 1/7/2016) quản lý nhà nước về thống kê đã có sự phát triển mạnh mẽ, ngày càng tiệm cận với thông lệ quốc tế .  

     Minh chứng rõ nét nhất của sự phát triển lĩnh vực thống kê trong những năm gần đây là các tổ chức, cá nhân, nhất là giới chuyên gia kinh tế độc lập khi tiếp cận số liệu về tăng trưởng kinh tế, lạm phát, thất nghiệp... giảm dần sự nghi ngờ. Đặc biệt đã chấm dứt được tình trạng quy mô của “63 nền kinh tế” năm nào cũng tăng cao gấp 1,5-2 lần GDP của cả nước.

     Sự phát triển của hệ thống thống kê Việt Nam còn được minh chứng là gần đây, các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ILO, ADB, UNDP... thay vì tự tính toán các con số như trước đây đã sử dụng số liệu chính thống do Tổng cục Thống kê công bố vì đã tin rằng những con số này được sản xuất, cung cấp và phổ biến trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch và dễ tiếp cận. Thậm chí, năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố kết quả rà soát và đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam giai đoạn 2010-2017 tăng bình quân thêm 25,4%/năm, với số tuyệt đối lên đến 935.000 tỷ đồng/năm thì sự nghi ngờ của các chuyên gia, tổ chức kinh tế trong và ngoải nước về số liệu GDP mới cũng rất mờ nhạt và hầu như tất cả đều tin rằng đây là con số thực, phản ánh đúng quy mô của nền kinh tế vốn chưa tính hết trong quá trình xây dựng báo cáo kinh tế, xã hội hàng năm trình Quốc hội phê chuẩn.

     Thế nhưng năm 2017, khi tiến hành Tổng điều tra kinh tế, Tổng cục Thống kê phát hiện ra trên 76.000 doanh nghiệp tồn tại suốt từ năm 2010 không được cập nhật, ghi nhận. Việc phát hiện ra 76.000 doanh nghiệp “từ trên trời rơi xuống” do các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương không cập nhật, gửi số liệu cho cơ quan thống kê đã khiến nhiều chỉ tiêu thống kê trước đó liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, lực lượng lao động có việc làm, tỷ lệ lao động phi chính thức, cơ cấu lao động... ít nhiều bị ảnh hưởng.

     Đầu năm 2020, một doanh nghiệp ở Hà Nội đăng ký thành lập với số vốn điều lệ... khủng khiếp, lên tới 144.000 tỷ đồng, tương đương với tổng vốn điều lệ của Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank cộng lại. Nhưng số vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng “chưa là gì” so với số vốn mà một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tại TP.HCM hồi giữa năm 2021, lên đến 500.000 tỷ đồng, tương đương 6% GDP của cả nước. Tất cả những số liệu về doanh nghiệp (số lượng, vốn đăng ký, sử dụng lao động, bổ sung vốn) về nguyên tắc, cơ quan thống kê quốc gia bắt buộc phải cập nhật trong báo cáo gửi các cấp có thẩm quyền.

     Với những số liệu “trên giời”, số liệu bị bỏ sót chỉ riêng lĩnh vực quản lý nhà nước về doanh nghiệp sẽ khiến rất nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội, lao động, việc làm, tài chính, thương mại... bị méo mó và sẽ không bao giờ phản ánh trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ bức tranh kinh tế, xã hội của đất nước. Hậu quả là các cơ quan hoạch định chính sách rất khó để đưa ra các quyết sách quan trọng, quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội cũng như phát triển ngành lĩnh vực.

     Trước sự tàn phá của đại dịch Covid-19, tháng 4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP nhằm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu; góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động. Một chính sách nhân văn ước tính có khoảng 50 triệu người được thụ hưởng. Nhưng do số liệu thống kê của các bộ ngành, địa phương không đầy đủ, không cập nhật, thiếu chính xác nên một bộ phận người lao động bị mất việc, thiếu việc, giảm sâu thu nhập đành ngậm ngùi nhận hỗ trợ... qua tivi.

     Vì sao bỏ sót 76.000 doanh nghiệp? Vì sao bất cứ ai cũng có thể thành lập doanh nghiệp với số vốn điều lệ ngang ngửa các công ty niêm yết cổ phiếu trên Sàn chứng khoán New York, Tokyo, London, Nasdaq? Vì sao những người dân gặp khó khăn ai cũng nhìn thấy còn cơ quan quản lý nhà nước lại không? Vì mặc dù Chính phủ có Nghị định 85/2017/NĐ-CP về việc thành lập tổ chức thống kê tại bộ, ngành nhưng đến nay còn 11 bộ, ngành chưa thành lập tổ chức thống kê chuyên trách; công chức thống kê tại tất cả các bộ ngành chỉ hoạt động kiêm nhiệm, không có chuyên môn, nghiệp vụ, thậm chí chưa từng được đào tạo cơ bản về hoạt động thống kê đã ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp, tính chính xác và kịp thời của số liệu thống kê. Tại các sở, ngành ở dưới địa phương tình trạng hoạt động thống kê, nhân lực thống kê còn... tệ hơn do lãnh đạo các địa phương nhận thức về vị trí, vai trò của công tác thống kê chưa đầy đủ, thậm chí còn xem nhẹ nên không quan tâm, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện hệ thống chỉ tiêu, chế độ báo cáo thống kê. 

     Trước thực tế này, một Hội nghị Thống kê toàn quốc bất thường do đích thân Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì đã được tiến hành vào giữa tuần trước. Bởi theo Thủ tướng, con số thống kê không chỉ biết nói mà phải phục vụ người dân, phục vụ sự phát triển, người dân phải được thụ hưởng kết quả của hoạt động thống kê (điều tra, thống kê; phân tích, đánh giá, dự báo; xây dựng cơ chế, chính sách). Dữ liệu thống kê nhà nước phải phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, chỉ đạo, điều hành của Nhà nước trong giám sát, đánh giá, xây dựng và thực hiện chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Muốn vậy, quy trình sản xuất, cung cấp và phổ biến thông tin thống kê trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch.

     “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Người dân, doanh nghiệp sẽ không bị bỏ lại phía sau khi các quyết sách, cơ chế, chính sách được xây dựng sát với thực tế cuộc sống đó chính là những con số thống kê chính xác, khách quan, trung thực, kịp thời, đầy đủ, dễ tiếp cận và dễ đối chiếu, so sánh. Nếu không thì những cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật có nhân văn đến đâu cũng đều ở trên mây, người dân, doanh nghiệp chỉ biết... ngước nhìn.

ST

 

Số lần đọc: 475
Cục thống kê Kiên Giang
Tin liên quan