Tin nóng
26.03.2018
Trong 3 ngày 15, 16 và 17-3, đồng chí Phan Xuân Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội làm trưởng đoàn đã đến khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đo đạc và bản đồ tại huyện Phú Quốc và liên quan đến đề án thành lập huyện đảo Thổ Châu.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng
tặng tivi cho Đồn Biên phòng Thổ Châu

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh, đến nay theo phân cấp, Kiên Giang đã được Trung ương đầu tư và giao quản lý sử dụng hệ thống bản đồ địa hình, cơ sở dữ liệu nền địa lý và mô hình số độ cao đối với phần đất liền tỷ lệ 1:5.000 phủ trùm toàn tỉnh và tỷ lệ 1:2.000 cho TX. Hà Tiên và TP. Rạch Giá. Tỉnh đã và đang đầu tư đo đạc thành lập bản đồ địa chính và xây dựng cơ sở dũ liệu đất đai cho 8 đơn vị hành chính cấp huyện. Các huyện còn lại sẽ được triển khai lập thiết kế kỹ thuật, đo đạc thành lập bản đồ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và tổ chức thực hiện từ năm 2019 đến năm 2020. Hệ thống mốc đo đạc cơ sở được Bộ Tài nguyên và Môi trường đầu tư xây dựng, giao quản lý, khai thác và sử dụng năm 2004 cho tỉnh Kiên Giang, với tổng số 264 mốc; đến nay còn sử dụng được 172 mốc, 94 mốc bị hư hỏng, mất không tìm thấy. 


    Đối với việc điều chỉnh địa giới hành chính xã Thổ Châu để thành lập huyện, theo Ủy ban nhân dân tỉnh, phương án thành lập huyện Thổ Châu thuộc tỉnh Kiên Giang trên cơ sở toàn bộ, diện tích, dân số xã đảo Thổ Châu thuộc huyện Phú Quốc, bao gồm diện tích tự nhiên là 1.395,16ha, dân số 621 hộ với 1.909 nhân khẩu và có 8 hòn đảo cùng một số đảo đá ngầm khác. Xã đảo Thổ Châu có vùng biển tiếp giáp với vùng lãnh hải quốc tế đi qua, đồng thời có vùng nước lịch sử giáp Vương quốc Campuchia và Thái Lan, có vị trí chiến lược trong bảo vệ quốc phòng, an ninh. Việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính huyện Phú Quốc để thành lập huyện Thổ Châu là sự cần thiết nhằm tạo lập đơn vị hành chính cấp huyện ở vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, đẩy nhanh phát triển kinh tế biển đảo gắn liền với du lịch sinh thái, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và chính quyền trong giải quyết thủ tục hành chính, tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trên đảo. Trong đề án thành lập khu hành chính kinh tế đặc biệt Phú Quốc trình Bộ Chính trị là không có xã đảo Thổ Châu, do vậy để đảm bảo về mặt pháp lý của xã đảo Thổ Châu đối với cả nước, khu vực và quốc tế phải thành lập huyện Thổ Châu là điều tất yếu và cần thiết trực thuộc tỉnh Kiên Giang. 


     Tại buổi làm việc, đồng chí Phan Xuân Dũng cho rằng, Phú Quốc đã có nhiều thay đổi vượt bậc, nhanh chóng và có nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa; muốn vậy, cần phải có chiến lược, tầm nhìn, quy hoạch, đầu tư... thật tốt. Về việc thành lập huyện Thổ Châu, đồng chí đề nghị, Vụ Pháp luật Văn phòng Quốc hội cần sớm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để kịp thời tham mưu, trình kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới để thông qua việc thành lập huyện Thổ Châu trước thời điểm tháng 5 diễn ra kỳ họp Quốc hội, dự kiến thông qua đề án thành lập khu hành chính kinh tế đặc biệt Phú Quốc mà không có Thổ Châu. Đồng chí cũng cho biết, sau chuyến khảo sát sẽ có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có nội dung thành lập huyện Thổ Châu và khi họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí cũng sẽ có ý kiến về vấn đề này để đẩy nhanh tiến độ thành lập huyện Thổ Châu. 


     Trước đó, đoàn đã dành 2 ngày 15 và 16-3 để đến khảo sát điểm cơ sở A1 theo tuyên bố của Chính phủ về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải trên vùng biển Việt Nam thuộc hòn Nhạn (xã Thổ Châu), khảo sát về đo đạc và bản đồ tại xã Gành Dầu (Phú Quốc)…/.

Tin và ảnh: Tây Hồ

Số lần đọc: 1889
Website Kiên Giang
Tin liên quan