18.12.2015
Qua 5 năm thực hiện Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 30/11/2010 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2011-2015, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của lạm phát, suy giảm kinh tế, dịch bệnh,... nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp và sự chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã thực hiện đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức khá cao so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,35%/năm.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông- lâm- thủy sản giảm từ 42,57% năm 2010 còn 35,14% năm 2015, dịch vụ tăng từ 33,04% lên 40,44%, công nghiệp-xây dựng giữ ở mức 24,42%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.490 USD, gấp 1,75 lần so năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,84% năm 2010 xuống còn 2,73% vào năm 2015. Sản lượng lúa qua các năm đều tăng, năm 2015 sản lượng lúa đạt 4,640 triệu tấn, vượt kế hoạch 1,1 triệu tấn, tỷ lệ lúa chất lượng cao chiếm 70% sản lượng diện tích gieo trồng. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả bước đầu, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Tổng vốn đã triển khai thực hiện 17.023 tỷ đồng, trong đó vốn huy động 7.326 tỷ đồng. Đến nay, có 18 xã và huyện Tân Hiệp đạt tiêu chí nông thôn mới. Kinh tế biển có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng đạt 11,14%/năm, chiếm tỷ trọng 73,3% trong tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản năm 2015 đạt 677.247 tấn, và tăng 43,07% so năm 2010, trong đó tôm nuôi đạt 52.210 tấn. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 145.372 tỷ đồng, riêng năm 2015 tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 40.517 tỷ đồng, vượt 17,1% kế hoạch và tăng 27,16% so với cùng kỳ. Các loại hình doanh nghiệp, kinh tế tập thể tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các ngành nghề, lĩnh vực. Thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp đúng lộ trình. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 5 năm đạt 9,12%; tỷ lệ hộ sử dụng điện 98%. Đầu tư vào khu công nghiệp Thạnh Lộc có bước chuyển động tích cực, một số nhà máy đã đi vào hoạt động như: Bia Sài Gòn, Gạch không nung, Vinatex, qua đó đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2015 đạt 64.467 tỷ đồng, tăng 2,25 lần so năm 2010, tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 17,67%/năm, vượt gần 4% kế hoạch. Tổng lượt khách du lịch 4.364.988 lượt, tăng trưởng bình quân 8,58%/năm, riêng khách quốc tế đến Phú Quốc 220.980 lượt, tăng bình quân 21,8%/năm; doanh thu du lịch lữ hành đạt 158,43 tỷ đồng, tăng bình quân 27%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 400,81 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu 60 triệu USD. Tổng thu ngân sách năm 2015 đạt 6.720 tỷ đồng, vượt 22% so dự toán và tăng 34,46% so cùng kỳ 2014. Tổng chi ngân sách thực hiện 11.934 tỷ đồng, vượt 15,76% so kế hoạch, trong đó: Chi đầu tư phát triển chiếm 23,0%.
Tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%. Tổng nguồn vốn hoạt động đạt 50.850 tỷ đồng, tăng 95,35% năm 2010, mức tăng trưởng bình quân hàng năm 14,3%/năm, trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương tăng 2,5 lần. Tổng doanh số tăng 2,1 lần; dư nợ cho vay tăng 1,8 lần so năm 2010. Thực hiện các khâu đột phá chiến lược đạt một số kết quả tích cực, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, như: Cầu sông Cái Lớn, Cái Bé, Cầu đường 3/2, Cầu An Hòa 2, Cầu Rạch Sỏi, Cầu Lạc Hồng, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc tại Dương Tơ; nâng cấp và mở rộng tuyến Quốc lộ 61 (đoạn Cái Tư- Gò Quao), Quốc lộ 63; hệ thống đường trục, đường vòng quanh đảo và các tuyến đường nhánh trên đảo Phú Quốc..., tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đến năm 2015 đầu tư đường giao thông nông thôn các xã trong đất liền nhựa hóa đạt 100%, đường ấp-liên ấp nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt 60%. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm và có nhiều tiến bộ, chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công được quan tâm thực hiện khá tốt. Công tác tiếp dân và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân, cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm chống lãng phí và phòng chống tham nhũng được quan tâm thực hiện. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững, ổn định, hoạt động đối ngoại được mở rộng, hiệu quả được nâng lên. Đối chiếu với các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2011-2015, có 4 chỉ tiêu vượt, 11 chỉ tiêu đạt, 02 chỉ tiêu xấp xỉ đạt, 10 chỉ tiêu không đạt. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, hạn chế đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt kế hoạch, chưa bền vững và tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch còn chậm, tỷ trọng khu vực nông lâm thủy sản còn khá cao. Một số chỉ tiêu quan trọng như: nuôi tôm công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, xây dựng nông thôn mới, đầu tư khai thác, phát triển các tiềm năng, lợi thế về du lịch, công nghiệp chế biến, kinh tế biển chưa tương xứng; thu hút nhà đầu tư lớn và đầu tư nước ngoài còn hạn chế; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã tác động, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân; một số nơi môi trường sinh thái bị xâm hại, ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Đời sống một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn; chất lượng nguồn nhân lực chuyển biến chưa nhiều; một số hạn chế, yếu kém ở lĩnh vực khoa học và công nghệ, văn hóa, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường chậm khắc phục. Tình hình an ninh biên giới, biển đảo, tội phạm, và tranh chấp khiếu kiện từng lúc còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội. Để thực hiện mục tiêu trưởng kinh tế bình quân đạt 8,5%/năm trở lên giai đoạn 2016-2020, phấn đấu đến năm 2020 cơ cấu kinh tế: Nông- lâm- thủy sản chiếm 36,3%, công nghiệp-xây dựng 23,4%, dịch vụ 40,3%; GDP bình quân đầu người 3.000 USD trở lên (theo giá hiện hành), cần quan tâm tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp chủ yếu sau: Tập trung khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng thế mạnh, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới. Triển khai thực hiện tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với nâng cao giá trị; gắn sản xuất với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị. Hình thành vùng sản xuất lúa quy mô tập trung, chuyên canh chất lượng cao theo mô hình cánh đồng lớn. Đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung công nghiệp, an toàn sinh học; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Phấn đấu tổng sản lượng lương thực đạt 5 triệu tấn trở lên. Khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết giữa hộ gia đình với các tổ chức kinh tế hợp tác, doanh nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ và xuất khẩu. Phát triển mạnh kinh tế biển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; xây dựng Trung tâm nghề cá lớn của Kiên Giang gắn với ngư trường biển Tây Nam. Phấn đấu tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 755.505 tấn, trong đó tôm nuôi 80.000 tấn. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 12%/năm. Tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông thủy sản, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn; chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí - đóng, sửa chữa tàu, chế biến thực phẩm, vật liệu mới. Tập trung phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; phát triển du lịch biển-đảo, trọng tâm xây dựng đảo Phú Quốc thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển-đảo hiện đại, cao cấp tầm cỡ khu vực và quốc tế. Tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng 4 vùng du lịch trọng điểm: Phú Quốc, Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá và vùng phụ cận Hòn Đất - Kiên Hải, U Minh Thượng; tranh thủ và tận dụng cơ hội tỉnh đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đông bằng sông Cửu Long để thúc đẩy phát triển du lịch và phát triển bền vững. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành các sản phẩm hàng hóa; gắn xây dựng các thương hiệu với nâng cao năng lực cạnh trạnh các sản phẩm nông thủy sản của tỉnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; tiếp tục đầu tư xây dựng khu kinh tế Cửa khẩu Hà Tiên, Cửa khẩu quốc gia Giang Thành. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 15%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu 01 tỷ USD. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng kinh tế và tăng cường sự liên kết giữa các vùng: Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu, U Minh Thượng, biển – đảo để thúc đẩy phát triển toàn diện. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển kinh tế-xã hội với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là vùng kinh tế trọng điểm (Cần Thơ, Cà Mau, An Giang và Kiên Giang). Chú trọng phát triển khoa học-công nghệ phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường; triển khai thực hiện các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tiếp tục huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh thu hút đầu tư Tích cực huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút mạnh các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, với nhiều hình thức (BOT, BTO, PPP...) để từng bước hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như: Giao thông, du lịch, bệnh viện, cảng biển, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, điện, cấp nước, đầu tư giao thông nông thôn; hệ thống kênh, cống, đê đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng..., tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phấn đấu 80% đường liên ấp nhựa hóa hoặc bê tông hóa; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99%; có 50% số xã và thêm 2 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới; thu ngân sách gấp 2 lần trở lên so với năm 2015; huy động vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 255.000 tỷ đồng. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược (1) Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển; (2) Xây dựng, phát triển huyện đảo Phú Quốc theo mô hình đặc khu kinh tế để trở thành động lực phát triển của tỉnh; (3) Tranh thủ mọi nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ. Phát triển văn hóa xã hội; nâng cao đời sống nhân dân; thực hiện công tác tôn giáo và dân tộc
Tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI); tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường trọng điểm, trường đạt chuẩn quốc gia, trường học các xã nông thôn mới; tiếp tục thực hiện Đề án đào tạo sau đại học ở nước ngoài giai đoạn 2016-2020. Phấn đấu đến năm 2020 giáo dục - đào tạo của tỉnh đạt mức khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và trên mức bình quân chung cả nước; huy động học sinh từ 6-14 tuổi đến trường đạt trên 96%/năm; hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2016. Chăm lo phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Namphát triển toàn diện. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giảm nghèo bền vững; tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện tốt các chính sách tôn giáo, dân tộc. Phấn đấu giải quyết việc làm từ 35.000 - 40.000 lượt lao động/năm; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, trong đó: lao động qua đào tạo nghề đạt 50%; Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 1-1,5%/năm; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 80%. Tăng cường quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế Tiếp tục xây dựng, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân. Chủ động ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao; thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông và kiềm chế tai nạn giao thông. Thực hiện và bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện quan trọng diễn ra tại tỉnh. Đẩy mạnh quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế, mở rộng hoạt động ngoại giao nhân dân nhằm thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, mở rộng thị trường xuất khẩu, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền các cấp; đi đôi với tổ chức triển khai thực hiện tốt chính sách tinh giản biên chế theo chỉ đạo và hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Chỉ đạo tổ chức tốt công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021. Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí./. Song Huỳnh
Số lần đọc: 5512
Theo kiengiang.gov.vn |
Tin liên quan
|