Tin nóng
19.12.2013
TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (GSO) thừa nhận thực tế số liệu thống kê hiện nay vẫn còn không ít bất cập do lỗi của người cung cấp và nhiều trường hợp do người sử dụng chưa hiểu hết con số thống kê phản ánh. Hiện, cơ quan này cũng đang xây dựng và thực hiện Đề án “Khắc phục chênh lệch số liệu GDP giữa Trung ương và địa phương”.

Người cung cấp, người sử dụng đều có lỗi

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (GSO) 2 nguyên nhân khiến số liệu thống kê không chính xác là do lỗi của người cung cấp thông tin cho cơ quan thống kê và trách nhiệm của người sử dụng thông tin thống kê.

Ông Lâm cho biết, ngành Thống kê áp dụng phương pháp thống nhất trong xử lý, tính toán để đảm bảo tính nhất quán của các chỉ tiêu thống kê theo thời gian, so sánh được với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời Nhóm sản xuất và công bố thông tin còn có trách nhiệm phổ biến kiến thức thống kê liên quan tới các chỉ tiêu thống kê được công bố.

TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (GSO)

Tuy nhiên, theo đánh giá của người đứng đầu cơ quan Thống kê thì nhận thức và trách nhiệm cũng như việc chấp hành Luật Thống kê của một bộ phận doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Nhóm cung cấp thông tin cho ngành Thống kê chưa tốt.

Điều này dẫn đến nhiều thông tin cung cấp không sát với thực tế, chưa phản ánh đúng thực trạng sản xuất kinh doanh và không kịp thời vào thời điểm cơ quan thống kê cần có số liệu; nguồn thông tin của các bộ, ngành bị khép kín, không chia sẻ cho cơ quan thống kê, gây khó khăn cho việc đánh giá, phân tích và dự báo tình hình.

Bên cạnh trách nhiệm thống kê, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cũng đề cập đến “trách nhiệm của người sử dụng thông tin thống kê”. Theo đó, người sử dụng số liệu thống kê phải hiểu các con số thống kê phản ánh gì, từ đó đề ra những chính sách cho phù hợp.

Luôn tồn tại 2 con số thống kê

Trao đổi với báo chí trước đó, ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch Hội Thống kê Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết số liệu thống kê hiện nay ở nước ta luôn có hai số, một số dùng khi nghiên cứu sẽ chính xác hơn, và một số dùng để công bố công khai, con số này có thể bị tác động bởi nhiều vấn đề, có thể bị chỉ đạo, nên cũng có điều chỉnh.

Năm 2012, nợ công theo báo cáo của Bộ Tài chính là 55,4% nhưng kết quả của nhóm tư vấn chính sách vĩ mô thuộc Ủy ban kinh tế của Quốc hội đưa ra con số 95% GDP

“Như số liệu GDP, nếu thấp quá là phải tính lại cho cao lên. Nếu mời chuyên gia tới phân tích, sẽ có thể ra một con số khác, có thể không xa con số báo cáo, nhưng chắc chắn nó không phải con số trong các báo cáo đánh giá hàng năm”, ông Tiến dẫn chứng.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tiến, có nhiều con số không thể thống kê chính xác được, như điện lực, xăng dầu lúc nào cũng bảo lỗ, ai biết thực hư thế nào, cũng chỉ có thể dựa vào báo cáo của doanh nghiệp đó.

"Ngay con số mà chục năm nay ngành thống kê khắc phục không được, đó là chỉ số GDP địa phương cao hơn trung ương. GDP trong báo cáo các tỉnh bao giờ cũng phải 2 con số, trong khi năm 2012, GDP cả nước chỉ có 5%, vậy mà nhiều người vẫn nói con số 5% là còn cao, khi kinh tế đang khủng hoảng. Bệnh thành tích làm thống kê bị sai", ông Tiến lấy dẫn chứng.

Mới đây nhất là báo cáo nợ công năm 2012, theo Bộ Tài chính khoảng 55,4% GDP. Tuy nhiên, báo cáo của nhóm tư vấn chính sách vĩ mô thuộc Ủy ban kinh tế của Quốc hội đã chỉ ra, nếu tính cả nợ trong hệ thống ngân hàng của khu vực DNNN khoảng 16,5% GDP, cộng với các khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác của DNNN, nợ công Việt Nam sẽ lên tới xấp xỉ 95% GDP.

Theo giải thích của ông Nguyễn Bích Lâm, sự chênh lệch giữa số liệu GDP cả nước và số liệu của các địa phương khi tổng hợp lên, chủ yếu do nguồn thông tin tính GRDP của các địa phương còn bất cập; việc xác định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của một số địa phương hàng năm còn do áp lực hoàn thành các chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh và Nghị quyết HĐND, UBND cùng cấp đã đề ra; và vẫn còn trình trạng chấp hành chưa nghiêm về quy trình sản xuất số liệu thống kê ở một số ít cơ quan thống kê địa phương cộng với trình độ cán bộ thống kê còn nhiều bất cập.

Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia thuộc Cục Thống kê của Liên Hiệp Quốc cho biết, số liệu vênh nhau có ba nguyên nhân: kỹ thuật, không muốn theo chuẩn quốc tế và giả dối.

NCH sưu tầm

Số lần đọc: 1477
Theo (Viện khoa học Thống kê)
Tin liên quan