Tin nóng
31.10.2013
Ngày 31-10, tại thành phố Rạch Giá, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội thảo khoa học xây dựng nông thôn mới với hơn 150 đại biểu là nhà khoa học, lãnh đạo các sở, ban ngành và địa phương xây dựng nông thôn mới của tỉnh tham dự.
 

Trạm y tế xã Định Hoà – xã điểm xây dựng nông thôn mới của Kiên Giang (ảnh: H.Anh).
 

Gần 20 tham luận của các đại biểu trình bày tại hội thảo nêu những thuận lợi, khó khăn, việc làm được và chưa được trong xây dựng nông thôn mới hơn ba năm qua ở Kiên Giang, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy chương trình này của tỉnh thực hiện thời gian tới đạt kết quả.

Hầu hết ý kiến của đại biểu cho rằng trở ngại, khó khăn, bất cập trong triển khai xây dựng nông thôn mới là còn thiếu giải pháp đồng bộ, khả thi và đột phá để đạt các tiêu chí.

Cụ thể là kiến thức xây dựng nông thôn mới của đội ngũ cán bộ các ngành, các cấp còn hạn chế, nhất là cán bộ xã yếu về kiến thức, phương pháp tổ chức xây dựng nông thôn mới. Việc tuyên truyền xây dựng nông thôn mới trong nhân dân chưa thực sự sâu rộng nên chưa phát huy được vai trò chủ thể của người dân là “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”.

Công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch, đề án nông thôn mới của xã theo 19 tiêu chí ở nhiều địa phương còn lúng túng, tiến độ triển khai chậm, chi phí tốn kém. Vốn cho chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng dẫn của Chính phủ thực hiện hiệu quả chưa cao, nhu cầu rất lớn nhưng huy động đạt thấp, vốn Nhà nước mới đạt trên 11%, tín dụng 30%.

Ngoài ý kiến đóng góp tháo gỡ những khó khăn, bất cập này, các đại biểu kiến nghị tỉnh cần tập trung đầu tư cho các tiêu chí thiết chế văn hóa, môi trường, thu nhập, cơ cấu lao động… Trên cơ sở rà soát các tiêu chí và đánh giá tình hình thực tế địa phương 35 xã điểm, chỉ đạo cho sở, ngành chức năng có liên quan xây dựng kế hoạch riêng từng lĩnh vực tiêu chí, với lộ trình thực hiện cụ thể, đảm bảo nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới trong 2 năm tới (2014 - 2015).

Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong hệ thống chính trị và nhân dân để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về xây dựng nông thôn mới. Huy động lồng ghép các nguồn lực đầu tư theo phương châm: Việc gì chưa cần tiền hoặc cần tiền ít làm trước, việc gì cần nhiều tiền làm sau. Đẩy mạnh đầu tư giao thông xóm, ấp, thủy lợi, trường học, nước sạch, vệ sinh môi trường; giao quyền tự chủ cho người dân thực hiện xây dựng các công trình trên địa bàn ấp.

Ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác, dạy nghề, chuyển dịch cơ cấu sản xuất gắn với chế biến tiêu thụ nông sản hàng hóa theo hợp đồng… để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Vận động nhân dân cải tạo cảnh quan môi trường nơi ăn, chốn ở hợp vệ sinh. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa thể thao, văn nghệ nâng cao đời sống tinh thần của cư dân nông thôn.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Kiên Giang, tổng vốn bố trí cho chương trình này hơn 3.035 tỷ đồng, gồm: vốn Trung ương 2,8%, tỉnh 6,2%, vốn lồng ghép các ngành, doanh nghiệp 86% và còn lại huy động nhân dân đóng góp.

Hiện nay, tỉnh hoàn thành phê duyệt hồ sơ quy hoạch xã nông thôn mới 118 xã, đạt 100% kế hoạch, trong đó lập và phê duyệt xong 77 xã. Từ nay đến cuối năm 2015, tỉnh Kiên Giang phấn đấu có 35 xã điểm đạt tiêu chí xã nông thôn mới và huyện nông thôn mới Tân Hiệp; 83 xã còn lại, trong đó có 18 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, 47 xã đạt 10 - 14 tiêu chí và 18 xã đạt 5 - 9 tiêu chí. Riêng từ nay đến cuối năm 2013 có 2 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới là Mỹ Đức (Hà Tiên) và Tân Hiệp A (Tân Hiệp)./.

Hoài Anh

 
Số lần đọc: 1819
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan