Tin nóng
27.10.2016
Sáng ngày 25/10, tại Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang phối hợp tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch khu vực Tây Nam Bộ. GS.TS. Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Lê Hùng Dũng - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và ông Mai Văn Huỳnh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đồng chủ trì hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Hội nghị đã vinh dự đón tiếp TS. Trần Chí Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, lãnh đạo và cán bộ các Vụ, Cục, Văn phòng, Thanh tra Bộ Y tế; một số Viện, Bệnh viện; Cục Quân y, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng; đại biểu là lãnh đạo UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn đến từ 19 tỉnh/thành khu vực phía Nam; phóng viên báo chí Trung ương và địa phương.

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, vùng Tây Nam Bộ vẫn là khu vực tập trung nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, do mật độ dân số tăng nhanh trong những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường chưa giải quyết triệt để, lũ lụt, hạn hán diễn biến phức tạp, việc đi lại, vận chuyển còn khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển… đi kèm với đó là phát sinh thêm nhiều nguy cơ cho dịch bệnh bùng phát. Dự báo dịch bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát nếu không chủ động kiểm soát nghiêm ngặt và hiệu quả.

Riêng tại tỉnh Kiên Giang, theo báo cáo của ngành Y tế, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ 09 tháng đầu năm 2016, kết quả các chỉ tiêu cơ bản về phòng chống dịch bệnh đều đạt, kiểm soát chặt chẽ các bệnh truyền nhiễm, khống chế không để dịch lớn xảy ra góp phần đáng kể trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. 9 tháng đầu năm 2016, duy có bệnh sốt xuất huyết (700 ca) tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2015 (310 ca), xảy ra 01 ổ dịch cúm A(H1N1) tại Nhà máy May Vinatex ấp An Hòa, xã Định An, huyện Gò Quao. Nhìn chung tình hình vẫn ổn định, khả năng đáp ứng phòng chống dịch và điều trị được thực hiện khá tốt.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe PGS.TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. HCM trình bày báo cáo tình hình dịch bệnh truyền nhiễm và công tác tiêm chủng khu vực phía Nam, đề xuất các giải pháp đáp ứng. Nội dung báo cáo tập trung vào các nhóm vấn đề: Y tế công cộng và bệnh truyền nhiễm trên thế giới; tình hình bệnh truyền nhiễm và công tác tiêm chủng mở rộng tại khu vực phía Nam; bệnh sốt xuất huyết, Zika; những khó khăn và thách thức; bài học kinh nghiệm; nhận định tình hình dịch và sau cùng là các giải pháp phòng chống dịch. Theo đó, vùng Tây Nam Bộ được cho là vùng nhạy cảm với bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh có nguyên nhân do muỗi đốt, vấn đề đặt ra là phải chủ động kiểm soát và phòng chống hiệu quả các dịch bệnh như Zika và sốt xuất huyết trong cộng đồng, cúm, sởi, sốt phát ban do Rubella ở khu công nghiệp, tay chân miệng, bệnh đã có vắc xin phòng ngừa. Giải pháp tổng thể bao gồm: Huy động nhiều nguồn lực; công tác dự phòng và đáp ứng dịch; phối hợp các ngành thể hiện ở những mặt cụ thể: Chính quyền chỉ đạo, cấp kinh phí, trong đó, chịu trách nhiệm tình hình bệnh truyền nhiễm tại địa phương; quyết liệt, phân công ban ngành, đoàn thể và phê duyệt kế hoạch, cấp kinh phí ngay từ đầu năm. Ngành Y tế tham mưu, kiểm tra, giám sát, lập kế hoạch hành động đầu năm. Các cơ quan truyền thông thực hiện hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch bệnh theo kế hoạch từ đầu năm, không đợi đến khi có dịch mới thực hiện. Người dân trong cộng đồng được hướng dẫn thông qua các cơ quan y tế, truyền thông đại chúng và các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện các hoạt động dự phòng như tiêm phòng, diệt lăng quăng, vệ sinh cá nhân.

TS. Nguyễn Thanh Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế trình bày báo cáo tại hội nghị.

Đánh giá giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường góp phần ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm, TS. Nguyễn Thanh Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế nêu ra các giải pháp nhằm tăng cường công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh đối với khu vực Tây Nam Bộ; báo cáo vấn đề thực trạng nước sạch và vệ sinh, nguyên nhân và thách thức, các giải pháp thực hiện để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, chú trọng các giải pháp thực hiện về: thể chế, chính sách; tăng cường huy động nguồn lực; mô hình tiếp cận thúc đẩy vệ sinh; giải pháp về kỹ thuật và giải pháp truyền thông.

Các đại biểu đã tham gia các tham luận: Chăm sóc, theo dõi sức khỏe phụ nữ mang thai trong tình hình dịch bệnh do vi rút Zika; các giải pháp phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em khu vực Tây Nam Bộ; công tác phòng chống sốt xuất huyết, Zika; công tác phối hợp xử lý ổ dịch tại khu công nghiệp; công tác phòng chống dịch Rubella; thảo luận, trao đổi kinh nghiệm thực tế trong công tác phòng chống dịch bệnh ở các tỉnh/thành.

Được đánh giá là khu vực nhạy cảm với các dịch bệnh truyền nhiễm thông thường như sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy thường, theo GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế, các tỉnh/thành trong khu vực phải xem công tác phòng chống dịch bệnh là thường trực, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự tham gia của cộng đồng; xem các giải pháp xã hội là cơ bản. Từ đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, huy động các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, cộng đồng cùng tham gia phòng chống dịch bệnh.

Liên hệ với các thách thức về tình hình dịch bệnh diễn biến trên toàn cầu và giải pháp nhằm làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, từ góc độ của hội nghị này, có thể thấy được tầm quan trọng của sự phối hợp, vấn đề trách nhiệm của chính quyền, cộng đồng và toàn xã hội, để làm rõ thêm xin trích dẫn lời của TS. Magaret Chan - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, tại phiên họp Đại Hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 66, đã nhận định: “Ngày nay, các mối nguy sức khỏe mang tính cục bộ hầu như không còn và một mình ngành Y tế hầu như không thể đáp ứng được với các mối nguy sức khỏe…”

Trung Nghĩa

Số lần đọc: 2401
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan