Tin nóng
09.01.2018
Tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Phạm Vũ Hồng đã phát biểu giải trình làm rõ thêm nhiều vấn đề về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 và những vấn đề đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm.

  Năm 2017 là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh bên cạnh những yếu tố thuận lợi cơ bản, song cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Đặc biệt là tình hình thời tiết diễn biến bất thường, mưa, bão nhiều hơn so với những năm gần đây trong khi chúng ta chưa chủ động thích ứng; đầu tư công tiếp tục thắt chặt; sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thị trường cạnh tranh gay gắt đã làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Nhưng với tinh thần chủ động, quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành, kiên định với mục tiêu đặt ra cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư từng bước được tháo gỡ, các vấn đề phức tạp nảy sinh được tập trung chỉ đạo xử lý kịp thời, các giải pháp bù đắp sản xuất được triển khai nhanh và quyết liệt... Nhờ đó, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, tăng trưởng kinh tế trở lại đúng với khả năng của tỉnh với tổng sản phẩm trên địa gần 57.586 tỷ đồng, đạt 104,71% kế hoạch, đứng thứ 3/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 7,39%, vượt 0,19% kế hoạch. Nghị quyết HĐND tỉnh giao 22 chỉ tiêu, kết quả có 17 chỉ tiêu đạt và vượt, 05 chỉ tiêu gần đạt.

 

    Ở khu vực I, thực hiện chủ đề năm 2017 là “cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới”, UBND tỉnh đã phê duyệt và công bố điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; hoàn thành rà soát quy hoạch thủy lợi phục vụ sản xuất trình HĐND tỉnh tại kỳ họp này để làm cơ sở thực hiện. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất theo chuỗi giá trị. Sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung hơn với diện tích lúa chất lượng cao chiếm hơn 75%; triển khai xây dựng 169 cánh đồng lớn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP; đẩy mạnh chuyển đổi nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả khá cao, thu nhập của người nông dân được nâng lên. Hạ tầng nuôi trồng thủy sản được tiếp tục tập trung đầu tư ở những vùng trọng điểm, nhất là vùng nuôi tôm, cùng với các chính sách hỗ trợ, khuyến khích kịp thời và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào nuôi trồng đã giúp nâng cao năng suất và giá trị ngành nuôi trồng thủy sản. Từ đó góp phần cho tăng trưởng của khu vực I năm nay đạt 3,21%, đóng góp cho tăng trưởng chung 1,19 điểm % (so với năm 2016 là -0,62 điểm %), trong đó thủy sản tăng 8,75%, là ngành có đóng góp vượt trội cho tăng trưởng chung với 0,93 điểm %.

 

    Tiếp tục xây dựng, kiện toàn và phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp. Bước đầu thí điểm khá tốt doanh nghiệp tham gia cổ phần và điều hành hợp tác xã, nâng lên trình độ quản trị, nguồn lực tài chính và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất của hợp tác xã, liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã trong chuỗi giá trị từ cung ứng đầu vào, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngày càng nhiều và mang lại hiệu quả, sản xuất từng bước thích ứng với nhu cầu thị trường.

 

    Ở khu vực II, trong năm qua mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, UBND tỉnh đã tăng cường đối thoại và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc; qua đó góp phần củng cố niềm tin của doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Kết quả tăng trưởng khu vực II đạt 10,54%, đóng góp tăng trưởng chung 2,11 điểm %.

 

    Huy động vốn đầu tư toàn xã hội dù chưa đạt kế hoạch nhưng tăng 11,24% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư mặc dù chỉ nhiều hơn 02 dự án so với năm 2016, năm 2017 là 40, nhưng số vốn đăng ký nhiều hơn khoảng 32.000 tỷ đồng, cho thấy thu hút đầu tư dần có trọng tâm và mời gọi được nhiều dự án lớn. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 1.449 doanh nghiệp, tăng 15% so cùng kỳ với tổng vốn đăng ký hơn 14.463 tỷ đồng, tăng 13% so cùng kỳ. Đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt, giá trị hoàn thành và giải ngân vốn tăng cao nhất trong 3 năm qua. Đầu tư giao thông nông thôn được chú trọng, tỷ lệ nhựa hóa hoặc bê tông hóa đường giao thông nông thôn đạt 74,6%; chương trình cấp điện cho các xã đảo, điện nông thôn vùng lõm tiếp tục được quan tâm, nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

 

    Đối với khu vực III, đây là khu vực giữ được tăng trưởng ổn định ở mức cao 9,64%, đóng góp hơn 3,81% vào tăng trưởng chung - là khu vực có mức đóng góp cao nhất. Trong đó, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ vượt 0,7% kế hoạch, tăng 15,43% so cùng kỳ, xếp thứ 3/13 tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long; thu hút khách du lịch vượt mốc 6 triệu lượt khách, vượt 4,45% kế hoạch, tăng 7,84% so cùng kỳ, dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tổng doanh thu trên 4.582 tỷ đồng, vượt 20,6% kế hoạch, tăng 24,8% so cùng kỳ. Đến thời điểm này có thể khẳng định đây là khu vực vừa đạt và vượt kế hoạch năm 2017, đồng thời cũng đã bù đắp phần nào cho các khu vực còn lại.

 

    Lĩnh yực xuất khẩu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong bối cảnh cạnh tranh hết sức gay gắt về thị trường đầu ra cũng như nguồn nguyên liệu đầu vào, các rào cản kỹ thuật… trong khi năng lực, khả năng tiếp cận thị trường mới của doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh còn hạn chế. Đây là năm đầu tiên chỉ tiêu xuất khẩu vượt kế hoạch sau nhiều năm liền không đạt (vượt 17,5%, tăng 34,27% so với cùng kỳ).

 

    Văn hóa - xã hội được quan tâm nhiều hơn, giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, chất lượng được nâng lên. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tăng cường; triển khai thực hiện nhiều giải pháp giảm quá tải các bệnh viện, chất lượng khám và điều trị bệnh từng bước được nâng lên. Công tác an sinh xã hội và thực hiện chính sách đối với người có công thực hiện khá tốt. Giải quvết việc làm vượt 9,3% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm từ 8,32% xuống còn 6,21%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; đời sống một bộ phận nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.865 USD, cao hơn 111 USD/người so với kế hoạch. Nhiều sự kiện, lễ hội và hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhân kỷ niệm các ngày lề lớn diễn ra đúng kế hoạch, thu hút nhiều lượt khách trong và ngoài tỉnh tham gia.

 

    Quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội ổn định; hoàn thành diễn tập khu vực phòng thủ ở 03 cấp đạt kết quả khá tốt. Tỷ lệ giải quyết đơn khiếu nại của công dân đạt khá; chỉ đạo một số biện pháp giải quyết khiếu nại đông người phát huy hiệu quả, phù hợp với tình hình của từng địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực xây dựng, đất đai, khoáng sản, tài nguyên, môi trường, rừng được tăng cường. Thành lập mới và duy trì các Tổ công tác để hỗ trợ cho UBND cấp huyện trong giải quyết khiếu nại. Tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí.

 

    Hoạt động đối ngoại được tăng cường, ngoài việc giữ gìn và nâng cao hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tỉnh bạn giáp biên, trong năm qua UBND tỉnh đã tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại với tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản về hợp tác trên lĩnh vực thủy sản; ký kết hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề với các trường đại học Hàn Quốc...

 

    Công tác cải cách hành chính và xây dựng chính quyền được nâng lên; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, các ngành tiến bộ hơn. Giải quyết thủ tục hành chính, nhất là công tác cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân từng bước khắc phục được sự chậm trễ, phiền hà cho nhân dân. Hoàn thành và đưa vào vận hành giai đoạn 1 thành phố thông minh huyện Phú Quốc. Chỉ đạo hoàn thành bước 1 Đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc và trình Trung ương Đề án thành lập huyện Thổ Châu, thành phố Hà Tiên đúng tiến độ.

 

    Bên cạnh những kết quả đạt được, năm qua kinh tế tỉnh ta cũng gặp không ít khó khăn, kết quả sản xuất ở một số lĩnh vực đạt thấp; còn 5 chỉ tiêu theo Nghị quyết của HĐND tỉnh chưa đạt, thấp nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành đã thoát khỏi tăng trưởng âm nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu; nguyên nhân là do do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nắng hạn, xâm nhập mặn cục bộ, đất nhiễm mặn nên vụ Mùa đã có 10.455 ha bị thiệt hại 70% trở lên, và gần 10.000 ha lúa chuyển sang nuôi tôm; vụ Đông Xuân do thời tiết mưa nhiều và trái vụ xảy ra liên tục làm lúa bị đổ ngã, một số nơi xảy ra ngập úng cục bộ, dịch muỗi hành bùng phát trong và ngay sau dịp tết Nguyên đán gây hại trên 38.000ha… dẫn đến năng suất, sản lượng thu hoạch lúa cả năm hụt 464.263 tấn so kế hoạch và giảm 105.564 tấn so cùng kỳ, làm cho giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp đạt thấp. Đối với thủy sản, tuy diện tích thả nuôi cua tăng so với kế hoạch nhưng do độ mặn từ đầu năm thấp làm chậm lớn, cỡ thu hoạch nhỏ nên sản lượng, giá trị đạt rất thấp; đối với nhuyễn thể, do tình hình thủy sản tự nhiên (cá, nhuyễn thể, giáp xác) chết bất thường làm hưởng đến tâm lý thả nuôi của người dân trong một thời gian dài, dẫn đến sản lượng nuôi trồng không đạt kế hoạch. Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng chậm, giá trị sản xuất ngành công nghiệp chưa đạt kế hoạch là do khó khăn về nguyên liệu và cạnh tranh thị trường sản phẩm đầu ra hết sức quyết liệt, làm cho các doanh nghiệp chế biến, sản xuất không ổn định; một số nhà máy mới đưa vào hoạt động chưa đạt công suất theo dự kiến… dẫn đến một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ và đạt thấp so với kế hoạch. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội chưa đạt chỉ tiêu đề ra, nguyên nhân là do giá trị giải ngân vốn ngân sách chỉ đạt 95,77%; công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, dẫn đến chậm bàn giao đất cho nhà đầu tư triển khai dự án, từ đó làm cho giải ngân vốn đầu tư từ khu vực tư nhân mới đạt 89,84% kế hoạch; chất lượng du lịch còn thấp, sản phẩm dịch vụ du lịch chưa nhiều.

 

    Việc xử lý ô nhiễm môi trường ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, nhất là rác thải sinh hoạt ở các đô thị, khu dân cư nông thôn, khu, điểm du lịch. Công tác quản lý đô thị tại một số địa phương chưa tốt, dẫn đến tình trạng xây dựng không phép, trái phép diễn ra phổ biến, gây dư luận trong xã hội.

 

    Công tác đầu tư, sửa chữa, xây dựng mới trường ở một số địa phương còn chậm hoặc thiếu mặt bằng; việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non còn khó khăn. Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế còn thấp. Một số dịch bệnh tăng so cùng kỳ. Hiệu quả hoạt động của một số thiết chế văn hóa hiện có chưa cao. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vẫn còn nhiều khó khăn. Tình hình an ninh trật tự từng lúc, từng nơi diễn biến phức tạp, nhất là tình hình khiếu kiện, tranh chấp ngư trường, khai thác thủy sản vi phạm lãnh hải các nước còn xảy ra. Công tác quản lý, điều hành của một số cơ quan hành chính nhà nước các cấp vẫn còn hạn chế, yếu kém; tác phong, lề lối, thái độ phục vụ, tuyên truyền vận động quần chúng của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, gây phiền hà cho doanh nghiệp và nhân dân. Việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính có tiến bộ nhưng chưa nghiêm; đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước chưa tốt.

 

    Mặc dù bức tranh chung về kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2017 có nhiều khởi sắc, tạo đà thuận lợi cho năm 2018, tuy nhiên không vì thế mà chủ quan, trái lại với những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, sức cạnh tranh nền kinh tế tỉnh còn thấp, sản xuất nông nghiệp còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa chủ động trong thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh, giống cây trồng và vật nuôi, hạ tầng thủy lợi, điện cho sản xuất chưa đồng bộ; sản xuất công nghiệp phát triển chậm, thị trường tiêu thụ còn nhiều khó khăn, tình hình an ninh trên biển, biên giới, khiếu nại, tố cáo còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Cải cách hành chính vẫn chưa theo kịp với yêu cầu phát triển... Vì thế, để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, UBND tỉnh tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như sau:

 

      Lĩnh vực kinh tế: Tổ chức thực hiện nghiêm túc Chủ đề năm 2018 là “Kiện toàn tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế và tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nồng thôn mới”. Tập trung phát triển mạnh công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp có thế mạnh, sử dụng nhiều lao động địa phương; đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Quyết liệt hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế, huy động tối đa các nguồn lực với nhiều hình thức để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 16-11-2017 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Kiên Giang đến 2020 và định hướng đến năm 2030. Triển khai quyết liệt kế hoạch đầu tư công năm 2018, nhất là đối với các công trình trọng điểm; thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách, khai thác tối đa các nguồn thu, chống thất thu và nợ thuế. Tăng cường quản lý đô thị, tài nguyên, đất đai, khoáng sản, rừng và bảo vệ môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển đảo Phú Quốc.

 

      Lĩnh vực văn hóa - xã hội: Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; rà soát, điều chỉnh, quy hoạch mạng lưới trường, lớp bảo đảm cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với nâng cao hiệu quả dạy nghề và giải quyết việc làm. Tiếp tục thực hiện đề án phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020 và những năm tiếp theo; hoàn thành việc sáp nhập 02 trường cao đẳng để đưa vào hoạt động trong quý I/2018. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới theo Nghị quyết cua Trung ương. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tổ chức lại hệ thống tổ chức bộ máy ngành y tế. Đẩy mạnh đào tạo và thu hút nhân lực y tế chuẩn bị cho các bệnh viện mới. Nâng cao y đức, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ y, bác sỹ. Tăng cường y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Chủ động kiểm soát, phòng chống, ngăn chặn kịp thời các loại dịch bệnh. Chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin, tuyên truyền nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng. Rà soát, ưu tiên đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao ở các xã nông thôn mới, gắn với củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các thiết chế hiện có. Tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội chăm lo cho các đối tượng chính sách, nhất là hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

 

      Lĩnh vực quốc phòng - an ninh, đối ngoại; cải cách hành chính và xây dựng chính quyền: Duy trì công tác trực sẵn sàng chiến đấu; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, chủ động trong mọi tình huống. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát ngư trường; duy trì công tác tuần tra, kiểm soát và ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp tranh chấp ngư trường, khai thác hải sản bất hợp pháp. Nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Làm tốt công tác đối ngoại, giữ gìn và phát huy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các đối tác hiện nay; đồng thời mở rộng quan hệ đối ngoại thêm nhiều đối tác mới. Tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp và nhân dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của hệ thống các cơ quan nhà nước. Tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ. Rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ chủ chốt và xây dựng đề án tinh giảm biên chế khối chính quyền ngày càng tinh gọn và hiệu quả./.

Đỗ Huỳnh

Số lần đọc: 5882
Website Kiên Giang
Tin liên quan