Tin nóng
10.10.2017
Sáng ngày 28/9/2017, ông Mai Anh Nhịn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh phối hợp với Vụ Khoa học Giáo dục Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô hỗ trợ tăng trưởng xanh của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Giao ông Võ Văn Trà - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phó Trưởng ban thường trực, Ban Điều phối thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tỉnh Kiên Giang (Quyết định số 2801/QĐ-UBND ngày 12/12/2015) chủ trì Hội thảo. Đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan cùng tham dự.
Toàn cảnh Hội thảo

Tăng trưởng xanh là quá trình thúc đẩy, tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên. Nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ, vốn tự nhiên, các công cụ kinh tế. Từ đó, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.
Theo dự thảo Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh: Trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Kiên Giang, mặc dù không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra nhưng vẫn giữ được ở mức là: 10,35%/năm (chỉ tiêu kế hoạch đề ra: 13%/năm). Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng: 5,9%/năm, công nghiệp - xây dựng (CN - XD) tăng: 9,12%/năm và dịch vụ tăng mạnh nhất, đạt: 17,67%/năm; tổng sản phẩm địa phương, bình quân đầu người tăng ở mức khá, đạt: 2.490 USD, gấp: 1,85 lần so với năm 2010; cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông - lâm - thủy sản từ: 42,57% năm 2010, còn: 38,26% năm 2015. Tăng tỷ trọng CN - XD từ: 24,39% lên: 26,23%. Khu vực dịch vụ cũng tăng từ: 33,04% lên: 35,52%; năng suất lao động của tỉnh tăng nhanh từ: 46,7 triệu đồng/lao động năm 2010 lên khoảng: 84 triệu đồng năm 2015. Lao động trong lĩnh vực nông - lâm  - ngư nghiệp luôn có năng suất thấp nhất, chỉ bằng khoảng: 38% năng suất lao động khu vực CN - XD và bằng: 61% khu vực dịch vụ. Đây là điểm hạn chế lớn, bởi khu vực nông nghiệp hiện còn chiếm đến: 51,4% tổng lực lượng lao động đang làm việc của tỉnh; một mặt, tăng trưởng kinh tế của tỉnh góp phần ổn định đồi sống xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện cơ sở hạ tầng, cảnh quan môi trường địa phương. Song mặt khác, sự gia tăng các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng làm phát sinh chất thải, gây ô nhiễm và suy thoái môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và đời sống con người.
Về tài nguyên khoáng sản: Kiên Giang hiện có: 23 loại khoáng sản đã được ghi nhận, có: 237 mỏ và biểu hiện khoáng sản đã được đăng ký. Trong đó, có: 206 mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng và than bùn. Các loại khoáng sản quan trọng nhất gồm: Đá vôi xi măng, đá vôi hóa chất dolomit, đá xây dựng granit, cát thủy tinh, cát xây dựng, sét gạch ngói,…Trong đó, có: 07 loại khoáng sản chính, có tổng trữ lượng khoảng: 1.199,73 triệu tấn. Xét từ gốc độ mục đích sử dụng, có thể chia các loại khoáng sản này thành 03 nhóm chính: Khoáng sản làm nguyên liệu phân bón; khoáng sản làm vật liệu xây dựng và khoáng sản làm nguyên liệu xi măng.
Mặc dù đã đi đúng hướng, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh vẫn còn chậm, trong đó khu vực CN - XD và khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng chưa cao, chưa tạo được đột phá để đóng vai trò quyết định đối với nền kinh tế của tỉnh. Khu vực nông nghiệp tăng trưởng còn thiếu ổn định do còn phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố thời tiết, thiên tai và dịch bệnh. Sự gia tăng các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng làm phát sinh chất thải, gây ô nhiễm và suy thoái môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và đời sống con người./.

Thiên Đăng

Số lần đọc: 1796
Theo Website Kien Giang
Tin liên quan