Tin nóng
21.12.2015
Qua 10 năm thực hiện Chương trình 135 (1999-2010) tỉnh đã tập trung đầu tư bằng các nguồn vốn của Trung ương và địa phương để thực hiện các dự án, nhất là về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tổng vốn kinh phí là 168 tỷ 903 triệu đồng, trong đó Trung ương là 56 tỷ 723 triệu đồng; vốn ngân sách địa phương là 112 tỷ 180 triệu đồng. Riêng thực hiện Chương trình giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã bố trí để thực hiện dự án phát triển sản xuất là 9,94 tỷ đồng cho 1.328 hộ; xây dựng cơ sở hạ tầng 57,2 tỷ đồng cho 191 công trình. Có 30/39 xã thoát khỏi diện đầu tư theo Chương trình 135.
Làm đường giao thông nông thôn theo Chương trình 135

Chương trình 135 là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Chương trình đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn, phát huy nguồn lực của người dân. Kết quả đã đầu tư xây dựng được 622 công trình cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 135 và 17 công trình của 5 cụm trung tâm xã. Hầu hết các công trình này đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đời sống của đồng bào các dân tộc được phát triển nâng lên, trình độ dân trí được nâng lên, tập quán kỹ thuật sản xuất có sự chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa.

Những nguyên tắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình như: “Ý Đảng, lòng dân”, tính công khai, minh bạch: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, “xã có công trình, dân có việc làm và tăng thu nhập”, phân cấp giao quyền cho địa phương “xã làm chủ đầu tư” thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng và người dân, góp phần rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, là điều kiện quan trọng để các xã đặc biệt khó khăn nâng dần kinh tế-xã hội, từng bước hoàn thành các tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tạo điều kiện thu hẹp khoảng cách giữa vùng dân tộc và miền núi với các vùng khác. Giai đoạn 2011-2015, các địa phương thực hiện Chương trình đã thành lập được 24 câu lạc bộ khuyến nông, xây dựng được 32 mô hình sản xuất, hỗ trợ mua 9 máy phục vụ sản xuất, mở trên 30 lớp tập huấn hướng dẫn khoa học-kỹ thuật và cung cấp vật tư, cây giống cho các câu lạc bộ, đồng thời hỗ trợ phổ biến mở rộng sản xuất cho các câu lạc bộ; hỗ trợ 58 con bò, 20 con heo giống, 3 ha khoai lang, 41,5 ha lúa, 24 điểm trồng hoa màu, 2.300 cây con, 30 tấn phân bón,… Từ đó, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 37,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 85,78%, hộ có điện sử dụng đạt 98%. Hộ nghèo trong đồng bào dân tộc giảm mạnh, bình quân mỗi năm giảm từ 2-3% hộ nghèo (năm 2001 là 25% đến năm 2010 còn lại 18,53%, hiện nay còn 7,41%.)

Nhiều địa phương đã thực hiện Chương trình có hiệu quả theo nguyên tắc công khai, dân chủ, kết hợp với công tác tuyên truyền trong quản lý thực hiện, Chương trình đã thu hút được sự tham gia sâu rộng của người dân trong quá trình lập kế hoạch, ra quyết định, thực hiện và giám sát. Chương trình có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ban, ngành cấp tỉnh với Ủy ban nhân dân huyện, xã trong quản lý, chỉ đạo thực hiện chương trình. Qua thực hiện Chương trình, trình độ, năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ huyện, xã, ấp được nâng lên một bước, thông qua việc đào tạo, tập huấn, trực tiếp quản lý, triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình. Nhận thức của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế hộ gia đình vươn lên thoát nghèo. Chương trình đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, phát triển giáo dục, y tế, nâng cao đời sống nhân dân… nên đã tạo được niềm tin của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở những xã này./.

Quốc Tuấn

Số lần đọc: 3796
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan