Tin nóng
28.03.2017
Ngày 24/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang giám sát thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đặng Tuyết Em cùng lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, các sở, ngành đã tiếp đoàn.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang.

Kiên Giang là tỉnh ven biển nằm ở phía Tây Nam của Việt Nam thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có cả biên giới biển và biên giới bộ. Toàn tỉnh có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 07 huyện, thị xã ven biển và 02 huyện đảo, với 68/145 xã, phường, thị trấn có đảo hoặc có bờ biển. Với vị trí và điều kiện tự nhiên như vậy đã tạo cho Kiên Giang nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội mà đặc biệt là phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh của Tổ quốc.

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Anh Nhịn cho biết tỉnh Kiên Giang đã điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó rà soát, điều chỉnh, bổ sung và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hiện có nhằm huy động mọi nguồn lực, thành phần kinh tế đầu tư phát triển vào những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như nông nghiệp, thủy sản, kinh tế biển, công nghiệp chế biến.

Tổ chức thực hiện nhiều quy hoạch, kế hoạch phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh, gần đây nhất là những quy hoạch sau: Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Kiên Giang đến năm 2020; Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, quy hoạch nuôi tôm vùng Tứ giác Long Xuyên đến năm 2020; Quy hoạch phát triển hệ thống giống thủy sản mặn, lợ, ngọt đến năm 2015 và định hướng phát triển đến năm 2020; Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển, ven đảo giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể phân khu xây dựng Trung tâm nghề cá lớn, gắn với ngư trường Tây Nam bộ; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2020; Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020; Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ, biện pháp để tiến hành xây dựng thành khu vực phòng thủ vững chắc…

Trong những năm qua, sản lượng khai thác của tỉnh liên tục tăng trong giai đoạn 2006-2016, từ 311.618 tấn lên 519.091 tấn, tốc độ tăng bình quân 5,24%/năm. Xu hướng đóng mới tàu cá công suất lớn, khai thác xa bờ đã được chú trọng, đặc biệt là loại tàu có công suất lớn hơn 400 mã lực đã đạt được tốc độ tăng bình quân 22,8%/năm, góp phần tăng khả năng khai thác xa bờ, phù hợp với chủ trương của Chính phủ và phù hợp với định hướng phát triển của ngành. Mặc dù xu hướng đóng mới những tàu cá có công suất lớn tăng nhưng số lượng tàu cá có công suất nhỏ hơn 90 mã lực vẫn còn chiếm một tỷ lệ lớn. Đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 5.939 chiếc tàu cá có công suất nhỏ hơn 90 mã lực, chiếm 56,3% tổng số tàu cá toàn tỉnh.

Tỉnh cũng thường xuyên hợp tác với các tỉnh của Campuchia và Thái Lan để quản lý và khai thác nguồn lợi thủy sản, nhất là các loài di cư xuyên biên giới (cá cơm, cá ba thú, ghẹ xanh) với sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEADEC). Phối hợp với các tổ chức quốc tế và trong nước cải thiện một số nghề khai thác chính ở Kiên Giang như nghề lưới kéo, nghề khai thác ghẹ xanh...

Việc xây dựng kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh trên biển, đảo và tuyến biên giới của tỉnh về mặt bằng chung đã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của tỉnh, đồng thời đáp ứng yêu cầu phòng thủ, giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Trước những bấp cập và hạn chế còn tồn tại, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cũng định hướng tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ven biển, hải đảo, nhất là các công trình giao thông, điện, nước sinh hoạt; phát triển mạnh các ngành như: công nghiệp đóng tàu, khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế, các khu đô thị ven biển, hải đảo; phát triển ngành nghề và nâng cao đời sống của nhân dân ven biển, hải đảo. Thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ ngư dân, đầu tư khai thác thủy sản trên các vùng biển khơi xa. Chuyển đổi ngành nghề và phương thức đánh bắt để nâng cao chất lượng đánh bắt và bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Xây dựng và triển khai chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, quản lý, khai thác biển đảo một cách bền vững, giữ gìn và bảo vệ môi trường biển. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển. Tăng cường công tác đối ngoại, mở rộng và đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế về biển để tranh thủ vốn, tiềm lực khoa học, công nghệ; khuyến khích thành lập các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khai thác, phát triển kinh tế biển, nhất là các lĩnh vực thế mạnh của kinh tế biển Kiên Giang như nuôi trồng thủy sản, công nghiệp chế biến thủy sản, công nghiệp năng lượng. Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế biển, đảo, xây dựng các tổ đội dân quân tự vệ trong hoạt động đánh bắt và tự vệ biển nhằm đảm bảo vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo, nòng cốt là lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng và Kiểm ngư.

Trao đổi với Đoàn giám sát, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị nên xây dựng quy hoạch mở hoặc quy hoạch khung về phát triển khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; quy định cụ thể hình thức xử lý nghiêm hành vi bao chiếm vùng biển để trục lợi cá nhân/lợi ích nhóm và hành vi đưa tàu đi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; đồng thời nên có chính sách chung cho cả nước về hạn chế và đi đến cấm khai thác hải sản ở vùng biển ven bờ nhằm bảo vệ các bãi sinh sản của các loài hải sản, đồng thời phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển; nên quy hoạch cho cả nước những khu vực cho phép thả rạn nhân tạo để bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản; có quy định và hướng dẫn cụ thể về đồng quản lý (cùng quản lý) nghề cá nhằm phát huy được hiệu quả của hình thức quản lý này; quy định về thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển; thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước biển cho phù hợp với Luật Đất đai; đồng thời quy định rõ thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản của ngành Nông nghiệp, tránh chồng chéo với trách nhiệm, thẩm quyền của ngành Tài nguyên và Môi trường trong quản lý tổng hợp tài nguyên biển.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng cũng đánh giá tính cấp thiết của việc thành lập Đặc khu Phú Quốc và huyện đảo Thổ Châu trực thuộc tỉnh và kiến nghị Đoàn giám sát có ý kiến với Quốc hội để đẩy nhanh việc thành lập.

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những kết quả Kiên Giang đã đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cùng với du lịch thì khai thác, nuôi trồng, chế biển hải sản chính là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.

Chỉ rõ, sự phối hợp, kết hợp giữa các lực lượng trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, anh ninh tại Kiên Giang có điểm thực hiện còn chưa nhất quán, chưa hiệu quả, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này vẫn là trong công tác điều hành, chỉ đạo, quy hoạch, định hướng phát triển, triển khai chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ứng dụng khoa học công nghệ, nguồn lực phân tán, năng lực quản lý... còn hạn chế. Đề nghị, việc triển khai các chính sách, pháp luật phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh cần bám sát tình hình thực tế, đặc thù của địa phương để phát huy tốt nhất lợi thế, tiềm năng sẵn có trở thành lợi thế cạnh tranh. Đẩy mạnh thực hiện các quy định của quốc tế về bảo vệ nguồn lợi hải sản không chỉ đối với cư dân biển, đảo mà còn đối với toàn xã hội; chấp hành các hiệp ước, công ước đã ký cũng như những quy định của pháp luật, nâng cao ý thức trong khai thác thủy sản, không vi phạm những điều khoản nhà nước đã ký kết. Bên cạnh đó, cơ quan Quân sự, Công an, Biên phòng tỉnh cần chủ động, tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương về công tác quốc phòng, quân sự, bảo vệ an ninh trật tự trong hoạt động kinh tế biển. Nắm chắc tình hình, phối hợp thật tốt với chính quyền làm công tác huấn luyện, tập huấn cho ngư dân, người làm công trên biển, đặc biệt là các đội tự vệ, dân quân tự vệ biển, đội sản xuất an toàn... Từ đó, tạo được niềm tin để ngư dân vững tin hơn bám biển, khai thác hiệu quả nguồn lợi từ biển, làm giàu cho quê hương, đất nước./.

Bùi Kiên

Số lần đọc: 1700
Website Kiên Giang
Tin liên quan