Tin nóng
28.06.2017
Thủy sản là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh Kiên Giang. Trong đó, khai thác thủy sản biển của tỉnh thời gian qua gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ biển đảo, chủ quyền quốc gia.
Đóng mới tàu cá tại xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành (Kiên Giang)

Vươn ra đánh bắt xa bờ
Kiên Giang là tỉnh ven biển nằm phía Tây Nam Tổ quốc thuộc Đồng bằng sông Cửu Long có biên giới biển và biên giới bộ. Biên giới biển tiếp giáp Malaysia, Thái Lan và Campuchia, thuận lợi cho việc giao thương với các nước trong khu vực Đông Nam Á bằng đường biển. Vùng biển Kiên Giang thuộc một phần của Vịnh Thái Lan rộng 63.290 km², bờ biển dài trên 200 km, với hơn 140 hòn và đảo, trong đó 43 đảo có dân cư sinh sống, đảo lớn nhất là Phú Quốc diện tích 567 km². Nguồn lợi thủy sản biển Kiên Giang phong phú, đa dạng với nhiều loài cá biển, mực, những loài giáp xác và nhuyễn thể… đặc biệt là sự xuất hiện của một số loài động vật biển quý hiếm như: bò biển, rùa biển, cá heo… Ngoài ra, với các hệ sinh thái biển đặc trưng như rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và rạn san hô, vùng biển Kiên Giang được xếp vào khu vực có tính đa dạng sinh học cao, là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước.
Do được thiên nhiên ưu đãi, điều kiện tự nhiên thuận lợi nên Kiên Giang là một trong những tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh nghề khai thác thủy sản biển. Hiện nay, tỉnh có đoàn tàu cá hơn 10.250 chiếc với tổng công suất trên 2,2 triệu mã lực và khoảng 300 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, đóng mới tàu cá công suất lớn, khai thác xa bờ ở Kiên Giang trong xu thế phát triển khá mạnh, đặc biệt là tàu công suất từ 400 mã lực trở lên, từ 320 chiếc năm 2006 tăng lên gần 2.500 chiếc năm 2016 và ngư dân đang tiếp tục đầu tư đóng mới loại phương tiện này, vừa tăng khả năng vươn ra đánh bắt xa bờ, vừa góp phần bảo vệ vùng biển đảo, chủ quyền quốc gia. Sản lượng khai thác hải sản của tỉnh liên tục tăng, từ 311.618 tấn năm 2006 tăng lên 520.000 tấn năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 là 268.720 tấn, đạt 50% kế hoạch năm.
Từ trước năm 1990, tỉnh Kiên Giang đã ban hành quy định về quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển. Sau khi có Luật Thủy sản và thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, tỉnh đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung những quy định này cho phù hợp với thực tế hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại địa phương. Xây dựng, tổ chức thực hiện nhiều quy hoạch, kế hoạch khai thác thủy sản biển trong phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Hiện, tỉnh đang triển khai thực hiện đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản và chương trình bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020; xây dựng Trung tâm nghề cá lớn tỉnh Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam bộ.
Cùng với đó, tỉnh triển khai thực hiện các Quyết định, Nghị định của Chính phủ về khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức và cá nhân phát triển khai thác xa bờ. Hiện nay, hầu hết các tàu cá của tỉnh Kiên Giang đều trang bị các thiết bị thông tin liên lạc thu phát thoại vô tuyến điện sóng (VHF - HF). Những tàu cá 90 mã lực trở lên trang bị đầy đủ máy định vị vệ tinh (GPS), máy đo sâu dò cá, máy thông tin liên lạc vô tuyến điện tầm xa. Nhiều chủ phương tiện tàu cá công suất lớn còn trang bị thêm hệ thống nhận dạng tự động AIS, hầm bảo quản sản phẩm gắn thiết bị lạnh, lọc nước biển thành nước ngọt sử dụng trên tàu cá. Tỉnh phê duyệt đóng mới, nâng cấp 75 tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ, tổng vốn đầu tư hơn 671 tỷ đồng, đến nay hạ thủy đưa vào hoạt động khai thác 21 tàu.
Để phối hợp hỗ trợ và thông tin cho nhau trong hoạt động khai thác trên biển, tỉnh đã thành lập gần 200 tổ, đội hợp tác sản xuất trên ngư trường với 2.360 phương tiện và hàng chục ngàn lao động tham gia. Tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển; tổ chức huấn luyện, diễn tập huy động nhân lực, tàu thuyền.
Tiếp đến, các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang phối hợp với các địa phương có biển, hội nghề cá đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động ngư dân chấp hành đúng quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển; không vi phạm việc khai thác, đánh bắt vùng biển nước ngoài. Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá, cảng cá và bến cá đáp ứng nhu cầu phát triển nghề cá gắn với đảm an ninh - quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tỉnh Kiên Giang hợp tác với Campuchia và Thái Lan để quản lý và khai thác nguồn lợi thủy sản, nhất là các loài di cư xuyên biên giới như: cá cơm, cá ba thú, ghẹ xanh… với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA), Trung tâm phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEADEC). Tỉnh phối hợp với các tổ chức quốc tế và trong nước cải thiện một số nghề khai thác chính như nghề lưới kéo, nghề khai thác cá cơm và ghẹ xanh. Phối hợp với Vụ Thủy sản và Vụ Hợp tác quốc tế của Thái Lan thực hiện dự án thí điểm thả rạn nhân tạo vùng biển Kiên Giang do Chính phủ Thái Lan tài trợ. Ngoài ra, tỉnh hợp tác với Nhật thực hiện các dự án phát triển đội tàu cá công nghệ cao, phát triển hệ thống cảng cá, phát triển khu chợ cá quy mô hiện đại và một số hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng thủy sản.
Phát triển toàn diện kinh tế thủy sản biển
Từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp sau, tỉnh Kiên Giang xây dựng và phát triển toàn diện kinh tế thủy sản biển với khai thác hải sản xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá và hạ tầng thủy sản; bảo vệ nguồn lợi thủy sản và vùng biển, đảo kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên tuyến biển. Năng lực khai thác hải sản sắp xếp phù hợp với từng loại nghề, từng ngư trường và kiểm soát được hoạt động khai thác trên từng vùng biển, hướng đến phát triển ngành công nghiệp khai thác hải sản hiện đại, có trách nhiệm và bền vững.
Kiên Giang giảm dần số lượng tàu cá đến năm 2020 còn khoảng 10.000 chiếc, tổng công suất 2,15 triệu mã lực, công suất bình quân 215 mã lực/tàu cá. Trong đó, khai thác xa bờ từ 6.000 tàu trở lên và gần bờ dưới 4.000 tàu. Sản lượng khai thác ổn định ở mức 500.000 tấn, trong đó khai thác xa bờ chiếm 65%, nâng lên tỷ lệ sản phẩm hải sản có giá trị kinh tế cao, giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10%; giảm sản lượng khai thác gần bờ còn 150.000 tấn năm 2020.
Tỉnh chuyển đổi cơ cấu nghề theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ, hạn chế khai thác ven bờ, phát triển những nghề có tính chọn lọc cao, nghiêm cấm những nghề mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Xây dựng, phát triển các mô hình tổ chức sản xuất như: hợp tác xã, tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển; mô hình liên kết giữa ngư dân với tổ chức, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ hải sản. Xây dựng mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái biển. Cải tiến ngư cụ khai thác hải sản theo hướng thân thiện với môi trường và tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Với đoàn tàu cá, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển tàu công suất lớn vươn khơi xa, giảm dần tàu công suất nhỏ đánh bắt ven bờ. Thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ ngư dân đầu tư khai thác thủy sản trên các vùng biển xa bờ. Chuyển đổi ngành nghề, phương thức đánh bắt để nâng cao chất lượng khai thác đánh bắt và bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đẩy mạnh phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với tiêu thụ sản phẩm trên ngư trường. Quản lý, khai thác tài nguyên biển đảo một cách bền vững, giữ gìn, bảo vệ môi trường biển. Tăng cường quốc phòng - an ninh gắn với phát triển kinh tế thủy sản biển, nhất là chú trọng vùng ven biển, hải đảo, nâng cao đời sống nhân dân.

Cùng với đó, tỉnh Kiên Giang rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 gồm 13 khu ở các huyện Hòn Đất, Châu Thành, An Minh, Kiên Lương, Kiên Hải, Phú Quốc, thị xã Hà Tiên và thành phố Rạch Giá. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng phục vụ phát triển nghề cá.
Ngoài ra, tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá sớm đầu tư hoàn thiện đưa vào sử dụng kết hợp với neo đậu tránh, trú bão 23 cảng cá, bến cá tại các địa phương như: Châu Thành, Phú Quốc, Kiên Hải, Kiên Lương, Hòn Đất, An Minh, An Biên và thị xã Hà Tiên.
Quy hoạch các khu bảo tồn nguồn lợi thủy sản để bảo vệ các hệ sinh thái, các loài thủy sinh vật biển có giá trị kinh tế và khoa học. Đánh giá trữ lượng cá cơm vùng biển Phú Quốc để có phương án khai thác hợp lý và bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản này.
Tỉnh tăng cường công tác đối ngoại, mở rộng và đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế về biển để tranh thủ vốn, tiềm lực khoa học, công nghệ; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước phát triển kinh tế thủy sản biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế biển đảo, xây dựng các tổ, đội dân quân tự vệ trong hoạt động đánh bắt và tự vệ biển, nhằm bảo đảm vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo. Xây dựng lực lượng quản lý và bảo vệ biển đảo chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và đủ mạnh để bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh trên biển đảo.
Tỉnh Kiên Giang kiến nghị Trung ương hỗ trợ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các đảo có dân sinh sống, đặc biệt là đảo Thổ Chu có vị trí rất quan trọng, là đảo tiền tiêu của Tổ quốc và sớm thành lập huyện đảo Thổ Châu. Qua đó, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đảo gắn với củng cố quốc phòng - an ninh trên các đảo; đưa dân ra ở, sản xuất trên các đảo có điều kiện sinh sống, ổn định và phát triển.
Cùng với đó, hỗ trợ tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tránh, trú bão cho tàu cá, cảng cá, bến cá ở Phú Quốc, Kiên Hải, Thổ Châu và Trung tâm nghề cá lớn tỉnh Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam bộ. Trang bị phương tiện cứu hộ, cứu nạn trên biển; phương tiện tuần tra xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên vùng biển Kiên Giang./.

Lê Huy Hải

Số lần đọc: 1941
Website Kiên Giang
Tin liên quan