Tin nóng
27.04.2014
Vừa qua tại TP. Rạch Giá, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm tiếp dân với sự tham dự của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ nội vụ và lãnh đạo Thanh tra 32 tỉnh/thành phố.

10 tham luận của Vụ Tiếp dân và các tỉnh thành được trình bày trực tiếp tại hội nghị, tập trung nêu lên những hạn chế cũng như những biện pháp để thực hiện tốt việc tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo.

Trong tham luận của mình, ông Nguyễn Hồng Điệp - Vụ trưởng Vụ Tiếp dân và xử lý đơn thư cho rằng, trong năm 2013 và đầu năm 2014, số vụ khiếu nại tố cáo ở các địa phương giảm nhưng lại tăng ở các trụ sở tiếp công dân ở Trung ương bởi các địa phương đã giải quyết hết các thẩm quyền. Đặc biệt trong năm vừa qua xuất hiện rất nhiều vụ khiếu nại liên quan đến các dự án xây dựng nhà ở không thực hiện đúng tiến độ hoặc để hoang, bán cho người khác làm quyền lợi của người góp vốn bị thiệt hại... nhất là ở Hà Nội và TP HCM.

Ông Điệp nêu quan điểm cá nhân không nên giải quyết hết thẩm quyền mà phải giải quyết đến tận cùng vụ việc. Đối với những vụ việc kéo dài thì Thanh tra Chính phủ tới đây sẽ cho rà soát lại và kiểm tra trách nhiệm, và nêu cao vai trò của người đứng đầu, đặc biệt là chủ tịch UBND các cấp trong giải quyết khiếu nại tố cáo.

Về việc bố trí cán bộ tiếp dân, một số nơi bố trí cán bộ tiếp dân không đúng tầm, thậm chí cán bộ không bố trí được ở đâu thì bố trí làm công tác tiếp dân. Đặc biệt sự tiếp dân của lãnh đạo, nhiều nơi còn né tránh, đùn đẩy cho cấp phó. Ông Điệp hy vọng khi Luật Tiếp dân có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây sẽ chấn chỉnh được tình trạng này:

“Khi Luật Tiếp dân ra đời thì vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là thủ trưởng cơ quan các cấp trong việc tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo sẽ rõ ràng hơn. Có 3 mức, một là tiếp dân thường xuyên, hai là tiếp dân định kỳ và ba là tiếp dân đột xuất khi điểm nóng xảy ra. Có như vậy thì cũng từng bước nâng cao về chế độ chính sách đãi ngộ, đặc biệt không những về kinh tế mà còn về đề bạt, bổ nhiệm; vai trò của tiếp dân quan trọng lên thì cán bộ được bố trí sẽ chất lượng hơn. Đây là một trong những nội dung làm giảm việc khiếu nại đông người, bức xúc ở Trung ương” – ông Điệp nói.

Trong các báo cáo tham luận, đa số các tỉnh đều nhìn nhận công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ở địa phương tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Các tỉnh, thành đều thấy hiệu quả của việc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu với dân trong giải quyết khiếu nại tố cáo; trong giải quyết phải đi sát cơ sở, trực tiếp lắng nghe ý kiến của người khiếu nại tố cáo và nâng cao hiệu quả của việc tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở… nhưng các địa phương vẫn chưa thực hiện tốt những vấn đề này.

Để khắc phục tình trạng này, đa số các đại biểu đều đồng tình cho rằng trong giải quyết khiếu nại tố cáo phải thực hiện tốt công tác tiếp dân, nhất là tiếp dân của thủ trưởng; cần tổ chức đối thoại trước khi ban hành quyết định và khi giải quyết cần có sự linh hoạt trong việc vận dụng cơ chế chính sách; phải gắn giải quyết khiếu nại với thực hiện chính sách an sinh xã hội để tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống.

Lựa chọn bố trí cán bộ làm công tác tiếp dân phải có năng lực, phẩm chất tốt, am hiểu chính sách pháp luật và phải biết làm công tác dân vận để làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; thường xuyên thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, ngành trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo... Đồng thời kiến nghị sớm ban hành thông tư hướng dẫn quy trình tiếp công dân theo Luật Khiếu nại tố cáo năm 2011 và Luật Tiếp công dân năm 2013 để các cấp thực hiện thống nhất; sớm ban hành thông tư hướng dẫn quy trình xử lý giải quyết đối với đơn kiến nghị, phản ánh.

Ông Nguyễn Chiến Bình - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng vai trò của chính quyền địa phương là quan trọng bậc nhất. Từ cơ sở xã, huyện, tỉnh mà nhất là ở cấp hòa giải xã, nếu anh hòa giải tốt thì tình hình khiếu kiện của dân không đến nỗi. Hai nữa là đến huyện, lực lượng tiếp dân phải giải thích cho rõ, có những việc dân không hiểu mà đến xã thì xã không tiếp, về huyện thì huyện lại quát nạt, dân bức xúc về tỉnh.

“Tỉnh bảo chưa đúng thẩm quyền đưa về địa phương thì địa phương cũng không nhận. Đó là thực trạng hiện nay đang tồn tại. Chúng tôi đã biết hết nhưng để sửa không phải một sớm một chiều, phải từng bước từng bước trong hệ thống của mình cho tốt” – ông Bình nói./.

Hoài Anh

Số lần đọc: 1823
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan