Tin nóng
20.01.2014
Năm 2013 đầy khó khăn, thách thức, nhưng cũng ghi lại biết bao thành tựu to lớn về kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội, quốc phòng – an ninh vừa kết thúc. Được sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang đã bình chọn 10 sự kiện nổi bật trong tỉnh năm 2013, Ban biên tập xin giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện này.

1- Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang

Chiều 12/12/2013, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang kể từ khi thành lập Đảng bộ tỉnh đến nay. Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương những cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kiên Giang.

Trong gần 3 năm qua, Kiên Giang đã triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX với các chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có bước phát triển; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 3 năm 2011 - 2013 đạt 11,02%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt hơn 44,79 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ; tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn trung bình cả nước, năm 2013 chỉ còn 4,73%; sản lượng lương thực và thủy sản là một trong những địa phương đứng đầu cả nước.

2- Kỷ niệm 40 năm chiến thắng trở về

Ngày 15/3/2013, tại Khu di tích lịch sử Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc, thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc, Ban liên lạc tù binh Việt Nam và tỉnh Kiên Giang phối hợp tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng trở về và tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Nhà tù Phú Quốc (15/3/1973 - 15/3/2013).

Tham dự buổi lễ có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Kiên Giang, cùng 1.900 cựu tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc ở 53 tỉnh, thành phố trên cả nước.Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tại Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc là nơi địch giam cầm, đọa đày các chiến sĩ cách mạng với quy mô, số lượng lớn nhất ở Việt Nam; trong đó giai đoạn 1967 - 1973, đã giam giữ gần 40.000 lượt tù binh cộng sản.

Thực hiện Hiệp định Paris, từ ngày 15/3/1973, địch buộc phải trao trả tù binh của Nhà tù Phú Quốc và cũng là ngày đánh dấu “Địa ngục trần gian” tại hòn đảo này vĩnh viễn bị xóa bỏ. Gắn với sự kiện này, tỉnh Kiên Giang khánh thành Di tích lịch sử Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc giai đoạn I với kinh phí gần 50 tỷ đồng.

3- Tăng cường hoạt động đối ngoại với các tỉnh của Vương quốc Campuchia

Tỉnh Kiên Giang có đường biên giới trên bộ tiếp giáp Vương quốc Campuchia dài gần 60 km, với Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên và Cửa khẩu Quốc gia Giang Thành. Năm 2013, nhiều sự kiện hợp tác, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Kiên Giang (Việt Nam) với các tỉnh Campốt, Kép, Sihanouk và Kohkong (Campuhia) tiếp tục nâng lên tầm cao mới, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhà nước và nhân dân hai nước.

Tỉnh ta đã hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh bạn Campuchia, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia hoạt động tại những khu kinh tế cửa khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh sang Campuchia gồm: thực phẩm chế biến, hàng gia dụng, chế phẩm tẩy rửa, bánh ngọt, thức ăn gia súc, bao PP, hải sản các loại…; còn các mặt hàng nhập khẩu là thạch cao, than đá, hạt nhựa, gỗ xẻ các loại, vải.

4- Khởi công Dự án cáp ngầm xuyên biển ra đảo Phú Quốc

Ngày 17/11/2013, tại xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cùng lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Nam, đã ấn nút phát lệnh khởi công Dự án cáp điện ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc. Đây là hạng mục công trình cuối cùng trong dự án đầu tư đưa điện lưới quốc gia từ đất liền ra đảo Phú Quốc bằng cáp ngầm biển 110kV, có tính phức tạp và dài nhất Đông Nam Á, với vốn đầu tư gần 2.336 tỷ đồng, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.

Dự án không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, giữ vững chủ quyền quốc gia và bảo đảm quốc phòng - an ninh, mà còn góp phần đưa Phú Quốc nhanh chóng trở thành “hòn ngọc” của Việt Nam.

5- Chứng nhận Vườn Quốc gia U Minh Thượng là Vườn di sản ASEAN

Ngày 12/8/2013, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến đã trao chứng chỉ công nhận Vườn di sản ASEAN cho Vườn Quốc gia U Minh Thượng, thuộc tỉnh Kiên Giang. Đây là Vườn di sản ASEAN thứ 5 của Việt Nam và là Vườn di sản ASEAN đầu tiên về đất than bùn của khu vực. Vườn Quốc gia U Minh Thượng thuộc tổng thể Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang đã được UNESCO công nhận vào ngày 27/10/2006. Vườn rộng hơn 21.000 ha; trong đó, vùng lõi 8.038 ha, còn lại là vùng đệm.

Ngoài cây tràm bản địa, U Minh Thượng còn có hơn 243 loài thực vật có mạch bậc cao, trong đó nhiều loài cây thân gỗ cao to như bùi, mốp, dấu, trâm, gáo... Nơi đây xuất hiện 32 loài thú, 186 loài chim, 39 loài bò sát lưỡng cư và 34 loài cá. Nhiều loại động vật hoang dã ở U Minh Thượng thuộc loại quý hiếm, đặc trưng và nguy cấp đang được bảo vệ nghiêm ngặt.

6- Ủy ban châu Âu (EU) trao chứng nhận tên gọi xuất xứ (PDO) “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm Phú Quốc

Ngày 19/8/2013, tại Phú Quốc, lãnh đạo Bộ Công Thương, tỉnh Kiên Giang và phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã tổ chức lễ trao chứng nhận tên gọi xuất xứ được bảo hộ “Phú Quốc” tại các nước Liên minh châu Âu cho sản phẩm nước mắm Phú Quốc của Việt Nam. Đây là sản phẩm đầu tiên của các nước ASEAN được chính thức bảo hộ tên gọi xuất xứ tại 28 nước thành viên Liên minh châu Âu và là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại EU.

Với kết quả này, chỉ có sản phẩm nước mắm sản xuất và đóng chai tại huyện đảo Phú Quốc mới được phân phối vào thị trường EU, giúp cho việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái nước mắm Phú Quốc tại thị trường này. Việc được bảo hộ tên gọi xuất xứ tại các nước Liên minh châu Âu không chỉ nâng cao danh tiếng của sản phẩm, mà cònđặt ra thách thức lớn trong việc kiểm soát chất lượng và đưa thương hiệu nước mắm Phú Quốc ra thị trường thế giới.

7- Lễ hội kỷ niệm 145 năm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Trong 3 ngày, từ ngày 30/9/2013 - 02/10/2013, nhằm các ngày 26, 27 và 28/8 năm Quý Tỵ, tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã long trọng tổ chức lễ hội kỷ niệm 145 năm Ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực hơn. Bằng vũ khí thô sơ, Nguyễn Trung Trực đã lãnh đạo nghĩa quân đốt tàu Ésperance của Pháp ngày 10/12/1861 trên vàm sông Nhật Tảo và đánh chiếm đồn Kiên Giang ngày 16/6/1868, làm cho địch khiếp vía, run sợ.

Ông bị thực dân Pháp bắt, tuyên án tử hình và bản án được thi hành tại Rạch Giá ngày 27/10/1868, khi ông mới 30 tuổi. Để bày tỏ lòng tri ân, thành kính đối với người con bất khuất, kiên trung của đất nước, nhân dân đã lập đình thờ ông tại Rạch Giá và tổ chức lễ giỗ ông vào các ngày 26, 27 và 28/8 âm lịch hàng năm. Nhiều năm qua, lễ hội truyền thống Nguyễn Trung Trực đã có sức lan tỏa ngày càng rộng, từ một lễ giỗ được nâng lên thành lễ hội.

Hầu như mọi người đến với lễ hội bằng cả tấm lòng tự nguyện, không chỉ ủng hộ vật lực, tài lực nhiều hay ít, mà còn bằng nhân lực để phục vụ trong những ngày trước, trong và sau lễ hội. Cũng trong dịp này, tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ khánh thành Nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, với tổng kinh phí gần5 tỷ đồng.

8- Khánh thành Nhà bia tưởng niệm 500 người dân xã đảo Thổ Châu bị Khmer đỏ giết hại

Ngày 24/4/2013, UBND huyện Phú Quốc tổ chức khánh thành Nhà bia tưởng niệm 500 người dân xã Thổ Châu bị Khmer đỏ thảm sát và các chiến sĩ hy sinh giải phóng đảo Thổ Chu; công trình có chi phí đầu tư 1,6 tỷ đồng. Sau khi đất nước thống nhất, do vị trí đảo xa, quân ta chưa kịp tiếp quản, ngày 10/5/1975, Khmer đỏ đưa quân đánh chiếm đảo Thổ Chu, dồn hơn 500 dân thường xuống tàu, đưa ra biển thủ tiêu. Sau đó, lực lượng hải quân của ta kết hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực hành quân ra giải phóng đảo vào ngày 24/5/1975.

Năm 1992, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về xây dựng và phát triển vùng kinh tế mới, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, 11 hộ dân với 94 nhân khẩu đầu tiên được hỗ trợ ra đảo Thổ Chu sinh sống, lập nghiệp. Ngày 24/4/1993, xã Thổ Châu chính thức thành lập theo Nghị định số 19/CP của Chính phủ. Qua 20 năm, với tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi gian khó, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn xã xây dựng Thổ Châu ngày càng phát triển; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo phía Tây Nam của Tổ quốc.

9- Bộ Chính trị và Chính phủ chính thức cho chủ trương thành lập đặc khu hành chính - kinh tế Phú Quốc trực thuộc Trung ương

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang tại Hà Nội, chiều 12/12/2013, Bộ Chính trị đã cho chủ trương thành lập đặc khu hành chính - kinh tế Phú Quốc trực thuộc Trung ương. Cuối năm 2013, HĐND tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết đề nghị Trung ương công nhận Phú Quốc là đô thị loại 2. Huyện đảo Phú Quốc cách thành phố Rạch Giá 120 km, cách thị xã Hà Tiên 46 km, nằm trong vùng biển tiếp giáp vùng biển của các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaixia, Campuchia…

Huyện có diện tích tự nhiên gần 59.000 ha, bao gồm 27 đảo lớn, nhỏ; dân số toàn huyện hơn 103.000 người. Để tập trung đầu tư phát triển nhanh và bền vững huyện đảo Phú Quốc, ngày 05/10/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Đây là một cơ sở pháp lý rất quan trọng giúp đẩy nhanh tiến trình phát triển huyện đảo Phú Quốc.

10- Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thành công đại hội các đoàn thể trong hệ thống chính trị

Đại hội Đại biểu Công đoàn tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2013 - 2018) diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/3/2013. Đại hội đề ra mục tiêu, phương hướng trọng tâm là: Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Công đoàn các cấp; xây dựng đội ngũ công nhân viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn vững mạnh; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…

Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2013 - 2018) diễn ra trong 2 ngày 04 và 05/4/2013. Với tinh thần “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững”, nhiệm kỳ mới 2013 - 2018, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đẩy mạnh phong trào nông dân xây dựng nông thôn mới, vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng và duy tu bảo dưỡng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Hàng năm, mỗi cơ sở hội có ít nhất một công trình mang tên hội; 95% gia đình hội viên, nông dân được công nhận đạt chuẩn văn hóa… Cũng trong năm 2013, Đại hội Đại biểu Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh lần thứ II (nhiệm kỳ 2013 - 2018) được tổ chức thành công./.

Thế Hạnh

Số lần đọc: 2092
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan