Tin nóng
06.12.2013
Chiều 5-12, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – Lê Văn Thi đã có bài phát biểu giải trình các nội dung kiến nghị của cử tri và đại biểu HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Kiên Giang khóa VIII (ảnh). Website Kiên Giang giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng này.

- Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

- Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang,

- Kính thưa các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

- Kính thưa toàn thể đại biểu tham dự hội nghị,

- Kính thưa đồng bào cử tri trong tỉnh.

Theo Chương trình Kỳ họp, UBND tỉnh đã Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, phương hướng, nhiệm vụ năm 2104; cùng một số báo cáo chuyên đề và 28 Tờ trình của UBND tỉnh.

Qua đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, qua thảo luận tổ và chất vấn tại Hội trường; các đại biểu và đồng bào cử tri đã góp nhiều ý kiến có liên quan đến sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh.

Thay mặt UBND tỉnh, xin nghiêm túc tiếp thu ý kiến xác đáng của các vị đại biểu và đồng bào cử tri; tiếp tục phát huy những tiến bộ, kết quả đã đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế yếu kém, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý điều hành, nỗ lực cao nhất để cùng toàn Đảng bộ, dân, quân trong tỉnh phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra.

Tại Kỳ họp này, các vị đại biểu đã gửi 15 phiếu chất vấn và đã có Giám đốc Sở trả lời trực tiếp.

Thay mặt UBND tỉnh, tôi xin báo cáo, giải trình thêm một số vấn đề mà nhiều đại biểu và đồng bào cử tri quan tâm.

Kính thưa các vị đại biểu!

Năm 2013 mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức; nhưng với sự quyết tâm trong chỉ đạo điều hành, sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp và quân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế-xã hội năm 2013 của tỉnh đạt được những kết quả, tiến bộ quan trọng. Kinh tế tiếp tục ổn định và phát triển, duy trì mức tăng trưởng khá; một số chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân có bước nâng lên. Công tác giáo dục-đào tạo, văn hóa, y tế, giải quyết việc làm, chăm lo gia đình chính sách được quan tâm thực hiện tốt hơn. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, một số loại tội phạm hình sự, tai nạn giao thông giảm nhẹ so năm trước; công tác đối ngoại được mở rộng, chúng ta đã có mối quan hệ, làm ăn với hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của tình hình suy giảm kinh tế thế giới và trong nước, các nguồn lực đầu tư cho phát triển của tỉnh còn nhiều hạn chế; sản xuất và xuất khẩu một số nông thủy sản gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ và giá cả... Cùng với việc chỉ đạo điều hành, sự phối hợp, tổ chức thực hiện ở một số nơi chưa chặt chẽ, thiếu quyết liệt; chậm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh; huy động, bố trí các nguồn lực chưa đảm bảo yêu cầu phát triển... làm cho tăng trưởng kinh tế đạt thấp, không đạt kế hoạch đề ra. Các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao trên một số mặt còn yếu kém; nguy cơ tái nghèo, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn còn cao. Cải cách hành chính chất lượng nâng lên chưa nhiều; việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện đang là khâu yếu của các sở ngành, địa phương. Tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai tuy giảm nhưng tính chất, mức độ từng lúc vẫn còn gay gắt, phức tạp, khiếu nại đông người vẫn còn xảy ra ở một số địa phương. Tội phạm giết người do mâu thuẫn cá nhân, tội phạm kinh tế, án tham nhũng có xu hướng gia tăng, tính chất nghiêm trọng và mức độ tinh vi hơn.

Tuy các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch; sản lượng ở hầu hết các khu vực sản xuất đều đạt, có tăng so năm 2012; nhưng do nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng và giá cả đầu ra giảm (giá bán của người sản xuất, giá xuất khẩu...) làm giá trị tăng thêm không đạt, sụt giảm so kế hoạch; thời tiết không thuận lợi; năng lực, quy mô sản xuất còn yếu và nhỏ nên sản lượng một số mặt hàng chủ yếu ở một số khu vực sụt giảm,... nên tổng giá trị GDP giảm 1.484 tỷ đồng so kế hoạch, làm cho tốc độ tăng trưởng chung chỉ đạt 9,4%, thấp so với kế hoạch (12,5%) và thấp hơn so với năm trước (2012 tăng 11,82%).

Khu vực I (Nông Lâm Thủy sản) giảm trên 812 tỷ đồng (chiếm 54,7% trong tổng giá trị GDP bị thiếu hụt). Nuôi trồng thủy sản tuy đã được quan tâm: tích cực xử lý các vướng mắc cho các DN nuôi tôm tập trung, giao thêm diện tích nuôi, tập trung đầu tư thủy lợi,.. nhưng do thời tiết không thuận lợi nên diện tích thả nuôi không đạt, sản lượng tôm nuôi giảm trên 5.000 tấn so kế hoạch; cùng với sản lượng đánh bắt hải sản có giá trị cao sụt giảm nên tính chung đánh bắt và nuôi trồng hụt so kế hoạch là 740,4 tỷ.

Sản lượng lúa tuy có tăng thêm (tăng 184.642 tấn) nhưng chi phí sản xuất tăng (giá xăng, dầu, phân bón, thuốc trừ sâu...) nên giá trị tăng thêm không đạt như cùng kỳ, và sau khi bù đắp cho sụt giảm của chăn nuôi thì nông nghiệp vẫn còn thiếu  hụt 48,2 tỷ theo kế hoạch.

Khu vực II (Công nghiệp, Xây dựng) hụt 720 tỷ đồng.

Trong sản xuất công nghiệp: Mặc dù giá trị sản xuất công nghiệp đạt 100,09% so kế hoạch và tăng hơn 10,07% so cùng kỳ; nhưng do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng làm tăng chi phí sản xuất nên giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp hụt 348 tỷ so với kế hoạch.

Trong xây dựng: Công tác quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản được quan tâm chỉ đạo. Đã đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, từng bước khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; thực hiện tốt việc phân cấp và giao quyền chủ động, gắn với trách nhiệm các chủ đầu tư; cùng với việc tích cực huy động và tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng.... tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước hơn 28.000 tỷ đồng, đạt hơn 95% kế hoạch. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp xây dựng của tỉnh là khá lớn, nhưng qui mô rất nhỏ, năng lực yếu nên giá trị sản xuất trong xây dựng do doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện chỉ chiếm trên 40% nên giá trị tăng thêm của ngành xây dựng hụt so kế hoạch gần 372 tỷ đồng.

Khu vực III (Dịch vụ, Thương mại) giá trị tăng thêm đạt thấp so cùng kỳ, chỉ tăng thêm  48,5 tỷ so kế hoạch. Xuất khẩu gạo lượng vượt 2% so kế hoạch, nhưng giá xuất giảm gần 53USD/tấn so đầu năm. Mặt hàng hải sản có thuận lợi hơn: cầu về tôm đông cuối năm có tăng lên, nhưng do một số sản phẩm khác như: mực, bạch tuộc đông, thủy sản đông khác, nước mắm xuất khẩu... giảm, làm cho kim ngạch xuất khẩu hải sản không đạt chỉ tiêu đề ra.

Năm 2014 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh; bên cạnh những thuận lợi từ việc tiếp tục có những chủ trương, biện pháp hiệu quả của Trung ương; trong tỉnh, tình hình tiếp tục ổn định, phát triển; nhiều công trình, dự án trọng điểm sẽ được đưa vào khai thác, sử dụng vào năm 2014 tạo nền tảng cho KT-XH phát triển, tạo sức lan tỏa lớn; và cùng với những kết quả, tiến bộ đạt được trên các lĩnh vực trong hơn 3 năm qua sẽ tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển trong thời gian tới.

Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro; nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn. Trong tỉnh, đối chiếu các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, một số chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng, nhất là về kinh tế thì kết quả thực hiện còn thấp, chưa đạt yêu cầu, cần phải ra sức phấn đấu. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết, dịch bệnh ở cây trồng, vật nuôi, ở người diễn biến khó lường, còn tiềm ẩn nguy cơ; nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; một số vấn đề bức xúc xã hội chưa được giải quyết; an ninh trên biển và tranh chấp khiếu kiện đất đai còn diễn biến phức tạp; trình độ, năng lực quản lý, điều hành hạn chế; tinh thần trách nhiệm chưa cao của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh... đang là những khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển của tỉnh.

Năm 2014 có ý nghĩa quyết định trong nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2011-2015. Sự nỗ lực phấn đấu của năm 2014 phải đạt được ở 3 cấp độ sau đây:

1. Các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch thì phải phấn đấu giữ vững và tăng thêm để làm đòn bẩy thúc đẩy sự tăng trưởng;

2. Các chỉ tiêu tuy chưa đạt kế hoạch nhưng tiềm năng còn lớn thì ra sức, nỗ lực phấn đấu đạt cho bằng được kế hoạch, như: Diện tích và sản lượng tôm nuôi, kim ngạch xuất khẩu, huy động vốn đầu tư,…

3. Các chỉ tiêu khó có thể đạt kế hoạch, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, xây dựng nông thôn mới, bảo hiểm y tế,… các ngành, các cấp phải kiểm điểm, tìm nguyên nhân, dồn sức khắc phục bằng sự nỗ lực cao nhất.

Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2014, UBND tỉnh sẽ khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết của HĐND tỉnh đã đề ra; ở đây, xin nhấn mạnh thêm một số nội dung cần tập trung thực hiện:

Thứ nhất: Tích cực huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, triển khai các dự án có sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2014 và những năm tiếp theo; đầu tư xây dựng nông thôn mới, nâng cao mức sống nhân dân nông thôn.

Tích cực huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, như: Cầu qua sông Cái Bé, Cái Lớn; cầu Trung tâm lấn biển Tp. Rạch Giá; đường điện tuyến cáp ngầm Hà Tiên – Phú Quốc; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; đường 964; Dự án lấn biển Tây Bắc phường Vĩnh Thanh quy mô 96ha để bố trí tái định cư cho hơn 2.000 hộ sống ven sông thành phố Rạch Giá; các công trình hạ tầng, dự án ở Phú Quốc (đường trục Bắc-Nam, đường vòng quanh đảo, các dự án phát triển du lịch...). Tích cực tranh thủ các nguồn vốn để xây dựng Quốc lộ 80 (đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, đoạn Rạch Giá-Hà Tiên), Quốc lộ 61 (đoạn Bến Nhứt - Cái Tư), đê biển (đoạn Rạch Giá- cầu Số 2), cầu Chung Sư, cầu Rạch Sỏi; hệ thống cống ngăn mặn từ Xẻo Rô đến Xẻo Dừa, và từng bước sẽ tranh thủ nguồn vốn để làm đường giao thông trên tuyến đê ngăn mặn.

Chấn chỉnh công tác đấu thầu và tăng cường trách nhiệm của cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; nâng cao năng lực, trách nhiệm và sự phối hợp của các ngành, địa phương và chủ đầu tư giải quyết có hiệu quả các khó khăn vướng mắc, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư. Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Ban Quản lý dự án ở các sở, ngành và địa phương; kiểm điểm xử lý trách nhiệm các chủ đầu tư không sử dụng hết vốn đã bố trí, nhất là vốn tranh thủ Trung ương; hạn chế tối đa việc chuyển nguồn vốn đã bố trí sang năm sau theo kiến nghị của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh.

Kết hợp các nguồn vốn, nâng mức đầu tư xây dựng nông thôn mới đạt khoảng 800 tỷ đồng; bao gồm các nguồn vốn từ các chương trình, dự án: Giao thông nông thôn: 320 tỷ đồng (từ nguồn XSKT: 100 tỷ đồng, vốn vay ưu đãi: 70 tỷ đồng, vận động doanh nghiệp và huy động trong dân khoảng 150 tỷ đồng, đường vào trung tâm xã: 120 tỷ đồng); các dự án nông nghiệp: 283 tỷ đồng (thủy lợi phí: 128 tỷ đồng, vốn theo NĐ 42: 155 tỷ đồng); Điện nông thôn: 133 tỷ đồng (điện phục vụ bơm tác theo Kế hoạch: 11,8 tỷ, Chương trình điện vùng đồng bào Khmer: 70 tỷ đồng, điện cho 8 xã nông thôn mới: 51,3 tỷ đồng); phát triển Giáo dục và Đào tạo: 313 tỷ đồng (XDCB các xã nông thôn mới: 135,4 tỷ; phổ cập Mầm non: 114,9 tỷ, trường Trung học cơ sở: 62,6 tỷ đồng); Chương trình Y tế: 83 tỷ đồng (53 trạm xá xã đạt chuẩn, mỗi xã khoảng 1,5 tỷ đồng); vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: 20 tỷ đồng; xây dựng trụ sở xã, Công an xã, Xã đội: 30 tỷ đồng.

Chú trọng xây dựng các tiêu chí đạt còn thấp. Phấn đấu xây dựng thêm 3 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới.

Thứ hai: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,5%; các mục tiêu chủ yếu sau đây phải đạt được: Sản lượng lúa đạt 4.604.170 tấn; sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản đạt 612.850 tấn; giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN đạt 32.630 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 670 triệu USD.

Nhằm thực hiện quan điểm phát triển: chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ; duy trì phát triển và tăng trưởng nông nghiệp ở mức hợp lý. Ngoài các nhiệm vụ, giải pháp đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp-TTCN đã nêu trong Báo cáo, các nhiệm vụ sau đây cần quan tâm thực hiện:

Tập trung phát triển ngành nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng. Chỉ đạo thực hiện tốt việc chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Phấn đấu diện tích gieo trồng lúa đạt 769.500 ha, năng suất bình quân 5,98 tấn/ha; sản lượng 4,6 triệu tấn. Chỉ đạo sản xuất an toàn, hiệu quả vụ Đông Xuân; giảm diện tích gieo sạ lúa vụ Thu Đông ở một số vùng sản xuất chưa đảm bảo và vụ Mùa ở các vùng ven biển do bị nhiễm mặn trồng lúa kém hiệu quả; chuyển một phần diện tích gieo sạ lúa vụ Hè Thu ở những nơi có điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất rau màu tập trung. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất theo hướng VietGAP; thâm canh, nâng cao năng suất 120.000 ha lúa chất lượng cao.

Hoàn thành đầu tư xây dựng các cống ven biển; đập kiểm soát lũ, xâm nhập mặn; nạo, vét các kênh cấp xã; xây dựng các tuyến đường giao thông và mạng lưới điện..., phục vụ cho nuôi tôm tập trung vùng Hà Tiên, Giang Thành và Kiên Lương. Tiếp tục mở rộng diện tích nuôi cua kết hợp với nuôi tôm, mở rộng diện tích nuôi sò huyết thâm canh ven biển các huyện An Biên, An Minh.

Đẩy mạnh công tác khuyến nông về chăn nuôi; tạo điều kiện thuận lợi để các phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung công nghiệp, bán công nghiệp.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường có sức mua lớn. Nâng cao khả năng dự báo và hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh các sản phẩm chủ lực như: Tôm đông, mực đông, gạo; tăng tỷ lệ sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô.

Thứ ba: Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh; chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ, duy trì phát triển và tăng trưởng nông nghiệp ở mức hợp lý.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng dần tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ trong cơ cấu GDP; triển khai các dự án tại Khu công nghiệp Thạnh Lộc, gồm: Nhà máy MDF, nhà máy bia Sài Gòn, nhà máy may mặc, da giầy,…, giải quyết 3.000 – 5.000 lao động; vừa tăng giá trị thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, vừa tạo nguồn thu ngân sách; tạo được nhiều việc làm, giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt các chính sách thu hút đầu tư vào khu công nghiệp; hỗ trợ chi phí san lấp mặt bằng, cho áp dụng hình thức thuê đất đối với các dự án sử dụng 500 lao động và vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng; BQL Khu kinh tế làm đầu mối tích cực thực hiện đầu tư hạ tầng thiết yếu (điện, nước, giao thông,…) để các nhà đầu tư sớm triển khai dự án.

Sớm triển khai hạ tầng thiết yếu để triển khai các dự án đầu tư các Khu du lịch ở Bãi Dài, Bãi Khem và các dự án trọng điểm khác; các dự án thu hút nhà đầu tư Singapore,… ở Phú Quốc. Huy động thêm nguồn lực của các nhà đầu tư để đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch trên đảo Phú Quốc.

Thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực, quy mô các DN xây dựng trên địa bàn; tạo cơ hội cho các DN này tiếp cận, thực hiện các dự án quy mô phù hợp năng lực.

Cùng với đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ; phải hết sứ quan tâm công tác bảo vệ môi trường. Xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; ngoài việc xử phạt hành chính còn phải tính đến xử lý hình sự, đình chỉ hoạt động, rút Giấy phép kinh doanh; trước nhất là khu vực cảng cá Tắc Cậu, các bệnh viện và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng dã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm.

Thứ tư: Bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, giảm nghèo bền vững nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa lĩnh vực văn hóa – xã hội; tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc xã hội.

- Tập trung chỉ đạo thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là 1 trong 3 đột phá chiến lược của Đảng; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là khâu quyết định đến chất lượng dạy và học; đồng thời, tăng cường đầu tư, mở rộng xây dựng các trường điểm, trường đạt chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất các trường Tiểu học và Mầm non.

- Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở. Nâng cao hiệu quả y tế dự phòng, chủ động phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ y, bác sĩ, ở tuyến huyện, các Phòng khám khu vực nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến tỉnh. Nâng cao y đức, thái độ phục vụ nhân dân và chất lượng khám, chữa bệnh; tăng cường thanh, kiểm tra hành nghề y dược tư nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Tăng cường các hoạt động thông tin về lao động, việc làm và giải quyết việc làm cho người lao động. Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội chủ động đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu nguồn lao động cho các dự án; nhất là các dự án ở Khu công nghiệp Thạnh Lộc và các dự án du lịch ở Phú Quốc.

Về giảm nghèo: Tiếp thu ý kiến của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh. Xin điều chỉnh chỉ tiêu giảm nghèo năm 2014 là: 1 - 1,5%; hộ nghèo trong đồng bào dân tộc là: 9,5%. Ban Dân tộc đề nghị nâng tỷ lệ giảm nghèo từ 2 - 2,5% là khó thực hiện; do đó, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh quyết nghị tỷ lệ giảm nghèo năm 2014 là: 1 - 1,5%

Tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội chăm lo các đối tượng chính sách, dự kiến xây dựng 1.000 căn nhà tình nghĩa trong năm nay. Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo, dân tộc. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tích cực hưởng ứng tham gia bảo hiểm y tế; hạn chế sai sót, trùng lắp trong việc cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Qua thảo luận tổ, nhiều đại biểu đề nghị giữ nguyên tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế là 65%. Chỉ tiêu này rất khó đạt; và căn cứ tình hình thực tế đã được cân nhắc khi xây dựng kế hoạch, đề nghị đại biểu quyết định là 62% trở lên tham gia bảo hiểm y tế là phù hợp.

- Tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, thông tin, du lịch các lễ hội; tiếp tục phát huy và nhân rộng các mô hình xã hội hóa có hiệu quả.

Thứ năm: Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại. Củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Duy trì nghiêm công tác trực sẵn sàng chiến đấu, thường xuyên nắm chắc tình hình, ngăn chặn xử lý kịp thời các tình huống, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tổ chức tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2014 và diễn tập khu vực phòng thủ theo kế hoạch.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự các địa bàn tuyến biên giới, biển đảo. Đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức và kiềm chế có hiệu quả tai nạn giao thông, phòng ngừa cháy nổ.

Các địa phương tăng cường tổ chức tốt việc đối thoại, tiếp công dân. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài liên quan đến đất đai.

Đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao trên các lĩnh vực; mở rộng các quan hệ hợp tác mới để xúc tiến, quảng bá tiềm năng và thế mạnh của tỉnh và tạo cơ hội cho các đối tác đến tìm hiểu và đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có nhu cầu kêu gọi đầu tư.

Thứ sáu: Tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách thủ tục hành chính.

Tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính; rà soát điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức, biên chế, quy chế hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Hoàn thành trình Trung ương Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc, nâng thành phố Rạch Giá thành đô thị loại II, trình Chính phủ thành lập thành phố Phú Quốc và thành phố Hà Tiên.

Tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Phát huy vai trò của Mặt trận, Các đoàn thể và quần chúng nhân dân, cơ quan báo chí trong việc giám sát cơ quan hành chính nhà nước, thực thi công vụ của cán bộ, công chức để kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Đối với một số ý kiến băn khoăn về kết quả thực hiện, xin được giải trình thêm như sau:

- Về công tác phòng chống tham nhũng: Chỉ mới điều tra khởi tố 2 vụ, 5 bị can là chưa đúng thực trạng; xin được giải trình thêm:

Công tác phòng chống tham những trong những năm qua đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ phòng ngừa đến phát hiện và xử lý. Công tác tuyên truyền, giáo dục được đẩy mạnh; việc triển khai thực hiện các thể chế đạt được những kết quả nhất định. Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được tăng cường; đã tiến hành 52/77 cuộc thanh tra, chuyển sang cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ 02 vụ việc như nêu trên.

Ngoài ra, cơ quan điều tra đã thụ lý 06 vụ 09 bị can. Số vụ và số bị can được đưa ra xét xử phạm tội nghiêm trọng 01 vụ 01 bị cáo; phạm tội rất nghiêm trọng 02 vụ 02 bị cáo (giảm 03 bị cáo so cùng kỳ); phạm tội đặc biệt nghiêm trọng 03 vụ 06 bị cáo (tăng 01 vụ 02 bị cáo so cùng kỳ).

Nhìn chung, tuy tình hình tiêu cực, tham nhũng ở các cấp, các ngành vẫn còn diễn ra; phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi vi phạm hết sức tinh vi. Tuy nhiên, công tác PCTN đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

- Ý kiến về kết dư ngân sách 522 tỷ, xin có ý kiến như sau: Theo báo cáo Thuyết minh kết dư ngân sách địa phương năm 2012 thì tổng kết dư là 522,685 tỷ đồng; trong đó, Ngân sách cấp tỉnh: 255,687 tỷ đồng đã được xử lý, bao gồm:

 + UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh xử lý trả nợ vay đầu tư xây dựng cơ bản năm 2007 trong kỳ họp giữa kỳ năm 2013 số tiền 46,598 tỷ đồng nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung, ngân sách còn thừa từ năm 2007-2011 và 113,848 tỷ đồng vốn xổ số kiến thiết còn thừa từ năm 2007-2011.

+ Bố trí xây dựng cầu Trung tâm Lấn Biển trong năm 2013 số tiền 25,630 tỷ đồng từ tiền sử dụng đất của Dự án Lấn Biển tại khu vực 4 và 5.

+ Bố trí cho công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bố trí đầu tư xây dựng cầu An Hòa 2 số tiền 3,510 tỷ đồng và 5,041 tỷ đồng từ 10% số thu tiền sử dụng đất của Metro.

+ Triển khai trong năm 2013 cho các chương trình, dự án: 25,639 tỷ đồng vốn Trung ương bố trí (Chương trình SEQAP)

+ Bố trí trả nợ vay đầu tư giao thông nông thôn năm 2007 là: 27,502 tỷ đồng từ vốn xổ số kiến thiết năm 2012 nhưng do sơ xuất chưa hạch toán trả nợ và đã được xử lý trong năm 2013.

Nhìn chung, kết dư ngân sách cấp tỉnh là 255,687 tỷ đồng đã được xử lý.

Đối với kết dư ngân sách cấp huyện, thị xã, thành phố: 208,059 tỷ đồng và ngân sách cấp xã: 58,94 tỷ đồng: do quyền quyết định của cấp mình.

Về các Tờ trình của UBND tỉnh: Xin tiếp thu các ý kiến xác đáng về câu chữ, diễn đạt chưa rõ để chỉnh sửa; ở đây, xin trình bày thêm về các nội dung sau:

Đối với ý kiến về các Tờ trình: Hỗ trợ lãi suất cho nhân dân vay vốn đầu tư phát triển giao thông nông thôn; hỗ trợ vốn thực hiện chương tình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; điều chỉnh bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản; hỗ trợ sử dụng nước sạch;...; đề nghị giữ theo dự thảo.

Đối với Tờ trình số 141/TTr-UBND về việc ban hành phí chợ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang: xin tiếp thu ý kiến đại biểu, điều chỉnh như sau: mức thu phí chợ được đầu tư từ vốn ngoài ngân sách thì mức thu sẽ cao hơn nhưng không quá 2 lần mức thu quy định tại Thông tư số 97 của Bộ Tài chính.

Về các câu hỏi chất vấn:

1. Đối với ý kiến về cụm, tuyến dân cư vượt lũ; xin được trả lời như sau:

Việc đầu tư tôn nền vượt lũ để xây dựng các cụm tuyến dân cư vùng ngập lũ của Đồng bằng sông Cửu Long là Chương trình trọng điểm quốc gia, được thực hiện thành hai giai đoạn và dự kiến kết thúc vào năm 2013.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ; giai đoạn 1, tỉnh đã lập kế hoạch xây dựng 73 cụm và 04 tuyến đê bao thị trấn tại 8 huyện và thành phố vùng ngập lũ với tổng mức vốn đầu tư: 489,182 tỷ đồng (trong đó Ngân sách TW hỗ trợ 130 tỷ, vay Ngân hàng Phát triển để tôn nền 96,182 tỷ, vay Ngân hàng Chính sách xã hội để lắp dựng nhà ở 100,8 tỷ và đầu tư hạ tầng kỹ thuật thiết yếu 162,2 tỷ).

Giai đoạn 2, đến tháng 12/2010, UBND tỉnh điều chỉnh vốn và cơ chế, chính sách để tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng 06 cụm, tuyến dân cư (gồm 04 tuyến dân cư tại Tân Hiệp, 01 cụm dân cư xã Vĩnh Hòa Hưng Nam huyện Gò Quao và 01 cụm dân cư tại phường Vĩnh Lợi thành phố Rạch Giá); bố trí 1.540 hộ chính sách di dời vào ở. Tổng vốn đầu tư: 190,69 tỷ đồng (Trong đó: Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ: 49,28 tỷ đồng; Vốn vay Ngân hàng phát triển Việt Nam : 40,04 tỷ đồng; Vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội : 30,80 tỷ đồng; Vốn địa phương đầu tư Hạ tầng Kỹ Thuật và tôn nền lô sinh lợi: 70,57 tỷ đồng, lấy từ nguồn bán lô nền sinh lợi).

Đến nay kết quả đạt được như sau:

Giai đoạn 1:

* Đối với đê bao: Hoàn thành đê bao cho 4 thị trấn (bao gồm cả đê bao và hệ thống trạm bơm cống tiêu); ổn định tránh lũ là 6.200 hộ đạt 100%, tính chung số hộ tránh lũ an toàn trong cụm và đê bao là 13.995 /14.090 hộ đạt 99,0% kế hoạch.

* Đối với cụm dân cư:

Việc xây dựng hạ tầng: Đã hoàn thành san lấp mặt bằng; hệ thống giao thông, thoát nước, cấp điện; riêng cấp nước: Hoàn thành 63/73 trạm, còn lại 10 cụm tạm sử dụng nguồn nước giếng khoan. Xây dựng bãi chôn lấp rác cho 32/40 điểm dân cư thực hiện chủ yếu bằng nguồn bán các lô nền sinh lợi. Đã hoàn thành đưa vào hoạt động 31/49 chợ. Hoàn thành lắp dựng 7.890 căn nhà; bố trí 7.729 hộ vào ở, đạt 98% kế hoạch; còn lại 161 căn chưa bố trí dân vào ở.

Việc đấu giá và bán giá sàn các lô nền sinh lợi còn rất chậm; tới nay vẫn còn 1.083/4.792 lô (22,6%) chưa bán được. Nguyên nhân chủ yếu trong những năm qua nhu cầu về đất ở tại nông thôn rất thấp. Việc không bán hết các lô nền sinh lợi dẫn tới các huyện còn nợ ngân sách 35,982 tỷ đồng, tỉnh đã phải ra chủ trương khoanh nợ để hạn chế khó khăn cho các huyện, thị.

Giai đoạn 2:

Đến nay khối lượng công việc còn lại khá lớn, tiến độ thực hiện còn chậm. Hiện tại đã hoàn thành việc quy hoạch, chọn địa điểm xây dựng, tôn nền giải phóng mặt bằng. Công tác đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đạt khoảng 60%, công tác xây dựng nhà ở đạt 32% và đưa dân vào ở được 238/1.540 hộ đạt 15%.

Nhìn chung, Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ ở ĐBSCL đã phát huy hiệu quả rất cao. Các hộ dân không bị thiệt hại về người và tài sản khi nước lũ dâng cao; trong cơn lũ lịch sử năm 2011, các cụm tuyến dân cư vượt lũ thật sự là điểm đến an toàn.

Tuy nhiên, do việc giám sát thực hiện có nơi chưa chặt chẽ; một số BQL trách nhiệm chưa cao, kinh phí đầu tư thấp nên chất lượng các cụm, tuyến dân cư kém, xuống cấp nhanh. Việc khảo sát nhu cầu nhà ở dân cư nơi thực hiện chương trình chưa sát, đầu tư các cụm dân cư quy mô lớn, kém hiệu quả; các lô nền sinh lợi không tiêu thụ hết gây nợ dây dưa và ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng khác.

Để tiếp tục thực hiện Chương trình, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị khẩn trương đầu tư xây dựng hệ thống cấp điện, cấp nước cho các cụm, tuyến dân cư để tiếp tục bố trí dân vào ở. Trường hợp người dân tại chỗ không có nhu cầu; Ban Chỉ đạo tỉnh đã cho chủ trương rà soát nhu cầu của các hộ này, nếu không còn nhu cầu thì xét duyệt các hộ khác trong vùng ngập lũ vào ở. (Riêng hai huyện Giang Thành và Kiên Lương có tổng số 47 căn đã xây dựng xét duyệt cho người dân nhưng không có nhu cầu vào ở. UBND tỉnh đã cho phép 2 huyện nêu trên được xét duyệt cho các đối tượng là người nghèo vào ở, hiện đang xét duyệt danh sách để bố trí). Đối với các bãi chôn lấp rác do khó khăn về nguồn vốn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới để đầu tư xây dựng có hiệu quả và đảm bảo vệ sinh môi trường. Đối với việc xây dựng chợ, tỉnh đã chỉ đạo cho các huyện rà soát, nếu có hiệu quả thì đầu tư; đồng thời, khuyến khích các huyện, thị kêu gọi xã hội hóa thực hiện.

Việc đấu giá và bán giá sàn các lô nền sinh lợi: tỉnh đã cho chủ trương sau khi đấu giá không thành thì được bán bằng giá sàn, bán trả góp trong 3 năm hoặc sử dụng làm khu tái định cư các dự án trên địa bàn huyện.

2. Đối với ý kiến về chỉ tiêu huy động vốn đầu tư, xin được trả lời như sau:

Đối với chỉ tiêu huy động vốn đầu tư toàn xã hội: Thực hiện các giải pháp:

- Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng thiết yếu, phục vụ thu hút đầu tư, tích cực cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ; giảm thiểu phiền hà cho DN thực hiện đầu tư.

- Thực hiện các chủ trương, chính sách thu hút:

Ở Khu công nghiệp, bao gồm: Công bố giá đất trước cho các nhà đầu tư. Ngoài các nguồn vốn phải đầu tư cho Khu công nghiệp, tỉnh có chủ trương hỗ trợ phần san lắp mặt bằng cho nhà đầu tư (sẽ khấu trừ dần vào chi phí thuê đất). Cho phép nhà đầu tư được lựa chọn 01 trong 02 hình thức như sau: Giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất trả tiền hàng năm.

Đối với các dự án trên địa bàn huyện Phú Quốc: Đã điều chỉnh cơ chế, chính sách như sau: Chỉ thu tiền sử dụng đất một lần theo mật độ xây dựng, phần diện tích còn lại thì nhà đầu tư được thuê đất trả tiền hàng năm. Hiện đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh cục bộ so với Quyết định số 633 Thủ tướng Chính phủ tại một số dự án lớn (40 ha trở lên) được dành không quá 15% diện tích của dự án xây dựng villa, biệt thự để bán.

Về chỉ tiêu huy động nguồn vốn đầu tư năm 2014 là 32.500 tỷ đồng, thực hiện như sau:

+ Năm 2013, huy động các nguồn vốn đạt 28.000 tỷ đồng.

+ Năm 2014, cố gắng duy trì nguồn vốn năm 2013 và tăng thêm 4.500 tỷ đồng, bao gồm các dự án như sau: Ít nhất sẽ có khoảng 4 dự án quy mô lớn tại Phú Quốc ở Bãi Dài, Bãi Khem,... khởi công thực hiện một số hạng mục với quy mô 1 – 3 ngàn tỷ đồng/công trình. Và tại Khu công nghiệp Thạnh Lộc, sau khi đã thỏa thuận xong với tỉnh, nếu thuận lợi; trong năm sẽ động thổ khởi công các công trình thuộc dự án: Nhà máy MDF, nhà máy bia Sài Gòn, nhà máy may mặc, nhà máy da giầy,... mỗi nhà máy vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.

Và cùng với quyết tâm của toàn Đảng bộ, quân, dân và các doanh  nghiệp trong tỉnh, mục tiêu huy động 32.500 tỷ đồng đầu tư toàn xã hội chắc chắc sẽ đạt được.

Kính thưa các vị đại biểu!

Trên đây là một số vấn đề UBND tỉnh làm rõ thêm về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện của năm 2014.

Nhiệm vụ sắp tới là rất khẩn trương, nặng nề; vì vậy, đòi hỏi các cấp, các ngành phải phải triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của năm 2014 ngay sau khi được HĐND tỉnh thông qua; tập trung vào các khâu đột phá, lựa chọn đúng trọng tâm, trọng điểm trong từng thời gian; tăng cường công tác phối hợp và nỗ lực phấn đấu từ những ngày đầu, tháng đầu để đạt kết quả tốt nhất trên từng lĩnh vực, từng mặt công tác.

UBND tỉnh đề nghị HĐND, các Ban của HĐND, đại biểu HĐND, Mặt trận Tổ quốc và Đoàn thể các cấp và nhân dân trong tỉnh tăng cường giám sát, phối hợp hành động, nỗ lực phấn đấu tạo sự chuyển biến đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa trên các mặt công tác để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, làm cơ sở kết thúc thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015.

Xin cám ơn !

Hoài Anh ghi

Số lần đọc: 2062
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan