Tin nóng
17.02.2020
Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang vừa công bố tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng thuộc địa bàn tỉnh cấp độ 1 rủi ro thiên tai do hạn mặn.
Theo dõi đo độ mặn trên kênh ấp Năm Hải, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang)

Theo đó, tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân biết tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và kêu gọi toàn dân sử dụng tiết kiệm nước; chủ động ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị các phương án sẵn sàng hỗ trợ nhân dân khi cần thiết.


Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn, vận hành hệ thống cống thủy lợi để kiểm soát mặn, giữ ngọt và triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách khác để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và dân sinh; tăng cường quan trắc môi trường vùng nuôi trồng thủy sản để kịp thời ứng phó những tình huống bất lợi xảy ra gây hại các loài thủy sản, nhất là tôm nuôi.
Mặt khác, Đài Khí tượng - Thủy văn Kiên Giang tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, thường xuyên cung cấp bản tin dự báo, nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho các cơ quan liên quan và địa phương nhằm chủ động sản xuất phù hợp, thực hiện các giải pháp ứng phó hiệu quả.


Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng nhấn mạnh: Tình hình xâm nhập mặn hiện nay trên địa bàn tỉnh sâu hơn, sớm hơn, độ mặn cao hơn dự báo, nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh trước nguy cơ thiếu hụt. Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với các địa phương theo dõi sát tình hình xâm nhập mặn, xây dựng kế hoạch chi tiết phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn với các kịch bản bất lợi về nguồn nước có khả năng xảy ra để kịp thời triển khai những giải pháp phù hợp, đảm bảo đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất, ứng phó hiệu quả với hạn mặn, giảm đến mức tối thiểu thiệt hại sản xuất.


Đến thời điểm này, các đơn vị, địa phương trong vùng ảnh hưởng mặn đã triển khai gia cố, đắp 180 đập ngăn mặn, với tổng kinh phí hơn 35,8 tỷ đồng để bảo vệ lúa Đông Xuân 2019 - 2020, vườn cây ăn trái, vùng trồng hoa màu và đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân. Các địa phương mở lớp truyền thông cho nhân dân nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu và nước biển dâng, các giải pháp ứng phó hạn mặn. Tập huấn cho nhân dân về kiểm soát mặn, sử dụng nguồn nước một cách khoa học, tiết kiệm, hợp lý để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nước sinh hoạt cho nhân dân trong mùa khô hạn an toàn.


Theo Đài Khí tượng - Thủy văn Kiên Giang, hiện tượng ENSO ở pha trung tính nhưng vẫn nghiêng về pha nóng từ đầu tháng 2 đến tháng 6/2020 với xác suất trên 50%; tổng lượng mưa tháng phổ biến xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 10 - 20%.


Cùng với đó, mực nước cao nhất đầu nguồn sông Cửu Long tại trạm Châu Đốc (An Giang) ở mức xấp xỉ cùng kỳ năm 2019 và thấp hơn cùng kỳ năm 2016 là 0,04 m. Hiện nay, thủy điện Trung Quốc vẫn xả thấp, dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về đồng bằng sông Cửu Long rất hạn chế, nguy cơ hạn mặn cao là rất lớn. Trên sông Cái Lớn của tỉnh Kiên Giang mặn biến đổi nhanh, tính từ của biển xâm nhập sâu khoảng 55 - 58 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 4 - 7 km và tình hình xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp, khó lường./.

Lê Huy Hải

Số lần đọc: 2260
Website Kiên Giang
Tin liên quan