Tin nóng
10.08.2017
Tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ động ứng phó với mùa lũ đang đến và dự báo diễn biến phức tạp, nhằm bảo vệ an toàn cho sản xuất và đời sống dân sinh.
Cống ngăn mặn, thoát lũ ra biển Tây trong hệ thống thủy lợi Tứ giác Long Xuyên - Ảnh minh họa

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với địa phương triển khai phương án phòng, chống lũ, bảo vệ an toàn vụ lúa Hè Thu và Thu Đông, nhất là những địa phương đầu nguồn lũ vùng Tứ giác Long Xuyên là Kiên Lương, Giang Thành, Hòn Đất và thị xã Hà Tiên. Tập trung kiểm tra, rà soát, sửa chữa các công trình thủy lợi đảm bảo vận hành thoát lũ ra biển Tây; bồi trúc, gia cố các tuyến đê bao xung yếu, chưa đảm bảo an toàn và bờ bao nội đồng, vận hành cống điều tiết nước để ứng phó với lũ. Đẩy nhanh tiến độ thi công những dự án, công trình thủy lợi trọng yếu trong vùng lũ sớm hoàn thành đối phó lũ. Theo dõi, cập nhật thông tin, dự báo tình hình và diễn biến mưa lũ thực tế, kịp thời thông báo cho các ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động ứng phó, bảo vệ sản xuất, tránh bị thiệt hại. Phối hợp với tỉnh An Giang thống nhất lịch xả lũ đầu nguồn tại 2 đập tràn Trà Sư và Tha La nhằm kiểm soát lũ, lưu lượng nước đổ về vùng Tứ giác Long Xuyên kết hợp vận hành hợp lý hệ thống cống thoát lũ ra biển Tây.
    Được biết, vụ lúa Hè Thu năm nay, tỉnh Kiên Giang xuống giống 287.635 ha, đạt 97,5% kế hoạch. Đến thời điểm này thu hoạch khoảng 100.000 ha, đạt gần 35% diện tích gieo sạ, tập trung chủ yếu ở các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, Châu Thành, Giang Thành, Hòn Đất và thành phố Rạch Giá. Tiếp đến, lúa Thu Đông xuống giống hơn 80.100 ha, đạt gần 90% kế hoạch, tập trung ở các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, Châu Thành, Hòn Đất, Gò Quao và thành phố Rạch Giá. Nhìn chung, những trà lúa này bảo đảm an toàn, không bị ảnh hưởng đợt lũ xuất hiện sớm đang diễn biến khá phức tạp ở vùng đầu nguồn, nước đang lên nhanh.
    Cùng với đó, các địa phương chủ động phương án bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản, hoa màu và vườn cây ăn quả, nhất là vùng nuôi tôm ở vùng Tứ giác Long Xuyên, tính toán thời điểm thu hoạch hợp lý, tránh bị thiệt hại trong thời điểm đỉnh lũ dâng cao vào khoảng tháng 9, tháng 10/2017. Hiện, các địa phương vùng rốn lũ, vùng bị ảnh hưởng lũ tập trung rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao thấp, yếu có nguy cơ ngập tràn, sạt lở để gia cố, bồi trúc bảo vệ và đảm bảo an toàn cho sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do lũ gây ra.
    Ngoài chủ động phòng, chống lũ, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang chuẩn bị kế hoạch, phương án hỗ trợ nông dân sản xuất trong mùa lũ, đặc biệt chú trọng những mô hình “sống chung với lũ” thích hợp, hiệu quả như: nuôi tôm càng xanh, nuôi cá nước ngọt, khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản tự nhiên, phát triển trồng một số loại rau trên mặt nước…; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để khi nước lũ rút bắt tay vào sản xuất vụ lúa Đông Xuân.
    Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông thủy, khai thông dòng chảy trước mùa mưa lũ, rà soát cảnh báo, kiểm soát an toàn giao thông ở những khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn hoặc khi có sự cố thiên tai. Các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, xử lý vi phạm các bến phà, đò ngang sông, phương tiện thủy nội địa, đò dọc, đò ngang hoạt động không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Tăng cường công tác phòng ngừa rủi ro thiên tai liên quan đến nước đối với trẻ em trong mùa mưa lũ./.

Lê Huy Hải

Số lần đọc: 1280
Theo Website Kiên Giang
Tin liên quan