Tin nóng
27.09.2013

Lễ động thổ Dự án cung cấp điện cho vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
 

Thự hiện tốt công tác dân tộc trong thời kỳ mới không những góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc mà còn góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh-quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc, nhiều nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc được giải quyết, quyền làm chủ được tôn trọng và phát huy...

Kiên Giang có 58.777 hộ với 251.253 người là dân tộc thiểu số, chiếm 14,4%; trong đó dân tộc Khmer 50.963 hộ với 218.122 người chiếm 12,5%; Hoa có 7.536 hộ với 31.737 người chiếm 1,8%; các dân tộc khác (Chăm, Tày, Nùng, Thái) 278 hộ, 1.394 người chiếm 0,06% so dân số của tỉnh.

Thực hiện Kết luận 57-KL/TW, ngày 3-11-2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về công tác dân tộc, giai đoạn 2010-2013, tỉnh đã tập trung tổ chức triển khai thực hiện nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc. Bằng các nguồn vốn tín dụng, các ngân hàng đã cho 46.740 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay để phát triển sản xuất, giảm nghèo với số tiền trên 415 tỷ đồng. Thực hiện Chương Trình 135 và các chương trình lồng ghép khác đã xây dựng 93 công trình kết cấu hạ tầng, khởi công xây dựng dự án cung cấp điện cho vùng đồng bào dân tộc. Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm, di đời chuồng trại, làm nhà vệ sinh cho 4013 hộ, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho 121.275 hộ thuộc hộ nghèo ở 53 xã thuộc vùng khó khăn, cất 1.011 căn nhà 167 cho hộ dân tộc nghèo với số tiền trên 300 tỷ đồng... Thông qua thực hiện các chương trình dự án, đời sống của đồng bào dân tộc tiếp tục được nâng lên, số hộ khá, đủ ăn tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm hằng năm bình quân gần 3%/năm. Hộ Khmer nghèo giảm từ 18,5% năm 2010 còn 11,6% năm 2012, hộ cận nghèo từ 15,04% xuống còn 10,02%. Hộ sử dụng điện tăng 15,3%, nước hợp vệ sinh tăng 12,07% so năm 2010; đặc biệt đã có 16/28 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn.

Chính sách khuyến khích về giáo dục và đào tạo cho đồng bào dân tộc tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện khá tốt. Chất lượng dạy và học không ngừng được nâng lên, tỷ lệ huy động học sinh dân tộc trong độ tuổi (6-14) đến trường bình quân hàng năm đạt trên 96%, trong đó dân tộc Khmer 95%, dân tộc Hoa 97%. Hiện trong toàn tỉnh có 5 trường dân tộc nội trú (01 tỉnh và 4 huyện), với tổng số học sinh là 1.369 em. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông ngày càng cao, học sinh dân tộc ở 3 bậc học hàng năm có trên 37.000 học sinh, chiếm 12%. Thực hiện tốt chính sách cử tuyển 193 em vào học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và 215 em dự bị đại học Thành phố Hồ Chí Minh; có 1.155 em dân tộc Khmertrúng tuyển vào các trường Cao đẳng Cộng đồng, Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật, Cao đẳng Y tế, Trung cấp nghề của tỉnh. Tổ chức đào tạo nghề cho 13.844 thanh niên với kinh phí 11 tỷ đồng. Tổ chức mở 482 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho 14.201 lượt người; qua đó có 11.250 lao động được tuyển dụng làm việc tại các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hệ thống y tế vùng dân tộc được củng cố, cơ sở vật chất y tế được tăng cường đầu tư, nâng cấp; đội ngũ y, bác sĩ được bổ sung về số lượng và bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Hầu hết các trạm y tế xã nơi có đông đồng bào dân tộc đều có bác sĩ (60/64 xã có bác sĩ tại trạm y tế). Đội ngũ y bác sĩ là người dân tộc thiểu số ngày càng phát triển, đến nay có 471 cán bộ y tế là người dân tộc, tăng 146 cán bộ y tế so với năm 2010. Thực hiện mua và cấp 413.381 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo và 260.647 hộ cận nghèo.

Bản sắc văn hoá, phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số được tôn trọng, bảo tồn, phát huy. Các chùa Khmer, Hoa được tạo điều kiện trùng tu, sửa chữa khang trang, một số chùa có công trong kháng chiến là di tích cách mạng, lịch sử, văn hóa và một số chùa quá khó khăn được ngân sách Trung ương, tỉnh hỗ trợ kinh phí, trùng tu, sửa chữa, hỗ trợ kinh phí xây dựng lò hỏa táng, mua dàn nhạc ngũ âm, sửa chữa đóng mới ghe ngo với số tiền trên 25 tỷ đồng. Hằng năm vào các ngày tết, lễ truyền thống, các sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng dân gian đều được tổ chức theo hướng vừa mang tính giáo dục, vừa giảm bớt những phong tục lạc hậu. Mức hưởng thụ văn hóa trong đồng bào dân tộc được nâng lên, đến nay đã có trên 85% hộ dân tộc Khmer và 100% người Hoa có phương tiện nghe nhìn. Ngoài ra, thực hiện khá tốt việc cấp miễn phí một số loại báo, tạp chí cho các xã vùng đông dân tộc thiểu số, các chùa, người có uy tín, trong và đồng bào dân tộc. Thực hiện hỗ trợ cho 22.643 lượt hộ đồng bào dân tộcKhmer nghèo và 5.125 hộ cận nghèo đón Tết Chol-Chnăm-Thmây với số tiền trên 5,5 tỷ đồng.

Công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong vùng đồng bào dân tộc được chú trọng. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã kết nạp mới được 911 đảng viên, nâng tổng số đảng viên dân tộc lên 2.769 đảng viên, trong đó Khmer 2.306, Hoa 420, Mường 16, Tầy 14, Thái 04, Nùng 1, Chăm 04, Dao 01. Đội ngũ cán bộ người dân tộc ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng; hiện có 231 cấp ủy viên các cấp (có 38 là người Hoa), tăng 49 cấp ủy viên so với nhiệm kỳ trước. Toàn tỉnh có 2.550 cán bộ, công chức là người dân tộc tham gia quản lý chính quyền và cơ quan hành chính các cấp, 1.029 cán bộ dân tộc là thành viên Mặt trận Tổ quốc và ủy viên ban chấp hành các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Phần lớn cán bộ, đảng viên người dân tộc đều phát huy được vai trò chính trị và tác dụng nòng cốt ở cơ sở, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao./.

Quốc Tuấn

 

Số lần đọc: 2018
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan