Tin nóng
29.10.2013
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua nhiều hộ nông dân ở xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất rất chú trọng đến mô hình trồng khoai lang trong mùa lũ.
 

Phân loại khoai lang sau thu hoạch
 
Trong đó, mô hình Tổ hợp tác trồng màu xã Mỹ Thái là một điển hình. Bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Những năm trước đây, người dân chủ yếu trồng khoai vào mùa hạn và theo hình thức nhỏ lẻ. Do vậy, đến mùa thu hoạch thường khó tiêu thụ và mất giá. Trăn trở về tình trạng này, anh Nguyễn Văn Cường đã đứng ra vận động những hộ dân có đất liền kề vào Tổ hợp tác. Ngay những ngày đầu thành lập, Tổ hợp tác chỉ có 7 thành viên nhưng đến nay số lượng đã tăng lên 12 người, với diện tích hơn 230ha. Để sản xuất đạt hiệu quả, các tổ viên đã góp vốn xây dựng bờ bao vững chắc, nhằm chủ động trong khâu bơm tưới và ngăn lũ. Bên cạnh đó, các ngành chuyên môn thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn và chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng khoai. Theo đó, Tổ hợp tác đã bàn bạc và chia lịch xuống giống làm nhiều giai đoạn khác nhau nhưng tập trung tăng diện tích vào thời điểm lũ về.

Nhận thấy trồng khoai lang trái vụ đạt hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ dân ở xã Mỹ Thái cũng học hỏi làm theo. Khoai lang Mỹ Thái hiện đã có thương hiệu trên thị trường, cho nên, dù thu hoạch quanh năm nhưng người dân không phải đi tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhằm để tăng thêm lợi nhuận, Tổ hợp tác đã trồng thử nghiệm giống khoai Tím (Nhật). Đây là loại khoai tuy hơi khó trồng nhưng giá trị sản phẩm gấp mấy lần giống khoai truyền thống ở địa phương. Tính đến thời điểm này, các tổ viên trong Tổ hợp tác đã tiến hành thu hoạch được khoảng 60% diện tích, năng suất bình quân đạt hơn 40 tạ/công, bán với giá 375.000 đồng/tạ. Như vậy, trừ các khoản chi phí còn lãi 150 triệu đồng/ha.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, Tổ hợp tác trồng màu xã Mỹ Thái còn giải quyết việc làm cho hơn 150 thanh niên và tạo ra khoảng 30.000 ngày công lao động thường xuyên cho bà con trong vùng, nhất là vào thời gian nhàn rỗi. Bà Nguyễn Thị Sáu, ấp Mỹ Thái, xã Mỹ Thái, hụyên Hòn Đất tâm sự, nhờ có Tổ hợp tác trồng khoai lang trái vụ mà bà con nông dân có việc làm trong mùa lũ và kiếm thêm thu nhập mỗi ngày từ 80 – 150.000 đồng, tùy theo mức độ công việc.

Mỹ Thái là một xã thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Hòn Đất và mới được chia tách. Thu nhập chính của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, việc triển khai, thực hiện mô hình Tổ hợp tác trồng khoai lang trái vụ sẽ tạo tiền đề phát triển kinh tế ở địa phương. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất cho biết thêm, việc thành lập Tổ hợp tác trồng khoai lang đã phát huy được hiệu quả đáng kể. Ngoài thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nó còn góp phần rất lớn trong việc xây dựng xã nông thôn mới. Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương theo Nghị quyết Đại hội Đảng ủy xã.

Hiện nay, các tổ viên trong Tổ hợp tác trồng khoai lang trái vụ ở xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất đang rất vui mừng và phấn khởi. Bởi, vụ khoai này hầu hết bà con đều trúng mùa, được giá. Đây thực sự là tiền đề nhằm mở ra hướng làm ăn mới cho người nông dân. Đồng thời, giải quyết được một số lượng lao động đáng kể tại địa phương. Tuy nhiên, để mô hình này phát triển theo hướng bền vững rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành chuyên môn trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và chọn lựa giống khoai đạt năng suất, chất lượng nhằm giúp nông dân tăng cao thu nhập trên cùng một diện tích canh tác./.

Ngọc Tân

 
Số lần đọc: 1839
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan