Tin nóng
16.07.2014
Tỉnh Kiên Giang đã có 2 xã được công nhận xã nông thôn mới là xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp và xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang dồn sức hoàn thành thêm các tiêu chí khác, phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ có thêm 7 xã nữa đạt xã nông thôn mới.
Cửa khẩu quốc tế trên địa bàn xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên (ảnh – H.Anh).

Thời gian qua, phong trào xây dựng xã nông thôn mới dưới sự chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đã được các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai rộng khắp và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. Trong đó với vai trò của mình, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể vận động nhân dân đoàn kết, giúp đỡ nhau, chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới của địa phương; tích cực tuyên truyền vận động nhân dân tham gia đóng góp các loại quỹ, đất đai, công sức.

Đồng thời tổ chức phát động phong trào thi đua “Chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới” gắn kết với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Bên cạnh đó, có sự tham gia rất tích cực của nhà hảo tâm, các chức sắc, tôn giáo và nhân dân trong việc chung tay, góp sức hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Nhờ vậy mà đạt kết quả khá tốt.

Phong trào xây dựng xã nông thôn đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế gắn với xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh và ổn định. Ngoài 2 xã được công nhận xã nông thôn mới là Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp và xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, toàn tỉnh có 14 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí; 50 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí và 52 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí. 6 tháng đầu năm 2014, tỉnh đã giải ngân trên 1.500 tỷ đồng cho thực hiện xây dựng cơ bản, trong đó, có các công trình, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Trong đó, Tân Hiệp là huyện có tỷ lệ xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nhiều nhất của tỉnh. Cụ thể có 1 xã được công nhận xã nông thôn mới; 3 xã đạt 16/19 tiêu chí; 4 xã đạt 15/19 tiêu chí; 1 xã đạt 14/19 tiêu chí, xã Tân Thành đạt tiêu chí thấp nhất là 13 tiêu chí. Hiện nay, huyện đang tập trung giải quyết 4 nhóm vấn đề cơ bản là: giáo dục, y tế, môi trường và thiết chế văn hóa.

Tuy nhiên trong công tác xây dựng xã nông thôn mới vẫn còn rất nhiều khó khăn. Một số tiêu chí về giáo dục, cơ sở vật chất văn hóa, cải thiện môi trường… chưa được một số địa phương quan tâm chỉ đạo và đầu tư đúng mức nên chậm có chuyển biến rõ nét. Trong 6 tháng đầu năm, việc xây dựng giao thông nông thôn toàn tỉnh đạt rất thấp (thực hiện được 47,25km/533km, đạt 8,87%) nguyên nhân chủ yếu là do huy động nguồn vốn đóng góp của nhân dân không đạt, điều hành công tác này của nhiều địa phương thiếu quyết liệt.

Từ nay đến cuối năm 2014, tỉnh Kiên Giang phấn đấu có thêm 7 xã trong tổng số 35 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 được công nhận xã nông thôn mới gồm: Tân Hiệp B, Tân Hội, Thạnh Đông, Thạnh Đông A, Phi Thông, Định Hòa và Hòa Hưng.

Tại kỳ họp HĐND lần thứ 12 vừa qua, các đại biểu đã đề nghị UBND tỉnh tạm ứng vốn 2015 cho năm 2014 đối với 7 xã này để thực hiện một số tiêu chí nông thôn mới còn lại; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong nhân dân, nỗ lực vận động các nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo đúng tiến độ.

Trong đó cần chú trọng huy động nguồn vốn từ nhân dân, doanh nghiệp; phối hợp đào tạo nghề, tập huấn cho nông dân. Đặc biệt, các ban ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Về những kiến nghị trong việc xây dựng giao thông nông thôn và các tiêu chí về văn hóa, ông Trần Hoàng Nam – Chánh Thanh tra tỉnh và Thượng tọa Thích Minh Tiến cho biết:

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi khẳng định, xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng của tỉnh. Đây là vấn đề được bàn đi, bàn lại nhiều lần trong các cuộc họp. Về phía tỉnh luôn ưu tiên hỗ trợ đầu tư các xã nông thôn mới. Đặc biệt, chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng giao thông nông thôn.

Những nơi có điều kiện tiếp tục huy động vốn đóng góp của nhân dân theo tỷ lệ quy định; những nơi khó khăn thì sử dụng thêm hình thức huy động vốn bằng đóng góp công lao động để làm nền hạ theo tiêu chí, phần còn lại Nhà nước đầu tư toàn bộ.

Đồng thời, ủy quyền cho Chủ tịch UBND huyện trực tiếp phê duyệt danh mục đầu tư giao thông nông thôn; mở rộng hình thức đầu tư bằng giao cho dân trực tiếp thi công công trình. Về phía các huyện, cần gì thì phải kiến nghị, lãnh đạo tỉnh sẽ cố gắng làm hết sức./.

Hoài Anh

Số lần đọc: 2078
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan