Tin nóng
21.04.2015
Ngày 15/4, tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Đại sứ quán Úc, Quỹ Bảo vệ Môi trường (EDF), Viện nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (MDI), Đại học Cần Thơ, UBND 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang phối hợp tổ chức hội thảo, tổng kết dự án canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính. Đồng chí Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang và Đại diện Đại sứ quán Úc, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, nhiều nhà khoa học nông nghiệp đến từ các viện, trường, tổ chức quốc tế và 13 Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tham dự.
Quang cảnh buổi hội thảo

Được tài trợ của Chính phủ Úc - Chương trình hỗ trợ cộng đồng thích ứng và giảm thiểu rủi ro biến đổi khí hậu, EDF, MDI, Đại học Cần Thơ, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang phối hợp thực hiện Dự án thí điểm canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính có sự tham gia của cộng đồng (VLCRP) giai đoạn 2012 - 2014. Dự án đã xây dựng năng lực cho hệ thống cán bộ của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Trung tâm khuyến nông và hỗ trợ cộng đồng với hơn 500 hộ nông dân canh tác trên quy mô 540 ha/vụ, với tổng số 11 vụ ở 2 Hợp tác xã Phú Thượng, huyện Phú Tân (An Giang) và Kênh 7 B, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang).

Thạc sĩ Trần Thu Hà, Giám đốc dự án VLCRP, EDF cho biết: Kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính được xây dựng và phát triển trên nền tảng của kỹ thuật “1 phải - 5 giảm” kết hợp với những biện pháp quản lý nước khô, ướt xen kẽ và bón phân “4 đúng”, tạo ra các đồng lợi ích về bảo vệ môi trường, hiệu quả sản xuất lúa. Trên cơ sở đó, quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính do dự án VLCRP triển khai được gọi là quy trình kỹ thuật “1 phải - 6 giảm” (1 phải là giống xác nhận; 6 giảm gồm: giảm giống, giảm thuốc, giảm phân, giảm nước, giảm thất thoát, giảm khí phát thải). Qua ứng dụng quy trình kỹ thuật này, mô hình canh tác của dự án triển khai ở Phú Tân (An Giang) và Tân Hiệp (Kiên Giang) đã đem lại ba nhóm lợi ích chính gồm: phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế ngành trồng lúa, góp phần bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên; ứng phó biến đổi khí hậu qua việc cắt giảm được lượng khí phát thải nhà kính; các vấn đề liên quan đến phát triển xã hội. Cụ thể là tăng thu nhập cho nông dân 5 - 10% thông qua việc giảm chi phí sản xuất: giảm mật độ gieo sạ 40 - 50%, giảm chi phí phân bón 15 - 30%, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật 30 - 40%, giảm lượng và chi phí cung cấp nước 40 - 50%, theo đó giảm chi phí công lao động 20%. Trung bình, năng suất lúa tăng từ 10% trở lên và lợi nhuận ròng tăng 10 - 15%/ha so với canh tác lúa truyền thống của nông dân. Ngoài ra, còn có những lợi ích khác về an toàn thực phẩm, tạo ra dòng sản phẩm gạo sạch, thân thiện môi trường và vùng nguyên liệu chất lượng cao, ổn định cho chế biến xuất khẩu; tăng hiệu quả kinh tế và sinh kế cho nông dân; hướng đến hiện đại hóa nền nông nghiệp canh tác lúa.

Thành công của dự án VLCRP, bắt đầu từ vụ Đông Xuân 2015, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang đã mở rộng vùng địa bàn dự án ứng dụng quy trình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính trên 1.000 ha/vụ trong chương trình cánh đồng mẫu lớn của tỉnh và nhân rộng ra các xã của huyện Phú Tân và Tân Hiệp.

Đồng bằng sông Cửu Long là nơi sản xuất lúa gạo chiếm 55% tổng sản lượng lúa gạo cả nước và 90% lượng gạo xuất khẩu hàng năm. Vùng này đã và đang đóng vai trò quan trọng cho an ninh lương thực quốc gia, giải quyết việc làm và đời sống của hơn 1,14 triệu hộ trồng lúa ở đây. Đồng bằng sông Cửu Long còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới, với việc hàng năm cung ứng gần 20% lượng gạo thương mại toàn cầu. Thạc sĩ Chu Văn Chuông, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Mô hình của dự án VLCRP đã mang lại các kết quả, hiệu quả hết sức thiết thực trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và an ninh nguồn nước. Kết quả này rất quan trọng, đóng góp chủ trương của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về tái cơ cấu ngành hàng lúa - gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững hơn, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh lúa - gạo, cải thiện đời sống bà con nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm tác hại môi trường, tiết kiệm nguồn nước đang ngày càng khan hiếm của vùng.

Phát biểu tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đánh giá kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính là một kỹ thuật tiến bộ đã và đang mang lại những hiệu quả chiến lược về phát triển kinh tế và giảm nghèo cho nông dân trồng lúa, đóng góp tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam, đem lại đồng lợi ích về môi trường qua cắt giảm khí phát thải và giảm thiểu tác động môi trường đất trồng lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện dự án VLCRP nổi lên những khó khăn, bất cập như: bất lợi của thời tiết, vật tư nông nghiệp đầu vào không ổn định về giá và chất lượng, hạ tầng bơm tưới tiêu chưa đồng nhất, mặt ruộng không bằng phẳng, trình độ nông dân hạn chế gây khó khăn cho việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác lúa trên đồng ruộng…./.

Lê Huy Hải

Số lần đọc: 1825
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan