Tin nóng
18.09.2014
UBND tỉnh Kiên Giang vừa tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Ông Lâm Hoàng Sa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Tàu cá lên hàng tại Cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành, Kiên Giang) - (ảnh – H.Anh).

Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, Kiên Giang được phân bổ 95 tàu đóng mới khai thác bằng các nghề: Lưới rê, lưới vây, câu, chụp và 10 chiếc tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có công suất từ 400 CV/chiếc trở lên.

Đầu tư đồng bộ xây dựng nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tuyến đảo, tuyến ven bờ, cơ sở sản xuất giống, cơ sở hạ tầng phục vụ cho khai thác hải sản và nuôi tôm tập trung. Đối với tuyến đảo: Tiếp tục thực hiện dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng cá An Thới, Phú Quốc; dự án đầu tư xây dựng khu trú bão Nam Du, Thổ Chu kết hợp với nâng cấp, mở rộng cảng hiện có.

Xây dựng khu neo đậu tránh bão vịnh Gành Dầu kết hợp với bến cá Gành Dầu; trung tâm sản xuất giống ở Phú Quốc. Đối với tuyến ven bờ: Mở rộng Cảng cá Tắc Cậu giai đoạn 2 gắn với xây dựng trung tâm nghề cá lớn ở Tắc Cậu; nạo vét luồng và lắp đặt hệ thống phao tiêu, biển báo ra vào Cảng cá Tắc Cậu. Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung vùng Tứ giác Long Xuyên bao gồm: Hệ thống điện trung thế, hạ thế, hệ thống dẫn nước biển đến vùng nuôi tập trung.

Về chính sách tín dụng đóng mới tàu cá theo điều 4 của Nghị định 67: Đối với đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ, trường hợp đóng tàu mới vỏ thép, vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 800CV, chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư mới tàu với lãi suất 7%/ năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 5%/ năm.

Nếu tàu trên 800CV trở lên thì chủ tàu được vay 95% tổng giá trị đầu tư với lãi suất 7%/ năm trong đó ngân sách nhà nước cấp bù 6%/ năm. Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ, tàu vỏ gỗ được gia cố bọc vỏ thép, vật liệu mới thì chủ tàu được vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm. Thời hạn cho vay là 11 năm, trong đó năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc, ngân sách nhà nước cấp bù số lãi vay của chủ tàu được miễn năm đầu cho các ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, các chính sách vay vốn lưu động, thực hiện chính sách bảo hiểm, thực hiện chính sách ưu đãi về thuế và một số chính sách ưu đãi khác của Nghị định 67 cũng được triển khai, thảo luận tại hội nghị để các ngành, địa phương nắm rõ, thực hiện đúng nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hoàng Sa cho rằng: Đây là một chủ trương lớn của Chính phủ đầu tư cho ngư dân nhằm giảm áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ, chuyển đổi cơ cấu nghề, tăng quy mô khai thác để từng bước hiện đại hóa đội tàu khai thác thủy sản xa bờ, nâng cao hiệu quả sản xuất và góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển quốc gia.

Do đó, các ngành, các địa phương phải hướng dẫn, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định này. Hướng dẫn các chủ tàu thực hiện đúng quy định pháp luật về đăng ký tàu, đăng ký thuyền viên, xin cấp phép khai thác hải sản…Đồng thời tiến hành khảo sát, kiểm tra các cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá đạt các quy định yêu cầu về nhà xưởng, trang thiết bị theo Thông tư 26/ 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định chọn cơ sở tham gia thực hiện đóng mới tàu cá theo Nghị định số 67./.

Hoài Anh

Số lần đọc: 1793
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan