Từ đó, đã góp phần tích cực trong xóa đói, giảm nghèo và từng bước làm thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn. Điển hình là mô hình Tổ hợp tác trồng rau màu ở ấp Sơn Nam, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất.
Sơn Nam là một trong những ấp nghèo của xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, thu nhập chính của người dân là trồng lúa 2 vụ. Tuy nhiên, hình thức sản xuất cây lúa truyền thống đã không đem lại hiệu quả kinh tế, cuộc sống của người dân còn khó khăn, thiếu thốn. Trước tình hình đó, nhằm tận dụng đất đai, nguồn lao động sẵn có tại địa phương, xóa đói giảm nghèo và nâng cao cuộc sống cho người dân, Chi hội nông dân trong ấp đã triển khai xây dựng mô hình tổ hợp tác trồng rau xanh.
Khởi đầu mô hình này chỉ có vài hộ gia đình tham gia, bởi nhiều người vẫn còn tâm lý e dè trong sản xuất theo hướng tập thể. Nhưng thông qua công tác tuyên truyền về những quyền lợi khi tham gia, nhất là lợi ích của việc vận động góp vốn lập quỹ xoay vòng, giúp hội viên giải quyết nhanh các khó khăn về vốn, tạo sự tương trợ, đoàn kết nên dần dần Tổ hợp tác trồng rau màu đã thu hút ngày càng nhiều thành viên tham gia.
Chị Đoàn Thị Hoan, Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp SơnNam cho biết, những ngày đầu thành lập Chi hội gặp không ít khó khăn như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm... Nhưng với quyết tâm tìm hướng đi thích hợp, bám sát quy trình kỹ thuật trồng rau, trao đổi học tập kinh nghiệm, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, cùng với sự hỗ trợ của các cấp ngành đã tạo mọi điều kiện thuận lợi về vốn, khoa học kỹ thuật, nên Tổ hợp tác trồng rau xanh có nhiều chuyển biến tích cực. Các hội viên đã biết tận dụng đất vườn tạp, đất bờ xáng xung quanh nhà, kết hợp với việc áp dụng kỹ thuật trong nông nghiệp. Đặc biệt, để hạn chế các loại sâu bệnh và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, các thành viên áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp như trồng luân canh các loại cây, làm giàn che mưa, bón phân cân đối và dùng các biện pháp thủ công như ngắt ổ sâu mới nở để hạn chế sâu khoang gây hại; dùng thuốc bảo vệ thực vật theo phương châm “4 đúng”: Đúng thuốc, đúng cách, đúng liều lượng nồng độ và đảm bảo thời gian cách ly. Nhờ vậy, mà mô hình sản xuất rau của Tổ hợp tác ngày càng hiệu quả, cho năng suất cao. Trong năm 2012, mô hình trồng rau xanh của Tổ hợp tác đã thu về 700 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, lãi được trên 300 triệu đồng, bình quân mỗi gia đình lãi từ 60 đến 70 triệu đồng.
Thấy được hiệu quả tích cực của mô hình trồng rau xanh, nên người dân trong ấp có diện tích đất đều tận dụng khai phá hết, kể cả ao hầm để trên trồng các loại rau màu, dưới nuôi cá nước ngọt, vừa làm kinh tế phụ, vừa lấy ngắn nuôi dài. Hiện nay số lượng thành viên lên đến gần 20 gia đình với 15.000 m2 trồng các loại rau: xà lách, tần ô, cải ngọt, cải xanh, rau dền, rau muống, rau mồng tơi, cải bắp và các loại dây leo. Nhờ tham gia vao tổ trồng rau mà cuộc sống của hội viên được cải thiện đáng kể, tạo được việc làm ổn định. Rất nhiều gia đình mua sắm được tivi, xe máy, kiến thức được nâng cao, hạn chế được các tệ nạn xã hội, tạo điều kiện tốt hơn để chăm lo việc học hành của con em trong gia đình.
Mô hình rau màu được phát triển rộng rãi thực sự trở thành một hướng đi đúng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên khá giả. Để phát huy thế mạnh của địa phương, trong thời gian tới UBND xã sẽ vận động thành lập nhiều tổ hợp tác trên cơ sở nhân rộng các mô hình trồng rau năng suất theo hướng hỗ trợ vốn mở rộng đầu tư, cùng trao đổi kinh nghiệm, tìm đầu ra để ổn định sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế,góp phần cải thiện được đời sống kinh tế cho hội viên nông dân nghèo trên địa bàn./.
Ngọc Tân
|