Tin nóng
07.05.2015
Hiện nay, tỉnh Kiên Giang thu hút 35 dự án ODA, FDI của các nhà đầu tư đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,3 tỷ USD. Tính đến cuối quý I/2015, có 17 dự án được triển khai thực hiện do địa phương quản lý, chiếm hơn 66% tổng vốn đầu tư đăng ký, với vốn đối ứng hơn 186 tỷ đồng.
Dự án đường hành lang ven biển phía Nam đoạn qua địa phận tỉnh Kiên Giang - Ảnh minh họa

Những dự án này tập trung đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ du lịch, nuôi trồng thủy sản, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, cấp nước, y tế, giáo dục… Cụ thể như dự án nâng cấp mở rộng đường Giồng Riềng - Thạnh Phước (WB5); nâng cấp, cải tạo đường Lình Huỳnh - Thổ Sơn - Gàn Dừa, huyện Hòn Đất; chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEAQAP); chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; tăng cường kỹ năng nghề cho Trường Cao đẳng Nghề Kiên Giang; dự án kết hợp bảo tồn và phát triển tại các trọng điểm Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang; dự án thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long; nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long - tiểu dự án thành phố Rạch Giá; xây dựng Trung tâm Y học hạt nhân và xạ trị thuộc Bệnh viện Ung bướu tỉnh Kiên Giang; hỗ trợ xử lý chất thải Bệnh viện Y học cổ truyền và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang; dự án cấp nước huyện Phú Quốc; đường hành lang ven biển phía Nam đoạn qua địa bàn tỉnh…

Nhìn chung, nguồn vốn ODA đã hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, cấp nước, y tế, giáo dục… đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các dự án có nguồn vốn ODA còn một số khó khăn, vướng mắc như một số dự án vốn đối ứng Trung ương bố trí chưa đáp ứng tiến độ thực hiện, vốn đối ứng ít nên gặp nhiều khó khăn trong cân đối.

Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đang triển khai thực hiện dự án cấp nước huyện Phú Quốc. Tỉnh tranh thủ sự hợp tác với thành phố Kobe (Nhật Bản) và sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cấp nước đảo Phú Quốc, với tổng mức đầu tư khoảng 1.853 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA, thực hiện theo hình thức PPP. Trong đó, phần công gồm: hạng mục hồ chứa và đường ống phân phối, vốn đầu tư khoảng 1.653 tỷ đồng do tỉnh đầu tư; phần tư là nhà máy xử lý nước, vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng do doanh nghiệp của Nhật Bản đầu tư. Theo đó, hạng mục hồ chứa tổng mức khoảng 1.116 tỷ đồng dự kiến thực hiện từ nguồn vốn ODA do Chính phủ Việt Nam vay từ Chính phủ Nhật Bản cấp phát lại cho tỉnh đầu tư; phần đường ống phân phối tổng mức khoảng 537 tỷ đồng do Công ty Cấp thoát nước Kiên Giang vay lại ODA từ Bộ Tài chính đầu tư. Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Tài chính thì toàn bộ phần công của dự án phải thực hiện cơ chế cho vay lại. Do đó, nếu thực hiện theo cơ chế cho vay lại sẽ làm gia tăng áp lực vốn đầu tư cho dự án, tăng chi phí đầu tư và dẫn đến giá thành bán nước sạch sẽ tăng hơn so với phương án đã đề xuất. Trong khi đó, hồ chứa nước Cửa Cạn ngoài chức năng chứa và cung cấp nước cho dự án còn thực hiện nhiệm vụ điều tiết lũ vào mùa mưa, phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp vào mùa khô. Vì vậy, tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét cho áp dụng cơ chế cấp phát lại vốn cho Kiên Giang để đầu tư phần hồ chứa nước Cửa Cạn; đề nghị các bộ, ngành có liên quan hỗ trợ tỉnh sớm tiếp cận được nguồn vốn vay ODA để thực hiện dự án quan trọng này phục vụ đầu tư phát triển đảo Phú Quốc.

Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang đã ký kết 8 thỏa thuận quốc tế với một số tỉnh, thành phố các nước Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản hợp tác trên các lĩnh vực bảo vệ môi trường, công nghệ thông tin, quản lý người nước ngoài đến địa bàn tỉnh…./.

Lê Huy Hải

Số lần đọc: 2500
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan