Tin nóng
29.01.2018
Trước thềm năm mới Mậu Tuất 2018, đồng chí Phạm Vũ Hồng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã dành cho Trang thông tin điện tử Văn phòng UBND tỉnh cuộc phỏng vấn tập trung vào các nội dung: Bức tranh tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh năm 2017; chỉ ra những nguyên nhân chính giúp tỉnh ta đạt được thành quả đáng phấn khởi trong năm qua; những tồn tại, yếu kém cần khắc phục và những nhiệm vụ chủ yếu mà UBND tỉnh tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ổn định của tỉnh ta trong năm 2018. Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu:…
Đồng chí Phạm Vũ Hồng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi họp mặt doanh nghiệp đầu năm 2018 - Ảnh: Thiên Đăng

1. Thưa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí có thể phát họa một cách tổng quát bức tranh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh ta năm 2017?

Triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2017 trong bối cảnh nền kinh tế của tỉnh có nhiều thuận lợi, đồng thời cũng gặp không ít khó khăn, thách thức như thời tiết bất thường, mưa, bão nhiều hơn những năm trước, nguồn vốn đầu tư công tiếp tục thắt chặt; sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do thị trường cạnh tranh gây gắt, giá vật tư đầu vào tăng; an ninh nông thôn, an ninh trên biển từng lúc, từng nơi còn xảy ra một số vụ việc phức tạp… Nhưng với tinh thần chủ động, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, sự phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, góp phần đưa kinh tế - xã hội của tỉnh vượt qua những khó khăn, thách thức, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng trở lại, đúng với khả năng của tỉnh, tổng sản phẩm trên địa gần 57.586 tỷ đồng, đạt 104,71% kế hoạch, đứng thứ 3/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 7,39%, vượt 0,19% kế hoạch. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản trên 765 ngàn tấn, tăng 6,83% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu sau nhiều năm không đạt kế hoạch, năm nay xuất khẩu 470 triệu USD, tăng 34,27% so với cùng kỳ. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên 43.500 tỷ đồng, dù chưa đạt kế hoạch nhưng tăng 11,24% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư năm 2017 được 40 dự án mặc dù chỉ nhiều hơn 02 dự án so với năm 2016, nhưng số vốn đăng ký nhiều hơn khoảng 32.000 tỷ đồng, cho thấy thu hút đầu tư dần có trọng tâm và mời gọi được nhiều dự án lớn.

Thu hút khách du lịch vượt mốc 6 triệu lượt khách, vượt 4,45% kế hoạch, tăng 7,84% so cùng kỳ, dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tổng doanh thu trên 4.582 tỷ đồng, vượt 20,6% kế hoạch, tăng 24,8% so cùng kỳ.

Văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm từ 8,32% xuống còn 6,21%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; thu nhập bình quân đầu người đạt 1.865 USD, cao hơn 111 USD/người so với kế hoạch.

Quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội ổn định; hoàn thành diễn tập khu vực phòng thủ ở 03 cấp đạt kết quả khá tốt. Tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí. Hoạt động đối ngoại được tăng cường, mở rộng quan hệ đối ngoại với tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản về hợp tác trên lĩnh vực thủy sản; ký kết hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề với các trường đại học Hàn Quốc...

Chỉ đạo hoàn thành bước 1 Đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc và trình Trung ương Đề án thành lập huyện Thổ Châu, thành phố Hà Tiên đúng tiến độ. Hoàn thành và đưa vào vận hành giai đoạn 1 thành phố thông minh huyện Phú Quốc.

2. Theo đồng chí, đâu là những nguyên nhân chính giúp tỉnh ta đạt được thành quả đáng phấn khởi như trên?

Trước hết là Kiên định quan điểm, mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; Hai là, Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, cùng với tinh thần quyết liệt và linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành; Ba là, thường xuyên rà soát các nhiệm vụ, giải pháp gắn với tăng cường kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ ở các ngành và địa phương để kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện; Bốn là, tăng cường đối thoại, tháo gỡ những vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp; Năm là, triển khai kịp thời, có hiệu quả công tác hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai, giúp người dân khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất; Sáu là, sự đồng thuận và quyết tâm cao của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân... là những nguyên nhân chính giúp tỉnh ta đạt được những kết quả về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong năm 2017.

3. Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí chia sẻ những khó khăn, trăn trở đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong năm qua?

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong năm qua phát triển thiếu ổn định và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thiếu bền vững. Năm 2017 cũng như các năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, làm cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa và nuôi trồng thủy sản không chỉ năm 2017 mà liên tục nhiều năm bị thiệt hại khá nhiều, năm nào cũng có hàng chục ngàn ha lúa, diện tích nuôi trồng thủy sản… bị thiệt hại; hệ thống ngăn mặn ven biển chưa được khép kín, năm nào cũng triển khai công tác phòng ngừa mặn xâm nhập, làm tốn kém nhiều tiền bạc của nhân dân.

Triển khai thực hiện các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chậm, mô hình sản xuất chưa đa dạng, quy mô còn nhỏ, lẻ, chưa đáp ứng được mong đợi của người dân. Thời gian qua, bước đầu chúng ta mới làm tốt khâu phát triển cánh đồng lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, một số mô hình sản xuất có hiệu quả còn nhỏ lẻ.

Ngành chế biến, nhất là chế biến thủy sản xuất khẩu gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu vừa thiếu về số lượng và kém về chất lượng và cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu hết sức quyết liệt, làm cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu không ổn định.

Việc xử lý ô nhiễm môi trường ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Công tác quản lý đô thị, quản lý đất đai tại một số địa phương chưa tốt, dẫn đến tình trạng lấn, chiếm, xây dựng không phép, trái phép diễn ra phổ biến, gây dư luận trong xã hội.

Công tác quản lý, điều hành của một số cơ quan hành chính nhà nước các cấp vẫn còn hạn chế, yếu kém, thủ tục còn phức tạp; tác phong, lề lối, thái độ phục vụ còn gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.

4. Từ thực tế đó, đồng chí cho biết những nhiệm vụ chủ yếu mà UBND tỉnh tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ổn định của tỉnh ta trong năm 2018?

Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2018, UBND tỉnh tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như sau:

1. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như:

Tập trung thực hiện tốt đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nhất là triển khai thực hiện chương trình nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, các cống ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mùa vụ, ngành nghề tại các vùng bị tác động bởi biến đổi khí hậu.

- Đẩy mạnh đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao, mô hình tôm-lúa, tôm càng xanh-tôm sú và tôm-cua; đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng bè, nhuyễn thể 02 mảnh vỏ trên biển. Khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và nâng sức cạnh tranh trên thị trường.

- Theo dõi, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Triển khai thực hiện tốt các giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.

- Triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020, trong đó ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, có tính đột phá tạo động lực lan tỏa thúc đẩy sự phát triển, như: đường ven sông Cái Lớn và đường đê biển, đường ven biển…

- Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, phòng, chống, khắc phục thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu; kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường.

- Đối với địa bàn Phú Quốc triển khai Đề án thành lập Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Phú Quốc, đề án thành lập huyện Thổ Châu, gắn với xây dựng phương án về tổ chức bộ máy, nhân sự bảo đảm hoạt động có hiệu quả. Đồng thời quản lý tốt quy hoạch; tăng cường các giải pháp phòng chống với các loại tội phạm, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc.

2- Nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, nguồn nhân lực, phát triển văn hóa-thể thao, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Trọng tâm là tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo; tập trung xây dựng Đề án sắp xếp lại mạng lưới trường lớp cho phù hợp với tình hình mới; thực hiện có hiệu quả đề án phát triển nguồn nhân lực của tỉnh; làm tốt công tác phân luồng học sinh sau trung học. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới theo Nghị quyết của Trung ương, gắn với đẩy mạnh đào tạo và thu hút nhân lực y tế chuẩn bị cho các bệnh viện mới. Chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin, tuyên truyền nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng. Tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội chăm lo cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội.

3. Tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công tác đối ngoại.

Duy trì công tác trực sẵn sàng chiến đấu; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, chủ động trong mọi tình huống. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và ngăn chặn, xử lý kịp thời các phát sinh trên biển, biên giới, hải đảo, đất liền. Duy trì mối quan hệ đối ngoại truyền thống, mở rộng quan hệ đối ngoại thêm nhiều đối tác mới.

4. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là tăng cường công tác kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp, để khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém, gắn với tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, với mong muốn phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của hệ thống các cơ quan nhà nước. Đồng thời, tập trung việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy khối chính quyền theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII.

5. Thưa đồng chí, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Kiên Giang là địa phương có tiềm năng, lợi thế lớn về phát triển du lịch. Vậy, theo đồng chí, trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế của tỉnh nhà, tỉnh sẽ có những giải pháp nào để cơ cấu lại ngành du lịch nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, nhất là đạt được mục tiêu Nghị quyết số 08-NQ/TW đề ra?

Bám sát 8 nhiệm vụ và giải pháp mà Chương trình hành động Chính phủ và Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra trong các Nghị quyết cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 08 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đó là:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch ở các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài, là trách nhiệm của toàn Đảng bộ, các cấp, các ngành và toàn dân.

Hai là, cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững. Trong đó, tập trung quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết về phát triển du lịch của tỉnh; xây dựng một số trung tâm du lịch, các khu, điểm du lịch, các tour, tuyến du lịch ở Phú Quốc, Hà Tiên-Kiên Lương, Rạch Giá, Hòn Đất, Kiên Hải, U Minh Thượng.

Ba là, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch với mọi hình thức.

Bốn là, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển du lịch, nâng dần tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch. Nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các trục giao thông chính, đối ngoại của tỉnh kết nối với hạ tầng quốc gia và vùng Đồng bằng sông Cửu Long...

Năm là, nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch, nhất là đối với thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế; khai thác triệt để công nghệ thông tin để tuyên truyền, quảng bá du lịch.

Sáu là, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch bằng nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng; tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm ở các tỉnh bạn và nước ngoài có du lịch phát triển để tiếp thu kinh nghiệm về phát triển du lịch.

Bày là, phát triển đa dạng hóa sản phẩm và loại hình du lịch như: du lịch văn hóa tâm linh, du lịch khám phá thiên nhiên-trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hội thảo, hội chợ, du lịch thông qua các sự kiện, du lịch mua sắm... nhằm đáp ứng yêu cầu khách du lịch.

 Tám là, tăng cường quản lý nhà nước về du lịch như quan tâm giải quyết các vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch; bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động du lịch.

Minh Hoàng

Số lần đọc: 2524
Website Kiên Giang
Tin liên quan